Cuộc chiến Putin-Ukraine đã làm thay đổi hoàn toàn trật tự thế giới. Phong trào Toàn cầu hóa xô bồ, thiếu kiểm soát và chủ nghĩa Tân phóng khoáng, xem lợi nhuận cao hơn nhân quyền, lẽ phải và đạo đức đã chấm dứt. Các nước dân chủ bừng tỉnh, họ đã đồng thuận lấy quyết định ủng hộ toàn diện cho Ukraine và tiến tới chấm dứt đoạn giao với Nga. Đức là nước hưởng lợi rất nhiều từ Nga và cũng là nước phụ thuộc nhiều vào khí đốt và dầu mỏ Nga. Dù vậy sau một thời gian bối rối chính phủ Đức đã viện trợ thêm cho Ukraine 1 tỉ Euro. Phần Lan và Thụy Điển đang có kế hoạch gia nhập NATO. Ba Lan và ba nước Baltic đã ngừng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga...
Cuộc chiến Putin-Ukraine đã làm thay đổi hoàn toàn trật tự thế giới, Nga đang bị các quốc gia dân chủ phương Tây và NATO cô lập như chưa từng thấy từ sau Thế chiến II
Làn sóng dân chủ thứ Tư thay vì bị Putin đẩy lùi thì đã dâng lên và áp sát nước Nga từ mọi phía. Ukraine sắp được nhận đơn và chờ cứu xét gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Cuộc ‘hôn nhân' sai lầm khi chỉ vì tiền chứ không vì đạo đức giữa các nước dân chủ và độc tài đã thực sự chấm dứt để đường ai nấy đi. Thế giới sẽ chia thành hai cực rõ rệt là độc tài và dân chủ.
Việt Nam đang đứng trước một khúc quanh quan trọng của lịch sử, một thách thức sống còn của dân tộc. Một là Việt Nam phải dân chủ hóa đất nước để gia nhập vào khối các nước tự do, hai là tiếp tục chọn đứng về phía các nước độc tài. Đảng cộng sản Việt Nam đã có câu trả lời mà tất cả người dân Việt Nam cũng như thế giới đều biết, họ chọn đứng về phía độc tài.
Đảng cộng sản Việt Nam không thể thay đổi vì họ vẫn cố bám vào ý thức hệ cộng sản và tư tưởng Mác Lê. Người Việt cần biết, tư tưởng chính trị của các đảng phái sẽ quyết định cho mọi đường lối và chính sách của các đảng phái đó.
Có lẽ nhiều người Việt Nam không hiểu tầm quan trọng của tư tưởng chính trị nên mới góp ý với Đảng cộng sản là nên từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê. Đó là điều không thể vì nếu từ bỏ hay đoạn tuyệt với chủ nghĩa Mác Lê thì Đảng cộng sản không có lý do để tồn tại. Bất cứ đảng phái nào cũng phải có một tư tưởng chính trị được văn bản hóa thành một dự án chính trị. Tư tưởng chính trị là các giá trị nền tảng, là kim chỉ nam của mỗi tổ chức. Tất nhiên là một tổ chức chính trị có thể thay đổi hệ thống tư tưởng chính trị nếu ban lãnh đạo đảng thấy cần thiết và nhất là họ phải có bản lĩnh và quyết tâm đủ lớn. Nếu làm được điều đó thì bản chất của tổ chức đã hoàn toàn thay đổi.
Đảng cộng sản Việt Nam không thể thay đổi vì đã quá phân hóa và mất đồng thuận. Việc từ bỏ chủ nghĩa cộng sản cũng đồng nghĩa với việc khai tử Đảng cộng sản. Với đất nước đó là điều nên làm và cần thiết nhưng với Đảng cộng sản thì đó là một tai họa vì họ cho rằng sẽ mất hết tất cả. Thật ra điều này không đúng, họ có thể mất quyền lực nhưng sẽ được sống xứng đáng như những con người tự do trong một xã hội văn minh và dân chủ.
Chúng ta thử hình dung, nếu Giáo hoàng và Tòa thánh Vatican đưa ra một tuyên bố rằng Kinh thánh không còn giá trị nữa thì liệu tôn giáo này có lý do gì để tồn tại và tiếp tục nữa không ? Nói ra điều này để những ai có ý định ‘góp ý’ với Đảng cộng sản thì nên thôi đi kẻo bị khép vào tội ‘chống đảng’. Bộ não luôn quyết định cho các hành động của cơ thể. Đảng cộng sản Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng và một lần bỏ phiếu chống để ủng hộ Putin là vì thế.
Đảng cộng sản Việt Nam đã công khai thách thức Mỹ và các nước dân chủ khi bỏ phiếu chống lại một nghị quyết do chính Mỹ soạn thảo và đệ trình lên Liên Hợp Quốc. Mỹ đã có phản ứng ngay lập tức, hôm 12/4 Bộ Ngoại giao Mỹ (chứ không phải các tổ chức nhân quyền) đã lên tiếng chỉ trích Đảng cộng sản rất mạnh mẽ trong bản phúc trình về nhân quyền hàng năm. Mỹ cho rằng ‘Việt Nam không phải là một nước dân chủ, chính quyền Việt Nam không có chính danh vì không được người dân bầu ra’. ‘Quốc hội Việt Nam khóa 15 (5/2021) là không hợp pháp, không tự do, không công bằng và không có giám sát. Cuộc bỏ phiếu đó chỉ có Đảng cộng sản mà thôi’.
Như vậy thái độ của Mỹ với Đảng cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi. Từ trước đến nay Mỹ luôn tuyên bố là không can thiệp vào thể chế chính trị của Việt Nam và thực tế là họ đã bỏ qua mọi vi phạm nhân quyền để hợp tác toàn diện với Việt Nam từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng cho Việt Nam nếu Mỹ và các nước dân chủ cắt giảm hợp tác kinh tế với Việt Nam. Như chúng tôi đã nhiều lần phân tích, Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào các nước dân chủ, là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lên tới 200% của GDP, gấp 4 lần ngưỡng an toàn cần thiết.
Trên đài VOA, giáo sư Abuza, nhà phân tích chính trị và an ninh Đông Nam Á cho biết ‘Việt Nam, bằng cách không chỉ bỏ phiếu trắng mà là bỏ phiếu cho quan điểm của Nga sẽ gây tổn hại tới các mối quan hệ với EU, Úc, Nhật Bản và Mỹ’. Ông cho rằng cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Việt Nam với tổng thống Mỹ Biden tại thượng đỉnh Mỹ - ASEAN sắp tới đây, dù đã lên kế hoạch có thể sẽ bị hủy bỏ. Chắc chắn mọi ưu đãi và dễ dãi dành cho Việt Nam sẽ không còn như trước. Đó là một tai họa cho Việt Nam.
Cơ hội cuối cùng để Việt Nam vươn lên đang dần khép lại nếu đất nước không có dân chủ. Làn sóng rời bỏ Trung Quốc của các công ty đa quốc gia đang tăng tốc. Sự phân cực giữa hai khối tự do và độc tài sắp định hình. Việt Nam cần có dân chủ ngay bây giờ để hội nhập với các nước dân chủ và đón nhận làn sóng đầu tư của thế giới đang rút khỏi Trung Quốc. Nếu chần chừ Việt Nam sẽ vĩnh viễn mất đi cơ hội ngàn năm có một đó.
Khi các công ty đa quốc gia đã chuyển hết nhà máy từ Trung Quốc sang các nước dân chủ khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia hay Thái Lan thì họ sẽ không có lý do gì để chuyển sang Việt Nam một lần nữa.
Đảng cộng sản Việt Nam không còn là giải pháp cho đất nước mà ngược lại, họ đang là chướng ngại vật trên con đường đưa đất nước đi đến phát triển và phồn vinh.
Chưa bao giờ đất nước Việt Nam đứng trước một lựa chọn vừa khó khăn vừa quan trọng mang tính sống còn như vậy. Người dân và trí thức Việt Nam, chủ nhân của đất nước, cần phải lấy quyết định ủng hộ cho một giải pháp mới của một tập hợp chính trị mới. Nếu chần chừ mọi chuyện sẽ rất nghiêm trọng. Sự phá sản của Sri Lanka, một quốc gia ‘xã hội chủ nghĩa’, một thiên đường du lịch là một cảnh báo nghiêm khắc cho Việt Nam.
Việt Hoàng
(19/04/2022)