Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chúng ta cần hòa giải các tôn giáo, nhất là Phật Giáo và Công Giáo, hai tôn giáo đã bị các nhà cầm quyền Việt Nam cũng như ngoại bang bách hại, đàn áp, phân biệt đối xử và đặt vào thế đối đầu với nhau. Đã thế, các hiềm khích, hậu quả của một hoàn cảnh lịch sử trong đó cả hai tôn giáo đều là nạn nhân, thay vì được giải tỏa còn đôi khi bị thổi phồng và khai thác cho những tham vọng bất chính.

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai,

dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, 2015)

nuiphuc1

Trên Núi Phúc nghĩ về một vết thương của đất nước - ảnh NGK

Giê Su Kitô chắc chắn đã ý thức được tầm quan trọng của bài ông sắp giảng. Theo sách phúc âm của Mathieu thì ông đã dẫn các môn đệ và một đám đông lên tận một đỉnh núi để nói.

Người ta có thể cảm nhận được điều này khi tới đây. Đỉnh núi này tuy thấp hơn mặt biển Địa Trung Hải nhưng cao hơn gần 200 mét so với mặt Biển Galilê (Galilee) -còn được gọi là Hồ Tiberiade- kế cận và đúng là một đỉnh núi so với khu vực chung quanh. Đám đông và các môn đệ chắc chắn đã phải đi theo Giê Su (Jesus) một đoạn đường khá xa.  Ngay bây giờ, dù dân cư đã đông gấp ít nhất 100 lần so với lúc đó, chung quanh ngọn núi này, được gọi là Núi Phúc (Mount of Beatitudes), cũng không có người ở. Giê Su đến từ làng Tabgha cách đó hơn mười cây số. Đỉnh núi này cống hiến một cái nhìn tuyệt đẹp xuống Biển Galilê và cảnh vật chung quanh.

Theo những gì được ghi chép lại thì Giê Su đã bắt đầu bài giảng như sau :

1. Những ai có lòng thanh bạch là có phúc thật vì Nước Trời là của họ.

2. Những ai đau buồn là có phúc thật vì sẽ được an ủi.

3. Những ai hiền lành là có phúc thật vì thế giới này sẽ là của họ.

4. Những ai khao khát lẽ phải là có phúc thật vì sẽ được toại nguyện.

5. Những ai thương yêu người là có phúc thật vì sẽ được thương yêu.

6. Những ai có tâm hồn trong sạch là có phúc thật vì sẽ được gặp Thiên Chúa.

7. Những ai tạo hòa thuận những con người là có phúc thật vì sẽ đúng là con Thiên Chúa.

8. Những ai chấp nhận chịu nạn vì lẽ phải là có phúc thật vì Nước Trời là của họ.

Bài giảng này được gọi là "Bài Giảng Trên Núi" (Sermon sur la Montagne, Sermon on the Mount). Có thể nói cùng với kinh Lạy Cha mà Giê Su dạy dân thành Jerusalem trên núi Olives, nó tóm tắt triết lý Thiên Chúa Giáo (*), tương tự như bài giảng Tứ Diệu Đế của Thích Ca (Shākya) tại vườn Lộc Uyển (Sarnath) đã đặt nền tảng cho triết lý Phật Giáo. Bài giảng này đã là chủ đề của vô số giải thích và bình luận mang tính thần học. Ở đây người viết chỉ tự giới hạn trong góc nhìn tư tưởng và lịch sử.

Điều người ta có thể nhận xét là Nước Trời, hay thiên đàng, được định nghĩa như là tấm lòng thanh bạch giản dị không thèm muốn (câu số 1), là sự trung thành với lẽ phải và không thỏa hiệp với sự gian sai dù vì thế mà bị bách hại (câu số 8). Như vậy, nếu chỉ cần diệt được lòng thèm muốn và sống đúng theo lẽ phải là thoát được khổ và có thiên đàng, thì thiên đàng chủ yếu là một trạng thái của tâm hồn có thể đạt tới ngay tại đây. Nghe quen quen, Thích Ca cũng đã nói về Niết Bàn như thế hơn 500 năm trước.

nuiphuc2

Nơi Giê Su ngồi giảng nay là một nhà nguyện - ảnh NGK

Còn Thiên Chúa ? Đấng Tối Cao được định nghĩa như là điều người ta có thể tìm đến bằng sự trong sạch (câu số 6) và bằng tình yêu thương, bằng sự khước từ hận thù và bạo lực (câu số 7). Sự trong sạch mà Giê Su nói phải được hiểu là sự trong sạch tuyệt đối mà người ta chỉ có thể tới gần bằng ánh sáng của sự hiểu biết, sau một cố gắng lớn để vượt lên được sự u mê. Cũng không khác gì sự tu luyện Bát Chính Đạo của Phật Giáo.

Điều cần được nhấn mạnh trong bài giảng này là sự thượng tôn lẽ phải. Lẽ phải được coi là tương đương với Thượng Đế. Trước Giê Su bốn thế kỷ Socrates và Plato cũng đã nói như thế.

Thoạt nhìn tư tưởng của Giê Su có vẻ khác với Thích Ca ở chỗ Giê Su nói về hạnh phúc và những gì cần có để đat tới hạnh phúc trong khi Thích Ca nói về sự đau khổ và những gì cần để thoát khổ. Phật nói về họa trong khi Giê Su nói về phúc. Tuy vậy đó chỉ là hai mặt của cùng một vấn đề được trình bày theo một thứ tự thời gian đương nhiên. Thoát khổ cũng là hạnh phúc và trước khi làm đúng phải thôi làm sai. Bertrand Russell, một trong những triết gia lớn nhất của thế kỷ 20, trong tác phẩm Lịch Sử Triết Học Phương Tây (History of Western Philosophy) đã tưởng tượng ra một cuộc điều trần trước Thượng Đế của Thích Ca và Giê Su trong đó Thích Ca gọi Giê Su là "người kế thừa của tôi".

Điều thực sự khác giữa hai người là Giê Su đã biểu lộ một niềm tin lạc quan khó tưởng tượng vào lẽ phải trong khi Thích Ca có vẻ thận trọng hơn. Ông nói : "Những ai khao khát lẽ phải là có phúc thật vì sẽ được toại nguyện" (câu số 4).

Nói cách khác chính nghĩa nhất định sẽ thắng. Ngày nay rất nhiều người nói như vậy nhưng có bao nhiêu người biết rằng Giê Su là người đầu tiên nói như thế ?

Đây là một tuyên ngôn chính trị, chính trị hiểu theo nghĩa chân chính của nó là thể hiện lẽ phải và những giá trị đạo đức trong xã hội. Giê Su cũng lạc quan tin rằng thế giới sẽ phải dần dần tiến tới hòa bình và thân ái khi ông quả quyết : "Những ai hiền lành là có phúc thật vì thế giới này sẽ là của họ" (câu số 3). Chứ không phải của những danh tướng, của căm thù và bạo lực. Giê Su còn đẩy sự lạc quan tới mức độ cho rằng "Những ai đau buồn là có phúc thật vì sẽ được an ủi" (câu số 2). Tại sao đau buồn lại là có phúc ? Tuy vậy niềm tin này không nghịch lý và viển vông như nhiều người có thể nghĩ. Giê Su nói về sự đau buồn của Người Đúng. Điều gì an ủi một người đúng khi đau buồn nếu không phải là niềm tin rằng mình đã làm tất cả những gì phải làm và không làm điều gì sai trái, và như vậy mình đã đã rất cao cả và đã đến gần Sự Tối Cao, như trong câu số 8. Không chỉ là một sự an ủi mà còn là một niềm hãnh diện.

Trong kinh Lạy Cha, mà theo sách Mathieu là đoạn sau của Bài Giảng Trên Núi, Giê Su bổ túc thêm : "Chúng tôi nguyện Ý Cha thể hiện trên trái đất này cũng như trên Nước Trời""Xin Cha tha thứ những sai phạm của chúng tôi như chúng tôi cũng sẽ tha thứ cho những người đã sai phạm đối với chúng tôi".

Bổ túc để nhấn mạnh thêm rằng lẽ phải có thể và cần được thực hiện ngay trên trái đất này và sự khoan dung là một bắt buộc trong cuộc sống.

Quan trọng hơn là câu : "Xin giúp chúng tôi đừng sa ngã trước sự cám dỗ". Phật cũng coi sự cám dỗ của lòng tham là căn nguyên của sai lầm và đau khổ. Kinh Lạy Cha có tính chất của một cam kết long trọng làm sáng tỏ thêm Bài Giảng Trên Núi.

nuiphuc3

Tranh vẽ Giê Su giảng đạo 2000 năm trước - ảnh NGK

Có thể nói Bài Giảng Trên Núi đã là một đột phá tư tưởng rất lớn, đặt nền tảng cho nền văn minh Phương Tây cận đại đang được phần lớn thế giới chia sẻ. Điều cần ý thức rõ khi đánh giá một triết lý đạo đức là điều quan trọng nhất trong một tôn giáo hay một văn hóa không phải là sự có mặt hay vắng mặt của một số giá trị, vì nói chung thì nền văn minh nào cũng chứa đựng những giá trị như nhau.

Điều quan trọng là thứ bậc và trọng lượng tương đối của các giá trị. Trong tư tưởng của Giê Su, mà phần cốt lõi là bài giảng này, giá trị cao nhất và bao trùm tất cả là Lẽ Phải với những tên gọi khác nhau tùy bối cảnh của nó như cái Đúng, cái Tốt, điều Thiện, Luật, Chính Nghĩa v.v. Bốn thế kỷ trước Socrates cũng đã từng nói cái Đúng là cao nhất, thượng đế mà không đúng cũng không cần nghe theo, Plato cũng nói luật là cao nhất nên luật phải đúng, một luật không đúng không phải là luật.

Caiphe (Caiaphas) và các giáo sĩ Do Thái thủ cựu đã xử oan một người đúng nhưng họ đã không lầm khi họ coi Giê Su là một người gây rối loạn trong Do Thái Giáo. Quả thực những điều mà ông rao giảng rất khác, thậm chí trái ngược với Thánh Kinh Do Thái (Torah). Thượng Đế mà ông đề cao và thường gọi là "cha tôi" rất khác với thần Yavhé (Yahweh) của Do Thái Giáo. Yavhé tự xưng là một thần chiến tranh, ghen tức và sẵn sàng trừng phạt, Thiên Chúa của Giê Su trái lại là một thượng dế hiền lành, khoan dung và gần gũi với con người.

Giê Su gần như quan niệm Thiên Chúa là Lẽ Phải mà con người có thể tới gần sau một cố gắng kiên trì. Có lúc ông đã nói mọi con người đều có Thượng Đế trong mình (sách Mathieu) và ông cũng thường xác nhận ông và Thiên Chúa chỉ là một. Nhiều khi Giê Su còn phản bác cả luật Moise (Moses) trong Thánh Kinh Do Thái. Giê Su biện luận rằng ông không hủy bỏ mà chỉ hoàn tất luật cũ.

Nhưng thế nào là hoàn tất ? Đây chỉ là một cách chơi chữ. Dưới cái nhìn của một người nghiên cứu Giê Su gần như vô thần. Gần như thôi vì Giê Su thực sự tin có một thượng đế sống động thể hiện Lẽ Phải ; trên thập giá trước khi chết có lúc ông than thở "Cha ơi sao Cha nỡ bỏ con ?", có lúc ông lại xin Thiên Chúa tha tội cho những người giết ông : "Xin Cha tha thứ cho họ, họ không hiểu những gì họ làm".

Về quan niệm Thượng Đế, cũng là điểm cốt lõi của mọi tôn giáo, Giê Su Kitô rất gần Thích Ca Mâu Ni. Quan điểm của Giê Su về đời sau và thiên đường -mà ông gọi là Nước Trời- với sự phán xét và thưởng phạt theo những gì mà mỗi người đã làm trong đời này -công đức cũng như tội lỗi- cũng là một du nhập từ thuyết luân hồi, nhân quả hiện diện một cách mạnh mẽ trong Phật Giáo chứ không có trong Do Thái Giáo.

Một điểm giống nhau quan trọng khác giữa Phật Giáo và Công Giáo là các tu viện. Phật Giáo và Công Giáo là hai tôn giáo duy nhất có những người tách hẳn khỏi đời thường, từ chối mọi tiện nghi để sống cuộc đời tu hành độc thân khổ hạnh hoàn toàn cống hiến cho suy tư và đức tin tôn giáo. Tôi đã thăm tu viện trên Núi Cám Dỗ (Mont de la tentation, Mount of Temptation), nơi Giê Su đã từng nhịn đói 40 ngày, và đã gặp những tu sĩ như thế. Họ hoàn toàn tự cô lập với thế giới bên ngoài, ăn uống ở mức tối thiểu cần thiết và không nói nữa vì lời nói không còn cần thiết khi nội tâm đã là tất cả. Đây là một điều mà không ai có thể chối cãi rằng Công Giáo đã lấy từ Phật Giáo.

Trên rất nhiều điểm căn bản Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, nhất là Công Giáo, giống nhau. Thiên Chúa Giáo đã là kết quả của sự găp gỡ giữa Phật Giáo và Do Thái Giáo trong đó Phật Giáo là phần chính, Do Thái Giáo là phần phụ. Bertrand Russell hoàn toàn có lý khi coi Giê Su Kitô là người thừa kế của Thích Ca Mâu Ni.

Điều rất đáng ngạc nhiên là rất ít người Việt Nam, kể cả các học giả, nhìn thấy quan hệ mật thiết và huyết thống giữa Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, nhất là Công Giáo, mặc dù đây là một sự thực lịch sử hiển nhiên, ngoài sự tương đồng về tư tưởng như ta vừa thấy.

Trước hết hãy nhìn lướt qua lịch sử thế giới. Các tôn giáo và các triết lý bao giờ cũng ít nhiều là sản phẩm của thực trạng xã hội vào lúc và ở nơi mà chúng xuất hiện, ngay cả khi chúng được coi là vượt thời gian và không gian. Chúng được lập ra để giải quyết những khó khăn của cuộc sống. Đó đã là trường hợp của Phật Giáo. Những cuộc chiến tàn khốc và liên tục giữa vô số các vương quốc dần dần đã khiến người ta ghê tởm bạo lực và tội ác và đi đến niềm tin rằng tội ác phải bị trừng trị. (Gần như toàn bộ dòng họ Thích Ca bị tàn sát ngay trong lúc ông còn sống). Thuyết luân hồi –đã có từ trước- vì thế mạnh lên, người ta tin rằng tội ác phải bị trừng trị bởi vì người ta mong nó bị trừng trị. Không phải một mình Thích Ca mà hàng ngàn hàng vạn người trong giai cấp quý tộc và chiến binh thời đó đã bỏ nhà đi tu, hành hạ thân xác mình để chuộc tội. Điều khác biệt nơi Thích Ca là ông đã nhìn ra con đường giải thoát và đạo Phật ra đời như một giải pháp cho bể khổ trong đó xã hội Ấn Độ đang chìm đắm.

Cùng một hoàn cảnh đã xẩy ra cho vùng đất Hy Lạp hai thế kỷ sau. Những cuộc chiến liên tục giữa các thành quốc, rồi cuộc chiến tranh bành trướng của Alexander và sự sụp đổ của đế quốc Alexander sau đó đã khiến xã hội Hy Lạp tan tành trong một tình trạng tang tóc và khổ cực tuyệt đối. Đó cũng chính là lúc mà Phật Giáo được truyền bá sang Hy Lạp và gần như tức khắc được chấp nhận. Phật Giáo Hy Lạp, nghĩa là Phật Giáo thích nghi với văn hóa Hy Lạp, đã là tư tưởng chính của vùng này trong hơn bẩy thế kỷ. Sự hòa nhập giữa Phật Giáo và văn hóa Hy Lạp có thể nhìn thấy trên các tượng Phật : tất cả đều được đúc theo nghệ thuật Hy Lạp. Giai đoạn này cũng chính là giai đoạn mà vùng đất Cận Đông -trong đó có Do Thái, Palestine, Jordan, Syria, Lebanon- bị chinh phục và thống trị bởi đế quốc của Alexander, rồi đế quốc La Mã với cùng một văn hóa.

Khi Giê Su ra đời, ảnh hưởng áp đảo của văn hóa Hy Lạp – La Mã, trong đó Phật Giáo là tư tưởng tôn giáo chính, đã kéo dài ba thế kỷ. Càng áp đảo vì ngoài sự chiếm đóng còn có sự gần gũi về địa lý. Hy Lạp không xa Palestine. Sự trao đổi vốn đã mạnh từ lâu. Sau này khi Giê Su đã bị bách hại, mẹ ông là bà Maria cũng sang Hy Lạp (phần phía Châu Á, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) và sống những năm cuối đời ở đây. Tư tưởng Phật Giáo cũng đã được chấp nhận tại vùng này vì cùng một lý do khiến nó đã được chấp nhận tại Ấn Độ : chiến tranh, tang tóc và khổ cực. Nhìn những thành quách La Mã đồ sộ được xây dựng khắp nơi người ta có thể hình dung dân chúng thời đó bị đày đọa tới mức độ nào.

Lúc đó Do Thái Giáo chủ yếu co cụm lại tại miền Nam, trong vùng Judée (Judea) chung quanh thành Jérusalem. Tại miền Bắc, vùng Galilê chung quanh Biển Galilê, ảnh hưởng của văn hóa Hy La áp đảo. Thành phố lớn nhất là Tiberiade, mang tên hoàng đế La Mã Tibère (Tiberius), và Biển Galilê được gọi là Hồ Tiberiade. Giê Su lớn lên và giảng đạo trong vùng này. Ông chỉ tới Jerusalem năm lần trong suốt cuộc đời, mỗi lần là một cuộc đụng độ với các giáo sĩ Do Thái chính thống tại Jerusalem. Lần cuối cùng ông bị sát hại. Ảnh hưởng của Phật Giáo lên ông là điều hiển nhiên và giải thích những tương đồng giữa Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo mà một phần vừa được trình bày. Ngày nay người ta ít thấy những di tích vật chất của Phật Giáo tại Hy Lạp cũng như tại Cận Đông vì một đặc tính của Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) là nó thấm nhập vào tư tưởng rồi được hòa nhập vào một tôn giáo khác, Ấn Giáo tại Ấn Độ, Thiên Chúa Giáo tại Hy Lạp và Cận Đông.

Trên đỉnh Núi Phúc tôi liên tưởng đến đất nước mình.

Thảm họa Formosa đã quá kinh khủng và tác hại của nó sẽ còn kéo dài nhưng nhà máy thép Formosa vẫn còn đó để tiếp tục đe dọa phá hoại môi trường. Tại sao lại chỉ có đồng bào Công Giáo của giáo phận Vinh phản ứng mặc dù họ chỉ là một thiểu số 8% ? Giải thích thông thường là Công Giáo là cộng đồng duy nhất có tổ chức.

Đồng ý, nhưng tại sao phần còn lại của quần chúng không hưởng ứng dù họ cũng là nạn nhân không khác gì người Công Giáo ? Sự kìm kẹp của bộ máy công an đồ sộ chỉ là một lý do và cũng không phải là lý do chính. Lý do chính là chính là sự cô lập của Thiên Chúa Giáo với phần còn lại của dân tộc. Đây là một vết thương vẫn chưa lành của dân tộc ta, hậu quả những chính sách và ý đồ bất chính trong đó Phật Giáo đã bị lạm dụng.

Sự kỳ thị đối với Thiên Chúa Giáo không chỉ bắt đầu từ thời vua Minh Mạng. Chỉ ít lâu sau khi tới Việt Nam Thiên Chúa Giáo đã gặp phản ứng thù ghét dữ dội của Nho Giáo. Thiên Chúa Giáo không chỉ đem đến những giá trị mới mà còn phân biệt rõ rệt Vua và Trời, và tôn thờ Giê Su như là con duy nhất của Trời trong khi đối với Nho Giáo vua chính là con Trời và thay Trời trị nước.

Giê Su từng nói hãy trả cho César những gì của César và trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa. Điều này không thể chấp nhận được đối với giới nho sĩ. Họ là một giai cấp sinh sống nhờ chế độ quân chủ tuyệt đối. Họ đã chấp nhận làm những tôi tớ vô điều kiện cho các vua chúa, kể cả phạm tội ác, để có miếng ăn và địa vị trong một xã hội nô lệ. Phản ứng dữ dội của họ đối Công Giáo là một phản ứng tự vệ nghề nghiệp. Trước hết bằng bạo lực qua những đợt cấm đạo đẫm máu từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh và bùng phát trở lại dưới thời Minh Mạng và Tự Đức ; sau cùng là các cuộc tấn công các làng công giáo của các nhóm Cần Vương và Văn Thân.

Việt Nam đã là nước cấm đạo hung bạo nhất và có nhiều người tử đạo nhất, bởi vì Việt Nam còn tôn sùng Nho Giáo hơn cả Trung Quốc. Nước ta đã bị Trung Quốc đô hộ trong hơn một ngàn năm và sau đó các triều đại kế tiếp nhau đã cố gắng áp đặt văn hóa Khổng Giáo, nhưng Trung Quốc ít ra còn có một vài xét lại, Việt Nam thì chỉ hoàn toàn rập khuôn.

Giới nho sĩ chống Công Giáo dĩ nhiên cũng đã sử dụng vũ khi tuyên truyền. Họ đã viết ra hoặc truyền miệng vô số chuyện bịa đặt để bôi nhọ và gây ác cảm đối với đạo Công Giáo. Một thí dụ điển hình là cuốn Tây Dương Gia Tô Bí Lục viết ra từ đời nhà Nguyễn mà chính quyền cộng sản đã cho in lại và phổ biến năm 1980. Cuốn sách hoàn toàn không có một giá trị tài liệu hoặc lý luận nào nhưng phá mọi kỷ lục về hạ cấp và thô bỉ.

Một thí dụ khác là sự vu cáo rằng Công Giáo đã là dụng cụ để thực dân Pháp thôn tính nước ta. Hoàn toàn dựng đứng, giáo hội Công Giáo đã bị tàn sát và loại bỏ hẳn khỏi chính quyền Pháp từ sau Cách Mạng 1789. Đôi khi họ cũng tham khảo lịch sử Thiên Chúa Giáo nhưng chỉ để tìm những chi tiết có thể xuyên tạc để bôi nhọ. Cuộc chiến tranh tuyên truyền này vẫn tiếp tục sau khi chính sách cấm đạo đã chấm dứt. 

Dĩ nhiên họ cũng đã cố gắng lôi kéo Phật Giáo. Phật Giáo tuy không phải là tôn giáo của đa số người Việt Nam như nhiều người lầm tưởng nhưng là một tôn giáo đã đồng hành thân thiện với dân tộc trong suốt dòng lịch sử và mọi người Việt Nam dù theo tôn giáo nào hay không có tôn giáo đều ít nhiều là Phật tử. Xung đột với Phật Giáo cũng gần như xung đột với dân tộc. Các nho sĩ chống Công Giáo vì thế phải tìm cách đặt Phật Giáo vào thế xung đột với Công Giáo. Họ lập luận rằng Phật Giáo là tôn giáo của dân tộc ta từ ngàn xưa nay đang bị một tôn giáo ngoại lai cạnh tranh và đe dọa. Nhưng họ không thành công. Phật Giáo không hề mâu thuẫn với Công Giáo, ít nhất cho tới năm 1945. Lý do là vì họ không có lập luận nào thuyết phuc. Hơn nữa Nho Giáo đã chèn ép và miệt thị Phật Giáo trong suốt năm thế kỷ từ cuối đời nhà Trần nên không còn tư cách nào để vận dụng Phật Giáo. Sự miệt thị này thông thường đến nỗi không ai ngạc nhiên khi một người khả ái như Bà Huyện Thanh Quan có thể viết khi thăm chùa Trấn Quốc "Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu !". Thời Pháp thuộc trái lại đã là giai đoạn mà Phật Giáo được kính trọng và được tự do phát triển.

Nói chung, cho tới năm 1945 giữa Phật Giáo và Công Giáo không hề có xung khắc. Sự chia rẽ giữa Phật Giáo và Công Giáo chỉ có thực và trở thành nghiêm trọng sau năm 1945. Đảng Cộng Sản coi Công Giáo là một kẻ thù không thể thu phục và dùng mọi thủ đoạn và phương tiện để cô lập, kể cả cho cán bộ đội lốt ni sư để sách động Phật tử và quần chúng chống Công Giáo. Lần này Đảng Cộng Sản có khá nhiều đồng minh : những người vốn đã ghét đạo Công Giáo vì tự coi là con cháu tinh thần của các vị Cần Vương – Văn Thân, những trí thức thân cộng –dù là vì thích chủ nghĩa cộng sản hay vì lầm tưởng Đảng Cộng Sản chỉ tranh đấu vì độc lập của dân tộc-, trình độ dân trí của dân ta còn thấp và dễ bị lung lạc, và sau cùng là sự vô ý thức hoặc vụng về của những người lãnh đạo phe quốc gia, điển hình là chính quyền Ngô Đình Diệm.

Ngoài ra cũng phải nói tới trách nhiệm của chính nhiều người Công Giáo và ngay cả một số tu sĩ. Vì bị cô lập, họ đã có phản xạ co cụm thay vì mở ra, hơn thế nữa đôi khi còn cao ngạo, như buộc người ngoại đạo phải theo đạo nếu muốn kết hôn với một người có đạo v.v. Cách ứng xử sai lầm này góp phần không nhỏ tạo ra dị ứng cho phần còn lại của xã hội. Cuối cùng Đảng Cộng Sản đã khá thành công trong việc chia rẽ Công Giáo và Phật Giáo. Vết thương của thời kỳ cấm đạo chưa kịp lành thì lại bị mở ra và vẫn còn chẩy máu.

Ngày hôm nay Đảng Cộng Sản lại càng có lý do để chia rẽ Công Giáo và Phật Giáo. Họ đã kiểm soát được Phật Giáo. Họ cần cô lập Công Giáo, thành phần dân tộc đoàn kết nhất, có lập trường đối lập quả quyết nhất và đáng ngại nhất đối với họ.

Người Công Giáo tuy chỉ là 8% dân tộc nhưng mọi kinh nghiệm đấu tranh chống độc tài trên thế giới đều đã chứng tỏ rằng chỉ cần một khối người 3% có quyết tâm là đủ để giành thắng lợi với điều kiện là khối người này không bị cô lập. Phá vỡ được thế cô lập của người Công Giáo, xóa bỏ được mâu thuẫn giữa Phật Giáo và Công Giáo, hòa giải được Công Giáo với dân tộc là chúng ta đã không chỉ hàn gắn được một vết thương lớn của dân tộc mà còn  thay đổi hẳn bài toán dân chủ hóa.

Không hề có mâu thuẫn về niềm tin và đạo lý giữa Phật Giáo và Công Giáo. Hai tôn giáo này thực sự là anh em và cũng chưa hề xung đột. Điều này cần được nói ra và đáng lẽ đã phải được nói ra và chia sẻ từ rất lâu rồi. Sự chia rẽ chỉ là giả tạo do Đảng Cộng Sản cố tình gây ra trong mục đích chia rẽ dân tộc để thống trị. Nó phải bị tố giác, lên án và xóa bỏ.

Nguyễn Gia Kiểng

(28/09/2017)

(*) Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có dịch đoạn này thành kinh Phúc Thật Tám Mối, nhưng bản dịch này vì đã quá xưa nên không sát nghĩa và dễ gây hiểu lầm cho người bình thường. Giê Su giảng bài này vào khoảng năm 30, một thời gian ngắn trước khi bị bắt và bị đóng đinh trên thập giá tại Jerusalem. Lúc đó Giê Su khoảng 35 tuổi và đang là một giáo sĩ đạo Do Thái (Rabbin/Rabbi). Kinh Lạy Cha theo phúc âm Mathieu là một đoạn của bài giảng này nhưng một số tài liệu khác lại nói là Giê Su đã dạy kinh Lạy Cha tại đỉnh núi Olives, có thể ít lâu sau đó, trước khi mắc nạn. 

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng
Published in Quan điểm