Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tại sao chính sách toàn cầu hóa ồ ạt hiện nay là một sai lầm ?

Dự đoán chủ quan ban đầu của khối dân chủ sau khi khối cộng sản sụp đổ là cứ hợp tác về kinh tế, phong trào toàn cầu hóa sẽ từ từ khiến các chế độ độc tài tại Nga và Trung Quốc chuyển hóa về dân chủ. Đây là một lạc quan sai lầm ngay từ đầu vì Nga và Trung Quốc là những đế quốc chứ không phải là quốc gia như người phương Tây quan niệm.

danchu1

Ý thức hệ bạo lực : nền tảng tồn tại của các đế quốc

Trước đây, Ai Cập trước kia là một đế quốc thế tục dựa vào thần quyền để chinh phục và áp đặt uy quyền của trung ương trên các vương quốc thế quyền địa phương chung quanh. Tiếp theo sau là Babylon (Iraq ngày nay), một đế quốc thế tục vùng Trung Đông tôn thờ các vị thần để tồn tại. Ngày nay, vết tích của hai đế quốc rực rỡ này đã được khai quật lên dưới nhiều lớp đất và cát. Điều này cho thấy, khi du nhập một ý thức hệ ngoại lai, tôn giáo hay tín ngưỡng, làm nền tảng sinh hoạt của một quốc gia, dù là đế quốc Ai Cập hay Babylon, thì trước sau gì cũng bị tan rã nhanh chóng. Đế quốc La Mã cũng không khác, lúc đầu dựa trên nền tảng sinh hoạt dân chủ sơ khởi của Athens để điều hành, nhưng khi chấp nhận Thiên Chúa giáo là ý thức hệ nền tảng điều hành lãnh thổ thì cũng bị tan rã nhanh chóng. Đế quốc Ottoman sau đó, cũng dựa trên nền tảng ý thức hệ tôn giáo, Hồi giáo, để điều hành sinh hoạt xã hội, cũng sụp đổ trong nước mắt.

Đế quốc là một định chế qui tụ nhiều lãnh thổ có quyền tự trị chấp nhận chia sẻ một ý thức hệ chung và phục tùng sự lãnh đạo của một trung ương. Trung ương có hai nhiệm vụ : thứ nhất là giữ độc quyền về quản lý ý thức hệ, thứ hai là lãnh đạo quốc phòng. Do đặt nền tảng điều hành lãnh thổ và sinh hoạt xã hội trên một ý thức hệ để tồn tại, đế quốc sẽ bị hủy diệt khi ý thức hệ đó không còn. 

Đế quốc Nga hiện nay đặt nền tảng trên ý thức hệ Chính Thống giáo Nga (hiện nay do Giáo chủ Kirill lãnh đạo), cho phép sử dụng bạo lực để duy trì an ninh trật tự và toàn vẹn lãnh thổ. Do đó, từ các thời Sa hoàng (Tsar) cho tới thời cộng sản Liên Xô rồi tới Putin ngày nay, bạo lực đã gần như là nền tảng sinh hoạt và điều hành quốc gia. Chủ nghĩa cộng sản cũng là một ý thức hệ tôn sùng bạo lực để áp chế và duy trì sự độc quyền lãnh đạo xã hội của một giai cấp hung bạo. Chính vì thế người Nga, thuộc những thế hệ Liên Xô cũ, đã không ngạc nhiên hay xa lạ trước những vụ ám sát hay giết người trong cuộc sống thường nhật. Nhưng ý thức hệ bạo lực này ngày nay đang tới hồi cáo chung, giới có học và tuổi trẻ Nga từ khước ý thức bạo lực này một cách ôn hòa.

Từ khi bức màn sắt cộng sản sụp đổ năm 1989, ý thức hệ cho phép sử dụng bạo lực để duy trì an ninh trật tự và sự toàn vẹn lãnh thổ đã bị đào thải. Các quốc gia Đông Âu cũ đã giã từ ý thức hệ cộng sản để hội nhập vào đại gia đình của quốc gia dân chủ phương Tây.

Người dân Liên bang Nga hiện nay đang đấu tranh để loại bỏ ý thức hệ bạo lực, được chủ nghĩa cộng sản và Chính Thống Giáo hỗ trợ, mà Putin là người đại diện, để hội nhập vào một ý thức hệ mới, dân chủ đa nguyên, nền tảng của làn sóng dân chủ thứ tư trên toàn cầu.

Nhìn xa hơn về phương Đông, đế quốc Trung Hoa cũng khác khác. Các triều đại lãnh đạo đế quốc Trung Hoa đã tồn tại tới bây giờ nhờ dựa vào ý thức hệ Khổng giáo, sau này là ý thức hệ cộng sản. Cả hai ý thức hệ tuy là hai là một, nghĩa là áp đặt uy quyền trung ương lên các địa phương bằng nhân tâm, nếu không được thì bằng bạo lực. Điều này giải thích tại sao các triều đại phong kiến và cộng sản Trung Hoa đã giữ được sự yên bình trong xã hội một cách lâu dài. Lý do giản dị giải thích sự kiện này là bạo lực, những cuộc nổi loạn chống lại tư đề bị dập tắt rất dã man trong máu lửa. Mỗi lần như vậy, số người chết không được tính bằng hàng trăm hay hàng ngàn mà là hàng triệu hay hàng chục triệu.

Nói chung ý thức hệ Khổng Giáo, hay chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, là áp đặt sự phục tùng trung ương một cách tuyệt đối. Nhưng ý thức hệ này ngày nay đang để lộ sự lạc hậu và không có tương lai. Những cuộc biểu tình bảo vệ tự do, dân chủ tại Hồng Kông chống lại Bắc Kinh và dân Đài Loan chống lại khuôn mẫu chuyên chế của lục địa là những minh chứng. Trong khi đó, dù bị khống chế đủ mọi mặt, xã hội dân sự Trung Quốc vẫn duy trì sự sáng tạo trong thầm lặng và tiếp tục sống tách rời khỏi sự áp đặt của Bắc Kinh dưới mọi hình thức. Không thể kìm hãm sự sáng tạo trong dân gian thì ý thức hệ chuyên chế không còn lý do để tồn tại.

danchu2

Ý thức hệ phồn vinh nảy sinh dân chủ cũng không hiện thực

Phương Tây tin rằng khi mở được hai cánh cửa khép kính của Nga và Trung Quốc để giao lưu thương mại thì hai đế chế này sẽ tự dân chủ hóa và hội nhập hòa bình vào cộng đồng thế giới. Ngày nay ý thức hệ phồn vinh nảy sinh dân chủ không hiện thực và đang chứng tỏ là sai. Thực tế cho thấy càng thu ngoại tệ về nước bao nhiêu, hai đế chế độc tài này càng tỏ ra chuyên chế, không những với người dân trong nước mà còn cả với thế giới, nhất là những quốc gia nhỏ bé hơn, như Bắc Kinh đã đối xử với Úc và Litva. Gần đây hơn Nga dọa cắt nguồn cung cấp hơi đốt và dầu lửa cho một số quốc gia trong Liên Hiệp Châu Âu nếu lên án Nga xâm lược Ukraine.

Những thí dụ trên cho thấy hợp tác và giúp đỡ với hai đế chế độc tài này phát triển không thay đổi được gì cả : guồng máy cầm quyền vẫn không cởi mở hơn mà, trái lại, còn tỏ ra hung bạo hơn với dân chúng trong nước và công khai thách đố những qui luật quốc tế về thương mại và luật pháp của các định chế dân chủ. Nói chung, Nga và Trung Quốc muốn loại trừ vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu để thay thế.

Sự kiện Nga ồn ào gây hỗn loạn tại Châu Âu khi xâm lược Ukraine, Trung Quốc ngược lại âm thầm bế quan tỏa cảng, viện cớ là chống dịch Covid-19, để trói tay khóa miệng sinh hoạt dân chủ trong nước, đặc biệt là tại Hồng Kông. Trung Quốc và Nga một lần nữa khẳng định rằng sinh hoạt kinh tế dù quan trọng và cần thiết tới đâu đi nữa cũng chỉ là một cơ phận trong sinh hoạt chính trị. Chính trị bao trùm tất cả, kinh tế phải phục tùng chính trị.

Người ta hy vọng rằng sinh hoạt dân chủ sẽ xảy ra khi hai đế chế Nga và Trung Quốc này sụp đổ, và sẽ kéo theo như hiệu ứng domino các thể chế độc tài còn lại trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

danchu3

Hy vọng nào cho Việt Nam ?

Trong bối cảnh một trật tự thế giới mới đang định hình, khối các quốc gia dân chủ tiến bộ đối đầu với khối các quốc gia độc tài chuyên chế, Việt Nam chọn đứng về phía nào ?

Hiện tại, chính quyền cộng sản Việt Nam có hai vấn đề lớn :

Thứ nhất là họ đặt nền tảng trên một ý thức hệ (cộng sản, xã hội chủ nghĩa) đã được chứng minh là sai. Ngoài mặt thì Đảng cộng sản liên tục hô hào giữ vững ý thức hệ cộng sản, nhưng trong thâm tâm gần như tất cả đảng viên cán bộ đều từ khước ý thức hệ đó. Các cơ quan lý luận hàng đầu của Đảng cộng sản, quân đội và công an, một mặt không ngừng kêu gọi đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng ; mặt khác tung hê chiến dịch đốt lò chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Kết quả như thế nào ? Tham nhũng không những không dừng lại một còn biến thể nhanh hơn để chờ hốt những chuyến chót trước khi bỏ chạy (ra nước ngoài lánh nạn). Ý thức hệ cộng sản đang cáo chung nhưng chưa ai có can đảm đứng lên nhặt bỏ chúng vào thùng rác.

Còn gì hình ảnh người lính cụ Hồ dám hy sinh tính mạng để bảo vệ độc lập, sống đạm bạc, tận tình phục vụ nhân dân. Ngày nay những người lính đó đang thay da đổi thịt để trở thành giai cấp bóc lột mới, vừa tham nhũng vừa ăn của dân không chừa một thứ gì, mà trước cha anh của họ đã tranh đấu loại trừ. Đảng cộng sản cầm quyền hiện nay là đảng của quan liêu, đảng của người giàu. Tại miền Nam Đảng cộng sản còn đóng vai lực lượng chiếm đóng, bóc lột và chèn ép người dân miền Nam, trong đó có cả những thành phần Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã từng hy sinh gia đình, tính mạng để giúp Đảng cộng sản đánh chiếm miền Nam.

chủ nghĩa cộng sản

Thứ hai là trong thời gian qua, cuộc tranh chấp quyền lợi kinh tế giữa các cường quốc (Hoa Kỳ và Liên Âu vs Nga và Trung Quốc) đã tạo cho Đảng cộng sản Việt Nam một thời gian ân huệ để phát triển. Đó là thời gian đu dây giữa độc tài và dân chủ. Bây giờ Đảng cộng sản Việt Nam không thể tiếp tục đu dây được nữa, vì đu dây cần có 2 cột mắc dây để đu, nhưng một trong hai cột trụ mắc dây đang gãy nên Hà Nội không thể đu dây được nữa. Thế đánh đu đang chấm dứt. Trong trật tự thế giới mới này, những đầu tư và hợp tác kinh tế chỉ đến từ các quốc gia dân chủ, của đế chế độc tài Nga Trung đang suy đồi và co cụm lại.

Vào năm 2019 Việt Nam là một nước có nhiều tiềm năng, triển vọng, bối cảnh thuận lợi bậc nhất thế giới. Nhiều nguồn đầu tư lớn đã rời Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Khi đó các nước dân chủ vừa muốn giúp đỡ Việt Nam vượt ra khỏi quỹ đạo lệ thuộc Trung Quốc, vừa muốn Việt Nam dân chủ hóa để phát triển và tạo thế đối lập với Trung Quốc. Nhưng giờ đây cơ hội đó đã qua, những đầu tư ồ ạt vào Việt Nam không còn nữa, nhất là sau vụ Nga xâm lược Ukraine hồi cuối tháng 2/2022 vừa qua.

Phải nghĩ gì ? Đảng cộng sản Việt Nam đã chọn đứng vào bóng tối, đứng về phía các quốc gia độc tài chống dân chủ. Việt Nam đã cùng với Trung Quốc 3 lần bỏ phiếu trắng không lên án và loại trừ Nga ra trước Liên Hiệp Quốc, trong khi đại đa số quốc gia trên thế giới đều bỏ phiếu thuận.

Thế giới dân chủ đang bừng tỉnh và tấn công một cách quyết liệt vào hai đế chế độc tài là Nga và Trung Quốc, và phớt lờ luôn những chế độ trước giờ đã tồn tại được nhờ đu dây, chế độ độc tài Việt Nam không còn quan trọng đối với thế giới dân chủ nữa. Và thế giới dân chủ cũng không còn lý do gì để giúp đỡ Việt Nam nữa bởi vì Việt Nam đã chọn Trung Quốc là đồng minh, nghĩa là Trung Quốc không còn là một mối nguy cho Việt Nam nữa.

Kể từ nay, toàn cầu hóa không điều kiện, toàn cầu hóa bất chấp chế độ toàn trị đã chấm dứt nhường chỗ cho sự hợp tác giữa các quốc gia tự do dân chủ. Để tiếp tục được các quốc gia dân chủ phương Tây tài trợ và giúp đỡ, Việt Nam phải dân chủ hóa. Đó là một bắt buộc, không có lựa chọn thứ hai. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam cảm thấy không đủ khả năng tự mình chuyển hóa về dân chủ thì phải nhường chỗ cho một Tập hợp dân chủ mới đứng ra làm thay.

Trần Khánh Ân

(08/04/2022)

Additional Info

  • Author Trần Khánh Ân
Published in Quan điểm