Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một trí thức Việt Nam đã khẳng định dứt khoát "tôi tranh đấu để xóa bỏ chế độ độc tài", người đó chính là nhà báo tự do Phạm Đoan Trang vừa bị chính quyền Việt Nam bắt hôm 6/10/2020 tại Sài Gòn. Chúng tôi vẫn không thể nào hiểu được lý do Đoan Trang bị bắt. Cô ấy vẫn làm những việc như vậy hàng chục năm nay, cô ấy cũng không đe dọa cho sự tồn vong của Đảng cộng sản, cô ấy không thành lập hay tham gia một tổ chức chính trị nào mà chỉ là một nhân sĩ, tranh đấu độc lập. Bắt Đoan Trang chính quyền cộng sản hoàn toàn bất lợi vì cô ấy là một khuôn mặt được thế giới biết đến. Vậy nên chỉ có thể giải thích việc bắt bớ này là do nội bộ Đảng cộng sản đang lúng túng và khó khăn trước Đại hội 13 nên họ đã hành động thiếu suy nghĩ.

Hội nghị 13 của Đảng cộng sản kết thúc với việc chốt xong danh sách nhân sự cho trung ương khóa 13 (bao gồm những người tái cử và người mới) nhưng bộ tứ gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội vẫn chưa ngã ngũ mà vẫn phải tiếp tục mặc cả trong nội bộ cho đến các Hội nghị trung ương tiếp theo. Ông Nguyễn Phú Trọng đã già và bệnh tật nhưng vẫn không rõ là sẽ về hưu hay tiếp tục tại vị. Chỉ riêng việc này thôi cũng cho thấy sự bế tắc, chia rẽ và đấu đá nội bộ rất dữ dội. Đảng cộng sản không còn duy trì được sự độc tài trong nội bộ đảng vì họ không còn lý tưởng, thậm chí một ảo tưởng (là chủ nghĩa cộng sản).

dcs1

Đảng cộng sản không còn lý tưởng, thậm chí một ảo tưởng.

Một tổ chức chính trị luôn phải chia sẻ với nhau một tư tưởng chính trị để tạo ra sự đồng thuận trong tổ chức. Đảng cộng sản đã mất đồng thuận vì chủ nghĩa cộng sản đã chết. Họ chỉ còn là một đám đông gắn kết với nhau vì quyền lợi vì vậy sự đấu đá nội bộ để tranh dành quyền lực và quyền lợi chỉ có thể gia tăng. Xin nhắc lại một đúc kết của anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) là người ta không thể nào đoàn kết được với nhau trong một tổ chức nếu không chia sẻ và đồng thuận trên một tư tưởng chính trị. Sẽ là sai lầm khi cho rằng chỉ cần đồng ý với nhau trên những vấn đề cụ thể là có thể bắt tay hành động.

Gần bốn tháng trước Đại hội 13, ghế trong trung ương đảng đã chia xong về cơ bản. Dù vậy thay đổi vẫn có thể xảy ra vào phút cuối. Đảng cộng sản hoàn toàn bế tắc về tư tưởng nên dẫn đến bế tắc về đường lối. Một ví dụ, đại dịch do Covid-19 gây ra đang làm thay đổi thế giới và hình thành một trật tự dân chủ mới, trong đó Trung Quốc và Nga bị xem như là mối đe dọa cho hòa bình thế giới… Tuy nhiên báo cáo chính trị của Đại hội 13 không nhắc gì đến những sự kiện quan trọng đó. Đảng cộng sản không còn nhân sự và những người có tấm lòng, tất cả chỉ vì cái ghế và quyền lợi của phe nhóm.

Người dân Việt Nam cần có thái độ nào với Đảng cộng sản? Bản báo cáo chính trị, quyết định đường lối cho Việt Nam trong 5 năm tới vẫn chưa công bố cho người dân được biết mặc dù có biết cũng chẳng thay đổi được gì trong đó. Chủ nghĩa cộng sản và tư tưởng Mác - Lê vẫn được nhắc tới và xem như kim chỉ nam của đảng. Việc "xoay trục" sang Mỹ và các nước dân chủ, rời bỏ quĩ đạo của Trung Quốc vẫn không được công khai mà chỉ tiến hành một cách âm thầm và chậm chạp trên thực tế. Các nhân sĩ trí thức Việt Nam "góp ý" với đảng ngày càng ít và nội dung cũng không có gì mới ngoài chuyện yêu cầu Đảng cộng sản phải thay đổi theo dòng chảy lịch sử bằng cách dân chủ hóa đất nước. Tất nhiên là các đề nghị này sẽ không bao giờ được Đảng cộng sản lắng nghe và có nghe thì họ cũng không làm được. Đảng cộng sản là chế độ độc tài nên không thích hợp với dân chủ. Gần đến đại hội đảng, các ứng cử viên hàng đầu thay thế ông Trọng càng lên gân để thể hiện lập trường độc tài như Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc…

dcs2

Ông Nguyễn Xuân Phúc dự buổi lễ 75 năm ngày truyền thống công an và nhắc lại khẩu hiệu "công an chỉ biết còn đảng còn mình".

Phong trào dân chủ Việt Nam từ trước đến giờ vẫn chủ trương "xóa bỏ chế độ độc tài cộng sản" bằng mọi giá kể cả bạo lực. Sau 45 năm thì mục tiêu đó vẫn không đạt được. Các tổ chức chính trị đối lập lần lượt ra đời và lần lượt tan rã, thậm chí ngay cả khi không bị Đảng cộng sản đàn áp. Các nhân sĩ tranh đấu một mình bằng cách chỉ trích chế độ cũng mệt mỏi và bỏ cuộc dần. Các tổ chức xã hội dân sự cũng không khá hơn bao nhiêu.

Tập Hợp là một tổ chức chính trị dân chủ đối lập của Việt Nam và cũng muốn "xóa bỏ chế độ độc tài", nhưng không chỉ có thế, chúng tôi còn muốn thiết lập một thể chế dân chủ đa nguyên cho Việt Nam. Đây là khác biệt lớn nhất giữa Tập Hợp và các tổ chức khác. Chúng tôi có một dự án chính trị rất rõ ràng và đầy đủ, trong đó trình bày cụ thể những ý kiến và đề nghị của mình, hay nói một cách khác là chúng tôi đã có một lộ trình dân chủ hóa cho đất nước. Chúng tôi cũng ý thức được rằng phải có lực lượng và sự hậu thuẫn của người dân thì mới có thể chiến thắng được độc tài và dân chủ hóa đất nước. Muốn được người dân ủng hộ thì phải có lực lượng nòng cốt, là những người chia sẻ các giá trị mà chúng tôi hướng tới. Các giá trị đó phải đẹp, đúng và hướng tới tương lai.

Bức tranh chính trị - xã hội giữa Mỹ và Việt Nam tương đối giống nhau dù thể chế chính trị trái ngược nhau. Tại Mỹ thì chúng ta có thể thấy là xã hội Mỹ phát triển quá nhanh khiến giới chính trị Mỹ không theo kịp và hệ quả là Donald Trump trở thành tổng thống 45 của Mỹ. Việt Nam cũng thế, Đảng cộng sản hoàn toàn lạc hậu và tụt hậu so với xã hội Việt Nam. Trình độ quan chức cộng sản quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội, hệ quả là các phát biểu của quan chức từ nhỏ đến to đều trở thành trò cười cho thiên hạ. Điều khác nhau là người Mỹ biết phải làm gì để thay đổi tình trạng hiện nay trong khi đó dù đa số người Việt Nam đều đồng ý Đảng cộng sản không còn là giải pháp cho đất bước nhưng họ lại không biết phải làm gì. Hầu hết chỉ mới nghĩ đến việc làm thế nào để xóa bỏ chế độ độc tài chứ chưa ai nghĩ đến việc xây dựng một thể chế dân chủ cho Việt Nam.

Tập Hợp là một ngoại lệ. Chúng tôi đã đưa ra một giải pháp, vừa để đánh bại độc tài vừa để dân chủ hóa đất nước, đó là dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của người dân và trí thức Việt Nam vì chúng tôi đi quá nhanh và quá sớm. Dù vậy chúng tôi vẫn tin là sớm muộn gì dự án chính trị của chúng tôi cũng sẽ được người dân Việt Nam hiểu và chấp nhận. Như chúng tôi đã nhiều lần phân tích, muốn dân chủ hóa Việt Nam thì phải thay đổi văn hóa và tư duy của người Việt Nam mà thay đổi văn hóa chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Người Việt Nam tụt hậu về chính trị khá xa so với thế giới.

Quan niệm về các nấc thang giá trị của người Việt Nam rất sai khi đặt trên ba giá trị căn bản là: Sự giàu có, chức quyền và bằng cấp. Người Việt Nam chúng ta đã nhầm lẫn khi lấy phương tiện làm cứu cánh. Tiền rất quan trọng nhưng chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích của đời người. Dù vậy không ít người cố gắng làm giàu bằng mọi cách kể cả bất hợp pháp và bất chấp đạo đức. Bằng cấp chỉ là chứng chỉ cho một cố gắng học tập trong một giai đoạn của đời người chứ không phải là mục đích. Kiến thức quan trọng hơn bằng cấp. Nhiều người không có bằng cấp nhưng luôn nhận được sự kính trọng của mọi người về sự hiểu biết của mình trong khi đó nhiều quan chức cộng sản bằng cấp đủ các loại nhưng kiến thức thì trống rỗng. Chức quyền cũng chỉ là tạm thời và phải do năng lực thật sự mang lại mới có giá trị chứ nếu nhờ quan hệ hay mua bán mà có được thì cũng vô nghĩa. Nhiều quan chức cộng sản cứ tưởng mình giỏi nên nhiều người sợ hãi nhưng thật ra người dân sợ cái ghế mà người đó đang ngồi. Khi người đó về hưu không ai còn nhớ đến họ hoặc chỉ nhắc đến với thái độ khinh bỉ.

Cứu cánh (mục tiêu cuối cùng) của Tập Hợp là dân chủ hóa đất nước chứ không chỉ mỗi đánh bại chế độ độc tài. Chính vì mục tiêu khác nhau nên phương pháp hành động giữa Tập Hợp với các tổ chức và các nhân sĩ cũng khác nhau. Giải pháp dân chủ đa nguyên của Tập Hợp dựa trên ba lập trường căn bản : đấu tranh bất bạo động, hòa giải dân tộc và dân chủ đa nguyên cũng rất mới mẻ đối với người Việt Nam. Giải pháp của Tập Hợp dựa trên lòng yêu nước, tình cảm quốc gia, là tình yêu chứ không phải sự hận thù.

Việt Nam là một quốc gia vẫn còn bị chia rẽ nặng nề, thái độ bất dung đối với những người bất đồng quan điểm vẫn chi phối cho các hành động và suy nghĩ của không ít người Việt Nam. Thái độ luôn xem những người chỉ trích chính quyền là thế lực thù địch của Đảng cộng sản là một ví dụ. Ngay tại Mỹ, một quốc gia dân chủ thì cộng đồng người Việt tại đây cũng không khác bao nhiêu so với trong nước. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 3/11/2020 đã bộc lộ những chia rẽ trầm trọng đó.

Mặc dù là một nước nhỏ, nhược tiểu nhưng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi dựa trên sự thù ghét người khác của người Việt có vẻ lấn át tình cảm quốc gia và lòng yêu nước. Lòng yêu nước là một tình cảm xuất phát từ con tim, là tình yêu dành cho những người gần gũi xung quanh mình. Tình cảm đó đặt đất nước lên trên hết, bằng lý trí và trách nhiệm. Người Việt Nam không yêu nước bằng yêu bản thân mình. Ai cũng khôn nhưng là khôn cho mình còn đất nước ra sao mặc kệ. Muốn có tình yêu nước đúng nghĩa và trọn vẹn thì đất nước phải có dân chủ, người Việt Nam phải là chủ nhân thật sự của đất nước chứ không phải "ăn nhờ ở đậu" như bây giờ. Đảng cộng sản không phải là một tổ chức chính trị đúng nghĩa mà là một đội quân chiếm đóng người bản xứ. Ba triệu đảng viên cộng sản đương chức nắm giữ mọi quyền sinh sát và quyết định vận mệnh của gần 95 triệu người Việt Nam còn lại. Đó là điều không thể chấp nhận được. Muốn thay đổi thực trạng thì trí thức và người dân Việt Nam phải thành lập, tham gia hoặc ủng hộ cho các tổ chức dân chủ đối lập.  

Tuy nhiên cần phải luôn hiểu rằng : "Đấu tranh chính trị chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức và một tổ chức chính trị đúng nghĩa chỉ có thể là thành quả của những cố gắng bền bỉ của những người có đủ kiến thức chính trị và cùng chia sẻ một tư tưởng chính trị đúng. Như thế phải bác bỏ chủ nghĩa nhân sĩ, không ủng hộ những tổ chức thành lập vội vã hay không có tư tưởng chính trị, chỉ tham gia và ủng hộ những tổ chức nghiêm túc" (1).

Việt Hoàng

(15/10/2020)

(1) Thử thẳng thắn trả lời một câu hỏi lớn (Nguyễn Gia Kiểng) 27/06/2019

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm