Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sự kiện quan trọng mang tính lịch sử đánh dấu 4 tháng cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine là việc lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) họp thượng đỉnh tại Bruselles trong hai ngày 23 và 24/6/2022 đã đồng ý chấp nhận Ukraine là ứng cử viên gia nhập EU. Quyết định này chính thức hóa thông báo của bà Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm 17/6/2022 rằng Ukraine sẽ trở thành ứng viên của Liên Hiệp Châu Âu. Trước đó một ngày nguyên thủ của ba cường quốc sáng lập EU là Đức, Pháp, Ý (và Romania) đã có chuyến thăm đến Kyiv. Tại đây, cả thủ tướng Đức Olaf Scholz, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Ý Mario Draghi đều ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên dự bị của EU.

ukraine1

Bà Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã mặc bộ quần áo mang biểu tượng màu cờ của Ukraine hôm 17/6/2022 khi thông báo việc Ukraine sẽ trở thành ứng viên của Liên Hiệp Châu Âu (EU).

Dù Ukraine chỉ mới được xem là thành viên dự bị của EU nhưng đây là một cột mốc quan trọng của Ukraine. Ukraine đã thực sự lột xác và đoạn tuyệt với quĩ đạo Nga để trở thành một ‘quốc gia mới’ trong đại gia đình các quốc gia dân chủ thuộc khối Liên Hiệp Châu Âu. Tương lai của Ukraine thuộc về EU. Với sự nhìn nhận này, EU sẽ giúp đỡ Ukraine một cách toàn diện và hiệu quả trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế-giáo dục, cải cách thể chế đến quân sự. Quyết định này là một bước tiến dũng cảm và đúng đắn của EU trong việc mở rộng biên giới các nước dân chủ tại Châu Âu. Đây là một thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết và liên đới mà EU muốn gửi đến người dân Ukraine và Putin. Putin dù không phản đối nhưng vô cùng tức tối nên đã tăng cường không kích và bắn tên lửa liên tục vào những khu dân cư trong các thành phố lớn của Ukraine như Odessa và Kharkiv trong mấy ngày qua.

Nếu xét một cách công bằng thì Ukraine chưa đủ điều kiện để trở thành thành viên EU vì nhiều lý do. Nền kinh tế của Ukraine còn một khoảng cách rất lớn so với mặt bằng chung của EU. Quan trọng hơn hết là việc cải cách thể chế của Ukraine rất chậm chạp và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của các nước dân chủ. Nạn tham nhũng của Ukraine vẫn còn trầm trọng, Ukraine là một trong những nước có chỉ số tham nhũng cao. Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố thì Ukraine đứng ở vị trí thứ 122/180. Đây là di sản của gần một thế kỷ Ukraine nằm trong quĩ đạo của Liên Xô. Việc thiếu vắng các nhà tư tưởng chính trị khiến nền chính trị của Ukraine luôn bị thao túng bởi các nhà tài phiệt và các chính trị gia cộng sản cũ. Một tầng lớp trí thức chính trị thực sự vẫn đang trong giai đoạn hình thành và phát triển.

Như chúng tôi đã phân tích ngay từ đầu cuộc chiến là thế giới đã thực sự thay đổi sau ngày 24/02/2022, ngày Nga tấn công vào lãnh thổ Ukraine. Putin đã làm cho EU hồi sinh và đoàn kết hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ EU kiên quyết và đồng thuận như bây giờ. Dù bị thiệt hại nặng khi chấm dứt làm ăn và hợp tác với Nga nhưng EU vẫn chấp nhận và sẵn sàng đánh đổi. Đợt cấm vận lần thứ 6 của EU với Nga đã kiên quyết cắt giảm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga 90% đến cuối năm và loại ngân hàng lớn nhất của Nga là Serbank khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

ukraine2

Chuyến thăm Kyiv của 3 nguyên thủ hàng đầu EU xác nhận việc trao tư cách ứng viên EU cho Ukraine là chắc chắn.

Sau khi thất bại bởi kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh" trong việc chiếm thủ đô Kyiv (Kiev), buộc Zelensky đầu hàng và đặt thế giới vào thế đã rồi như đã làm với bán đảo Krym (Crimea) và Donbass hồi năm 2014 thì Putin đã chuyển sang chiến thuật mới là kéo dài cuộc chiến. Putin hy vọng EU sẽ mệt mỏi vì lạm phát và gánh nặng di dân từ Ukraine. Không phải tự nhiên mà Putin cho oanh kích bừa bãi vào các khu dân cư. Mục đích của Putin là tạo ra một làn sóng di cư ồ ạt vào EU và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Tuy nhiên các nước EU đã giải quyết vấn đề 6 triệu người di cư tránh nạn từ Ukraine một cách ổn thỏa, an toàn và nhân văn. Đã không có bất cứ sự hỗn loạn, chia rẽ hay bất đồng nào trong việc này. Nước Nga càng kéo dài cuộc chiến với Ukraine thì càng thiệt hại nặng nề về người và của. Trước sau gì Putin cũng thua và nước Nga sẽ gục ngã không gượng dậy được nữa. EU dù có những bất đồng nho nhỏ nhưng quyết tâm giúp Ukraine đánh bại Nga để bảo vệ công pháp quốc tế và hòa bình cho Châu Âu là không thể thay đổi.

Một ẩn số trong cuộc chiến Nga-Ukraine là Mỹ, quốc gia hỗ trợ vũ khí nhiều nhất cho Ukraine. Putin hy vọng sự chia rẽ của nước Mỹ sẽ khiến đảng Dân chủ của Joe Biden mất kiểm soát tại Thượng viện hoặc Hạ viện trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới đây và do đó sự giúp đỡ của Mỹ cho Ukraine sẽ chấm dứt. Hy vọng này có cơ sở vì Mỹ từng ‘bỏ chạy’ khỏi Afghanistan dù không bị Taliban đánh nhưng trong trường hợp của Ukraine thì lại khác. Nước Mỹ rất chia rẽ nhưng cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đồng thuận trong việc ủng hộ Ukraine chống lại nước Nga xâm lược. Khi tổng thống Joe Biden đề nghị một khoản ngân sách hỗ trợ Ukraine lên tới 33 tỉ USD thì Thượng viện Mỹ đã bác bỏ và tăng lên đến 40 tỉ USD. Điều này cũng dễ hiểu, tự dưng không phải gây chiến và tham chiến mà có thể gián tiếp đánh gục được một đối thủ tiềm tàng thì ‘ngu gì mà không làm’. Chúng ta cũng đừng quên sự ‘ủng hộ’ với cả hai tay từ các công ty sản xuất vũ khí Mỹ. Họ vừa bán được súng vừa quảng cáo cho các loại vũ khí mới.

ukraine3

Chủ tịch hạ viện Mỹ, Nansy Pelosi thăm Ukraine hôm 1/5/2022 với cam kết ủng hộ cuộc chiến chống Nga xâm lược.

Cuộc chiến này có thể còn kéo dài một thời gian nữa cho đến khi Nga kiệt quệ hoàn toàn. Ukraine không có lý do gì để ‘đầu hàng’ khi vẫn nhận được sự ủng hộ của cả thế giới. Không phải tự nhiên mà tổng thống Zelensky tuyên bố là họ sẽ lấy lại cả Krym lẫn vùng Donbass bị Nga chiếm đóng năm 2014. Về phần mình, Putin cũng không thể xuống thang vì nếu thừa nhận thất bại ông ta sẽ mất tất cả. Dù vậy ai cũng thấy, các mục tiêu và kế hoạch của Putin đang phải điều chỉnh liên tục và giảm dần. Đầu tiên là việc đánh chiếm Kyiv đã thất bại sau đó là kế hoạch đánh chiếm miền Nam Ukraine để nối liền với vùng đất nằm giữa Ukraine và Moldova là Transnistria cũng không thành. Đây là khu vực rất chiến lược mở đường cho Ukraine thông ra biển. Hiện tại, Putin đang cố gắng chiếm bằng được vùng Donbass để có thể tuyên bố kết thúc ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’, tuy nhiên phía Ukraine đang phản công dữ dội và tình thế sẽ thay đổi có lợi cho Ukraine khi họ nhận được hệ thống pháo tầm xa hiện đại và chính xác của Mỹ và EU.

Xét một cách toàn diện thì Putin đã thất bại thảm hại tại Ukraine ngay cả khi chiếm được toàn bộ vùng Donbass vì chiếm được là một chuyện nhưng giữ được hay không lại là chuyện khác. Theo Tôn Tử, một nhà quân sự nổi tiếng của Trung Quốc thời Xuân Thu, để chiếm được một thành trì của đối phương có 3 cách : "thượng sách là công tâm, trung sách là công lương và hạ sách là công thành". Putin đã không thu được nhân tâm, lương thảo tiền bạc cũng hạn chế trong khi Ukraine được cả thế giới hỗ trợ nên chỉ còn hạ sách là ‘công thành’, thất bại là khó tránh khỏi. Ukraine cũng không cần tấn công vào lãnh thổ Nga làm gì, chỉ cần đánh bại quân Nga trong lãnh thổ của mình cũng đủ đánh gục nước Nga. Người dân Nga sẽ phải trả giá đau đớn cho sự ngông cuồng của nhà lãnh đạo độc tài Putin và đó cũng là cái giá phải trả cho sự u mê, cuồng tín của không ít người Nga khi ủng hộ cuộc xâm lược điên rồ của Putin.

Putin không chỉ là tội đồ với dân tộc Nga và Ukraine mà còn ‘phạm tội ác chiến tranh’ (lời Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu) khi gây ra nạn đói cho hàng trăm triệu người trên thế giới, đặc biệt là với người dân Châu Phi khi cố tình phong tỏa vùng biển phía Nam không cho Ukraine xuất khẩu lương thực và ngũ cốc. Nên biết Ukraine là nước xuất khẩu lương thực quan trọng nhất cho lục địa Châu Phi. Năm 2021 Ukraine đã thu hoạch được 84 triệu tấn ngũ cốc.

‘Điều tốt’ duy nhất mà Putin đã làm được đó là vô tình tạo ra một ‘siêu cường mới’ của thế giới là Liên Hiệp Châu Âu. Putin đồng thời cũng xác nhận sự ra đời của một ‘quốc gia mới’ là Ukraine, vốn xưa này vẫn được người Nga xem như là một phần của đế chế Nga.

ukraine4

Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Josep Borrell : "Người ta không thể tưởng tượng hàng triệu tấn lúa mì vẫn bị chặn ở Ukraine trong khi ở phần còn lại của thế giới, người dân đang đói". "Đây là tội ác chiến tranh thực sự". (VOA)

Việt Nam sẽ ra sao trong trật tự thế giới mới ?

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg (Nga) hôm 16/06/2022 Putin đã nói rất rõ là thế giới không còn đơn cực như trước đây mà đã trở thành đa cực với một ‘trật tự toàn cầu mới’. Putin cho biết từ nay trở đi Nga chỉ làm ăn và hợp tác với các ‘quốc gia thân thiện’. Điều này phù hợp với các tuyên bố của Mỹ và EU trước đó là họ cũng sẽ chỉ hợp tác và làm ăn với các quốc gia thân thiện, tức là các nước dân chủ đồng minh hoặc các nước dứt khoát lựa chọn con đường dân chủ. Như vậy Việt Nam dù muốn đu dây cũng không được nữa, đã đến lúc phải chọn phe. Hoặc là đứng về phía các nước dân chủ hoặc là đứng về phía Nga và Trung Quốc.

Nếu là người bình thường thì ai cũng phải ủng hộ quyết định đứng về phía các nước dân chủ. Điều này tưởng chừng rất dễ nhưng lại quá khó với Đảng cộng sản Việt Nam vì họ luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của quốc gia. Dù vậy họ sẽ không có sự lựa chọn. Chọn đi với Nga đồng nghĩa với việc chấm dứt giao thương với Mỹ và phương Tây, khủng hoảng kinh tế và sau đó là khủng hoảng chính trị là điều không thể tránh khỏi. Chọn đi với Mỹ và phương Tây thì phải dân chủ hóa đất nước. Đảng cộng sản không có khả năng dân chủ hóa đất nước một mình vì họ không có tư tưởng dân chủ và một đội ngũ nhân sự những người dân chủ. Bế tắc là điều hiển nhiên. Chiến dịch ‘đốt lò’ chống tham nhũng thời gian qua cho thấy tham nhũng trong hàng ngũ cán bộ cao cấp không hề giảm xuống mà chỉ tăng lên với các thủ đoạn và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Xin nhắc lại, một giải pháp cho đất nước chỉ có thể đến từ một tổ chức chính trị khác hoặc một liên minh giữa một tổ chức dân chủ đứng đắn với những thành phần tiến bộ trong Đảng cộng sản. Sẽ không còn giải pháp nào khác. Một cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị đang lớn dần và sẽ đảo lộn hoàn toàn thế giới trong đó có Việt Nam trong những ngày sắp tới.

Việt Hoàng

(24/06/2022)

Published in Quan điểm