Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Rassemblement pour la Démocratie Pluraliste
Rally for Democracy and Pluralism
Tuyên bố của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
về dự luật thành lập các đặc khu hành chính - kinh tế
của chính quyền cộng sản
Trước sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam, chính quyền cộng sản đã hoãn lại việc cho Quốc hội biểu quyết thông qua dự luật thành lập các đặc khu hành chính – kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Đây là một nhượng bộ lớn và đúng hướng của Đảng Cộng Sản cần được ghi nhận với cảnh giác.
Từ nhiều năm qua Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, trong các dự án chính trị liên tiếp, đã luôn luôn phản bác việc thành lập các đặc khu kinh tế. Lập trường này đã được tái khẳng định trong dự án chính trị 2015 - Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai - như sau :
"Chúng ta sẽ không thiết lập các khu kinh tế với quy chế đặc biệt như kiểu "khu chế xuất" mà sẽ dành mọi khuyến khích và dễ dãi cho các hoạt động kinh tế trên cả nước, với một luật kinh doanh chung cho toàn lãnh thổ".
Thời gian đã kiểm chứng sự đúng đắn của lập trường này. Các đặc khu kinh tế đã trở thành lỗi thời với phong trào toàn cầu hóa và sự hình thành dồn dập của các thỏa ước trao đổi thương mại tự do và các hợp tác khu vực. Chúng không còn sức thu hút đầu tư nữa trong khi những bất lợi vẫn còn nguyên vẹn. Chúng thu hẹp không gian liên đới quốc gia, làm thương tổn tình cảm dân tộc, trì hoãn những cải tổ cần thiết trong phần còn lại của đất nước và kích thích những hoạt động bất hợp pháp trong và chung quanh các đặc khu.
Trong trường hợp cụ thể của dự luật đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, nhân dân Việt Nam còn có những lý do nghiêm trọng khác để quyết liệt phản đối.
Trước hết là dự luật này quá mơ hồ và có quá nhiều sơ hở trong các quy định, cho phép những giải thích mâu thuẫn về chủ quyền quốc gia, với kết quả gần như chắc chắn là các đặc khu này sẽ nhanh chóng trở thành những nhượng địa trên thực tế, không cần đợi thời hạn 99 năm hay 70 năm. Nguy hiểm hơn, sự lỗi thời của công thức đặc khu sẽ khiến dự án này không thu hút được những nhà đầu tư chân chính. Hậu quả chắc chắn là sẽ chỉ có những đầu tư đến từ Trung Quốc do chính quyền Bắc Kinh chỉ đạo và với ý đồ chính trị.
Nguy cơ này có thể coi là tuyệt đối vì một lý do khác. Kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho dự án này được ước lượng là trên 70 tỷ USD, tương đương với tổng chi ngân sách của Việt Nam. Hơn nữa, kinh nghiệm còn cho thấy rằng trong mọi dự án xây dựng lớn kinh phí thực đều thường cao gấp nhiều lần dự tính ban đầu của các quan chức cộng sản. Việt Nam không thể có số vốn này và trong tình trạng nợ công bi đát hiện nay - trên 200% GDP trong thực tế, phải vay nợ mới để trả nợ cũ - cũng không thể có bất cứ một quốc gia nào hay một định chế tín dụng nào cho vay cả. Nước duy nhất có thể cho vay, để đồng thời đảm nhiệm xây dựng kết cấu hạ tầng, là Trung Quốc với kịch bản chắc chắn là chi phí thực sẽ cao hơn rất nhiều so với dự tính, Việt Nam sẽ phải vay thêm, chịu thêm những áp lực và phải làm những nhượng bộ quan trọng hơn nữa về chủ quyền, kể cả biến những đặc khu này thành những nhượng địa chính thức. Trong trường hợp Vân Đồn, khả năng Trung Quốc sau đó dựa vào một lý cớ giả tạo để cưỡng chiếm và sáp nhập bất chấp công pháp quốc tế là rất cao.
Có mọi triển vọng đây chính là mục tiêu của Trung Quốc, họ đang nỗ lực tăng cường ảnh hưởng và sự hiện diện trên thế giới và đặc biệt trong khu vực bằng cách tận dụng khả năng xây dựng dư thừa qua chiến lược "một vòng đai, một con đường". Kiểm soát được Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ cho phép Trung Quốc thực hiện tham vọng làm chủ Biển Đông, trong khi đối với Việt Nam mất Biển Đông là mất tất cả tương lai.
Đảng Cộng Sản Việt Nam không thể không biết rằng dự án đặc khu này nếu được thực hiện sẽ là một thảm họa cho đất nước cả về chủ quyền lẫn kinh tế, dù thời gian cho thuê đất là bao nhiêu. Sự kiện họ đã thảo luận trong nhiều đại hội đảng mà vẫn định chính thức thông qua chứng tỏ rằng những thành phần bị mua chuộc đã có thế lực rất mạnh trong đảng. Ngược lại, việc Đảng Cộng Sản phải hoãn cho biểu quyết dự luật đặc khu đồng thời cũng chứng tỏ rằng trong Đảng Cộng Sản vẫn còn những người yêu nước. Họ cần tự xác nhận mạnh mẽ hơn nữa để nhân dân có thể nhận diện và hỗ trợ.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cực lực phản đối và lên án dự án tệ hại này và sẽ làm mọi cố gắng để cùng với mọi người Việt Nam yêu nước đấu tranh để nó phải bị loại bỏ dứt khoát và vĩnh viễn.
Đất nước Việt Nam phải hoàn toàn là của người Việt Nam, của mọi người Việt Nam và chỉ của người Việt Nam.
Ngày 12/06/2018
Thay mặt Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Nguyễn Gia Kiểng
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Rassemblement pour la Démocratie Pluraliste
Rally for Democracy and Pluralism
Tuyên bố của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên về vụ án Hội Anh Em Dân Chủ và việc chính quyền cộng sản gia tăng đàn áp
Như có thể chờ đợi, phiên tòa phúc thẩm ngày 04/06/2018 vừa qua đã giữ nguyên vẹn bản án tùy tiện dã man của phiên tòa sơ thẩm trước đó đối với các anh chị em thuộc Hội Anh Em Dân Chủ. Họ bị xử 66 năm tù và 17 năm quản chế trong một phiên tòa qua loa chiếu lệ.
Phiên tòa này cũng không khác các phiên tòa chính trị gần đây dành cho những người dân chủ. Chúng đều diễn ra với cùng một kịch bản đàn áp trong đó những người không chỉ hoàn toàn vô tội mà còn đáng được tôn vinh vì lòng yêu nước và sự dũng cảm bị đem xét xử sau khi đã bị bắt giam và đầy đọa trong một thời gian dài. Các thẩm phán và các công tố viên chỉ làm phận sự của những công cụ đàn áp là chính thức hóa những bản án đã được quyết định trước bởi người không thuộc tư pháp dựa trên kết luận tùy tiện của một ban giám định cũng là một bộ phận của bộ máy đàn áp.
Sự tùy tiện thách đố vẫn là đặc tính cố hữu của chế độ cộng sản nhưng từ một thời gian gần đây nó đã gia tăng đột ngột mức độ man rợ. Nhiều người, kể cả những phụ nữ có con thơ, đã bị xử những bản án tương đương với tội giết người chỉ vì đã làm những việc mà luật pháp không hề cấm và hành xử những quyền mà hiến pháp của chế độ đã nhìn nhận như quyền tự do phát biểu, quyền tự do thành lập và tham gia các tổ chức.
Đất nước ta đang trải qua một giai đoạn lịch sử nghiêm trọng. Rõ ràng chính quyền cộng sản đã từ bỏ mọi cố gắng tranh thủ cảm tình và sự hưởng ứng của nhân dân để chỉ đàn áp thật hung bạo. Họ đã thú nhận rằng giữa họ và nhân dân Việt Nam không còn gì để nói vì không còn tình cảm nào để giữ mà chỉ còn quan hệ đàn áp giữa một lực lượng chiếm đóng và một dân tộc bị thống trị. Nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần được báo động về tình trạng này.
Cùng với mọi người Việt Nam yêu nước và yêu công lý Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên bày tỏ sự liên đới và quý mến chân thành nhất với những anh chị em dân chủ mắc nạn và gia đình họ. Sự đoàn kết và gắn bó của mọi người và mọi tổ chức dân chủ để thống nhất cố gắng trong một cuộc đấu tranh chung vì lẽ phải, vì đất nước và vì lý tưởng tự do dân chủ là điều mà các anh chị em này đang mong đợi. Đó cũng là điều mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mong đợi và sẽ tận lực cố gắng để góp phần thực hiện.
Chúng tôi cũng chân thành kêu gọi mọi đảng viên cộng sản hãy ý thức rằng họ trước hết là người Việt Nam và hãy chọn lựa gắn bó tương lai của họ với đất nước Việt Nam thay vì với một đảng cộng sản đã tự cắt bỏ khỏi dân tộc để chỉ còn là một lực lượng chiếm đóng.
Ngày 06/06/2018
Thay mặt Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Phạm Vũ Mai, người phát ngôn