Nhân vụ lộn xộn về bản quyền của bài quốc ca Tiến quân ca, gây bức xúc lớn ở trong nước, với tư cách là người vừa mới "gác bàn phím" trong lĩnh vực này, sau 27 năm công tác liên tục ở một trong những cơ bản bản quyền lớn nhất thế giới, la SACEM (Société des auteurs, compositeurs et éditeurs de musique - Hiệp hội những tác giả, nhà soạn nhạc và nhà xuất bản âm nhạc) của Pháp, tôi viết bài này để giúp các bạn hiểu được những nét cơ bản của chuyện bản quyền, từ đó chúng ta biết rõ ai đúng ai sai. Để hiểu rõ và cũng để viết một lần cho nhiều những trường hợp khác tương tự lại có thể lại xẩy ra, bài có thể được viết hơi dài. Nếu các bạn muốn biết tường tận thì phải mất công đọc đến cuối. Tôi cũng sẽ chỉ cố gắng nói đến các phần có thể liên quan đến sự kiện trên.
Các cơ quan bản quyền trên thế giới đều nằm trong Liên đoàn quốc tế các hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc (CISAC - Confédération internationale des sociétés d'auteurs et compositeurs). Những nguyên tắc cơ bản về bản quyền của các nước trong hiệp hội là giống nhau và Việt Nam cũng đã là thành viên của CISAC. Vậy trước tiên là đừng có nói là luật của chúng tôi khác.
Để cho dễ diễn đạt, tôi lấy SACEM làm thí dụ.
1. Bản quyền chỉ có khi được một cơ quan bản quyền hợp pháp công nhận
Khi một nhà soạn nhạc làm ra một bản nhạc, để bản nhạc có bản quyền, tác giả nhạc phẩm đó phải đến SACEM đăng ký bản quyền, tức là nộp bản gốc. Sau một thời gian xét duyệt để biết đúng là tác giả chứ không phải đạo nhạc, SACEM công nhận tác quyền của bản nhạc này. Liền sau đó, SACEM có nghĩa vụ bảo vệ bản quyền của tác giả đó và thu tiền sử dụng hay phổ biến bản nhạc đó trên các phương tiện truyền thông hay các buổi trình diễn văn nghệ trước công chúng để trao lại cho nhà soạn nhạc.
Trường hợp bản quyền liên quan đến phối âm, phối khí, thậm chí thay đổi một tý cả phần lời và nhạc của bản gốc thì sao ?
Không ít các bài bản nhạc gốc được thay đổi một tý (tạm gọi là bản phối) lại bán chạy hơn. Trong trường hợp như vậy, tác giả của bản phối cũng phải làm một động tác tương tự như tác giả của bản gốc, tức là cũng phải mang đến SACEM để được xét duyệt và công nhận bản quyền. Nhưng (cái nhưng này mới vô cùng quan trọng) : khi bản phối đó có tạo ra bản quyền thì tác giả của bản phối chỉ được hưởng 1/12 bản quyền, còn 11/12 còn lại phải trả cho tác giả bản gốc. Các chú cứ chế, anh cứ nhận.
3. Khi nào thì bản quyền chấm dứt ?
Nói một cách vắn tắt, bản quyền của một nhạc phẩm chấm dứt 70 năm sau khi tác giả nhạc phẩm gốc qua đời. Sau 70 năm đó, tác phẩm hay bài nhạc đó trở thành tài sản chung của nhân loại, ai muốn hát hay trình diễn bất cứ nơi đâu cũng được, không phải trả tiền bản quyền nữa.
4. Tác quyền của những nhà sản xuất băng đĩa hay các phương tiện thu và phát âm nhạc phẩm (tạm gọi là các nhà sản xuất đĩa) như thế nào ?
Các nhà sản xuất băng đĩa nhạc, trước khi tung ra thị trường, cũng phải xin phép SACEM trước về nội dung của băng đĩa và số lượng phát hành. Trên cơ sở đó, nhà sản xuất hay nhà phát hành băng đĩa đó phải nộp cho SACEM tiền đăng ký bản quyền cho việc sản xuất đó.
Ở đây xin nhấn mạnh để các bạn biết là nhà sản xuất hay phát hành băng đĩa hoàn toàn không có bản quyền trên các bản nhạc thu trên băng đĩa đó, SACEM vẫn có toàn quyền về việc giữ gìn và bảo vệ tác quyền của các tác giả bài nhạc đó. Nếu bạn sử dụng băng đĩa đó ở những nơi công cộng hay trên các phương tiện truyền thông quốc nội và quốc tế, bạn vẫn phải nộp tiền sử dụng bản quyền cho SACEM, mặc dù bạn đã bỏ tiền mua đĩa.
5. SACEM không có quyền thu phí bản quyền trên những bài nhạc đã trở thành tài sản chung của nhân loại
Như vậy, khi mua một băng đĩa của bài nhạc đã hết bản quyền thì người sử dụng cứ thoải mái dùng ở bất cứ nơi đâu. Nhà phát hành băng đĩa nhạc không có quyền đòi tiền bản quyền.
*******************
Trở lại với bài Tiến quân ca : Gia đình nhạc sĩ đã hiến cho Nhà nước, như vậy có thể coi bản nhạc này là tài sản chung rồi, không ai có quyền thu bản quyền.
Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc của Việt Nam (Vietnam Center for Protection of Music Copyright – VCPMC) đã được thành lập từ lâu rồi và đã hoạt động rất có hiệu quả, đã là thành viên của CISAC. Mọi vấn đề liên quan đến bản quyền phải do cơ quan này quyết định như đã nói ở trên.
Qua những điểm mà tôi đã nói ở bài này, các bạn có thể thấy rõ là tất cả những lời tuyên bố về bản quyền (bất cứ dạng nào) đối với bản Tiến quân ca đều vô nghĩa. VPCMC không hề công nhận bản quyền của họ. Bản thân bà Trần Thị Chiến là một trong những lãnh đạo của VPCMC cũng đang rất bức xúc về vấn đề này.
Các hãng nào đó đưa bản phối của họ lên youtube và đòi bản quyền là vô lý vì họ làm gì có bản quyền được công nhận, bởi VPCMC và hơn nữa, nói một cách tóm tắt, quy tắc số một về bản quyền trên youtube là bạn không có quyền đưa lên mạng các tác phẩm không phải của bạn hoặc không được phép.
Các hãng nào đó đòi tiền bản quyền vì ai đó đã lấy (sử dụng) từ đĩa của họ cũng vô lý vì nhà đĩa không có bản quyền với nhạc ghi trên đĩa và hơn nữa bản nhạc này đã là của chung.
Từ lâu rồi ở Việt Nam ta, người dân vẫn kêu ca rất nhiều về hệ thống luật pháp của Việt Nam chồng chéo, luật không rõ ràng… Kể về lời ta thán thì nhiều lắm không thể kể hết. Nhưng đây là chuyện luật bản quyền rất rõ ràng và những luật này không có ảnh hưởng gì đến hệ thống chính trị của Việt Nam.
Người ta có thể thông cảm cho nhà chức trách không rõ lắm về bản quyền nên vẫn chưa biết xử lý ra sao. Sau bài viết này một thời gian và có thể sau này vẫn còn các vụ tranh chấp bản quyền tương tự không được giải quyết thì người dân vẫn tiếp tục nghi ngờ về các nhóm lợi ích đang hoành hành ở nước ta. Rất mong các nhà chức trách giải quyết dứt điểm.
Người dân ở Việt Nam sẽ không thể nào hiểu nổi là một nước chuyên chính vô sản, có thể làm được những chuyện tầy trời mà lại không thể làm được cái chuyện cỏn con thế này.
Hoàng Quốc Dũng
Paris, 09/12/2021
RFA, 08/12/2021
Trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam - Lào hôm 6/12 thuộc vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020, được kênh YouTube Next Sports phát hình ảnh các cầu thủ Việt Nam đang hát Quốc ca nhưng không có tiếng, kèm dòng xin lỗi : ‘Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm’.
Dư luận trên mạng xã hội và một số tờ báo trong nước cho rằng do BH Media nhận bản quyền trên YouTube với ca khúc Tiến quân ca là nguyên nhân khiến khán giả không được nghe Quốc ca của Việt Nam. Tuy nhiên sau đó, BH Media đã ra thông báo khẳng định không liên quan đến vụ việc này.
Quốc ca Việt Nam đã nhiều lần bị tắt tiếng trên môi trường YouTube trong các trận đấu bóng đá trước đây, lý do theo truyền thông trong nước là do trận đấu dùng bản ghi Tiến quân ca do hãng đĩa nước ngoài sản xuất, cụ thể là Hãng đĩa Marco Polo. Ngay cả khi kênh YouTube ‘FPT Bóng Đá Việt’ phát trực tiếp cũng đã bị Naxos Digital Services US (thay mặt cho Hãng đĩa Marco Polo) thông báo xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi Quốc ca Việt Nam.
Các kênh YouTube Next Sports, hay FPT và nhiều kênh khác không có lỗi, họ chỉ là đơn vị tiếp sóng. Ban tổ chức sân bóng đá mới chính là người đã chọn bản ghi Tiến quân ca do Hãng đĩa Marco Polo bỏ tiền sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên YouTube. Do đó theo luật, bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này thì phải xin phép nhà sản xuất..
Vậy trách nhiệm thuộc về ai khi quốc ca của Việt Nam lại bị tắt tiếng, ngay cả khi phát trên YouTube cho khán giả Việt Nam xem ? Từ Sài Gòn hôm 8/12, Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định với RFA :
"Đây là sự cố tôi cho là rất nghiêm trọng đối với thể diện quốc gia. Nếu như một bản nhạc bình thường của một tác giả nào đó thì vấn đề bản quyền không cần bàn đến nữa vì đã có quy định. Nhưng đây là quốc ca của Việt Nam, thì bản quyền đã thuộc nhà nước, khi gia đình nhạc sĩ đã làm giấy hiến tặng cho nhà nước, và nhà nước đã thay mặt nhân dân quản lý bản quyền của quốc ca này. Đã gọi là quốc ca thì không thể có một tổ chức hay một cá nhân nào đó tự động phối khí, tự động sáng tác theo các thể loại âm nhạc khác nhau... rồi tự cho mình có bản quyền, bất cứ ai sử dụng đều phải xin phép, hoặc có thể bị chế tài thì rất vô lý..".
Theo Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, việc này chứng tỏ có một lỗ hổng rất lớn trong vấn đề quản lý văn hóa, mà trách nhiệm thuộc về Bộ Văn hóa. Ông Phúc nói tiếp :
"Mặc dù đại diện Bộ Văn hóa đã lên tiếng, đã tuyên bố một số lý do, và nói không ai được quyền cản trở, không ai được quyền ngăn cản việc tự do sử dụng quốc ca hoặc hát quốc ca, cử hành quốc thiều... nhưng đây là một tuyên bố đi sau sự cố, nên chúng ta thấy nó rất là bị động. Giới luật sư mấy ngày nay đã phân tích rất nhiều dưới các góc độ khác nhau, người ta cứ vịnh vào chuyện sở hữu trí tuệ để buộc tổ chức sử dụng các bản quốc ca, quốc thiều do nước ngoài phát hành phải xin phép, phải chịu sự chi phối của luật sở hữu trí tuệ..".
Nhưng ông Đinh Kim Phúc cho rằng như vậy rất vô lý, vì đây là tài sản quốc gia... Ông Phúc nêu ví dụ ai lấy bài quốc ca để hòa âm, phối khí thì đã có xin phép chính phủ chưa ? Nếu chưa chính phủ có thể kiện cá nhân hay tổ chức đã hòa âm phối khí bài quốc ca đó. Theo Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, việc này đúng ra rất đơn giản nếu Bộ Văn hóa có những động thái chuẩn bị liên quan luật sở hữu trí tuệ.