Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

'Trí thức chính trị' là ai ? Theo chúng tôi thì có vài tiêu chí để nhận diện một trí thức chính trị :

- Có kiến thức về chính trị.

- Có thái độ rõ ràng trước những bất công trong xã hội.

- Có ý chí, quyết tâm và sẵn sàng trả giá vì tương lai đất nước.

Như vậy, 'trí thức chính trị' khác với 'trí thức khoa bảng', là những người có bằng cấp cao trong một lĩnh vực nào đó. Trí thức chính trị là một khái niệm, một thái độ. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì 'Trí thức phải là người phản kháng hoặc sẵn sàng phản kháng. Không thể khác, chức năng của trí thức là cải thiện và đổi mới, nghĩa là phản bác cái hiện có để cổ võ cho cái phải có hoặc nên có…' (Trí thức là một khái niệm chính trị).

Một giáo sư hay tiến sĩ nhưng không bao giờ lên tiếng về những vấn đề chính trị và xã hội của đất nước thì đó không phải là một trí thức chính trị. Ngược lại một người công nhân hay nông dân mà có hiểu biết và thái đội rõ ràng trên các vấn đề chính trị - xã hội thì đó là một trí thức chính trị. Trí thức chính trị không liên quan gì đến bằng cấp và tư cách trí thức chỉ đặt ra với những người có quan tâm đến chính trị và xã hội. Nếu chúng ta đồng ý với nhau như vậy thì Việt Nam có quá ít trí thức chính trị. Ngay cả trong giới những người được xem là 'trí thức dấn thân' lại chia thành hai 'trường phái'.

Một số người chọn cách tranh đấu theo lối nhân sĩ, tức là một mình, không tham gia và ủng hộ cho bất cứ tổ chức nào. Nếu trong một đất nước đã có dân chủ thì lối tranh đấu nhân sĩ là bình thường nhưng trong hoàn cảnh Việt Nam hiện chưa có dân chủ thì lối đấu tranh này hại nhiều hơn lợi. Thứ nhất nó làm phân tán sự chú ý của dư luận dành cho những kết hợp nghiêm túc. Thứ hai, nó khuyến khích cho những 'giải pháp cá nhân', nó làm cho người dân không ý thức được tầm quan trọng của sự kết hợp. Trí thức nhân sĩ không thể kêu gọi đoàn kết khi bản thân họ đứng một mình. Trường phái thứ hai là những người tranh đấu có tổ chức, có tư tưởng chính trị và một lộ trình tranh đấu cụ thể, như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp).

phongchong1

Văn hóa Khổng giáo xuất phát từ Trung Quốc, muốn 'thoát Trung' thì trí thức Việt Nam phải đoạn tuyệt với thứ văn hóa nô lệ đó.

Sỡ dĩ Việt Nam chưa có tầng lớp trí thức chính trị vì đó là di sản lịch sử của chúng ta. Tầng lớp sĩ phu (trí thức) ngày xưa sinh ra chỉ để phục vụ vô điều kiện cho vua chúa chứ không phải để phục vụ nhân dân, càng không phải để thay đổi xã hội. Sau khi chế độ phong kiến kết thúc thì nước ta lại rơi vào chủ nghĩa cộng sản mà bản chất của nó cũng là một chế độ phong kiến có cải biên. Văn hóa Khổng giáo sinh ra các trí thức nhân sĩ, là những người không bao giờ kết hợp với ai, không phục ai và đương nhiên là không thể làm việc chung được với ai. Họ lên tiếng phê phán và chỉ trích chính quyền, đôi khi rất gay gắt nhưng họ không đưa ra được bất cứ giải pháp nào cho đất nước. Họ có thể bị chính quyền bỏ tù và rồi sau khi ra tù họ cũng không làm được gì hơn.

Dù rất kính trọng người anh hùng Nguyễn Thái Học nhưng đã đến lúc trí thức Việt Nam phải nói không với lối đấu tranh theo kiểu 'không thành công cũng thành nhân'. Không nên xem việc 'đi tù' như là một thành tích và như thế là 'hoàn thành trách nhiệm' với tổ quốc…

Dù có ghét Đảng cộng sản đến mấy thì cũng nên học cách tranh đấu của họ. Cách đây 93 năm họ đã biết thành lập tổ chức và tranh đấu trong khuôn khổ của tổ chức. Họ cũng hiểu được tầm quan trọng của 'tư tưởng chính trị' và một 'dự án chính trị'. Ngày nay ai cũng hiểu tư tưởng Mác-Lênin là sai lầm và độc hại nhưng gần một thế kỷ trước nó đã lôi kéo được sự ủng hộ của rất nhiều người, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới. Một lý do cũng rất quan trọng khiến Đảng cộng sản phát triển nhanh trong giai đoạn đầu là họ có… nhiều tiền, trong khi các tổ chức chính trị khác thì không. Tất nhiên là tiền đó do Liên Xô cung cấp. Nên nhớ Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập và ra đời như là một phân bộ của quốc tế cộng sản (Đệ tam Quốc tế) chứ không phải một phong trào đấu tranh cho độc lập Việt Nam (Mời xem lại bài : Đảng cộng sản Việt Nam bước vào tuổi 94, ngoan cố đến cùng ?).

Một lý do nữa khiến Việt Nam chưa có tầng lớp trí thức chính trị vì người Việt Nam không chịu học hỏi về chính trị. Tụt hậu về chính trị của người Việt Nam là rất nghiêm trọng. Đến giờ, nhiều trí thức vẫn xem chính trị là thủ đoạn, gian manh và nhơ bẩn… Họ không hiểu rằng 'chính trị là việc nước, là việc chung, là đạo đức ứng dụng vào xã hội'. Cũng vì thiếu kiến thức chính trị nên nhiều người không hiểu đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức và giữa các tổ chức với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Chính vì không hiểu nên nhiều người không ủng hộ cho bất cứ tổ chức nào và họ cũng không thấy được tầm quan trọng của tư tưởng chính trị cũng như một dự án chính trị…

Thực tế không phải chỉ mỗi Việt Nam là thiếu vắng tầng lớp trí thức chính trị. Ngay cả hai siêu cường là Nga và Trung Quốc cũng không có tầng lớp này. Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch đã thất bại trước người nông dân Mao Trạch Đông và văn hóa Khổng giáo. Nước Nga đã thất bại trong việc chuyển hóa về dân chủ sau khi Liên Xô tan rã cũng vì thiếu vắng tầng lớp trí thức chính trị. Các nước Châu Phi dù được độc lập từ lâu và không bị đảng cộng sản cai trị vẫn không thể phát triển. Nhiều nước Nam Mỹ hay khu vực Châu Á cũng thế. Chính tầng lớp trí thức chính trị là nhân tố quyết định cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Kiến thức chính trị rất khó chứ không dễ như nhiều người nghĩ. Nếu dễ thì trên thế giới đã không có nước nghèo - nước giàu, nước phát triển - nước tụt hậu.

npt1

Đảng cộng sản Việt Nam không phải là một tai họa từ trên trời rơi xuống, nó là một sản phẩm của văn hóa và lịch sử Việt Nam. Một dân tộc không ít thì nhiều cũng xứng đáng với số phận của nó.

Việt Nam nghèo khổ và tụt hậu như ngày hôm nay là có lý do. Đảng cộng sản Việt Nam không phải là một tai họa từ trên trời rơi xuống, nó là một sản phẩm của văn hóa và lịch sử Việt Nam. Một dân tộc không ít thì nhiều cũng xứng đáng với số phận của nó. Cho dù mai này không còn đảng cộng sản nữa thì cũng không có gì đảm bảo là Việt Nam sẽ phát triển và có dân chủ như nhiều người mong muốn. Tất cả phụ thuộc vào tầng lớp trí thức chính trị Việt Nam. Tầng lớp này cũng không phải tự nhiên mà có, đầu tiên phải có một 'nhà tư tưởng chính trị' khai sáng và mở đường. Đó là một người uyên bác về chính trị và đi trước thời đại, trước dân tộc mình. Nhà tư tưởng chính trị sẽ là ngọn hải đăng soi sáng, chỉ đường và khai sáng cho trí thức. Sau khi có tầng lớp trí thức chính trị rồi thì mới tính đến chuyện 'khai dân trí' cho người dân. Điều này cũng giống như trong các công ty lớn, khi muốn mở một nhà máy mới thì đầu tiên họ phải tuyển chọn và đào tạo là những người quản lý (manager) trước, sau đó mới tuyển công nhân.

Điều đáng mừng cho Việt Nam là chúng ta đã và đang bắt đầu hình thành một tầng lớp trí thức chính trị với hạt nhân là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Tất cả những ai thật sự quan tâm đến chính trị đều thấy rõ chúng tôi là một tổ chức có tư tưởng chính trị, có dự án chính trị và một đội ngũ nhân sự chính trị. Chúng tôi may mắn có một người lãnh đạo đồng thời cũng là một nhà tư tưởng chính trị uyên bác, đó là ông Nguyễn Gia Kiểng. Chúng tôi chưa nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và cần thiết của trí thức Việt Nam vì cách thức tranh đấu của chúng tôi khá mới và không giống với 'truyền thống dân tộc'. Chúng tôi đã đi trước đồng bào mình khá xa… Dù vậy chúng tôi tin rằng cái gì đúng thì sớm muộn cũng sẽ được đón nhận. Tập Hợp là tổ chức có nhiều trí thức chính trị nhất hiện nay và nhiều bạn trẻ Việt Nam đang nhập cuộc cùng chúng tôi. Tập Hợp là tổ chức chính trị đã thay đổi hoàn toàn văn hóa và tư duy chính trị cho người Việt. Sự thực là chúng ta đã tiến những bước rất lớn về tư tưởng chính trị trong vài thập niên qua.

Có một điều không biết nên vui hay buồn đó là những người đọc nhiều nhất và hiểu kỹ Tập Hợp nhất chính là… cán bộ, đảng viên Đảng cộng sản. Nhiều quan chức cấp cao phát biểu không khác gì anh em Tập Hợp, ví dụ ông Võ Văn Thưởng từng nói 'người dân có quyền làm những gì luật pháp không cấm' hay 'chúng ta không sợ đối thoại hay tranh luận… vì đó là cơ sở để hình thành chân lý'. Ngay cả công trình đường cao tốc xuyên Việt đang thi công do chính người Việt đảm nhận cũng là đề nghị của Tập Hợp. Tất nhiên chúng tôi biết Đảng cộng sản luôn nói và làm khác nhau. Nhưng dù gì thì họ đã cầm quyền hơn 70 năm nên họ cũng biết ai là ai. Họ nghiên cứu rất kỹ về Tập Hợp và Tập Hợp cũng nghiên cứu rất kỹ về họ. Đảng cộng sản tìm hiểu kỹ về Tập Hợp vì họ quan tâm đến tương lai của chính họ. Tập Hợp không xem Đảng cộng sản là kẻ thù. Tập Hợp luôn xem tất cả mọi người Việt Nam là đồng bào, là anh em dù đó là các đảng viên cộng sản hay bất cứ ai. Tập Hợp không có kẻ thù và sẽ không làm hại bất cứ ai. Tinh thần của Tập Hợp là hòa giải, bao dung và liên đới. Tập Hợp tôn trọng mọi sự khác biệt và sẽ luôn dành cho mọi người Việt Nam một chỗ đứng như nhau.

Tập Hợp không hy vọng gì vào sự thay đổi của Đảng cộng sản mà chúng tôi đặt niềm tin vào sự dấn thân và trưởng thành của tầng lớp trí thức chính trị Việt Nam. Đảng cộng sản sẽ phải qua đi và tương lai của Việt Nam phải là dân chủ. Đất nước đang cần gấp một tầng lớp trí thức chính trị thật sự có hiểu biết và một tấm lòng để kiến thiết lại quê hương. Về kiến thức chính trị, Tập Hợp đã cung cấp khá đầy đủ, vấn đề còn lại chỉ là 'tình cảm và ý chí'.

Khi nào trí thức Việt Nam nhập cuộc thì ngày đó thay đổi nhất định sẽ tới.

Việt Hoàng

(16/02/2023)

Published in Quan điểm

Chuyện là vừa rồi về Việt Nam chơi, tôi thấy một cảnh tượng khiến tôi suy nghĩ nhiều. Một đám cưới diễn ra và được bắc rạp ăn lên, chặn hết cả một lối rẽ lớn ở một con đường. Những người đi xe trên đường phải đi dồn sang một lối bên cạnh, gây ứ đọng giao thông. Những tiếng chửi thề. Những tiếng còi xe rú.

Những điều đó làm tôi suy nghĩ.

Tại sao họ có thể ngang nhiên độc chiếm một con đường nhỏ để làm một cái đám cưới, bất chấp sự bất tiện về đi lại của mọi người ? Con đường này đâu phải đường riêng của họ. Suy nghĩ nào, động cơ nào, văn hóa nào khiến cho họ có thể bất chấp việc mình mà dẫm lên cái quyền đi lại, giao thông của những người xung quanh. Mà họ cũng chỉ là người dân thôi chứ chưa phải là tầng lớp quan chức chóp bu lãnh đạo. Tôi đã hiểu vì sao đất nước ta lại thành ngày nay. Mỗi người Việt Nam đều có sẵn bản năng chà đạp đồng bào, dẫm lên sự liên đới của xã hội, bác bỏ tính xuyên suốt của tình người. Vậy thì, chúng ta có quyền gì để nói về Đảng cộng sản khi họ cũng có thể bất chấp bóc lột từ tổ quốc để làm lợi cho túi tiền của mình ?

Chúng ta là một dân tộc rất yếu về sự liên đới. Chúng ta dẫm đạp lên nhau hàng ngày. Chúng ta phù thịnh, bợ đỡ những kẻ mạnh chứ không có tình thương với những người yếu thế trong xã hội. Đảng cộng sản hoạt động không ngoài logic đó. Họ cũng là một sản phẩm đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Họ cũng dẫm lên đất đai, tổ quốc, thậm chí dẫm lên chính xương máu quan quân, công thần của mình để xây lên ngai vàng của họ.

nxp0

Văn hóa của dân tộc Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng, chúng ta phải thay đổi văn hóa nếu muốn đất nước có tương lai.

Mà văn hóa của người Việt chúng ta có gì hơn nếu không phải là Nho giáo – một thứ tư tưởng chia con người thành những giai cấp như quân tử, tiểu nhân cùng với những chế định đối phó sang hèn khác nhau. Kẻ tiểu nhân bị đày đọa, kẻ quân tử sống ngăn cách riêng ở những biệt phủ với đám quan binh. Nho giáo là một tinh thần thiếu, rất thiếu về sự liên đới. Cùng với sự du nhập của chủ nghĩa cộng sản – một thứ văn hóa coi con người là sản phẩm của một lịch sử, coi vật chất là trọng tâm của phương pháp luận và lịch sử chứ không đặt con người là nền tảng. Việt Nam chúng ta đã phải chịu đựng một căn bệnh ung thư vô cùng quái ác khi mà thiếu vắng sự liên đới cùng với chủ nghĩa duy vật của Marx. Đảng cộng sản chỉ là một tác nhân thúc đẩy căn bệnh đó nặng hơn.

Chính vì thiếu vắng sự liên đới, thấu hiểu, chúng ta không thể sống chung hòa thuận, và chúng ta không có những tổ chức thực sự. 90 triệu con người đã là nạn nhân của một tổ chức có ‘văn hóa tổ chức’ nhất nhưng lại thiếu vắng sự lương thiện phải có với vị thế lãnh đạo một quốc gia – đó là Đảng cộng sản.

Quốc gia của chúng ta đang đứng trên bờ vực phá sản và tan rã. Chúng ta phải chọn lựa việc thay đổi văn hóa : văn hóa của sự bao dung, của sự chấp nhận sự khác biệt và cùng chung sống, của sự liên đới, của tình người Việt Nam với nhau.

Đảng cộng sản đang ở trong những giờ phút nguy hiểm cuối cùng. Họ cũng rất bức bí trước những biến cố đang dồn dập đến với họ. Trong tiến trình dân chủ hóa đất nước, họ cũng cần sự "liên đới" như là một lối thoát, một bàn tay từ những con người đấu tranh cho dân chủ để cuộc chuyển nhượng đó diễn ra trong êm đẹp, không gây thêm những thiệt hại cho dân tộc.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi mạnh dạn nói rằng, chúng tôi chính là tổ chức sẵn sàng đón nhận sự "liên đới" của họ và sẵn sàng đối thoại với họ trong công cuộc cởi trói tương lai cho đất nước.

Chúng tôi có dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 – dự án đã được trình bày và chỉnh sửa nhiều lần, như một nỗ lực cố gắng của chúng tôi trước vận mệnh của dân tộc chúng ta.

Chúng tôi đang cần bàn tay và tấm lòng của các bạn – những con người còn lòng dạ với quê hương, đất nước với một ước mơ chung có chữ Việt Nam trong trái tim mình.

Việt Thủy

(6/2/2023)

Published in Quan điểm

Ngày mai (24/11/2021), Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ tổ chức "Hội nghị Văn hóa toàn quốc" bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và một số bộ, ngành. Theo ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì "Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ là một hội nghị Diên Hồng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa". Nhân cơ hội này chúng ta thử tìm hiểu về tình trạng văn hóa và đạo đức trong xã hội Việt Nam sau gần năm thập kỷ sống dưới "chế độ mới".

Thực trạng

Không ai có thể chối cãi rằng tệ nạn xã hội đang gia tăng với tốc độ đáng lo ngại. Đầu tiên là nạn bạo lực, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Đâu đâu và ngày nào cũng có tin tức về nạn bạo lực. Từ các vụ hành hung gây tổn thương về sức khỏe và tinh thần cho người dân đến các vụ giết người hàng loạt. Cha mẹ đánh con, cô giáo bạo hành trẻ, trò đánh trò, trò đánh thầy, thầy đánh trò, thầy gạ trò đổi tình lấy điểm. Công an đánh dân, dân đánh công an, dân đánh dân. Nạn dâm ô trẻ em, xã hội đen hoàng hành, nạn cho vay nặng lãi, nạn cờ bạc, rượu chè, trai gái. Công an bảo kê cho xã hội đen rồi công an đánh nhau với xã hội đen. Luật pháp có như không, ăn trộm con gà, con vịt bị tù 5-7 năm, tham ô ngàn tỉ chỉ bị án treo. Lừa đảo trở thành "lối sống mới".

daoduc1

Xã hội đen quây xe công an sau một vụ xô xát tại Biên Hòa, Đồng Nai năm 2019

An toàn thực phẩm đáng báo động khi vì đồng tiền, lợi nhuận mà người ta sử dụng tràn lan hóa chất độc hại. Các chất phụ gia không được phép vẫn bị cho vào lương thực, thực phẩm. Nạn hàng giả, thuốc giả tràn lan. Buôn bán thuốc giả không chỉ dân thường tham gia mà còn người nhà của lãnh đạo Bộ y tế như trường hợp người nhà của cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến buôn thuốc chống ung thư giả.

Sự khủng hoảng niềm tin dẫn đến hiện tượng mê tín dị đoan. Dương suy thì âm thịnh. Chưa bao giờ mà chùa chiền mọc lên nhiều như vậy, khắp mọi nơi, cái sau to hơn cái trước, chùa Bái Đính và Tam Chúc là những ví dụ. Tư cách và đạo đức của giới tu sĩ cũng xuống cấp theo đạo đức xã hội.

Chạy chức chạy quyền trở thành môn thể thao bắt buộc của mọi công chức nhà nước. Ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ điều đó : "Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự".

Bạo lực gia đình gia tăng khiến tỉ lệ ly hôn tăng theo, nhiều đứa trẻ sẽ thiếu cha hoặc thiếu mẹ. Nạn ăn nhậu, cờ bạc, rượu chè khiến tinh thần và sức khỏe người dân sa sút. Tỉ lệ tội phạm cũng gia tăng theo. Sự dối trá tràn lan từ trong gia đình đến xã hội khiến niềm tin của con người bị đánh mất dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy sống, không ít người sẵn sàng dẫm đạp lên người khác để "thành công", để đạt được mục đích của bản thân.

Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam mà căn bệnh chuộng hình thức, thích oai, thích nổi tiếng, thích được người khác biết đến lại nở rộ một cách không bình thường như bây giờ. Dẫn đầu là các quan chức cộng sản. Các buổi họp hành, lễ hội, mít tinh, kỷ niệm…tràn ngập phông chữ, hoa hòe, cờ trống, tụ tập đông người đón rước. Nội dung không quan trọng bằng "cờ, đèn, kèn, trống".

Vấn nạn "nổ" và "chém gió" trong xã hội Việt Nam đã đạt tầm cao mới. Người ta nói dối, nói nhảm, nói bậy một cách trắng trợn mà không hề biết ngượng. Từ quan chức cao cấp đến báo chí rồi người dân. Ai cũng nổ và "nói không thành có, nói có thành công" một cách tự nhiên.

Thần tượng của trẻ em bây giờ là Khá Bảnh và những anh hùng chém gió, khoe sự giàu sang trên mạng. Các giá trị cũ không còn thích hợp trong khi các giá trị mới chưa kịp hình thành dẫn đến sự lệch lạc trong văn hóa và cách ứng xử của một bộ phận lớn thanh niên và học sinh. 

daoduc2

Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng về văn hóa khi các giá trị cũ đã lỗi thời trong khi các giá trị mới chưa được hình thành và chấp nhận. (Ảnh : Khá Bảnh, một thần tượng quái dị của học sinh ngày nay)

Nguyên nhân

Chính quyền và báo chí Việt Nam luôn đổ lỗi cho sự xuống cấp đạo đức trong xã hội là do mặt trái của kinh tế thị trường. Họ không nhìn thẳng vào sự thật mà vẫn quanh co, ngụy biện rằng vấn đề không có gì quá nghiêm trọng. Chính quyền nhắc đi nhắc lại rằng đất nước chưa bao giờ có cơ đồ như ngày hôm nay. Việt Nam vẫn ổn định, bình yên và phát triển.

"Báo chí cách mạng" luôn cổ vũ cho lối sống gấp, ca ngợi sự giàu sang làm cho người dân bị mê hoặc và hoang tưởng khiến nhiều người lao vào "làm giàu" bất chấp thủ đoạn. Lao động chân chính không có tương lai nên nạn lừa đảo, dối trá và cờ bạc tăng cao. Càng nghèo khổ người ta càng mong chờ vào những thứ may rủi vô hình như siêu nhiên hay thần thánh.

Lối sống xa hoa, hợm hĩnh của nhiều quan chức cộng sản, các ngôi sao giải trí là những tấm gương xấu cho người dân. Các tòa lâu đài nguy nga tráng lệ trên khắp đất nước đa số là của quan chức. Sự ăn chơi của con cháu họ cũng thế, nó hoàn toàn trái ngược với cuộc sống khó khăn của đa số người dân Việt Nam.

Ba trụ cột hình thành nên đạo đức và tư cách của một đứa trẻ mà chúng ta vẫn biết đó là gia đình - nhà trường và xã hội. Trong gia đình thì bố mẹ mải làm ăn và cũng bị dòng xoáy của đồng tiền chi phối, cuốn đi nên không phải ai cũng có thời giờ để dạy dỗ con cái, mọi việc bố mẹ đều khoán trắng cho thầy cô ở trường. Bố mẹ không phải lúc nào cũng là một tấm gương tốt cho con cái. Trẻ em từ nhỏ đã biết và chứng kiến cảnh bố mẹ chạy theo đồng tiền và đút lót, chạy chọt quà cáp từ thầy cô cho đến quan chức. Cha mẹ có thể nói dối mọi người nhưng họ không thể nói dối và qua mặt được con cái họ. Xung đột giữa cha mẹ và con cái đã điều không thể tránh khỏi. Nhà dột từ nóc.

Nhà trường, đáng ra là môi trường khai phóng để truyền đạt kiến thức cho học sinh và nhất là truyền đạt những giá trị đạo đức nền tảng về văn hóa, lối sống, cách cư xử văn minh trong giao tiếp, cách làm việc chung, văn hóa tổ chức và đối thoại... thì giáo dục Việt Nam chỉ biết tuyên truyền một chiều và nhồi sọ. Ngay cả kiến thức căn bản về nghề nghiệp cũng không ra gì nên có nhiều trường hợp sinh viên học xong không thể kiếm được việc làm.

Sự bất bình đẳng trong xã hội Việt Nam cũng là nguyên nhân quan trọng khiến đạo đức xã hội suy đồi. Nền kinh tế hoang dại làm khoảng cách giàu nghèo gia tăng giữa những người quyền thế và người yếu thế. Sự khập khiểng và đối chọi giữa lý thuyết và học thuyết Mác-Lê với thực tại xã hội khiến giới trẻ không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Ví dụ, Đảng cộng sản luôn cho rằng họ là "đại diện cho giai cấp công nhân và nông dân", là "đầy tớ của nhân dân"... nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Họ là một giai cấp khác, giàu sang và có tất cả mọi thứ họ muốn, cuộc sống của họ hoàn toàn xa lạ với cuộc sống của đa số người dân Việt Nam.

Sự kém cỏi của Đảng cộng sản trong việc điều hành quốc gia khiến họ bối rối và tìm cách trốn tránh trách nhiệm khi đổ hết mọi khổ cực và bất hạnh của người dân cho số mệnh. Người dân bất lực và tuyệt vọng nên chỉ còn cách cầu cứu thần linh, trời phật giúp đỡ. Việc chính quyền ủng hộ việc xây dựng chùa chiền cũng là vì thế.

Nguyên nhân cuối cùng mà chúng tôi đồng ý với ông Nguyễn Đình Cống về sự xuống cấp đạo đức xã hội là do sự cộng hưởng giữa văn hóa truyền thống (Khổng giáo) với văn hóa Mác-Lê. Nhiều người cố biện minh là văn hóa Khổng giáo cũng có nhiều cái tốt như đề cao "Nhân – Nghĩa - Lễ - Chí - Tín"... nhưng đó là những giá trị tiến bộ chung của cả loài người. Thử tìm xem có nền văn hóa nào không cổ vũ cho những đức tính đó ? Sự giả dối và bạo lực trong văn hóa Khổng giáo hoàn hoàn phù hợp với bản chất khủng bố của chủ nghĩa Mác-Lê.

daoduc3

Bệnh hình thức "cờ, đèn, kèn, trống" của quan chức chính quyền đang ảnh hưởng xấu đến xã hội. (Ảnh minh họa : Đại hội đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc chất đầy hoa)

Giải pháp

Chúng ta phải đồng ý với nhau rằng tất cả những vấn nạn tại Việt Nam trong đó có sự xuống cấp về văn hóa và đạo đức chỉ có thể giải quyết nếu đất nước có dân chủ. Dân chủ không phải chiếc đũa thần để thay đổi tất cả sau một đêm nhưng dân chủ là giải pháp duy nhất để chúng ta nhận diện những vấn đề của đất nước một cách đầy đủ và sau đó là tìm kiếm những giải pháp khả khi và những con người có năng lực để cùng nhau giải quyết các vấn đề đó.

Phải có dân chủ thì mới có tự do báo chí. Báo chí là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ và tôn vinh những cái đẹp cái tốt trong xã hội và cũng là công cụ để răn đe, lên án những cái xấu cái ác đang hoàng hành.

Phải có dân chủ thì Việt Nam mới có một nền tư pháp lành mạnh và nghiêm minh thay vì một hệ thống tư pháp áp đặt và tùy tiện như bây giờ.

Phải có dân chủ thì mới có nền giáo dục khai phóng thay vì nền giáo dục nhồi sọ và một chiều như hiện nay. Trừ một số nhỏ có điều kiện cho con ra nước ngoài còn lại đa số con em chúng ta đang phải tiếp tục học tập trong môi trường giáo dục dối trá và áp đặt. Một thầy giáo dạy Anh văn ở Long Thành, Đồng Nai mới đây đã viết đơn xin nghỉ việc vì không chịu nổi môi trường "phi giáo dục và dối trá" là một ví dụ.

Phải có dân chủ thì Việt Nam mới có một xã hội dân sự phát triển và lành mạnh. Các tổ chức dân sự là một lá chắn giúp người dân tránh được các tai họa, từ môi trường cho đến việc bạo hành các bà mẹ và trẻ em...

Điều sau cùng mà chúng tôi muốn nói đó là người Việt Nam cần phải có một cái nhìn khác, một quan niệm khác về quyền lực, sự giàu có và bằng cấp. Quyền lực chỉ được nhìn nhận khi nó có sự chính đáng. Các quan chức chính quyền chỉ có chính danh khi được người dân bầu chọn một cách dân chủ. Sự giàu có cũng vậy, nó chỉ có ý nghĩa khi xuất phát từ những cố gắng và nỗ lực lành mạnh và lương thiện chứ không phải kiếm tiền và làm giàu bằng thủ đoạn và dối trá. Tiền bạc rất quan trọng nhưng nên xem nó là phương tiện thay vì mục đích sống. Đa số các tỉ phú trên thế giới đều dành phần lớn tiền bạc của mình để làm từ thiện thay vì để lại cho con cháu. Bằng cấp cao không nói lên được gì nhiều, nên xem đó chỉ là chứng chỉ cho một thời gian học hành và nghiên cứu nghiêm túc của bản thân. Bằng cấp không thể thay thế cho kiến thức thực sự và nhân cách của mỗi người.

Ngoài quyền lực, sự giàu có và bằng cấp, con người còn nhiều niềm vui và hạnh phúc khác như âm nhạc, hội họa, thơ văn, du lịch, làm từ thiện...Hạnh phúc lớn nhất của đời người là được theo đuổi những đam mê và lý tưởng của mình. Niềm vui lớn nhất là được cống hiến cho xã hội, cho mọi người và nếu có thể đóng góp cho tiến trình dân chủ hóa đất nước thì càng tốt.

Quyền lực, sự giàu có và bằng cấp chỉ là phù du và sẽ qua đi. Cái mà mỗi người có thể để lại cho đời và không bao giờ mất đi đó là một trí tuệ uyên bác và một tâm hồn cao cả.

Việt Hoàng

(23/11/2021)  

Published in Quan điểm
samedi, 15 mai 2021 09:42

Người Việt hời hợt ?

Tuần qua website Thông Luận đã đăng nhiều bài của các tác giả nói về những "thói hư tật xấu" của người Việt như "Người xưa cảnh tỉnh" của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Úc), "Nhớ cụ Tản Đà" của Chu Văn (Úc), "Trở ngại của dân chủ là văn hóa nhân sĩ" (Việt Hoàng), "Không khí xã hội Việt đương thời" và "Nông dân trong mắt tôi" của nhà giáo Thái Hạo... Mục đích cũng là để người Việt chúng ta nhìn lại mình, soi lại mình để cùng nhau tiến bộ và tốt lên chứ không phải để chỉ trích hay dèm pha, đổ lỗi cho nhau. Tất cả chúng ta đều là người Việt nên đều mang trong mình những thói hư tật xấu mà văn hóa và lịch sử để lại. Biết mình xấu chỗ nào để sửa là điều phải làm của những người cầu tiến và văn minh.

Một sự thật buồn là cho đến giờ dân tộc Việt Nam vẫn chưa có được điều mà cả thế giới đã có đó là tự do và dân chủ. Chế độ độc tài cộng sản tại Việt Nam không phải từ trên trời rơi xuống mà là một di sản của lịch sử. Chế độ cộng sản thực ra chỉ là chế độ phong kiến theo Khổng giáo đã được cải biên. Nó phù hợp với văn hóa và tư duy của người Việt Nam nên đã ăn sâu bén rễ vào xã hội cho đến tận bây giờ. Muốn thay đổi ách độc tài toàn trị đó bắt buộc chúng ta phải thay đổi văn hóa và tư duy về chính trị.

Thay đổi nó bằng cách nào ? Câu hỏi này anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nghiên cứu, tìm hiểu, đúc kết, trình bày và giải thích rất nhiều lần trong suốt gần 40 năm qua. Đầy đủ, cụ thể và chi tiết nhất là cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của ông Nguyễn Gia Kiểng. Cuốn sách đó đã giải thích vì sao chúng ta lại là chúng ta như bây giờ và làm thế nào để thoát khỏi hoàn cảnh bi đát hiện nay... Chung qui tất cả vấn để đều nằm ở tâm lý và văn hóa. Thay đổi được tâm lý và văn hóa chúng ta sẽ thay đổi được số phận của dân tộc Việt Nam.

Mặc dù chúng tôi đã nói nhiều về vấn đề này nhưng sự thực là vẫn chưa tạo ra được nhiều thay đổi vì thay đổi văn hóa và tư duy của cả một dân tộc đã được tích lũy, thẩm thấu trong hàng ngàn năm chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Cuộc cách mạng dân chủ mà chúng tôi đề nghị cũng là một cuộc cách mạng văn hóa. Dù rất khó và gian nan nhưng đường nào cũng phải làm nếu không muốn dân tộc Việt Nam bị thua kém so với thế giới tiến bộ. Không phải chỉ mỗi chúng tôi nhận ra điều đó mà rất nhiều người Việt Nam ưu tư với đất nước cũng đã nhận ra được bản chất của vấn đề.

Điều quan trọng cần làm trong lúc này là cùng nhau chia sẻ, lên tiếng và ủng hộ cho việc thay đổi văn hóa và tư duy, trước là cho mình và sau là cho tất cả mọi người. Vượt qua chính mình, đối diện với chính mình là khó nhất. Nỗ lực này không cần hy sinh bản thân hay một cái gì đó quá lớn mà chỉ cần mỗi người trong chúng ta thành thật và dũng cảm với... chính bản thân mình. Chúng ta cần đoạn tuyệt với văn hóa Khổng giáo một lần và mãi mãi để tiếp nhận những giá trị mới của thời đại dựa trên sự thật và lẽ phải.

nguoi1

Người Việt mang cả những thói hư tật xấu của mình khi ra nước ngoài... Một nhà hàng ở Thái Lan cảnh báo người Việt khi lấy quá nhiều đồ ăn nhưng không ăn hết sẽ bị phạt.

Những lời tổng kết của nhà cách mạng dân chủ đầu tiên, cụ Phan Châu Trinh (1872-1926) về những điểm yếu của người Việt gần 100 năm sau vẫn còn đúng. 10 điều bi ai của dân tộc mà cụ Phan Châu Trinh đúc kết đó là :

1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước, thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đọa đày.

2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề, thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.

3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc, thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.

4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.

5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có, thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.

6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết, thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.

7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo, thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.

8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.

9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân, thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.

10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là "đầy tớ" của dân, được dân tín nhiệm, thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…

Sau gần 100 năm, chúng ta đã thay đổi được bao nhiêu ? Sự thật buồn là không bao nhiêu. Hãy cùng chúng tôi tham khảo 12 đặc điểm của một người Việt Nam hời hợt qua một tác phẩm ngắn về Khảo luận văn hóa của tác giả Huỳnh Chí Viễn : "Người Việt hời hợt". Barry Huỳnh Chí Viễn là một giáo viên dạy tiếng Anh đang sống và làm việc tại Sài Gòn. Chúng ta thử kiểm điểm xem có đúng như vậy không ? Chúng ta đã thay đổi được bao nhiêu phần rồi ? Và có nên thay đổi không hay mặc kệ, ai nói gì thì nói ? Nên nhớ người Việt không chỉ hời hời hợt trong chính trị mà là trong mọi lĩnh vực. Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho bọn lừa đảo kiếm tiền. Hai vụ lừa đảo trên sàn giao dịch điện tử mới nhất là Coolcat.com và Busstrade... là ví dụ.

nguoi2

Khảo luận văn hóa : "Người Việt hời hợt" của tác giả Huỳnh Chí Viễn.

1. Có hiểu biết nông cạn và sơ sài về một vấn đề

Các bạn trẻ bây giờ hiếm có ai hiểu một cách thấu đáo về một vấn đề nào. Tôi nhiều lần cảm thấy rất bất ngờ vì có những kiến thức tưởng chừng rất phổ thông, rất cơ bản mà các bạn đều không biết hoặc hiểu biết rất sơ sài. Nếu bị bắt buộc phải tìm hiểu thì các bạn trẻ thường làm qua loa cho có, chứ không hề đào sâu vào. Họ thường có khuynh hướng chọn những gì ngắn gọn và sợ đọc dài. Chính vì tính hời hợt qua loa này mà rất nhiều người chỉ cần đọc tiêu đề của một bài báo thôi đã vào phán như mình hiểu hết mọi chuyện.

2. Không có hứng thú hoặc sự tò mò đối với kiến thức mới lạ

Kiến thức là vô hạn nên chúng ta chỉ có thể biết nhiều hoặc biết ít chứ không thể nào biết hết được mọi việc. Tuy nhiên con người chỉ học được và tiến bộ khi có sự tò mò và hứng thú với những điều chưa biết. Khi con người trở nên thờ ơ và không hề có đam mê với kiến thức thì việc học chỉ đơn thuần là nhai lại những gì mà người khác cho mình chứ không có sự tìm tòi học hỏi. Các bạn học sinh sinh viên ngày nay dường như thiếu hẳn niềm đam mê với kiến thức. Tôi thường chia sẻ cách học tiếng Anh của mình lúc trẻ là luôn tò mò với những gì có tiếng Anh mà tôi bắt gặp ở bất cứ nơi đâu : một câu slogan trên bảng quảng cáo, một bao bì sản phẩm, một hướng dẫn bằng tiếng Anh ở nơi công cộng… nhưng hầu như rất ít học viên của tôi chịu để ý đến những điều này. Mỗi ngày tôi đều đọc rất nhiều về nhiều đề tài để tự nâng cao kiến thức của mình mà vẫn thấy mình còn quá nhiều điều chưa biết và muốn tìm hiểu.

3. Lười suy luận, không thích thử thách

Khi phải đối diện với những vấn đề hóc búa cần suy luận nghiêm túc, phần lớn các bạn học viên của tôi thường đưa ra một câu trả lời ngẫu nhiên theo kiểu ăn may rồi chờ câu trả lời của tôi để ghi chép lại. Nhiều bạn luôn chuẩn bị câu trả lời : "Em không biết !" mỗi lẫn được hỏi tới như một phản xạ vô điều kiện bất kể câu hỏi đó dễ hay khó. Nhiều lúc tôi phải nửa đùa nửa thật nói rằng bạn không sợ lương tâm mình cắn rứt khi trả lời tôi rằng "em không biết" một cách nhanh chóng và dứt khoát như thế. Lười suy nghĩ là một thói quen giết chết khả năng tư duy của con người và biến họ thành những kẻ chỉ biết nghe lời người khác bất kể đúng sai.

4. Không có khả năng kết nối và tổng hợp thông tin

Những người hời hợt thường chỉ nhìn thấy những thứ nổi trên bề mặt mà ít khi nào chịu khó đào sâu vào những tầng dưới của một vấn đề. Chính vì vậy họ thường không nhận thức được những ẩn ý bên trong, không thấy được mối liên hệ giữa những vấn đề có liên quan, không áp dụng được những kiến thức cũ đã học vào thực tế và cũng không có khả năng khái quát hóa những điều cụ thể để rút ra một khái niệm chung. Ngược lại, khi học một khái niệm mang tính chất trừu tượng, họ không có khả năng tự mình liên tưởng đến những ví dụ cụ thể liên quan đến khái niệm đó. Nói một cách khác, những người hời hợt học một biết một, học hai biết hai chứ hiếm khi tự mình liên kết hay tổng hợp những kiến thức rời rạc đã học được.

5. Tranh luận theo cảm tính, ít khi thấy được tính logic của vấn đề

Thật đáng buồn là hầu hết các bạn sinh viên, thậm chí thạc sĩ hoặc đã ra đi làm đều không có khả năng trình bày hoặc lý giải vấn đề một cách có logic. Chính vì lười suy nghĩ và lười tra cứu tìm tòi, những luận điểm các bạn đưa ra thường rất ngây ngô, thiếu thực tế và đầy cảm tính như kiểu tư duy của các em học sinh tiểu học. Những lý do đưa ra thường rời rạc chắp vá, kiểu bất chợt nghĩ tới cái gì thì nói cái đó chứ không hề có sự sắp xếp hoặc liên kết chúng với nhau theo một thứ tự hợp lý. Nhiều lúc tôi tự hỏi những năm tháng học đại học đã dạy được cho sinh viên Việt Nam những kỹ năng gì hay thực sự đã giết chết những kỹ năng quan trọng nhất của một sinh viên ?

6. Sợ nói đến những chủ đề "nhạy cảm"

Có rất nhiều bạn "trí thức trẻ" (tạm gọi là thế nếu chỉ dựa vào trình độ học vấn) rất ngại đụng chạm đến những vấn đề nghiêm túc hoặc nhạy cảm như kinh tế, chính trị, lịch sử, khoa học… vì những đề tài này rất nhức đầu. Có người còn rất tự hào khi tuyên bố mình không thích nói về chính trị hoặc quan tâm đến những chuyện "không phải của mình" mà chỉ quan tâm tới những gì liên quan tới công việc hiện tại là đủ. Nếu bạn chú ý nghe những câu chuyện của các cô cậu sinh viên thì mới thấy thế giới quan của họ thực sự nhỏ hẹp một cách đáng lo ngại. Câu chuyện của họ xoay quanh những việc chơi game, cua gái, cua trai, ăn gì, chơi đâu... thì không có gì nghiêm túc cả. Gần đây có một bạn trình độ thạc sĩ hỏi tôi BOT là cái gì, em nghe người ta nói man mán nhưng không hiểu lắm. Tôi hỏi nếu vậy tại sao em không tự mình tìm hiểu. Bạn đó cười cười không nói gì và tôi cũng không chắc là bạn có về tìm hiểu không nữa ?

7. Thích theo những trào lưu mới nổi nhưng không bền

Hễ có trào lưu nào mới, bất kể là có ý nghĩa hay không thì những bạn trẻ đều theo một cách hăng say nhưng chỉ cần vài tuần khi có trend mới hơn thì họ lại chạy theo trend mới. Đây không phải là sự tò mò cầu tiến mà chỉ đơn thuần là sự hời hợt ham vui bên ngoài, cái gì hot, cái gì dễ thì mình theo nhưng nhanh chóng vứt bỏ nó để đi tìm một món đồ chơi mới vui hơn, lạ hơn. Còn cái gì cần phải tốn nhiều thời gian để tìm hiểu thì chắc chắn sẽ không có phần của các bạn. Điều này sẽ giết chết sự kiên nhẫn và lòng đam mê đối với một điều gì đó nghiêm túc, những đức tính rất cần thiết cho sự thành công lâu bền.

8. Tin theo những gì hợp ý mình bất kể tính xác thực

Khái niệm tìm hiểu thông tin đa chiều để kiểm chứng tính xác thực của thông tin mình nhận được dường như không hề tồn tại đối với rất nhiều người Việt Nam. Điển hình là trên facebook, rất nhiều người share hoặc viết những status mà chỉ cần đọc sơ qua là biết là fake news nhưng họ share bởi vì họ thích nội dung đó. Khi được nhắc nhở, có nhiều người tìm mọi cách cãi chày cãi cối hoặc công kích cá nhân để bảo vệ sự thiếu hiểu biết của mình. Chia sẻ thông tin là một điều tốt, nhưng chỉ chia sẻ những gì hợp ý mình mà thiếu kiểm chứng tính xác thực hoặc không đọc kỹ để tìm ra những điểm ngụy biện hoặc vô lý chứng tỏ sự hời hợt và lười tư duy của người chia sẻ.

9. Khả năng sử dụng ngôn ngữ kém

Muốn đánh giá khả năng tư duy của một người, hãy quan sát cách họ sử dụng ngôn ngữ nói và viết vì ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất của tư duy. Những người sâu sắc là những người có khuynh hướng sử dụng từ ngữ chính xác, cấu trúc câu gãy gọn và các thức biểu đạt hợp lý. Vì họ chú trọng đến hiệu quả của việc truyền tải thông tin của mình đến người nghe nên khi nói hoặc viết họ sẽ tìm cách để đối phương hiểu được thông điệp một cách rõ ràng, cụ thể và đúng đắn nhất. Họ không nói thừa và cũng không nói thiếu, không dùng những từ ngữ dễ gây hiểu lầm hoặc khó hiểu và điều chỉnh giọng nói của mình về âm lượng cũng như biểu cảm hợp lý. Khi viết họ sẽ chú ý đến cấu trúc câu, lỗi chính tả, cách sử dụng dấu câu, cách viết hoa và hiếm khi viết tắt. Ngược lại những người hời hợt thường không chú ý đến hiệu quả của việc truyền tải thông tin qua kênh nói và viết. Họ thường có khuynh hướng nói tắt nói gọn và hy vọng người nghe phải hiểu những gì mình không nói hoặc nói dài dòng lê thê những điều không quan trọng. Khi buộc phải phát biểu ý kiến, họ thường nói một cách miễn cưỡng, không đầu không đuôi với âm lượng chỉ đủ cho bản thân họ nghe khiến cho người đối thoại phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần, hoặc đặt ra nhiều câu hỏi gợi ý nếu muốn nghe được câu trả lời hoàn chỉnh. Khi viết, những người hời hợt thường viết sai chính tả những từ đơn giản, chấm phẩy hoặc viết hoa tùy tiện và thường hay viết tắt theo thói quen của mình.

10. Kém ngoại ngữ

Để học tốt một ngoại ngữ, bạn không thể hời hợt qua loa vì mỗi ngôn ngữ đều chứa đựng một logic riêng của nó. Học ngôn ngữ không đơn thuần là học thuộc mẫu câu, từ vựng hoặc công thức rồi lặp lại như cái máy mà phải học cách tư duy của ngôn ngữ đó. Tôi dạy tiếng Anh nhiều năm nên hiểu rất rõ sự qua loa và hời hợt trong cách tư duy của người Việt Nam khi học tiếng Anh. Nếu đổ lỗi hết cho chất lượng đào tạo tiếng Anh ở bậc phổ thông và đại học ở Việt Nam quá kém thì cũng không hẳn vì khi có điều kiện học nghiêm túc và hướng dẫn tận tình, đa số người Việt vẫn rất ẩu tả trong các phát âm, dùng thì, sử dụng danh từ theo số ít số nhiều… nói chung là đều là những lỗi rất đơn giản và rất dễ khắc phục nếu chịu chú ý. Có những lỗi rất cơ bản được tôi phân tích kỹ, cho rất nhiều ví dụ cụ thể nhưng sau đó thì các bạn học viên của tôi vẫn sai đúng những lỗi đó hết lần này tới lần khác. Điều này chứng tỏ rằng các bạn vẫn học tiếng Anh bằng tư duy của người Việt nên không có sự tiến bộ cho dù học rất lâu.

11. Trình độ thẩm mỹ thấp

Để cảm nhận được những giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật như văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh hoặc kịch nghệ, người thưởng thức phải có một trình độ văn hóa và một độ tinh tế nhất định. Những người hời hợt không có chiều sâu sẽ không thích những tác phẩm đòi hỏi kiến thức cũng như trình độ để có thể cảm thụ được và thường có khuynh hướng chọn những gì đơn giản dễ dãi chủ yếu là để giải trí là chính. Và chính sự dễ dãi thiếu chiều sâu của những sản phẩm giải trí đó tác động ngược lại khiến cho người xem hoặc người nghe trở nên hời hợt và cảm tính hơn. Nhạc não tình, truyện và phim ngôn tình, các gameshow truyền hình là những thứ giết chết tư duy logic của con người hiệu quả nhất vì nó chỉ đánh vào cảm xúc thuần cảm tính chứ không đòi hỏi suy luận hoặc cảm thụ sâu sắc.

12. Không có tính sáng tạo

Để sáng tạo, con người cần có một nền tảng kiến thức sâu rộng về một hoặc nhiều lĩnh vực cùng với một trí tưởng tượng phong phú. Đồng thời một người sáng tạo là một người có tinh thần cầu toàn và kiên nhẫn rất cao. Đây là những đức tính những người hời hợt thiếu chiều sâu không có vì cái gì phải mất công mất sức mà không mang lại kết quả nhanh chóng cho họ đều khiến họ nản lòng và bỏ cuộc. Sinh viên học sinh Việt Nam học giỏi chủ yếu là học vẹt và rập khuôn chứ sáng tạo thì không thể vì kiến thức các bạn học chỉ là bề nổi và sự sáng tạo thì bị bóp chết từ trong trứng nước (*)

Việt Hoàng

(15/5/2021)

(*) FB. Barry Huỳnh Chí Viễn, 07/10/2019

Published in Quan điểm