Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Diễn ngôn của Tổng bí thư Đảng lần đầu tiên đã không nhắc đến "chống Mỹ cứu nước"... Điều này ý nghĩa gì khi Việt Nam và Hoa Kỳ đang tương nhượng nhau, liên quan đến việc Mỹ chưa công nhận Hà Nội có kinh tế thị trường (Market Economy - ME) ?

nme1

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 27/7 tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội - Lương Thái Lĩnh/AFP

 "Họa phúc phải đâu chỉ một buổi"

Ngày 4/8/2024, lần đầu tiên trong lịch sử diễn ngôn với tư cách Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm đã không chạm tới cụm từ "chống Mỹ cứu nước" trong cách mạng dân tộc dân chủ, tuy vẫn nhắc đến "đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược" (1). Điều này phải chăng là một cái nhìn mới mẻ của tân Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Tô Lâm trước vận nước, khi chỉ trước đấy một ngày, hôm 3/8, ông vừa được Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao bầu vào vị trí A1 trong "Bộ Tứ" ? Hiện tượng này rất có thể hàm chứa "đa ý nghĩa", nhưng dưới đây chỉ tập trung vào bối cảnh duy nhất là, Việt Nam và Hoa Kỳ hiện đang tương nhượng nhau liên quan đến việc Washington chưa cấp quy chế kinh tế thị trường cho Hà Nội ! 

Trong một Báo cáo dài 284 trang, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (US Department of Commerce - DoC) đã giải thích tại sao Mỹ tiếp tục xếp Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường (Non-market Economy - NME). Nhưng ngay cả khi kết luận "Việt Nam chưa phải là một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, thì DoC vẫn thừa nhận, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể để đáp ứng 6 tiêu chí của Mỹ về việc công nhận quy chế này trong thời gian qua". Theo DoC, 20 năm qua, Hà Nội đã có những cải cách ấn tượng (2). Quyết định này thật ra khó khăn ngay đối cả với Mỹ. Vì ngay ở Hoa kỳ cũng có những công ty và tập đoàn sẽ được hưởng lợi từ quy chế ME của Việt Nam. 

Câu chuyện Hoa Kỳ tiếp tục dán nhãn nền kinh tế phi thị trường (NME) đối với Việt Nam dù sao vẫn gây sốc, mặc dù Hà Nội đã được Washington rục rịch "đánh động" khá lâu, trước cả ngày 2/8/2024, ngày mà DoC chính thức công bố, Việt Nam vẫn tiếp tục bị phân loại là quốc gia NME, sau khi Mỹ cố gắng trì hoãn đưa ra thông báo này sau thời gian Việt Nam tổ chức quốc tang cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (3). Tuy có lệch múi giờ giữa hai thủ đô, nhưng ngay trong ngày 2/8/2024 từ Hà Nội, Bộ Công thương Việt Nam đã có phản ứng ngay tức thì, nghĩa là đã có sự chuẩn bị trước. Theo đó, Bộ này cho biết sẽ nghiên cứu "Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam" của Bộ Thương mại Mỹ để gửi hồ sơ yêu cầu cơ quan này xem xét lại quy chế kinh tế thị trường (ME) cho Việt Nam. 

Bối cảnh "vận nước như đằng lạc" lúc này khiến ta nhớ đến trí huệ của Nguyễn Trãi, một bậc đế sư nổi tiếng cho triều đại nhà Lê cách đây hơn 600 năm. Trên đời này, "họa phúc phải đâu chỉ một buổi…". Kết quả hôm nay là do tích tụ hàng loạt những khiếm khuyết của sự lệch pha trong Đổi mới và của sự vận hành thiếu đồng bộ đối với nền kinh tế và xã hội trong thời kỳ chuyển đổi. Nay để Tô Đại tướng có thể gỡ thế lưỡng nan này của Việt tộc, hãy cho ông ấy thời gian. Trong bài viết ra mắt quốc dân, với tư cách người đứng đầu Ban lãnh đạo Đảng, ông nhận thức rất rõ, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác định trật tự thế giới mới. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó Châu Á – Thái Bình Dương là địa bàn quyết liệt nhất (4). Việt Nam sẽ bứt phá hay tiếp tục lạc lõng chính là tại ngay điểm ngoặt này, thưa Tổng bí thư ! 

Chỉ để thêm bớt có mỗi một ký tự ‘N’ (giữa NME và ME) trong tiếng Anh thôi, nhưng ngay trước ngày 1/8, DoC đã phải chuẩn bị sẵn cả một Báo cáo dài rất công phu, nếu dịch ra tiếng Việt, chắc chắn phải suýt soát hàng chục vạn chữ. Báo cáo ấy mang tên "Review of Vietnam’s Status as a Non-market Economy Country" (5), có thể chuyển thành "Xem xét về tình trạng của Việt Nam như một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường". Tập trung đọc kỹ phần "Tóm lược báo cáo" và đoạn kết luận "Đánh giá cuối cùng" cũng đủ thấy, DoC đã làm việc chi tiết và bao quát đến nhường nào khi phải đưa ra quyết định khó khăn nói trên.

"Anh hùng khởi sự phải ba niên"

Việc Bộ Công thương Việt Nam "lấy làm tiếc" trước việc bị từ chối cấp quy chế kinh tế thị trường (ME), mà chưa có phản ứng nào nặng nề hơn, cho thấy Việt Nam kiên định quyết tâm sẽ nghiên cứu "Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam" (Review…) của DoC và sẽ gửi tiếp hồ sơ yêu cầu cơ quan này xem xét lại quy chế ME cho Việt Nam. Bộ Công thương Việt Nam cũng không quên cảm ơn 41 tổ chức, cá nhân, hiệp hội doanh nghiệp, thương mại Mỹ đã bày tỏ ý kiến ủng hộ mạnh mẽ việc công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Trong đó, có những tổ chức, cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp Mỹ như Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Mỹ (NASDA), Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC), Hiệp hội các nhà bán lẻ Mỹ. Bộ Công thương mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các tổ chức và cá nhân này (6). 

Theo Reuters, ông Murray Hiebert, một cộng sự viên cao cấp của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Washington, cũng không mấy đồng tình về "Báo cáo" thượng dẫn của DoC. Theo chuyên gia này, thị trường của Việt Nam đã tự do như nhiều thị trường khác không có trong danh sách NME. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh thêm rằng, quyết định từ phía Mỹ dường như "không phù hợp" với chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Hà Nội tháng 9 năm ngoái, khi hai nước đã nâng vượt cấp mối quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" (Comprehensive Strategic Partnership - CSP). Bà Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen trong một dịp trước đây cũng từng quảng bá Việt Nam như một điểm đến để chuyển dịch chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ ra khỏi Trung Quốc (7). 

Có một số dự đoán của giới quan sát từ cả hai thủ đô, rất có thể DoC sẽ đưa ra một "khuyến cáo đặc biệt" dưới dạng một "Lộ Trình" (Road Map) để Việt Nam nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp các nội dung cốt lõi nêu trong trong "Review" ngày 2/8. DoC có thể sẽ khuyến nghị với Tổng thống một số biện pháp để ông Biden có cơ sở đưa ra các Tuyên bố của Tổng thống (Presidential Proclamations) nhằm thiết kế một "chính sách tạm thời" không áp thuế hoặc ấn định mức thuế khả dĩ (chấp nhận được) chống bán phá giá lên một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, như các sản phẩm từ thép, hàng thủy sản (tôm, cá), sản phẩm gỗ, hàng dệt may, lốp xe, đá thạch anh... trong thời hạn 2 năm kể từ ngày 1/1/2025 đến 31/12/2026.

Sáng kiến nói trên vốn là một thông lệ thường được áp dụng khi xẩy ra những tranh chấp thương mại giữa Mỹ với các nước đồng minh và đối tác, nhất là với "một đối tác mới nổi" như Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng quy chế này theo tinh thần của Fact-Sheet trong khuôn khổ "Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ" (CSP) ký ngày 10/9/2023 tại Hà Nội. Dựa theo kết luận của DoC, Tổng thống Biden có thể sẽ ra quyết định quan trọng này trong thời gian sắp tới. Tất nhiên, việc xem xét lại toàn bộ quy trình giải phóng gắn nhãn NME cho Việt Nam, do tính chất phức tạp của vấn đề cũng như do quá trình chuyển giao chính quyền tại Washington, chắc chắn chưa thể có kết quả ngay trong một sớm một chiều ! 

Trở lại bài viết của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, tân Tổng bí thư và tân Chủ tịch nước Tô Lâm hôm 4/8 đã khẳng định sẽ "tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ; tăng cường công khai, minh bạch thông qua chuyển đổi số ; mở rộng không gian phát triển ; tạo thuận lợi cao nhất cho mọi hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật, đóng góp xây dựng đất nước…" (8). Điều này nếu được thực thi đúng như thế thì đây là các hành động hướng tới chính sách thực chất, khác với cách xưa nay, đôi lúc Hà Nội thường hay "lobby" một số nước công nhận quy chế ME, rồi dùng các nước đó để ép Hoa Kỳ. Đấy không hẳn là cách làm quân tử. Tân Tổng bí thư Tô Lâm dường như đang bắt mạch đúng con bệnh, đặc biệt khi Chủ tịch nước nhấn mạnh đến nhà nước pháp quyền. Nhân dân sẽ hoan hỉ nếu như Lãnh đạo nói đi đôi với làm và việc ấy sẽ trở thành hiện thực trong đời sống kinh tế – chính trị của đất nước.

Đinh Hoàng Thắng

Nguồn : RFA, 07/08/2024

Tham khảo :

(1) https://baotintuc.vn/chinh-tri/quyet-tam-xay-dung-dang-vung-manh-nuoc-viet-nam-giau-manh-dan-chu-cong-bang-van-minh-20240804114121901.htm

(2) https://www.reuters.com/markets/us-continue-classify-vietnam-non-market-economy-country-commerce-2024-08-02/

(3) https://www.voatiengviet.com/a/my-tu-choi-cap-quy-che-kinh-te-thi-truong-cho-viet-nam/7727426.html

(4) https://baotintuc.vn/chinh-tri/quyet-tam-xay-dung-dang-vung-manh-nuoc-viet-nam-giau-manh-dan-chu-cong-bang-van-minh-20240804114121901.htm

(5) https://vn.usembassy.gov/department-of-commerce-final-decision-in-review-of-the-non-market-economy-status-of-vietnam/

(6) https://znews.vn/bo-cong-thuong-noi-ve-viec-my-chua-cong-nhan-kinh-te-thi-truong-cua-vn-post1489791.html

(7) https://www.reuters.com/markets/us-continue-classify-vietnam-non-market-economy-country-commerce-2024-08-02/

(8) https://baotintuc.vn/chinh-tri/quyet-tam-xay-dung-dang-vung-manh-nuoc-viet-nam-giau-manh-dan-chu-cong-bang-van-minh-20240804114121901.htm

Additional Info

  • Author Đinh Hoàng Thắng
Published in Quan điểm

Trong hai ngày 11 và 12/10/2022, Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (United States Institute of Peace - USIP) tổ chức hội thảo "Đối thoại về những di sản chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia". Mục đích của hội thảo này là thúc đẩy giáo dục công và đối thoại giữa hai chính phủ và nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm hòa giải và khắc phục hậu quả chiến tranh. 

vn1

Hội thảo "Đối thoại về những di sản chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia" do Viện Hòa Bình Hoa Kỳ tổ chức ngày 11 và 12 tháng 10 / 2022 Photo : RFA

USIP đã mời các học giả nghiên cứu ở các trường đại học, các nhà hoạt động xã hội dân sự và các quan chức chính phủ hai nước tham dự và phát biểu. 

"Hàn gắn vết thương chiến tranh"

Chủ đề của phiên họp toàn thể ngày đầu tiên của hội thảo là "Hàn gắn vết thương chiến tranh". Trợ lý Điều hành của Văn phòng Châu Á, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ Michael Schiffer cho rằng hàn gắn vết thương chiến tranh là một cuộc hành trình dài. Hậu quả chiến tranh không kết thúc khi chiến tranh kết thúc. Cuộc hàn gắn tổn thương chiến tranh có thể cũng đau đớn và những chấn thương tinh thần có truyền lại qua nhiều thế hệ. Những di sản chiến tranh ảnh hưởng đến thân thể, tinh thần, tình bạn và nền chính trị của tất cả chúng ta. 

Đại diện cho tiếng nói của Nhà nước Việt Nam, cựu Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng cuộc hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ không chỉ do quan chức chính phủ hai nước thưc hiện mà còn nhờ nỗ lực của "xã hội dân sự". Bà cho rằng "bình thường hóa quan hệ" là bước đầu tiên rồi mới thực hiện được bước thứ hai là "hòa giải". Bà cựu Đại sứ cho rằng "hòa giải" là khái niệm "nhạy cảm" với một số người trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Cuộc hòa giải của hai nước Việt - Mỹ, theo bà, "thật không may, bị cản trở bởi một số người Mỹ gốc Việt thiếu linh hoạt". Bà kể về những người Mỹ gốc Việt trở về quê cũ để kinh doanh và coi đó là như là tấm gương. 

Jed Royal, đại diện cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, điểm lại những thành tựu của chính phủ hai nước trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, như làm sạch ảnh hưởng của chất độc màu da cam, rà gỡ bom mìn còn sót lại, tìm kiếm cựu binh Mỹ và cựu binh Bắc Việt mất tích trong chiến tranh và cuối cùng nêu những triển vọng phát triển trong hiện tại và tương lai. 

vn2

Tàu chở hàng đưa những người tị nạn Việt Nam lên khi họ chạy khỏi Đà Nẵng hôm 1/4/1975. AP

Những cách nhìn khác về hòa giải

Là diễn giả tại hội thảo, Giáo sư Alex Thái Võ (Trung tâm Việt Nam học, Đại học Kỹ thuật Texas) cho rằng không thể bàn về hòa giải Việt Mỹ trong khi vờ như không nhìn thấy những nạn nhân Việt Nam Cộng Hòa của cuộc chiến và những chấn thương tinh thần thời hậu chiến của họ. Người ta thảo luận với nhau có bao nhiên binh sĩ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã chết và mất tích trong chiến tranh, nhưng không ai quan tâm có bao nhiêu binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã mất tích trong cuộc chiến đó. 

Bản chất của cuộc chiến 1954 - 1975, Giáo sư Alex Thái Võ phân tích, là một cuộc nội chiến giữa những người Việt Nam khi xung đột về hai tầm nhìn khác nhau xây dựng đất nước Việt Nam sau khi chủ nghĩa thực dân kết thúc. Một bên đi theo con đường con đường cộng sản và bên kia nỗ lực tìm cách xây dựng thể chế dân chủ, tự do, thị trường. Những người Cộng sản ở Miền Bắc đã mạ lị những người khác biệt chính kiến ở Miền Nam là "phản quốc", "tay sai", sử dụng chủ nghĩa dân tộc để loại trừ những người đối lập. Đến nay chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm những những tuyên truyền và giáo dục thóa mạ như vậy vẫn không thay đổi. Làm sao cộng đồng người Mỹ gốc Việt có thể chủ động tự mình hòa giải với Chính phủ Việt Nam, khi mà "bên thắng cuộc" vẫn chưa thay đổi chính sách và tuyên truyền thù nghịch với cha ông họ ?

Ông Tuấn Tôn, một thính giả của hội thảo, cho biết có nhiều người đã nỗ lực đi tìm thi thể của người thân và đồng đội Việt Nam Cộng Hòa mất tích trong chiến tranh hoặc chết trong các trại cải tạo nhưng bị cản trở và không được hỗ trợ. Lý do là cách thức vận hành của hệ thống chính quyền và tâm lý thù địch khiến không có một cá nhân nào trong bộ máy nhà nước ở Việt Nam ngày nay thực sự có đủ lòng dũng cảm và động lực quan tâm giúp tìm kiếm những người đồng bào Việt một thời bên kia chiến tuyến đã bị mất tích hoặc chết trong các trại cải tạo. Trong khi đó, chính phủ hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam ngày nay thì có động cơ, động lực để giúp tìm hài cốt binh lính Mỹ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mất tích trong chiến tranh. 

Một diễn giả của hội thảo, ông Phillip Nguyễn, đến từ tổ chức dân sự Viet Benevolence Foundation ở Mỹ, cho rằng cần tránh cách nhìn cho rằng hòa giải Việt Nam và Hoa Kỳ có thể thực hiện được mà không cần quan tâm đến những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh cũng như những chấn thương tinh thần mà những người Việt Nam Cộng Hòa đã chịu đựng sau cuộc chiến. Rất nhiều người Việt Nam Cộng Hòa đã chết trong các trại cải tạo sau cuộc chiến mà gia đình vẫn chưa nhận được thi thể họ. 

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt và chính phủ Việt Nam khác nhau như nước và dầu hỏa - ông Phillip Nguyễn giải thích cách nhìn của mình về hòa giải bằng một ẩn dụ như vậy. Người ta lâu nay bàn về hòa giải theo cách giống như trộn nước và dầu hỏa với nhau, lắc lắc cho chúng hòa tan vào nhau. Nhưng do bản chất của hai loại chất chất lỏng này, chỉ cần ngưng lắc, dầu hỏa và nước lại tự động tách rời khỏi nhau. Con đường để đi đến hòa giải đích thực, theo ông Phillip Nguyễn, là phải tạo ra được một chất xúc tác, pha vào nước và dầu hỏa, làm cho nước và dầu hỏa có thể hòa tan vào trong nhau. Để hòa giải đích thực, cần có một cuộc tiến hóa như vậy. Theo ông Phillip Nguyễn, các quan chức chính phủ hai nước Việt Mỹ phải nhìn thẳng vào sự thật đó để cuộc hành trình đi đến hòa giải có thể có kết quả đích thực. 

Nguồn : RFA, 12/10/2022

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam