Hàng ngũ lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam bị biến chất khi đánh đồng "bảo vệ Tổ quốc" với "bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin" ("chủ nghĩa cộng sản").
Bằng chứng này đã xuất hiện nhan nhản trên các cơ quan báo chí chính thống của đảng từ giữa năm 2022.
Trước hết hãy đọc : "Quan điểm về bảo vệ Tổ quốc được Đảng ta khẳng định trong Đại hội XII là sự trung thành, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác–Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới và từ tư duy, phát triển lý luận đến tổng kết thực tiễn của Đảng, nhất là 30 năm đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vừa qua".
Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác–Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng để tổ chức, lãnh đạo và chỉ đạo sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc" (Tạp chí quốc phòng toàn dân, 13/06/2016).
Tạp chí này cũng lặp đi lặp lại nhiều lần rằng "Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa", hay : "Mục tiêu chung là bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Sáu năm sau, Cơ quan Tuyên giáo trung ương, chuyên nghề bảo vệ tư tưởng đảng đã lập lại rằng : "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) thông qua đã khẳng định : "Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động" (Tạp chí Tuyên Giáo, 25/8/2022).
Nhưng đồng thời, cơ quan này cũng thừa nhận : "Thời gian qua đã xuất hiện một số ý kiến muốn tách rời chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí còn tìm cách luận giải cho rằng chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh mới phù hợp với cách mạng Việt Nam, còn chủ nghĩa Mác-Lênin là "tư tưởng ngoại lai, xa lạ với truyền thống dân tộc", không phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và đã bị chối bỏ ở nơi quê hương của nó, "du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử".
Bị phê phán như thế là oan hay cố tình đổi trắng thay đen như Tuyên Giáo vẫn lu loa hay sao ? Nên nhớ khi ông Hồ thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tháng 3 năm 1930 thì bên cạnh chủ nghĩa dân tộc và chủ trương giành độc lập, ông cũng đã lấy chủ nghĩa cộng sản làm nền tảng cho cuộc đấu tranh chống phát xít và chủ nghĩa thực dân để đạt mục tiêu kháng chiến. Chủ nghĩa cộng sản được ông Hồ du nhập vào Việt Nam từ Nga và từ Trung Quốc thời bấy giờ và đã gặp sự chống đối mãnh liệt của các đảng phái quốc gia và trí thức yêu nước.
Như vậy, sự chống đối chủ nghĩa cộng sản đã có từ đầu thế kỷ 20 chứ không phải mới đây. Có khác chăng là sự chống đối ấy trong nhân dân càng ngày càng gay gắt và quyết liệt hơn, vì tính áp đặt và cưỡng chế của Đảng cộng sản cũng đã gia tăng để tiếm quyền làm chủ đất nước của dân và giành độc quyền lãnh đạo đất nước. Hành động bất hợp hiến này lại được "luật hóa trong khoản 1 của Điều 4 Hiến pháp năm 2013, theo đó : "Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
Nhưng Hiến pháp lại dựa trên Cương lĩnh "xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011" khi Đảng tự chế ra tuyên ngôn : "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".
Rồi Đảng lại tự khoác cho mình chiếc áo lãnh đạo khi viết : "Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn".
Nhưng lịch sử đã chứng minh "không có ai trong nhân dân đã bầy tỏ khát vọng của mình để chọn chủ nghĩa cộng sản ngoại lai" mà chính ông Hồ Chí Minh đã "cõng rắn cắn gà nhà" từ năm 1930.
Thậm chí Đảng còn gắn cả Điều lệ đảng năm 2011 vào để tự biên tự diễn : "Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội".
Như thế thì còn gì quyền dân mà Đảng cứ bô bô cái miệng "nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của dân,do dân và vì dân" ?
Đấu tranh không ngừng nghỉ
Đó là lý do tại sao đã có một bộ phận không nhỏ người dân và trí thức trong và ngoài nước đã chống chế độ phi dân chủ của Đảng cộng sản Việt Nam, khiến đảng phản ứng gay gắt : "Việc tuyên truyền, xuyên tạc về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tách rời chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí cho rằng "tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin" là một âm mưu rất tinh vi, xảo quyệt, nằm trong những mưu toan đó của các thế lực thù địch, phản động và thực chất không có gì mới" (Tuyên Giáo, ngày 25/08/2022).
Tại sao lại "không có gì mới" ? Cái mới mà Tuyên giáo cố tình che đậy là đã có "một số không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống" và "tự diễn biến, tự chuyển hóa" không còn tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối, chính sách của Đảng nữa.
Vì vậy, Tuyên giáo mới hô hoán lên : "Rõ ràng, tư tưởng, văn hóa là mặt trận hết sức gay gắt, quyết liệt của cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, làm thất bại các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phản động. Thực tế cho thấy đang xuất hiện nhiều hơn những mưu toan kích động, xuyên tạc nhằm "hạ bệ thần tượng", làm nghi ngờ, gây hoang mang, dao động, thậm chí gây chia rẽ, hỗn loạn nhận thức về nền tảng tư tưởng của Đảng trong hàng ngũ những người cộng sản, từ đó dẫn tới mất phương hướng, mâu thuẫn, rối loạn trong tổ chức và chỉ đạo hoạt động thực tiễn, đưa đến những sai lầm, làm mất uy tín, ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng nhân dân và do đó đánh mất vai trò lãnh đạo đối với hệ thống chính trị".
Nên nhớ vào năm 1991, nhân dân Nga đã nổi lên lật đổ nhà nước cộng sản để giành lại quyền lãnh đạo đất nước. Đảng cộng sản Liên Xô tan rã sau 70 năm cầm quyền hà khắc. Cả khối xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu cũng sụp đổ theo để chỉ còn lại 5 nước cộng sản gồm Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Bắc Hàn và Cuba.
Vì vậy, Tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam kêu gọi phải : "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện và đấu tranh phản bác, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, trong đó có âm mưu tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin, là công việc mang ý nghĩa hết sức quan trọng và thường xuyên hiện nay".
Nhưng công tác này không dễ chút nào vì ngày nay, đảng viên đã biết "mở mắt" để nhìn xa trông rộng. Họ cũng biết "banh tai ra nghe" những điều hay lẽ phải và không còn bị hoang tưởng bởi tuyên truyền gỉa dối của chế độ. Do đó, Tuyên giáo đã cảnh giác : "Đối với đất nước ta sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế ngày càng nâng cao; hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn. Tuy nhiên sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn thách thức, tác động trực tiếp, sâu sắc đến quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng chăm lo, củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (Nhân Dân online, 28/4/2022).
Quân đội – công an
Để bảo đảm sự bền vững của Đảng cộng sản, quân đội và công an đã nhận lệnh phải "tuyết đối trung thành" và đặt dưới quyền lãnh đạo "trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc" (Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), 16/08/2022).
Quyết định này đã được thảo luận trong 2 ngày 18 và 19/08/2022 nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống lực lượng Công anh nhân dân (19/8/1945-19/8/2022) và 17 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Báo Chính cũng phủ viết : "Nhiệm vụ của quân đội và công an không thể rời nhau được vì nó đều có mục đích chung là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ trị an cho nhân dân. Trong quá trình công tác, cần củng cố đoàn kết giữa công an và quân đội, đó là vấn đề nguyên tắc" (Báo Chính phủ, 18/08/2022).
Báo này tái khẳng định rằng : "Công an nhân dân và Quân đội nhân dân luôn chung sức, chung lòng, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, kề vai sát cánh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng từng minh định : "Thực tiễn sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta là minh chứng rõ nét "Nhiệm vụ của quân đội và công an không thể rời nhau được vì nó đều có mục đích chung là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ trị an cho nhân dân. Trong quá trình công tác, cần củng cố đoàn kết giữa công an và quân đội, đó là vấn đề nguyên tắc. Quân đội chuyên chống kẻ địch bên ngoài, công an chủ yếu chống kẻ địch bên trong. Hai nhiệm vụ đó không tách rời nhau được và cũng không thể phân chia máy móc" như khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1/1956".
Sự việc Đảng trông chờ vào Quân đội và Công an bảo vệ để tồn tại là điều không mới, vì Đảng cộng sản Việt Nam đã cảnh giác nhiều lần về bài học sụp đổ của Nga năm 1991 vì khi ấy Quân đội nước này không có lãnh đạo và đứng ngoài cuộc cách mạng của dân Nga.
Do đó, đối với Việt Nam, một lệnh cho Công an theo dõi và đề phòng các biến cố nội bộ đã được ban hành song song với lệnh cho Quân đội phải sẵn sàng chiến đấu chống phá hoại từ bên ngoài.
Nhưng nếu hai nhỉệm vụ này lại được lồng chung với công tác bảo vệ chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác-Lênin và bảo vệ đảng cầm quyền độc tài thì thật vô nghĩa, nếu không phải là "phản quốc".
Phạm Trần
(06/09/2022)
"Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ" – Đó chính là chủ đề của đêm nghệ thuật hoành tráng do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức tối 1/9 tại Nhà hát lớn Hà Nội kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Tham dự chương trình có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư trung ương Đảng Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh… cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương và Hà Nội.
Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam chủ trì thực hiện chương trình, cùng sự tham gia của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm Nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Đoàn nghi lễ quân đội Bộ tổng Tham mưu, Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương, Nhà hát lớn Hà Nội.
22 tiết mục là các hoạt cảnh, thơ, ca khúc về chủ đề cách mạng quen thuộc nhưng được dàn dựng công phu, với sân khấu hoành tráng, đầu tư kỹ càng từ ánh sáng, phần múa phụ họa, giọng hát, chương trình mang đến cho người xem một biên niên sử hấp dẫn về đất nước bằng âm nhạc.
Chương trình được chia thành 3 chương với tên gọi : Đất nước, Khát vọng hòa bình, Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ.
Tổ quốc đã, đang và sẽ mãi đẹp trong đôi mắt những con người Việt Nam. Mỗi một tấc đất, một nhánh cây đều chứa đựng trong đó mồ hôi, nước mắt và cả máu đỏ của bao anh hùng đã hy sinh vì đất nước.
Câu hỏi đặt ra : đất nước, khát vọng hòa bình là dễ minh định, nhưng người ta biết phải dựa vào đâu để nói bằng thể khẳng định "tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ" ?
Chế Lan Viên trong thi phẩm sáng tác năm 1965, có những câu như sau :
"Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng ?
Chưa đâu ! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất.
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào
Cửa Bắc Hưng Đạo Vương diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng.
Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn"
(Trích "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng ?" – Chế Lan Viên).
Đó là ‘tổ quốc’ trong suy nghĩ của nhà thơ Chế Lan Viên vào năm 1965. Đến năm 1987, Chế Lan Viên lại nhìn ‘tổ quốc’ trong quá khứ có khác thời "Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả", qua thi phẩm "Ai ? Tôi !" :
"Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi ! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ !
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi !
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười".
(Rút trong sổ tay Thơ, tập 5. Nguồn : Chế Lan Viên toàn tập, Nhà xuất bản Văn học, 2002 do Vũ Thị Thường sưu tầm và biên soạn).
Vậy là một hoài nghi lớn cho có thật là "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ"…
Với ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì cái đẹp của tổ quốc phải là : "Tôi đã nhiều lần nói rằng, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định : Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" – trích trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", tác giả Nguyễn Phú Trọng.
Nhận định tương tự như Nguyễn Phú Trọng, nhưng có phần nịnh nọt lộ liễu hơn của thân phận "bề tôi lương đống", đối với Tố Hữu thì hễ lúc nào có Đảng là tổ quốc luôn đẹp nhất, cơ đồ luôn vững chãi nhất :
"Chào 61 ! Đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu !
(…)
Một vùng trời đất trong tay
Dẫu chưa toàn vẹn, cũng bay cờ hồng !
Việt Nam, dân tộc anh hùng
Tay không mà đã thành công nên người !
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau
Đảng cho ta trái tim giàu
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay !"
(…)
Miền Bắc thiên đường của các con tôi !
Gà gáy sáng. Thơ ơi, mang cánh lửa
Hãy bay đi ! Con chim kêu trước cửa
Thêm một ngày xuân đến. Bình minh
Cành táo đầu hè quả ngọt rung rinh
Như hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ
Treo trước mắt của loài người ta đó :
Hòa bình
ấm no
Cho
Con người
Sung sướng
Tự do !".
(Trích "Bài ca mùa xuân 1961" – Tố Hữu).
Sinh tiền trên giảng đường đại học, khi bình giảng bài thơ trên, giáo sư Hoàng Như Mai đã nói rằng Tố Hữu thật dại dột khi dùng tứ thơ so sánh "Chào 61 ! Đỉnh cao muôn trượng", vì một khi ai đó đã trên đỉnh cao – đặc biệt ở đây ‘muôn trượng’ tức lại là ‘đỉnh của đỉnh’, thì bao giờ những bước tiếp theo phải là đi xuống, thậm chí cả trượt xuống…
Dường như triều đại nào cũng luôn thậm xưng mình là tốt nhất, là hoàn mỹ nhất. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với những tháng ngày còn lại cuối cùng của nhiệm kỳ, ắt hẳn ông cũng muốn được lịch sử cách mạng Việt Nam ghi những điều tốt đẹp như vậy trong ròng rã 10 năm trời mà ông trên ngai vị trị vì.
"Những bạn bè yêu anh sẽ gặp anh trong cỏ
Trong hạt sương, trong đá…
Trong những gì không phải anh
Anh tồn tại mãi
Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi
Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên".
(Viết trước khi mổ 21 ngày. Bệnh viện Chợ Rẫy 29-8-1988. Chế Lan Viên).
Ghi chú :
Chế Lan Viên toàn tập, Nhà xuất bản Văn học, 2002. Vũ Thị Thường sưu tầm, biên soạn.
‘Đoàn kết’ vừa là một khẩu hiệu vừa là một tinh thần và vừa là một hành động (kết hợp) khó khăn giữa con người với nhau. Ai cũng biết và cũng hiểu tầm quan trọng của sự đoàn kết. Ngay từ tuổi thơ chúng ta đã nghe câu chuyện về sức mạnh của bó đũa hoặc câu ca dao :
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao…
Ba cây chụm lại, biểu tượng của sức mạnh sự đoàn kết - Ảnh minh họa
Trong cuộc đời mỗi người dù muốn hay không thì tùy theo năm tháng và hoàn cảnh mà chúng ta luôn phải ‘kết hợp’ với những người khác. Đầu tiên là trong gia đình và sau khi lớn lên là trong công ty hay nơi làm việc. Đây là những kết hợp bắt buộc vì có chung một lý do là huyết thống hay quyền lợi. Những lựa chọn kết hợp này là tự động và gần như là bắt buộc. Sau hai kết hợp sơ đẳng đó ra con người còn nhiều mối kết hợp khác như với bạn bè thân hữu hoặc các nhóm, câu lạc bộ yêu thích gọi chung là ‘xã hội dân sự’. Một người càng năng động bao nhiêu thì nhu cầu kết hợp càng cao bấy nhiêu. Để có thể tồn tại và giữ được các mối quan hệ đó mỗi người phải có ý thức xây dựng, chia sẻ, cảm thông và hòa đồng với những người khác.
Càng sinh hoạt lâu trong các tổ chức con người càng hoàn thiện mình. Một tổ chức thực sự hùng mạnh khi mọi thành viên đoàn kết với nhau và đó là sức mạnh của tổ chức. Trong các hình thái của tổ chức thì cao nhất đó là các tổ chức chính trị, nơi các thành viên chia sẻ và tìm sự đồng thuận về những lập trường chung về đất nước, về dân tộc và quản trị quốc gia. Chính trị là lĩnh vực rộng lớn bao trùm lên mọi lĩnh vực của đất nước (nhiều mục tiêu) vì vậy sự đồng thuận trong một tổ chức chính trị là rất khó khăn, nó đòi hỏi các thành viên phải có một sự hiểu biết khá cao trong các lĩnh vực nhất là các môn về xã hội như địa lý, văn học, lịch sử, chính trị…
Muốn kết hợp được với nhau trong một tổ chức thì đầu tiên phải chia sẻ với nhau về mục đích và sau đó là phương pháp làm việc. Nếu một tổ chức (hay một kết hợp) không rõ ràng về mục tiêu và không nhất trí với nhau về phương pháp thì sớm muộn tổ chức đó cũng tan vỡ kể cả trong các tổ chức đơn giản nhất thuộc xã hội dân sự. Gần đây Tập Hợp có nhiều bài viết về sự đồng thuận trong một tổ chức chính trị, theo chúng tôi thì nếu các thành viên không đồng ý với nhau trên các giá trị nền tảng về tư tưởng chính trị của tổ chức thì không thể nào đồng ý với nhau trên các vấn đề cụ thể như phân chia công việc cho mỗi người và các ‘hành động’ cụ thể mỗi ngày.
Trong bài viết này tôi muốn chia sẻ cùng độc giả câu chuyện về một ‘kết hợp’ rất đẹp giữa một nhóm trí thức trong nước với một tổ chức chính trị đối lập ở hải ngoại là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Kết hợp đó chính là sự ra đời của bán nguyệt san Tổ Quốc, tờ báo đối lập đầu tiên tại Việt Nam và đã tồn tại suốt 10 năm tròn. Bài viết này cũng để tưởng nhớ ông Nguyễn Thanh Giang vừa mới qua đời hôm 28/07/2019, tại Hà Nội, hưởng thọ 83 tuổi. Ông Nguyễn Thanh Giang là một trong những người sáng lập và là Tổng biên tập đầu tiên của báo Tổ Quốc. Bài viết này cũng để tưởng nhớ đến những người đã mất khác như các ông Nguyễn Hộ, Bùi Tín, Trần Lâm… Họ là những người tham gia và đóng góp nhiều bài viết cho báo Tổ Quốc.
Bán nguyệt san Tổ Quốc, tờ báo đối lập đầu tiên tại Việt Nam và đã tồn tại suốt 10 năm tròn. Ảnh minh họa
Cho đến tận bây giờ thì người Việt Nam vẫn chưa có được các tổ chức có tầm vóc (dù là xã hội dân sự) mà có sự kết hợp giữa trong và ngoài nước, trừ một số hội từ thiện. Một trong những lý do biện minh cho tình trạng này đó là sự thiếu tin tưởng lẫn nhau và sự thiếu đoàn kết của người Việt Nam. Các tổ chức chính trị thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Thế nhưng cách đây 13 năm đã có một kết hợp giữa những người, vốn bị xem là khó đoàn kết nhất, đó là trí thức Việt Nam, nhất là với những trí thức từng là cộng sản để cho ra đời một tờ báo đối lập tại Việt Nam là bán nguyệt san Tổ Quốc. Xin nói luôn cho mọi người được rõ rằng đây chỉ là một ‘kết hợp’ thuộc xã hội dân sự chứ chưa phải kết hợp để hình thành một tổ chức chính trị đối lập, dù vậy kết hợp này cũng mang nặng tính chính trị chứ không giống với các tổ chức xã hội dân sự khác tại Việt Nam. Bán nguyệt san Tổ Quốc ra đời ngày 15/9/2006 và kéo dài trong 10 năm đến số cuối cùng (242) phát hành ngày 15/01/2017.
Ông Nguyễn Thanh Giang sớm nhận ra và chia sẻ sự khó khăn trong quá trình đi tìm người hợp tác để làm báo Tổ Quốc trong cuốn hồi ký Người Đội Số Phận :
"Cái khó là phải tìm sao cho được chỗ dựa vững chắc từ bên ngoài để vừa có kinh phí, vừa không bị đánh sập trang mạng. Tôi đã liên hệ với bốn năm địa chỉ nhưng cuối cùng đã chọn ông Nguyến Gia Kiểng và Tập hợp Dân chủ Đa nguyên làm cộng sự. Rõ ràng đây là sự chọn lựa rất chính xác. Nhờ vậy mà tờ báo còn tồn tại được đến ngày nay với uy tín ngày một cao" (1).
Quyết định của ông Giang vừa thông minh vừa có viễn kiến. Nếu tờ báo này xuất bản trong nước thì nó sẽ nhanh chóng bị chính quyền bức tử. Sức ép lên các cây bút và ban biên tập báo Tổ Quốc ở trong nước rất lớn đúng như ông Giang nhận định. Sức ép từ phía an ninh lên ông Giang và cộng sự mạnh đến nỗi có lần ông Giang đã viết thư cho ông Nguyễn Gia Kiểng yêu cầu đình bản báo Tổ Quốc. Ông Kiểng đã phân tích cho ông Giang rằng báo Tổ Quốc không còn là của riêng ông Giang nữa mà đã trở thành đứa con tinh thần chung của phong trào dân chủ Việt Nam, nó không thể bị đình bản vì ý kiến của bất cứ ai, dù đó là ông Giang. Có lẽ ông Giang đã đưa thư (email) này cho công an đọc nên sức ép lên ông Giang mới giảm đi.
Trong suốt 10 năm trời Tổ Quốc đã có mặt đều đặn mỗi tháng hai số. Vì độc giả chính của Tổ Quốc là những "đảng viên lão thành" và lớp người cao tuổi có gắn bó lâu năm với Đảng cộng sản Việt Nam nên các bài viết được chọn thường là của các cây bút đối lập từ trong nước và một số tác giả nổi tiếng ở hải ngoại. Trong suốt thời gian 10 năm đó, Tập Hợp đã hợp tác với nhóm trí thức trong nước một cách bền bỉ, không vụ lợi và với trách nhiệm cao nhất.
Các bài viết được gửi ra từ trong nước và được sắp xếp, lên trang ở hải ngoại rồi gửi về lại Việt Nam. Việc in ấn và phân phát là do ông Giang và các trí thức trong nước đảm nhận. Chính quyền Việt Nam rất khó chịu và luôn tìm mọi cách gây sức ép lên ban biên tập như trường hợp thầy giáo Nguyễn Thượng Long, phó Tổng biên tập báo Tổ Quốc bị sách nhiễu và mời về đồn làm việc khi ông đang trong tiệm photo để sao chụp lại bài "Nhật ký Biểu tình" của ông viết cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm mùng 5/6/2011 của người dân Hà Nội (2).
Cũng trong suốt 10 năm đó sự hợp tác giữa Tập Hợp và nhóm trí thức làm báo Tổ Quốc đã rất tốt đẹp, nhịp nhàng và ăn ý. Đã không hề có bất cứ một sự khúc mắc hay bất đồng nào xảy ra dù nhỏ nhất. Mọi người đều hiểu rõ vấn đề và cả những khó khăn phải đương đầu nên ai cũng cố gắng làm tốt phần việc của mình, không ai câu nệ vai trò, là người trong nước hay ngoài nước. Tổ Quốc chỉ đã kết thúc khi hoàn thành sứ mệnh của mình (3).
Một sự cố đáng tiếc cho báo Tổ Quốc là giữa năm 2016, một nhóm nhỏ thành viên Tập Hợp làm "đảo chính" (4) chống lại tổ chức. Họ đã chiếm đoạt các trang báo của Tập Hợp như trang báo ethongluan.org, Blog Thông Luận và Blog của báo Tổ Quốc. Họ không chỉ xóa đi những bài viết của anh em trong Tập Hợp suốt 30 năm mà còn xóa đi toàn bộ 242 số báo của Tổ Quốc trong 10 năm qua. Họ đã gây thiệt hại cho Tập Hợp và phong trào dân chủ Việt Nam nhiều hơn tất cả những gì mà chế độ cộng sản có thể làm được. Những người chủ mưu cuộc "đảo chính" đã vứt bỏ các giá trị đạo đức tối thiểu của con người, thay vì chia tay tổ chức một cách văn minh rồi đường ai nấy đi thì họ đã cố gắng phá hoại tối đa cho tổ chức trước lúc ra đi và còn lôi kéo thêm một số thành viên tử tế nhưng thiếu bản lĩnh khác trong Tập Hợp.
Chúng tôi cũng muốn nhắc lại kết hợp này để nói lên một điều rằng Tập Hợp sẵn sàng hợp tác và kết hợp với bất cứ tổ chức nào dù trong hay ngoài nước để đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa đất nước. Tập Hợp không hề tự cao, tự đại như có ý kiến gán cho chúng tôi. Vấn đề là không có tổ chức nào để ‘hợp tác’ và đó là sự thật. Muốn "hợp tác" hay kết hợp với nhau thì phải chia sẻ với nhau về một số giá trị như tư tưởng chính trị, đạo đức, sự lương thiện, bao dung và viễn kiến hay ít ra tổ chức đó cũng phải có thực lực. Hiện tại chỉ có hai tổ chức là còn tồn tại và có các hoạt động đó là Việt Tân và Tập Hợp. Phương pháp của Việt Tân khác biệt khá lớn so với Tập Hợp vì thế chưa thể "kết hợp" được với nhau.
Khi Tập Hợp chọn lựa phương pháp đấu tranh "bất bạo động" thì việc thỏa hiệp và đàm phán với các tổ chức khác kể cả Đảng cộng sản Việt Nam sẽ là những bước đi bắt buộc trong tương lai. Hiện tại thì điều đó chưa xảy ra vì Đảng cộng sản Việt Nam vẫn ảo tưởng về sức mạnh của họ và mặt khác Tập Hợp vẫn chưa trở thành một tổ chức có tầm vóc vì chưa nhận được sự ủng hộ của người dân Việt Nam. Một khi hội tụ được một trong hai điều kiện đó thì đảng cộng sản sẽ phải chấp nhận ‘đối thoại’ với Tập Hợp để tìm cách chuyển hóa đất nước về dân chủ trong ôn hòa, và đó cũng là mục tiêu mà chúng tôi đang hướng tới. Tư tưởng và lập trường của chúng tôi luôn trong sáng và minh bạch vì thế chúng tôi không sợ bị mất phương hướng, bị mua chuộc hay đánh mất mình trong bất cứ ‘thỏa hiệp’ nào, với bất cứ ai và trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Việt Hoàng
(6/8/2019)
(1) https://www.thongluan.blog/2019/07/ky-niem-10-nam-ra-oi-tap-san-to-quoc.html
(2) http://danlambaovn.blogspot.com/2011/06/thay-giao-nguyen-thuong-long-tuong.html
(3) https://www.thongluan.blog/2019/07/inh-ban-ban-nguyet-san-to-quoc-bao-to.html
(4) Có thân hữu đặt câu hỏi cho chúng tôi là tại sao không gọi nhóm người làm đảo chính trong Tập Hợp hồi 2016 là ‘ly khai’ mà gọi họ là ‘phản loạn’ ? "Ly khai" là khi họ rời bỏ, tách ra khỏi Tập Hợp một cách ôn hòa và văn minh. Họ đã không hành động như thế. Họ đã phản bội lý tưởng ôn hòa và dân chủ của tổ chức bằng cách làm loạn tổ chức như chiếm đoạt các trang web và blog, là cơ quan ngôn luận của tổ chức. Họ đã xóa đi toàn bộ các bài viết của anh em trong Tập Hợp hơn 30 năm qua và cả 242 số báo của bán nguyệt san Tổ Quốc trong 10 năm. Dù họ có ngụy biện thế nào đi nữa thì thực tế họ chỉ là một thiểu số nhỏ trong Tập Hợp vì nếu họ là đa số thì họ hoàn toàn có thể chiếm hữu và kiểm soát được Tập Hợp thông qua một cuộc bầu cử dân chủ. Họ không chỉ thiếu đạo đức và sự lương thiện mà còn thiếu cả sự hiểu biết. Họ không hiểu rằng tất cả những tổ chức đối lập cho đến khi được người dân bầu chọn làm đảng cầm quyền thì đều là con số 0 (không). Đã là con số không thì có gì đâu mà giành giật và cướp đoạt ? Tài sản lớn nhất của những người tranh đấu và các tổ chức đối lập dân chủ là trí tuệ và tâm hồn, đó là những thứ không thể nào đánh cắp hay cưỡng đoạt.