Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việc Mỹ mời Đài Loan tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa các nước dân chủ, sắp họp trong hai ngày 9 và 10 tháng 12/2021 này, đã khiến Bắc Kinh phản ứng giận dữ. Nhiều nhà bình luận bày tỏ lo âu là tình hình vốn đã căng thẳng từ vài tháng nay có nguy cơ leo thang không kiểm soát nổi với những hậu quả khó lường. Họ có lý không ? Xin có một ý kiến khác.

taiwan1 (2)

Tổng thống sắp mãn nhiệm Tsai Ing-wen (Thái Anh Văn) đã thành công trong việc biến cuộc bầu cử tổng thống thành một cuộc trưng cầu dân ý về bản sắc và chủ quyền của Đài Loan. (Sunny Mok / EPN / Newscom / SIPA, 10/10/2020)

Chính phủ Joe Biden chắc chắn phải biết đây là một thách thức đối với Bắc Kinh vì như thế Đài Loan đã mặc nhiên được Mỹ và hơn một trăm nước tham gia hội nghị nhìn nhận như một quốc gia, chứ không phải chỉ là một tỉnh tạm thời ly khai của một nước Trung Hoa duy nhất do Đảng Cộng Sản Trung Quốc lãnh đạo. Hơn nữa Đài Loan còn được nhìn như một nước dân chủ, nghĩa là một tương lai mà Trung Quốc sẽ phải có (dù như thế khó duy trì được sự thống nhất). Tuy vậy sự phẫn nộ của Bắc Kinh có thể chỉ là một thái độ giả tạo do hoàn cảnh bắt buộc.

Trước khi đi xa hơn có lẽ chúng ta cũng nên đặt nhanh một câu hỏi khác : tại sao Việt Nam đã không được mời tham dự thượng đỉnh này dù trên thực tế, trái với thành kiến của một số người, Việt Nam đang là một đồng minh rất thân thiết của Mỹ trong cuộc tranh hùng với Trung Quốc ? Cần trả lời một cách quả quyết : không mời chính quyền cộng sản Việt Nam là đương nhiên vì Việt Nam hiện nay không phải là một nước dân chủ, trái lại chính quyền Hà Nội còn chống dân chủ một cách công khai, chính thức và hung bạo. Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ này sẽ mất hết ý nghĩa và còn bị lố bịch hóa nếu mời những chính quyền như Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Bắc Cao Ly, Cuba. Còn Đài Loan thì khác hẳn.

taiwan2

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong buổi lễ cắm cờ hạ thủy một tàu chiến mới của Hải quân Đài Loan ngày 9/9/2021 © AFP / EyePress News / EyePress via AFP

Đài Loan là một trong những hiện tượng chính trị lạ thường, một trong những phép mầu lớn nhất trên thế giới từ một nửa thế kỷ qua. Năm 1971, khi bị Hoa Kỳ bỏ rơi và tiếp tay loại khỏi Liên Hiệp Quốc không ai dám đánh cuộc về tương lai của Đài Loan. Đài Loan lúc đó là một chế độ độc tài quân phiệt dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch, với một mức độ phát triển không hơn Thái Lan và miền Nam Việt Nam là bao. Đó là một chế độ độc tài nghèo và nhỏ đang bị một nước khổng lồ mưu toan chinh phục với lý do khá vững chắc bởi vì chính Đài Loan cũng tự nhận mình là Trung Quốc với danh xưng Trung Hoa Dân Quốc. Nhưng rồi Đài Loan chuyển hóa về dân chủ và, trái với mọi dự đoán, nhanh chóng trở thành một trong những nền dân chủ chân chính nhất và thành công nhất thế giới. Hiện nay Đài Loan đang có một thu nhập danh nghĩa trên mỗi đầu người tương đương với Liên Hiệp Châu Âu (khoảng 30.000 USD), nhưng với mức sống cao hơn hẳn (khoảng 60.000 USD nếu tính theo mãi lực). Mời Đài Loan là một bắt buộc của một thượng đỉnh dân chủ, cũng đương nhiên như không thể mời Việt Nam.

Bắc Kinh dĩ nhiên bắt buộc phải tỏ ra phẫn nộ dù không thực sự phẫn nộ như nhiều người nghĩ nếu ta nhận định những gì mà họ có thể làm.

taiwan3

Hỏa lực của những máy bay chiến đấu của Đài Loan (Sam Yeh/AFP) - Ảnh minh họa 

Trung Quốc không thể đánh chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Đài Loan tuy chỉ có 23 triệu dân nhưng ở cách xa Hoa Lục gần 200 km đường biển và biển loại bỏ chiến thuật biển người. Cuộc chiến nếu xảy ra sẽ chủ yếu bằng không quân, hải quân và phi đạn. Quân số không quan trọng lắm. Và Đài Loan có một quân đội rất mạnh, nhất là không quân. Nhiều người nói Trung Quốc có tới 777 tầu chiến đủ loại nhưng có bao nhiêu trong số này thực sự có khả năng hải chiến ? Phần lớn những tầu chiến này đã được chế tạo gần đây để có công việc làm cho các công ty đóng tầu Trung Quốc đang bị đe dọa phá sản vì số đơn đặt hàng giảm một cách nghiêm trọng. Các tầu chiến này có khả năng tác chiến không, hay ngay cả có đội ngũ hải quân đúng nghĩa không còn là một câu hỏi lớn. Người ta cũng nói tới con số 2.000 máy bay quân sự của Bắc Kinh trong khi Đài Loan chỉ có 300 máy bay chiến đấu, nhưng sức mạnh của một không lực không ở số lượng mà chủ yếu tùy thuộc vào phẩm chất của các máy bay và mức độ tinh nhuệ của các phi công. Các máy bay chiến đấu của Đài Loan có phẩm chất hơn hẳn và các phi công Đài Loan là những phi công được huấn luyện chu đáo nhất thế giới. Thêm vào đó Đài Loan có hàng trăm phi đạn với tầm xa trên 1.000 km, đủ để đánh sập đập Tam Hiệp và nhiều đập lớn khác, dìm ngập một phần quan trọng Hoa Lục.

Trung Quốc chưa chắc đã đánh bại được Đài Loan và nếu có chinh phục được Đài Loan thì cũng phải trả một giá rất đắt, sẽ thiệt hại hàng chục triệu người, sẽ bị tàn phá và bị thụt lùi lại vài thập niên. Không những thế nếu đánh Đài Loan, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ phải đương đầu cả với Mỹ, Nhật, Anh và Úc, có khi cả Ấn Độ và Liên Hiệp Châu Âu. Dĩ nhiên Bắc Kinh không dám nghĩ tới giải pháp chiến tranh. Chính họ đã tuyên bố sẽ thống nhất Trung Quốc và Đài Loan bằng đường lối hòa bình.

Nhưng điều cần được ý thức rõ ràng là Trung Quốc thực ra cũng không muốn thống nhất với Đài Loan bằng đường lối hòa bình như họ tuyên bố. Đường lối hòa bình nào ?

Trước hết họ không thể tạo áp lực để hăm dọa khiến Đài Loan sợ và đầu hàng. Không làm gì có khả năng này. Đài Loan đủ sức tự vệ và cũng đầy quyết tâm tự vệ, lại càng không có lý do gì để phải hy sinh cuộc sống tự do phồn vinh và chấp nhận một ách độc tài. Hơn nữa họ còn được sự hỗ trợ của những đồng minh rất mạnh. Thống nhất trong hòa bình vì vậy nếu diễn ra chỉ có thể là do thỏa thuận tự nguyện của đôi bên, nhưng trong trường hợp này tương quan lực lượng sẽ thay đổi hẳn. Lý do là vì tuyệt đại đa số người Hoa Lục rất muốn chế độ dân chủ của Đài Loan trong khi không một người Đài Loan nào muốn chế độ cộng sản Bắc Kinh. Nếu hai bên thống nhất trong tinh thần thân thiện thì chính chế độ cộng sản Bắc Kinh sẽ bị đào thải chứ không phải chế độ dân chủ Đài Bắc.

Tóm lại thống nhất bằng chiến tranh không được, bằng áp lực cũng không xong mà bằng hòa bình thì đồng nghĩa với tự sát, Bắc Kinh không thể mong gì hơn là tình trạng hiện nay, nghĩa là một Đài Loan riêng biệt và bị mang tiếng là không chịu thống nhất với Trung Quốc.

Đến đây một câu hỏi mà nhiều người có thể đặt ra là vậy tại sao Trung Quốc lại hung hăng gây áp lực bằng những xâm phạm liên tục không phận và hải phận an ninh của Đài Loan ? Đó là vì quan hệ hợp tác hữu nghị với Đài Loan trong bốn thập niên qua đã khiến Đài Loan dần dần tạo được ảnh hưởng rất lớn trong hoạt động kinh tế Trung Quốc, nhất là tại các tỉnh duyên hải cũng là những tỉnh phát triển nhất của Trung Quốc như Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô. Mô hình dân chủ Đài Loan đồng thời cũng đã chinh phục được cảm tình của đa số người Hoa Lục. Bắc Kinh đã nhìn thấy mối nguy này và không còn muốn quan hệ hợp tác hữu nghị này tiếp tục nữa. Bắc Kinh sợ Đài Loan và gây sự để đoạn tuyệt.

taiwan4

Vào mỗi buổi tối của tuần trước ngày lễ quốc khánh, dinh tổng thống tổ chức một buổi trình diễn ánh sáng, nhằm quảng bá sự đa dạng của hòn đảo và khả năng phục hồi của cư dân khi đối mặt với dịch Covid-19. (Alice Hérait)

Tương lai sẽ ra sao ?

Trái với dự đoán bi quan của nhiều người, mô hình dân chủ Đài Loan sẽ vẫn an toàn và vững mạnh trong khi chế độ cộng sản Bắc Kinh và Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ không qua khỏi cuộc chuyển hóa bắt buộc về dân chủ. Đài Loan đã là một phép mầu lớn và sẽ còn tạo ra một phép mầu lớn hơn trong giai đoạn sắp tới.

Sau cùng xin trả lời câu hỏi đặt ra trong đầu đề của bài này : Phép mầu Đài Loan do nguyên nhân nào ?

Trái với lập luận của một số lãnh đạo cộng sản Việt Nam, theo đó dân chủ đa nguyên tuy là một lý tưởng đúng và đẹp nhưng không thể thực hiện ngay được, Đài Loan đã chứng tỏ rằng sự chuyển hóa về dân chủ có thể rất nhanh chóng và thành công mỹ mãn, với điều kiện là được thực hiện một cách thành thực và với quyết tâm. Đó đã là nguyên nhân của phép mầu Đài Loan và cũng là một bài học cho Việt Nam.

Một nguyên nhân khác quan trọng không kém là sự đóng góp của cộng đồng người Hoa hải ngoại. Cộng đồng này rất đông và rất mạnh nhưng đã chỉ ủng hộ và góp phần quyết định cho sự thành công của Đài Loan khi Đài Loan chấp nhận dân chủ hóa. Đây cũng là một bài học lớn cho Việt Nam. Cộng đồng người Việt hải ngoại tuy không bằng cộng đồng người Hoa hải ngoại nhưng cũng rất đáng kể. Đó là khoảng sáu triệu người trong đó gần một triệu người tốt nghiệp những trường đại học phẩm chất cao và làm việc trong tất cả mọi kỹ thuật hiện đại tại những nước dân chủ tiên tiến nhất. Khối người Việt hải ngoại này là một tài nguyên rất lớn của đất nước trong cố gắng vươn lên trong một thế giới mà tụt hậu trong trung hạn đồng nghĩa với tiêu vong. Nhưng, cũng như cộng đồng người Hoa, họ chỉ có thể phục vụ và đóng góp cho một nước Việt Nam dân chủ.

Đảng Cộng Sản Việt Nam, vì ngoan cố duy trì chế độ độc tài đảng trị nhân danh một chủ nghĩa Mác-Lênin vừa sai vừa lỗi thời vẫn còn tiếp tục thách thức dân tộc và làm mất dần đi tài sản quý báu này. Bởi vì sự phẫn nộ kéo dài quá lâu với một chế độ vô lý đang dần dần biến thành một sự chán nản với chính đất nước.

Nguyễn Gia Kiểng

(06/12/2021)

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng
Published in Quan điểm