Năm 1949, tôi lên tàu thủy đi du học ở Pháp với ý định sẽ quay về Việt Nam hành nghề và giảng dạy kiến trúc đặng góp phần xây dựng đất nước. Tốt nghiệp xong, đất nước đang còn chìm đắm trong súng đạn. Tôi đành ở lại Pháp đợi chờ hòa bình nên quyết tâm không mở văn phòng và lập gia đình với người nước ngoài vì như vậy là một cách cắm rễ vĩnh viễn ở trên đất người. Sau bao nhiêu năm sống vất vưởng không mục đích, buồn chán và thối chí như người mất hồn. Năm 1970 tôi quyết định về Việt Nam (tất nhiên là về Sài Gòn) và tự nguyện ở lại quê hương trong mọi từng huống chính trị.
Năm 1949, tôi lên tàu thủy đi du học ở Pháp với ý định sẽ quay về Việt Nam hành nghề và giảng dạy kiến trúc đặng góp phần xây dựng đất nước.
1975, tôi không thay đổi lập trường mặc dầu mọi người chung quanh tôi cho tôi là một người điên. Tôi biết trước là sẽ có một đời sống rất khó khăn về mặt tinh thần cũng như vật chất. Tôi ở lại và chỉ giữ lại một cái đồng hồ báo thức, một cái quạt máy và một tủ lạnh nhỏ vì đó là ba thứ cần thiết cho đời sống hàng ngày. Độc thân, tôi giọn nhà đến ở chung với gia đình người em gái (vô tình kẹt lại) ở đường Tú Xương. Gia đình em gái tôi tổ chức vượt biên vì ông chồng là thuyền trưởng đường dàì (capitaine de long cours). Hai vợ chồng em tôi thuyết phục tôi cùng đi, nhưng tôi từ chối vì đã quyết tâm ở lại tham gia xây dựng đất nước.
Vì trong ngôi nhà tôi ở có người vượt biển nên chính quyền quận Ba bắt tôi phải bỏ nhà ra đi ở nơi khác vì đường Tú Xương được "dành riêng cho cán bộ cao cấp". Tôi từ chối vì họ không cho tôi một căn hộ khác. Một hôm, hai cán bộ cầm súng "khuyên" tôi phải tuân lệnh. Tôi đành ra đi với một cái túi quần áo trên một cái xe đạp mới mua. Lang thang chẳng biết đi đâu. Cuối cùng tôi trình bày hoàn cảnh của tôi cho anh Hồng Đào, Kiến trúc sư quân đội "giải phóng" phụ trách quản lý trường kiến trúc. Anh Hồng Đào cho tôi một cái giường trong phòng ngủ của các giáo sư ở Hà Nội vào Sài Gòn công tác.
Ở đấy một thời gian (một vài tháng nếu tôi không nhớ nhầm), anh em kiến trúc sư trẻ cựu sinh viên kiến trúc Sài Gòn làm việc ở Ủy ban nhân dân Thành phố có thổ lộ vấn đề của tôi với ông Chủ tịch Thành Phố, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Ông này ra lệnh phát cho tôi một căn hộ một phòng ở đường Nguyễn Huệ (Quận I). Một vài người bạn của tôi bị kẹt ở lại thường hay lui tới với tôi và hay cười hỏi tôi đã "sáng mắt chưa…". Để nuôi một chút hy vọng tôi trả lời rằng cứ để cho người ta có thời gian tổ chức lại xã hội, mặc dầu cái mộng tham gia xây dựng lại đất nước đã bắt đầu tan vỡ. Nhưng sau mấy khóa học tập chính trị dành cho giáo sư đại học và sau hai năm quan sát hoàn cảnh của đất nước và ngõ cụt đau đớn của dân tộc, tôi nhận thấy một cách rất rõ ràng và chắc chắn là Đảng cộng sản đang tàn phá xã hội và tiêu diệt văn hóa Việt Nam. Tôi cảm thấy phạm tội quá lớn vì tham gia tiếp tay cho chính quyền cộng sản phá hoại đất nước đến tận gốc rễ. Tôi quá thất vọng và hối hận. Cuối năm 1977 tôi quyết định liều mình đem vợ con đi vượt biển và chấp nhận chờ đợi tử thần. Vượt biển ba lần đến 1979 mới thành công.
Cuối năm 1977 tôi quyết định liều mình đem vợ con đi vượt biển và được con tàu Hải Đảo Ánh Sáng (Ile de Lumière) của Hội Y Sĩ Thế Giới của Pháp cứu vớt - Ảnh mang tính minh họa
Vượt biển không phải để đi tìm tự do vì ngay từ đầu, trước ngày 30 tháng Tư tôi đã quyết định hy sinh tự do cá nhân để theo đuổi một lý tưởng cao cả hơn. Trở lại đất Pháp là một tình cờ vì được con tàu Hải Đảo Ánh Sáng (Ile de Lumière) của Hội Y Sĩ Thế Giới của Pháp cứu vớt. Trong suốt thời gian ở Paris tôi lại tự nguyện "làm một cái gì đó" và tham gia nhóm Thông Luận chủ trương tranh đấu cho quyền làm người, cho tự do dân chủ đa nguyên qua con đường bất bạo động…
Năm 1986, ở Trung Quốc Triệu Tử Dương đang làm Tổng bí thư lãnh đạo nước xã hội chủ nghĩa "đàn anh" của Việt Nam. Tôi có một ông bạn già. Ông ấy là người Việt gốc Hoa và cũng là "bạn đánh cờ làm thơ" với Triệu Tử Dương. Tôi nhờ ông ta nói một tiếng với Triệu Tử Dương can thiệp để tạo cơ hội cho tôi dẫn phái đoàn sinh viên kiến trúc Paris trao đổi văn hóa với Trung Quốc. Phái đoàn sinh viên của tôi là phái đoàn Phương Tây đầu tiên được bước vào Trung Quốc, ở Quảng Đông, qua ngõ Hồng Kông. Quảng Đông mới mở cửa vẫn chưa có xe ôtô tư nhân, thành phố vắng người và yên tĩnh. Phái đoàn chúng tôi được đón tiếp một cách khá cởi mở, được tiếp xúc nói chuyện thẳng với sinh viên, nhưng không được đi ra ngoài không gian của trường kiến trúc. Sinh viên Pháp quen thói nghịch ngợm, trèo tường trốn đi chơi bị công an vây quanh Đại học tóm vẹn…
Mục đích thực chuyến đi công tác ấy của tôi là tìm cách sang Trung Quốc gặp đại diện chính trị ở Quảng Đông (nhờ anh cán bộ thông dịch viên giới thiệu) để biết sự thật quan hệ Việt Trung vì người anh cả xã hội chủ nghĩa đánh phá miền Bắc và đánh chiếm Trường Sa.
Vậy chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam sự thực là thế nào ? Anh cả xã hội chủ nghĩa lại đi đánh chiếm đất của đàn em "môi hở răng lạnh". Lúc bấy giờ Triệu Tử Dương, Tổng bí thư lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc là người chủ trương dân chủ hóa đời sống chính trị Trung Quốc. Vậy Trung Quốc có chủ trương dân chủ hóa đàn em không ? (Sau vụ Thiên An Môn, Triệu Tử Dương bị Đặng Tiểu Bình hạ bệ, chiếm quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc).
Trong cuộc tiếp xúc hai tiếng đồng hồ của tôi với phái đoàn chính trị Quảng Đông, chúng tôi nói chuyện vòng vo và không đi thẳng vào vấn đề quan hệ thực giữa hai Đảng và hai nhà nước anh em xã hội chủ nghĩa. Phái đoàn Trung Quốc rất khôn khéo, khi tôi đề cập đến vấn đề quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thì họ nói quanh co và không bao giờ đề cập thẳng đến vấn đề "dân chủ hóa" đời sống chính trị của Trung Quốc và không nhắc đến Đảng cộng sản Việt Nam hay phong trào chống cộng Việt Nam ở nước ngoài. Tôi hiểu ngầm rằng Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn xem Đảng cộng sản Việt Nam là anh em và cuộc đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và miền Bắc Việt Nam là vấn đề khác, không liên can với nhau. Tôi hiểu ngầm và chắc chắn như vậy và không cần nói thẳng trắng ra trắng đen ra đen. Vài ngày sau, tôi có mua một bản đồ thành phố Quảng Đông. Phía sau bản đồ ầy là bản đồ Trung Quốc. Tôi rất ngạc nhiên là biên giới Trung Quốc đã được vẽ kéo dài xuông tận Indonesia mà ngày nay người ta gọi là Đường Lưỡi Bò Chín Đoạn. Về đến Paris tôi báo cáo và kết luận với anh em Thông Luận rằng Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn là kẻ thù của Việt Nam và họ không bao giờ có thể là đồng minh của mình được (lúc bấy giờ một số người Việt tị nạn ở nước ngoài đã lầm tưởng như vậy).
Năm 1987, ông Đỗ Mười tuyên bố mở cửa đi lại trao đổi với các nước phương Tậy "tư bản bóc lột" và chúc mừng nhân dân Việt Nam tự do làm ăn buôn bán thành công. Tôi bèn đề nghị Trường kiến trúc Paris-Nanterre, nơi tôi đang giảng dạy, trao đổi văn hóa với trường kiến trúc Sài Gòn. Bộ Giáo dục Pháp đồng ý và dành một ngân sách nhỏ cho công tác này. Lợi dụng cơ hội ấy tôi thuê xe đi một vòng ra Hà Nội và có ghé Vinh ba ngày vì Ủy ban nhân dân Vinh nhờ tôi tư vấn quy hoạch. Đây là cơ hội để tôi đi tham quan vùng xa vùng sâu… Trong chuyến công tác này tôi biết rõ hơn tình hình đất nước Việt Nam thời mới mở cửa : Dân chúng từ Nam ra Bắc đều có vẻ hớn hở vui tươi. Hà Nội khác hẳn với Hà Nội 1979 (trước khi vượt biển tôi được đề cử đi công tác trình bày ba dự án cho Nhà Bảo Tàng Hồ Chí Minh do tôi điều khiển sinh viên kiến trúc Sài Gòn sáng tác). Hà Nội bây giờ nhộn nhịp hẳn, dân chúng tươi cười vui vẻ tử tế, đạp xe vù vù trên đường phố.
Hà Nội 1979 là một thành phố chết vô hồn. Người ta đạp xe chậm rãi, mặt nhìn thẳng phía trước, không ai nhìn ai, tựa như thiên hạ đã mất hồn… Tôi vào một café chui. Ở đấy toàn người quen trong xóm đang uống trà và trò chuyện. Thấy tôi là người lạ nên không ai nói chuyện gì nữa. Một không khí im lặng nặng nề cho tôi hiểu ngay là do sự hiện diện của tôi. Tôi uống vội tách cà phê để đi ra, trả lại không khí láng giềng cho quan café chui ấy… Ở thôn quê tôi rất ngạc nhiên nhìn thấy cảnh người kéo cày thay cho trâu bò, chuyện mà chỉ nghe nói khi tôi còn nhỏ (Thời tôi học tiểu học, khoảng 1940, tôi ở huyện Duy Xuyên – Quảng Nam, một trong các huyện nghèo nhất cúa một nước thuộc địa Pháp, tôi không nhìn thấy cảnh ấy bao giờ)… Ôi ! Bao nhiêu cảnh tượng làm cho tôi có cảm tưởng là đang sống ở một thế giới nào xa lạ ở miền Bắc ! Ở Hà Nội ba ngày chờ ngày thuyết trình. Thuyết trình xong tôi vội bay về Sài Gòn vì sợ bị mất chiếc ghe nhỏ đang chờ vượt biển ở Rạch Giá…
2007, vợ tôi hưu trí. Chúng tôi quyết định trở về quê hương để sống đến ngày trút hơi thở cuối cùng nơi quê cha đất tổ.
Việt Nam mở cửa và đã từng phát triển nhanh. Các cao ốc thi đua trồi lên. Các biệt thự sang trọng xuất hiện cùng với các khu nhà ổ chuột. Các nhà hàng vỉa hè bình dân và khách sạn cao cấp mọc như nấm. Xe máy, xe ôtô đủ loại ùn tắc phì khói làm ô nhiệm môi trường. Các thành phố thi đua phình ra vô tội vạ. Thiên hạ chen lấn, ăn gian, nói dối, lừa đảo, giành giật nhau phe phẩy… Các quan lớn ở đâu, làm gì, nơi nào, tôi không biết, chắc các ngài đang rất bận rộn. Các công tử có lẽ đang phè phỡn ở các nơi dành riêng cho giới thượng lưu mới giàu ? Tôi không biết và không thấy họ bao giờ. Trong bảy năm trời, tôi chỉ thấy đời sống của người dân ta ngày càng khó khăn, nạn thất nghiệp ngày càng tăng, thành phố ngày càng hỗn độn… xã hội ngày càng ung thối một cách quá sức tưởng tượng.
Trước kia, dân mình tuy nghèo, nhưng đâu có khó khăn, cực khổ, đầy lo âu như bây giờ. Ở thời Pháp thuộc, dân ta phải làm nô lệ cho Mẫu Quốc mà các thành phố sạch sẽ ngăn nắp, các bệnh viện, trường học miễn phí trật tự kỷ cương. Không cần phong bì đi trước để giải quyết mọi vấn đề. Thực dân Pháp còn chăm lo đời sống và sức khỏe cho nhân dân ta hơn chính quyền đương đại !
Thử hỏi làm sao tôi không thất vọng và chịu đựng được hàng ngày ngay trên đất Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhất nước để nhìn cảnh bất công và cảnh cơ cực của dân nghèo. Tôi không biết ở vùng sâu vùng xa đời sống của thiên hạ còn tệ hại hơn như thế nào nữa !
Buồn và đau khổ, tôi phải bỏ nước một lần nữa ra đi, ra đi vĩnh viễn để nhắm mắt trên đất người. Là một người miền Bắc, chết ở nơi xứ lạ đối với tôi là một bất hạnh lớn nhất !
Bây giờ tôi chỉ còn một giấc mơ. Giấc mơ ấy là dân tộc Việt Nam sớm lấy lại quyền làm người.
Paris ngày 19 tháng 9 năm 2015
Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Kha
Không có lời giải thích nào về việc những công dân hôm nay cứ im lặng tìm cách rời bỏ Việt Nam, ra đi và sống tạm thời hoặc mãi mãi ở đất khách. Những dòng tin miệt thị dòng người này trên báo chí Nhà nước thì cứ xoay quanh luận đề "những kẻ mê vật chất, ảo tưởng" cho đến "ham việc nhẹ, lương cao"... Nhưng thực sự không có một nghiên cứu khoa học nào hoặc những sự tìm hiểu, phân tích lý lẽ và những tác động xã hội vì sao những thanh niên đó lại cứ ra đi, bất chấp trên bản đồ thế giới Việt Nam luôn là một quốc gia được coi là đang phát triển rực rỡ.
Giới chức Đài Loan bắt giữ ba người đàn ông (đeo mặt nạ) được cho là nằm trong số 152 người Việt biến mất sau khi đến du lịch đảo quốc này hôm 28/12/2018 (hình minh hoạ) - AFP
Tin tức mới nhất của tháng mười, 2022 cho biết có khoảng 100 người Việt Nam đã mất liên lạc sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc trong chuyến đi du lịch qua phi trường quốc tế Yangyang thuộc tỉnh Gangwon. Sau khi sự việc xảy ra, những hãng bay và các công ty du lịch có liên quan phải tạm cho dừng đưa khách du lịch đến Yangyang, tỉnh Gangwon đến hết tháng 10.
Dù không chính thức thú nhận, nhưng ngôn ngữ thông cáo của Tòa Đại sứ nhà nước Việt Nam tại Hàn Quốc nói đã liên hệ với nhà chức trách sở tại để điều tra và tìm hiểu sự việc. Đồng thời, cơ quan ngoại giao này cho biết sẽ phối hợp với cơ quan địa phương trong nước, và công ty du lịch tại Việt Nam để tìm hiểu thông tin về những công dân mất liên lạc, và thực hiện các biện pháp giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng người Việt lợi dụng hình thức du lịch để tìm cách ở lại Hàn Quốc một cách bất hợp pháp.
Trước đó, tình trạng công nhân đến Hàn Quốc làm việc rồi trốn ở lại cư trú bất hợp pháp ngày càng nhiều. Đầu tháng chín năm nay, tờ Korea Herald dẫn nguồn từ Cơ quan Nhập cư Hàn Quốc (Korea Immigration Service) công bố con số thống kê cho thấy, tính đến tháng 7, có tổng cộng 395.068 người nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp, chiếm 19% tổng dân số nước ngoài trên hai triệu người của đất nước. Con số này, tăng 4.655 so với một năm trước đó, là con số cao nhất kể từ tháng 9 năm 2020, khi quốc gia này ước tính tổng số người nhập cư bất hợp pháp là 396.728 người.
Hàn Quốc không công bố con số chính thức về người Việt Nam ở lại và làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc - có thể là vì vấn đề tế nhị ngoại giao - tuy nhiên nhưng hàng ngàn người là con số đáng tin cậy. Đáng nói, hầu hết những người trốn ở lại Hàn Quốc phần lớn là người Bắc hoặc Bắc Trung Bộ của Việt Nam.
Từ năm 2016, Hàn Quốc chuyển giao cho Việt nam lý do họ tạm ngưng visa cho người Việt, bởi Nghệ An là tỉnh Bắc Trung Bộ đứng đầu danh sách các tỉnh có lao động Việt Nam chưa được sang Hàn Quốc làm việc với 1.454 lao động ở lại không về khi hết hạn hợp đồng. Hà Nội đứng thứ hai với 948 người hiện đang lẩn trốn danh sách. Hải Dương (853), Thanh Hóa (823) và Nam Định (733), tất cả đều là các tỉnh phía Bắc, và đây là danh sách lọt vào top năm địa phương Việt Nam có nhiều người cư trú bất hợp pháp nhất tại Hàn Quốc.
Nhiều đường dây ở Hàn Quốc hợp tác đưa người lao động bất hợp pháp đến những nơi mà người ta đang cần thuê mướn. "Người ta vẫn nhận lao động nước ngoài bất hợp pháp trên thị trường việc làm địa phương vì quá cần, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nơi nông dân bị thiếu người làm việc lao động. Nhiều nông dân địa phương buộc phải thuê những người nhập cư bất hợp pháp này", Kim Do-kyun, Giáo sư tại Đại học Cheju Halla chuyên về chính sách nhập cư cho biết. Và đó là lý do vì sao có rất nhiều người Việt Nam, Thái Lan, Philippines... đi đến Hàn Quốc, vừa xuống máy bay đã đột ngột mất liên lạc : họ đã mua chỗ làm việc từ trước và được đón đi ngay khi mới bước ra khỏi cửa hải quan.
Trên tờ VnExpress bản tiếng Anh có bài nói chuyện ra đi của người phía Bắc lúc này. Sự giải thích đơn giản là "một cuộc sống mới ổn định lâu dài và tiền lương có thể dành dụm cho cuộc đời của mình và giúp đỡ cho cả gia đình".
Bài viết có tên Why Vietnamese students end up working illegally in South Korea tiết lộ việc đi và làm việc ở Hàn Quốc như vậy, một người phải chuẩn bị từ đầu với khoảng 200 triệu VND (vào khoảng 8000 USD). Do kiếm được nhiều tiền hơn ở Việt Nam, nhiều người chọn cách ở lại quá hạn visa – thậm chí là kéo dài vô hạn định thời gian sống ở Hàn Quốc. Chẳng hạn với Tùng, một nhân vật được mô tả trong bài viết, đã kiếm được 2.500-4.000 USD một tháng, gấp 10 lần thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động ở Việt Nam. Với tấm bằng trung học phổ thông, Tùng không thể mơ kiếm được nhiều như vậy ở Việt Nam, nơi mức lương của sinh viên mới tốt nghiệp đại học chỉ khoảng 250 USD.
Bất chấp những chỉ số rực rỡ mà Hà Nội vẫn giới thiệu với thế giới, thực tế có khoảng trên 10% trong số 95 triệu người Việt Nam sống trong nghèo đói, đôi khi trong cảnh "nghèo cùng cực", Chuyên gia kinh tế trưởng Rajiv Biswas của IHS Markit Châu Á - Thái Bình Dương cho biết. Ông Biswas cũng bày tỏ sự bất lực khi nói đến sự nghèo khó của của các khu vực miền núi và xa đô thị, bởi căn bệnh tập trung phát triển đô thị theo cái nhìn thiếu chiến lược đã quá lớn.
Mức lương của một người công nhân Việt Nam hiện nay chỉ trên dưới 200 USD mỗi tháng, vì vậy, khi biết rõ, thật khó mà có thể cao giọng miệt thị những người Việt Nam khốn khổ đó là tại sao chọn cách bỏ ra đi, tìm một cơ hội "việc nhẹ- lương cao" ở xứ người. Không chỉ vậy, các đường dây đưa người Việt Nam đi lao động bên ngoài – bao gồm sự tham gia âm thầm của các quan chức Nhà nước - vẫn gọi mời các chỗ làm việc trong các nhà máy ở Nga, làm công việc xây dựng ở Libya và được thuê tại các trang trại của Anh.
Và với niềm hy vọng cho cuộc đời sau sáng sủa hơn, họ ra đi.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 30/10/2022
************************
Hàn Quốc miễn thị thực cho hơn 100 quốc gia, không có Việt Nam
RFA, 28/10/2022
Việt Nam không nằm trong danh sách hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Hàn Quốc vừa có thỏa thuận miễn thị thực nhập cảnh (visa) khi đến du lịch từ 30 đến 90 ngày. Mạng báo Zing loan tin ngày 28/10.
Khách du lịch xếp hàng tại cửa đi ở sân bay Gimpo ở Seoul, Hàn Quốc hôm 29/9/2020 - AFP
Cụ thể, tại khu vực Đông Nam Á, bốn nước được miễn thị thực vào Hàn Quốc gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia và Brunei. Trong đó, du khách Brunei đến Hàn Quốc được lưu trú tối đa 30 ngày không cần xin visa ; còn du khách từ Thái Lan, Singapore và Malaysia được lưu trú tối đa miễn visa là 90 ngày.
Ngoài bốn nước Đông Nam Á như vừa nêu, tại Châu Á người mang hộ chiếu Bahrain, Kuwait, Qatar, UAE, Israel, Oman, Saudi Arabia, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong và Kazakhstan không cần xin visa khi du lịch Hàn Quốc.
Hàn Quốc miễn visa cho công dân tám nước Châu Phi, 14 nước Châu Đại Dương, 32 nước Châu Mỹ và 42 nước Châu Âu.
Riêng đảo Jeju có quy chế đặc biệt được miễn thị thực và thời gian lưu trú 30 ngày trên đảo cho hầu hết du khách trên thế giới. Tuy nhiên du khách chỉ được bay thẳng đến Jeju và đây là hành trình cuối.
Nguồn : RFA, 28/10/2022
Các báo Pháp tiếp tục tập trung chủ yếu vào đề tài chính trị trong nước liên quan đến cuộc bầu cử cấp vùng trong tháng này. Nhìn ra bên ngoài, nhật báo Le Figaro chú ý tới cuộc sống trên hòn đảo cộng sản nằm giữa vùng Caribe, với bài phóng sự điều tra mang tựa đề : "Cuba, lưu vong bằng mọi giá".
Dân Cuba xếp hàng mua bánh mì tại La Havana. Ảnh chụp ngày 19/05/2021. Reuters – Alexandre Mênghini
Bài báo cho thấy cuộc sống của người Cuba đang gặp rất nhiều khó khăn do cấm vận của Mỹ, cộng thêm với đại dịch Covid-19, đến mức mà ở thủ đô La Havana, giờ đây những đứa con của cuộc Cách mạng chỉ còn có hai nỗi ám ảnh : nuôi sống mình và ra đi khỏi đất nước. Hàng nghìn người dân của hòn đảo cộng sản này đã và đang tìm đường tị nạn kinh tế.
Người Cuba đã chứng kiến nhiều làn sóng rời bỏ quê hương. Đó là sau ngày Cách mạng của Fidel giành chiến thắng, hàng trăm nghìn người dân đã rời khỏi hòn đảo đi tị nạn chính trị. Họ là những người đối lập với chế độ, những chủ đồn điền không thể chung sống được với những người cộng sản. Đến năm 1980, Fidel Castro đã để cho 125 nghìn người dân rời khỏi đất nước để tránh phong trào nổi dậy của dân chúng lúc đó đang manh nha bùng lên. Đến năm 1994, một làn sóng chạy khỏi đất nước rộ lên khi phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Đông Âu, Cuba hết chỗ dựa vào những người anh em cộng sản.
Giờ đây, theo Le Figaro, sau một thời gian hy vọng về một cuộc sống khấm khá hơn với việc nới lỏng cấm vận Mỹ dưới nhiệm kỳ thứ 2 của tổng thống Obama, hàng trăm nghìn doanh nghiêp nhỏ Cuba vỡ mộng vì khủng hoảng kinh tế do Covid và lệnh cấm vận siết lại dưới thời Donald Trump. Một cô gái khoảng hai chục tuổi nói với phóng viên của Le Figaro : "Ở đây không có tương lai, tôi sẽ rời khỏi La Havana đến Hoa Kỳ cùng với mẹ tôi. Tất cả đã được chuẩn bị kỹ lưỡng rồi".
Le Figaro cho biết giờ đây người Cuba nung nấu ý định rời khỏi đất nước bằng mọi giá, bằng mọi con đường.
Một phát ngôn viên của đại sứ quán Mỹ tại La Havana khẳng định hồi đầu thángTư "những tháng qua số người nhập cư bất hợp pháp qua đường biển vào Mỹ tăng mạnh". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Cuba giải thích "những yếu tố kích thích di dân bất hợp pháp là việc sứ quán Mỹ tại La Havana ngừng cấp visa".
Để có visa vào Mỹ, người Cuba phải đến những nước thứ ba. Donald Trump đã cắt đường tị nạn hợp pháp của người Cuba và vì thế nhập cư lậu là cách duy nhất để đến Mỹ. Theo bài phóng sự, trong hai tháng đầu năm nay, hơn 2500 người Cuba từ Mexico đã nộp đơn xin tị nạn tại Mỹ.
Tờ báo cho biết, với người vượt biển Cuba, từ năm 1995, Mỹ áp dụng chính sách "chân khô – chân ướt". Nếu một người vượt biên đặt chân lên được đất Mỹ, tức thuộc diện "chân khô", họ sẽ được chấp nhận tị nạn, được cấp thẻ xanh. Nhưng nếu họ bị tuần duyên Mỹ bắt trên biển trước khi chạm đất liền, thì họ thuộc diện "chân ướt" và sẽ bị trả về Cuba. Chính quyền Obama năm 2017 đã hủy chính sách này.
Hành trình rời khỏi đất nước vì mưu sinh của người Cuba không hề dễ dàng. Đại đa số người Cuba đến Mỹ theo con đường nhập cư lậu, qua đường biển bằng những phương tiện tồi tàn. Và không phải ai cũng may mắn đặt được chân tới nước Mỹ, không xa là bao nhiêu về mặt địa lý. Theo Le Figaro, đã có hàng nghìn thuyền nhân chết đuối, bị cá mập tấn công hay bị tuần duyên Mỹ chặn bắt trả về nước.
Những điểm đến của người dân hòn đảo tự do là Mỹ, nơi có 1,3 triệu kiều dân Cuba sinh sống, tiếp đến là Tây Ban Nha, hiện có khoảng 140 nghìn dân Cuba. Hàng ngày, trước sứ quán Tây Ban Nha ở La Havana, hàng trăm người vẫn xếp hàng, hy vọng có được tấm visa. Điểm thứ ba có thể đón người Cuba tị nạn là Ý, được coi như cửa vào Châu Âu.
Người Cuba giờ đây rời khỏi đất nước bằng mọi giá, mọi con đường. Họ thường đến các nước Châu Mỹ Latinh, qua biên giới các nước Trung Mỹ để vào Hoa Kỳ và sẵn sàng trả giá cho chuyến đi vi mưu sinh của mình bằng tiền, bằng mạng sống của mình.
Le Monde đến với chủ đề Trung Quốc qua bài viết đề cập đến thái độ bị cho là quá nhún nhường của tập đoàn điện tử tin học hàng đầu của Mỹ Apple tại Trung Quốc đang gây nhiều tranh cãi.
Theo Le Monde, Apple đang bị báo chí Mỹ tố cáo có thái độ dung hòa với chính quyền Bắc Kinh, ngày càng bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Liệu có phải Apple quá hòa đồng với chế độ Bắc Kinh ? Câu hỏi nay đang gây tranh luận ở Mỹ, từ khi nhật báo New York Times, hôm 17/05 đăng một điều tra, tố cáo nhà sản xuất điện thoại iPhone cho lưu trữ các dữ liệu người sử dụng điện thoại trên đất Trung Quốc. Tờ báo Mỹ cũng tố Apple "dùng phiên bản ứng dụng Trung Quốc giúp cho Bắc Kinh kiểm duyệt dữ liệu". Apple đã phủ nhận những tố cáo trên, tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền cũng lên tiếng chỉ tích Apple đã quá nhượng bộ chính quyền Trung Quốc để giữ thị trường rộng lớn này.
Theo nhật báo Pháp, cụ thể, Apple áp dụng "luật an ninh mạng của Trung Quốc" được thông qua năm 2016. Theo luật này, các công ty làm ăn tại Trung Quốc trong lĩnh vực thông tin bắt buộc phải lưu giữ tại lãnh thổ Trung Quốc các dữ liệu của người sử dụng trong nước. Các thông tin của các khách hàng của Apple tại Trung Quốc vẫn được lưu giữ qua dịch vụ iCloud (đám mây điện toán), đồng thời phải lưu trong các máy chủ do một công ty nhà nước Trung Quốc kiểm soát, cụ thể là công ty Guizhou-Cloud Big Data (GCBD), theo điều tra của New York Times.
Theo luật hiện hành, chính phủ Trung Quốc có thể yêu cầu được tiếp cận các dữ liệu của Apple. Công ty Mỹ đã cung cấp thông tin về một số lượng tài khoản iCloud, theo nhật báo New York Times, trong khi việc này trước đây là không được chấp nhận. Apple còn bị tố là đã rút bỏ các ứng dụng điện thoại theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc. Trong khoảng từ 2018 đến 2020, đã có 1217 ứng dụng bị xóa.
Những việc làm này ngược hẳn với Apple ở chính quốc. Tại Mỹ, công ty vẫn luôn phản đối chính quyền đòi truy cập dữ liệu điện thoại iPhone của người sử dụng, dù đó là các trường hợp nghi ngờ khủng bố, với lý do việc bảo mật đời tư công dân được luật pháp Mỹ bảo vệ.
Giới phân tích nhận thấy, với tập đoàn Apple, Trung Quốc quan trọng hơn bao giờ hết. Apple là công ty Mỹ duy nhất thành công tại Trung Quốc. Năm 2010, Google đã rút khỏi nước này, Facebook cũng không cắm chân được vào thị trường lớn, và năm 2019 Amazon đã phải cắt giảm hoạt động tại Trung Quốc. Trong khi đó, từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021, Apple vẫn thu về 39 tỷ đô la. Nhà sản xuất này vẫn chiếm khoảng 20% thị phần Trung Quốc về điện thoại thông minh và iPhone 12 thế hệ 5G vẫn bán rất chạy tại Trung Quốc. 60% điện thoại iPhone vẫn được lắp tại Trung Quốc qua công ty gia công duy nhất là Foxconn. Mặc dù bị chỉ trích, Apple vẫn khẳng định sự hiện diện tại Trung Quốc là không thể thiếu trong chiến lược hoạt động kinh doanh của hãng này. Vấn đề chính không phải sự lựa chọn ở lại hay rời bỏ Trung Quốc, mà là bảo mật các dữ liệu của người sử dụng.
Một thời sự khác liên quan đến Trung Quốc được các báo Pháp nói đến nhiều hôm qua, Bắc Kinh đã chính thức xóa bỏ quy định giới hạn mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con.
Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận qua tựa bài báo : "Trước khủng hoảng dân số gia tăng, Trung Quốc cho phép gia đình có 3 con". Tờ báo viết : "Sáu năm sau khi bỏ chính sách một con, Bắc Kinh xóa giới hạn mỗi cặp vợ chồng chỉ có hai con, giờ cho phép mỗi gia đình có thể có 3 con. Quyết định được Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc đưa ra hôm 31/05 nhằm "ứng phó tích cực với tình trạng lão hóa dân số" và để "duy trì nguồn nhân lực phát triển đất nước". Quyết định này được đưa ra chỉ 3 tuần sau khi công bố số liệu tổng điều tra dân số sau 10 năm ở Trung Quốc, cho thấy tỷ lệ sinh đẻ ở đất nước đông dân nhất thế giới có xu hướng sụt giảm nhanh. Theo nhà nghiên cứu dân số học Yi Fuxian, thuộc đại học Wisconsin Madison Hoa Kỳ được Les Echos trích dẫn, "những số liệu thật của thống kê dân số vừa rồi chỉ có các lãnh đạo mới biết, chắc là số liệu rất đang lo ngại nên Bắc Kinh mới phải phản ứng nhanh, không đợi đến hội nghị Trung ương 6 vào cuối năm, theo thông lệ vẫn thường ra các quyết sách quan trọng".
Quyết định cho phép có ba con ngay lập tức tạo sóng bình luận trên mạng xã hội Trung Quốc, theo Les Echos. Phần đông ý kiến dân mạng Trung Quốc đều hoài nghi cho rằng nếu không có cải thiện đời sống, thì các cặp vợ chồng trẻ đến một con họ cũng không muốn có. Vấn đề cốt lõi là cải thiện mức sống và các chính sách xã hội về gia đình. Dân số giờ trở thành một vấn đề đối nội lớn và nan giải đối với Đảng cộng sản Trung Quốc.
Anh Vũ
Tin về cái chết của 39 người Việt, được tìm thấy trong một xe thùng chở hàng đông lạnh tại khu công nghiệp ở Essex, Vương quốc Anh đã gây xúc động và được dư luận thế giới quan tâm trong hai tuần qua.
Cô Phạm Thị Trà My, 26 tuổi, là nạn nhân trong thảm kịch ở Anh Quốc mới đây (Ảnh : BBC News)
Cùng lúc nhiều người đặt câu hỏi vì sao Việt Nam, nay là đất nước đã có nhiều tiến bộ về kinh tế trong một phần tư thế kỷ qua để trở thành quốc gia có thu nhập bình quân ở mức trung bình cao, mà nhiều người vẫn rời quê hương bằng mọi cách bất chấp nguy cơ bỏ mạng xứ người.
Khi phải quyết định rời bỏ quê hương dù bằng con đường hợp pháp, hay tìm đường nhập cư bất hợp pháp, một người luôn cân nhắc giữa những yếu tố thúc đẩy và yếu tố lôi cuốn, gọi là "push and pull factors".
Những năm thập niên 1980 tôi làm việc trong các trại tị nạn ở Đông Nam Á, qua tiếp xúc với nhiều thuyền nhân, nguyên nhân họ ra đi gồm : sợ bị đàn áp bắt giam, tránh phải đi bộ đội để khỏi chết dưới tay Khmer Đỏ bên Campuchia, bị phân biệt đối xử vì thuộc gia đình cựu quân cán chính Việt Nam Cộng hoà, vì là người gốc Hoa, hoặc vì tôn giáo ; hay ra đi để được học hành để có cuộc sống tốt đẹp hơn...Đó là những yếu tố thúc đẩy nhiều người ra đi.
Miếu thờ hai cô gái tự tử chết ở trại Galang, Indonesia (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Yếu tố lôi cuốn là thông tin từ thân nhân, bạn bè vượt biên vượt biển thành công. Họ được định cư, được trợ cấp tài chính để đi học, hay có việc làm, mua được xe ôtô trong một thời gian ngắn và còn có tiền gửi về giúp gia đình. Ở các nước Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan, Anh quốc nếu gia đình có con nhỏ mà thu nhập thấp còn được chính phủ trợ cấp mọi mặt.
Qua hình ảnh đứng bên chiếc xe ôtô, qua những thùng quà hay đôla gửi về giúp gia đình có đời sống khá hơn, xây được nhà mới cho bố mẹ, đó là những sự hấp dẫn, lôi cuốn người còn ở lại muốn rời bỏ quê hương.
Người vượt biển chắc còn nhớ câu nói trước khi từ biệt người thân : "Một là con nuôi má, hai là má nuôi con, ba là con nuôi cá". Tuy chỉ một phần may mắn so với hai phần rủi ro, có thể tử nạn, nhưng cả triệu người đã ra đi bất chấp sóng dữ và hải tặc.
Bao nhiêu người đã vùi thây trên biển. Người viết đã nghe nhiều câu chuyện thảm thương trên biển và trực tiếp biết chục người, là con em của thân nhân và bạn bè đã ra đi mà không có tin tức cho đến nay. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc ước tính số người chết trên biển lên đến hàng trăm nghìn.
Tại Quận Cam, California có một đài tưởng niệm thuyền nhân tử nạn với nhiều nghìn danh tính do thân nhân cung cấp được khắc trên những bia đá.
Đài Tưởng niệm Thuyền nhân ở Quận Cam, California (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Làn sóng vượt biển nay không còn.Việt Nam sau hơn phần tư thế kỷ đổi mới kinh tế đã có nhiều tiến bộ, mức sống của người dân được nâng cao gấp nhiều lần so với thời bao cấp, nhưng nhiều người vẫn muốn ra đi.
Ngày nay, sự kiện người dân di cư từ một quốc gia này đến một quốc gia khác sinh sống là bình thường vì mỗi năm có cả trăm triệu di dân trên thế giới.
Số người bỏ quê hương ra đi đông nhất là từ Ấn Độ, Mexico, Nga, Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan, Ukraine, Philippines với vài triệu mỗi năm, theo báo cáo năm 2018 của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM).
Cũng theo số liệu của IOM, số người Việt đi định cư ở nước ngoài không nhiều. Trong thời gian từ 1990 đến 2015 có 2,5 triệu người Việt di cư ra nước ngoài, trung bình một năm có 100 nghìn người.
Những quốc gia đón nhận nhiều di dân nhất là Mỹ, Đức, Nga , Ả-rập Saudi, Anh quốc.
Đông nhất chọn Hoa Kỳ vì nơi đây có chính sách di dân cởi mở, có hệ thống giáo dục đại học đứng hàng đầu thế giới, có nhiều công việc và nhiều cơ hội cho di dân tiến thân.
Di dân thành công ở Mỹ có nhiều tỉ phú, như Romesh Wadhwani (Symphony Technology Group), Douglas Leone (Sequoia Capital), Thomas Peterffy (Interactive Brokers Group), Andrew Cherng (Panda Express), Do Won Chang và Jin Sook (Forever 21), Elon Musk (Tesla), Sergey Brin (Google), Micky Arison (Carnival Cruises) là những thí dụ.
Trong hơn bốn mươi năm qua, người Việt đến Mỹ lập nên sự nghiệp trị giá cả tỉ đôla hay vài trăm triệu đôla có Hoàng Kiều, Chinh Chu, Lê Văn Chiêu, Trần Dũ, Triệu Phát, David Dương, Charlie Quy Ton.
Trong mọi ngành nghề đều có người Việt tài giỏi. Quân đội Hoa Kỳ có các tướng Lương Xuân Việt, Nguyễn Từ Huấn ; truyền thông có Betty Nguyễn, Leana Nguyễn, Tini Trần ; chính trường có Joseph Cao Quang Ánh, Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung), Trần Thái Văn, Janet Nguyễn, Hubert Võ, Trâm Nguyễn, Kathy Trần, Dean Trần, Bee Nguyễn ; văn học có Nguyễn Thanh Việt, Ocean Vương, Andrew Lâm, Thi Bùi.
Ông David Dương những năm đầu ở Mỹ đi thu lượm thùng giấy, trước khi thành lập công ty xử lý rác California Waste Solutions. Ông Lê Văn Chiêu từng đi bán thức ăn trưa bằng xe (lunch truck) trước khi có chuỗi cửa hàng bánh mì Lee's Sandwich. Ông Charlie Quy Ton từng là thợ làm đẹp móng tay trước khi mở hàng trăm tiệm Regal Nails trong các trung tâm thương mại.
Đón nhiều di dân nhất là California. Tiểu bang với 40 triệu dân và có nền kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới nếu California là một quốc gia riêng biệt.
Người Việt cũng chuộng California, vì thế trong số 1,3 triệu người Việt ở Mỹ, 40% sinh sống ở California.
Một nghiên cứu của hai giáo sư Karl Jackson từ U.C. Berkeley và Jacqueline Desbarats từ U.C. Irvine vào đầu thập niên 1980 cho thấy nhiều người Việt đã di chuyển từ các tiểu bang khác về California trong đợt di cư thứ nhì sau năm 1975. Họ chọn California vì những lý do : có trợ cấp an sinh xã hội tốt, dễ tìm được việc làm, khí hậu tốt, có đông đồng hương, dễ tìm thức ăn Việt và California gần với quê hương Việt Nam hơn.
Người Việt đến Mỹ vào thập niên 1980, đúng lúc công nghệ điện tử bùng phát nên "chồng tách, vợ ly" (technician và assembly line) làm dây chuyền trong các hãng điện tử đã đem lại cuộc sống sung túc ổn định cho nhiều gia đình chỉ sau chừng vài năm.
Qua thập niên 1990 nhiều công ty bắt đầu chuyển ra nước ngoài thì chồng đi bỏ báo hay đi cắt cỏ, vợ làm thợ móng tay, vài năm sau cũng có thể làm chủ một cơ sở thương mại. Nghề làm "lunch truck" đi bán thức ăn trưa cũng có thu nhập khá để hai vợ chồng có thể mua được nhà sau vài năm.
Những tiệm làm đẹp móng tay đã giúp cho nhiều người Việt tạo dựng cuộc sống ổn định ở Hoa Kỳ (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Những ai muốn theo đuổi con đường học vấn cũng có nhiều cơ hội và trường để chọn theo học, từ hơn một trăm đại học cộng đồng, 23 đại học tiểu bang đến 10 trường trong hệ thống University of California đứng đầu thế giới, là nơi để nhiều người thỏa mãn ước mơ có nghề chuyên môn như luật sư, kỹ sư, bác sĩ, khoa học gia, chuyên viên kinh tế, tài chính.
Muốn làm lao động trí óc "cổ trắng - white collar" hay lao động tay chân "cổ xanh - blue collar" California có rất nhiều cơ hội.
Ngay cả những người nhập cư trái phép vẫn có thể đi học. Hai mươi lăm năm trước cử tri California bỏ phiếu chấp thuận dự luật 187 không cho người nhập cư bất hợp pháp được hưởng các dịch vụ y tế và giáo dục. Những tổ chức bảo vệ di dân đã kiện và sau đó hầu như toàn bộ luật này đã bị vô hiệu lực bởi những phán quyết của toà. Di dân không giấy tờ hợp pháp ở California nay vẫn được đi học từ lớp 1 đến lớp 12. Lên đại học có thể được trợ giúp tài chính.
California có nhiều việc ở những nông trại, thu hút di dân từ Nam Mỹ. Các dịch vụ làm nhà hàng, siêu thị, sơn móng tay, cắt cỏ, dọn dẹp cho các nhà thầu xây cất thường hấp dẫn người châu Á. Với di dân không phép, làm những công việc này tuy thu nhập không cao, cuộc sống không giàu, nhưng so với đời sống ở quê nhà vẫn khá hơn và còn có thể gửi tiền về giúp gia đình.
Sống không hợp pháp tại Mỹ, nhiều di dân tìm cách hợp thức hóa qua kết hôn để có thẻ xanh, rồi được thành công dân Mỹ. Nếu không được như thế, nhiều người hy vọng một ngày nào đó sẽ được ân xá để trở thành cư dân hợp pháp như đã có chính sách dưới thời chính quyền Reagan trong thập niên 1980 và chính quyền Clinton trong thập niên 1990.
Đó là lý do mà nhiều người Việt, là du học sinh, du khách hay công nhân xuất khẩu lao động, khi đã vào được Mỹ và nếu có cơ hội hầu hết đều tìm cách ở lại.
Chính sách mới về di dân của chính quyền Trump trong ba năm qua có làm giảm số người nhập cư vào Mỹ, nhưng môi trường giáo dục và thị trường lao động vẫn cho di dân nhiều cơ hội để thành công vì lúc này mức thất nghiệp tại Mỹ đang thấp nhất trong nửa thế kỷ qua.
Với thảm kịch 39 người Việt chết trong thùng xe hàng đông lạnh ở Anh, khi quyết định ra đi chắc chắn họ và người thân trong gia đình cũng đã phải cân nhắc giữa thành công và rủi ro trước khi quyết định bỏ ra một số tiền lớn để được dẫn đi.
Cuộc sống của người nhập cư bất hợp pháp ở Anh cũng giống như ở Hoa Kỳ. Một khi đã đến nơi họ có thể tìm được việc làm, không chỉ đủ nuôi sống bản thân mà còn giúp được gia đình.
Khi thông tin về cái chết của những nạn nhân được truyền đi qua mạng xã hội, kèm lời nhắn của một cô gái gửi cho bố mẹ ít phút trước khi chết vì ngộp thở, một số lời bình đã quy lỗi cho cô, cho những người cùng đi vượt biên và chê trách họ chọn con đường đến Anh làm những chuyện phi pháp như trồng cỏ, làm "gái" để mong chóng giàu.
Như nhiều người cùng làng xã đã qua được đến đó, đi làm và gửi tiền về cho gia đình xây những ngôi nhà đẹp gọi là làng tỉ phú giữa quê nghèo.
Vụ việc này có phải là buôn người hay chỉ là đưa người nhập cư lậu vào nước Anh mà thôi ?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch của Boat People SOS nhận định : "Đây là vụ buôn lậu người tức là đưa người đi lậu có trả tiền. Nếu sống sót, có thể một số sẽ trở thành nạn nhân buôn người".
Hôm 2/11/2019 ông có một bài viết trên tạp chí Mạch Sống phân tích về vấn đề này :
"Thường thì những người nhập cảnh lậu dễ trở thành nạn nhân buôn người vì tình trạng cư trú bất hợp pháp, vì không có chọn lựa về sinh kế, vì các khoản nợ lớn ở quê nhà, hay vì bị khống chế bởi băng đảng tội phạm. Tuy nhiên cũng có những người nhập cư lậu không bị rơi vào tình cảnh bị bóc lột sức lao động và do đó họ không là nạn nhân buôn người. Trường hợp của 39 nạn nhân chết trong container là buôn lậu người. Nếu sống, thì có những người có thể trở thành nạn nhân buôn người".
Tổ chức Boat People SOS trong hơn ba thập niên qua đã giải cứu cho nhiều nghìn người lao động Việt khỏi cảnh bị bóc lột ở đảo American Samoa, ở Jordan, hay đưa ra ánh sáng những đường dây buôn lậu người từ Việt Nam sang Nga.
Tiến sĩ Thắng viết : "Mỗi đường dây buôn lậu người là lãnh địa của một nhóm xã hội đen có sự móc nối và ăn chia với các quan chức địa phương để dễ dàng đưa người lậu xuyên biên giới. Họ cũng sử dụng cò và môi giới để tìm các con mồi. Họ chắp nối cơ hội với những nhóm buôn lậu người ở từng quốc gia tạo nên một xâu chuỗi dẫn từ quốc gia khởi thuỷ đến quốc gia mục tiêu".
Đó cũng là hành trình mà 39 nạn nhân đã đi qua và thật không may trên đoạn đường cuối cùng trước khi đến đích họ đã tử nạn.
Còn theo cô Vương Ngọc Diệp, 39 nạn nhân đã bị nhóm tổ chức vượt biên lừa để họ tưởng là nhập cư vào Anh không khó khăn lắm và có thể làm ra tiền dễ dàng, đâu ngờ gặp nạn chết người.
Cô Diệp hiện là chủ tịch của Pacific Links Foundation có trụ sở ở California với nhiều chương trình chống nạn buôn người tại Việt Nam và trên thế giới.
Khi thấy có bình luận cho rằng 8 cô gái mệnh yểu tìm đường vào nước Anh để bán thân lấy tiền, cô Diệp tỏ ra bất bình phát biểu : "Có ai bỏ cả mấy chục nghìn đôla để đi làm gái ở nước ngoài không ?".
Nêu câu hỏi liệu người của chính quyền địa phương có liên quan đến việc tổ chức đưa người đi vượt biên, cô Diệp cho biết :
"Khi người đi lậu, tiền thuế sẽ không thu về được nên về chính sách mà nói, chính quyền sẽ không có lý do để ủng hộ việc đi vượt biên này. Họ chỉ quan tâm đến những người đi xuất khẩu lạo động chính thức, vì đó là nguồn tài chính về thuế".
Còn ảnh hưởng của ô nhiễm biển do Formosa gây ra cách đây ba năm, cô Diệp nhận định :
"Tôi nghĩ việc này không ảnh hưởng nhiều đến cư dân trong vùng trong quyết định bỏ quê ra đi, trả một số tiền lớn như vậy. Từ nhiều thập kỷ qua đã có nhiều người dân đi lao động ở nước ngoài.
Nghệ An là tỉnh có nhiều người đi xuất khẩu lao động nhất Việt Nam. Đương nhiên là có một số người vì biểu tình chuyện Formosa mà không ở lại Việt Nam được. Rất đông người trong diện này đã đi sang Thái Lan và xin tị nạn ở đó".
Khi đọc được những lời cuối của Trà My gửi về cho gia đình, với lời xin lỗi bố mẹ, cô Diệp xúc động nói : "Thử tưởng tượng nỗi nhục, xấu hổ của những người thất bại và bị trục xuất về lại Việt Nam. Điều này khiến cho họ khó có cách nào mở miệng để kể cho mọi người nghe về thực trạng của cuộc sống lao động bên Anh".
Với cái chết của 39 người Việt trên đường vượt biên. Họ là những nạn nhân được tìm thấy. Nhưng còn bao nhiêu người Việt nữa đã mất tích hay chết bờ, chết bụi ở một nước châu Âu nào đó mà chỉ có gia đình nạn nhân biết, còn công luận thì không.
Như bao nhiêu người Việt khác đã vùi thây trong lòng biển. Trong mọi thảm kịch như thế, chính phủ Việt Nam không bao giờ nhận họ có phần trách nhiệm trong đó.
Khi có làn sóng thuyền nhân ra đi từ Việt Nam vào cuối thập niên 1970, dư luận quốc tế biết đến thảm cảnh qua phóng sự do phóng viên Ed Bradley thực hiện từ trại Bidong và được chiếu trong chương trình "60 Minutes" trên kênh truyền hình CBS.
Những nhà làm chính sách, giới chức tị nạn của Liên Hiệp Quốc lên tiếng kêu gọi thế giới giang tay đón nhận người tị nạn Việt Nam. Cùng lúc chính phủ Hà Nội cũng đã chịu nhiều áp lực để tìm cách giải quyết vấn nạn này.
Một số người tổ chức vượt biển bị Hà Nội bắt giam và kết án tù nhiều năm. Năm 1979, chính phủ Việt Nam cũng đồng ý cho mở ra chương trình ODP - ra đi có trật tự - để những ai đủ điều kiện được thân nhân bảo lãnh đi đoàn tụ ở nước ngoài được rời Việt Nam bằng máy bay, tránh phải vượt biển nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên những giải pháp đó không bền vững và hiệu quả để làm giảm số người vượt biển. Chương trình ODP bị Hà Nội ngưng tiến hành và người dân vẫn ra đi bằng cách hối lộ công an để mua bãi, để công an biên phòng làm ngơ.
Có những chuyến đi còn được chính công an địa phương tổ chức để thu đôla hay vàng.
Mãi đến đầu thập niên 1990, khi thuyền nhân phải qua thanh lọc gắt gao và những ai không hội đủ điều kiện để được hưởng qui chế tị nạn thì bị trả về. Sau hai mươi năm kể từ ngày đất nước Việt Nam thống nhất 30/4/1975 thì làn sóng thuyền nhân mới chấm dứt. Trang sử thuyền nhân không có trong bộ lịch sử cận đại Việt Nam theo quan điểm của Hà Nội.
Ngày nay người Việt vẫn bỏ nước ra đi, được gọi bằng những danh từ mới như "tị nạn giáo dục", "tị nạn môi trường". Họ ra đi bằng con đường kết hôn với người nước ngoài, bằng đường du học hay xuất khẩu lao động.
Việt Nam không chỉ xuất khẩu lao động sang những quốc gia tân tiến như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Mỹ mà cả những nước nghèo như Togo, châu Phi nơi tôi đã gặp mấy bạn trẻ qua đó buôn bán, mở nhà hàng và làm việc tại phòng rửa hình.
Một bạn sống ở Togo tám năm cho biết ở đây ăn uống không sợ có chất độc, không khí trong lành. Người thân cứ nghĩ đời sống bên châu Phi khó khăn, nhưng anh nói anh có một cuộc sống rất thoải mái.
Với nhiều người Việt, những yếu tố thúc đẩy họ phải rời quê hương vẫn còn mạnh lắm.
Bùi Văn Phú
(18/11/2019)
Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc đã tròn 44 năm. Thế nhưng trong hơn 4 thập niên qua, những làn sóng người Việt di cư khỏi quê hương vẫn tiếp diễn.
Đài RFA ghi nhận trong phần sau.
Sau hơn 4 thập niên chiến tranh chấm dứt, người Việt tiếp tục vượt biên ra nước ngoài. Một tàu vượt biên nhắm đến Australia. Hình chụp ngày 14/04/13. AP
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, những dòng người chen lấn ở Đại sứ quán Mỹ cũng như tại cửa sông Sài Gòn và các cảng biển để di tản, rời bỏ quê hương Việt Nam là nơi với những ký ức tang thương và mất mát.
Thống kê cho thấy sau ngày 30/04/1975, gần một triệu người Việt đánh đổi mạng sống của họ trên những con thuyền bé nhỏ để vượt biển, hay bỏ thây nơi rừng sâu nước độc trong hành trình tìm tự do bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Sau hơn một thập niên đất nước Việt Nam "im" tiếng súng, hàng ngàn người Việt ra đi theo các chương trình đoàn tụ gia đình và nhân đạo như chương trình di dân đến Mỹ dành cho những người con lai và dành cho các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bị đi tù cải tạo cùng thân nhân của họ.
Chính phủ Hà Nội thực hiện chính sách mở cửa, phát triển kinh tế và hội nhập với thế giới bắt đầu từ năm 1986. Từ cột mốc thời gian quan trọng này, những làn sóng di dân mới được ghi nhận trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại.
Việt Nam bắt đầu xuất khẩu lao động từ thập niên 80 của thế kỷ trước cung ứng lao động sang các quốc gia Đông Âu, trong khối Xã hội Chủ nghĩa và Liên Xô khi tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Lao động Việt ra nước ngoài, khắp nơi trên thế giới làm việc gia tăng mạnh kể từ khi cơ chế của đất nước thay đổi vào năm 1991. Theo số liệu Wikipedia, tính đến năm 2011, Việt Nam có tổng cộng khoảng 500.000 lao động làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau, nhiều nhất tại các thị trường lao động Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc.
Mới đây nhất, Cục Lao động Ngoài nước, thuộc Bộ Lao Động-Thương Binh & Xã Hội công bố tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018 gần 143 ngàn người, vượt 30% kế hoạch đề ra. Bộ Lao Động-Thương Binh & Xã Hội cho biết có kế hoạch xuất khẩu 120 ngàn lao động Việt trong năm 2019 này.
Đài RFA ghi nhận trong gần 4 thập niên Việt Nam xuất khẩu lao động, không ít công nhân Việt kêu cứu vì bị chủ lao động ngược đãi, không được trả lương đúng theo hợp đồng lao động hay thậm chí còn bị rơi vào hoàn cảnh trở thành lao động nô lệ, và thường thì họ không được sự trợ giúp nào từ các cơ quan lãnh sự của Chính phủ Việt Nam ở nước ngoài. Mặc dù vậy, công nhân Việt chọn ở lại nước ngoài để lao động bất hợp pháp mà không muốn về nước, vì dẫu sao đồng tiền bấp bênh họ kiếm được vẫn khá hơn cuộc sống khốn khó ở quê nhà tại Việt Nam.
Chính phủ Malaysia hồi tháng 7 năm 2018 đã mở một chiến dịch truy quét di dân bất hợp pháp và trong số hàng ngàn người bị bắt giữ, số người Việt Nam đông thứ 4 ở mức xấp xỉ 300 người. Chủ tịch Tổ chức Liên đoàn Lao động Việt Tự do, ông Nguyễn Đình Hùng vào thời điểm đó cho RFA biết :
"Trong thời gian chúng tôi đi thăm trong trại tù, cách đây 3 năm, chúng tôi làm việc với Tổng Nghiệp đoàn Malaysia thì họ cho biết số lượng người Việt ở trong các trại tù trên toàn nước Malaysia có khỏang 400 người, bị bắt do nhiều nguyên nhân. Liên đoàn Lao động Việt Tự do vào thăm tù thời gian đó và nghe số người bị bắt 400 là qua nhiều năm, nên tôi thiết nghĩ số người bị bắt trong năm nay được coi như là đông nhất trong thời gian qua ở Malaysia".
Tình trạng người Việt ra nước ngoài để lao động bất hợp pháp được các hãng thông tấn thế giới liên tục loan tin thời gian gần đây. Vào đầu tháng 1 năm 2019, Cơ quan Di trú Đài Loan thông báo một nhóm gồm 153 người Việt Nam đi du lịch, nhập cảnh vào thành phố Cao Hùng hồi hạ tuần tháng 12 năm 2018 đã bỏ trốn tại nước này. Thông tin người Việt bị đưa lậu đến các quốc gia Tây Âu lao động bất hợp pháp, đặc biệt đến Anh Quốc đang ở mức được cho là đáng báo động. Một nghiên cứu do Tổ chức Chống Nô lệ Quốc tế, Quỹ Liên kết Thái Bình Dương và Tổ chức Chống Nạn Buôn trẻ em-Anh Quốc vừa công bố trong tháng 3 năm 2019 cho thấy hàng ngàn trẻ em Việt Nam bị buôn sang Anh lao động và tệ nạn này có xu hướng gia tăng.
Một thanh niên Việt Nam trong hành trình di dân lậu đến Anh Quốc, từ nhà tù ở Ba Lan, hồi năm 2016 kể lại cho RFA anh đã trải qua các nhà tù ra sao :
"Em đi đường rừng qua Ba Lan trên một chiếc xe container có 9 người. Sang tới biên giới Belarus thì em bị bắt ở tù 1 tháng 16 ngày. Ở đó khổ lắm. Nói chung ăn uống không bằng chó ăn".
Trong khi đó, tại Việt Nam, người dân vẫn cứ tìm cách ra nước ngoài lao động với hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt hơn. Điển hình là hình ảnh hàng ngàn người Việt, trong những ngày đầu tháng 4 này, đến văn phòng Lãnh sự Hàn Quốc từ 3 giờ sáng để xếp hàng xin visa, sau khi nước này nới lỏng chính sách cấp thị thực cho người Việt Nam ở 3 thành phố lớn bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
Hồi tháng 6 năm 2016, truyền thông trong nước dẫn số liệu công bố chính thức của Việt Nam ghi nhận tính đến thời điểm đó có hơn 81.000 người Việt Nam kết hôn với công dân của 50 quốc gia trên thế giới, trong đó nữ giới chiếm đến 92%.
Cũng tính từ mốc thời gian Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, xã hội Việt Nam xuất hiện cụm từ "cô dâu Việt" để nói đến những phụ nữ trẻ ở nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền Tây Nam Bộ lấy chồng nước ngoài, chủ yếu qua Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hàn chục ngàn cô gái Việt chấp nhận đánh đổi tuổi thanh xuân của họ để lấy một người chồng xa lạ, khác biệt ngôn ngữ và văn hóa cho cuộc đổi đời. Nhiều cô dâu Việt thổ lộ với RFA rằng cuộc sống làm dâu xứ người dù buồn tủi, rủi nhiều may ít nhưng họ không có chọn lựa nào khác hơn. Linh mục Nguyễn Thông, từng phục vụ trong Hội thánh Công giáo tại thành phố biển Busan, Hàn Quốc nói với RFA về hoàn cảnh của hầu hết cô dâu Việt ở nước này :
"Các cô qua với mục đích chính là cố vượt ra ngoài tìm cuộc sống kinh tế để giúp gia đình. Đa số các cô nói rằng ở Việt Nam thì miền sông nước không có gì làm hết, công việc bưng bê cũng không bao nhiêu tiền, trong khi qua đây làm ít nhất một ngày cũng năm bảy chục đô la".
Korea Times trích thống kê của Hàn Quốc, từ năm 2014-2016 có gần 73% phụ nữ nước ngoài lấy chồng ở nước này là người Việt Nam. Còn Taiwan News cho hay tính đến tháng 8 năm 2017 có hơn 98.000 phụ nữ Việt lấy chồng ở Đài Loan, chiếm gần 63% tổng số cô dâu nước ngoài ở đảo quốc này, và tỷ lệ vẫn tiếp tục tăng.
Một xu hướng di dân khác là tình trạng du học sinh Việt Nam không muốn trở về nước sau khi hoàn tất chương trình học tập ở nước ngoài.
Truyền thông quốc nội, trong năm 2018, dẫn lời của ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (IVCE), cho biết người Việt chi tiêu gần 2 tỷ đô la Mỹ (USD)/năm cho việc du học. Số học sinh Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2017 được ước tính là 80.000 người, và trung bình tăng 8% tính từ năm 2010 đến năm 2017.
Báo Dân Trí, vào ngày 20 tháng 4 dẫn nguồn từ báo cáo của Văn phòng Giáo dục Quốc tế Canada (CBIE) cho biết Việt Nam nằm trong số 5 nước có du học sinh đông nhất, ở mức gần 24 ngàn người trong năm 2018, tăng 46% so với năm trước đó. Tại Hoa Kỳ, trong năm học 2017-2018, du học sinh đến từ Việt Nam tăng 8,4% gần 25 ngàn sinh viên, tiếp tục đứng thứ 6 trong danh sách các nước dẫn đầu về số lượng du học sinh tại Mỹ.
Nhà báo Lê Bình, từ miền Bắc bang California, tiểu bang có cộng đồng người Việt đông nhất Hoa Kỳ nói với RFA về ghi nhận của ông liên quan tình hình du học sinh Việt Nam ở khu vực này :
"Thành phố San Jose thì sinh viên (Việt Nam) xin học nhiều vì dễ xin nhập học và có nhiều trường học tốt ở đây. Thường thì họ học ở các trường Community College là trường Đại học Cộng đồng hoặc những trường đại học lớn có nhiều ngành chuyên môn ở các thành phố San Jose, San Francisco, Sacramento cũng có sinh viên du học Việt Nam. Nói chung các sinh viên đó là bà con, thân nhân của các cán bộ Cộng sản Việt Nam, hay thậm chí họ là con cái của cán bộ và phần lớn là con của những người có tiền. Theo tôi được nghe biết thì các du học sinh Việt Nam có khuynh hướng nếu được thì họ tìm cách ở lại".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận rất nhiều du học sinh Việt Nam chia sẻ rằng họ không thể về nước làm việc vì môi trường không thích hợp, đặc biệt trong lãnh vực nghiên cứu khoa học. Và lý do trên hết mà họ chọn ở nước ngoài, như theo ghi nhận của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học New South Wales, ở Australia, rằng giới trí thức và chuyên gia Việt Nam "cảm thấy tuyệt vọng, bất lực vì không có cách gì để đóng góp giúp đất nước vươn lên".
Đồng quan điểm với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Chuyên gia đào tạo doanh nghiệp-Diễn giả Francis Hùng, là người Việt Nam đầu tiên vừa di dân đến Mỹ hồi tháng 4 năm 2018, theo diện nhân tài nhìn nhận hiện tượng di dân của giới trí thức Việt Nam, còn gọi là tình trạng "chảy máu chất xám" là do giới tinh hoa trong xã hội Việt Nam nhìn thấy được hậu quả của việc thiếu năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước đã dẫn đến hiện trạng xã hội gần như bế tắc và họ không nhìn thấy chính quyền có giải pháp để xử lý các vấn đề đó nên bị mất lòng tin hay lòng tin bị suy giảm. Diễn giả Francis Hùng nhấn mạnh :
"Bởi vì một lý do rất quan trọng để người ta yêu nước và cống hiến, xây dựng thì người ta phải tin và yêu người lãnh đạo của họ. Nên khi người ta không còn lòng tin cao như ban đầu nữa thì họ buộc phải tìm một nơi chốn khác. Nhiều người kêu gọi một sự yêu nước như một chân lý cao cả, nhưng nó phải gắn liền với quyền lợi của những người yêu nước. Người ta có thể hy sinh quyền lợi cá nhân để phục vụ cho đất nước khi người ta nhìn thấy điểm đích cuối cùng là đạt được sự thịnh vượng nào đó thì người ta trong giai đoạn buộc phải sẵn sàng hy sinh".
Diễn giả Francis Hùng là người được tiếp xúc và làm việc với rất nhiều người trong giới trí thức, doanh nhân tại Việt Nam và ông ghi nhận phần phần đông trong số họ chọn đầu tư ra nước ngoài hay di dân là vì họ bị chán chường và mất lòng tin đối với chính quyền Việt Nam. Diễn giả Francis Hùng lý giải nguyên nhân :
"Nói Việt Nam có sự phát triển kinh tế là đúng, bởi vì nền kinh tế rất khá hơn trước đây. Nhưng vấn đề cốt lõi là năng lực trong việc tái phân bổ lại kết quả đó cho số đông được hưởng một cách công bằng thì bị thiếu và bị rơi vào những nhóm lợi ích, những nhóm thiểu số quá giàu, thậm chí nhiều tỷ phú nước ngoài cũng không thể cạnh tranh nỗi được. Trong khi số lượng đời sống của dân chúng bình thường, ví dụ như bao nhiêu triệu người ở nông thôn lên thành thị làm công nhân thì đời sống không khá lên được".
Hoa Kỳ vẫn là quốc gia được số đông doanh nhân Việt Nam chọn lựa để đầu tư kinh doanh và qua đó họ cùng gia đình có thể di dân đến sinh sống và làm ăn ở xứ cờ hoa. Bà An Nguyễn, làm việc trong ngành buôn bán địa ốc ở miền Nam bang Califonia cho RFA biết những khách hàng của bà đến từ Việt Nam đều có cùng quan điểm khi họ chọn đầu tư ở Mỹ là họ đều muốn định cư ở lại :
"Nhiều người nói rằng tại vì đầu tư ở đây thì mình biết là tài sản của mình, còn ở Việt Nam làm ăn bấp bênh lắm, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ví dụ như Trung Quốc tràn qua xâm lăng nước mình thì mất hết, còn hai bàn tay trắng. Và ở trong nước khi (chính quyền) muốn bắt bớ ai thì gán tội ‘có âm mưu chống chính phủ’ rồi bắt vô tù, lấy hết tài sản. Họ nói rằng có tiền và giữ được tiền mới là quan trọng, còn có tiền mà sống trong hồi hộp, lo âu thì có đứt mạch máu mà chết. Ở Mỹ mà mua nhà cửa thì biết là sẽ có lời vì số lượng người nhập cư vào nước Mỹ càng ngày càng đông và kinh tế Mỹ cũng mạnh nhất, cho nên người ta không sợ mất. Bên kia có thể người ta đầu tư, làm càng ngày càng nhiều tiền nhưng lại ăn không ngon, ngủ không yên".
Bà An Nguyễn cho biết thêm theo số liệu của Hiệp hội Địa ốc Quốc gia Mỹ công bố hồi năm 2017, Việt Nam xếp thứ 8 trong số 10 nước mua bất động sản nhiều nhất tại Hoa Kỳ, ở mức hơn 3 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, Việt Nam còn được biết đến như là một quốc gia có chính sách gia tăng cầm tù và tống xuất những tiếng nói của người dân phản biện ôn hòa đối với Chính phủ. Theo số liệu ghi nhận từ các tổ chức nhân quyền thế giới, Việt Nam trong năm 2018 có hơn 100 tù nhân chính trị và tôn giáo. Các trường hợp tống xuất tù nhân chính trị được dư luận toàn cầu quan tâm như Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài…
Nhiều nhà hoạt động trong nước, mạnh mẽ lên tiếng về các vấn đề xã hội, tệ nạn tham nhũng, kêu gọi cải cách thể chế… để đất nước bắt kịp với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, họ bị sách nhiễu, truy bức đến mức phải trốn ra nước ngoài lánh nạn.
Chúng tôi xin kết thúc bài ghi nhận những làn sóng người Việt di dân vẫn tiếp diễn sau hơn 4 thập niên qua với câu chuyện của ông Hồ Văn Dương, một người Việt Nam hiếm hoi sinh sống tại thành phố Dakar, đất nước Senegal miền Trung Châu Phi. Ông Dương nhiều năm trước tưởng rằng mình gặp may khi được một người đàn ông dẫn qua Pháp làm việc. Thế nhưng, ông Dương lại bị đưa đến vùng Ivory Coast, Bắc Phi.
Ông Dương, qua kênh youtube của Kyle Le Dot Net và một vài báo, đài chia sẻ rằng nhiều năm trước tưởng mình may mắn khi được một người đàn ông dẫn qua Pháp làm việc. Thế nhưng, ông Dương lại bị đưa đến vùng Ivory Coast, Bắc Phi. Sau đó, nơi này xảy ra chiến sự và ông đã trôi dạt đến thành phố Dakar, Senegal, sinh sống bằng nghề chiên chả giò bán. Ông Dương tâm tình rằng một thân một mình ở đó rất buồn và rất nhớ vợ con ở Việt Nam, nhưng ông vẫn chọn lựa ở lại quốc gia nghèo hơn cả Việt Nam vì người dân địa phương tốt bụng, đã giúp đỡ ông những ngày đầu bơ vơ và cũng để kiếm tiền cho cuộc sống mưu sinh của bản thân và gia đình.
Tình cảnh của ông Hồ Văn Dương, một người Việt ở Senegal "về không nỡ mà ở không đành", trong khi tại quê nhà hàng trăm người dân không biết đi đâu về đâu, họ buộc phải sống cảnh tha phương cầu thực ngay trên đất nước Việt Nam với khẩu hiệu "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc", trong danh xưng "dân oan" vì chính sách "đất đai sở hữu toàn dân". Theo nhận định của Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc thì chính sách này đã biến Việt Nam thành "một cường quốc dân oan", có thể nhìn thấy qua vụ việc cưỡng chế mới nhất ở vườn rau Lộc Hưng, đã khiến hơn 100 hộ dân mất nhà cửa, đất đai chỉ vài ngày trước thềm Tết Nguyên đán.
Còn rất nhiều nữa dân chúng từ Bắc đến Nam chia sẻ với RFA rằng số lượng người chết vì tai nạn giao thông và bệnh ung thư hàng năm chẳng khác mấy số người bị thiệt mạng do bom đạn thời chiến tranh, và họ nói rằng nếu có cơ hội ra đi, có lẽ họ sẽ chọn lựa cuộc sống nơi "đất khách, quê người" hơn là ở lại Việt Nam.
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 22/04/2019