Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 02 février 2019 19:52

Hoa Kỳ rút lui khỏi thế giới ?

Hoa Kỳ là cường quốc mạnh nhất của thế giới từ năm 1945, khi vai trò đó Luân Đôn đã hầu như trao cho Washington sau Đệ Nhất Thế Chiến, sau cùng rơi hoàn toàn vào tay Hoa Kỳ sau Đệ Nhị Thế Chiến.

hoaky1

Không quân Mỹ ngày càng mất phi công đến mức báo động vì sự hấp dẫn của các hãng hàng không dân sự, trong khi có quá ít chiến đấu cơ F-22 để chế ngự bầu trời. (Hình minh họa : Daniel Mihailescu/AFP/Getty Images)

Kể từ năm 1991, khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết, Hoa Kỳ trở thành cường quốc duy nhất của thế giới, một thế lực mà không cường quốc nào khác có thể thách thức được.

Trong suốt 26 năm – gần một thế hệ – Hoa Kỳ đã có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, ở bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Bất chấp sự suy thoái của một số những khu vực quan trọng của nền kinh tế Hoa Kỳ, quân đội Hoa Kỳ có thể bao trùm thế giới với những cuộc triển khai lực lượng khi Ngũ Giác Đài chia hành tinh của chúng ta thành "những bộ chỉ huy theo địa lý" để chính thức hóa sự chế ngự của Hoa Kỳ.

Cũng phải nói là có nhiều nơi trên địa cầu này người ta vui mừng chào đón sự chế ngự của Hoa Kỳ. Tuy Hoa Kỳ không hoàn toàn là bất vụ lợi, Hoa Kỳ đã là một thế lực tích cực trên trường quốc tế so với bất cứ thế lực nào khác. Ngay cả những người không ưa gì sự chế ngự của Hoa Kỳ, khó thấy có ai muốn bị Bắc Kinh và các lãnh đạo độc tài của đảng Cộng sản Trung Hoa chế ngự.

Nhưng từ năm 2017, những dấu hiệu bắt đầu xuất hiện cho thấy sự chế ngự của Hoa Kỳ, vốn đã từ từ đi xuống, đã đến hồi mà Hoa Kỳ không còn chế ngự hay không muốn chế ngự thế giới nữa. Một thời đại mới đang hình thành, tuy vẫn còn quá sớm nên chưa biết rồi sẽ ra sao.

Là tổng tư lệnh của một lực lượng vẫn còn chế ngự thế giới, trong năm đầu tiên ở Văn Phòng Bầu Dục, Tổng thống Donald Trump đã nổi giận và bực tức trên Twitter hầu như mỗi ngày, với không có ảnh hưởng gì ngoại trừ việc làm cho các đồng minh của Hoa Kỳ rối trí về chuyện gì đang thực sự xảy ra ở Washington. Trên thực tế, Hoa Kỳ có hai chính sách ngoại giao và quốc phòng : những điều mà tổng thống nói và những điều mà các quan chức trong bộ máy an ninh quốc gia làm. Sự tách rời giữa những tuyên bố của tổng thống, hầu hết toán loạn, và chính sách thực sự với thế giới gia tăng trong suốt năm 2017.

Chả trách Bắc Hàn không sợ, mặc dầu một năm tổng thống xỉ vả Bình Nhưỡng. Triều đại Kim tiếp tục diệu võ dương oai khả năng hạt nhân, bắn hỏa tiễn trên Thái Bình Dương để chứng tỏ sức mạnh của họ, và những đòi hỏi của Washington buộc họ phải ngưng chả có ảnh hưởng gì cả.

Trong khi chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục nói là Bắc Hàn sẽ không bao giờ trở thành một cường quốc hạt nhân, cái quốc gia khó chịu đó quả là rõ ràng có vũ khí hạt nhân rồi. Chính sách ngoại giao không dựa trên thực tế này có thể kết thúc rất tệ hại cho tất cả mọi người – ngay cả một cuộc chiến quy ước ở bán đảo Triều Tiên cũng có nghĩa là nhiều triệu dân tị nạn và thương vong – là chuyện hiển nhiên và trở thành một trong những chữ nếu lớn nhất cho năm sau. Cuộc gặp gỡ đầy kịch tính ở Singapore năm 2018 thực ra không giải quyết được gì cả ngoại trừ việc Bắc Hàn vẫn tiếp tục sở hữu khả năng hạt nhân.

Cũng phải nói là Tổng thống Trump thừa hưởng một Hoa Kỳ mà sức mạnh bắt đầu suy yếu. Những vị tiền nhiệm của ông đã gây nhiều thiệt hại cho uy thế đó trước khi ông Trump quyết định tấn công thêm. Sự can thiệp với ý định tốt của Tổng thống Bill Clinton vào vùng Balkan đã tạo ảo tưởng là Hoa Kỳ biết "xây dựng quốc gia" từ những xã hội đổ vỡ mà không tốn kém bao nhiêu.

Phản ứng quá mức của Tổng thống George W. Bush đối với đại vùng Trung Đông đã tạo nên một vùng rối loạn đầy vấn đề, và trao Iraq cho Iran trong khi để cho Saudi Arabia hoành hành trong vùng thuộc Hồi Giáo Sunni. Ảnh hưởng xấu đến uy tín của Hoa Kỳ liên quan đến những cuộc chiến thất bại ở Iraq và Afghanistan thật to lớn. Đa số thế giới sẵn sàng chấp nhận sự chế ngự của Hoa Kỳ nếu hữu hiệu. Nhưng sự thất bại ở hai mặt trận này cho thấy là Hoa Kỳ đã mất khả năng hữu hiệu.

Tổng thống Barack Obama cũng chả làm gì tốt hơn. Đối phó với một Iraq kinh hồn mà ông thừa hưởng, ông đã chỉ tìm cách bỏ chạy. Chưa kể cố gắng không đủ ở Afghanistan, cố gắng nửa vời của ông ở Libya, lật đổ chế độ Gadhafi nhưng không có gì thay thế, rồi sự thất bại của ông trước lằn đỏ mà ông đã đặt ra ở Syria, một hành động dẫn đến Hoa Kỳ trao vấn đề Syria cho Nga. Sự ngần ngại của ông trước sự hung hăng của ông Vladimir Putin ở Ukraine đã thúc đẩy thêm cho ông này ngày càng dấn tới. Một phần nào sự ngần ngại của ông Obama đối đầu với Nga đã khuyến khích sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông Putin và những kẻ xấu khác đã nhận được thông điệp là Hoa Kỳ của Tổng thống Obama sẽ không chống lại những kẻ gây rối. Sự bận tâm của ông trước đe dọa của Trung Quốc đã làm ông ngần ngại can thiệp vào những nơi khác.

Ngược lại, nếu ông Obama không muốn can thiệp thì ông Trump đi đường khác, với những lời tuyên bố hung hăng về sức mạnh của Hoa Kỳ và sẵn sàng độc hành, bất cứ lúc nào Washington muốn, bất chấp hệ quả.

Cái chính sách ngoại giao bất chấp thế giới của ông Trump có rất nhiều thí dụ. Từ việc đơn phương công nhận Jerusalem làm thủ đô của Israel đến việc coi thường các đồng minh trong liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, thế giới sửng sốt nhìn một Hoa Kỳ không còn tin cậy được nữa. Khi người lúc đó là đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, công khai đe dọa các thành viên phải bỏ phiếu chống lại một nghị quyết ở Đại Hội Đồng lên án việc Hoa Kỳ dời tòa đại sứ về Jerusalem, Hoa Kỳ đã thất bại nặng nề. Kết quả là hầu như toàn thể thế giới bỏ phiếu chống lại Hoa Kỳ, với hầu như toàn thể đồng minh trong Liên Minh NATO.

Tổng thống Trump thích nói về "sức mạnh" của Hoa Kỳ và ông thích tweet về quân đội, mặc dầu ông chưa từng một ngày trong quân ngũ. Nhưng quả là ngày nay sự chế ngự của Hoa Kỳ chỉ còn trên lãnh vực quân sự. Với một xã hội chia rẽ, chính trị đảng phái, và suy thoái trong sản xuất công nghiệp, Hoa Kỳ chỉ còn quân đội là nền tảng cho uy quyền.

Nhưng mặc dầu tổng thống ưa khoe khoang về quân đội, những năm dài chiến tranh du kích ở Afghanistan đã xói mòn khả năng của quân đội Hoa Kỳ. Trong nhiều năm đổ nhiều ngàn tỷ đô la ở Iraq và Afghanistan, quân đội Hoa Kỳ đã không có tiền và thời giờ để canh tân và tinh thần ngày càng suy yếu.

Không quân ngày càng mất phi công đến mức báo động vì sự hấp dẫn của các hãng hàng không dân sự, trong khi có quá ít chiến đấu cơ F-22 để chế ngự bầu trời. Hải quân trong khi đó bị bỏ rơi vì những cuộc chiến trên bộ. Khi tính đến sự việc là hải quân Hoa Kỳ đã là người bảo đảm cho tự do hải hành trên toàn thế giới từ năm 1945, bảo vệ cho mậu dịch quốc tế và là chủ lực của quyền lực Hoa Kỳ, sự suy yếu của hải quân là một điều đáng lo. Ngay cả lục quân cũng không khá gì hơn. Nhiều năm thiếu đầu tư cho pháo binh và chiến tranh điện tử đã đe dọa sức mạnh của bộ binh.

Nhưng trên hết là chính sách độc hành của Tổng thống Trump vốn đang xói mòn hệ thống toàn cầu mà Hoa Kỳ đã dày công dựng lên từ Đệ Nhị Thế Chiến. Sức mạnh của Hoa Kỳ vốn không phải chỉ là sức mạnh của nòng súng mà còn là sức mạnh của một cường quốc dân chủ tự tin và sẵn sàng chia sẻ. Khi Hoa Kỳ trở thành ích kỷ thì sức mạnh đó cũng khó duy trì. 

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 02/02/2019

Published in Diễn đàn
dimanche, 05 mars 2017 09:27

Cảm ơn Donald Trump ?

Donald Trump nên được nhìn như một sự cố không tránh khỏi của một phong trào toàn cầu hóa vừa dồn dập lại vừa không phương hướng. Có Trump hay không có Trump thì quan hệ quốc tế cũng phải được xét lại. Có Trump hay không có Trump làn sóng dân chủ thứ tư cũng đã đến lúc phải tràn tới vì thế giới đã thay đổi và vì nó là một chuyển biến tự nhiên và bắt buộc đã bị trì hoãn quá lâu.

 

trump1

Donald Trump nên được nhìn như một sự cố không tránh khỏi của một phong trào toàn cầu hóa vừa dồn dập lại vừa không phương hướng.

Không ai, nhất là nếu không phải là người Mỹ, có lý do nào để ái mộ Donald Trump. Ông không phải là người trang nhã, cũng không tài giỏi hay tốt bụng. Trong suốt cuộc đời ông chưa hề bày tỏ một quan tâm nào đối với các giá trị đạo đức, văn hóa, dân chủ và nhân quyền. Hay tình trạng nghèo đói cơ cực của gần một tỷ người tại Châu Phi. Thế giới và nhân loại không phải là quan tâm của ông. Cảm tình nồng hậu nhất của Donald Trump dành cho chế độ mafia của Putin tại Nga.

Tuy vậy không ai có thể phủ nhận tình trạng rất không bình thường từ khi Trump đắc cử tổng thống Mỹ, báo hiệu một hướng đi mới của thế giới.

Ngày 20/01/2017, tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, cuộc găp gỡ hàng năm của những người quyền thế nhất trái đất tại Davos, Thụy Sĩ, chủ tịch kiêm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình đọc một bài diễn văn lớn cổ võ nồng nhiệt cho phong trào toàn cầu hóa và dõng dạc tuyên bố Trung Quốc sẽ làm tất cả để tăng cường thương mại toàn cầu, tăng cường trao đổi hàng hóa, tư bản, ý kiến, khoa học, kỹ thuật, sự gặp gỡ giữa các dân tộc và giữa những con người. Trong tinh thần đó Trung Quốc sẽ tôn trọng những cam kết tại hội nghị COP21 về khí hậu và môi trường. Trung Quốc tán thành và ủng hộ toàn cầu hóa và thương mại quốc tế nhiệt tình và không điều kiện.

Như để trả lời Tập Cận Bình, ba ngày sau, trong diễn văn nhậm chức Donald Trump thẳng thắn tuyên bố - và dõng dạc nhắc lại hai lần - rằng chính sách của ông sẽ chỉ giản dị là "nước Mỹ trước hết", America first. Như để đánh tan mọi ngờ vực về quyết tâm của ông quyết định đầu tiên của Trump, hai ngày sau, là rút khỏi Khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thế là bao nhiêu công lao của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama bị ném vào sọt rác một cách không nể nang.

TPP là một thỏa thuận hợp tác giữa 12 quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, với trọng lượng 40% kinh tế thế giới trong đó các quốc gia không chỉ xóa bỏ hàng rào quan thuế mà còn đồng thuận trên nhiều tiêu chuẩn về phẩm chất, sản xuất và lao động. Đó sẽ là một họp tác lớn nhất từ xưa đến nay trong lịch sử thế giới. Đặc tính nổi bật của TPP là nó loại trừ Trung Quốc. Đó là một cố gắng của chính phủ Obama trong hai năm cuối của ông để ngăn chặn Trung Quốc sau nhiều năm lơ là để rồi nhận ra rằng Trung Quốc càng mạnh lên thì càng trở thành một đe dọa cho hòa bình.  Một trong những lý do ra đời của TPP chính là Tập Cận Bình. Từ khi lên cầm quyền, cuối năm 2012, Tập đã chủ trương khép lại và xiết lại, thanh trừng nội bộ, khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, kiểm soát thông tin, chống diễn biến hòa bình và củng cố chế độ, đối đầu thay vì thích nghi với thế giới dân chủ. Trump tỏ ra chống Trung Quốc rất quyết liệt nhưng quyết định đầu tiên của ông là phá tan một chiến lược chống Trung Quốc mà chính phủ Obama đã bỏ công sức xây dựng từ hơn hai năm qua. Sự triệt thoái về biên giới quốc gia của Hoa Kỳ, vào lúc mà Liên Hiệp Châu Âu đang lúng túng trước đe dọa tan vỡ, gần như đã nhường không gian thế giới cho Trung Quốc tha hồ tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng, cụ thể là đẩy mạnh hai dự án Hợp Tác Kinh Tế Khu Vực Toàn Diện (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP) và Ngân Hàng Châu Á Đầu Tư Kết Cấu Hạ Tầng (Asian Infrastucture Investment Bank – AIIB).

Không chỉ Trung Quốc mà cả Nga cũng đang nổi bật trên sân khấu chính trị thế giới. Chính sách Trung Đông của Obama đã là một sai lầm lớn và một thảm kịch. Sự rút quân hấp tấp của Obama khỏi Iraq đã cho phép lực lượng khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo Daesh hồi sinh và suýt nữa làm chủ Iraq để sử dụng tài nguyên phong phú của đất nước này cho mục tiêu hủy diệt thế giới văn minh. Tệ nhất là tại Syria. Khi các cuộc biểu tình chống chế độ al-Assad nổ ra Obama đã tuyên bố hùng hổ đòi đánh đổ Bachar al-Assad khiến các lực lượng dân chủ nổi lên nhưng sau đó lại không dám can thiệp mạnh khiến họ trở thành mồi ngon cho lực lượng Daesh và chính quyền al-Assad. Cuối cùng, sau khi hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản, Hoa Kỳ đã phải can thiệp trở lại một cách vất vả và tốn kém hơn nhiều tại Iraq cũng như tại Syria. Tuy vậy tại Syria kẻ thắng là Nga chứ không phải Hoa Kỳ. Chế độ Putin đã nhập cuộc, đánh lùi Daesh, cứu được chế độ Al-Assad và tái lập được sự hiện diện của Nga tại Trung Đông sau gần 30 năm vắng mặt. Ngoài ra Nga còn ngang nhiên xâm chiếm Ukraine, sáp nhập bán đảo Crimea và đang đe dọa sáp nhập thêm hai tỉnh biên giới phía Đông bất chấp sự lên án và các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và Châu Âu. Nga cũng đang thao túng chính trị thế giới với một lực lượng gián điệp mạng hùng hậu. Chính thắng lợi của Donald Trump cũng đã phần nào nhờ lực lượng gián điệp mạng này. Ít nhiều Putin đã chỉ định tổng thống Mỹ.

Như vậy phải chăng Donald Trump đã làm đảo lộn trật tự thế giới với chính sách triệt thoái vể sau biên giới Mỹ và từ chối mọi trách nhiệm đối với thế giới ? Phải chăng Trung Quốc và Nga từ đây tha hồ thao túng? Phải chăng chúng ta đang chứng kiến dân chủ rút lui và co cụm lại trong khi phe độc tài xông lên và bùng ra ? Phải chăng làn sóng dân chủ thứ tư đã khựng lại và xẹp xuống ? Không hẳn như vậy.

Nước Nga của Vladimir Putin từ vài năm nay đang chật vật vì suy thoái và khủng hoảng kinh tế chứ không phải là một nước có tâm lý phấn khởi và bành trướng. Tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Nga được công bố là 1130 tỷ USD, nghĩa là chỉ bằng 1,5% GDP toàn cầu, giảm 40% so với hai năm trước. Đồng Rúp đã mất một nửa trị giá so với đồng đôla Mỹ.  Nhưng đó là những con số chính thức. Sự thực có lẽ còn bi đát hơn, nhất là cho chính quyền Putin vì 35% ngân sách lấy từ lợi tức dầu khí đã tuột dốc từ ba năm qua. Các biện pháp trừng phạt kinh tế sau hành động xâm lược Ukraine còn làm nước Nga và chính quyền liên bang khốn khổ hơn nữa trong việc vay tiền cho chính mình cũng như cho các tổ hợp quốc doanh. Chính quyền Putin đang kiệt quệ và không thể có tham vọng bành trướng.

Việc xâm lược Ukraine không thể biện minh về mặt luật pháp quốc tế nhưng có thể hiểu là do áp lực từ lịch sử. Ukraine là cái nôi của nước Nga, là nơi mà nước Nga đã được thành lập vào thế kỷ thứ IX với thủ đô là Kiev. Mất Ukraine là một đau đớn quá lớn đối với dân tộc Nga và mất Crimea lại càng đau hơn vì bán đảo này là của Nga và mới chỉ được sáp nhập vào Ukraine bởi một quyết định hành chính năm 1954. Sự cám dỗ "lấy lại phần nào" đã quá lớn khi chính những người cầm quyền Ukraine xâu xé nhau và đẩy đất nước họ vào cảnh bạo loạn.

Can thiệp vào Syria không phải là một hành động bành trướng. Nó chủ yếu nhắm tiêu diệt lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo Daesh vì lý do tự vệ. Trong lực lượng khủng bố này có khoảng 9.000 quân, nghĩa là gần một nửa tổng số quân Daesh, đến từ Nga và các nước lân cận thuộc Liên Xô cũ trong đó có 4.000 người Nga. Trước viễn ảnh kinh hoàng là Daesh vì yếu dần đang chuyển sang chiến lược gửi các quân cảm tử trở lại quê hương cũ để hoạt động khủng bố tại chỗ, Nga đã chọn giải pháp can thiệp để tiêu diệt chúng ngay tại Syria trước khi chúng trở về Nga. Quyết định này có thể đúng hay sai nhưng đó là lý luận của chính quyền Putin và nó giải thích tại sao các máy bay chiến đấu của Nga đã nhắm tiêu diệt tối đa quân Daesh bất chấp những thiệt hại gây ra cho những thường dân vô tội. Cách can thiệp này đã khiến Nga bị cả thế giới lên án và trở thành đối tượng căm thù của Hồi Giáo, trước kết là của 25 triệu người Hồi Giáo tại Nga. Chính Putin gần đây đã giải thích rằng Nga chỉ can thiệp vào Syria trong mục đích tự vệ. Putin không phải là một mẫu mực của sự trung thực nhưng lần này người ta có hai lý do để tin ông. Một là Nga đã chỉ nhập cuộc bênh vực đồng minh Bachar al-Assad vào mùa hè 2015, bốn năm sau khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu, điều này chứng tỏ Nga đã chỉ bất đắc dĩ phải can thiệp. Hai là dù đã giành được ưu thế tại Syria Nga không hề tìm cách ảnh hưởng tới các nước chung quanh, điều này chứng tỏ Nga không có tham vọng tại Trung Đông.

Điều chắc chắn là Nga muốn cải thiện quan hệ, kết thân nếu có thể được, với Mỹ và Châu Âu dù đang bị trừng phạt. Putin đã không trả đũa khi Hoa Kỳ trục xuất 35 nhân viên ngoại giao và cũng không giấu hy vọng được mời thăm viếng Châu Âu. Có thể nói đối với phương Tây chính sách của Putin là thân thiện không điều kiện. Putin cũng đặc biệt ưu ái Donald Trump và không hề thắc mắc về thái độ chống Trung Quốc rất hung hăng của ông này. Tập Cận Bình phải cảm thấy rất cô đơn.

Cô đơn và lo sợ vì hơn lúc nào hết Trung Quốc cần đồng minh. Chính sách mở cửa tối đa và cổ vũ nhiệt tình cho thương mại toàn cầu của Bắc Kinh nếu nhìn sát hơn cũng chỉ là một phản xạ tự vệ chứ không phải là cuộc tiến công hào hứng. Tập Cận Bình lên cầm quyền với chủ trương khép lại và xiết lại nhưng đã không có chọn lựa nào khác hơn là dồn hết sức lực để thúc đẩy thương mại quốc tế bởi vì kinh tế của Trung Quốc dựa trên xuất khẩu và sẽ sụp đổ nếu thương mại quốc tế sút giảm. Nhưng có thúc đẩy được hay không là chuyện khác.

Hãy nhìn vào hai vũ khí chiến lược của Trung Quốc. Dự án Hợp Tác Kinh Tế Khu Vực Toàn Diện (RCEP) rất khó thành công vì chủ yếu chỉ gồm những nước tìm cách bán chứ không muốn mua và người ta không thể hình dung một thị trường chỉ có người bán. Dự án Ngân Hàng Châu Á Đầu Tư Kết Cấu Hạ Tầng (AIIB) lại càng phiêu lưu và có thể sẽ khiến Trung Quốc lỗ nặng. Đàng sau ngân hàng này là sáng kiến Nhất Đái Nhất Lộ (hay một vành đai, một con đường) được biết tới với tên tiếng Anh là Belt and Road Initiative (BRI). Trung Quốc bỏ ra 1.000 tỷ USD để cho vay tài trợ các dự án xây dựng những kết cấu hạ tầng - đường, cầu, đường sắt, hải cảng, sân bay, v.v. -  mà các công ty Trung Quốc trúng thầu. Chính quyền Tập Cận Bình hy vọng như vậy sẽ vừa bành trướng được ảnh hưởng vừa sử dựng được những khả năng xây dựng quá thừa thãi do qui hoạch quá lạc quan và do sự ngừng trệ của ngành xây dựng tại Trung Quốc. Nhưng nước nào dám nhờ Trung Quốc xây dựng cho mình ? Ngành xây dựng luôn luôn là ngành tạo nhiều công việc làm nhất, trao cho nước ngoài xây dựng tương đương với chấp nhận để nhiều công dân mình lâm vào cảnh thất nghiệp. Cho tới nay đã chỉ có Việt Nam, Lào và một vài nước Châu Phi hưởng ứng với kết quả rất đáng thất vọng về cả phẩm chất lẫn tiến độ thi công, làm nổi lên cả một phong trào bài Trung Quốc. Những nước này lại cũng là những nước rất kém về khả năng trả nợ. Trung Quốc có thể mất cả công lẫn vốn.

Trong cuộc chiến tranh thương mại đang ló dạng với Hoa Kỳ Trung Quốc yếu cả về lực lẫn thế. Về lực GDP thực sự của Trung Quốc, mặc dù có những ước lượng rất hoang tưởng, chỉ bằng một nửa GDP Hoa Kỳ với một dân số đông gấp hơn bốn lần. Quan trọng hơn là về thế. Trung Quốc bán và Hoa Kỳ mua. Trong một gián đoạn thương mại kẻ thiệt thòi là kẻ bán chứ không phải người mua. Trung Quốc hơn nữa còn đang trong thế suy. Ngoại thương, động cơ chính của kinh tế Trung Quốc, đang liên tục sút giảm từ mấy năm nay và mọi dấu hiệu cho thấy là sẽ còn tiếp tục. Năm 2016 xuất khẩu đã giảm 7,7%, nhập khẩu giảm 5,5% so với năm 2015 đã từng được coi là một năm xấu nhất cho ngoại thương. Chưa hết, Trung Quốc còn đang mất hơn 200 tỷ USD mỗi năm vì tư bản đào thoát ra nước ngoài. Chính sách chống Trung Quốc của Donald Trump không biết sẽ được thực hiện tới mức nào nhưng chắc chắn số thặng dư ngoại thương gần 400 tỷ USD mỗi năm của Trung Quốc với Hoa Kỳ sẽ bị sút giảm nặng. Chưa kể là các nước Châu Âu cũng đang tìm mọi cách để giảm bớt hơn nữa mậu dịch đối với Trung Quốc. Trong tình huống này con số tăng trưởng 6,7% cho năm 2016 vừa được công bố, dù đã là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất từ 1990, rất đáng ngờ vực. Có mọi triển vọng đà tăng trưởng không chỉ chậm lại mà còn đảo ngược, nghĩa là kinh tế Trung Quốc đã suy thoái từ vài năm nay. Cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nói là nếu tỷ lệ tăng trưởng xuống dưới mức 8% thì Trung Quốc sẽ có nguy cơ bạo loạn bởi vì chính quyền Trung Quốc đã áp đặt những hy sinh quá lớn nhân danh mục tiêu tăng trưởng nhanh. Rất có thể đây là lý do khiến Bắc Kinh phải liên tục nói dối.

Nguy cơ chính trị như vậy còn lớn hơn suy thoái kinh tế, nhưng vẫn không nghiêm trọng bằng một nguy cơ khác. Chính sách tăng trưởng hoang dại đã hủy hoại môi trường ở mức độ không thể phục hồi được nữa, nhất là nửa lãnh thổ phía Bắc sông Dương Tử. Ô nhiễm kinh khủng đang khiến phần lớn những người có phương tiện tìm cách rời bỏ Trung Quốc vì lý do giản dị là họ sợ chết.

Tóm lại Trung Quốc vừa quá yếu vừa quá nguy ngập để có thể thay thế Hoa Kỳ trong vai trò đầu tầu của thương mại toàn cầu, chưa nói tới lãnh đạo thế giới.  Bắc Kinh thừa biết như vậy vì theo chính dự kiến của họ thì ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất Trung Quốc cũng chỉ có thể trở thành giầu mạnh vào năm 2040, nghĩa là còn lâu. Và với điều kiện là Trung Quốc thành công trong cuộc chuyển hóa rất khó khăn và hiểm nghèo từ một nền kinh tế ô nhiễm và bất chấp con người nhắm sản xuất để xuất khẩu những sản phẩm kỹ thuật thấp sang một nền kinh tế lành sạch, kỹ thuật cao đặt nền tảng trên dịch vụ và thị trường nội địa. Tuy vậy trước mắt Tập Cận Bình không có chọn lựa nào khác hơn là cố sức cứu vãn thương mại toàn cầu để trì hoãn sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Nhưng đây chỉ là một cố gắng tuyệt vọng và sẽ chỉ có tác dụng làm Trung Quốc kiệt quệ nhanh hơn, như Liên Xô trước đây đã ngã gục vì hụt hơi trong cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ. Nhất là khi Bắc Kinh lại không thể trong đợi một sự liên đới nào ở nước Nga của Putin.

Sau cùng chính Donald Trump cũng sẽ nhanh chóng khám phá ra rằng dù muốn hay không Hoa Kỳ vẫn phải đóng góp bảo vệ một trật tự thế giới đặt nền tảng trên các giá trị dân chủ và nhân quyền chứ không thể chỉ biết có nước Mỹ. America first không thể đồng nghĩa với America only như ông muốn. Một tháng sau khi nhận chức, trong bài diễn văn đầu tiên trước quốc hội, ông đã phải thay đổi thái độ một cách khá rõ rệt. Liên minh với Châu Âu, cụ thể là liên minh quân sự NATO, không còn bị coi là lỗi thời nữa, các nước Châu Âu chỉ cần đóng góp tích cực hơn. Hoa Kỳ cũng không từ chối vai trò lãnh đạo thế giới, trái lại sẽ gia tăng hơn nữa ngân sách quốc phòng để đảm nhiệm vai trò này. Điều chắc chắn là Trump sẽ cứng rắn với Trung Quốc, nhất là trong quan hệ thương mại. Chính sách này có thể đẩy Trung Quốc đến khủng hoảng và làm chế độ cộng sản sụp đổ.

Có cần phải cảm ơn Donald Trump không ? Dứt khoát là không.

Trong ba thập niên qua thương mại quốc tế đã tăng trưởng rất nhanh nhờ có hai khách mua lớn là Hoa Kỳ và Châu Âu. Về mặt kinh tế có thể nói họ đã chia sẻ sự giầu có của họ với những nước chưa phát triển, nhất là Trung Quốc, nhưng ngày nay cả hai khách hàng lớn này đều đã bối rối sau một thời gian dài tích lũy thâm thủng mậu dịch và không muốn hoặc không thể tiếp tục đảm nhiệm "nghĩa vụ tiêu dùng" nữa. Mặt khác phong trào toàn cầu hóa là một phong trào rất lớn làm thay đổi hẳn thế giới nhưng cho tới nay lại không đi đôi với một phong trào tư tưởng đủ mạnh để vạch ra một cách thuyết phục những giá trị nền tảng của một trật tự thế giới mới và những thích nghi cần thiết đặt ra cho mỗi dân tộc. Nó đã tiến tới một cách ồ ạt và xô bồ, gạt nhiều người ra bên lề cuộc sống mà họ không hiểu tại sao. Tệ hơn nữa nó còn giúp chế độ cộng sản Trung Quốc mạnh lên và đe dọa hòa bình thế giới. Donald Trump nên được nhìn như một sự cố không tránh khỏi của một phong trào toàn cầu hóa vừa dồn dập lại vừa không phương hướng. Có Trump hay không có Trump thì quan hệ quốc tế cũng phải được xét lại, để ít nhất không tiếp sức cho những chế độ độc tài bạo ngược. Obama cũng đã thay đổi chính sách đối ngoại khi thành lập TPP. Có Trump hay không có Trump làn sóng dân chủ thứ tư cũng đã đến lúc phải tràn tới vì thế giới đã thay đổi và vì nó là một chuyển biến tự nhiên và bắt buộc đã bị trì hoãn quá lâu.

Sự khác biệt, nếu có, là Trump sẽ bạo tay hơn với Trung Quốc, cũng như với Mexico. Ông không cần phân biệt các chế độ độc tài phải bị cô lập với các nuớc cần được hỗ trợ trong cố gắng dân chủ hóa. Trump sẽ gây nhiều khó khăn cho nhiều dân tộc. Một hiệu ứng phụ của Trump là sẽ đóng góp làm cho các chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam sụp đổ nhanh hơn, nhưng đồng thời cũng có nguy cơ gây nhiều xáo trộn và đổ vỡ đáng lẽ có thể tránh được trong giai đoạn chuyển tiếp.

Một lời sau cùng. Chế độ cộng sản Việt Nam hình như nghĩ rằng vì Donald Trump không quan tâm tới dân chủ và nhân quyền nên từ nay họ có thể yên tâm đàn áp những người dân chủ. Những vụ bắt giam, sách nhiễu, hăm dọa và hành hung đã gia tăng hẳn cả về số lượng lẫn mức độ hung bạo.

Họ đang làm một sai lầm lớn. Đúng là Trump không quan tâm tới dân chủ và nhân quyền, nhưng ông đang tìm mọi lý cớ để gây khó khăn cho quan hệ thương mại Việt Mỹ tối cần thiết cho Việt Nam và cho sự sống còn của chế độ. Những vi phạm nhân quyền, nhất là thô bỉ như hiện nay, đang cống hiến cho Trump những lý do mà ông chờ đợi.

Nguyễn Gia Kiểng

(05/03/2017)

Published in Quan điểm