Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhìn vào bức tranh chung của phong trào dân chủ Việt Nam thì chúng ta có thể thấy được là các ý kiến và phản ứng mang tính cá nhân ngày càng nở rộ. Từ chỗ im lặng hoặc bàng quang với thời cuộc thì nay đã có rất nhiều người, đủ mọi thành phần, lên tiếng phản đối những bất công mà chính quyền gây ra cho người dân. Một "xã hội dân sự" rộng lớn và đa dạng đang được hình thành và phát triển. Đó là điều đáng mừng trong quá trình Việt Nam hội nhập với thế giới văn minh.

Việc ca sĩ Mai Khôi vừa được vinh danh tại giải thưởng nhân quyền Vaclav Havel 2018 tại Oslo, Na Uy là một ghi nhận của cộng đồng quốc tế dành cho giới hoạt động "xã hội dân sự" tại Việt Nam thời gian qua.

chinhtri1

Ca sĩ Mai Khôi vừa được vinh danh tại giải thưởng nhân quyền Vaclav Havel 2018 tại Oslo, Na Uy

Chính quyền Việt Nam ngày càng bộc lộ sự yếu kém và bất lực trong việc điều hành quốc gia mà đỉnh điểm của nó là kế hoạch cho người nước ngoài thuê đất tại các đặc khu kinh tế lên đến 99 năm. Đây thực sự là một hành động "bán nước". Trong lịch sử thế giới chỉ có hai trường "cho thuê" đất lâu như vậy là Hồng Công và Macao của Trung Quốc. Hai hòn đảo này bị/được hai cường quốc khi đó là Anh và Bồ Đào Nha "thuê" khi chính quyền Mãn Thanh hoàn toàn kiệt quệ và bất lực trước sức mạnh quân sự vượt trội của Phương Tây. Hai hòn đảo này được Anh và Bồ Đào Nha trả lại cho Trung Quốc vì họ là những nước văn minh biết giữ lời hứa và vì Trung Quốc mạnh lên. Việt Nam sau 100 năm nữa có mạnh hơn được Trung Quốc để đòi lại các vùng đất đó không ? Liệu Trung Quốc có giữ lời hứa hay không ? Cứ nhìn Hoàng Sa và Trường Sa là rõ.

chinhtri2

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã lọt vào tay quân xâm lược Trung Quốc

Đã đến lúc người Việt Nam cần ủng hộ cho một giải pháp dân chủ hóa đất nước thay vì chờ đợi trong tuyệt vọng vào sự "tự thay đổi" của Đảng cộng sản Việt Nam. Họ không thể thay đổi mà chỉ kéo dài sự tồn tại của họ bằng những hành động nguy hiểm và sai lầm đe dọa sự tồn vong của dân tộc.

Phải làm gì bây giờ ? Chỉ có một cách duy nhất đó là ủng hộ cho một tổ chức đối lập dân chủ đứng đắn để tổ chức đó mạnh lên và thay thế cho đảng cộng sản. Những người không có điều kiện dấn thân thì phải lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức chính trị nào đó còn những người có quyết tâm thay đổi thì phải tham gia vào một tổ chức chính trị.

Phải hiểu một điều căn bản và quan trọng rằng đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân vì vậy những ai thực tâm muốn tham gia vào công cuộc dân chủ hóa đất nước một cách nghiêm túc thì phải tham gia vào một tổ chức chính trị.

Các cá nhân tranh đấu theo kiểu nhân sĩ, tức là một mình, không thuộc một tổ chức nào thì chỉ là những tiếng nói lương tâm. Những người này không thể có được một lộ trình hay một phương án nào mà chỉ hành động theo lương tâm và cảm tính. Dù được rất nhiều người ái mộ và quan tâm nhưng họ cũng chỉ là những tiếng nói cá nhân và sự cống hiến của họ chỉ có tác dụng giới hạn. Họ không thể nào thay đổi được tình thế và thay thế đảng cộng sản.

Những người quyết tâm thay đổi xã hội và số phận của dân tộc Việt Nam thì phải tham gia vào một tổ chức chính trị dân chủ đối lập. Để làm gì ?

1. Tham gia vào tổ chức để nâng cao trình độ và khả năng của mỗi người

Bất cứ nghề nghiệp gì cũng phải học, dù là thợ cắt tóc hay sơn móng tay. Làm chính trị chuyên nghiệp cũng là một nghề nên cần phải học. Các tổ chức chính trị là môi trường để học hỏi và đào tạo ra các chính trị gia. Việc tham gia và sinh hoạt trong các tổ chức khiến các thành viên hiểu biết hơn, có viễn kiến hơn và có một lối tư duy cởi mở hơn và nhất là biết chấp nhận những ý kiến phản biện một cách tích cực hơn.

Thông thường, ý kiến của một người có sinh hoạt trong tập thể và tổ chức luôn đúng và chất lượng hơn những ý kiến cá nhân, trừ trường hợp cá nhân đó phải thật sự uyên bác. Lý do cũng đơn giản, các ý kiến mà một người có sinh hoạt đều đặn trong tổ chức đưa ra thường đã được kiểm chứng và nhận được sự góp ý trước của tổ chức, là tập thể của những người có hiểu biết và kiến thức khá cao. Tổ chức là nơi sàng lọc và sản xuất ra các ý kiến.

Chúng ta dễ dàng thấy được gần đây có rất nhiều quan chức, nhà văn, nhà báo, luật sư phát biểu rất lung tung và ngớ ngẩn. Trong nhiều trường hợp, theo chúng tôi, họ thực sự…không biết gì. Thiếu kiến thức nền tảng nhưng lại thích thể hiện nên hầu như họ chỉ làm trò cười và khiến cho thiên hạ chửi. Tranh luận và thảo luận về chính trị là phức tạp nhất và thường là không ai đồng ý với ai vì ai cũng cho rằng chỉ có ý kiến của mình mới là đúng, là chân lý. Trong thực tế, khả năng các ý kiến cá nhân sai là rất cao. Bi kịch ở đây là không ai nhận ra cái sai của mình.

Khi bị chỉ trích hay phê phán các cá nhân thường phản ứng lại một cách gay gắt và cực đoan trong khi đó những người có tham gia vào tổ chức thường phản ứng một cách chừng mực với một ngôn ngữ mềm mỏng và biết lắng nghe. Ví dụ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bị chửi (chửi chứ không phải chỉ trích) một cách vô lối nhưng chúng tôi luôn phản ứng một cách chừng mực vì luôn phải nghĩ đến tổ chức chứ không phải vì không biết "chửi lại". Khi trả lời một ý kiến cực đoan nào đó chúng tôi luôn nghĩ đến độc giả, những người đang quan tâm theo dõi thầm lặng và không muốn làm họ phiền lòng vì những lời lẽ thiếu văn hóa.

Khi một người đã chấp nhận và đứng được trong một tổ chức thì khả năng làm việc chung (làm việc nhóm) của họ đã được khẳng định và đó là chìa khóa của mọi sự thành công. Một cá nhân không có khả năng "làm việc chung" với những người khác thì khó lòng làm được việc lớn. Giáo dục phương Tây đề cao khả năng làm việc nhóm và kỹ năng hòa nhập vào nhóm là cũng vì thế. Những người lãnh đạo trong các tập đoàn lớn hay các chính đảng đều là những người có khả năng này chứ không phải vì kiến thức chuyên môn của họ. Ngay cả đảng cộng sản cũng vậy, những người như Lê Đức Anh hay Đỗ Mười đều xuất thân hèn kém nhưng vẫn vươn lên được vị trí đứng đầu đảng.

Đảng cộng sản Việt Nam cũng là một tổ chức chính trị nhưng bản chất thật sự của nó là một tổ chức khủng bố nên những đảng viên của đảng cộng sản cũng chỉ được học về những kỹ năng khủng bố và dối trá. Các lớp học sơ, trung và cao cấp về bồi dưỡng lý luận chính trị cho các đảng viên các cấp được mở khắp nơi nhưng các cán bộ của đảng ăn nói ngày càng ngớ ngẩn vì họ được dạy như thế. Càng học cao, học nhiều ở các lớp học này càng…ngớ ngẩn.

2. Tham gia vào tổ chức để mục tiêu và ý nguyện của đời mình sớm trở thành hiện thực

Một câu nói mà ai cũng biết đó là "Nếu muốn đi nhanh thì đi một mình, còn nếu muốn đi xa thì phải đi cùng những người khác". Việc đấu tranh và dấn thân cho một nước Việt Nam dân chủ là một mục tiêu vô cùng lớn lao, cao đẹp và cũng rất khó khăn. Các cá nhân không thể nào đi đến đích một mình. Sỡ dĩ đảng cộng sản vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ dù họ phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác là vì họ không có đối thủ chứ không phải vì họ mạnh hay họ giỏi. (Hồi còn đi học, trong lớp tôi có một cô bạn nhiều năm liền là vô địch của môn bóng bàn nữ dù không phải thi đấu một trận nào, lý do : chỉ có cô bạn tôi là người duy nhất đăng ký thi đấu).

Làm việc gì thì chúng ta cũng mong muốn đạt được mục tiêu cuối cùng. Vậy mục tiêu của những người đấu tranh cho dân chủ là gì ? Để nổi tiếng ? Để khỏi áy náy lương tâm ? Hay để thay đổi hiện tại bất công bằng một tương lai đáng mong muốn ? Tùy theo câu trả lời mà mỗi người sẽ có những hành động thích hợp.

Với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì mục đích của chúng tôi rất rõ ràng : Đánh bại độc tài và xây dựng dân chủ cho Việt Nam. Để đạt được mục tiêu sau cùng đó thì chúng tôi cần có đội ngũ nhân sự chính trị thực sự có hiểu biết, có viễn kiến, có tấm lòng, có quyết tâm, có cùng một ngôn ngữ chung và cùng chia sẻ với nhau một Dự án chính trị dựa trên một nền tảng tư tưởng chính trị thực sự văn minh, tiến bộ và phù hợp với dòng chảy của thời đại.

Không có đội ngũ nhân sự chính trị đó chúng tôi sẽ không làm được gì cả. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì :

"Nhân sự chính trị là yếu tố trọng tâm của mọi dân tộc. Nó là hiện thân của chủ quyền quốc gia. Nó là di sản của lịch sử. Nó không thể tự nhiên mà có. Sự hình thành của một giai cấp chính trị chỉ có thể là kết quả của nhiều cố gắng liên tục qua nhiều thế hệ. Nhưng từ một thế kỷ nay chúng ta không có nhân sự chính trị".

Không phải chỉ một thế kỷ qua mà suốt bốn nghìn năm lịch sử, người Việt chúng ta chưa bao giờ xây dựng được cho mình một tổ chức chính trị với một đội ngũ nhân sự chính trị thật sự. Chính vì thế mà đất nước chúng ta như con thuyền không lái, trôi dạt và va đập vào hết bến bờ này đến tai nạn khác. Rất nhiều tổ chức và cá nhân xuất hiện, tranh đấu một thời gian rồi bỏ cuộc. Lý do : Họ thiếu vắng một tư tưởng chính trị dẫn đường và một đội ngũ nhân sự chính trị để thực hiện mục tiêu của tổ chức.

Đã không biết bao nhiêu lần những người thiếu kiến thức về chính trị "kêu gọi" Tập Hợp là "thôi đừng nói nữa, hãy hành động đi !". Chúng tôi thật sự không làm được gì khi chưa xây dựng xong "đội ngũ nhân sự chính trị" của mình. Hiện tại chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt cho tổ chức. Giai đoạn này không thể tiết kiệm được và mất rất nhiều thời gian vì :

"Nó là di sản của lịch sử. Nó không thể tự nhiên mà có. Sự hình thành của một giai cấp chính trị chỉ có thể là kết quả của nhiều cố gắng liên tục qua nhiều thế hệ".

Chúng tôi có muốn nhanh cũng không được, mục tiêu của chúng tôi khá khiêm tốn : Cố gắng để có được khoảng một nghìn (1.000) thành viên và thân hữu trong thời gian vài năm tới, tức là chỉ 0,001% dân số Việt Nam. Tập Hợp sẽ là một tổ chức mạnh và có thể làm được nhiều việc khi chúng tôi có được số lượng thành viên khiêm tốn đó.

Tham gia vào một tổ chức đã khó, học hỏi và trưởng thành cùng tổ chức lại càng khó hơn. Chúng ta có muôn vàn lý do để không tham gia vào một tổ chức hoặc rời bỏ tổ chức nhưng có một lý do duy nhất để chúng ta thay đổi suy nghĩ của mình : Nếu không có tổ chức thì không thể làm được gì cho đất nước. 100 triệu người Việt Nam là một đám đông cô đơn nên không thể gây được bất cứ thay đổi nào lên đảng cộng sản.

Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại vì không có đội ngũ nhân sự chính trị dù được quốc tế và đồng bào miền Nam hết lòng ủng hộ. Đảng cộng sản Việt Nam cũng sẽ thất bại vì lý do đó dù họ đã dành và giữ được chính quyền suốt hơn 70 năm qua. Khủng hoảng lớn nhất và là nguy cơ khiến đảng cộng sản sụp đổ đó là vì họ không có đội ngũ nhân sự chính trị kế thừa. Suốt mấy chục năm qua và hầu như trong tất cả các kỳ đại hội đảng hay các hội nghị trung ương thì chủ đề duy nhất đem ra bàn bạc cũng chỉ là : Nhân sự, nhân sự và nhân sự. Một ông già hơn 70 tuổi và nổi tiếng là "lú" như ông Nguyễn Phú Trọng vẫn không được về hưu như qui định mà phải ở lại để lãnh đạo đảng là một minh chứng.

Nguyên nhân cũng dễ hiểu, đảng cộng sản không phải là một tổ chức chính trị dân chủ mà chỉ là một tổ chức khủng bố. Họ chỉ biết phá chứ không biết xây. Không có tư tưởng chính trị đúng đắn và lành mạnh thì không thể đào tạo ra các nhân sự chính trị có hiểu biết và tử tế. Không thể giải đúng được một bài toán khi đề sai. Đảng cộng sản tan vỡ là điều không cần bàn cãi.

Nếu trí thức Việt Nam không ý thức được được tầm quan trọng của tổ chức và đội ngũ nhân sự chính trị thì không có gì đảm bảo là Việt Nam sẽ có dân chủ sau khi Đảng cộng sản Việt Nam cáo chung.

Việt Hoàng

(4/6/2018)

Published in Quan điểm