Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trước hết chúng ta cần tìm hiểu khái niệm thế nào là lãnh đạo, lãnh tụ và phong trào dân chủ. Lãnh đạo là người đứng đầu trong một tập thể, có trách nhiệm điều hành, hướng dẫn tập thể đó nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.Quốc gia là tập thể của nhiều thành phần dân chúng và mỗi tập thể đều có những tiêu chí khác nhau cho người lãnh đạo. Lãnh đạo một cơ quan, một đơn vị quân đội hay một công ty khác với lãnh đạo một tổ chức xã hội dân sự hay một chính đảng. Trong các công ty hay đơn vị hành chính thì người lãnh đạo được bổ nhiệm bởi cấp trên còn trong các tổ chức xã hội dân sự, tức là những tổ chức được hình thành trên cơ sở tự nguyện nhằm theo đuổi một mục tiêu nào đó thì người lãnh đạo phải được bầu chọn một cách dân chủ và công khai.

Dù khác nhau về cách thức xác lập vị trí lãnh đạo trong mỗi tập thể nhưng người lãnh đạo luôn cần những đức tính và khả năng chung như : có kiến thức vượt trội, có viễn kiến (tầm nhìn), có văn hóa tổ chức, là người gương mẫu, lạc quan, kiên trì, bền bỉ, quyết tâm, có khả năng truyền cảm hứng và niềm tin cho các thành viên.

dalai1

Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, người nhận được sự kính trọng của cả thế giới vì đạo đức, trí tuệ và tấm lòng bao dung.

Lãnh tụ là người có uy tín lớn trong một tập thể đông đảo như một sắc tộc, một tôn giáo hay một quốc gia. Uy tín đó có thể đến từ công lao hoặc do tài năng, đức độ đặc biệt, được xem như là một biểu tượng tinh thần của cộng đồng. Đức tính cần có của một lãnh tụ là kiến thức uyên bác, một tấm gương mẫu mực về đạo đức và lý tưởng phụng sự cộng đồng.

Lãnh tụ khác với lãnh đạo là họ có thể không trực tiếp điều hành các hoạt động thường ngày của cộng đồng mà chỉ có tiếng nói trên những vấn đề thuộc về tinh thần, đạo đức hay tâm linh. Lãnh tụ thường để nói về các vị chức sắc đứng đầu các tôn giáo như Giáo Hoàng, Đạt Lai Lạt Ma hay các vị lãnh đạo tinh thần tại các nước Hồi giáo như Iran. Các nước độc tài toàn trị cũng gọi lãnh đạo của họ là lãnh tụ nhưng điều đó không đúng và khiên cưỡng. Lãnh tụ là người có uy tín, tài năng và đức độ thật sự chứ không phải do áp đặt bằng tuyên truyền dối trá hay bạo lực.

Phong trào là những hoạt động văn hóa, xã hội, chính trị thu hút được nhiều người tham gia, có sự thống nhất trên một số mục tiêu và có khả năng động viên để tạo ra những thay đổi trong xã hội. Phong trào dân chủ là những tiếng nói phản đối chế độ độc tài cộng sản và ủng hộ cho một thể chế chính trị dân chủ. Một đất nước được xem là dân chủ khi đạt được ít nhất ba điều kiện : một là có tự do ngôn luận và tín ngưỡng ; hai là có tự do kết hợp, thành lập các tổ chức xã hội dân sự và các chính đảng ; ba là có quyền tự do ứng cử và bầu cử vào các cơ quan công quyền.

Thực trạng của phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay thế nào ? Nó đã thực sự thu hút nhiều người tham gia và có khả năng tạo ra thay đổi cho xã hội hay chưa ? Có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa có phong trào dân chủ thực sự và điều đó không hoàn toàn vô lý. Khi mạng xã hội xuất hiện thì làn sóng bày tỏ chính kiến cá nhân nở rộ trong dân chúng. Việc lên tiếng của một số người đã thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng của dư luận lúc ban đầu. Tuy nhiên sau một thời gian ồn ào thì các tiếng nói đó đã lắng xuống vì không có nội dung. Nhiều người cho rằng phong trào dân chủ hiện đang "thoái trào", điều đó không sai nhưng không nên buồn vì khi các tiếng nói không có nội dung lắng xuống thì những tiếng nói đứng đắn sẽ được lắng nghe.

dalai2

Martin Luther King, người lãnh đạo và khởi xướng phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da đen tại Mỹ thập niên 60.

Nếu chỉ nhìn bề nổi thì không ai có thể biết được có bao nhiêu phần trăm dân chúng Việt Nam ủng hộ cho một thể chế dân chủ thay vì Đảng cộng sản như hiện nay. Tuy nhiên tảng băng ngầm phía dưới luôn lớn hơn phần nổi bên trên, nếu chịu khó quan sát thì có thể thấy làn sóng ngầm của ước vọng dân chủ ngày càng lớn trong dân chúng. Ước vọng dân chủ đó dù "mơ hồ" nhưng là có thật.

Cũng cần biết rằng dân chủ là một khái niệm rộng lớn và cho dù cùng chia sẻ lý tưởng dân chủ nhưng không bao giờ có chuyện phong trào dân chủ "thống nhất" thành một liên minh hay một tổ chức duy nhất. Phong trào dân chủ là một tập hợp rộng lớn và đa dạng, gồm nhiều tổ chức chính trị và cá nhân. Mỗi tổ chức sẽ theo đuổi một số giá trị nhất định và không nhất thiết phải giống với các tổ chức khác. Hãy xác định rằng mỗi tổ chức là một cái "nhất nguyên" trong một xã hội "đa nguyên" (1) vì thế sự khác biệt giữa các tổ chức là điều tất yếu và hoàn toàn bình thường.

Đấu tranh chính trị luôn là giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Mỗi tổ chức đều cần một người lãnh đạo theo các tiêu chí và đánh giá của riêng mình và đó hoàn toàn là chuyện nội bộ của các tổ chức. Sẽ không có lãnh đạo chung cho phong trào dân chủ mà chỉ có lãnh đạo của từng tổ chức. Các tổ chức chính trị hoạt động độc lập, vấn đề liên minh với các tổ chức khác chỉ có tính chất giai đoạn ví dụ liên minh để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử hoặc liên minh để thành lập chính phủ nếu không có đủ đa số ghế trong quốc hội…

Như Tập Hợp đã phân tích, thời đại của những "minh quân", "lãnh đạo xuất chúng" hay "lãnh tụ thần thánh" đã qua đi vì thế người dân Việt Nam không nên chờ đợi sự xuất hiện của họ. Mô hình chính trị mà chúng tôi đề nghị cho Việt Nam trong tương lai là mô hình "dân chủ đại nghị và tản quyền". Người dân sẽ bầu ra các đại biểu quốc hội và quốc hội sẽ bầu ra thủ tướng. Thủ tướng là người đứng đầu hành pháp và chịu trách nhiệm trước quốc hội. Như vậy trong chế độ đại nghị thì người dân sẽ căn cứ vào cương lĩnh chính trị (hay dự án chính trị) của một chính đảng để bầu cho người của đảng đó thay vì bầu cho một người duy nhất như trong chế độ tổng thống.

Thể chế "dân chủ đại nghị và tản quyền" có nhiều ưu điểm so với chế độ tổng thống và là xu hướng chung của nhân loại. 5/7 nước G7 là Anh, Đức, Ý, Canada, Nhật, các nước Bắc Âu và nhiều quốc gia dân chủ phát triển khác đều theo thể chế này. Khi cần thay thế các vị nguyên thủ quốc gia (thủ tướng) trong chế độ đại nghị vì một lý do nào đó thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với việc thay thế một vị tổng thống. Đương kim thủ tướng Nhật Shinzo Abe vừa đột ngột từ chức vì lý do sức khỏe nhưng chuyện đó không hề tạo ra một xáo trộn nào trong chính trường Nhật. Trong khi đó cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới tại Mỹ đang làm nhiều người lo lắng vì người thua cuộc có thể không công nhận kết quả bầu cử.

Chuyện ai là lãnh đạo của các tổ chức nên xem là chuyện nội bộ của các tổ chức vì chỉ có những người trong tổ chức mới biết ai là ai. Nếu người lãnh đạo kém cỏi và tồi dở thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín và thanh danh của tổ chức. Vì sự đồng thuận (nhất nguyên) và để đạt được mục tiêu, các thành viên trong mọi tổ chức luôn cố gắng để bầu chọn cho những người xứng đáng nhất làm lãnh đạo. Một tổ chức chỉ phát huy được sức mạnh và sự đoàn kết khi các thành viên có niềm tin vào người lãnh đạo. Một thành viên không thể tham gia lâu dài trong một tổ chức nếu không có niềm tin vào người lãnh đạo (đã được bầu ra một cách dân chủ).

dalai3

Mất mát lớn nhất và nghiêm trọng nhất đối với đời người là đánh mất đi niềm tin.

Khi một tổ chức gặp "tai nạn" hay một trường hợp đặc biệt nào đó, ví dụ cách đây bốn năm trong nội bộ Tập Hợp đã xảy ra một cuộc "đảo chính" do một số người gây ra và trước những thông tin thất thiệt do họ đưa ra nhằm chống lại tổ chức và lung lạc những người khác thì các thành viên cần dựa vào một "vũ khí" quan trọng để tự vệ và bảo vệ tổ chức đó là : Lòng tin.

"Nếu không có LÒNG TIN mãnh liệt vào một tư tưởng chính trị lành mạnh và trong sáng, nếu không có LÒNG TIN vào tổ chức và người lãnh đạo của tổ chức mà mình tham gia, nếu không có đủ bản lĩnh và sáng suốt để nhận ra một kịch bản dẫn đến thắng lợi cuối cùng, nếu không có LÒNG TIN vào tương lai của đất nước…thì một người dù yêu nước, dũng cảm và nhiệt tình đến bao nhiêu đi nữa cũng sẽ nhanh chóng chán nản, thất vọng và bỏ cuộc" (1).

Niềm tin trong một tổ chức chính trị khác với lòng tin bất biến và mặc định của các tôn giáo. Niềm tin chính trị dựa trên sự hiểu biết của trí tuệ. Sự tôn trọng lãnh đạo trong một tổ chức là cần thiết và nó khác với sự mê muội hay thần thánh hóa. Sự thật là ranh giới để nhận ra đâu là sự kính trọng và đâu là sự mê muội. Niềm tin, ngoài hiểu biết còn cần đến sự kiểm chứng của thời gian vì mọi dối trá và ngụy biện sớm muộn cũng bị phơi bày và phát giác.

Một điều đáng buồn là xã hội Việt Nam ngày nay, sau 75 năm cai trị của Đảng cộng sản thì mọi giá trị đạo đức trong xã hội đều bị đảo lộn. Người dân Việt Nam mất nhiều thứ và thứ quí giá nhất bị đánh mất đó là niềm tin. Có những người nghi ngờ tất cả, họ không tin ai và không tin rằng trong cuộc đời vẫn còn những con người và những điều tốt đẹp. Mất mát lớn nhất và nghiêm trọng nhất đối với đời người là đánh mất đi niềm tin. Mất niềm tin đã làm cho nhiều người buông xuôi và bỏ cuộc. Đó cũng là khó khăn mà các tổ chức chính trị dân chủ đối lập nói riêng và phong trào dân chủ nói chung gặp phải. Mất niềm tin khiến cho người dân dù đã chán ghét chế độ cộng sản nhưng vẫn chưa biết ủng hộ cho tổ chức nào và cũng vì thế mà phong trào dân chủ không thể lớn mạnh như nó đáng ra phải có.

Thế giới cũng như Việt Nam đang đứng trước một khúc quanh rất lớn sau đại dịch do Covid-19 gây ra, dù muốn dù không thì sự thay đổi cũng sẽ đến. Một trật tự dân chủ mới đang hình thành và trong trật tự đó sẽ không có chỗ cho các chế độ độc tài. Đảng cộng sản sẽ bị đào thải và phải rút lui vào lịch sử ngay cả khi phong trào dân chủ chưa kịp lớn mạnh. Một câu hỏi quan trọng mà mỗi người Việt Nam phải có câu trả lời là cái gì sẽ đến sau khi Đảng cộng sản cáo chung ? Một tình trạng hỗn loạn hay một giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ trong hòa bình và trật tự ? Tổ chức nào có khả năng gánh vác trọng trách đó ?

Xin nhắc lại, vấn đề lãnh tụ dứt khoát không đặt ra trong một nước Việt Nam dân chủ vì thế người dân không cần tìm kiếm và chờ đợi. Vấn đề lãnh đạo của các tổ chức thì nên xem đó là công việc nội bộ của các tổ chức. Người dân Việt Nam chỉ nên chú trọng và quan tâm đến dự án chính trị của các tổ chức dân chủ đối lập thay vì cá nhân người lãnh đạo.

Một sự thật mà có thể nhiều người không nhận ra là Việt Nam bị tụt hậu rất xa so với thế giới. Một ngàn năm Bắc thuộc và thêm một ngàn năm sống dưới chế độ phong kiến, Việt Nam gần như đứng yên một chỗ trong khi thế giới phát triển, thay đổi và tiến lên không ngừng. Kiến thức chính trị, tư tưởng chính trị và cách làm chính trị là lĩnh vực mà người Việt Nam yếu kém nhất và tụt hậu nhất (do bị cầm tù bởi văn hóa Khổng giáo) vì thế đến giờ đất nước ta vẫn chưa có dân chủ.

Sỡ dĩ Tập Hợp chưa nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của nhiều người Việt Nam có lẽ là vì chúng tôi đã đi quá sớm hay đi quá nhanh. Dự án chính trị mà chúng tôi trình bày, đề nghị với người dân quá mới mẻ và có vẻ "mơ hồ" nhưng đó là tất cả những gì mà chúng ta đang cần. Chúng tôi không muốn "vuốt ve" hay cố gắng lấy lòng quần chúng bằng cách mị dân và dối trá như Đảng cộng sản vẫn làm. Chúng tôi thật lòng xin lỗi nếu đã làm cho ai đó phiền lòng vì sự thẳng thắn đôi khi hơi khó nghe từ anh em Tập Hợp. Dù vậy chúng tôi luôn đặt niềm tin vào trí tuệ và sự thức tỉnh của người Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng lẽ phải và sự thật sớm muộn cũng được lắng nghe vì chúng tôi chỉ có một mong ước và mục tiêu duy nhất là Việt Nam sớm có dân chủ. Chúng ta không thể để bỏ lỡ cơ hội một lần nữa. Thế giới đang thiết lập một trật tự dân chủ mới, một là chúng ta chủ động hội nhập với dòng chảy của lịch sử hai là sẽ bị dòng thác đó cuốn trôi đi.

Việt Hoàng

(11/09/2020)

(1) Việt Hoàng, "Đa nguyên và nhất nguyên trong một tổ chức chính trị", thongluan.blog, 05/06/2017

Published in Quan điểm