Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Chính là phương tiện truyền thông và các chính đảng đang bị thất bại ở nhiều quốc gia và cần phải xây dựng lại một cách có hệ thống".

Jan-Werner Muller

Kể từ khi Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, rất nhiều học giả và nhà nghiên cứu lo ngại về sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy (Populism) và chủ nghĩa dân tộc cực đoan (Extreme Nationalism).

tochuc2

Pericles vinh danh chiến sĩ thành Athena đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập và sự tự do của người Hy Lạp, thế kỷ thứ 5 trước công nguyên - Ảnh minh họa

Định nghĩa chủ nghĩa dân túy

Chủ nghĩa dân túy vốn xuất hiện từ phong trào của nhóm nông, công dân miền Trung Tây và Nam Hoa Kỳ vào năm 1891.

Theo Giáo sư môn Khoa học Chính trị nổi tiếng Francis Fukuyama thì không có sự đồng thuận chắn chắn giữa các nhà khoa học chính trị về định nghĩa của chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên, có 3 đặc tính nổi bật và quan trọng gắn liền với chủ nghĩa dân túy.

-     Thứ nhất : Chủ nghĩa dân túy theo đuổi những chính sách được dân chúng ủng hộ trong một khoảng thời gian ngắn nhất định và thường là những chính sách xã hội.

-     Thứ hai : Chủ nghĩa dân túy lấy "nhân dân" làm căn bản cho tính chính danh của chế độ. Tuy nhiên, nhiều chế độ dân túy không xem "nhân dân" là tổng dân số, mà chỉ một số nhóm sắc tộc hoặc chủng tộc mới được coi là nhân dân thực thụ.

-     Thứ ba : Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy có khuynh hướng sùng bái cá nhân ; tuyên bố họ được giao sứ mệnh nắm giữ quyền lực và không muốn phụ thuộc vào các thiết chế nền tảng như đảng phái chính trị. Họ cố gắng phát triển một mối quan hệ trực tiếp với "nhân dân" mà họ tự xưng là người đại diện, hướng những niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của người dân vào một hành động tức thời.

Sự trỗi dậy đáng lo ngại của chủ nghĩa dân túy đã trở thành mối đe dọa đối với thế giới dân chủ. Gần đây nhất, hôm thứ Bảy 3/3/2018, phe dân túy đang thắng thế trong cuộc bầu cử ở Ý. Theo quan điểm của phe cánh tả, sở dĩ những người theo chủ nghĩa dân túy thắng cử là do nhiều người dân đã thiếu hiểu biết, nên bầu chọn cho những ứng viên tồi tệ, chống lại dân chủ. Tuy nhiên, theo Giáo sư chính trị, Jan-Werner Muller, của Đại học Princeton, thì quan điểm này là sai lầm.

Giáo sư Muller chỉ ra đó không phải là lỗi của người dân bởi họ xem cách giải quyết mọi khó khăn giản dị là một vấn đề để nhận diện ra các chính đảng. Độ tin cậy giải quyết một vấn đề nào đó phụ thuộc vào việc ứng cử viên đó thuộc Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ. Giáo sư Muller cho rằng vấn đề mà nền chính trị Hoa Kỳ đang đối mặt ngày càng trở nên tồi tệ và nghiêm trọng hơn khi sự nhận dạng đảng phái trở nên mạnh mẽ đến nỗi không có lý lẽ nào đủ thuyết phục người ủng hộ Đảng Cộng hòa thay đổi quan điểm và thành kiến về Đảng Dân chủ.

Giải pháp mà Giáo sư Muller đề nghị là đừng than thở về sự bầu chọn của người dân đối với những người dân túy. Nhưng làphải tìm cách ngăn chặn và giải quyết những cơ cấu đã giúp những người dân túy làm tốt công việc của họ. Chẳng hạn, không phải điều dân chúng nói về những người bị "bỏ rơi" (left-behind) là sai ; và cũng không phải là sai khi nghi ngờ các bộ phận của nhà nước đã bị thâu tóm bởi những nhóm mưu cầu đặc lợi. Những bức xúc của người dân luôn luôn phải được trợ giúp bởi phương tiện truyền thông và các chính đảng.

Giáo sư Muller nhấn mạnh : "Chính là phương tiện truyền thông và các chính đảng đang bị thất bại ở nhiều quốc gia và cần phải xây dựng lại một cách có hệ thống".

Sự vắng mặt của các chính đảng lớn mạnh là một nguyên nhân quan trọng khiến cho chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc được tự do hồi sinh mạnh mẽ. Sự yếu kém của Đảng Dân chủ đã giúp cho Donald Trump giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 45.

Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhận định :

"Kinh nghiệm cho thấy là trong mọi chế độ tổng thống, kể cả Hoa Kỳ, không có những chính đảng mạnh như trong các chế độ đại nghị và đây là một thiệt hại lớn vì các chính đảng vừa là lò đào tạo ra nhân tài chính trị vừa là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn đặt ra cho đất nước".

Quay trở về thực trạng Việt Nam, sự thiếu vắng của ít nhất một chính đảng đối lập có tầm vóc là nguyên nhân giúp cho đảng cộng sản còn tiếp tục duy trì quyền lực cai trị trong thách đố xấc xược.

Thế nào là một chính đảng hoặc tổ chức chính trị ?

Tổ chức chính trị là một tập thể gồm những cá nhân cùng nhau chia sẽ những tư tưởng và quan điểm chính trị gần như giống nhau về những vấn đề chung của đất nước. Tập thể này kết hợp chặt chẽ để thực hiện một hoặc nhiều mục tiêu đã được đề ra trong dự án chính trị, bằng những tư tưởng và phương pháp đã đồng thuận trước đó.

Một chính đảng phải có tính tổ chức cao, có kỷ luật và phân bổ, cùng một đội ngũ nòng cốt có kiến thức, khả năng và bản lĩnh mới thu hút được sự ủng hộ của quần chúng, để đi tới thành công. Các chức năng quan trọng của một chính đảng trong một xã hội dân chủ bao gồm :

-     Triển khai dự án chính trị nhằm vận động sự ủng hộ và hậu thuẫn của quần chúng. Liên kết chặt chẽ các thành viên để đạt được những mục tiêu chung mà chính đảng đã đề ra. Tham gia bầu cử tự do và giành thắng lợi.

-     Tạo ảnh hưởng đến các chính sách quan trọng của quốc gia. Mỗi đại biểu quốc hội là thành viên của một chính đảng. Một hoặc nhiều thành viên của đảng sẽ nỗ lực thuyết phục đại đa số đại biểu thông qua những chính sách, qui định và luật pháp phản ánh chủ trương và đường lối của đảng phái mình.

-     Đào tạo các thành viên cũng như nuôi dưỡng các chính trị gia tương lai. Đề cử các thành viên có đạo đức, khả năng và đặc biệt đại diện cho đường lối của tổ chức vào các vị trí của chính phủ.

-     Đóng vai trò đối lập với đảng cầm quyền, giám sát mọi hoạt động và ngăn chặn những chính sách sai trái của đảng cầm quyền.

-     Khuyến khích và vận động sự tham gia của công dân vào các hoạt động xã hội và chính trị. Truyền tải thông tin trung thực và đa chiều đến quần chúng.

Các chính đảng là thước đo cho sự tự do chính trị của một quốc gia và nền tảng thiết yếu của nền dân chủ. Những quốc gia độc tài toàn trị thường có duy nhất một đảng cầm quyền, như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn. Dưới chế độ độc đảng, người dân không đồng ý với đảng cầm quyền không thể diễn đạt sự phản đối bằng cách bầu chọn cho một chính đảng khác. Ngược lại, chế độ dân chủ thực sự luôn luôn có ít nhất là hai chính đảng.

Khi công dân tình nguyện tham gia các chính đảng, đóng góp thời gian, tài chính và bỏ phiếu cho các chính trị gia, là lúc họ đang thực hiện các quyền con người cơ bản nhất. Các quốc gia dân chủ thực sự có những chính sách hỗ trợ tài chính cho các chính đảng có tầm vóc. Chẳng hạn như ở Cộng hòa liên bang Đức, các đảng phải chính trị mà đạt tối thiểu số phiếu ủng hộ của cử tri sẽ nhận được khoản tiền tài trợ cho các hoạt động chính trị theo Luật cơ bản.

Giải pháp cho những vấn đề Việt Nam : tổ chức chính trị

Các chính đảng và các tổ chức xã hội dân sự là những nền tảng không thể thiếu đối với bất kỳ một quốc gia dân chủ. Anh em Tập Hợp mong ước rằng :

"Trong nước Việt Nam tương lai không cần có, và cũng không thể có, bất cứ một giới hạn nào đối với quyền thành lập và phát triển các chính đảng".

Các chính đảng đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho nền dân chủ và sự thịnh vượng của một đất nước. Sở dĩ đảng cộng sản còn tồn tại đầy thách thức và xấc xược cho đến nay là vì những người tham gia cuộc vận động dân chủ vẫn chưa tạo ra được một chính đảng đối trọng lớn mạnh. Căn nguyên mọi vấn nạn của Việt Nam bắt nguồn từ thể chế độc tài toàn trị. Muốn giải quyết vấn đề chính trị phải dùng giải pháp chính trị với những con người có tư tưởng chính trị.

Muốn hiệu quả tạo ra áp lực chính đáng buộc đảng cộng sản phải chấp nhận bầu cử tự do, buộc phải xây dựng được ít nhất một chính đảng lớn mạnh. Một chính đảng chỉ vững mạnh khi có tư tưởng, đường lối rõ ràng ; có tổ chức tốt ; có lực lượng nòng cốt đủ lớn ; và thuyết phục được phần lớn trí thức cũng như có được sự ủng hộ của người dân.

Việt Nam thiếu vắng các tổ chức chính trị là vì văn hóa tổ chức kém, lòng yêu nước yếu và tâm lý sợ hãi vẫn còn mạnh. Tổ Quốc Việt Nam rất cần những con người can đảm, chấp nhận học hỏi và dấn thân vào chính trị. Chế độ độc tài toàn trị sẽ sớm kết thúc nếu ngày càng có nhiều anh chị dũng cảm sinh hoạt chính trị nghiêm túc và chấp nhận tham gia hoặc thành lập chính đảng. Đảng cộng sản còn tồn tại không phải vì mạnh, nhưng vì cuộc vận động dân chủ còn yếu. 

tochuc1

Cùng nhau "Chung một giấc mơ Việt Nam" !

Chúng ta chỉ mạnh lên khi đứng cùng nhau trong tổ chức, cùng chia sẽ tư tưởng, niềm tin và hy vọng. Và trên hết, cùng quyết tâm thực hiện một giấc mơ : Việt Nam dân chủ đa nguyên.

Mai V. Pham

Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Đa Nguyên – Bất Bạo Động – Hòa Giải & Hòa Hợp Dân Tộc"

Tham khảo :

https://www.project-syndicate.org/commentary/structural-causes-of-populist-success-by-jan-werner-mueller-2018-03

Additional Info

  • Author Mai V. Phạm
Published in Quan điểm