Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với ASEAN, chính quyền Joe Biden đã tổ chức và chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Washington trong hai ngày 12-13/5/3022.
Chính quyền Joe Biden đã tổ chức và chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Washington trong hai ngày 12-13/5/3022.
Trong mười nước ASEAN thì Myanmar không được mời vì chính quyền hiện tại của tướng Min Aung Hlaing là bất hợp pháp sau cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021. Tổng thống Duterte của Philippines cũng không tham dự với lý do bận chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới. Như vậy chỉ còn 8 nước tham dự là Brunei, Cam Bốt, Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Nội dung của hội nghị thể hiện sự quan tâm và chú trọng của chính quyền Joe Biden với khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Mỹ muốn nâng cao hợp tác với các nước ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như tự do hàng hải trên các vùng biển đang bị Trung Quốc thách thức, cụ thể là Biển Đông. Hội nghị kêu gọi các nước tôn trọng luật pháp quốc tế và không được sử dụng vũ lực trong các trường hợp có tranh chấp.
Mỹ sẽ tài trợ cho ASEAN 150 triệu USD để nâng cao hợp tác hàng hải, năng lượng, y tế và giáo dục. Mỹ cũng đề nghị nâng cấp quan hệ với ASEAN từ ‘đối tác chiến lược' lên ‘đối tác chiến lược toàn diện’ trong tháng 11 tới đây.
Biden chìa bàn tay thân thiện cho các nước ASEAN với tiêu chí thêm bạn bớt thù.
Vì sao Mỹ quyết định tổ chức hội nghị này ? Xin nhắc lại, ngay từ khi chưa xảy ra cuộc chiến Nga-Ukraine thì Mỹ luôn xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh số một của mình chứ không phải Nga. Trên thực tế thì Trung Quốc mới là quốc gia thách thức vị thế của Mỹ chứ Nga không có khả năng đó. Cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tranh thủ cảm tình của các nước trong khu vực. Mỹ đã ủng hộ Việt Nam vô điều kiện trong thời gian qua bất chấp những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Hà Nội là một ví dụ.
Dù vậy có thể thấy được rằng hội nghị này nặng hình thức hơn là nội dung. Vì sao ? Cũng đơn giản và dễ hiểu, ASEAN là một liên minh lỏng lẻo, phức tạp và không có lập trường chung trên nhiều vấn đề quan trọng do khác biệt về thể chế chính trị. Singapore, Indonesia, Malaysia là những nước dân chủ. Thái Lan, Cam Bốt và Philippines là các nước dân chủ nửa vời. Việt Nam, Lào vẫn còn độc tài cộng sản, Myanmar là độc tài quân phiệt. Trong ba cuộc bỏ phiếu liên quan đến cuộc xâm lược của Putin tại Ukraine thì mỗi nước trong ASEAN đều có lập trường riêng.
Chính quyền Biden chắc chắn biết rõ điều đó nhưng vì mục đích bao vây và cô lập Trung Quốc nên vẫn chìa bàn tay thân thiện cho các nước ASEAN với tiêu chí thêm bạn bớt thù. Biden cũng muốn duy trì ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực phát triển năng động này sau 4 năm bị Donald Trump bỏ bê. Một vị đại sứ Mỹ tại ASEAN đã được bổ nhiệm sau nhiều năm vắng bóng.
Hình ảnh tươi cười của thủ tướng Phạm Minh Chính và Joe Biden tại nhà Trắng cũng như những lời lẽ ngoại giao có cánh của tổng thống Mỹ có lẽ làm cho Đảng cộng sản Việt Nam an lòng.
Việt Nam sẽ thu được kết quả gì từ hội nghị này ? Hình ảnh tươi cười của thủ tướng Phạm Minh Chính và Joe Biden tại nhà Trắng cũng như những lời lẽ ngoại giao có cánh của tổng thống Mỹ có lẽ làm cho Đảng cộng sản Việt Nam an lòng. Có lẽ họ vẫn tin vào đường lối ngoại giao đu dây, lắc lư theo chiều gió của cây tre nên cứ nói lấy được, bất chấp người khác nghĩ gì. Ví dụ khi họ nói Việt Nam không chọn phe trong cuộc chiến Nga-Ukraine mà chỉ chọn lẽ phải thì cái 'lẽ phải' của họ là ủng hộ hành động xâm lược của Putin, bất chấp luật pháp quốc tế. Ông Phạm Minh Chính nói rằng Việt Nam sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới về nhân quyền tại Việt Nam nhưng Đảng cộng sản vẫn bỏ tù những người bất đồng chính kiến với những bản án từ 5 đến 15 năm tù.
Đảng cộng sản Việt Nam vẫn không nhận ra rằng thế giới đã thực sự thay đổi. Cuộc xâm lược Ukraine của Putin đã đặt dấu chấm hết cho sự hợp tác toàn diện giữa các nước dân chủ và độc tài. Các nước dân chủ sẽ giúp Ukraine đánh gục Putin và, sau cuộc chiến này, nước Nga sẽ trở thành một nước trung bình, không còn ảnh hưởng gì trên thế giới. Sau đó mọi sự hợp tác với các nước độc tài sẽ hạn chế ở mức thấp nhất. Sẽ không có chiến tranh hay căng thẳng mà vẫn bắt tay và cười nói vui vẻ với nhau nhưng sẽ không có hợp tác và đầu tư. Bài học mà Trung Quốc và Nga gây ra cho thế giới dân chủ đã quá rõ ràng và cay đắng.
Thông điệp của Mỹ cũng khá rõ, Mỹ sẵn sàng hợp tác với các nước dân chủ trong khối ASEAN. Việt Nam chỉ có một giải pháp duy nhất là chuyển đổi một cách dứt khoát về dân chủ để hội nhập vào dòng chảy của thời đại. Một cơ hội lớn đang đến với Việt Nam khi làn sóng đầu tư từ các nước dân chủ đang rút khỏi Trung Quốc nhưng với một điều kiện là Việt Nam phải có dân chủ. Nên biết là tổng số vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chỉ có 10 tỉ USD. Con số này chỉ hơn một nửa lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm 2019 là 16,7 tỉ USD.
Mặc dù ông Phạm Minh Chính đã phát biểu trước Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ rằng Việt Nam mong muốn hợp tác với Mỹ dựa trên sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, nhưng sau đó trong hậu trường họ lại nói ngược hoàn toàn. Một video clip của phái đoàn Việt Nam trong lúc chờ gặp ngoại trưởng Mỹ Antony Bkinken cho thấy Đảng cộng sản luôn nói một đằng làm một nẻo. Sự cố đó gây thất vọng lớn cho người dân Việt Nam và đánh dấu cho sự thất bại của chuyến đi này.
Một lần nữa xin nhắc lại nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là giải pháp cho Việt Nam chỉ có thể đến từ một tổ chức chính trị khác, ngoài Đảng cộng sản Việt Nam.
Việt Hoàng
(16/5/2022)