Một trong những sự kiện nổi bật năm 2021 là cuộc khủng hoảng giữa Nga với Ukraine. Trong mấy tháng qua Nga đã tập trung 175.000 quân tại khu vực sát với biên giới Ukraine. Mỹ, EU và Ukraine lên tiếng chỉ trích và cảnh báo thế giới về một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine. Nga lên tiếng bác bỏ rằng họ không có ý định xâm lược Ukraine nhưng đồng thời bày tỏ một thái độ cứng rắn với Mỹ và EU là không được kết nạp Ukraine vào NATO cũng như EU. Putin cũng yêu cầu NATO không được mở rộng ảnh hưởng về phía đông, gần với biên giới Nga. Putin cho rằng điều đó đe dọa an ninh nước Nga.
NATO và EU đã từ chối yêu cầu của Putin vì cho rằng Ukraine là một quốc gia độc lập và có chủ quyền vì vậy quan hệ giữa Ukraine với EU là chuyện nội bộ của họ với nhau, Putin không có quyền ra lệnh cho họ được chơi với ai và chơi như thế nào. Putin đe dọa sẽ dùng các biện pháp “quân sự và kỹ thuật” để đáp lại các khiêu khích từ EU. Liệu rằng sẽ có một cuộc chiến nổ ra giữa Nga và Ukraine không?
Nga quá yếu để gây chiến với EU
Liên bang Xô Viết từng là một quốc gia hùng mạnh, là đối trọng với cả Mỹ lẫn phương Tây từ sau thế chiến Hai. Tuy nhiên đế quốc đó đã sụp đổ cách đây 30 năm (25/12/1991). 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô đã tuyên bố độc lập trong đó có Ukraine. Chỉ có ba nước nhỏ vùng Baltic là may mắn thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Nga là Litva, Latvia và Estonia để gia nhập EU. Georgia và Ukraine phải trải qua nhiều cuộc cách mạng màu nữa mới thoát khỏi quĩ đạo của Nga nhưng cái giá họ phải trả khá đắt. Georgia mất hai vùng đất là Nam Ossetia và Abkhazia, Ukraine mất bán đảo Crime và vùng Donbass còn các nước khác tại Trung Á và Belarus vẫn chịu hoàn toàn sự chi phối của Nga.
Putin, nhà lãnh đạo Nga hiện nay muốn khôi phục lại vị thế siêu cường của nước Nga xưa kia nên đã tìm mọi cách duy trì ảnh hưởng tại các khu vực thuộc Liên Xô trước đây. Putin không ngần ngại sử dụng vũ lực để sát nhập bán đảo Crime của Ukraine năm 2014 và hậu thuẫn cho phe ly khai tại vùng Donbass chống lại chính quyền Ukraine. Putin cũng can thiệp quân sự vào Syria để duy trì ảnh hưởng trong khu vực và thế giới trước sự nhu nhược của chính quyền Obama.
Kinh tế Nga phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt, dầu mỏ và buôn bán vũ khí.
Kinh tế của Nga không mạnh, GDP năm 2020 chỉ vào khoảng 1,46 nghìn tỉ USD, sau cả Ý và Hàn Quốc. Nga không sản xuất được gì có giá trị ngoài việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như khí đốt và dầu hỏa. Đương nhiên là có cả việc sản xuất và xuất khẩu vũ khí và lính đánh thuê. Sau sự vui mừng vì lấy được Crime của Ukraine, người dân Nga phải đối mặt với sự cấm vận của Mỹ và EU. Cuộc sống của người dân Nga trở lên khó khăn hơn và tỉ lệ tín nhiệm của Putin giảm từ 80 - 90% xuống còn chưa đến 40%. Có đến 20% người Nga muốn rời bỏ đất nước trong đó tỉ lệ này ở giới trẻ là 44%. Dân số Nga đang suy giảm một cách báo động. Theo tuần báo Pháp L’Express thì chỉ trong một năm, từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2021 dân số Nga đã bị giảm gần một triệu người. Nga quá yếu để gây chiến với Ukraine cũng như với EU. Putin có lẽ chỉ đang chơi trò “mèo vờn chuột, mềm nắn rắn buông” với Ukraine và EU.
Vì sao Putin gây hấn với Ukraine?
Chúng ta cần biết một điều rằng thủ đô Kiev hiện nay của Ukraine từng là cái nôi của người Rus, tổ tiên của người Nga, Ukraine và Belarus. Người dân Nga và Ukraine xem nhau như là anh em và khu vực phía Đông Ukraine vẫn nói tiếng Nga. Việc mất Ukraine là một điều khó chấp nhận với Putin và người Nga. Tuy nhiên quan hệ của Nga và Ukraine không bao giờ quay trở lại như xưa. Sau khi Nga dùng vũ lực sát nhập bán đảo Crime và xâm chiếm vùng Donbass thì người dân Ukraine đã xem Nga là quân xâm lược, là kẻ thù mà họ phải chiến đấu đến cùng.
Người dân Nga biểu tình phản đối chiến tranh với Ukraine (9/2014).
Putin không có lý do gì để xâm chiếm Ukraine ngoài cách khiêu khích để Ukraine tấn công dân quân vùng Donbass để lấy cớ chiếm luôn những vùng khác của Ukraine. Ngay cả trong trường hợp Putin quyết định xâm chiếm Ukraine thì điều đó cũng không phải là chuyện dễ dàng. Quân đội của Ukraine không còn như cách đây 7 năm về trước, khi Nga lấy Crime và Donbass. Quân đội Ukraine hiện nay xếp hạng 25 trên 140 quốc gia với 250.000 quân. Vũ khí của Ukraine đã được nâng cấp đáng kể nhờ sự ủng hộ của Mỹ và EU cũng như năng lực sản xuất vũ khí của Ukraine. Đừng quên Ukraine từng là một trong những nước xuất khẩu vũ khí trên thế giới.
Một cuộc chiến như vậy sẽ rất tốn kém và nguy hiểm với nước Nga chưa kể các biện pháp cấm vận của thế giới. Cũng nên biết rằng, Nga có thể chiếm Ukraine nhưng để quản lý và duy trì tình trạng chiếm đóng thì rất khó. Chi phí cho chiến tranh là rất lớn mà ngay cả một quốc gia giàu có như Mỹ cũng phải bỏ chạy khỏi Afganistan.
Việc Putin yêu cầu NATO không được kết nạp Ukraine và mở rộng về phía Đông giáp với Nga chỉ là lý cớ. EU không bao giờ muốn chiến tranh với Nga, một cường quốc hạt nhân. Hơn nữa chiến tranh hiện đại không nhất thiết phải dùng đến bộ binh. Tên lửa liên lục địa (ICBM) có tầm bắn trên 5.500 km nên biên giới không còn nhiều ý nghĩa. Putin biết điều đó nhưng vẫn cố tình tạo ra một tình trạng xung đột tại biên giới với Ukraine là để chuyển sự chú ý của người dân Nga ra bên ngoài. Gây gỗ với bên ngoài để đoàn kết bên trong luôn là chiêu bài quen thuộc của các chế độ dân túy và dân tộc chủ nghĩa.
Lý do quan trọng nhất khiến Putin yêu cầu EU không được mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến sát biên giới với Nga là vì Putin không muốn làn sóng dân chủ tràn đến nước Nga. Thử hình dung một nước Ukraine dân chủ và phồn vinh mà lại có quan hệ mật thiết với người dân Nga thì địa vị của Putin có còn an toàn không? Tất nhiên là không. Đó mới là nổi ám ảnh thật sự đối với Putin.
Mỹ và EU sẽ đối phó thế nào với Putin?
Hai năm qua đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nước Nga, khoảng 660.000 người Nga đã thiệt mạng vì Corona virus. Nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn khiến cuộc sống người dân ngày càng sa sút. Người dân Nga đã bày tỏ thái độ không hài lòng với Putin. Lo sợ phản ứng của người dân nên Putin đã ra tay trấn áp mạnh mẽ các tiếng nói bất đồng và phong trào dân chủ Nga. Lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc suýt chết hồi tháng 8/2020, may nhờ Đức cứu chữa nên đã qua khỏi. Khi trở về nước ông đã bị bắt và tống giam bất chấp sự phản đối của dư luận thế giới.
Lãnh đạo đối lập Alexei Navalny bị bắt và kết án 3,5 năm tù sau khi chữa bệnh từ Đức trở về hồi tháng 1/2021.
Bất ổn nội bộ cộng thêm thái độ dứt khoát của Ukraine khi hướng về EU khiến Putin lấy quyết định gây hấn với Ukraine. Putin cần có lý do để đoàn kết người dân Nga xung quanh chính quyền. Putin là một nhà độc tài mà nhà độc tài nào cũng phải dân túy (mị dân). Putin luôn tìm cách khơi dậy ánh hào quang đã đánh mất của đế quốc Nga ngày xưa đồng thời Putin luôn tìm cách thuyết phục người dân Nga rằng những khó khăn mà họ đang phải chịu đựng đều do Mỹ và phương Tây gây ra...
Mỹ và EU sẽ không mắc mưu Putin. Một mặt họ sẽ kiên quyết phản đối thái độ trịnh thượng của Putin khi yêu cầu họ không được kết nạp Ukraine vào NATO và EU. Mặt khác EU sẽ không khiêu khích Putin và tạo lý do để Putin gây hấn bằng cách chưa kết nạp Ukraine vào NATO. EU sẽ tiếp tục giúp đỡ Ukraine một cách toàn diện, nhất là tăng cường viện trợ kinh tế và nâng cao năng lực phòng thủ cho Ukraine. Chính quyền Ukraine cũng đủ sáng suốt để không tạo lý cớ cho Putin gây hấn.
Tương lai của Putin rất bấp bênh chứ không hề vững chắc. Nếu đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục thì nước Nga còn lún sâu vào khủng hoảng. Nước Nga có thể sẽ có những thay đổi lớn trong vài năm tới.
Việt Hoàng
(27/12/2021)