Vụ bắt cóc một người Việt đang tạm cư tại Đức là ông Trịnh Xuân Thanh đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn chưa từng có giữa Việt Nam và Đức.
"Chính phủ Đức đã đình chỉ Hiệp định [Việt – Đức] miễn visa cho tất cả những người mang hộ chiếu ngoại giao". Photo Courtesy : Thoibao.de
Sau khi yêu cầu của phía Đức đưa ra là Việt Nam cần trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức để Đức giải quyết theo đúng trình tự pháp luật, hoặc cho định cư hoặc trục xuất về Việt Nam… không được đáp ứng thì phía Đức đã có những hành động trừng phạt như : trục xuất hai cán bộ ngoại giao của tòa đại sứ Việt Nam tại Đức, đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Đức và mới đây nhất là việc hủy bỏ hiệp định Đức-Việt Nam về việc miễn trừ visa cho những người mang hộ chiếu ngoại giao Việt Nam vào Đức.
Đức là đầu tàu của Liên Minh Châu Âu (EU) vì thế khủng hoảng Việt Nam-Đức sẽ kéo theo cả EU. Mới đây EU đã rút thẻ vàng đối với ngành hải sản Việt Nam. Trong 6 tháng nếu Việt Nam không khắc phục và giám sát được việc khai thác hải sản trái phép thì EU có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt như cấm nhập khẩu các mặt hàng hải sản từ Việt Nam. Hiệp định thương mại Việt Nam-EU cũng đang đứng trước nguy cơ đổ bể nếu quốc hội Đức không phê chuẩn.
Thị trường Mỹ, EU và Nhật là những thị trường tiềm năng không chỉ Việt Nam mong muốn được xâm nhập mà còn là mong muốn của tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa thì người mua bao giờ cũng quan trọng và có ảnh hưởng hơn là người bán. Với một tổng thống Mỹ khó lường là Donald Trump thì ngay cả Trung Quốc cũng phải lo lắng vì sợ Mỹ hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc để cân bằng cán cân mậu dịch giữa hai nước. Tập Cận Bình đã đón tiếp Trump vô cùng hoành tráng tại Bắc Kinh cộng với một đơn dài đặt mua hàng Mỹ lên tới hơn 250 tỉ USD trong chuyến viếng thăm của Trump đến Trung Quốc trước khi sang Việt Nam dự APEC 2017… là cũng vì thế.
Việt Nam xuất siêu vào Mỹ hơn 30 tỉ USD mỗi năm, tuy chỉ bằng chưa đến 1/10 của Trung Quốc nhưng vẫn bị Trump đưa vào danh sách 16 nước xuất siêu vào Mỹ và cần có biện pháp chế tài. Trong 16 nước đó hầu hết là đồng minh của Mỹ, chỉ có mỗi hai nước không là đồng minh đó là Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc có thị trường khổng lồ hơn 1,5 tỉ dân và một "nghệ thuật đàm phán" nhiều chiêu trò nên Trump khó lòng ra tay nhưng Việt Nam thì không có lợi thế gì ngoài vị trí địa chính trị.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó thì Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (mà Việt Nam đã trông chờ nhiều năm qua) có thể là một lối thoát hiểm cho nền kinh tế đang bế tắc của Việt Nam. Vụ Trịnh Xuân Thanh đã giáng một đòn mạnh vào Hiệp định này nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Một vụ việc khác, không kém nghiêm trọng đã xảy ra ngay trước phiên Đối thoại Nhân quyền thường niên giữa EU và Việt Nam. Ba nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam là ông Nguyễn Quang A, bà Bùi Thị Minh Hằng và Phạm Đoan Trang đã bị công an Việt nam bắt giữ và câu lưu nhiều tiếng đồng hồ. Họ là những người vừa rời cuộc họp với đại diện của EU với mục đích tham vấn về các nhà hoạt động và các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam.
Ngay sau khi ba nhà hoạt động được trả tự do (dù nhiều tài sản cá nhân như điện thoại và máy vi tính vẫn còn bị công an thu giữ trái phép) thì các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã ra thông báo "cực lực lên án việc an ninh Việt Nam bắt cóc và câu lưu các nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Quang A, và Bùi Thị Minh Hằng ngày 16/11/2017 vừa qua" (1).
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hoàn toàn ủng hộ bản tuyên bố của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam. Chúng tôi đồng ý với nhận định của bản tuyên bố rằng :
"Những hành động này hoàn toàn trái pháp luật hiện hành của Việt Nam, trái với các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn, và trái với các cam kết quốc tế khác về nhân quyền của Việt Nam".
Vụ câu lưu ba nhà hoạt động xã hội dân sự trên cho chúng ta thấy được ít nhất hai điều.
1. Đảng cộng sản Việt Nam đã phân rã và chia rẽ gay gắt. Ban lãnh đạo đảng không còn là một khối thống nhất để có thể đưa ra các quyết định quan trọng cho mọi chính sách, từ đối nội đến đối ngoại. Vụ Trịnh Xuân Thanh nghiêm trọng là thế nhưng không một ai trong ban lãnh đạo đảng đứng ra nhận trách nhiệm, hay chỉ đạo khắc phục hậu quả. Rồi vụ bắt giữ các nhà hoạt động dân sự lại tiếp tục như là một sự khiêu khích và thách thức đối với EU và thế giới tự do.
2. Sự lộng hành ngày càng quá đáng của Bộ công an. Trong khi ông Nguyễn Xuân Phúc ra sức chèo kéo và cố gây ảnh hưởng lên các cường quốc (nhiều lúc quá lố như các hành động thân mật quá trớn với lãnh đạo các nước Mỹ, Nhật, Canada... giữa rừng ống kính của các phóng viên trong tuần lễ APEC vừa qua tại Việt Nam) thì Bộ công an lại chặn bắt các nhà hoạt động là khách mời của EU. Hay việc mới đây khi chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc bảo sẽ bỏ hộ khẩu thì ngay ngày hôm sau Bộ công an bảo không, phải chờ đến năm 2020. Ông Nguyễn Xuân Phúc lo mất ăn mất ngủ nếu chính quyền Trump chế tài việc xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ thì Bộ công an yêu cầu "cấm cửa" các công ty của Mỹ như Facebook, Google, Viber... nếu họ không chịu đặt máy chủ tại Việt Nam.
Bức tranh nền kinh tế Việt Nam đang vô cùng ảm đạm. Hội nghị APEC đã kết thúc mà không có bất cứ một cam kết hỗ trợ, giúp đỡ hay cấp vốn ưu đãi nào dành cho Việt Nam. Mỗi năm Việt Nam phải cần tới từ 10 đến 12 tỉ USD để trả nợ nước ngoài. Số nợ thật sự của Việt Nam hiện nay đã đạt đến 431 tỉ USD, gấp hơn 2 lần GDP của Việt Nam chứ không phải 63% như chính quyền thông báo. Bộ máy tam trùng (đảng, chính phủ và mặt trận tổ quốc) với 11 triệu người ăn lương đang đối mặt với tình trạng hết tiền trả lương.
Thời gian dành cho Đảng cộng sản Việt Nam đã hết mà họ thì không muốn thay đổi. Đã đến lúc người dân Việt Nam và trí thức Việt Nam cần đi tìm và ủng hộ cho một giải pháp khác ngoài "giải pháp cộng sản". Ngay cả một nước nghèo khổ và lạc hậu ở Châu Phi là Zimbabwe cũng đã phế truất tổng thống tổng đương nhiệm để tìm một giải pháp mới cho đất nước họ. Chẳng lẽ người Việt Nam không bằng họ ?
Xin gửi đến độc giả những trích đoạn nói về xã hội dân sự dưới sự nhìn nhận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.
Phần nói về năm đặc tính của một thể chế dân chủ đa nguyên, (phần ba) nói về xã hội dân sự như sau :
"Dân chủ đa nguyên đặt nền tảng trên xã hội dân sự. Bên cạnh các chính đảng, các cộng đồng sắc tộc, địa phương và tôn giáo, các hiệp hội công dân tổ chức theo ngành nghề, quyền lợi, nhân sinh quan, sở nguyện, ưu tư, v.v. được hoạt động độc lập với chính quyền, được nhìn nhận một chỗ đứng trọng yếu, được có tiếng nói và ảnh hưởng trong sinh hoạt cũng như trong sự tiến hóa của xã hội. Nhà nước tự coi mình là có sứ mạng phục vụ xã hội dân sự chứ không khống chế xã hội dân sự, không định đoạt sinh hoạt thường ngày thay cho xã hội dân sự. Về mặt kinh tế, điều này có nghĩa là nền kinh tế quốc gia phải đặt nền tảng trên các xí nghiệp tư, khu vực quốc doanh phải được giới hạn ở mức tối thiểu và nếu không có thì càng hay. Một xã hội dân sự mạnh và đa dạng là bảo đảm nhất chắc chắn cho sự chuyển hóa thường trực, tự nhiên và liên tục của xã hội, tránh những xáo trộn đột ngột và đầy đổ vỡ của các cuộc cách mạng".
Phần V : Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam viết :
"Tôn trọng và phát huy xã hội dân sự
Mọi quốc gia văn minh đều phải đặt nền tảng trên xã hội dân sự. Một trong những lý do chính khiến chúng ta tụt hậu bi đát so với các nước khác là sự thiếu vắng một xã hội dân sự đúng nghĩa. Xã hội dân sự là toàn thể các giáo hội, hiệp hội, câu lạc bộ, các tổ chức thiện nguyện, các nghiệp đoàn, hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp. Nói chung, đó là tất cả các kết hợp của người dân, được thành lập ngoài chính quyền để cùng theo đuổi một số mục đích chung và không nhắm tranh giành quyền lực chính trị.
Ý niệm xã hội dân sự đã xuất hiện cùng một lúc với các xã hội văn minh; trong nhiều ngôn ngữ phương Tây cụm từ xã hội dân sự cũng có nghĩa là xã hội văn minh. Đó là những sợi dây chằng chịt gắn bó những con người với nhau và gắn bó con người với xã hội. Những sợi dây nối kết đan xen đó tạo ra sự phong phú và bền chắc của quốc gia. Các kết hợp công dân tạo thành xã hội dân sự cũng là những cái nôi cho ý kiến, sáng kiến và tiến bộ. Một xã hội dân sự mạnh bảo đảm các ý kiến mới được nảy sinh nhanh chóng, các mâu thuẫn được phát hiện và giải quyết kịp thời, xã hội không ngừng tiến hóa trong hòa bình và trật tự. Quan trọng hơn, một xã hội dân sự lành mạnh còn đem lại điều mà ta có thể gọi là phép mầu của sự kết hợp. Đó là hiệu ứng vượt trội, nghĩa là hiện tượng một kết hợp có thể làm nẩy sinh những đặc tính và khả năng hoàn toàn mới không hề có trong các thành tố cấu tạo. Thí dụ như sự kết hợp của các hạt cơ bản trong những điều kiện đặc biệt khác nhau đã tạo ra các nguyên tử; đến lượt các nguyên tử kết hợp với nhau tạo ra các phân tử, rồi các phân tử kết hợp với nhau làm nẩy sinh sự sống. Hay sự chuyển động phối hợp của các nơ-ron tạo ra tình cảm và ý kiến. Các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản, trong khi bóp nghẹt xã hội dân sự đã làm mất đi của các dân tộc khả năng vượt trội này. Có thể đây là lý do giải thích sự hơn hẳn của các xã hội dân chủ so với các chế độ độc tài.
Trong mô hình xã hội của dự án chính trị này, xã hội dân sự sẽ được trân trọng và khuyến khích, hơn thế nữa còn được giao phó một vai trò quan trọng là thực hiện liên đới xã hội, giúp đỡ và bênh vực những người yếu kém và thiếu may mắn.
Mọi kết hợp đều tạo ra sức mạnh. Sức mạnh của xã hội dân sự là sức mạnh tổng hợp, nhưng không bao giờ thống nhất, của các kết hợp công dân có khi cùng hướng với nhau, có khi biệt lập với nhau và cũng có khi đối chọi với nhau. Sức mạnh của xã hội dân sự từng lúc và từng cơ hội hòa nhập với nhà nước hay đối lập với nhà nước, nhưng lúc nào cũng ảnh hưởng trên nhà nước và không bao giờ có tham vọng tranh quyền với nhà nước bởi vì nó không có và không thể có tham vọng chính trị.
Xã hội dân sự đảm bảo sự năng động của xã hội và đồng thời cũng bảo đảm tự do, dân chủ, nhân quyền, ngăn chặn mọi ý đồ độc tài chuyên chính. Mọi chế độ độc tài bạo ngược đều nhắm trước hết tiêu diệt xã hội dân sự. Bản chất của các chế độ độc tài là dựa trên một thiểu số để khống chế một xã hội phân hóa. Các bạo quyền không cần dân chúng tin yêu mình mà chỉ cần người dân đừng gắn bó với nhau để không có sức đề kháng. Không gì thỏa mãn các tập đoàn độc tài hơn là sự thờ ơ và vô cảm của một quần chúng bất lực vì chia rẽ.
Triết lý của một chế độ dân chủ, trái lại, coi xã hội dân sự là thành tố áp đảo và nền tảng của quốc gia; vì thế vai trò của nhà nước là làm cho các kết hợp công dân ngày càng đông đảo, không ngừng tiến lên và mạnh lên để đóng góp tích cực cho sự phồn vinh của xã hội. Nhà nước dân chủ đa nguyên tự coi mình là công cụ của xã hội dân sự với sứ mệnh bảo đảm hoạt động lành mạnh của xã hội dân sự, để xã hội dân sự tạo hạnh phúc cho các công dân. Đó không phải là một sự từ nhiệm mà là một triết lý chính trị mới của một chính quyền đủ tự tin để đặt lòng tin vào các công dân. Trong quan hệ với xã hội dân sự, nhà nước dân chủ đa nguyên tự coi mình là người trọng tài, phối hợp và thể hiện những nguyện vọng của xã hội dân sự. Nhà nước phục vụ chứ không khống chế xã hội dân sự.
Sẽ không thể có một cản trở nào cho sự thành lập và phát triển của các kết hợp công dân. Đặc biệt các hiệp hội không có mục đích lợi nhuận sẽ chỉ cần khai báo sự thành lập chứ không cần giấy phép hoạt động. Các hiệp hội có mục đích văn hóa, xã hội còn có quyền đòi hỏi nhà nước giúp đỡ".
Việt Hoàng
(21/11/2017)
(1) https://thongluan2016.blogspot.com/2017/11/tuyen-bo-cua-cac-to-chuc-xhds-ve-viec.html