Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 1/9/1858 Pháp nổ súng tấn công Việt Nam tại Đà Nẵng với 14 tàu chiến và 3000 quân (trong đó có 500 quân Tây Ban Nha). Nhà Nguyễn dồn quân về chống đỡ và cầm cự được 5 tháng. Quân Pháp quay vào Nam tấn công thành Gia Định. Quân nhà Nguyễn thua và kết quả ngày 5/6/1862 vua Tự Đức phải ký hòa ước với Pháp đồng ý cắt 3 tỉnh là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cùng quần đảo Côn Lôn cho Pháp. Các thương gia Pháp, Tây Ban Nha được tự do buôn bán, đi lại, truyền đạo, nhà Nguyễn phải bồi thường chiến tranh 4 triệu đồng bạc (khoảng 300 nghìn lạng bạc)..

trithuc1

Việt Nam đã tụt hậu hàng trăm năm khi người Pháp nổ súng xâm lược nước ta.

Chúng ta cũng không quên hai lần Pháp đánh thành Hà Nội năm 1873 và 1882. Quân Pháp chưa đến 200 người và một ít lính đánh thuê đã dễ dàng đánh bại quân giữ thành chỉ trong một giờ đồng hồ. Đáng nói hơn nữa là chỉ một viên sĩ quan Pháp và 7 người lính cũng lấy được thành Ninh Bình.

Chúng ta cũng từng nghe câu chuyện đi Pháp của sứ bộ của nhà Nguyễn vào năm 1863 do Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản dẫn đầu. Sau khi về nước họ đã kể lại cho triều đình Huế nghe nhiều chuyện lạ tại Pháp trong đó có chuyện "đèn treo ngược vẫn sáng" (có lẽ đây là đèn chụp thắp bằng gas), nhưng không ai tin và cho rằng đoàn sứ bộ đã bị "mê hoặc"…

Kể lại những câu chuyện lịch sử này để thấy Việt Nam đã tụt hậu như thế nào khi người Pháp đặt chân đến nước ta. 80 năm sau, dù được người Pháp "khai phá văn minh" cho rất nhiều nhưng có một lĩnh vực người Việt Nam vẫn không theo kịp đó là lĩnh vực chính trị. Chỉ có một người duy nhất là Phan Châu Trinh nhận ra rằng không thể dùng vũ lực để chống lại Pháp vì quá chênh lệch về trình độ và lực lượng. Tất cả những người khác đều chủ trương dùng bạo lực để đánh Pháp từ Phan Bội Châu đến Hồ Chí Minh.

Năm 1945 Đảng cộng sản dành được chính quyền nhờ một vận hội lớn là phe đồng minh chiến thắng phe phát xít trong chiến tranh thế giới II. Một trật tự thế giới mới được hình thành với việc chấm dứt chế độ thực dân, trao trả độc lập cho các thuộc địa. Đảng cộng sản vì không có kiến thức về chính trị nên đã tiếp tục "kháng Pháp, chống Mỹ" thêm 30 năm (1945-1975) để thống nhất đất nước.

75 năm dưới chế độ cộng sản, kiến thức chính trị của người Việt Nam tiếp tục bị giam hãm và kìm nén thay vì được giải phóng và khai sáng để bắt kịp với dòng chảy của thời đại. Cho đến bây giờ, dù Đảng cộng sản đã vấp phải hết sai lầm này đến sai lầm khác và dù nhiều người đã nhận ra rằng Đảng cộng sản không còn là một giải pháp cho đất nước… Tuy nhiên Đảng cộng sản vẫn tiếp tục tồn tại một cách thách đố, tại sao như vậy ? Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) đã đưa ra câu trả lời từ rất lâu nhưng vẫn không được trí thức Việt Nam chia sẻ. Lý do : Người dân nói chung và trí thức Việt Nam nói riêng đã tụt hậu rất nghiêm trọng về chính trị.

Không chỉ người Việt Nam trong nước mà ngay tại Mỹ thì tình trạng đó cũng không khá hơn bao nhiêu. Theo khảo sát của một cuộc thăm dò tại Mỹ (của APIA Vote, AAPI Data, và Advance Justice-AAJC) trong hai tháng 7 - 9/2020 với nhóm cử tri người Mỹ gốc Á về sự ủng hộ đối với hai ứng cử viên tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử ngày 3/11 tới đây thì có 48% người Mỹ gốc Việt ủng hộ Donald Trump trong khi đa số các quốc gia khác đều ủng hộ ông Joe Biden. Cũng theo cơ quan thăm dò này vào năm 2018 thì có đến 64% người Mỹ gốc Việt ủng hộ cho Donald Trump. Cộng đồng người Việt tại Mỹ đi ngược lại với tất cả các sắc dân khác đang sống tại Mỹ. Điều này minh chứng cho sự tụt hậu về chính trị của người Việt Nam.

trithuc02

trithuc03

Hiểu biết chính trị của người Việt tại Mỹ ngược lại với tất cả các sắc dân Châu Á khác đang sống tại đây.

Chính trị là "việc chung" của đất nước mà mọi người đều có trách nhiệm tham gia, đặc biệt là tầng lớp trí thức. Trách nhiệm của trí thức ở đâu và thời nào cũng vậy đó là phải "hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng". Trí thức Việt Nam bị tụt hậu về chính trị nên hệ quả kéo theo là sự tụt hậu của quần chúng. Tụt hậu lớn nhất của trí thức Việt Nam là thiếu kiến thức về chính trị (do không muốn, không chịu học hỏi) vì thế họ không hiểu gì về đấu tranh chính trị. Từng có ý kiến cho rằng Tập Hợp không làm gì, không có "hành động" gì mà chỉ nói, viết và... "há miệng chờ sung", điều đó không đúng. Chúng tôi ít ra cũng đã xây dựng được một dự án chính trị để làm kim chỉ nam cho các hoạt động của tổ chức vừa để trình bày cho người Việt Nam biết được chúng tôi đề nghị những gì. Chúng tôi cũng đang tìm kiếm và xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt cho tổ chức song song với việc bền bỉ thuyết phục, vận động quần chúng Việt Nam ủng hộ cho dự án chính của chúng tôi bằng các bài viết thường xuyên được đăng trên các kênh truyền thông của Tập Hợp. Trong gần 40 năm qua chúng tôi chưa từng nói dối hay lừa gạt bất cứ một ai và cũng chưa từng nhận tiền tài trợ của bất cứ tổ chức nào. Các nhận định và phân tích về thời cuộc của Tập Hợp chưa bao giờ sai. Không ít lần chúng tôi còn đi trước cả dư luận thế giới…

Trí thức Việt Nam, đa số chỉ biết chỉ trích chế độ cộng sản và họ xem đấy là "khai dân trí". Họ lập luận rằng dân trí cao thì mới có dân chủ, hay dân trí trước - dân chủ sau. Chẳng có gì đảm bảo và chứng minh cho lập luận này cả. Nước Anh có dân chủ vào năm 1645. Nước Mỹ dân chủ ra đời năm 1776. Hà Lan có dân chủ từ năm 1848… Chẳng lẽ người dân các nước đó vào thời điểm cách đây hàng trăm năm lại có "dân trí cao" hơn người dân Việt Nam hiện nay? Thực sự là các nước đó có dân chủ vì trí thức của họ xuất sắc, còn Việt Nam chưa có dân chủ là vì trí thức Việt Nam kém. Đừng đổ lỗi cho người dân. Dù chính trị là "việc chung" nhưng trách nhiệm chính là thuộc về tầng lớp trí thức.

Một số trí thức Việt Nam khác thì chỉ biết năn nỉ và van xin chính quyền. Họ hy vọng là có vị lãnh đạo nào đó nghe được đề nghị của họ rồi thay đổi đất nước cho tốt hơn. Điều này vừa vô ích vừa bất khả thi vì chính ông Boris Yeltsin, cựu tổng thống Nga thời hậu cộng sản Liên Xô đã nói "chế độ cộng sản chỉ có thể đào thải chứ không thể sửa chữa".

trithuc3

Boris Yeltsin, cựu tổng thống Nga thời hậu cộng sản Liên Xô đã nói "chế độ cộng sản chỉ có thể đào thải chứ không thể sửa chữa".

Cũng có một số trí thức khá hơn thì vạch ra một vài lộ trình dân chủ cho đất nước. Chưa nói đến việc những lộ trình này khả thi hay không thì chỉ riêng một việc quan trọng mà họ không đề cập đến khiến mọi đề nghị của họ đều dẫn đến bế tắc đó là việc "xây dựng lực lượng". Nếu phong trào dân chủ không có lực lượng thì đừng bao giờ mơ có dân chủ cho Việt Nam kể cả khi Đảng cộng sản tự sụp đổ. Tập Hợp đã trình bày rất nhiều lần rằng đấu tranh chính trị là giữa các tổ chức với nhau. Đảng cộng sản là một tổ chức chính trị nên muốn chiến thắng nó thì đối lập dân chủ cũng phải có một tổ chức chính trị ngang tầm hoặc trên tầm. Một cậu bé bị đám bạn bắt nạt và ức hiếp thì nó cũng biết chạy đi và tập hợp đám bạn của nó, đến khi đủ người rồi mới quay lại kiếm đám kia để nói chuyện phải quấy. Trong tranh đấu dù là đánh lộn với đám bạn hay tranh đấu cho dân chủ thì "tương quan lực lượng" là yếu tố quan trọng quyết định cho sự thắng thua.

Có ý kiến cho rằng Tập Hợp làm chính trị "sa lông", đây là nhận xét hời hợt do thiếu hiểu biết về chính trị, không hiểu sức mạnh của tư tưởng chính trị và sự quan trọng của tương quan lực lượng. Hiện tại Tập Hợp chưa mạnh vì chưa đủ lực lượng nên không thể kêu gọi biểu tình hay "hành động" này nọ. Bài học năm 1946 vẫn còn đó, hai đảng Việt Quốc và Việt Cách được Việt Minh "cho không" 70 ghế trong quốc hội nhưng vẫn không giữ được vì không có lực lượng quần chúng và trí thức Việt Nam hậu thuẫn. Khi lực lượng chống lưng cho họ là quân Tưởng rút khỏi Việt Nam thì họ cũng phải "bỏ của chạy lấy người".

Những tổ chức chủ trương "đi sâu, đi sát vào quần chúng" để vận động người dân đứng dậy suốt 45 năm qua đều đã thất bại. Không thể khác được vì quần chúng rất thực tiễn, không kiên nhẫn và không lãng mạn. Họ chỉ đứng dậy khi được một tổ chức động viên và lãnh đạo. Tổ chức đó phải hùng mạnh và có uy tín để họ thấy được chiến thắng là tất yếu và không thể đảo ngược. Việc xây dựng một tổ chức dân chủ đối lập hùng mạnh và có tầm vóc là công việc rất quan trọng và không thể tiết kiệm. Chừng nào trí thức Việt Nam hiểu được điều đó thì ngày Đảng cộng sản rút lui vào lịch sử ắt sẽ đến.

Việc "khai dân trí" quan trọng nhất hiện nay là làm cho người dân hiểu rằng đấu tranh chính trị cần có tổ chức và như thế thì trí thức phải làm gương. Rõ ràng là trí thức Việt Nam chưa làm được việc này. Cần nói không với lối hoạt động chính trị kiểu nhân sĩ. Việc trí thức Việt Nam luôn đứng một mình đã khiến sự kêu gọi đoàn kết của họ trở nên vô lý và vô ích. Trí thức có đoàn kết đâu mà đòi người dân đoàn kết?  

Chúng ta đang đứng trước một khúc quanh quan trọng của lịch sử. Một trật tự thế giới mới đang được thiết lập sau đại dịch Covid-19. Trung Quốc, Nga và các nước độc tài còn lại đang bị nhìn nhận như là mối đe dọa cho hòa bình thế giới và đó là điều mà người Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Một "trật tự dân chủ mới" sẽ không có chỗ cho các nước độc tài. Mọi dễ dãi và ưu đãi của thế giới dành cho Việt Nam sẽ chấm dứt hoặc chỉ dừng ở mức thấp nhất nếu Việt Nam không chuyển hóa về dân chủ. Các công ty lớn của thế giới sẽ không đến Việt Nam vì họ lo lắng và không biết cuộc cách mạng dân chủ đường nào cũng phải xảy ra ở Việt Nam sẽ như thế nào. Trật tự dân chủ mới đó sẽ khiến Đảng cộng sản dù muốn dù không cũng phải chấp nhận dân chủ hóa đất nước. Nếu trí thức Việt Nam không ủng hộ cho một giải pháp mới của một tổ chức dân chủ thì cuộc chuyển hóa về dân chủ sẽ diễn ra trong hỗn loạn và mất kiểm soát, đất nước sẽ mất đi một cơ hội lớn để hội nhập với thế giới.

Chán ghét chế độ cộng sản chưa đủ mà phải ủng hộ cho một tổ chức dân chủ đối lập nào đó để cô lập và tẩy chay Đảng cộng sản. Người dân không đủ kiên nhẫn và hiểu biết để nhận ra đâu ra một tổ chức dân chủ đứng đắn, đâu là một "tổ chức ma" vì vậy trí thức Việt Nam phải làm công việc đó. Dự án chính trị của Tập Hợp chỉ có 200 trang và gần như là duy nhất hiện nay nhưng trí thức Việt Nam vẫn không chịu đọc và tìm hiểu thì có lẽ sự hời hợt và nóng vội vẫn còn quá lớn ở nhiều người tranh đấu.

Trí thức Việt Nam cần hiểu rằng, chúng ta tranh đấu cho tương lai người dân Việt Nam nhưng phải khác với người Việt Nam, nếu muốn chiến thắng.  

Việt Hoàng

(20/09/2020)

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm