Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tân Calédonie (Nouvelle Calédonie/New Caledonia) là một quần đảo có diện tích tương đối lớn thuộc Pháp ở vùng Nam Thái Bình Dương (gần với Châu Úc).

nouvelle1

Trong nhiều tháng qua, tình hình Tân Calédonie rất lộn xộn. Những vụ nổi dậy phá phách cướp bóc đã làm thiệt hại hàng tỷ euro và 7 người chết. Những kẻ trực tiếp phá hoại đa số là dưới 18 tuổi.

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu một cách ngắn gọn nhất về Tân Calédonie và những bài học liên hệ.

Cách đây 3 nghìn năm, người Lapitas đã bơi thuyền đến đây và trở thành thổ dân đầu tiên của quần đảo này. Họ chính là tổ tiên của người dân bản địa bây giờ, gọi là Kanak. Năm 1853, dưới thời Napoleon III, nước Pháp đã biến quần đảo này thành thuộc địa và từ đó sát nhập vào lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp.

Phải nói rõ để các bạn biết, nước Pháp có 12 vùng lãnh thổ hải ngoại, trong đó có 2 tỉnh và vùng hải ngoại (Départements et régions d'Outre Mer-DROM) gồm Guadeloupe và Réunion ; 3 chính quyền địa phương duy nhất (Collectivités uniques-CL) gồm Martinique, Guyane và Mayotte ; 6 chính quyền hải ngoại (Collectivités d'Outre Mer-COM) gồm Polynésie française, Saint Barthelemy, Saint Martin, Saint Pierre et Miquelon, các vùng đất Bắc cực và Nam cực, quần đảo Walis và Futuna ; sau cùng Nouvelle Calédonie (Tân Calédonie) có quyền tự trị theo tập tục khá rộng rãi. Từ năm 2015 tất cả 12 đơn vị hành chánh này được gọi chung là Chính quyền địa phương (Collectivités territoriales).

Dân số Tân Calédonie ở đây khoảng 289.000 người, trong đó người Kanak chiếm 40%, người Châu Âu 27%, người Polynésie 11%, người Châu Á 3%…

Mâu thuẫn chính của cư dân ở đây là "độc lập" hay "trung thành" với nước Pháp (indépendantistes ou loyalistes). Phái đòi độc lập, chủ yếu là người Kanak. Tuy nhiên, cũng có nhiều người Kanak không muốn độc lập.

Sau rất nhiều tranh cãi, lộn xộn, nhiều thương thuyết đã được ký kết giữa 2 phái và đã dẫn đến 3 cuộc trưng cầu dân ý với kết quả là phái không muốn độc lập, tức là phái muốn ở lại trong lòng nước Pháp đều thắng. Câu chuyện rất dài dòng, tôi chỉ nói tóm tắt và muốn nhấn mạnh rằng Phái trung thành với nước Pháp (loyalistes) đã phải nhượng bộ hết mức, làm tất cả những gì có thể làm được để chiều lòng phái kia nhưng vẫn bị thất bại. Chiều lòng kiểu gì phái kia cũng không chịu.

Và để chiều lòng phái đòi độc lập, từ nhiều năm nay, nước Pháp phải chấp nhận một kiểu bầu cử phản dân chủ, tạo lợi thế cho người kanak (40% dân số). Trong các cuộc bầu cử ở địa phương, những người "mới" đến sinh sống ở Tân Calédonie từ 1998 (20% dân số hiện nay) không được tham gia bầu cử, mặc dù họ cũng là công dân Pháp. Đa số những người này là người Pháp da trắng và bị phân biệt đối xử một cách lạ lùng. Đúng là một kiểu chủ nghĩa Apartheid đảo ngược, một kiểu phân biệt chủng tộc chống lại người da trắng trên lãnh thổ Pháp, nơi người ta tôn thờ Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái. Ba cuộc trưng cầu dân ý đã trải qua, chẳng còn gì để nói ; phái đòi độc lập đều thất bại.

Đã đến lúc phải tái lập một nhà nước pháp quyền, xây dựng một nền dân chủ bình thường. Vừa qua, Quốc hội Pháp định thông qua một sự thay đổi trong hiến pháp nhằm mở rộng thêm số lượng cử tri địa phương để mọi người đều có quyền tự do ứng cử và bầu cử tại Tân Calédonie.

Chỉ chờ có thế, phái thất trận (đòi độc lập) liền kêu gọi nổi loạn, đập phá, đốt nhà, cướp của ở khắp nơi trên quần đảo. Chúng đốt cháy hầu hết các cơ sở thương mại, trường học, làm rào cản trên mọi nẻo đường… Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải gửi quân tăng viện, ban hành tình trạng khẩn cấp và đích thân bay đến Tân Calédonie để tiếp tục đàm phán…

nouvelle2

Chúng đốt cháy hầu hết các cơ sở thương mại, trường học, làm rào cản trên mọi nẻo đường…

Sự chia rẽ sâu sắc giữa người bản địa (kanak) và người nhập cư đã có từ lâu, có lúc êm đềm và cũng có lúc rấy gây cấn. Hiện tại sự chia rẽ này lại bùng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Nguyên nhân chính là đây : Kẻ thù không ra mặt là Trung Quốc ; kẻ thù nấp bóng là Nga.

Con mắt cú vọ của Bắc Kinh

Ai cũng biết là Trung Quốc không bao giờ muốn ngừng quá trình bành trướng của họ. Ngay cả Úc Đại Lơi, một nước lớn cũng còn bị các âm mưu của Trung Quốc nhằm thao túng nước Úc. Một quần đảo tương đối lớn như Tân Calédonie không thể không hấp dẫn Trung Quốc đang có tham vọng bành trướng xuống phía nam Thái Bình Dương để xây dựng căn cứ quân sự và cơ sở khai thác tài nguyên núi rừng và khoáng sản. Lãnh thổ Tân Calédonie là miếng mồi mà Bắc Kinh rất muốn nuốt chửng.

Những người có hiểu biết đều thấy rất rõ nếu Tân Calédonie mà có độc lập thì chắc chắn 100% sẽ rơi vào vòng tay Trung Quốc. Tôi khẳng định 100% luôn. Với trí tuệ "sắc sảo" của mấy ông lãnh đạo phong trào độc lập, nói luôn cho nó vuông là ra khỏi quỹ đạo Pháp thì tức thời rơi vào quỹ đạo Tầu. Nói chung, những cuộc bạo loạn của người kanak trong những ngày qua có thể nằm trong một âm mưu to lớn hơn của Trung Quốc nhằm thao túng hòn đảo tương đối lớn này, vừa đỡ tốn vừa dễ dàng hơn nhiều, cho những mục tiêu chiến lược dài hạn.

Bàn tay lông lá của Putin

Để chia lửa cho mặt trận Ukraine, Putin cũng đã làm tất cả để cho thế giới này nóng lên ở mọi nơi. Chúng ta đã thấy ở mặt trận Israel-Palestine và hiện tại thêm một mặt trận mới - Tân Calédonie.

Có một chuyện nằm ngoài cả sức tưởng tượng của tôi. Đó là một trong các biểu ngữ của đám nổi dậy có cả "Ông Putin ơi, hãy đến giải phóng chúng tôi khỏi thuộc địa Pháp".

nouvelle3

Biểu ngữ kêu gọi "Ông Putin ơi, hãy đến giải phóng chúng tôi khỏi thuộc địa Pháp".

Kẻ thù lộ diện và ra mặt rõ ràng trong vụ này là Azerbaijan, một quốc gia chư hầu của Moskva với thủ đô là Baku, bạn vàng của nước Nga. Cờ của Azerbaijan phấp phới tung bay trên các "chiến hào" kanak đòi độc lập. Nhiều người Kanak còn mặc luôn cả áo phông có logo của Nhóm Sáng Kiến Baku, giương luôn cả ảnh lãnh tụ độc tài Il Aliev, tổng thống Azerbaijan. Gia đình nhà độc tài này đã thống trị nước này hơn một nửa thế kỷ. Bố của Aliev đã từng là KGB, phó thủ tướng Liên Xô, và thành viên bộ chính trị Liên xô, rồi tự xưng là cha già dân tộc Azerbaijan từ những năm 1990s. Bọn chúng sao giống nhau đến thế.

nouvelle4

Biểu ngữ đón chào Putin và cờ của Azerbaijan phấp phới tung bay trên các "chiến hào" kanak đòi độc lập.

Pháp đã lên án sự can thiệp trực tiếp của Azerbaizan vào công việc nội bộ Pháp. Trên mạng xã hội đầy rẫy những thông tin sai lệch về Tân Calédonie do chính Baku "sản xuất".

Aliev và các thân cận đã có rất nhiều hoạt động chống nước Pháp. Chỉ đơn cử một vài thí dụ :

Trong tháng 07/2023, Baku đã tổ chức hội nghị quốc tế chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Họ đã mời rất nhiều người đòi độc lập của các tỉnh hải ngoại khác của Pháp tham dự như Martinique, Guadeloupe, đảo Corse. Trong số này có cả các đại biểu quốc hội Pháp, thành viên của đảng cộng sản, Marcellin Nadeau, Jean-Victor Castor… Tất cả các chi phí cho các "quý" đại biểu do nhà độc tài và cũng là tỷ phú dầu mỏ Aliev chịu. Tiền pourboire bỏ túi thì chỉ có trời mới biết. Ở đây, chúng ta được nghe lại những lời lẽ cũ kỹ từ hơn một nửa thế kỷ "Macron hãy chấm dứt ngay chính sách thực dân kiểu mới", "Chủ nghĩa thực dân mới vi phạm quyền con người, vi phạm công lý", "Nước Pháp phạm tội chống nhân loại"…

Từ đó đến nay, họ còn tổ chức hàng chục những hội nghị tương tự ở những nơi khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Áo, Thụy Sĩ…

Azerbaijan đang tìm cách phá hoại nước Pháp vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, nước Nga và nước Azerbaijan hiện tại có nhiều quyền lợi chung nên có nhiều hành động chung. Thứ hai, trong cuộc khủng hoảng tranh chấp vùng Thượng Karabakh, Azerbaijan tàn sát người gốc Arménie tại đây. Nước Pháp đã lên án Azerbaijan và ủng hộ Arménie.

Tôi đã hơn một lần nói về sự yếu kém của dân chủ phương Tây trước những đòn xảo trá của bọn độc tài. Tân Calédonie cũng là một thí dụ cụ thể. Mặc dù chính quyền Pháp đã cố gắng hết sức, đã chơi trò dân chủ theo yêu cầu của chúng, nhưng vì được hưởng dân chủ, tự do, chúng vẫn ngang nhiên có các hoạt động chống phá, nhận tiền của ngoại bang rồi kích động giới trẻ phá hoại lãnh thổ. Bỏ ra vài triệu USD để "nuôi" mấy thủ lĩnh đòi độc lập, phá hoại được hàng tỷ USD, gây bất ổn cho Pháp là một công việc vô cùng có "lãi" và dễ. Nhưng thiệt hại chính lại thuộc về những kẻ phá hoại và toàn dân Tân Calédonie…

Giả sử đấu tranh có dẫn đến độc lập thì mấy ông trẻ ranh phá hoại cũng không đến lượt nắm chính quyền và được lãnh đạo. Khi cách mạng thành công, lúc đó muốn biểu tình như bây giờ thì sẽ được ăn kẹo đồng và nhà tù đợi sẵn. Thật vô cùng nực cười khi mà cho đến bây giờ vẫn còn kêu gọi Putin vào giải phóng. Tôi chắc chắn là những bạn trẻ đòi độc lập ở Tân Calédonie không hề biết gì về những chuyện đã xẩy ra ở Việt Nam từ sau Thế chiến thứ II.

Cũng rất nực cười, khi một người bạn tại chỗ cho biết, nhóm lãnh đạo đòi độc lập ăn nói, hành động giống hệt cộng sản ở nước ta. Người ta có cảm giác như đang được sống trong tinh thần cuộc cách mạng mùa thu (1945).

Và cũng như ở trên tôi đã nói, các bạn cũng thấy là họ được hỗ trợ bởi những người cộng sản cũ, những người chỉ cần giở bổn cũ ra nói lại. Ấy vậy mà nhiều người tin.
Tôi không nói là chế độ thực dân là tốt. Nhưng thế giới đã đi một bước rất xa rồi. Cứ cho rằng chế độ thực dân, tư bản là xấu đi nhưng nó đã tiến một bước rất dài, mang lại thịnh vượng, của cải vật chất phục vụ cho hạnh phúc của người dân. Trong khi đó, những chế độ cộng sản ở các nước khác nhau thì đi theo chiều ngược lại, dẫn đến sự sụp đổ của cả hệ thống. Tuy nhiên, cho đến nay, người cộng sản (cũ và mới) hoàn toàn không có gì thay đổi trong tư duy của họ. Họ vẫn đang tiếp tục kìm hãm sự phát triển của nhân loại bằng cách vẫn tiếp tục chế độ độc tài để giữ quyền lợi của riêng họ chứ không phải cho giai cấp công nhân hay nông dân.

Thực tế cho chúng ta thấy một đều rất phũ phàng là một nước nhỏ (Việt Nam hay Tân Calédonie…) không thể không phụ thuộc vào một nước lớn. Vấn đề là lãnh đạo của các nước nhỏ phải tìm được một nước lớn đáng phụ thuộc. Khi ta bé, để bảo vệ mình, ta cần những người bạn lớn, khỏe. Nhưng nếu các bạn đó là những tay giang hồ, nghiện thuốc phiện thì sớm hay muộn ta cũng sẽ nghiện thuốc phiện. Chọn bạn mà chơi. Các cụ nói rồi. Rõ ràng là Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam ta cũng đang "nghiện thuốc phiện độc tài", giống như những nước bạn đàn anh Trung Quốc và Nga.

Lịch sử không có chuyện nếu. Nhưng nhiều khi cũng phải đặt một giả thiết "nếu"… để thấy được cái sai lầm và rút được bài học gì đó.

Nếu Việt Nam ta không đòi độc lập thì có thể Việt Nam vẫn là một lãnh thổ hải ngoại của Pháp, chúng ta là người Pháp như người Tân Calédonie, cũng có quyền bỏ phiếu bầu người lãnh đạo ngay tại Pháp hay tại Việt Nam. Không chừng có người Việt Nam nhờ đông dân hơn có thể đắc cử vào những chức vụ lớn và lãnh đạo ngược lại nước Pháp, như trường hợp Vương quốc Anh hiện nay. Máy bay bay từ Hà Nội sang Paris sẽ đỗ ở Terminal nội địa, chúng ta đã không đánh nhau với Mỹ, không chết 3 triệu người và đất nước không tan hoang, đặc biệt là chúng ta không lệ thuộc Tầu như ngày hôm nay. Thế trước hơn hay như bây giờ hơn.

Hình như tôi nói cái gì đó sai sai ?

Rất mong được chỉ giáo.

Hoàng Quốc Dũng

(30/05/2024)

Published in Quan điểm