Trong mấy ngày qua tin tức về các cuộc phản công thần tốc của quân đội Ukraine tại vùng ngoại ô Kharkiv và sự qua đời của nữ hoàng Anh Elizabeth II đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế. Bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến vai trò của nữ hoàng Anh Elizabeth II đối với Vương quốc Anh và người dân Anh.
Có một câu hỏi mà không phải ai cũng có câu trả lời: Vì sao cho đến bây giờ vẫn còn nhiều quốc gia duy trì chế độ quân chủ hay nói giản dị là vẫn còn vua chúa? Trong đó đa số là các nước văn minh và phát triển như Anh, Nhật Bản, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Monaco. Châu Á cũng có nhiều quốc gia còn vua như Malaysia, Thái Lan, Campuchia và nhiều nước Ả Rập?
Có lẽ nhiều người cho rằng đó chỉ là tập tục và quán tính của các quốc gia nhưng điều đó không hẳn đúng hoàn toàn. Với các nước phát triển tại Châu Âu thì họ ý thức được vai trò quan trọng của các hoàng gia. Một sứ mệnh quan trọng bậc nhất của các ông vua bà hoàng đó là duy trì sự đoàn kết quốc gia.
Như nhiều người đã biết, trong một chế độ dân chủ thì luôn có rất nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. Một vị nguyên thủ quốc gia được bầu lên theo một thể thức dân chủ thì vẫn có người chống đối. Nhiều cuộc bầu cử tại các nước dân chủ có tỉ lệ rất sát sao. Người thắng và người thua chỉ chênh lệnh vài phần trăm số phiếu. Câu hỏi mà các nước dân chủ luôn trăn trở đi tìm câu trả lời là làm sao để đoàn kết được quốc gia. Họ hiểu nếu không đoàn kết được người dân thì đất nước không thể phát triển và ổn định. Các nước độc tài không cần đoàn kết quốc gia mà ngược lại họ không muốn người dân đoàn kết và thương yêu nhau. Người dân càng chia rẽ thì họ càng yên tâm vì không ai đe dọa đến vị thế của họ.
Trong khi đi tìm một biểu tượng của quốc gia, là một người có thể đoàn kết được dân tộc thì người ta nhận ra rằng đó là các ông vua và các hoàng gia. Để các ‘biểu tượng quốc gia’ này không mất lòng bất cứ ai và bất cứ khuynh hướng chính trị nào thì tốt nhất là không trao cho họ bất cứ quyền hành gì. Khi không phải làm gì, tức là không có quyền lực để đưa ra bất cứ quyết định nào ảnh hưởng đến người dân thì họ không thể sai. Không làm thì không sai. Chính vì thế mà các ông vua bà chúa và các hoàng gia trên thế giới hầu hết không có quyền lực chính trị. Họ chỉ là biểu tượng tinh thần cho sự đoàn kết và liên đới của quốc gia mà thôi.
Cựu hoàng đế Akihito là một người được kính trọng tại Nhật Bản.
Các nước không còn vua chúa thì họ bầu ra một nguyên thủ quốc gia, thường là tổng thống để làm biểu tượng cho sự đoàn kết của quốc gia như các nước theo chế độ ‘đại nghị’ Đức, Ấn Độ, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Hy Lạp, Hungary, Israel, Ý…
Tại các nước theo chế độ tổng thống thì người tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu hành pháp. Vì là người đứng đầu hành pháp nên tổng thống có rất nhiều quyền lực vì thế họ luôn có người bênh lẫn người chống. Tổng thống Mỹ hay tổng thống Pháp là những ví dụ. Nhiều người thích họ và nhiều người cũng ghét họ. Như vậy vai trò đoàn kết dân tộc của các vị nguyên thủ này thường thất bại. Họ không những không đoàn kết được quốc gia mà còn gây ra chia rẽ cho quốc gia.
Ưu điểm của các nhà nước quân chủ là họ không phải chọn ra một ông vua hay một nữ hoàng mà đó đơn giản là sự thừa kế tự nhiên của các hoàng gia ‘cha truyền, con nối’. Nữ hoàng Elizabeth II thừa kế ngai vàng từ người cha là quốc vương Geogre VI và tân quốc vương Charles III là người thừa kế ngai vàng từ nữ hoàng Elizabeth II. Tuy nhiên cách chọn lựa tự nhiên này có một nguy hiểm đó là khi người thừa kế không có đủ phẩm giá và đức hạnh, ví dụ trường hợp ông vua đương nhiệm của Thái Lan.
Nữ hoàng Elizabeth II đã trị vì suốt 70 năm qua và bà đã hoàn thành một cách xuất sắc sứ mệnh của mình trên vai trò một nguyên thủ quốc gia. Bà là một mẫu mực của sự trang nhã, văn minh, nghiêm túc và đoàn kết dân tộc. Bà lên ngôi lúc 25 tuổi và trở thành nữ hoàng của Khối Thịnh vượng chung gồm 54 quốc gia từng là thuộc địa của Anh như Canada, Úc, New Zealand…Bà là một chứng nhân lịch sử của nước Anh khi vai trò siêu cường số 1 của nước Anh giảm sút từ sau thế chiến 2. Dấu ấn lớn nhất của bà là đã ‘tuân thủ hiến pháp, tách nền quân chủ ra khỏi chính phủ’ (BBC). Cống hiến cuối cùng của bà cho nước Anh là việc bổ nhiệm bà Liz Truss làm thủ tướng thứ 15 hôm 6/9/2022 và bà tạ thế chiều thứ Năm, 8/9/2022, để lại niềm thương tiếc cho người dân toàn nước Anh.
Nhiều quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung gồm 16 nước còn lại như Canada, Úc, New Zeland vẫn chọn nữ hoàng Elizabeth II làm nguyên thủ quốc gia của mình dù không còn phụ thuộc vào nước Anh là để tạo ra sự đoàn kết cho quốc gia. Việt Nam chúng ta đương nhiên không còn đặt ra vấn đề khôi phục chế độ ‘quân chủ lập hiến’ vì chế độ phong kiến nhà Nguyễn đã chấm dứt cách đây gần 80 năm. Ông vua cuối cùng là Bảo Đại cũng không phải là người có phẩm giá và đức hạnh. Các người con của Bảo Đại cũng không gây được bất cứ chú ý hay tình cảm nào cho người dân Việt Nam.
Như vậy, một nước Việt Nam trong tương lai sẽ chọn chế độ chính trị ‘dân chủ đại nghị và tản quyền’. Một vị nguyên thủ quốc gia là tổng thống sẽ được bầu lên một cách ‘chính đáng dân chủ’ để trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết quốc gia. Vị tổng thống này sẽ đứng trên và đứng ngoài pháp luật nhằm mục đích đoàn kết mọi người dân Việt Nam lại với nhau. Để vị nguyên thủ này không làm gì sai thì người đó sẽ không giữ bất cứ quyền lực chính trị nào. Độc giả quan tâm có thể tham khảo Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
Việc nữ hoàng Elizabeth II ra đi trong sự tiếc thương không chỉ của người dân Anh mà còn của nhiều người khác trên khắp thế giới là vì bà đã sống một cuộc đời xứng đáng. Bà là một biểu tượng hoàn hảo của sự đoàn kết quốc gia với tất cả những đức tính tốt đẹp như sự thủy chung, trách nhiệm, nghiêm túc, lịch thiệp. Suốt cuộc đời bà đã không gây ra bất cứ sự cố phiền toái nào cho hoàng gia cũng như đất nước Anh. Bà xứng đáng để được mọi người kính trọng và ngưỡng mộ.
Việt Hoàng
(10/9/2022)