Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hôm nay, ngày 11/11/2018 gần 70 nguyên thủ quốc gia trên thế giới tề tựu về Paris, Pháp để long trọng kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I. Cuộc chiến này diễn ra từ tháng 7/1914 đến 11/11/1918 làm chết gần 20 triệu người và tàn phá nhiều quốc gia.

thechien1

Một cuộc tiến công của phe Hiệp ước trên mặt trận Notre-Dame-de-Lorette, tại Ablain-Saint-Nazaire (Pas-de-Calais), ngày 15/04/1915 - Ảnh minh họa (AFP)

Đây là cuộc chiến giữa phe Hiệp ước gồm Anh, Pháp, Nga và sau đó là Mỹ và Brasil với phe Liên minh gồm Đức, Áo-Hung, Bulgaria và đế quốc Ottoman. Tuy nhiên Pháp và Đức là hai nước chủ chốt trong cuộc chiến này và đồng thời cũng là hai nước chịu nhiều thiệt hại nhất. Gần 6 triệu người Pháp đã chết hoặc bị tàn phế trong cuộc chiến trên một dân số 39 triệu. Phía Đức con số này là 6 triệu rưỡi trên 65 triệu dân.

Đức là nước thua cuộc và phải bồi thường chiến tranh cho Pháp rất lớn. Chính vì thiếu tinh thần hòa giải nên Pháp đã dồn Đức vào đường cùng, và chính điều này đã góp phần đưa Hitler và Đảng quốc xã Đức lên nắm quyền nhờ khai thác tâm lý bất mãn của người dân. Chiến tranh thế giới lần thứ 2 xảy ra như là sự tiếp nối cuộc Chiến tranh lần I.

Cùng với Đức, đế quốc Nga, Áo-Hung và đế quốc Ottoman cũng sụp đổ theo. Đáng nói nhất là sự sụp đổ của đế quốc Nga đã khai sinh ra nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới do Lenin lãnh đạo. Cuộc cách mạng mùa xuân tháng 2/1917 do giai cấp tư sản Nga khởi xướng đã lật đổ được chế độ quân chủ của Nga hoàng Nicolas II. Tuy nhiên chính phủ lâm thời Nga do Alexander Kerensky lãnh đạo đã sai lầm khi quyết định tiếp tục tham gia Thế chiến I khi nước Nga đã hoàn toàn kiệt quệ, 2 triệu người lính Nga đã tử thương và 5 triệu người bị thương. Tâm lý chống chiến tranh lan rộng khắp nước Nga từ nông thôn đến thành thị và đặt biệt là trong giới binh sĩ. Nước Đức cũng muốn chấm dứt chiến tranh với Nga để rảnh tay đối phó với Anh-Pháp nên đã hậu thuẫn Lenin về nước làm cách mạng (1). Lê-nin, một chuyên gia khủng bố thượng thặng đã thành công trong việc cướp chính quyền từ tay chính phủ lâm thời của Kerensky và lập nên nhà nước Xô-viết.

Sau khi liên quân Anh-Pháp với sự trợ giúp của Mỹ từ năm 1917 đánh bại Đức, nhưng vì thiếu ý thức hòa giải sau các cuộc chiến tương tàn nên phe thắng cuộc đã áp đặt nhiều điều khoản bất lợi cho phe thua cuộc khiến tinh thần quốc gia của nhiều dân tộc bị tổn thương nặng, và đây là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trỗi dậy tại Đức, Ý, Nhật…

thechien2

Trải qua bao đau thương mất mát loài người mới nhận ra rằng mọi dân tộc đều phải có trách nhiệm kiến tạo và bảo vệ hòa bình.

Cũng vì thiếu tinh thần hòa giải cộng thêm việc bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi xem việc chinh phục các nước khác để mở mang bờ cõi là đương nhiên, vì hành động tự nhiên của mọi quốc gia là phải chinh phục để mở rộng lãnh thổ và thiết lập trật tự thế giới mới. Chủ nghĩa sô-vanh (chauvin) của Hegel xem sự xung đột giữa các dân tộc là tự nhiên, vì mọi dân tộc đều phải bảo vệ và mở rộng không gian sinh tồn của mình. Chủ nghĩa quốc gia quá khích này đã không giải quyết được những mâu thuẫn của Thế chiến I mà còn mở đường cho Thế chiến 2.

Thế chiến 2 diễn ra sau đó với sự thảm khốc và đẫm máu còn hơn cả Thế chiến I. Trải qua bao đau thương mất mát loài người mới nhận ra rằng mọi dân tộc đều phải có trách nhiệm kiến tạo và bảo vệ hòa bình. Cần tôn trọng các giá trị căn bản của con người trên khắp hành tinh, khẳng định sự bình đẳng giữa những con người thuộc mọi chủng tộc trong mọi quốc gia. Đề cao tư tưởng và các giá trị đạo đức nền tảng như dân chủ, tự do, bao dung, liên đới, hợp tác, thỏa hiệp và nhân nhượng lẫn nhau.

Hôm nay, sau buổi tưởng niệm các Chiến sĩ Vô danh tại Khải Hoàn Môn, tổng thống Pháp và các vị nguyên thủ từ 70 quốc gia đã cùng nhau khai mạc Diễn Đàn Hòa Bình trong ba ngày, từ 11/11/2018 đến 13/11/2018, nhằm rút ra những bài học từ Thế chiến I và thảo luận về hợp tác quốc tế nhằm duy trì hòa bình và ổn định cho hành tinh của chúng ta.

FDLP_FLYER_SOCIAL

Diễn Đàn Hòa Bình diễn ra tại Paris trong ba ngày, từ 11/11/2018 đến 13/11/2018

Một sự kiện đặc biệt và quan trọng mà không thể không nói đến nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I là sự chấm dứt vai trò lãnh đạo độc tôn của Mỹ được thiết lập từ sau Thế chiến 2. Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Pháp hôm 10/11/2018, sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với tổng thống Pháp Macron thì Trum đế quốc "ngồi chơi xơi nước" trong đại sứ quán Mỹ suốt buổi chiều hôm đó. Sáng 11/11/2018, Trump tham gia buổi kỷ niệm ở Khải Hoàn Môn, trong đó ngay trước mặt ông, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án chủ nghĩa quốc gia (nationalism) mà Donald Trump vừa đề cao vài ngày trước như là nguyên nhân của hai cuộc thế chiến. Buổi chiều Donald Trump đi thăm một nghĩa trang, nơi yên nghỉ của hơn 1.500 lính Mỹ hy sinh trong Thế chiến I, rồi ra về. Ông cũng như tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự Diễn Đàn Hòa Bình cùng với 70 nguyên thủ quốc gia đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là việc chưa từng xảy ra trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ.

Sau Thế chiến 2 thì Mỹ, một quốc gia hùng mạnh và dân chủ bậc nhất thế giới được thừa nhận như là quốc gia lãnh đạo phe dân chủ và gần như là cả thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Mỹ đóng quân ở 170 quốc gia và liên minh quân sự với hơn 60 nước, trong đó đặc biệt nhất là với Liên Hiệp Châu Âu gồm 28 nước thành viên. Khối quân sự NATO cũng do Mỹ lãnh đạo. Mọi quyết định lớn nhỏ từ trước đến nay đều do Mỹ quyết định, các nước khác chỉ việc tuân theo. Tất cả đều đồng thuận để Mỹ làm lãnh đạo. Nay vai trò đó của Mỹ đã kết thúc với khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết" của Trump.

Thật ra thì Mỹ đã từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới khi bầu Bill Clinton, một tổng thống đắc cử với khẩu hiệu "chỉ làm kinh tế" mà sẵn sàng bỏ qua các giá trị về nhân quyền và tự do. Sau Clinton các tổng thống như Bush con hay Obama đều theo đuổi chủ nghĩa thực tiễn, đặt quyền lợi kinh tế lên trên các giá trị đạo đức và nhân quyền. Trump là người đẩy mạnh quá trình này và đặt dấu chấm hết cho vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Mỹ. Tất nhiên là Mỹ vẫn muốn lãnh đạo thế giới (ai mà chẳng muốn) nhưng lại không muốn chịu trách nhiệm gì. Trump luôn đặt vấn đề là Mỹ phải gánh quá nặng chi phí để đảm bảo an ninh thế giới với ngân sách quốc phòng khoảng 650 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên cùng với việc chấp nhận vai trò lãnh đạo của Mỹ thì cả thế giới đã chấp nhận dùng đồng tiền đôla Mỹ như là đồng tiền chung. Chính việc chấp nhận sử dụng đồng tiền của Mỹ làm đồng tiền thanh toán chung thì cả thế giới đã chia sẻ và gánh vác trách nhiệm chung với Mỹ khi phải chịu nạn lạm phát của đồng đôla Mỹ. Chưa kể Châu Âu đã đóng góp rất nhiều trí tuệ, phát minh và cung cấp một nguồn nhân lực cao cấp cho nền kinh tế Mỹ. Mỹ được lợi rất nhiều khi được làm lãnh đạo thế giới.

Đương nhiên Mỹ vẫn là quốc gia có tiếng nói và trọng lượng lớn trên thế giới trong nhiều năm nữa, nhưng Mỹ không còn là tiếng nói duy nhất và áp đảo hoàn toàn như trước đây. Các liên minh quân sự và kinh tế sẽ sớm ra đời để thay thế vào chỗ của Mỹ bỏ trống. "Món quà" đầu tiên cho Trump là liên minh quân sự gồm 10 nước Châu Âu vừa được hình thành song song bên cạnh NATO theo sáng kiến của tổng thống Pháp. Có ý kiến lo ngại rằng Nga và Trung Quốc sẽ nổi lên để trám vào chỗ của Mỹ. Theo tôi sự lo lắng này không có cơ sở. Nga đã bị kiệt quệ sau cuộc can thiệp quân sự vào Ukraine và cưỡng chiếm bán đảo Crimea. Trung Quốc đã lên tới đỉnh của sự phát triển và giờ đang hạ cánh cứng. Khủng hoảng kinh tế đang làm tan biến "giấc mơ Trung Hoa" của Tập Cận Bình.

Phong trào dân túy trên thế giới sẽ nhanh chóng qua đi khi không thể đưa ra những giải pháp khả thi để giải quyết những vấn đề khó khăn và phức tạp của thời đại công nghệ 4.0. Tư duy con người tuy vẫn còn khác biệt nhưng đa số đều đồng thuận với nhau trên những giá trị chung như hòa bình, dân chủ, nhân quyền, tự do, hợp tác, bao dung và liên đới. Những giá trị này là không thể nào thay thế và xóa bỏ.

Việt Hoàng

(11/11/2018)

(1). https ://thongluan2016.blogspot.com/2018/11/su-that-ve-lenin-va-cuoc-cach-mang-nga.html

Published in Quan điểm

Kẻ thù của nhân quyền : Chủ trương quốc gia trên hết

Thời sự trong nước với khủng hoảng tại hãng hàng không Air France, do bãi công và không có lãnh đạo từ ba tháng nay, là tiêu điểm trang nhất của nhiều nhật báo Pháp hôm nay.

nq1

Phu nhân tổng thống Mỹ Roosevelt, bà Eleanor Roosevelt, xem bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (tiếng Tây Ban Nha). Ảnh chụp năm 1949.Wikipedia

Về thời sự quốc tế, nhân quyền là một chủ đề chính của Le Monde, vào dịp sắp tròn 70 năm ngày Liên Hiệp Quốc thông qua Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Trang nhất Le Monde dẫn lời cảnh báo của cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc về chủ nghĩa độc đoán gia tăng, tình trạng nhân quyền xấu đi ở khắp nơi trên hành tinh. Cũng Le Monde có bài nhận định "Nhân quyền bị các lãnh đạo độc tài thách thức".

Nhà báo Marie Bourreau, tác giả bài viết, nhấn mạnh là dịp kỉ niệm 70 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời sắp tới không có gì là "huy hoàng" cả, bởi các quyền tự do căn bản của con người – "lý tưởng chung" mà mọi cộng động, mọi dân tộc đều hy vọng hướng đến – trên thực tế đang bị đe dọa bởi "các lãnh đạo hùng mạnh" của nhiều quốc gia, từ Nga đến Mỹ, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Philippines hay Hungary, một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.

Dù khác biệt đến đâu, các lãnh đạo độc tài cũng có một đặc điểm chung, là thể hiện như những người hùng bảo vệ cho "trật tự", "an ninh", chống "khủng bố", "bạo lực", nhưng lại hạ thấp việc bảo vệ các cá nhân chống lại các hành động lạm quyền từ phía Nhà nước.

Trong bối cảnh lý tưởng về nhân quyền bị tấn công khắp nơi, tình hình tại Hoa Kỳ là hết sức đáng lo ngại. Với chủ trương "Nước Mỹ trên hết", tổng thống Donald Trump từ chối đưa ra quan điểm về nhân quyền tại một quốc gia khác, đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi những thỏa ước quốc tế bảo vệ nhân quyền, như thỏa ước về quyền nhập cư hợp pháp, cấm công dân sáu quốc gia Hồi giáo nhập cảnh Hoa Kỳ. Một quyết định bị công luận trong và ngoài nước phản đối dữ dội.

Lên án đương kim tổng thống Mỹ, Le Monde cũng lật lại những cội rễ của thái độ "khinh bỉ" nhân quyền trong lịch sử chính trị Mỹ, đặc biệt với tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ, Adrew Jackson, nổi tiếng với quan điểm dân túy về đối nội, và chủ nghĩa biệt lập (isolationisme) trong chính sách đối ngoại.

Theo một nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc, chủ trương phớt lờ nhân quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đã cổ vũ nhiều lãnh đạo, vốn đã độc tài, càng thêm độc đoán hơn. Quyết định tai hại gần đây nhất của Hoa Kỳ là rút khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, có trụ sở ở Genève. Hội Đồng Nhân Quyền là một định chế vốn không có gì là hoàn hảo cả, nhưng đây cũng là một "công cụ" buộc nhiều quốc gia phải nỗ lực hơn trong lĩnh vực này.

Nhân quyền lâm vào "thế phòng ngự"

Nhà báo Le Monde cũng ghi nhận một hiện tượng là, chính các lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, từ cựu tổng thư ký Ban Ki Moon đến đương kim tổng thư ký Antonio Guterres, đều đứng trước các áp lực rất lớn. Phải đến hơn nửa năm sau khi nhậm chức (tức cho đến tháng 12/2017), tân lãnh đạo Liên Hiệp Quốc mới tuyên bố rõ ràng sẽ đặt nhân quyền làm "cốt lõi" trong chính sách của ông. Tuy nhiên, công chúng vẫn trông đợi các hành động cụ thể.

Theo một nhà ngoại giao khác, hệ thống bảo vệ nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hiện nay đang "sụp đổ từng mảng một", với việc nhiều quốc gia rút khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, án tử hình được thiết lập lại ở một số nước, công tác bảo vệ nhân quyền trong các hoạt động gìn giữ hòa bình bị thu hẹp, hay chính quyền các nước nhân danh chống khủng bố để tăng cường đàn áp dân chúng…

Một nhận xét khác cũng được nhiều người chia sẻ, đó là trong bối cảnh hoạt động nhân quyền đang bị sói mòn, cùng với sự trở lại của nhiều cường quốc trên bàn cờ chính trị thế giới, như Nga, Trung Quốc, hay khu vực, như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Ai Cập…, Liên Hiệp Quốc hiện nay lâm vào "thế phòng ngự", với việc cố gắng bảo vệ những gì được coi là "thành quả", như quyền phụ nữ, quyền trẻ em. Rất khó đạt được các tiến bộ trong các lĩnh vực khác.

Theo tác giả bài viết, dịp kỉ niệm 70 năm Tuyên Bố Quốc Tế Nhân Quyền tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 tới, được tổ chức như thế nào sẽ là "một chỉ dấu quan trọng" cho thấy thực trạng của cuộc chiến vì nhân quyền hiện nay.

Nhà nước cũng có nguy cơ trở thành "tổ chức khủng bố"

Cũng về nhân quyền, cao ủy về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Al-Hussein, trong bài trả lời phỏng vấn Le Monde, chia sẻ nhiều suy nghĩ. Cao ủy về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đặc biệt lưu ý công chúng là, đừng nên vì sự tồn tại của nhiều nhóm khủng bố cực đoan mà đánh giá thấp vai trò lớn lao của Nhà nước. Bởi chính các Nhà nước mới có đủ tiềm năng để hủy diệt hành tinh, chứ không phải các nhóm cực đoan. Trong cuộc chiến chống khủng bố phải tôn trọng nhân quyền, phải hành xử theo luật pháp, nếu không, một Nhà nước cũng có nguy cơ trở thành một tổ chức khủng bố.

Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cảnh báo là : Hôm nay thả lỏng cho các xâm phạm nhân quyền, ngày mai sẽ phải gánh lấy xung đột.

Afghanistan : Hoa Kỳ "đối thoại trực tiếp" với Taliban

Về thời sự Châu Á, cũng Le Monde có bài nhận định về việc Hoa Kỳ bắt đầu khởi sự "đối thoại trực tiếp" với quân nổi dậy Taliban tại Afghanistan. Tờ báo đặt câu hỏi : Nếu xu thế này là có thực, thì phải chăng đây là một khởi đầu cho bước ngoặt chính sách của Hoa Kỳ tại Afghanistan, quốc gia được coi là nằm ở vị trí ngã tư chiến lược của lục địa Châu Á ?

Theo Le Monde, một số cuộc gặp đã được tổ chức trong tháng 7, tại Doha, Qatar, giữa một phái đoàn cấp cao của Mỹ với các đại diện Taliban. Một cuộc gặp tới dự kiến vào ngày 24/08. Nếu xu hướng này được khẳng định, vấn đề sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Trung Á này lần đầu tiên sẽ được đặt ra.

Đợt ngừng bắn mới đây mang lại nhiều hy vọng. Hôm 31/07, người phát ngôn chính quyền Kabul tuyên bố giải pháp bền vững cho hòa bình tại Afghanistan phải do chính người Afghanistan quyết định với nhau.

Tuy nhiên, vấn đề hòa bình cho Afghanistan hiện nay còn phụ thuộc vào hàng loạt các cường quốc trong vùng, đặc biệt là Nga, Trung Quốc và Pakistan. Một hội nghị tay ba, Afghanistan, Pakistan và Trung Quốc được tổ chức đầu tuần này tại Bắc Kinh. Nga sẽ tổ chức một hội nghị khác vào cuối tháng, với khách mời là Taliban, và hy vọng có sự tham gia của Mỹ.

Pakistan là một ẩn số quan trọng. Bởi đầu não của quân Taliban hiện trú đóng trên lãnh thổ Pakistan. Cho đến nay, phe quân sự Pakistan vẫn chủ trương không ủng hộ các lãnh đạo Taliban nào muốn thương lượng trực tiếp với chính quyền Kabul, nhằm duy trì khả năng chi phối quốc gia láng giềng. Việc Pakistan có thủ tướng mới có thể dẫn đến việc Islamabad thay đổi chính sách cứng rắn này, mở đường cho các phe phái Afghanistan hòa giải.

Tuy nhiên, một hiểm họa khác đe dọa Afghanistan là mâu thuẫn sắc tộc. Việc Taliban trở lại bàn cờ chính trị có nguy cơ làm "gia tăng rạn nứt sắc tộc". Quân nổi dậy Taliban đa số thuộc sắc tộc Pachtun sẽ làm cho phe Pachtun của tổng thống Ghani có thêm sức mạnh, đẩy sắc tộc Tadjik vào thế yếu. Rất có nguy cơ Afghanistan lâm vào một nội chiến mới.

Bắc Triều Tiên "ngoại giao hài cốt"

Về Bắc Triều Tiên, hồ sơ phi hạt nhân hóa không mấy nhúc nhích trong lúc việc trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên được quảng bá rầm rộ. Về vấn đề này, Le Monde có một cái nhìn châm biếm, với bài "Bắc Triều Tiên sử dụng ‘‘món ngoại giao hài cốt’’ với Washington".

Nhận xét đầu tiên của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, khi biết tin 55 bộ hài cốt đã được đưa về, đó là chúng ta chưa thể biết được gì có trong đó. Hoa Kỳ đã có kinh nghiệm. Đầu thập niên 1990, Bắc Triều Tiên đã trao trả cho Mỹ 208 bộ hài cốt, nhưng thực chất trong đó có phần còn lại của thi hài khoảng 400 người, và rút cục chỉ có 151 được xác nhận là của quân nhân Mỹ.

Lần đầu tiên Đức cấm Trung Quốc mua lại doanh nghiệp chiến lược

Báo chí Pháp hôm nay cũng dành nhiều bài để nói về kinh tế Trung Quốc.Trang nhất phụ trương kinh tế Les Echos cho biết hôm qua, thứ Tư 1/8, Đức cấm một công ty Trung Quốc mua lại xí nghiệp sản xuất máy công cụ Leifeld Metal Spinning, với lý do an ninh. Theo Les Echos, đây là lần đầu tiên Berlin trực tiếp đưa ra quyết định cấm. Xí nghiệp nói trên chuyên về chế tạo máy móc phục vụ trong ngành công nghiệp hạt nhân.

Hồi tuần trước, Đức đã ngăn chặn một công ty điện Trung Quốc mua lại cổ phần của một tập đoàn điện cao thế Đức. Tuy nhiên, không bằng cách cấm, mà là Nhà nước bỏ tiền ra mua lại 20% cổ phần doanh nghiệp, đang bị Trung Quốc dòm ngó. Trung Quốc ngày càng bị coi là một mối đe dọa với nền công nghiệp Đức. Cách nay hai năm, việc công ty sản xuất robot công nghiệp Kula bị Trung Quốc mua lại làm chấn động nước Đức.

Bắc Kinh giảm lĩnh vực kinh doanh bị quản lý chặt

Về phần mình, Bắc Kinh cũng đang siết chặt kiểm soát đối với phần đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài trong các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán tại Trung Quốc. Theo Les Echos, có thể coi đây là một phản ứng trả đũa của Bắc Kinh trước việc hoạt động mua bán cổ phần của nhiều công ty Trung Quốc ở Châu Âu trong các lĩnh vực "chiến lược" bị ngăn chặn. Tuy nhiên, báo kinh tế Pháp lưu ý đến một nghịch lý là, các biện pháp siết chặt quản lý nói trên lại đi kèm với việc Bắc Kinh nới lỏng các lĩnh vực kinh tế bị quản lý chặt, từ 63, còn 48 lĩnh vực, với mục tiêu thu hút đầu tư.

Dù sao, đối với giới kinh doanh hoạt động tại Trung Quốc, thì nền kinh tế nước này vẫn thuộc loại "khép kín nhất thế giới". Theo một điều tra của Phòng Thương Mại Châu Âu, các doanh nhân liên tục phàn nàn về các điều kiện làm việc tồi tệ, giao thiệp qua internet bị cản trở, nhiều quy định bất công.

"Kinh Tân" : Ảo ảnh của tầng lớp trung lưu Trung Quốc

Nền kinh tế thứ hai thế giới gây nhiều hy vọng và ảo ảnh. Le Figaro có bài phóng sự về «Thành phố Kinh Tân (Jing Jin City), ảo ảnh của tầng lớp trung lưu Trung Quốc". Thành phố được xây mới hoàn toàn từ năm 2003, cách Bắc Kinh 120 km, trên đường đến cảng biển Thiên Tân, với một tổ hợp biệt thự được coi là lớn nhất Châu Á, với khoảng 8.000 ngôi nhà.

Có thể nói đó là một nơi ở lý tưởng cho tầng lớp trung lưu bậc trên, với những căn hộ hết sức rộng rãi, nhiều sân golf, trung tâm thương mại cao cấp… Tuy nhiên, thành phố có khả năng tiếp nhận 300.000 dân này hiện tại vẫn là một "đô thị ma". Thành phố Kinh Tân chỉ là một trong số rất nhiều đô thị ma mọc lên như nấm tại Trung Quốc từ những năm 2000 đến nay. Các thành phố ma ở Trung Quốc là hậu quả của chính sách xây dựng mang tính áp đặt, không dựa trên nhu cầu thực sự của người dân.

Theo các chuyên gia, một số dự án trong đó là không thể cứu vãn. Gần đây, có vẻ như chính quyền Trung Quốc dè dặt hơn với các dự án khổng lồ. Nhưng ngay hồi năm ngoái, đích thân chủ tịch Trung Quốc đã đứng ra quảng bá cho một thành phố mới cách Bắc Kinh khoảng một trăm cây số về phía tây nam, dự kiến sẽ lớn hơn New York gấp ba lần.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình Diễn đàn Kinh tế.

Thưa ông, tuần qua, Chính quyền Hoa Kỳ gây chấn động thế giới khi quyết định áp thuế nhập nội trên hai sản phẩm nhôm thép. Khi đó, ông đã nói về tương quan lực lượng của các nước trong quan hệ ngoại thương. Tuần này, tại Trung Quốc, Quốc hội biểu quyết chấp thuận việc Chủ tịch Tập Cận Bình hết còn giới hạn nhiệm kỳ và chuẩn bị hàng loạt biện pháp cải tổ cơ chế kính tế để gia tăng quyền hạn của đảng trên bộ máy của nhà nước và hăm dọa trả đũa quyết định tăng thuế của Mỹ. Theo dõi chuyện này từ lâu, ông nhận xét về nào về các chuyển động ấy ?

cnqg1

Biểu đồ thặng dư mậu dịch hàng tháng của Trung Quốc với Hoa Kỳ - AFP

Sự khác biệt trong giao dịch ngoại thương

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Việc Đảng cộng sản Trung Quốc trao quyền tuyệt đối cho Tổng bí thư Tập Cận Bình được chuẩn bị từ lâu và nay mới hợp thức hóa qua kỳ họp Đại hội Nhân dân Toàn quốc, là Quốc hội. Cơ chế này chỉ là bình phong của đảng nên chẳng ai ngạc nhiên. Người ta đã bình luận về hiện tượng tập quyền tuyệt đối ấy, chúng ta khỏi nhắc lại.

Phía Hoa Kỳ cũng thế, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã chuẩn bị các biện pháp ngoại thương từ gần một năm, chủ yếu nhắm vào Trung Quốc sau khi thấy Bắc Kinh không thể can gián động thái đáng ngại của chế độ Bắc Hàn. Sự khác biệt là Hoa Kỳ có nền dân chủ với nguyên tắc phân quyền, lại có chế độ pháp trị nên mọi quyết định của Hành pháp đều phải công khai, hợp pháp và được các cơ chế khác như Lập pháp và Tư pháp chấp thuận. Trung Quốc thì không.

Nói về ngoại thương, mậu dịch hay thương mại thì từ nhiều thập niên, các nước đều đề cao nguyên tắc tự do giao dịch với tối thiểu quan thuế hay hạn ngạch mà xứ nào cũng có những biện pháp kín đáo bảo vệ quyền lợi của mình. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ không chấp nhận tình trạng đó của xứ khác vì gây thiệt hại cho Hoa Kỳ, nhưng ông Trump không thể tự ý quyết định trả đũa các nước đó vì phải tuân thủ luật lệ Hoa Kỳ. Ông Trump hiểu ra và chuẩn bị việc đó từ năm ngoái khi kèm yếu tố an ninh vào quan hệ mậu dịch.

Nguyên Lam : Như vậy, ông nghĩ Chính quyền Trump đã nghiên cứu và sửa soạn việc này từ lâu rồi. Xin ông giải thích cho thính giả của chúng ta điều đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngược với ấn tượng sai lầm của nhiều người, Tổng thống Mỹ không có toàn quyền mà phải chia quyền với Lập pháp, dưới sự giám sát của quyền Tư pháp, cao nhất là Tối cao Pháp viện, chưa nói tới quyền hạn của các tiểu bang. Lập pháp gồm có hai viện của Quốc hội là Thượng viện và Hạ viện với thẩm quyền rất lớn mà Hành pháp do Tổng thống lãnh đạo phải tuân thủ, thuyết phục hay thỏa hiệp. Nói chung thì Hành pháp có nhiều quyền về đối ngoại hơn nội trị, trừ lãnh vực nằm ở giữa là ngoại thương.

Luật Mỹ quy định là Quốc hội cho Hành pháp được rộng quyền đàm phán về mậu dịch với các nước cho tới khi hoàn tất thì được Quốc hội phê chuẩn trọn gói thay vì kiểm tra từng bước thương thuyết. Chúng ta thấy điều đó vào năm 2015 khi Hành pháp của Tổng thống Barack Obama mất sáu năm qua hai chục vòng đàm phán Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, nhưng sau khi Hiệp ước hoàn tất thì Quốc hội không đồng ý phê chuẩn khi xét vào nội dung chi tiết. Qua năm 2016, trong cuộc tranh cử tổng thống, hai ứng viên dẫn đầu đều ngả theo hướng chống đối và sau khi đắc cử, ông Trump quyết định rút lui. Thật ra dù có muốn ủng hộ Hiệp ước, ông cũng không có hậu thuẫn của Quốc hội, vì vậy bà Hillary Clinton là người cổ võ cho Hiệp ước cũng phải chống khi tranh cử.

Kho luật lệ của Hoa Kỳ

Nguyên Lam : Ít ai nhìn ra nghịch lý đó trong cơ chế pháp quyền của Hoa Kỳ. Thưa ông, trở lại trận chiến mậu dịch hay ngoại thương ngày nay thì sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta trở lại điều tôi xin gọi là "kho luật lệ" của Hoa Kỳ mà Tổng thống có thể nhìn ra nhờ Nội các cùng Ban tham mưu sau khi đắc cử và lên nắm quyền. Thời Chiến tranh lạnh, Mỹ có Đạo luật Thương mại Mở rộng năm 1962 cho Hành pháp được quyền đàm phán và giảm thuế quan tới tới 80% mà khỏi xin Quốc hội. Nhưng Đạo luật Trade Expansion Act đó lại có Khoản 232 cũng cho Hành pháp được tăng thuế quan mà khỏi xin phép Quốc hội nếu an ninh của Hoa Kỳ bị đe dọa. Sau khi cho Bộ Thương mại và Đặc sứ Thương mại nghiên cứu từ gần một năm trước, Chính quyền Trump viện dẫn khoản đó để áp thuế trên thép và nhôm như chúng ta vừa thấy. Đấy là một cách can thiệp vào mậu dịch và đối ngoại mà khỏi xin Quốc hội phê chuẩn.

Nguyên Lam : Đấy là cơ sở pháp lý của trận đánh nhôm thép vừa khởi đầu. Thưa ông, Chính quyền Trump còn dùng võ khí nào trong cái kho luật lệ của Hoa Kỳ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngoài Đạo luật Thương mại năm 1962, Hoa Kỳ có một Đạo luật quan trọng hơn vào năm 1974 cho Hành pháp rộng quyền đàm phán theo thủ tục nhanh và xin Quốc hội phê chuẩn trọn gói sau khi hoàn tất. Được áp dụng từ đầu năm 1975 và tái tục nhiều lần, Đạo luật Trade Act 1974 có Khoản 301 dự phòng trường hợp Hoa Kỳ bị cạnh tranh bất chính trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư vì các đối tác không tuân thủ những cam kết quốc tế. Khi đó, Tổng thống có quyền ban hành mọi biện pháp, kể cả trả đũa, để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ. Đại diện Thương mại hay các doanh nghiệp bị thiệt có thể viện dẫn Khoản 301 này để đòi thương thuyết lại với các đối tác vi phạm mà không chờ phán quyết của một cơ chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Sở dĩ ta nói về bối cảnh luật pháp ấy vì Chính quyền Trump viện dẫn cả hai đạo luật để mở ra cuộc chiến mậu dịch với Trung Quốc. Khi tranh cử, ông Trump chủ trương ưu tiên bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ nên có thể gọi là chủ nghĩa quốc gia trong quan hệ kinh tế với các nước mà thực chất nhắm vào cường quốc có ý hướng khơi động chủ nghĩa quốc gia để vượt Mỹ là Trung Quốc. Ta đang chứng kiến trận đấu kinh tế giữa một chế độ độc đảng và một chế độ dân chủ pháp trị !

Vị thế của Hoa Kỳ trong cuộc chiến ngoại thương

Nguyên-Lam : Theo lý luận bình thường thì ai có thể nghĩ chế độ độc tài sẽ chiếm ưu thế trong trận đấu này như khi người ta thấy nhiều dân biểu nghị sĩ bên đảng Cộng Hòa của ông Trump cũng không đồng ý với quyết định áp thuế của Tổng thống, chưa nói gì tới phản ứng của các doanh nghiệp và của thị trường. Thưa ông, như vậy thì Hoa Kỳ có bị thất thế không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi có cái nhìn trái ngược nếu xét trong trường kỳ. Chế độ dân chủ giúp xã hội và quốc gia phát triển nhanh hơn nhờ có tự do, như ta có thể so giữa Nam Hàn và Bắc Hàn, hoặc giữa Nhật Bản với Trung Quốc. Thứ hai, trận đánh này bùng nổ vào thời điểm bất lợi nhất cho Trung Quốc. Đó là khi Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực để tiến hành việc cải cách bị trì hoãn từ lâu trong khi chưa ra khỏi nhiều khó khăn muôn mặt, từ núi nợ khổng lồ tới rủi ro khủng hoảng ngân hàng như Ngân hành Thanh toán Quốc tế vửa cảnh báo trong báo cáo hôm Chủ Nhật mùng 10, đến nạn ô nhiễm môi sinh và bao vấn đề trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước, ngân sách chính quyền địa phương, v.v….

Lãnh đạo Bắc Kinh có thể mơ bước nhảy vọt vào khu vực công nghệ cao cấp thì từ tháng Tám năm ngoái, Chính quyền Trump viện dẫn Khoản 301 của Đạo luật Thương mại 1974 để điều tra việc Bắc Kinh không tôn trọng luật lệ về quyền sở hữu trí tuệ và đòi doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ cho họ. Đấy là nạn cạnh tranh bất chính và gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ. Vì vậy, Hoa Kỳ chẳng chờ đợi phán quyết của Tổ chức WTO mà đòi đàm phán lại và có khi áp dụng quy luật "khó người khó ta, dễ người dễ ta" là áp dụng đúng luật lệ hạn chế đầu tư của Bắc Kinh vào việc các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ. Với quyền hạn tập trung, Tập Cận Bình sẽ chịu trách nhiệm nếu thất bại trong cải cách và sau này có đổ lỗi thất bại cho nước Mỹ thì càng làm dư luận thấy ra cái thế yếu của Trung Quốc, như chúng ta đã đề cập tuần trước.

Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, Hoa Kỳ cũng gặp bất lợi khi bị các quốc gia khác công kích là ích kỷ và đơn phương nâng hàng rào quan thuế trên nhôm và thép. Nếu vậy, Chính quyền Trump sẽ xoay trở thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Là doanh gia trước khi lao vào chính trị, ông Trump tin vào tài đàm phán của mình, nhưng sự tình nó còn liên quan tới an ninh quốc gia. Đa số các bạn hàng có thể bị thiệt về đòn nhôm thép của Mỹ đều là các nước dân chủ, như Âu Châu, Nhật Bản, Úc, Canada… và đồng minh về an ninh với Mỹ. Các quốc gia ấy cũng biết thói làm ăn lý tài và trục lợi của Trung Quốc, kể cả trong lĩnh vực xuất khẩu thép. Bây giờ, vào thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ tiến hành thương thuyết với các nước đó để, cũng nhân danh an ninh là lý do hay lý cớ của trận đấu về thép, mà có sự thỏa hiệp riêng. Theo chế độ dân chủ và có khi lại sắp bầu cử, lãnh đạo xứ nào cũng phải lên tiếng đả kích Hoa Kỳ để tranh thủ lòng dân, đâm ra, họ cũng phải chứng tỏ quyền lợi của quốc gia là quan trọng hơn là những thỏa thuận quốc tế. Chúng ta sẽ thấy ba tháng om sòm sau đó là êm.

Đây là ta chưa nói về hậu quả gián tiếp là vì trận đánh, quốc gia sản xuất phân nửa sản lượng thép toàn cầu là Trung Quốc sẽ bị thiệt vì thép sụt giá và các xứ khó bán thép cho Mỹ lại tìm nơi khác và chiếm thị phần của Trung Quốc. Chưa kể Hoa Kỳ còn "vẽ đường cho hươu chạy" khi làm Âu Châu và Nhật Bản cũng học theo Mỹ mà dựng hàng rào ngăn thép Tầu. Đấy là lúc các doanh nghiệp thép của Trung Quốc bị khốn đốn làm Bắc Kinh càng khó giải quyết được nạn sản xuất dư dôi và không có chỗ bán. Mà ngoài nhôm thép, Mỹ còn cò đòn khác.

Những biện pháp khác của Hoa Kỳ

Nguyên Lam : Câu chuyện càng ngày càng rắc rối. Thưa ông, Hoa Kỳ còn có những biện pháp gì khác nhắm vào Trung Quốc ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau cả năm nghiên cứu lợi hại và các giải pháp luật lệ, Chính quyền Trump có thề sử dụng võ khí khác ngoài nhôm và thép, đó là áp thuế nhập nội và hạn ngạch mua vào nhiều hàng xuất khẩu của Trung Quốc như vật dụng điện tử hay các sản phẩm bị tố cáo là lợi dụng tác quyền của Mỹ. Tôi còn nghĩ rằng ngay trong lúc này, khi đàm phán về nhôm và thép, đại diện Hoa Kỳ cũng thuyết phục Nhật Bản và các nước Âu Châu liên thủ với mình để bảo vệ quyền lợi trước đà bành trướng ngoại thương bất chính của Bắc Kinh.

Hai khối Âu-Nhật đều có quan hệ an ninh với Hoa Kỳ nên dễ được đặc miễn trong trận chiến mậu dịch. Hậu quả là Bắc Kinh gặp điều kiện khắt khe hơn và càng khó hội nhập các khu vực dịch vụ, tài chính và chế biến với bên ngoài. Kết cuộc thì lãnh đạo Trung Quốc phải bố trí lại ưu tiên trong kế hoạch cải cách và hy sinh một số mục tiêu cấp bách. Vì vậy, dù dư luận ồn ào nói về sự ngang ngược của ông Trump, vụ đụng độ của hai chủ nghĩa quốc gia xảy ra vào một thời điểm bất lợi cho Trung Quốc ! Tôi không nghĩ đây là sáng kiến cùa ông Trump, mà là sự tính toán của cả Nội các và Ban tham mưu trước sự hưởng ứng kín đáo của phe Dân Chủ bất chấp sự phàn nàn của phe Cộng Hòa trong Quốc hội !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích ly kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 13/03/2018

Published in Diễn đàn