Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kể từ khi Thế Chiến thứ 2 kết thúc, Hoa Kỳ với tư cách là một trong những người chiến thắng đã bao trùm tầm ảnh hưởng của mình lên một nửa thế giới, còn nửa kia là của Liên Xô. Tuy nhiên, do mâu thuẫn về ý thức hệ cũng như hình thái và các mô thức tổ chức xã hội, giữa dân chủ với độc tài nên thực tiễn đã đẩy 2 hệ thống này vào thế đối đầu nhau mà đại diện cho 2 hệ thống là 2 siêu cường Xô-Mỹ.

Thấm thoắt thoi đưa, chiến tranh lạnh kết thúc, đỉnh điểm là sự sụp đổ toàn bộ của hệ thống Liên Xô lẫn khối Đông Âu. Hoa Kỳ lại trở thành trung tâm của thế giới, dù từ những năm 80 đã rộ lên xu hướng đa cực, tiêu biểu như sự nổi lên của Nhật Bản và Tây Âu về kinh tế được biểu hiện qua sự phát triển "thần kỳ" cũng như hình ảnh phồn hoa về các trung tâm tài chính lớn của thế giới như London, Tokyo... Dù là thế, tiếng nói có trọng lượng lớn nhất thế giới vẫn là Hoa Kỳ với quyền lực mềm bao phủ toàn cầu đến mức "quốc gia nào cũng có vấn đề Hoa Kỳ của riêng mình".

Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng 2008 mà di sản của nó là sự nảy nở và lan tràn khắp nơi của các phong trào dân túy trên thế giới. Với nước Mỹ, quyền lực mềm của họ đã bắt đầu suy yếu kể từ khi Donald Trump nổi lên cầm quyền năm 2016 với chính sách "America First" quay trở lại học thuyết Monroe, quả là một thời kỳ khủng hoảng ngoại giao của nước Mỹ. Bằng cách phá vỡ các mối liên minh lâu đời trên toàn cầu, rút chân ra khỏi các hiệp ước, đàm phán biến các thoả thuận đa phương thành song phương... Trump thực sự đã biến Mỹ thành một con hổ giấy khi mà các thế lực độc tài dưới thời Trump ngày càng mạnh lên, bành trướng rộng hơn. Điển hình như Trung Quốc, một đế quốc đang ở trong giai đoạn suy tàn nhưng dưới thời Trump như đang "lão hoá ngược" lại.

san-3

Khi Mỹ rút khỏi các hiệp định đa phương là lúc Trung Quốc chen chân vào. (Ảnh : Mỹ rút quân khỏi Afghanistan)

Khi Mỹ rút khỏi các hiệp định đa phương là lúc Trung Quốc chen chân vào. Dự án "Vành đai con đường" dưới thời Trump len lỏi khắp nơi từ Châu Á đến Âu rồi bành qua cả Châu Phi. Khi Mỹ rút về cố thủ ở sân nhà bỏ mặc đồng minh thì khối đồng minh phân hoá còn Trung Quốc lại "mừng rỡ", họ chỉ cần triển khai chiến lược "đũa ngà voi" để bẻ gãy từng "chiếc đũa" đơn lẻ kia. Trong khi chống độc tài hiệu quả nhất mới là học thuyết Truman. Không phải ngẫu nhiên mà quốc hội Mỹ cũng như nhiều đời tổng thống đã đổ cả núi tiền và xương máu để thi hành chiến lược theo học thuyết này.

Chiến lược của học thuyết Truman là liên kết các đồng minh tự do-dân chủ lại thành một khối thống nhất để bao vây, cô lập khối độc tài và ngăn chặn chúng ngay từ lúc nảy mầm. Hình thức là các hiệp ước liên minh quân sự, hiệp định kinh tế được hình thành để bao vây, cấm vận các nước độc tài, không để chúng mua sắm vũ khí cải tiến sức mạnh quân đội rồi hoành hành ngang dọc khắp nơi vì khi chúng bị cấm vận sẽ không thể phát triển kinh tế rầm rộ và việc viện trợ hay tham gia vào thị trường mua bán vũ khí sẽ chỉ quanh quẩn trong khối độc tài.

Thời kỳ Truman, Dwight D. Eisenhower, Ronald Reagan... là những thời kỳ mà nước Mỹ chống độc tài hiệu quả nhất. Vòi bạch tuộc của Mỹ vươn ra toàn cầu với NATO, liên minh quân sự với Nhật, Hàn, Úc, Việt Nam Cộng Hòa... Chính sự bao vây này đã làm Liên Xô và khối Warsaw Đông Âu kiệt quệ, sụp đổ.

Và thời kỳ hậu Donald Trump tưởng chừng như mọi chuyện sẽ trở lại tốt đẹp thì sự sụp đổ của Afghanistan lại giáng một đòn chí mạng nữa vào trung tâm quyền lực của siêu cường này. Kể từ mốc đó, vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ đã chấm dứt, quyền lực và trách nhiệm vô tình đã được san sẻ cho khối G7, các liên minh, cường quốc dân chủ khác. Sự kiện Afghanistan nói lên một điều rằng quan điểm của đa số dân chúng là giống nhau, vậy nên cách nhìn của 3 đời tổng thống (Obama-Trump-Biden) về vấn đề Afghanistan cũng giống nhau là muốn thoái lui khỏi đây, chỉ có cách giải quyết vấn đề của mỗi đời tổng thống là khác nhau nên sẽ dẫn đến những hệ quả khác nhau.

Sự nổi lên của Trump là minh chứng, nó cũng phản ánh được phần nào quan điểm của đa số dân chúng Mỹ rằng Hoa Kỳ không muốn làm anh hùng trên thế giới nữa, thời chinh chiến can thiệp ngang dọc đã qua.

Một số nhà bình luận từng cho rằng sụp đổ uy tín của Hoa Kỳ sau khủng hoảng ở Afghanistan và việc Trung Quốc nhanh chóng khai thác các biến cố là biểu hiện suy giảm quyền lực mềm của Hoa Kỳ ở cấp độ toàn cầu. Nhưng trong trao đổi với tờ Financial Times, giới chức chính phủ và quan chức quốc phòng các nước tại Châu Á đều cho rằng việc so sánh diễn biến ở Afghanistan với quan hệ hợp tác của Mỹ ở Châu Á là không phù hợp.

Nhật Bản, quốc gia tiếp nhận lượng binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú nhiều nhất tại khu vực (55.000 quân) tin rằng việc chính quyền ông Joe Biden sẵn lòng mở rộng hợp tác bảo đảm an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nâng cấp vai trò của nhóm Bộ Tứ (Hoa Kỳ-Nhật Bản-Ấn Độ-Australia) là minh chứng cho thấy mức độ vững chắc của liên minh. "Chính quyền Mỹ tái khẳng định cam kết phòng thủ chung áp dụng cho quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và đi vào cả lĩnh vực ngăn ngừa tấn công mạng", một quan chức cấp cao của Nhật Bản cho biết.

Tại Australia, chính phủ cầm quyền lẫn phe đối lập đều ủng hộ cam kết trong liên minh với Mỹ. Theo Sam Roggeveen - Giám đốc phụ trách chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy có trụ sở ở Sydney, việc Mỹ chấm dứt can thiệp quân sự ở Afghanistan không làm thay đổi hay gây ra tác động đáng kể nào về vai trò trung tâm của liên minh.

Giới chuyên gia an ninh nhìn nhận các liên minh của Mỹ thậm chí còn có vai trò ngày càng quan trọng hơn nhằm chống lại nguy cơ đến từ một Trung Quốc hành xử ngày càng quyết đoán, một mục tiêu ông Biden đã nêu rõ khi nói về quyết định rút quân Mỹ khỏi Afghanistan. Phó Tổng thống Kamala Harris trong chuyến công du Đông Nam Á cũng nhấn mạnh thông điệp trấn an các đối tác của Washington trước mối nguy mà Trung Quốc tạo ra.

Rõ ràng nhất phải nói tới Nhật Bản. "Nhật Bản phải củng cố khả năng phòng thủ và tăng cường sự hợp tác với Hoa Kỳ và các đối tác cùng chí hướng khác để chống lại những nỗ lực đơn phương không ngừng nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa", theo sách trắng quốc phòng mới nhất của quốc gia này.

"Những cuộc xâm nhập thường xuyên của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc vào lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông và hoạt động leo thang của Quân đội Giải phóng Nhân dân xung quanh hòn đảo Đài Loan — cũng như sự phát triển nhanh chóng của tên lửa đạn đạo ở Bắc Triều Tiên — làm nổi bật những thách thức cấp bách về mặt an ninh và các yếu tố gây mất ổn định mà khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phải đối mặt" được ghi nhận bởi tài liệu : "Quốc phòng của Nhật Bản năm 2021", được Bộ Quốc phòng Nhật công bố hồi giữa tháng 7/2021.

san-2

Nhật Bản, một đồng minh dân chủ của Mỹ ở Châu Á đang ngày càng có tiếng nói quan trọng trong khu vực.

Trong phần mở đầu của bài viết, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật là Nobuo Kishi đã gọi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là "phần cốt lõi trong sức sống của thế giới" và ghi nhận rằng việc chống lại các thách thức an ninh đòi hỏi một cách tiếp cận đa phương của các quốc gia với những giá trị cơ bản chung.

"Đặc biệt, sự hợp tác với Hoa Kỳ, đồng minh duy nhất của chúng ta, đóng vai trò vô cùng quan trọng", ông Kishi viết. "Liên minh này là nền tảng cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và chúng ta sẽ nỗ lực để tăng cường hơn nữa những năng lực ngăn chặn và ứng phó của mình để củng cố hơn nữa mối liên kết không thể lay chuyển của Liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ".

Nhà Trắng cũng từng cho biết là Tổng thống Biden và Thủ tướng Suga hồi trước đã mô tả liên minh giữa 2 quốc gia là "nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng trong một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

"Rút quân khỏi Afghanistan đồng nghĩa với việc Mỹ có sự điều chỉnh chú ý nguồn lực từ Trung Đông sang Châu Á và đó không phải là điều gì quá tiêu cực với Nhật Bản", Kazuhiro Maeshima - chuyên gia về chính trị Mỹ tại Đại học Sophia ở Tokyo bình luận.

"Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực năng động. Bằng việc tổ chức các cuộc tập trận thường xuyên với đồng minh và đối tác ở vùng biển và không phận quốc tế, chúng tôi thể hiện cam kết kiên định đối với việc tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển và trên không; đảm bảo rằng tất cả các quốc gia đều có thể làm điều tương tự mà không sợ hãi hay tranh chấp". Chuẩn đô đốc Dan Martin, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson khẳng định hồi 25/10.

Chỉ là việc thoái lui lộn xộn của Mỹ ở Afghanistan tạo ra luồng dư luận về việc các đồng minh của họ cần tự chủ hơn trong vấn đề an ninh. Giới chính trị theo đường lối bảo thủ ở Nhật và Hàn Quốc muốn thúc đẩy mạnh mẽ việc chủ động hơn trong nâng cao năng lực tự vệ. Nhiều nhà quan sát nhìn nhận "mớ lộn xộn" của Hoa Kỳ ở Afghanistan rằng có lẽ các đồng minh sẽ phải suy tính lại trước khi gia nhập các chiến dịch quân sự hoặc liên minh quân sự của Hoa Kỳ trong tương lai. "Mỹ có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong tạo dựng liên minh sẵn sàng tham gia các chiến dịch bên ngoài Châu Âu và Châu Á trong tương lai", một quan chức cấp cao giấu tên đến từ đồng minh của Mỹ chia sẻ.

Vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ đã chấm dứt, quyền lực và trách nhiệm vô tình đã được san sẻ cho khối G7, các liên minh, cường quốc dân chủ khác. Xu thế đa cực sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ và rõ ràng hơn. Vai trò cũng như tiếng nói của các quốc gia trong khu vực sẽ càng có trọng lượng hơn như Nhật Bản và Hàn Quốc chẳng hạn, cả 2 quốc gia này đã thực hiện thành công công nghiệp hoá song song với dân chủ hoá từ lâu. Còn ở Đông Nam Á, Thái Lan với Miến Điện vẫn đang nỗ lực đấu tranh nhằm giành lại quyền lực từ giới tinh hoa, quân đội về tay nhân dân để bắt kịp xu hướng dân chủ hoá của thời đại, của làn sóng dân chủ thứ 4 trên thế giới.

Trong tương lai gần, những nước độc tài còn sót lại sẽ ngày càng bị cô lập, phải lệ thuộc vào kinh tế của các nước dân chủ, bị thụt lùi về mọi mặt so với thế giới, khoảng cách sẽ càng bị nới rộng ra. Rất nhiều cơ hội cho công cuộc đấu tranh được mở ra bên cạnh những thách thức mới đang chờ đợi.

Hoàng Quân

(22/11/2021)

Additional Info

  • Author Hoàng Quân
Published in Quan điểm