Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Từ nhiều tháng qua, dư luận trong và ngoài nước dường như đã và đang bị choáng ngộp bởi lượng thông tin liên quan đến chống và bắt tham nhũng trong nước. Những quan tham trong các đại công ty nhà nước, đặc biệt là trong ngành công an và quân đội lần lượt bị bắt và truy tố. Mọi người đều hài lòng vì ít ra ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, đã dám làm những việc mà chính ông và những đồng nhiệm trước đó đã không dám làm vì sợ làm vỡ bình, nghĩa là dám đánh vào chính mình, dám làm sạch guồng máy cầm quyền. Có làm được hay không, đó là một chuyên đề khác.

Gần như mỗi ngày báo chí trong nước cung cấp những thông tin khá hấp dẫn liên quan đến chống và bắt tham nhũng ở cấp cao, không những trong ngành công an mà còn cả ở những các cấp chính quyền, từ trung ương đến địa phương. Như bị mê hoặc, dư luận rất khoái trá trước những thông tin về chức vụ và lượng tiền khổng lồ mà những quan tham đã chiếm dụng và số năm tù phạt quan tham. Ngoài chuyện đánh bắt tham nhũng, những gì đang xảy ra trong nước gần như không còn được báo chí trong nước quan tâm.

Nhưng lá không thể che lấp rừng. Tương lai và sự tồn vong của dân tộc và đất nước không phải chỉ là chống tham nhũng. Tất cả chỉ là hỏa mù để che lấp một âm mưu thâm độc hơn : Trung Quốc đang âm thầm thực hiện âm mưu biến Việt Nam thành thuộc địa.

Đây là cả một quy trình đã được chuẩn bị rất kỹ càng và có lớp lang, có thể đã bắt đầu từ thập niên 1970 dưới thời Chu Ân Lai và được cụ thể hóa từ sau năm 1990, qua Hội nghị Thành Đô. Chính sách thuộc địa hóa Việt Nam tuy tiệm tiến nhưng chắc chắn : cố vấn để khống chế Đảng cộng sản Việt Nam trong mọi lãnh vực, đặc biệt là ngoại giao và quốc phòng. Chuyên gia Trung Quốc trong những ban công tác đã phác thảo ra những chương trình hợp tác giữa hai nước trong chiến lược thuộc địa hóa này : mở đường ra biển về phía nam bằng cách  chiếm các hải đảo trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ; xác định lại khu vực biên giới trên đất liền để bảo vệ an ninh lãnh thổ và làn ranh phân chia lãnh hải để mở rộng chủ quyền trên biển và chiếm giữ những nguồn tài nguyên dưới biển ; đưa người ồ ạt sang Việt Nam để khống chế sinh hoạt kinh tế và tìm kiếm những vùng đất tốt để xây dựng cơ sở khai thác và ở lại lâu dài trong mục tiêu nắm quyền điều khiển đất nước Việt Nam, đầu tiên là kinh tế tài chính và sau đó là chính trị và văn hóa. Tất cả đều diễn ra theo đúng bài bản của một chính sách thực dân nhằm biến Việt Nam thành một thuộc địa của Trung Quốc, với sự đồng lõa của Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và đám quan lại trong guồng máy đảng và nhà nước. Cũng nên chú ý, hệ thống an ninh và luật pháp Việt Nam đã tỏ ra rất dễ dãi với những tội phạm hình sự nhưng rất hung bạo với những ai có hành vi chống Trung Quốc, dù là ông già bà cả, trẻ em hay phụ nữ có con thơ.

bds1

Mỗi ngày có hàng nghìn khách Trung Quốc là người cao tuổi nhập cảnh vào Việt

Kế hoạch thuộc địa hóa này đã và đang thực hiện một cách thành công, qua chương trình đầu tư bất động sản. Người Trung Quốc chỉ muốn vào ở những nơi có tiềm năng kinh tế cao, nghĩa là trong các trung thâm thành thị, cạnh những trục lộ giao thông và giao thương có tầm vóc (hải cảng, giang cảng, thương cảng đường bộ và đường sắt), những địa điểm du lịch có khả năng thu lợi cao, những địa danh có phong thủy tốt… để chỉ có thể phát tài thêm hơn.

Vì Việt Nam là một chế độ độc tài, kế hoạch thuộc địa hóa này rất dễ thực hiện : đầu tiên là móc nối với những quan chức đảng và nhà nước có quyền quyết định hay có quyền ký kết, đương nhiên là với những khoảng tiền phải tính bằng chục triệu USD dưới bàn. Để tránh tai tiếng, những quan chức này (ít nhất là cấp Trung ương hay Bộ Chính trị) tháo khoáng cho những đàn em hay thân tín (cấp bộ trưởng hay cấp tướng) đảm nhiệm công tác giao dịch với người cung cấp tiền (phía Trung Quốc) và thương lượng với cơ quan hay các cấp chính quyền, quân đội và công an có quyền quyết định về truất hữu quyền sử dụng đất. Từ đó nảy sinh những đại gia bất động sản, rất nhiều người trở đã thành tỷ phú đô la, và cũng từ đó sản sinh những tiểu gia bất động sản (vài chục triệu USD) sẵn sàng chiếm dụng những vùng đất tốt bằng mọi giá.

Những đại gia trung gian bất động sản chỉ cho mượn danh và chẳng phải làm gì cả, nhiệm vụ duy nhất của những người này là không để người Việt gây xáo trộn, cản trở những công trình xây cất. Công tác và chi phí xây dựng những công trình quy mô phần lớn đều do phía Trung Quốc cung cấp đài thọ, vì Việt Nam không đủ khả năng cung cấp : vật tư xây cất (dụng cụ dựng sàn, xe cần cẩu, cần trục, xe ủi đất...), vật liệu xây dựng đường sá, nguyên vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, dây điện, ống nước, linh kiện điện nước), nhân công từ cao cấp (bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, thợ cả...) đến thợ nề, thợ mộc, thợ điện, thợ ống nước...

Sự khôn ngoan của người cung cấp tiền (phía Trung Quốc) là không muốn người làm trung gian hợp tác vay tiền của các ngân hàng Việt Nam, vì sợ bị kiểm soát. Nếu bắt buộc phải vay để hợp thức hóa công trình xây dựng thì chỉ được vay với những số tiền nhỏ (tuy nhỏ nhưng cũng đủ gây khó khăn cho ngân hàng nếu trở thành nợ xấu, nghĩa là không đủ khả năng trả nợ, và thường là nợ xấu vì người vay tuyên bố phá sản và chuyển quyền khai thác cho nhà đầu tư bất động sản bản xứ khác). Một bẫy sập ít ai chú ý tới là những hợp đồng vay mượn tín dung của Trung Quốc đều trực thuộc vào luật pháp của Trung Quốc, do đó khi không thể trả nợ đáo hạn, phía chủ nợ Trung Quốc thường áp dụng biện pháp siết tài sản thế chấp (quyền sử dụng đất đai quanh các phi cảng, hải cảng, giang cảng, nói chung là những thương cảng, cao ốc và trục lộ giao thông...).

Hiện nay ở Việt Nam đã và đang xuất hiện rất nhiều cao ốc và cơ ngơi sang trọng, với hàng trăm ngàn căn hộ trống chưa có người mua (ở ngay trong và cạnh các trung tâm đô thị, cạnh các trục lộ giao thông chính, cạnh các bờ sông, xa lộ, phi cảng và hải cảng quốc tế…), mà lợi tức trung bình của một người Việt Nam lương thiện không thể mua nổi.

Vậy những căn hộ này bán cho ai ? Chỉ có một khách hàng duy nhất : người Trung Quốc.

Cũng nên biết không phải người Trung Quốc yêu mến gì thắng cảnh xinh đẹp của Việt Nam mà ồ ạt tràn vào Đà Nẵng, đảo Lý Sơn, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết, Cần Thơ, Phú Quốc và Sài Gòn tham quan. Những người này chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là bám trụ chờ khi được bật đèn xanh thì làm thủ tục mua nhà, xây dựng cơ sở buôn bán để ở lại Việt Nam.

Vào thời điểm này (tháng 4/2018) đèn xanh đã được bật. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã sửa đổi Luật đất đai 2013 cho phép người nước ngoài mua nhà đất ở Việt Nam (mà nhiều người tưởng dành riêng cho Việt kiều). Theo Luật nhà ở 2014, cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự thì được quyền mua, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại. Thời hạn sở hữu nhà theo thỏa thuận trong các hợp đồng giao dịch nhưng không quá 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn. Thời hạn sở hữu nhà ghi rõ trong giấy chứng nhận... nhưng người Trung Quốc muốn gia hạn tới 99 năm, nghĩa là muốn ở lại lâu dài. 

Hiện nay số lượng cao ốc và những khu biệt cư đã và đang xây dựng ở Việt Nam đủ để cung cấp cho hơn một triệu người nước ngoài vào ở. Số Việt kiều và người có quốc tịch phương Tây muốn mua nhà ở Việt Nam cao lắm là vài ngàn, số còn lại không ai khác hơn là khách du lịch Trung Quốc đang nằm vùng chờ cơ hội công khai để lộ diện.

Bây giờ giới chủ nhân cung cấp vốn gốc Trung Quốc không muốn chuyển tiền cho những trung gian người bản xứ (Việt Nam) xây cất nữa mà muốn trực tiếp đảm nhiệm. Công tác mua chuộc các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương ở Việt Nam đã hoàn tất, những người này muốn bạch hóa lượng tiền bỏ ra, vì đã được tẩy trắng bởi những đại gia bất động sản Việt Nam. Thời điểm đang chín muồi cho sự lộ diện của chủ nhân những nguồn tiền khổng lồ đó : họ là những chủ nhân ông đến từ Thượng Hải và Quảng Châu.

Hai tin ngắn dưới đây cho thấy âm mưu cụ thể hóa quyền chuyển nhượng nhà đất của chính quyền cộng sản Việt Nam vào tay người Trung Quốc. Hệ quả của sự chuyển nhượng này là quyền lãnh đạo đất nước sẽ được chuyển từ từ vào tay người Trung Quốc. Lý do rất dễ hiểu : sở hữu được nhà thì sẽ sở hữu luôn quyền quyết định sinh hoạt nơi cư trú. Trong những ngày sắp tới số người Trung Quốc này chỉ đông lên thêm chứ không thể giảm xuống. Họ đã mua chuộc hầu hết các cấp chính quyền, họ có đủ mọi mọi phương tiện để có mọi giấy tờ cần có để hợp lệ hóa sự hiện diện và họ còn có thêm những quyền mà người Việt Nam không có như không nói tiếng Việt, không học tiếng Việt, không hội nhập vào xã hội Việt, không cho người Việt, kể cả các cấp chính quyền Việt Nam, được vào những khu vực dành riêng cho người Trung Quốc... Nói chung họ chỉ muốn là những khách trú ưu đãi, được hưởng tất cả những hoa lợi thu được ở Việt Nam mà không có một trách nhiêm gì cả, kể cả đóng thuế. Một cách ngắn gọn, họ là giai cấp thực dân mới.

Hơn nữa, cũng nên biết người Trung Quốc ở Việt Nam không muốn bị người Việt Nam cai trị, họ chỉ muốn được tự trị và lệ thuộc vào chính quyền Bắc Kinh. Ngược lại họ có quyền điều khiển người Việt Nam, qua trung gian giai cấp tôi đòi đảng cộng sản Việt Nam, để nắm yết hầu dân tộc Việt Nam qua các sinh hoạt kinh tế, quốc phòng và văn hóa.

Người Việt trong nước ơi, hãy thức tĩnh và ngăn chặn bàn tay bán nước đang biến con cháu mình thành nô lệ. Chỉ người Việt mới có thể cứu người Việt, hãy mở mắt và lấy quyết định dấn thân.

Nguyễn Văn Huy

*******************

Doanh nghiệp Trung Quốc đề xuất đưa lao động sang Việt Nam, và sở hữu nhà 100 năm (RFA, 24/04/2018)

Một doanh nghiệp bất động sản lớn của Trung Quốc vừa đề nghị thành phố Hồ Chí Minh cho phép người Trung Quốc sở hữu nhà với thời hạn tới 100 năm vì doanh nghiệp này có thể sẽ đưa nhân viên Trung Quốc sang làm việc.

bds2

Ban giám đốc điều hành của tập đoàn bất động sản E-House của Trung Quốc.  thanhnien.vn

Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Chính Hiệp Thượng Hải Trung Quốc và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hôm 24/4.

Tại buổi làm việc, ông Ding Zuyu, Tổng giám đốc tập đoàn E-House của Trung Quốc cho biết, tập đoàn này đang có kế hoạch mở rộng đầu tư bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và hiện nay tập đoàn đã tham gia một vài dự án tại đây và sẽ mở bán trong thời gian tới cùng với việc mở công ty tại Việt Nam.

Ngoài ra ông Ding Zuyu còn đề nghị đưa các nhân viên từ Trung Quốc sang Việt Nam để làm việc và việc sở hữu nhà dành cho người nước ngoài lên tới 100 năm thay vì sở hữu 50 năm như luật qui định.

Hiện nay, Trung Quốc có 202 dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư các dự án lên tới hơn 150 triệu đô la và dự án lớn nhất lên tới 30 triệu đô la. Với tổng vốn đầu tư này Trung Quốc hiện xếp thứ 20 trong 96 quốc gia đầu tư tại đây.

Báo Thanh Niên trích lời bà Lê Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết theo luật Nhà ở, người nước ngoài được quyền mua nhà tại Việt Nam nhưng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Bà nói việc xem xét kéo dài thời gian sở hữu chỉ áp dụng đối với những dự án đặc biệt quan trọng tới sự phát triển của Việt Nam và phải do Thủ tướng xem xét.

********************

Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Thượng Hải Trung Quốc thăm Việt Nam (RFA, 23/04/2018)

Một đoàn cán bộ thành phố Thượng Hải của Trung Quốc vào ngày 23 tháng 4 được Tổng thư ký Ủy ban trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tiếp tại Hà Nội.

bds3

Ông Châu Hán Dân và ông Hầu A Lềnh tapchimattran.vn

Tin cho biết, ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt Trận Tổ Quốc đại diện phía Việt Nam tiếp đón đoàn thành phố Thượng Hải, và trình bày về tình hình kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng của Việt Nam trong năm 2017 cho phía đoàn Thượng Hải.

Đại diện đoàn đại biểu Thượng Hải do ông Châu Hán Dân, Phó chủ tịch Chính hiệp Thành phố Thượng Hải dẫn đầu.

Published in Quan điểm