Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hiện tượng lật đổ thủ tướng hay ‘đảo chánh cung đình’ là giải pháp ‘chữa lửa’ tạm thời và hợp pháp trong thể chế dân chủ đại nghị của Úc. Thường ít khi xảy ra, nhưng trong những năm 2010-2020 nước Úc đã chứng kiến liên tục. Trong 11 năm nước Úc đã thay đổi thủ tướng đến 7 lần, đưa đến ví von với siêu thị bán hàng tạp hóa 7-Eleven. Nhưng thể chế dân chủ đại nghị được vận hành thực tiễn như thế nào để đảo chánh cung đình liên tục xảy ra đến độ làm người ta chóng mặt ?

australie1

Úc theo chế độ dân chủ đại nghị : Một phiên họp ở Viện thứ dân (Hạ viện) Úc- Ảnh minh họa

Mọi chế độ dân chủ đại nghị đều có thể truy nguồn từ kiểu mẫu hệ thống Westminter xuất phát từ thời Trung cổ bên Anh. Theo kiểu mẫu này quyền lực chính trị không nằm trong tay vua chúa nữa mà ở Quốc hội gồm có Viện thứ dân (House of commons) và Viện nguyên lão (House of lords). Hai viện này theo thời gian biến đổi thành Hạ viện và Thượng viện hiện nay. Thành viên Hạ viện gọi là Dân biểu và Thượng viện là Thượng nghị sĩ.

Sơ lược vài đặc điểm của chế độ dân chủ đại nghị Úc.

Thành viên của Hạ viện và Thượng viện đều do người dân trực tiếp bầu lên trong một cuộc bầu cử tự do trên toàn quốc. Chính đảng nào nắm được đa số ghế trong Hạ viện lập chính phủ, chọn Thủ tướng. Chính đảng về nhì làm Đối lập, còn được gọi là Chính quyền đang chờ đợi (Government in Waiting) sẵn sàng chấp chánh ngay sau khi thắng cử.

Thể thức bầu cử ở Hạ viện là đơn danh, đa số, một vòng. Ai có đa số tuyệt đối 50+1 sẽ thắng. Khi không có người đạt được đa số yêu cầu, Ủy ban Bầu cử (Ubbc) sẽ áp dụng một hệ thống đặc biệt gọi là Phiếu Ưa thích (Preferential vote) để tuyên bố người thắng cử. Mỗi ứng cử viên đắc cử đại diện cho một đơn vị cử tri nhất định. Dân biểu có nhiệm kỳ 3 năm.

Thể thức bầu cử trên Thượng viện cũng đơn danh, một vòng, nhưng người thắng cử phải đạt được số phiếu nhất định (quota) được Ubcc ấn định tính theo tỷ lệ dân số của tiểu bang. Ai đạt được quota thắng cử. Khi không ai đạt được quota, Ubbc áp dụng hệ thống Phiếu bầu Ưa thích rất phức tạp chọn thượng nghị sĩ. Việc bầu theo tỷ lệ này có tính khuyến khích các đảng phái nhỏ, khuynh hướng chính trị khác biệt đa dạng tham gia chấp chính. Thượng nghị sĩ không đại diện cho cử tri nên không thể làm thủ tướng. Nhiệm vụ của Thượng viện là tái thẩm và phê chuẩn các dự luật do Hạ viện đưa lên.

Cử tri thuộc đơn vị bầu cử của thủ tướng đương nhiệm có thể phế bỏ thủ tướng bằng cách không bầu cho ông nữa. Hiện tượng đảo chánh cung đình xảy ra sắp nói bên dưới, cũng vì nguyên tắc ai có quyền cho, có quyền lấy lại. Phe Đối lập, truyền thông, ‘thế lực thù địch’ với thủ tướng có thể vận động, thuyết phục cử tri không bỏ phiếu cho thủ tướng trong đơn vị bầu cử của ông, như vậy trên thực tế, đã lật đổ thủ tướng. Năm 2010, thủ tướng John Howard đã bị thất cử ngay chính trong đơn vị cử tri của mình.

Đứng đầu Chính quyền chịu trách nhiệm trước Hạ viện là Thủ tướng. Thủ tướng là thủ lãnh (leader) của đảng về nhất trong một cuộc bầu cử. Thủ tướng không phải là chủ tịch đảng (president) thắng cử. Hoạt động nội bộ của chính đảng hoàn toàn tách biệt ra khỏi nghị trường Quốc hội. Thủ tướng bổ nhiệm bộ trưởng, điều hành Nội các, thực hiện dự án chính trị, chính sách của đảng, đưa ý kiến bổ nhiệm cho các quan chức bên Tư pháp. Thủ tướng quyền hành rất lớn kể cả giải tán Quốc hội nếu như dự luật quan trọng như thuế khóa, ngân sách của đảng bị Thượng viện bác bỏ 3 lần.

Đảng về nhì sau bầu cử làm Đối lập. Đối Lập là đặc điểm nổi bật trong thể chế đại nghị Úc. Đối lập rất mạnh buộc chính quyền phải lương thiện, minh bạch và chịu trách nhiệm (‘Keep the bastards honest’). Thủ lãnh Đối lập là thủ tướng chờ đợi. Phe Đối lập cũng tổ chức Nội các, ban bộ như bên Chính quyền, có dự án chính trị, chính sách và có đội ngũ, phản biện mọi chính sách của Chính quyền. Đối lập là thanh gươm của dân treo trên cổ Chính quyền. Xét thế, một nền dân chủ dù có tam quyền phân lập, đa đảng đa nguyên nhưng không có Đối lập chưa hẳn đã dân chủ. Yếu tính của dân chủ là Đối lập.

Nếu chính đảng được quan niệm như một tổ chức chính trị có tư tưởng chính trị, có dự án chính trị và một đội ngũ nòng cốt để thực hiện dự án chỉ có hai chính đảng Lao động và Tự do đang thay nhau nắm quyền tại Úc. Các ‘chính đảng’ nhỏ khác trên thực tế là những đoàn thể áp lực vì không có chính sách cai trị trên bình diện quốc gia. Những đoàn thể áp lực rất mạnh và có thể trở thành lực lượng khuynh đảo trong các Chính quyền thiểu số. Đấu tranh chính trị trong nghị trường Quốc hội vì thế là đấu tranh giành quyền lực giữa các tổ chức chính trị chứ không phải cá nhân hay nhân sĩ. Người Úc đi bầu cho chính đảng trong ngày bầu cử.

Đảo chánh cung đình

Hiến pháp Úc ấn định đảng chiếm đa số ghế tại Hạ viện bầu thủ tướng vậy ‘vô tình’ chấp nhận đa số này có thể lật đổ Thủ tướng bằng cách chỉ định thủ lãnh mới ngay trong nhiệm kỳ chấp chánh. Nguyên tắc bất thành văn ‘ai cho, có quyền lấy lại’ là lý do đưa đến những cuộc đảo chánh cung đình triền miên trong những năm 2010-2020.

Khi thủ tướng không giữ được sự đoàn kết trong Nội các tại Hạ viện, không kiềm chế được Đối lập, bị nghi ngờ kém khả năng giải thích, thuyết phục, thỏa hiệp trong nhiệm vụ thực hiện chính sách, đặc biệt là các chính sách cứng rắn của đảng về một mặt nào đó trong xã hội, rủi ra đảo chánh cung đình có thể xảy ra. Một hay hai dân biểu hàng ghế trước (những bộ trưởng) tin rằng dưới sự lãnh đạo của đương kim thủ lãnh sẽ bị thất cử, có thể vận động đồng đội hàng ghế sau (chưa được phân công nắm ban bộ nào) lấy đa số thách thức sự tín nhiệm đương kim thủ tướng. Một cuộc bỏ phiếu kín trong nội bộ được tổ chức và một thủ lãnh mới xuất hiện, tức thủ tướng mới, mà không qua ý kiến của người dân. Gọi là đảo chánh cung đình vì nó xảy ra trong Hạ viện chứ không phải qua các phòng phiếu. Xin đan cử một thí dụ tiêu biểu :

Năm 2010 Bộ trưởng Kinh tế đối lập Lao động Kevin Rudd thắng cử sau khi đánh bại thủ tướng Tự do John Howard. Cầm quyền được 2 năm rưỡi ông mất tín nhiệm của Nội các bị nữ Bộ trưởng Julia Gillard lật đổ lên làm thủ tướng chỉ định. Gọi là thủ tướng chỉ định (Prime Minister designated) vì do quan đồng viện bầu lên để phân biệt với thủ tướng đắc cử (Prime Minister elected) do dân bầu. Thủ tướng chỉ định Gillard trở thành thủ tướng đắc cử sau đó dù bị mất đi đa số ghế ở Hạ viên và trở thành chính phủ thiểu số. Cầm quyền được 3 năm, đến phiên Gillard lại bị truất phế và đảng Lao động đưa con ngựa cũ thành Troy là Kevin Rudd trở lại làm thủ tướng chỉ định. Hai tháng rưỡi sau đó Kevin Rudd bị thất cử.

Các cuộc đảo chánh cung đình là những giải pháp chữa lửa tạm thời khi thấy khói bốc lên từ trên nóc. Tuy nhiên các giải pháp qua mặt người dân có rủi ro cao. Cơn thịnh nộ của người dân trước hiện tượng này được chứng minh nhiều lần đảng cầm quyền sẽ bị thất cử hoặc mất đa số ghế trong Hạ viện trở thành chính quyền thiểu số.

Rất thực tiễn, họa đảo chánh cung đình đã được cả hai đảng Lao động và Tự do âm thầm chấm dứt. Nói là âm thầm vì chưa thành luât, nhưng đã có thỏa thuận giữa hai đảng sẽ tôn trọng thủ tướng đắc cử làm hết nhiệm kỳ.

Thể chế chính trị nào cũng có ưu và khuyết điểm. Tùy theo lịch sử, văn hóa, tâm lý, địa lý riêng biệt của từng dân tộc và từng quốc gia mà một thể chế thích hợp được người dân chọn lựa. Cần thiết nhất là khả năng biết điều chỉnh để hoàn thiện là ưu điểm của mọi thế chế dân chủ.

Với những ưu khuyết điểm sơ lược của chế độ dân chủ đại nghị Úc, nó có đáng để được chọn lựa làm thể chế ưu việt cho Việt Nam hậu cộng sản ?

Hãy để những thành tựu của nước Úc trên trường thế giới chứng minh. Nước Úc với 25 triệu dân lấy số liệu năm 2019 có GDP là 1,5 ngàn tỷ USD. GDP bình quân đầu người là 57.305 USD (2018). Nước Úc thường xuyên là một trong 10 nước top ten đáng sống nhất trên thế giới (1).

Nhưng nói đến Úc là nói đến một nền an sinh xã hội hàng đầu thế giới. Công dân được trả ‘tiền thất nghiệp’ cho đến khi tìm được việc làm mới. Người già được chăm sóc kính trọng trong những nhà dưỡng lão. Giáo dục miễn phí đến hết bậc đại học. Chăm sóc y tế hoàn toàn miễn phí suốt đời. Pháp luật được thượng tôn triệt để và bất vị thân. Đặc biệt quyền tự do ngôn luận được tôn trọng từng milimet.

Mới đây nhất, trên truyền thông Úc đã xuất hiện một nền dân chủ mới : dân chủ qua điện thoại (Dial Democracy). Ai có ‘phản biện’ về mọi vấn đề trong cuộc sống được khuyến khích gọi điện thoại đến các báo, đài, radio phát biểu ý kiến để được chia sẻ và nhất là được các chính trị gia lắng nghe để mong tiếp tục thắng cử.

Sơn Dương

(18/10/2020)

(1) GDP bình quân đầu người của Úc

https://solieukinhte.com/gdp-binh-quan-dau-nguoi-cua-uc/

Published in Quan điểm