1. Sự tiến hóa văn minh Trung Hoa và tiến trình du nhập văn hóa vào Việt Nam
Trong cuốn sách "Triết lý cái đình" xuất bản năm 1971 của cố giáo sư Lương Kim Định đã đề cập đến một đặc tính mà ông cho là chỉ có trong một nền văn hóa nông nghiệp tại Việt Nam là "dân chủ". Theo ông thì "dân chủ" tại nền văn hóa làng xã của Việt Nam thể hiện qua vai trò quan trọng của người phụ nữ trong gia đình, thêm một số đặc điểm "tiến bộ" khác mà văn hóa "du mục Trung Hoa" không có là người Việt "trọng hiền, trọng xỉ" (coi trọng người hiền tài, người lớn tuổi) chứ không "trọng hoạn" (coi trọng quan lại). Tác giả lấy dẫn chứng là trong thời kì nước Văn Lang thì các vua Hùng đều cố gắng chọn ra một người con tài giỏi để an dân trị nước, sự tích bánh chưng bánh dày cũng được nhắc đến như là một điển tích thuyết phục cho "nền minh triết Việt Nho" có những đặc tính tiến bộ hơn rất nhiều nền "văn minh du mục phương Bắc".
Nhưng tiếc thay, ở Trung Hoa thời cổ đại cũng có một câu chuyện "nhường ngôi" trị vì rất nổi tiếng, đó là "Nghiêu - Thuấn nhường ngôi". Có thể nói mô hình "nhường ngôi" mà vua Nghiêu áp dụng còn "dân chủ" hơn nhiều so với quyết định nhường ngôi đơn phương của vua Hùng. Dù rằng cái "nội các cố vấn" đó chỉ bao gồm các thủ lĩnh bộ lạc chia sẻ lợi ích cai trị với vua Nghiêu. Và kết quả là thay vì để con ruột là Đan Chu hoặc người có tài phụ trách thủy lợi là Cộng Công kế vị thì Nghiêu chọn Thuấn vì có chữ "nhân" và chữ "trí". Như vậy, ví dụ mà giáo sư đưa ra mang khuynh hướng phiến diện dù ông có thiện cảm đặc biệt với nền văn hóa mà ông gọi là "Việt Nho". Ông cũng cho rằng chính nền văn hóa đó đã quay ngược lại tác động vào nền văn minh phương Bắc.
Đúng là người Trung Hoa là một dân tộc du mục, đặc điểm mắt hí xếch lên cùng dáng người nhỏ so với những giống người cùng vĩ độ cho thấy thời cổ đại họ đã sống trong những khu rừng rậm rạp và thường xuyên thiên di. Chọn lọc tự nhiên đã khiến mắt họ trở nên nhỏ hơn để có thể quan sát kĩ hơn tránh trở thành bữa ăn của thú dữ và dáng người nhỏ khiến họ dễ di chuyển. Nhưng sau khi người Hoa Hạ thiên di từ vùng Cơ Thủy thuộc Tây Bắc Trung Quốc đến vùng Trác Lộc (nay là Trác Lộc, Hoài Lai tỉnh Hà Bắc), nơi có sông Hoàng Hà chảy qua (công lao thiên di thường hay được gán cho một vị vua thời cổ đại Trung Hoa và cũng là người mà người Hoa coi là một trong những tổ tiên của mình là Hoàng Đế) thì nền văn hóa của người Hoa Hạ từ từ chuyển sang nền văn hóa nông nghiệp và đã phát triển nhanh hơn rất nhiều cộng đồng người Bách Việt ở phía Nam.
Triết lý "nhân trị" của người Hoa Hạ thực ra đã mom mem sau khi vua Thuấn truyền ngôi cho Vũ - một người có tài trị thủy (cha Vũ là Cổn bị Thuấn giết vì không thể trị dứt thủy nạn). Vũ sau này truyền ngôi cho con trai, kết thúc chế độ tuyển cử trong liên minh bộ lạc của thời kỳ công xã thị tộc và đổi thành chế độ thế tập vương vị. Triều Hạ, vương triều theo chế độ nô lệ đầu tiên của Trung Quốc đã xuất hiện.
Do đó không phải ngẫu nhiên mà tư tưởng "nhân trị" được ca ngợi tại Trung Hoa thay cho tư tưởng "pháp trị", nó đã là kết quả lâu dài của việc trị thủy có hi sinh "vài" mạng người để đổi lấy bình yên cho một tập thể lớn hơn mà "những mạng người đã hi sinh" bị gắn chặt vào tập thể và phải phục tùng theo lệnh của một người "đại diện tập thể".
Trong khi các bộ lạc người Hoa Hạ đã phát triển đến một mức văn hóa cao, phát minh được chữ viết và đã thống nhất dưới thời nhà Tần bởi công lao Tần Thủy Hoàng thì những bộ lạc người Bách Việt ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc và phía Bắc Việt Nam vẫn còn là những bộ lạc sơ khai, lấy săn bắt hái lượm làm phương tiện sinh tồn. Các nhóm bộ lạc Bách Việt nhanh chóng bị nhà Tần chinh phục và hoặc là chấp nhận sinh sống cùng người Hoa Hạ và bị đồng hóa hoặc là di cư hàng loạt xuống miền Bắc Việt Nam.
Cần lưu ý là nhiều nhà sử học như Lê Văn Hưu (thế kỷ 13) đến Trần Trọng Kim (đầu thế kỷ 20) đều coi nhà Triệu là một triều đại chính thống của Việt Nam vì các ông cho rằng nhà Triệu dám đứng ngang hàng với nhà Hán phía Bắc. Lê Văn Hưu đã viết trong Đại Việt sử ký : "Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là "lão phu", mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được".
Khi nhà Tần sụp đổ, Triệu Đà khi đó đang làm quan cai trị ở phía Nam (nay là tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây). Nhân cơ hội Trung Hoa rối loạn, Triệu Đà tự xưng vương để lập nên nước Nam Việt, trị vì khoảng từ năm 207 trước công nguyên đến năm 137 trước công nguyên, xưng là Nam Việt Vũ Vương hay là Nam Việt Vũ Đế. (Ảnh : Bản đồ nước Nam Việt)
Cũng có ý kiến như của Ngô Thì Sĩ (thế kỷ 13) cho rằng nhà Triệu xuất thân từ người Hán và đã chiếm đóng vùng lãng thổ của các bộ lạc Bách Việt vì Triệu Đà vốn là một võ tướng thời nhà Tần phục lệnh Tần Thủy Hoàng bành trướng xuống phía Nam. Ông viết : "An Dương Vương mất nước, để quốc thống về họ Triệu, chép to 4 chữ : "Kỷ Triệu Vũ Đế". Người đời theo sau đó không biết là việc không phải. Than ôi! Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Triệu Đà khởi phát ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước ta. Nếu coi là đã làm vua nước Việt, mà đến ở cai trị nước ta, thì sau đó có Lâm Sĩ Hoằng khởi ở đất Bàn Dương, Lưu Nghiễm khởi ở Quảng Châu, đều xưng là Nam Việt Vương, cũng cho theo Quốc kỷ được ư ? Triệu Đà kiêm tính Giao Châu, cũng như Ngụy kiêm tính nước Thục, nếu sử nước Thục có thể đưa Ngụy tiếp theo Lưu Thiện, thì quốc sử ta cũng có thể đưa Triệu tiếp theo An Dương. Không thế, thì xin theo lệ ngoại thuộc để phân biệt với nội thuộc vậy". Từ thập niên 1960 của thế kỉ 20, tất cả các nhà sử học Việt Nam đều nhất trí coi Triệu Đà là tướng xâm lược của nhà Tần, và nhà Triệu là triều đại của người Hán, không phải là triều đại của người Việt.
Nhưng sự đồng hóa mà người Hoa áp đặt lên các dân tộc Bách Việt diễn ra mạnh nhất dưới thời nhà Hán. Những tư duy, thói tục của người Hán được người Việt dần tiếp thu, kể cả tư tưởng "nhân trị" và văn hóa nhân sĩ cũng được bồi đắp theo quá trình đắp đê sông Hồng cũng như trong khoảng thời gian người Hán cùng chung sống với người Việt. Nên không khó hiểu nếu nhiều nhà xã hội học điển hình là Filip Kraus hay so sánh nền văn hóa mà Việt Nam đang sở hữu như là một nền văn hóa sao chép rất nhiều từ mô hình Trung Quốc.
Chính vì không có nguồn gốc văn hóa mạnh nên người Việt đã tiếp nhận gần như tất cả những gì có trong nền văn minh Trung Hoa, trừ tiếng nói, những đặc điểm văn hóa khác như nhai trầu, làm đen răng, xăm mình... dần dần bị xóa bỏ theo thời gian cai trị của các triều đại phong kiến Việt Nam sau này dưới áp lực thần phục Trung Hoa. Kết quả của chế độ cộng sản hiện nay cũng bắt nguồn từ gốc rễ đó, phải thừa nhận rằng chế độ tại Việt Nam hiện nay còn tồn tại cũng nhờ cái gốc văn hóa của người Việt còn ăn sâu bám rễ trong tiềm thức phản ứng. Một điều có thể chắc chắn : người Việt hầu như không có văn hóa dân chủ nên sự thắng thế của của chế độ cộng sản tại Việt Nam đã là một kết quả hợp lý.
2. Vài nét về văn hóa và sự suy thoái của Khổng giáo tại Việt Nam
Nói về văn hóa Việt Nam thì không thế không nhắc đến văn hóa làng xã. Tính cộng đồng và tính làng xã đã gắn chặt vào tâm thức của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những thành ngữ đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt rất mạnh, đơn cử như : "sớm lửa tối đèn có nhau", "bán anh em xa mua láng giềng gần", "lá lành đùm lá rách", "môi hở răng lạnh"... Cấu kết chặt chẽ của làng xã người Việt xưa thường được thể hiện qua các Hương ước, Hội đồng kỳ mục (hay còn gọi là Hội đồng hương chính). Người dân trong cùng một làng chia sẻ những giá trị chung, gắn bó và liên kết với nhau qua khu vực địa lý (ngõ, xóm, làng) ; hay qua những hoạt động văn hóa tín ngương tôn giáo ; những hoạt động có mục đích kinh tế như các phường hội, có thể kể đến : hội cấy, hội cày, phường thủ công... Các tổ chức liên kết dân sự này đan xen, hoà quyện, chồng xếp vào nhau, tạo thành những sợi dây chằng chịt, gắn bó người dân trong làng với nhau.
Hội đồng kỳ mục là cơ quan quản lí truyền thống của làng xã người Việt ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ. Hội đồng được xác lập vào nửa sau thế kỉ XV, khi Nhà nước phong kiến bỏ chế độ xã quan (quan lại do Nhà nước cử về nắm làng xã). Hội đồng bao gồm các thành viên là các quan lại, cai đội người làng đã về hưu, các cựu chánh phó tổng, cựu chánh phó lí trưởng không bị miễn nhiệm. Hội đồng có toàn quyền đối với các vấn để lớn trong đời sống của làng như sửa đổi và bổ sung hương ước, chia hoặc đấu thầu công điền công thổ, quản lí theo kì hạn, đấu giá tài sản và thu chi ngân sách, sửa chữa đình chùa, mở hội, quan hệ với các làng khác... Hội đồng kì mục hoạt động không có nhiệm kì hạn định và hoàn toàn độc lập với chính quyền nhà nước cấp trên, chính quyền phong kiến cấp xã muốn thực thị các nhiệm vụ của mình phải nhờ sự giúp đỡ của Hội đồng kỳ mục. Nhờ sự thay đổi trong phương pháp tổ chức hành chính mới này mà mỗi một làng thể hiện tính tự trị cao và sự tự cung tự cấp, khép kín, ít khi tiếp xúc với bên ngoài, hoạt động như một "nước riêng biệt". Ở một khía cạnh nào đó, đúng như nhà triết học Kim Định nhận xét rằng nhà nước phong kiến Việt Nam từ sau thế kỉ XV đến khi xảy ra cách mạng tháng 8 như một nhà nước liên bang, trong đó chính quyền trung ương chỉ ra luật còn việc thực hiện thì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Thế nên mới có những câu thành ngữ đã phổ biến thời đó như : "Chuông làng nào làng nấy đánh, thánh làng nào làng nấy thờ", "phép vua thua lệ làng"...
Văn hóa làng xã của Việt Nam không còn phù hợp trong thời đại toàn cầu hóa. (Ảnh : Làng cổ Đường Lâm)
Nhưng không phải ngẫu nhiên mà lại có sự thay đổi đó. Khi một con mãnh thú sắp chết, nó tìm cách kéo dài thời gian sống. Văn hóa Khổng giáo từ sau nhà Hậu Lê bắt đầu suy thoái, những cải cách chính quyền trong thời gian này diễn ra quyết liệt hơn rất nhiều so với các triều đại trước. Các vua Lê cố gắng xoa dịu các mâu thuẫn từ các phe cánh trong triều cho tới địa phương. Ban đầu thì có vẻ hiệu quả bằng cách cho thêm hình thức tự trị và cho phép một nhóm quan lại tự điều hành đơn vị cấp cơ sở thông qua các hội đồng kỳ mục nhưng trên thực tế lại chỉnh đốn triều chính để quyền lực tập trung vào bản thân. Sau thời vua Lê Thánh Tông 30 năm, nhà Lê suy yếu rõ rệt đến mức các vua Lê không thể dẹp nổi các phe cánh trong triều dẫn đến đất nước hết loạn lạc lại đến chia cắt. Văn hóa Khổng giáo không còn là lý tưởng để phục tùng "thiên tử" nữa, nó trở thành một loại văn hóa bạo lực và cơ hội, chỉ phục tùng kẻ mạnh và kẻ nào dùng nhiều bạo lực hơn thì càng được nể sợ và được các quan cúi mình cung cúc trung thành. Còn những vị quan "trung thành" với triều cũ hoặc chạy theo phe phái khác nhân danh "phù Lê" hoặc quay về ở ẩn. Tuyệt nhiên không ai quan tâm dân chúng, từ quan cho tới vua đều chỉ chăm chăm lấy lại được quyền lực.
Kể cả các triều đại phong kiến Việt Nam sau này cũng bộc lộ rõ những suy thoái Khổng giáo không thể nào cứu vãn, thế là công cụ bạo lực được sử dụng nhiều hơn, mục đích chính của nó không có gì ngoài việc thị uy, tàn sát và tiếm quyền. Và lối nguỵ biện thường được nhắc đến bằng cái tên mỹ miều là "cứu cánh biện minh cho phuong tiện" đã được đạo quân cướp bóc Tây Sơn sử dụng triệt để qua cụm từ "phù Lê diệt Trịnh". Thực ra thì người dân Thăng Long thời đó coi nhà Tây Sơn là một đạo quân hiếu chiến và hung hăng hơn là "ân nhân" đã giúp nhà Lê khôi phục cơ đồ. Vì thế không khó hiểu khi quân Thanh tràn vào miền Bắc Việt Nam thời đó lại được người dân ủng hộ như vậy. Ngay cả sau này Pháp xâm lược nước ta thì nhiều nhà trí thức vẫn ủng hộ người Pháp tiếp tục cai trị vì họ không muốn phải quay lại thời kì hà khắc của nhà Nguyễn.
Văn hóa Khổng giáo đã thất bại ngay từ khi nó được sinh ra vì nó bị ảnh hưởng trong thời kì bạo lực mà Khổng Tử đã tồn tại (thời Xuân Thu chiến quốc). Tuy nhiên, như đã trình bày, văn hóa Khổng giáo đã xuất hiện rất lâu từ khi người Hoa Hạ phải vật lộn với tự nhiên để trị thủy, gốc rễ của nó vẫn bám chặt trong mỗi người Việt mà thể hiện rõ nhất là thị uy, sử dụng bạo lực hòng ép người khác nghe lời, kinh sợ bạo lực để được yên thân và phục tùng bạo lực để tiến thân.
3. Quốc gia và tập thể
Văn hóa mà người Việt đang có nêu cao tinh thần tập thể, cá nhân không được quan niệm rõ ràng, cá nhân bị gắn chặt trong tập thể và không có quyền lên tiếng chỉ trích tập thể, đặc biệt là giai cấp đại diện cho tập thể đó. Có thể lấy ví dụ là khi Nguyễn Du viết câu thơ "dọc ngang nào biết trên đầu có ai" thì vua Tự Đức khi đọc được đã lồng lên quát cận thần đòi đưa Nguyễn Du tới nọc ra đánh đòn, nhưng đã muộn, Nguyễn Du qua đời rồi còn đâu. Thế là nhà vua tức tím người ngồi đọc tiếp truyện Kiều.
Nhưng tại sao người Việt có tinh thần tập thể thì lại để mất nước vào tay người Pháp ? Không lẽ tinh thần tập thể đó có vấn đề ? Phải, không những có vấn đề mà là rất nhiều vấn đề.
Thứ nhất là tâm lý kẻ sĩ, trong triết lý của Khổng giáo không đặt ra vấn đề các trí thức kết hợp với nhau để làm việc và cùng thay đổi hình thái một xã hội, giáo dục Khổng giáo chỉ đơn giản là giáo dục tầng lớp trí thức khi thời bình thì ra làm quan, khi thời chiến thì lui về ở ẩn, đặc biệt là chỉ được trung thành một chủ dù thời thế thay đổi.
Tuy nhiên có một trường hợp hi hữu và hiếm hoi là Ngô Thì Nhậm vừa đổi chủ từ nhà Lê sang nhà Tây Sơn vừa tham gia giúp quân Tây Sơn trong việc đánh đuổi quân Thanh. Có một cặp đối rất nổi tiếng giữa Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường :
Đặng Trần Thường hả dạ chuyện nhà Tây Sơn sụp đổ mà đối :
"Ai công hầu, ai khanh tướng
Vòng trần ai, ai đã biết ai".
Ngô Thì Nhậm khẳng khái đáp :
"Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu
Gặp thời thế, thế thời phải thế".
Sự kiện dẫn tới vế đối này là vì Đặng Trần Thường trung thành nhà Lê, tuy nhiên nhà Lê bị nhà Tây Sơn đuổi đánh thì ông lại khúm núm ra đầu quan cho nhà Tây Sơn nhưng lại bị Ngô Thì Nhậm cười khinh, dù giận tím ruột nhưng Thường không thể làm được gì, ông vào nam và đi theo Nguyễn Phúc Ánh (Gia Long). Chỉ đến khi nhà Tây Sơn bị Nguyễn Ánh lật đổ, Thường lại cười Nhậm chuyện cũ và sau khi đối xong thì lấy roi tẩm thuốc độc mà đánh Nhậm.
Kẻ sĩ trong thời đại vua chúa là vậy, không mong gì hơn là được phục tùng vua chúa, khi thắng thì đắc chí, kiêu ngạo, khi thua thì hằn học, tiểu nhân. Dù cách thức hành động thế nào thì đều có điểm chung là kẻ thắng thì theo chân kẻ thống trị mới mà sát phạt đồng bào, kẻ thua thì "nuôi chí căm thù" rồi thi nhau "phá phách". Hỏi sao tinh thần quốc gia lại kém ?
Thứ hai đó là tư tưởng "nhân trị". Tư tưởng "nhân trị" đã ngự trị trong mỗi người Việt và nó biểu hiện qua "thiên tử", đối với "thiên tử" thì "hiền tài" chính là người làm lợi cho giai cấp thống trị chứ không phải cho nhân dân, thế nên không khó để nhìn thấy những "thất trảm sớ", "tế cấp bát điều"... đều không được kẻ đứng đầu chấp thuận vì nó đi ngược lại lợi ích của phe cánh mà thiên tử đang nắm trong triều chính, thay đổi hình thái xã hội đối với "thiên tử" mà nói thì đó là tự sát. Ở trong một xã hội mà tư duy "nhân trị" lên ngôi thì đừng đòi hỏi gì hai chữ "công bằng", các vua chúa, kẻ đứng sau nhiếp chính chỉ lo giữ lấy ngôi báu yên ổn, kể cả nếu có ra tay làm những vụ án như "lệ chi viên" thì cũng không quan tâm đến hậu quả, miễn quyền hành đều ở trong tay. Hậu quả như đã diễn ra trong lịch sử, quân Pháp đến mà các đạo quân triều đình nhà Nguyền kháng cự yếu ớt mà tan rã, tinh thần quốc gia của họ làm sao có được nếu họ không coi quốc gia gắn bó với bản thân mà chỉ coi quốc gia chỉ là sở hữu của vua chúa ?
Ở trong một xã hội mà tư duy "nhân trị" lên ngôi thì đừng đòi hỏi gì hai chữ "công bằng”. (Ảnh : Khổng Tử)
Thứ ba là "trọng xỉ, trọng hoạn" chứ không "trọng hiền". Thực ra không phải ngẫu nhiên mà người Việt lại có tư duy này. Nó đã là một di chứng do nền giáo dục chỉ mang tính hình thức của Khổng giáo gây nên. Từ "trọng hiền", các thiên tử chỉ trọng những kẻ có lợi cho họ và người học thì cũng chỉ mong ngóng được làm quan để quỳ luỵ nên sinh ra tư duy "trọng hoạn".
Người Việt khi xưa rất coi trọng những lời nói của các bậc trưởng bối vì họ cho rằng những người sống lâu thì có kinh nghiệm sống tốt hơn người đi sau nên họ luôn coi ý kiến của người lớn tuổi là đúng và cấm những ý kiến sau của hậu bối, điều đó khiến môi trường tranh luận tại Việt Nam không có vì "trên bảo dưới phải nghe, dưới không nghe là ngỗ nghịch". Cũng không hoàn toàn là lỗi của người đi trước vì giai cấp thống trị cũng ngoan ngoãn nghe lời mà phục tùng đất nước phương bắc nên không khó nhận ra là nhiều vị vua Việt có phản xạ có điều kiện "đi cầu cứu" ngoại bang để dành lại quyền lực. Tư tưởng "trọng xỉ" chỉ đúng trong một xã hội ít biến chuyển, trong đó những người trong xã hội ít khi thay đổi, dịch chuyển, ai cũng thừa hiểu người khác trong cùng một làng thì những kiến thức mà các bậc tiền bối truyền lại quả thật có ích trong mọi việc, nhưng theo thời gian mà đất nước va chạm với nền văn minh phương Tây thì tư duy này lộ rõ bản chất bảo thủ và máy móc, nó hạn chế người Việt có những tranh luận cởi mở để làm tiền đề phát triển các ý tưởng nhằm đưa đến các giải pháp phù hợp cho đất nước.
Người Việt có hiếu học không ? Theo tôi là không vì người Việt học chỉ với mong muốn được quỳ gối giai cấp thống trị chứ không nghĩ đến sau khi đỗ đạt thì tiếp tục học từ thực tiễn. Người Việt sau khi học hành và đỗ đạt thì làm quan phục vụ cho giai cấp cầm quyền, nếu là người có chút lương tri thì chỉ kiến nghị mong nhà vua thực hiện còn không thì họ về ở ẩn chứ không quan tâm đến giải pháp đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tồi tàn. Còn những kẻ làm quan chỉ với mong muốn được tiến thân và "ăn trên ngồi trước" đồng bào họ thì nhiều vô số kể. "Quan phụ mẫu" chính là cách nói sự coi trọng của người Việt đối với việc làm quan, văn hóa làng xã mà người Việt hưởng thực chất là một loại văn hóa mang nhiều định kiến tập thể xấu, trong đó có "trọng hoạn", chỉ cần "làm quan" thì cả họ hàng nở mày nở mặt, cả làng triền miên trong những lời tán tụng nịnh nọt và ganh ghét, đố kỵ đối với người đạt được con đường tiến thân. Chính văn hóa làng xã của Việt Nam đã dung dưỡng cho các định kiến xấu dễ dàng sinh sôi và phát triển nên văn hóa đó là nơi sinh ra những kẻ sĩ chỉ biết đến con đường "làm quan" phục vụ cho bạo quyền hơn là cho dân làng.
Cũng chính loại văn hóa này đã cho phép những kẻ vô đạo nhân danh tập thể để làm lợi cho bản thân. Người Việt bị lẫn lỗn giữa "tập thể" và "người đại diện cho tập thể" nên họ đã bị đảng cộng sản lợi dụng nhằm "đấu tố địa chủ" và ép "đóng góp cho đất nước". Dần già thì đất nước đối với người Việt là một thứ xấu xí chỉ biết đòi hỏi nhân dân mà không cho người dân được hưởng những quyền đáng ra phải có của một con người. Nhưng người Việt cũng rất lạ, họ cũng ghét những giá trị tự do phương Tây, họ cho rằng những giá trị đó khiến cho đạo đức suy đồi, xã hội loạn lạc, họ lấy các giá trị tập thể để làm đối chọi với các giá trị văn hóa của Phương Tây mà không hiểu rằng nếu không nhờ các giá trị tự do cá nhân thì họ sẽ không có lòng yêu nước và tinh thần quốc gia mạnh như cái thời cách mạng tháng 8, chính những cuộc tranh luận sôi nổi và cởi mở thời Pháp thuộc đã làm cho tầng lớp trí thức thức tỉnh hiện trạng đất nước mà dám tranh đấu cho dân tộc.
4. Hãy tranh đấu có tổ chức
Trí thức Việt Nam cần hiểu rằng đám đông là một thực thể tư duy không có lý trí và mang tính lây lan rất là cao, thiếu khả năng suy nghĩ logic. Đặc biệt là khi đám đông đó được cầm đầu bởi những kẻ ma mãnh, biết áp dụng chủ nghĩa dân tuý và có tham vọng quyền lực thì đám đông đó có thể trở nên kích động và hoàn toàn chỉ nghe theo lời kẻ đó. Đôi khi ý kiến, suy nghĩ, hành động của cá nhân vấp phải áp lực dư luận, tập thể đã khiến họ chịu khuất phục nếu không muốn bị đào thải khỏi đám đông, thậm chí còn nguy hiểm cho tính mạng cá nhân đó. Sự thống trị của đảng cộng sản vẫn sẽ tiếp tục nếu các trí thức còn tiếp tục tranh đấu cá nhân mà không chịu hình thành một tập thể (tổ chức) đối lập có lý tưởng, và giải pháp để làm tiền đề cho một cộng đồng lớn hơn tập thể đối lập đó ủng hộ.
Thiên Cầm
(12/01/2022)