Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 27 novembre 2017 21:24

Từ Venezuela, Zimbabwe đến Việt Nam

Năm 2017, thế giới chứng kiến sự sụp đổ nền kinh tế của hai quốc gia, Venezuela thuộc khu vực Nam Mỹ và Zimbabwe thuộc Châu Phi. Cả hai nước đều theo chế độ tổng thống và xây dựng đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Tương lai hai nước này vẫn chưa biết đi về đâu để thoát ra khỏi bế tắc và phong trào dân chủ Việt Nam cũng như thế.

vene1

Thế giới đang chứng kiến sự sụp đổ nền kinh tế của hai quốc gia, Venezuela thuộc khu vực Nam Mỹ và Zimbabwe thuộc Châu Phi, và trước đó là Liên Xô (1991). Cả hai đều theo chế độ tổng thống và xây dựng đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa.

Năm 2017 là năm mà đảng cộng sản Việt Nam ra tay đàn áp dữ dội những người lên tiếng ôn hòa cho các hiện trạng của Việt Nam. Những bản án vô lý, phi nhân dành cho những thành phần cần được lắng nghe và nâng đỡ nhiều nhất, đó là những người mẹ đang có những đứa con thơ cần tình yêu ấp ủ, đó là những sinh viên nhiệt huyết vì tương lai đất nước, đó là những người anh em ôn hòa có tấm lòng yêu thương mảnh đất chữ S này. Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, chị Trần Thị Nga, sinh viên Phan Kim Khánh, sinh viên Trần Hoàng Phúc, những anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ : luật sư Nguyễn Văn Đài, mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Trương Minh Đức, ông Phạm Văn Trội và Nguyễn Bắc Truyển, cô Trần Thị Xuân, cùng cô Lê Thu Hà bị bắt hồi cuối tháng 12 năm 2015, đến giờ vẫn chưa xét xử.

Những bản án nặng nề được đưa ra, những quy chụp mơ hồ về tội danh hoạt động "lật đổ chính quyền nhân dân" hoặc "tuyên truyền chống nhà nước"… chiếu theo điều 79, 88 của Bộ Luật hình sự.

Đảng cộng sản đã không bao giờ đưa ra được trước dư luận những chứng cứ rõ ràng và cụ thể mà họ dùng để ghép tội những anh em hoạt động xã hội dân sự ôn hòa khi buộc tội họ vi phạm điều 79, điều 88, điều 258… để người dân phản biện và thấy được sự minh bạch của người thực thi pháp luật.

1. Venezuela đi từ một quốc gia giàu có tài nguyên đến tận cùng của sự khốn khó…

Venezuela là một quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ, có nhiều hòn đảo nhỏ ngoài khơi biển Caribbean, có khí nhiệt đới, có nhiều loài sinh vật và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã, là vựa dầu lớn thứ ba thế giới với trữ lượng trên 291 tỷ thùng. Diện tích nước này là 916.445 km², dân số khoảng 30 triệu người.

vene2

Venezuela đã bị rơi vào quĩ đạo của "cơn điên" mà thế giới đã trải qua, cơn điên của chủ nghĩa xã hội.

Venezuela giành độc lập từ Tây Ban Nha vào năm 1821, và sau đó trải qua một giai đoạn đầy biến động với những cuộc khủng hoảng chính trị và chế độ độc tài quân sự. Nửa đầu thế kỉ 20, các tướng lĩnh quân đội vẫn kiểm soát nền chính trị. Từ thập niên 1950 đến thập niên 1980, Venezuela là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển tại Mỹ Latinh. Tuy nhiên khi giá dầu thế giới giảm mạnh trong thập niên 1980, nền kinh tế Venezuela rơi vào khủng hoảng.

Thay vì tìm ra con đường để cải tổ kinh tế và chính trị để thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, mở rộng kinh tế đa ngành, tạo công ăn việc làm, giảm được bất công xã hội và chênh lệch giàu nghèo, thì chính phủ và người dân Venezuela họ đã chọn con đường khác.

Họ đã bị rơi vào quĩ đạo của "cơn điên" mà thế giới đã trải qua, cơn điên của chủ nghĩa xã hội. (Xin đọc lại bài "Nghĩ về một cơn điên của thế giới" của ông Nguyễn Gia Kiểng). 

Có hai lý do.

Lý do thứ nhất người ta ủng hộ nó (cơn điên của chủ nghĩa xã hội) bởi vì người ta chờ đợi nó và người ta không muốn nghe những lập luận phản bác, ngay cả khi dựa trên những bằng chứng xác thực, bởi vì người ta đã kết luận rồi và không muốn đổi ý kiến.

Lý do thứ hai là sự mê hoặc của bạo lực. Bản năng bạo lực có trong mỗi người và nằm sẵn trong bản chất của con người. Con người đã sống và chịu đựng bạo lực trong suốt chiều dài lịch sử. Người ta vừa ghê sợ vừa ham muốn nó. Bạo lực cũng có tính lãng mạn của nó. Trong mỗi con người đều luôn có một tên sát nhân phải kiềm chế. Chủ nghĩa cộng sản đã thả lỏng tên sát nhân này để thỏa mãn bản năng.

Năm 1998, người dân Venezuela đã bầu cho một viên sĩ quan quân đội là Hugo Chavez làm tổng thống với tỷ lệ 56%, người đã đưa học thuyết của chủ nghĩa Bolivar và chủ nghĩa xã hội áp dụng cho Venezuela. Hugo Chavez đã nắm quyền từ cuối năm 1998 đến lúc ông qua đời năm 2013, và người kế vị ông là ông Nicolas Maduro từ năm 2013 đến nay năm 2017, cũng tiếp bước theo con đường mà tiền bối Hugo Chavez đã đi.

Khi lãnh đạo Venezuela chọn con đường xã hội chủ nghĩa, thì tình trạng cũng như y những quốc gia xã hội chủ nghĩa khác. Chính phủ tịch thu tài sản cá nhân một cách tùy tiện ; quốc hữu hóa tài sản dẫn đến các ngành sản xuất trong nước hầu như suy sụp (nền kinh tế chỉ nhắm tới xuất khẩu dầu thô, trong lúc lại hạn chế nhập khẩu ngay cả các nhu yếu phẩm và thuốc men) ; giới quân sự quản lý bộ máy ngân sách cồng kềnh ; tham nhũng tràn lan và không thể nào kiểm soát được ; truyền thông báo chí bị giới hạn ; bắt bớ đàn áp đối lập gia tăng ; chính phủ mượn những khoản tiền khổng lồ của nước ngoài để độc quyền nắm giữ quyền lực và cung cấp lương thực thực phẩm miễn phí nhằm lừa mị người dân.

Chính sách xã hội chủ nghĩa quả thật đã đánh lừa được người dân trong giai đoạn đầu, nhưng chỉ 10 năm sau đó, mọi ung nhọt của chủ nghĩa xã hội đã không thể che giấu nữa. Sau 10 năm theo định hướng xã hội chủ nghĩa, năm 2008 tỷ lệ lạm phát của Venezuela đã tăng 30,9%, cao nhất trên toàn khu vực châu Mỹ. Điều gì đến cũng phải đến, vào tháng 11 năm 2017, Venezuela đã chính thức thông báo vỡ nợ, chìm sâu vào khủng hoảng. Chủ nghĩa xã hội đã hoàn toàn phá hủy hệ thống sản xuất và phân phối của quốc gia này.

2. Zimbabwe, từ quốc gia sung túc ở Châu Phi rơi xuống vực thẳm của sự nghèo khó.

Cộng hòa Zimbabwe là một quốc gia nằm ở phía nam lục địa Phi, dân số khoảng 12 triệu người, là nước có tiềm năng kinh tế, giàu tài nguyên thiên nhiên với crom và vàng là khoáng sản chính của nước này.

ZIMBABWE-HEALTH-CHOLERA-CLINIC

Cảnh người dân thủ đô Harare tìm nước uống từ một đường mương - Ảnh sbs.com.au

Zimbabwe là thuộc địa Anh từ năm 1888 đến 1965. Các nhóm sắc tộc da đen chiếm 98% dân số, người da trắng chiếm chưa tới 1% tổng dân số (chủ yếu có nguồn gốc Anh, tuy nhiên sau cuộc bài xích người da trắng những năm 2000, thì số người da trắng chỉ còn là một thiếu số rất nhỏ), người lai chiếm 0.5% dân số, và nhiều nhóm sắc tộc châu Á khác chiếm 0.5% (chủ yếu là người Ấn Độ và Trung Quốc).

Trong cuộc bầu cử tháng 2 năm 1980, Robert Mugabe và đảng ZANU của mình giành một thắng lợi lớn, Robert Mugabe trở thành thủ tướng của Zimbabwe.

Điều đáng chú ý, từ khi độc lập năm 1965 đến 1987, Zimbabwe là một nước theo chế độ cộng hòa đại nghị. Nhưng sau năm 1987, Robert Mugabe đã sửa đổi hiến pháp và tự phong mình làm tổng thống, Zimbabwe trở thành một nước cộng hòa theo chế độ tổng thống.

Robert Mugabe và đảng của mình là ZANU (1965-1988) và ZANU-PF (1988 - nay 2017), ngoài cuộc bầu cử tháng 2 năm 1980 là thắng lợi thực sự, thì các cuộc bầu cử còn lại đều bị cáo buộc gian lận.

Chính sách của chính quyền cộng hòa đại nghị :

Sau độc lập 1965 cho tới năm 1987, chính quyền mới chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, duy trì tốc độ phát triển, tiến hành cấp ruộng đất cho người da đen, ban hành luật lao động, định cư, nâng lương tối thiểu, xây dựng cơ sở y tế, giáo dục ; thực hiện chính sách ôn hòa với người da trắng, sử dụng tay nghề, vốn, kỹ thuật và cơ cấu kinh tế, tài chính của họ nhằm duy trì sản xuất, tránh xáo trộn tình hình. Chính quyền mới từng bước cải tạo nền kinh tế theo chiều hướng xóa dần tệ phân biệt chủng tộc, hạn chế bóc lột sức lao động. Nhà nước nắm những lĩnh vực kinh tế quan trọng như ngân hàng, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên, xuất nhập khẩu ; lập hợp tác xã nông nghiệp, xí nghiệp công nghiệp ; thực hiện tự do hóa nền kinh tế, khuyến khích khu vực tư nhân, xoá bỏ cấp giấy phép nhập khẩu, kiểm soát giá cả các mặt hàng tiêu dùng, nới lỏng quản lý trao đổi ngoại tệ để thu hút đầu tư và khuyến khích liên doanh với nước ngoài. Tranh thủ vốn đầu tư, kỹ thuật và viện trợ của các nước để duy trì hoạt động của nền kinh tế. Xúc tiến hợp tác khu vực, xây dựng ống dẫn dầu qua cảng Becca, Maputo của Mozambique, phục hồi đường sắt vận chuyển qua các nước, từng bước tăng quan hệ kinh tế hợp tác với châu Phi.

Dù là đang trong thời gian chiến tranh du kích, nhưng Zimbabwe vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế dương trong suốt những năm 1980 (tăng trưởng 5.0% GDP hàng năm), và là nước khá giả nhất Châu Phi lúc bấy giờ.

Quá trình suy tàn của Zimbabwe dưới thời tổng thống độc tài Robert Mugabe :

Robert Mugabe đã đưa Zimbabwe tiến từ từ vào thiên đường xã hội chủ nghĩa, cũng mang đặc tính như những nước độc tài, xã hội chủ nghĩa khác. Chính phủ đã phá bỏ nền kinh tế thị trường mà chính phủ trước đây đã nỗ lực xây dựng, tăng cường kiểm soát người dân, vi phạm nhân quyền, đàn áp đối lập, thu hồi ruộng đất, kiểm soát giá, nông nghiệp giảm sút, tình trạng bất ổn trong ngành công nghiệp càng làm suy yếu nền kinh tế, lương bổng và các chính sách xã hội đi xuống, trình trạng sức khỏe sụt giảm trầm trọng, đói khổ triền miên trong dân, tham nhũng trầm trọng, tài nguyên thiên nhiên và rừng bị tàn phá.

Chính sách thu đất canh tác của người thiểu số da trắng năm 2000, cùng những trận hạn hán liên tục, và thiếu nguồn cung cũng như tài chính, dẫn tới một sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu nông nghiệp. Chính sách bài xích người da trắng, đã khiến hầu hết người da trắng phải đi khỏi đất nước, khiến cho Zimbabwe mất đi một nguồn lực sản xuất lớn của đất nước, dẫn đến thiếu hụt lương thực trầm trọng. Số người da trắng đã giảm từ đỉnh điểm khoảng 296,000 người năm 1975 xuống còn khoảng 120,000 năm 1999 và được ước tính còn không hơn 50,000 năm 2002, và có thể còn ít hơn.

Sự tan rã kinh tế cùng những biện pháp đàn áp chính trị tại Zimbabwe đã dẫn tới một làn sóng người tị nạn đổ tới các quốc gia láng giềng. Ước tính 3.4 triệu người Zimbabwe, khoảng một phần tư dân số, đã chạy ra nước ngoài ở thời điểm giữa năm 2007, trong đó có khoảng 3 triệu người trong số đó đã tới Nam Phi.

Cuối năm 2008, các vấn đề tại Zimbabwe lên tới tình trang khủng hoảng về các lĩnh vực tiêu chuẩn sống, sức khoẻ công cộng và nhiều vấn đề công khác. Một số nhà quan sát miêu tả là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất từ khi giành được độc lập.

Vòng xoáy suy giảm của nền kinh tế có nguyên nhân chủ yếu từ sự quản lý kém và tham nhũng của chính quyền Robert Mugabe và sự tịch thu tài sản bất hợp pháp của hơn 4.000 chủ trại da trắng trong chiến dịch phân phối lại đất đai gây nhiều tranh cãi năm 2000, cùng với việc Zimbabwe tham gia vào cuộc chiến tại Cộng hoà Dân chủ Congo từ năm 1998 tới năm 2002 đã làm nền kinh tế nước này thiệt hại hàng trăm triệu dollar.

Trong khoảng 5 năm qua, từ năm 2012 đến 2017, việc đấu đá nội bộ và thanh trừng tại ZANU-PF do Robert Mugabe chủ xướng, đã dẫn đến sự hỗn loạn và làm suy thoái sự phát triển của Zimbabwe.

Zimbabwe hôm nay và ngày mai :

Cuộc đảo chính tháng 11 năm 2017 ở Zimbabwe không mang lại một làn gió mới nào để hy vọng thay đổi về nhân quyền và kinh tế cho Zimbabwe. Cuộc đảo chính này, chỉ là cuộc can thiệp của quân đội, nhằm chuyển quyền lực qua tay cựu phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, nhằm bảo vệ phe thủ cựu và đảng cầm quyền ZANU-PF.

Ngày 24 tháng 11 năm 2017, ngày mà quân đội và người dân Zimbabwe loại bỏ được tổng thống độc tài sau 37 năm, nhưng liệu đây có phải là ngày mở đầu cho sự cầm quyền của một tổng thống độc tài còn tàn bạo hơn hay không ? Nhiều người vui mừng vì Zimbabwe đã đảo chính thành công và không có tổn thất nào về người. Nhưng cũng không khỏi lo lắng nếu đối lập và người dân Zimbabwe không có cải cách để kiểm soát quyền lực của tổng thống, tăng tính đại nghị trong bộ máy cầm quyền.

Emmerson Mnangagwa và cả sự nghiệp chính trị của ông này hoàn toàn gắn với nhà độc tài 93 tuổi Robert Mugabe, nhân vật này đã được cảnh báo là có thể trở thành một nhà lãnh đạo "đàn áp hơn cả Mugabe" nếu lên nắm quyền. Mnangagwa bị ghê sợ do vai trò "đao phủ" của ông này dưới quyền Mugabe. Ông từng là người đứng đầu cơ quan cảnh sát mật Zimbabwe (CIO), được cho là dính líu đến vụ thảm sát tộc người Ndebele ở Matabeleland, tây nam Zimbabwe trong hai năm 1983-1984. Hiệp hội Các nhà nghiên cứu diệt chủng quốc tế (IAGS) ước tính ít nhất 20,000 thường dân đã bị giết bởi CIO và quân đội Zimbabwe.

Ngoại trưởng Anh, ông Boris Johnson kêu gọi Zimababwe tổ chức bầu cử để chọn ra nhà lãnh đạo mới.

"Không ai muốn nhìn thấy quyền lực chuyển giao từ một nhà độc tài này sang nhà độc tài khác. Chúng tôi muốn thấy cuộc bầu cử tự do và công bằng trong năm tới, và đó là điều chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy".

Chúng ta cùng cầu mong cho đất nước Zimbabwe, người dân, tầng lớp tinh hoa, giới an ninh – quân đội, các đảng đối lập Zimbabwe làm tốt trọng trách đưa lại dân chủ, phồn thịnh cho đất nước Zimbabwe.

3. Chế độ tổng thống dễ dẫn đến bế tắc, độc tài

Một quốc gia theo chế độ tổng thống, với nền dân chủ non trẻ rất dễ dàng rơi vào tay một tổng thống độc tài. Một số tổng thống độc tài hiện nay như tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã biến nước Nga thành một nước phải theo chủ nghĩa Putin, mang đậm nét chủ nghĩa dân tộc và phi dân chủ, là một dạng chủ nghĩa tư bản nhà nước, chính phủ chi phối mọi phương tiện truyền thông. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdoğan, người đã sớm chuyển hướng sang chủ nghĩa chuyên chế từ lâu, nay lại càng tập trung quyền lực nhiều hơn. Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, một nhà dân túy cứng rắn công khai. Tổng thống Venezuela và tổng thống Zimbabwe, họ đều là những tổng thống độc tài, đưa đất nước vào bế tắc. Và rất nhiều những tổng thống độc tài, bất tài khác.

Một trong những nét chính mà chế độ tổng thống dễ dẫn đến các nhà độc tài đó là vì một số lý do chính yếu sau :

1) Tổng thống nắm rất nhiều quyền hành trong tay.

2) Tổng thống được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu, nên tính chính danh rất lớn, và dù tổng thống không thể hiện được năng lực lãnh đạo, hay thậm chí sai phạm nghiêm trọng, cũng khó lòng phế truất khi đang trong thời gian tại nhiệm.

3) Vì được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu, nên người được bầu thường là nhờ vào những đặc điểm ngoại hình bên ngoài và những lời hứa mị dân hoặc mục tiêu ngắn hạn. Những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu thường là người có sức thu hút rất lớn đối với đại bộ phận dân chúng, một chủ nghĩa mà nó thỏa mãn được cơn khát nhất thời của người dân, nhưng hậu quả của sự cai trị này thì không thể lường trước được.

4) Chế độ tổng thống làm suy yếu vai trò của các đảng chính trị. Các đảng chính trị là nơi đào tạo ra các chính trị gia, là nơi các ý kiến được sàng lọc, phân tích và kiểm nghiệm. Khi vai trò của các đảng chính trị bị đẩy xuống mức thấp nhất thì sẽ dẫn đến các cuộc thảo luận chính trị của các đảng chính trị không còn thực chất và nhận thức của dân chúng về chính trị cũng thấp dần.

5) Xảy ra sự mâu thuẫn giữa tổng thống và quốc hội khi đảng của tổng thống không chiếm đa số trong quốc hội, dẫn đến sự bế tắc trong việc ra các chính sách quốc gia….

Khi các đảng chính trị suy yếu, nhận thức chính trị người dân sẽ thấp dần, xã hội dân sự chưa phát triển, thì việc chọn lựa nhầm lãnh đạo là vấn đề dễ dàng xảy ra, các chính sách quốc gia sẽ được tổng thống đơn phương ban hành, mà không cần được quốc hội thông qua, các mầm mống độc tài sẽ không bị ngăn chặn khi chúng vừa mới ló dạng.

Sự hình thành các nhà lãnh đạo độc tài thường được diễn ra như thế nào ? Lúc đầu, họ thường hứa hẹn với người dân rằng họ có thể sửa chữa được các vấn đề của xã hội, họ mị dân bằng các chính sách của chủ nghĩa dân túy, họ hứa hẹn mang lại ổn định và trật tự... Sau khi giành chiến thắng trong bầu cử, nắm trong tay quyền quyết định và điều hành, họ sẽ có đủ thẩm quyền để đưa ra những quyết định nhanh chóng và ngắn hạn, qua đó duy trì sự ủng hộ của cử tri và ngày càng giành được nhiều thẩm quyền hơn. Khi họ có nhiều thẩm quyền hơn, thì song song đó họ bóp nghẹt truyền thông, cắt bớt các quyền tự do dân sự, tiêu diệt các đối thủ chính trị. Tới một lúc nào đó, quyền lực trong tay họ quá lớn, truyền thông đã bị bóp nghẹt, đối lập đã bị triệt tiêu, thì họ sẽ trở thành những nhà lãnh đạo độc tài hủy hoại đất nước.

Các tổng thống trong các nước có chế độ tổng thống có những đặc điểm sau :

• Tổng thống được bầu cử với phiếu bầu trực tiếp theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.

• Tổng thống đảm nhiệm vai trò là nguyên thủ quốc gia và đồng thời cũng là người đứng đầu chính phủ.

• Tổng thống vừa là biểu tượng quốc gia, vừa là đại diện của đảng mình hoạt động.

• Có quyền bổ nhiệm phó tổng thống và quyết định quy mô và thành phần của nội các và bổ nhiệm các thành viên với sự phê chuẩn của quốc hội.

• Quân đội nằm dưới sự chỉ huy của Tổng tư lệnh quân đội là tổng thống.

• Có thể đề nghị quốc hội sửa đổi các điều luật nhưng quốc hội cũng có thế phủ quyết đề nghị của tổng thống nếu đa số phản đối.

• Nhiệm kỳ của một tổng thống là 4 hoặc 6 năm và tổng thống có thể được bầu lại trong một nhiệm kỳ tiếp theo.

4. Hoa Kỳ là một ngoại lệ, vì sao ?

Một điều chúng ta nên ý thức là cho tới nay hầu như TẤT CẢ mọi chế độ tổng thống đều đã thất bại trừ trường hợp duy nhất của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã không thất bại, bởi vì một số đặc điểm chính sau :

1) Hoa Kỳ đã thừa hưởng di sản của những người lập quốc tuyệt vời, với nền hiến pháp dân chủ chặt chẽ dẫn đường ;

2) Hoa Kỳ tu chính hiến pháp rất nhiều để tổng thống không còn có quá nhiều quyền hành như các nước theo chế độ tổng thống khác, quyền hành chủ yếu nằm trong tay quốc hội và quyền hành cũng được tản quyền cho các chính quyền liên bang, cũng như thực hiện tam quyền phân lập thực sự ;

3) Hoa Kỳ có cấu trúc xã hội dân sự mạnh, tinh thần thượng tôn pháp luật và tự do báo chí rất cao ;

4) Hoa Kỳ hầu như luôn ổn định về tư tưởng chính trị ;

5) Tổng thống Hoa Kỳ cũng không do phổ thông đầu phiếu chọn ra, mà do đại cử tri đoàn bầu chọn.

Tinh thần Mỹ đã thành công ngay cả với chế độ tổng thống. Tuy nhiên, dần dần ngay tại Hoa Kỳ, chế độ tổng thống ngày nay cũng đã chứng tỏ sự tàn phá của nó. Từ 25 năm qua Hoa Kỳ đã chỉ có những tổng thống tồi dở : Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump. Không phải là Hoa Kỳ không có những người giỏi nhưng sự hời hợt tự nhiên của việc bầu cử tổng thống đã cho phép những kẻ tồi dở nhưng mầu mè đánh bại những người có bản lĩnh chính trị, cụ thể như sau :

1) Năm 1992, Bill Clinton, một thanh niên trốn lính, không kinh nghiệm và đạo đức kém đã đánh bại tổng thống đương nhiệm George H. W. Bush, một người đầy kinh nghiệm, một anh hùng trong thế chiến II và cũng là người góp phần quyết định đánh sập Liên Xô và phong trào cộng sản quốc tế ;

2) Năm 2000, George W. Bush, một người không có tài và cũng không biết gì về thế giới đánh bại Al Gore, một người tài giỏi, kinh nghiệm và đầy viễn kiến ;

3) Năm 2008, Barack Obama, một người gần như hoàn toàn không có kiến thức chính trị nào đánh bại John McCain, một người dũng cảm và đầy kinh nghiệm ;

4) Năm 2016 đến lượt Donald Trump đắc cử tổng thống. Trump là một người không có tài năng nào về chính trị, không có kinh nghiệm, không có đạo đức cũng chẳng có tâm hồn. Nhưng thắng lợi của Trump có logic của nó và không vô lý. Cử tri Mỹ phải chọn giữa Donald Trump với Hillary Clinton, và với nhiều người Mỹ, Hillary Clinton còn đáng ghét hơn Trump. Chế độ tổng thống đã tàn phá chính trường Mỹ ở mức rất nghiêm trọng.

Có vẻ Hoa Kỳ đang hạn chế dần dần quyền lực của tổng thống và chuyển dần về chế độ đại nghị trong tương lai ?

5. Chọn lựa cho Việt Nam hôm nay và mai sau

Cả Venezuela và Zimbabwe, ngoài đảng cầm quyền ra, còn có trên 2 đảng đối lập hoạt động trong nước. Do đó, họ vẫn còn có cạnh tranh trong chính trị. Người dân Venezuela xuống đường vì họ có đối lập tổ chức, người dân Zimbabwe xuống được vì họ có đối lập hoặc quân đội tổ chức. Nói tóm lại, muốn cuộc đấu tranh mang lại thắng lợi phải có đối lập tổ chức.

Nhiều người hỏi, khi nào thì người dân Việt Nam xuống đường ? Câu hỏi này dành để hỏi những người còn quan tâm đến đất nước : Khi nào thì họ tập hợp lại với nhau trong một tổ chức ? Họ còn rời rạc vì họ còn mong làm minh quân, vì họ là những nhân sĩ chờ thời, hay vì họ không muốn dấn thân hơn nữa ngoài những lên tiếng như một kiểu phản vấn lương tri của mình ? Khi những người còn quan tâm đến đến nước chưa liên kết được với nhau, thì xin đừng hỏi người dân, người dân họ hoàn toàn không biết nên đi hướng nào trên con đường đấu tranh, họ đang mong chờ sự kết hợp và đường lối của những người đấu tranh.

Việt Nam đã, đang là chế độ độc tài đảng trị, do đó Việt Nam không có đối lập nào chính thức ra mặt hoạt động trong nước khi chưa đủ lực lượng và phương tiện. Các tổ chức đối lập hiện đang đặt cơ quan tại hải ngoại và chỉ có thể chính thức ra mặt khi có đủ lực lượng nòng cốt và được tầng lớp trí thức chính trị ủng hộ. Những người đấu tranh dân chủ hoàn toàn có thể chọn cho mình một tổ chức có viễn kiến để tham gia và cùng phát triển tổ chức, hoặc có thể thành lập tổ chức mới nếu có quyết tâm và có định hướng. Một đất nước chỉ có thể tiến lên, khi người dân lương thiện giúp đỡ nhau, ngược lại, một đất nước mà ai cũng muốn hơn người khác, ai cũng muốn làm minh quân, thì đất nước đó chỉ có thể đi xuống. Trên thế giới, chưa có sự thành công nào mà không khởi đầu từ những kết hợp chặt chẽ.

Zimbabwe đã thể hiện tinh thần hòa giải nội bộ vào khoảng thời gian độc lập 1965 và cố gắng xây dựng một nhà nước ổn vững, nhân quyền nhưng tiếc thay điều đó đã bị chủ nghĩa nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa xã hội phá hủy. Tại Vezuela từ đầu năm 2017 tới nay, đã diễn ra làn sóng biểu tình liên tục và tình trạng bất ổn nghiêm trọng cùng tình trạng vỡ nợ, nhưng tổng thống Nicolas Maduro, vẫn quyết bám giữ quyền lực, không chịu từ chức. Hậu quả của những tổng thống độc tài để lại cho đất nước thật kinh khủng.

Việt Nam đang cố gắng để thoát khỏi ách độc tài toàn trị của đảng cộng sản, nhưng khi đã thoát ra được, chúng ta nên và sẽ chọn thể chế chính trị nào để xây dựng đất nước ?

Việt Nam trong tương lai, nhất định phải đoạn tuyệt chế độ tổng thống vì Việt Nam chưa phải là nước có nền móng dân chủ, vì Việt Nam là nước có nền văn hóa Khổng Giáo nên phần lớn người dân vẫn luôn tôn vinh những kẻ cầm quyền dù kẻ cầm quyền đó là những bạo chúa, vì tinh thần thượng tôn pháp luật của người Việt hiện nay chưa cao, vì Việt Nam chưa có các chính đảng đối lập mạnh… Nếu chọn mô hình tổng thống, sẽ dễ dàng đưa đất nước vào bế tắc và độc tài.

vene4

Trong một chế độ dân chủ đại nghị, như tại Đức, vị nguyên thủ hành pháp, thủ tướng, do quốc hội bầu ra, phải là lãnh tụ của đảng hoặc liên minh có đa số trong quốc hội, với sứ mệnh thực hiện dự án chính trị của đảng hoặc liên minh.

Chuyển hóa từ chế độ tổng thống sang chế độ đại nghị là điều rất khó. Các nước Châu Mỹ La tinh dù được độc lập từ hai thế kỷ nay với tài nguyên bao la mà vẫn quằn quại trong nghèo khổ. Họ muốn chuyển sang chế độ đại nghị mà không làm được. Quán tính và sự cám dỗ của chế độ tổng thống rất lớn. Các nước Châu Phi đều theo chế độ tổng thống với hậu quả bi đát mà thế giới đang chứng kiến nhưng cũng không thể nào thay đổi được. Do đó ngay từ ban đầu, chúng ta sẽ chọn lựa mô hình chế độ đại nghị cho Việt Nam dân chủ, nhằm tránh khả năng bế tắc và tụt hậu không lối thoát cho Việt Nam sau này.

Venezuela và Zimbabwe, tiếp tục là chứng minh về sự thất bại của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa và chế độ tổng thống. Nếu một hãng sản xuất máy bay có tỷ lệ máy bay rơi là 99%, liệu trong tương lai chúng ta có bước lên một trong những chiếc do hãng này sản xuất hay không ? Một người tỉnh táo sẽ không bao giờ làm điều đó.

Việt Lữ

(27/11/2017)

Additional Info

  • Author Việt Lữ
Published in Quan điểm