Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Xã luận

Mỹ trở thành một nhà nước côn đồ ?

Một câu hỏi được đặt ra là quyết định của Donald Trump, một quyết định có thể coi là một tội ác đối với tương lai nhân loại, sẽ có ảnh hưởng nào đối với cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường ? Câu trả lời là không có gì đáng kể.

khihau1

Trái đất sẽ tăng lên 2°C hay 1,5°C vào năm 2100 ?

Donald Trump một lần nữa đã gây ngạc nhiên và phẫn nộ cho mọi dân tộc văn minh và mọi người quan tâm tới tương lai thế giới với quyết định rút nước Mỹ ra khỏi Thỏa Ước Paris về khí hậu.

Dĩ nhiên có nhiều tranh luận về môi trường và khí hậu vì đó là vấn đề lớn, có lẽ là vấn đề lớn nhất của thế giới hiện nay. Người ta tranh luận xem nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên 2° hay 1,5% vào năm 2100 nhưng không ai phủ nhận là nhiệt độ đang tăng lên kéo theo những hậu quả nghiêm trọng. Người ta tranh luận xem trách nhiệm của con người quan trọng tới mức độ nào trong sự thay đổi khí hậu này nhưng không ai phủ nhận rằng các hoạt hoạt động kỹ nghệ đã có vai trò quyết định. Cũng không ai phủ nhận rằng khối lượng khí CO2 do các nhà máy nhả ra hiện nay đã đạt tới mức độ báo động 56 nghìn tỷ mét khối mỗi năm và sẽ đạt tới 70 nghìn tỷ mét khối vào năm 2100 nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Hội nghị thế giới về khí hậu COP21 tại Paris cuối năm 2015 đã là một cột mốc lớn đánh dấu sự trưởng thành của ý thức của loài người rằng sự sống trên mặt đất bị đang bị đe dọa và như thế mọi tiến bộ và thành công đều có thể trở thành vô nghĩa. Đó cũng là ý thức rằng tất cả mọi dân tộc đều bị ràng buộc với nhau trong trách nhiệm chung là bảo vệ sự sống trên trái đất, một trái đất mà những con người hôm nay chỉ mượn tạm của các thế hệ mai sau. Chính ý thức này đã khiến 195 nước tham dự hội nghị COP21 đi đến quyết định chung là Thỏa Ước Paris theo đó các quốc gia cam kết sẽ làm mọi cố gắng cần thiết để khối lượng CO2 xả thải vào năm 2025 sẽ giảm 26% so với mức độ năm 2005. Để giúp các nước nghèo trong cố gắng đó, bắt đầu từ năm 2020 các nước giầu sẽ đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm, nghĩa là 0,15% tổng sản lượng thế giới, trong một quỹ khí hậu do Liên Hiệp Quốc quản lý. Đó là một cố gắng vừa rất khiêm tốn vừa rất cần thiết.

Để chống lại Thỏa Ước Paris Donald Trump đã sử dụng những luận điệu mỵ dân một cách lố bịch.

Ông nói rằng các biện pháp giảm khối lượng CO2 sẽ khiến Hoa Kỳ mất 2,7 triệu công ăn việc làm. Lập luận này, do các nhóm áp lực dân túy đưa ra, đã bị các chuyên gia và các công ty lớn của chính nước Mỹ, kể cả các công ty dầu khí, cực lực bác bỏ.

Donald Trump cũng nói rằng Thỏa Ước Paris sẽ khiến Trung Quốc trên thực tế trở thành nước độc quyền sử dụng than đá. Càng sai hơn. Dù có hay không có Thỏa Ước Paris thì Trung Quốc cũng bắt buộc phải giảm một cách mạnh mẽ và nhanh chóng các kỹ nghệ ô nhiễm, nhất là than và thép, vì một lý do rất giản dị là đất nước Trung Quốc đã bị hủy hoại ở một mức độ nghiêm trọng, tuổi thọ của người Trung Quốc đang giảm một cách báo động và đang có cả một phong trào bỏ chạy khỏi Trung Quốc của những người giầu có.

Một lập luận khác của Donald Trump là sự đóng góp cho quỹ khí hậu quá tốn kém cho Mỹ. Nhưng mức đóng góp này chỉ được dự trù là 3 tỷ USD mỗi năm, nghĩa là 0,02% GDP, hay 0,5% ngân sách quốc phòng, của Hoa Kỳ.

Tóm lại những lập luận của Donald Trump để rút Hoa Kỳ khỏi Thỏa Ước Paris hoàn toàn sai, chúng chỉ khiến uy tín vốn đã rất thấp của ông trong dư luận thế giới còn xuống thấp hơn. Lần đầu tiên một quyết định của tổng thống Mỹ bị phản bác không nể nang và ngay tức khắc bởi tất cả các nước, kể cả các đồng minh.

Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra là quyết định của ông, một quyết định có thể coi là một tội ác đối với tương lai nhân loại, sẽ có ảnh hưởng nào đối với cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường ? Câu trả lời là không có gì đáng kể. Ngay trước khi Trump tuyên bố quyết định này, 30 trong số 50 bang của Hoa Kỳ đã khẳng định là họ sẽ tuân thủ những quy định của Thỏa Ước Paris và họ hoàn toàn có thẩm quyền về môi trường. Các công ty lớn của Mỹ cũng đã lên tiếng phát biểu cùng một lập trường. Cũng nên hiểu rằng môi trường chủ yếu là một vấn đề của sản xuất và do đó chủ yếu tùy thuộc các công ty trong khi cố gắng chính của tất cả các công ty lớn trên thế giới hiện nay, kể cả các công ty Mỹ, là sản xuất một cách sạch sẽ.

Mặt trận khí hậu và môi trường cũng rất vững. Tất cả các nước Châu Âu dù không cần hội ý với nhau đều đã tức khắc bác bỏ đề nghị thương thuyết lại Thỏa Ước Paris của Trump. Châu Âu là trung tâm của cuộc chiến đấu bảo vệ môi trường và chưa bao giờ Châu Âu đoàn kết như lần này. Còn Trung Quốc và Ấn Độ thì không cần ai bắt buộc cũng không có chọn lựa nào khác là giảm ô nhiễm và giảm khối lượng CO2 thải ra bởi vì đó là sự chọn lựa giữa sống và chết theo nghĩa đen.

Sau cùng, quyết định rút Hoa Kỳ khỏi Thỏa Ước Paris của Donald Trump cũng sẽ chỉ có hiệu lực trong bốn năm nữa, lúc đó có tất cả mọi xác xuất là Donald Trump không còn là tổng thống Mỹ nữa và vị tổng thống mới sẽ chỉ có thể sáng suốt hơn.

Quyết định của Donald Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi : phải chăng, với Donald Trump, Hoa Kỳ đang trở thành một nhà nước côn đồ mới thách thức thế giới ? Có thể đó là điều Trump muốn nhưng ông sẽ khám phá ra rằng tổng thống Mỹ không có nhiều quyền như ông tưởng. Tổng thống Mỹ không có toàn quyền trên chính quyền Mỹ và chính quyền Mỹ cũng không có toàn quyền trên xã hội Mỹ. Và xã hội Mỹ là một xã hội văn minh của một dân tộc lớn, tự do và dũng cảm.

Nguyễn Gia Kiểng

(05/06/2017)

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng
Published in Quan điểm