Những hàng dài người xếp hàng mua xăng tại nhiều thành phố lớn, thậm chí cả thủ đô. Hàng ngàn người khác, đa số là người già, biểu tình tố cáo bị lừa mua trái phiếu trước trụ sở của nhiều ngân hàng lớn. Không ai giải quyết. Cũng không quan chức nào phải chịu trách nhiệm.
Hàng dài người xếp hàng mua xăng tại nhiều thành phố lớn, thậm chí cả thủ đô - Ảnh minh họa
Người ta có cảm tưởng như tình trạng vô chính phủ đang ngự trị trên đất nước này. Không khí về một cuộc khủng hoảng lớn đang tới gần. Đó là những nét đậm của Việt Nam năm 2022.
Đại dịch đi qua
Nếu có một điểm tích cực trong năm qua thì đó là sự kết thúc của đại dịch Covid-19.
Trong năm 2021, nó đã gây ra một thảm kịch lớn cho Việt Nam và thế giới, cả về y tế, kinh tế, nhân đạo. Hồi đầu năm, người ta lo ngại sự bùng phát của biến chủng Omicron sẽ tiếp tục nhấn chìm thế giới trong một cuộc khủng hoảng mới. Nhưng điều ít ai ngờ là chính biến chủng này lại đánh dấu sự kết thúc của đại dịch. Các hoạt động kinh tế, xã hội được bình thường hóa trở lại, các con số thống kê người nhiễn, người chết vì dịch bệnh dần đi vào quên lãng. Dù vậy Covid-19 cũng đã thay đổi vĩnh viễn lối sống và cách sinh hoạt, làm việc của nhiều cộng đồng, những tàn phá về sức khoẻ, thể chất lẫn tinh thần, có lẽ phải mất nhiều năm nữa mới được chữa lành. Tuy nhiên có vẻ chính quyền và cả xã hội Việt Nam không quan tâm nhiều tới những thương tích này, một chính quyền vô trách nhiện và một xã hội đã quá quen với những thảm kịch, nhưng lại ít suy tư về chính mình.
Phản ứng thô vụng của chính quyền cộng sản trước những biến chuyển trên thế giới
Nếu như Covid-19 làm thay đổi lối sống và cách làm việc của mọi người trên thế giới là sự kiện đáng chú ý nhất trong năm 2021, thì cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine làm đảo lộn cấu trúc chính trị toàn cầu chắc chắn là sự kiện nổi bật nhất trong năm 2022.
Vẫn có thể có nhiều tranh cãi về những diễn biến trên chiến trường, nhưng xét về mặt chiến lược nước Nga đã thảm bại. Putin đã tự bắn vào đầu mình. Sự kiện này, kết hợp với cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và khối các nước dân chủ trước đó, đã tách cả thế giới ra làm hai khối - dân chủ và độc tài, với một cuộc đối đầu không khoan nhượng và cũng không cân sức. Cả sức mạnh, lẽ phải lẫn tương lai đều đều không đứng về khối độc tài. Hai "ông anh" của khối này đều trong tình trạng nguy ngập, nước Nga sẽ lụi bại sau cuộc xâm lược Ukraine, trong khi Trung Quốc đã lao đầu vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và đường lối không lối thoát. Phản ứng của chính quyền Việt Nam trước những biến động này sẽ quyết định tương lai của đất nước và chế độ trong hàng thập kỷ tới, vậy họ đã phản ứng như thế nào ?
Một cách khó tin nhưng sự thực là họ đã "bình chân như vại" ; họ không có một thay đổi chiến lược nào để thích nghi với tình thế mới. Chính quyền cộng sản vẫn chọn thái độ không lên án cuộc xâm lược của Nga, vẫn tiếp đón Sergey Lavrov, vẫn dành tình cảm "nồng nhiệt" ; cho Tập Cận Bình, với chuyến thăm được chuẩn bị quy mô của ông Trọng.
Những văn kiện trong các hội nghị trung ương đảng vẫn đưa ra những khẩu hiệu sáo rỗng, những phát biểu của các cấp lãnh đạo không chứng tỏ họ hiểu bối cảnh thế giới mà ngược lại, họ không có một tầm nhìn nào cho đất nước, và ngay cả cho chính cái đảng của mình. Thiếu hiểu biết hay không dám đối diện với thực tại ? Có lẽ là cả hai.
Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Việt Nam, tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov ngày 6/7/2022 (Ảnh : Dương Giang/TTXVN)
Nếu thảo luận, chắc chắn họ phải hiểu rằng mình phải chọn đứng về phe thắng, tức là phe dân chủ, vì quyền lợi và tương lai của đất nước và chính mình. Nhưng như thế cũng có nghĩa là chống lại chính mình, vì họ cũng độc tài, cũng vi phạm nhân quyền, cũng đàn áp đối lập như Putin, Tập Cận Bình. Bế tắc. Vậy là họ lấy quyết định không thay đổi (hay không lấy được quyết định gì ?). Vẫn tiếp tục chính sách ngoại giao nước đôi, vừa muốn duy trì chế độ độc tài và nằm trong khối độc tài, nhưng vẫn muốn làm ăn như trước với các nước dân chủ. Xem như mọi thứ vẫn như cũ. Nhưng liệu họ có thể tồn tại mà không thay đổi trong một thế giới đã thay đổi ? Chắc chắn không.
Những động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đạt tới giới hạn
Một hệ quả của cuộc đối đầu giữa khối dân chủ và các nước độc tài là sự kết thúc của phong trào toàn cầu hóa duy lợi nhuận bất chấp con người, môi trường và xã hội, vốn đã nhen nhúm sau sự tắc nghẽn của chuối cũng ứng hàng hóa hậu đại dịch. Phong trào này đã là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam và Trung Quốc trong hơn ba thập kỷ qua. Một cách giản dị, công thức đó là nhờ những tiêu chuẩn thấp về môi trường và lao động, giá nhân công thấp, thu hút đầu tư, sản xuất thật nhiều với giá thật rẻ để xuất khẩu qua các nước dân chủ phát triển. Nhưng hơn cả Trung Quốc, Việt Nam lệ thuộc rất nặng nề vào công thức tăng trưởng này, với ngoại thương lớn hơn 200% GDP. Lệ thuộc nhiều nhưng nội lực lại chẳng có bao nhiêu. Những hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn đến từ các doanh nghiệp FDI, với những kỹ nghệ ở trình độ thấp như dệt may, gia công, lắp ráp hàng hóa bán thành phẩm… Tức là những kỹ nghệ dễ dàng bị chuyển qua nước khác, nếu xuất hiện những điều kiện bất lợi. Và điều kiện đó đã xuất hiện vào năm 2022, khi Việt Nam đứng về khối độc tài trong cuộc đối đầu với các nước dân chủ, sẽ là quá mạo hiểm nếu đầu tư nhiều vào một đất nước như vậy. Việc Samsung giảm sản xuất tại Việt Nam để đa dạng hóa chuối cung ứng có lẽ chỉ là khởi đầu cho một xu hướng mới.
Một động lực tăng trưởng khác của nền kinh tế Việt Nam là bất động sản và những lĩnh vực liên quan cũng đã đạt tới giới hạn trong năm qua. Lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ tăng trưởng nóng, thị trường bất động sản đã rơi vào tình trạng mất thanh khoản và giảm giá trong những tháng cuối năm. Thị trường này là nơi dự trữ phần lớn tài sản của dân chúng, tác động có thể sẽ rất lớn. Cách đơn giản nhất để nhìn rõ tương lai của ngành bất động sản tại Việt Nam có lẽ là "cứ nhìn qua Trung Quốc", kinh tế Việt Nam là một bản sao mờ nhạt của Trung Quốc. Tuy vậy, do chậm chân hơn "đàn anh" vài năm, tình trạng của Việt Nam chưa tới mức không lối thoái như Trung Quốc. Nhưng muốn tránh được kết cục Trung Quốc đòi hỏi một tầm nhìn mà giới lãnh đạo hiện nay không có, cũng như một sự thay đổi mang tính nền tảng mà gần như không thể thực hiện được dưới chế độ cộng sản. Đất nước bước vào một giai đoạn bất định.
Bất ổn kinh tế
8,02% là con số tăng trưởng của nền kinh tế trong năm qua do chính quyền đưa ra.
Thật khó tin. Đa số người dân Việt Nam đều có thể cảm nhận được tình hình kinh tế đang trở nên khó khăn hơn. Sự đi xuống trong lĩnh vực xuất khẩu trong những tháng cuối năm đã đẩy hàng chục ngàn công nhân vào tình trạng thất nghiệp, hàng trăm ngàn công nhân khác ở trong tình trạng bị cắt lương, thưởng, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên. Trong khi trong các lĩnh vực liên qua tới bất động sản, nhiều tập đoàn lớn đã cắt giảm tới hơn 50% lao động cũng như lương thưởng.
VN-Index chốt năm 2022 ở mức 1.007 điểm, "bốc hơi" gần 33%
Cùng với sự đi xuống của lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong nhóm những thị trường giảm điểm mạnh nhất thế giới trong năm qua. Còn thị thường trái phiếu thì rơi vào một khủng hoảng lớn khi người dân mất hết niềm tin vào các doanh nghiệp sau khi nhiều người đối mặt với nguy cơ mất trắng tài sản đã đầu tư vào trái phiếu của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Năm qua cũng chứng kiến cảnh tượng, có lẽ lần đầu tiên từ ngày kinh tế Việt Nam mở cửa, người dân phải xếp hàng dài mua xăng dầu. Lãi suất vay vốn tăng vọt, trong khi dữ trữ ngoại hối đã có thời điểm xuống dưới mức an toàn (3 tháng xuất khẩu), do tác động từ những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu, cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới để kiềm chế lạm phát. Tình hình đang ngày một xấu đi, năm 2023 chắc chắn sẽ là một năm rất khó khăn.
Trong bối cảnh đó, nếu con số 8,02% là sự thực thì phải hiểu là những tăng trưởng của nền kinh tế chỉ mang lại quyền lợi cho một thiểu số, đa số dân chúng không được gì.
Chênh lệch giàu nghèo chỉ có thể tăng thêm. Sự bất mãn và phẫn nộ của dân chúng ngày một lớn, nhất là khi một thiểu số trở nên giàu có hơn không phải bằng tài năng hay những đóng góp cho đất nước, mà nhờ vào những đặc quyền đặc lợi được ban phát bởi một chính đảng bất chính. Đừng quên "xóa bỏ giàu nghèo" là một trong những khẩu hiệu của Cách Mạng Tháng Tám.
Chiến dịch "đốt lò"
Trong tình trạng khó khăn như vậy, cả về đối nội lẫn đối ngoài, một đảng phái vẫn có thể làm chủ được tình thế nếu có một đội ngũ nòng cốt gắn bó và có tầm nhìn xa. Tuy nhiên đây lại không phải là trường hợp của đảng cộng sản. Những cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ nhân danh chống tham nhũng với tên gọi "đốt lò" đã đạt tới cao điểm trong năm qua và làm tan nát đảng như chưa bao giờ thấy. Nhiều lãnh đạo cao cấp như bộ trưởng, thứ trưởng, lãnh đạo các thành phố lớn bị đưa vào "lò". Không phải ông Trọng không biết tác hại của chiến dịch này với đảng, ông từng nói "chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta", ông hiểu rõ rằng chẳng có quan chức nào không tham nhũng, chống tham nhũng là chống đảng, nhưng ông không có nhiều chọn lựa. Đồng thuận là cái quan trọng nhất với một chính đảng, nhưng đây lại là cái mà đảng cộng sản không có, sau khi lý tưởng cộng sản đã bị lố bịch hóa. Trong tình trạng này, giải pháp đơn giản nhất là triệt hạ những phe cánh khác, chỉ để lại tay chân của mình mới có hi vọng tìm được một đồng thuận chung, dù là mờ nhạt.
Kết quả nào ? Chiến dịch này có thể đưa vài quan chức tham nhũng vào tù, nhưng cái thể chế, cái luật chơi đã đưa những quan chức này, đưa tham nhũng lên cầm quyền thì vẫn ở đó, và nó vẫn sẽ tiếp tục hoạt động. Chế độ cộng sản vẫn sẽ là một chế độ cực kỳ tham nhũng. Còn đồng thuận, đồng thuận nào ? Quyết tâm duy trì chế độ tới cùng ?
Có thể, nhưng đây cũng là quyết tâm mà mọi chế độ độc tài đều có trước khi sụp đổ.
Chế độ đã tỏ ra rất hung bạo trong những năm qua, nhưng điều đó không chứng tỏ sự khôn ngoan của họ mà ngược lại.
Chế độ đàn áp một cách bừa bãi
Tiếp tục là một năm đen tối với nhân quyền tại Việt Nam, nhưng khác với các năm trước, năm 2022 được đánh dấu bởi những hành động bắt bớ một cách bừa bãi và thậm chí là còn làm hại, nhiều hơn là củng cố, chế độ. Có những người bị bắt với tội danh "tuyền truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa" dù không ai biết họ là ai, có người bị bắt chỉ vì hành động "rắc hành vào tô phở", có người chỉ viết một bình luận phê phán chính quyền tham nhũng trên Facebook cũng bị mới lên trụ sở. Những hành động này chẳng khác gì bôi nhọ vào mặt chế độ, bộ công an đang "tự diễn biến" ?
Những hành động đàn áp mạnh tay này, với những bản án 10-15 năm tù cho những người đấu tranh nằm trong chuỗi bắt bớ từ ngày Donald Trump lên cầm quyền tại Mỹ, lợi dụng sự suy yếu và chia rẽ của khối các nước dân chủ trên thế giới, chế độ đã gia tăng đàn áp, khởi đầu với việc đàn áp Hội Anh Em Dân Chủ. Và nó vẫn kéo dài tới này.
Điều khác biệt là bối cảnh thế giới đã thay đổi với cuộc xâm lược Ukraine của Putin.
Một lần nữa chế độ cộng sản lại chứng tỏ sự tăm tối và thiếu khả năng thích nghi với tình thế của mình. Cố gằng chứng tỏ mình là một chế độ độc tài bạo ngược giữa lúc cả thế giới dân chủ đang đoàn kết và quyết tâm chống lại các chế độ độc tài có lợi gì ?
Chẳng khác gì tự đập đầu vào đá. Họ có ý thức được những gì mình đang làm ?
Tình trạng rệu rã của phong trào dân chủ
Có thể thấy bối cảnh thế giới đang rất thuận lợi cho phong trào dân chủ, khối độc tài đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ ngày Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng của phong trào dân chủ Việt Nam, người ta vẫn khó mà lạc quan.
Nếu hiểu cuộc đấu tranh cho dân chủ là cuộc đấu giữa chính quyền độc tài và xã hội Việt Nam, giữa đảng cộng sản và liên minh của các tổ chức chính trị và xã hội dân sự, thì có thể thấy rõ là đối thủ đã yếu đi, nhưng ta vẫn chưa mạnh lên như ta muốn. Các tổ chức đa phần đều đã lụi tàn, chủ yếu vì chúng được thiết kế để tồn tại vài năm trong khi cuộc đấu với chế độ độc tài đòi hỏi hàng thập kỷ, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã là một ngoại lệ hiếm hoi. Những xét lại cần thiết đã đưa tới những chán nản và bỏ cuộc thay vì những bài học cho tương lai. Có lẽ một lần nữa chúng ta phải thẳng thắn với nhau rằng đấu tranh chỉ với nhiệt huyết thôi là không đủ, chúng ta cần đấu tranh đúng phương pháp nếu thực sự muốn dân chủ hóa đất nước. Một tổ chức chính trị đặt nền tảng trên một tư tưởng chính trị đúng đắn và một đội ngũ nòng cốt gắn bó là thứ không có không được với phong trào dân chủ hiện này, và cả với đất nước sau này.
Một câu chuyện
Bangladesh làm không đủ bán, vì sao dệt may Việt Nam than thở thiếu đơn hàng ? Ảnh minh họa : Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu tại Công ty cổ phần SXTM May Sài Gòn (Garmex Saigon JS) - Ảnh : QUANG ĐỊNH
"Bangladesh làm không đủ bán, vì sao dệt may Việt Nam than thở thiếu đơn hàng" (1) - đây là tiêu đề của một bài báo tôi đọc được trong dịp cuối năm, có nhiều chi tiết đáng suy nghĩ. Khoảng nửa triệu lao động Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự đi xuống của ngành dệt may. Nhưng tại sao Bangladesh lại tăng trưởng vượt bậc ? Lý do là họ đã nhìn thấy xu hướng xanh hóa nền kinh tế ở các nước phát triển, và đã biết tận dụng xu hướng này trong ngành dệt may (9/10 nhà máy "xanh" của ngành dệt may lớn nhất thế giới nằm ở Bangladesh). Câu chuyện này cho thấy, trong thời đại, ngay cả những lĩnh vực sản suất ở trình độ thấp cũng đòi hỏi tầm nhìn của giới lãnh đạo, chưa kể tới những vấn đề to lớn, nền tảng hơn. Nhìn vào giới lãnh đạo Việt Nam hiện tại, người dân có lẽ chỉ biết "thở dài". Tương lai của đất nước không thể, và cũng không được phép, để cho đảng cộng sản quyết định. Tương lai của đất nước phải do các lực lượng dân chủ quyết định. Phải chuẩn bị cho tương lai đó, ngay từ bây giờ.
Trần Hùng
(5/1/2023)