Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Nội chiến" là cách gọi của nhà báo Phạm Chí Dũng (một blogger rất am hiểu thời cuộc Việt Nam) về cái gọi là "nhất thể hóa" và "tinh giản biên chế" theo Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua của Đảng cộng sản Việt Nam kết thúc hôm 11/10/2017 (1).

nhat1

Ai sẽ kiểm soát quyền lực sau khi tập trung hết quyền lực vào một mối ?

Với một bộ máy gồm hơn 2,5 triệu biên chế, chưa kể số biên chế trong lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp nhà nước, nếu tính tổng tất cả thì có đến 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách. Gánh nặng này đang đè nặng lên vai Đảng cộng sản Việt Nam, số tiền dành cho "chi thường xuyên" tức là nuôi bộ máy khổng lồ này đã ngốn hơn 70% thu ngân sách hàng năm. Rõ ràng là chuyện này không thể tiếp diễn mãi được. Chính phủ hết tiền trong khi các định chế tài chính quốc tế thì không cho Việt Nam vay nữa vì họ không biết Việt Nam sẽ hoàn trả bằng cách nào.

Chúng ta đều biết là tại Việt Nam thì có đến 3 bộ máy song trùng cùng quản lý người dân đó là chính phủ, đảng và các đoàn thể (thuộc mặt trận tổ quốc Việt Nam). Đảng cộng sản Việt Nam quản lý người dân Việt Nam từ lúc mới lớn (thiếu niên nhi đồng) rồi đến đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cho đến khi trưởng thành, thậm chí là cho đến lúc chết. Ba bộ máy song trùng khổng lồ và tốn kém này đã giúp Đảng cộng sản Việt Nam tồn tại suốt 72 năm qua.

Việc "nhất thể hóa" ba bộ máy lại với nhau thành một, về lý thuyết là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Phải có người lãnh đạo và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, tránh tình trạng "cha chung không ai khóc" như hiện nay. Khi nhất thể hóa thì Đảng cộng sản Việt Nam phải chịu hoàn toàn trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi cho bên bộ máy chính phủ như trước đây được nữa.

Theo như báo chí Việt Nam đưa tin thì việc "nhất thể hóa" sẽ áp dụng ở cấp huyện, xã, (tỉnh) và sau đó mới đến trung ương. Chức danh bí thư và chủ tịch sẽ gộp vào một người. Tất nhiên, trên lý thuyết thì ai có năng lực hơn sẽ "đảm nhận" luôn chức vụ của người kia vì chủ tịch hay bí thư cũng đều là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế thì lại không đơn giản như vậy. Các đảng viên (là viên chức) thuộc bên chính phủ vốn trực tiếp quản lý và điều hành xã hội nên kinh nghiệm và năng lực của họ về chuyên môn tốt hơn các đảng viên bên bộ máy đảng. Nhưng về "độ tin cậy" thì các đảng viên thuộc bộ máy đảng lại có ưu thế hơn.

Như vậy, sẽ có hai trường hợp xảy ra, một là các đảng viên bên chính phủ sẽ kiêm luôn chức danh bên đảng và hai là các quan chức của đảng tràn sang nắm lấy chính quyền. Khả năng rất cao là bên đảng sẽ tràn sang nắm chính quyền vì đảng "lãnh đạo toàn diện" và "hồng hơn chuyên". Hệ lụy đầu tiên xảy ra đó là các quan chức bên đảng không "thạo việc" bằng các quan chức của chính phủ vì xưa nay bộ máy đảng chỉ lo cai quản "phần hồn" của các đảng viên và người dân còn "phần xác" là do bên chính phủ đảm nhiệm.

Khi các ông bí thư đảng nhảy sang nắm chính quyền thì với kinh nghiệm non nớt về quản lý cộng với sự giáo điều, kiêu ngạo và bảo thủ… họ sẽ trở thành những người độc đoán. Nhiệt tình cộng với ngu dốt sẽ trở thành phá hoại. Khi quyền lực tập trung vào một người thì nguy cơ tha hóa và lạm dụng quyền lực sẽ rất lớn. Tham nhũng, chạy chức chạy quyền sẽ đạt đến một tầm cao mới.

Nếu xảy ra trường hợp bên chính quyền nắm luôn bên đảng thì sẽ dẫn đến chuyện bất mãn trong nội bộ đảng. Việc hàng vạn đảng viên cấp ủy các cấp phải về vườn nhường ghế cho các quan chức bên chính phủ sẽ gây ra một cuộc "nội chiến" và đổ vỡ nghiêm trọng trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam.

Bản chất của "trí thức xã hội chủ nghĩa" là "ngậm miệng ăn tiền", nay bị đụng vào nồi cơm là họ sẽ nhảy dựng lên ngay chưa kể đến những người phải bỏ tiền ra để mua biên chế và mua ghế. Những người này ở trong chăn nên biết "chăn có rận" như thế nào. Hàng nghìn tài liệu bí mật quốc gia bị lọt, lộ ra ngoài đều là từ họ.

Hệ lụy của việc "nhất thể hóa" sẽ là gì ? Khi người bên đảng tràn sang nắm chính quyền thì công việc "chăm lo phần hồn" cho các đảng viên và dân chúng sẽ bị bỏ bê và xao nhãng. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ nhanh chóng đánh mất căn cước, tức là lý tưởng cộng sản sẽ bị phai nhạt khi khối người trung kiên này đối diện với cuộc sống thực tế. Các cán bộ bên đảng trước đây và hiện nay luôn tách biệt với cuộc sống (như các giáo sĩ dòng tu kín), họ chỉ biết tụng kinh chủ nghĩa Mác-Lenin rồi nhồi nhét nó cho các đảng viên cấp dưới. Họ không cần biết và quan tâm đến cuộc sống hiện thực của người dân. Đảng trả lương cho họ để họ làm việc đó.

Hệ lụy thứ hai đó là sự độc tài sẽ chuyển từ tập thể sang cá nhân. Nếu trước đây thì ít ra cũng có hai (hoặc ba) định chế (thuộc Đảng cộng sản Việt Nam) kiểm soát lẫn nhau, dù chỉ là mức độ nào đó. Nhưng khi quyền lực tập trung vào một người thì việc chuyên quyền và độc đoán sẽ diễn ra gay gắt và nghiêm trọng. Mọi tiếng nói đối lập trong nội bộ đảng sẽ bị trừng trị thẳng tay. Các lãnh đạo địa phương sẽ hành xử như là các sứ quân vì quyền lực của họ bao trùm lên tất cả.

Hệ lụy thứ ba, cái gọi là "dân chủ độc đảng" càng trở nên hài hước. Khi các đảng viên bên đảng tràn sang nắm chính quyền thì các cuộc bầu cử trở nên lố bịch vì các chức vụ lãnh đạo đều do Đảng cộng sản Việt Nam chỉ định. Người dân Việt Nam không được phép và không có quyền bầu cho Đảng cộng sản Việt Nam.

Nếu kế hoạch "nhất thể hóa" của đảng được thực thi một cách nghiêm túc và rốt ráo thì sẽ có 10% số lượng biên chế cần phải tinh giản trong thời gian sắp tới, tức là 250.000 người (25 vạn) phải về vườn. Thậm chí có đề nghị giảm đến 50 % biên chế nhà nước (2). Những người này, hoặc là thấp cổ bé họng, không có ô dù hoặc là khả năng chuyên môn kém nhưng "hô khẩu hiệu" lại rất hay. Họ trung thành và gắn bó với chế độ, với đảng vì luôn được "đảng và nhà nước lo", đảng trả lương cho họ để họ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về"…Nay bị đẩy ra đường thì phản ứng của họ thế nào ai cũng có thể hình dung ra được. Họ sẽ "chiến đấu một mất một còn" để bảo vệ nồi cơm và cái ghế của họ. Một cuộc "nội chiến" vô tiền khoáng hậu xảy ra trong nội bộ đảng là điều khó tránh khỏi.

Hệ lụy cuối cùng của việc "nhất thể hóa" và "tinh giản biên chế" đó là câu hỏi ai sẽ kiểm soát quyền lực sau khi tập trung hết quyền lực vào một mối ? Trước đây còn có hai, ba mối mà vẫn không thể chống được tham nhũng và nạn chạy chức chạy quyền thì bây giờ làm sao giải quyết được điều đó ? Hết "phê bình và tự phê bình", rồi đến "học tập tư tưởng và đạo đức HCM" mà vẫn không ăn thua gì, vậy thì Đảng cộng sản Việt Nam còn có thể làm được gì ? Câu trả lời chỉ có một : Họ không thể làm gì được nữa. Phải có dân chủ, tức là phải có tự do báo chí, các đảng đối lập và bầu cử.

Đảng cộng sản Việt Nam có muốn né tránh cũng không được, thời gian dành cho họ đã hết. Một đảng độc quyền lãnh đạo thì không thể nào chống được tham nhũng và tiến hành cải tổ. Trước hội nghị trung ương 6 thì ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có vẻ hùng hồn : "Lò đã nóng, củi khô củi tươi cho vào đều phải cháy" thế nhưng chỉ sau một tuần thì ông đã đổi giọng : "Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự gột rửa". Ông Trọng có muốn cũng không thể chống lại cả một hệ thống tham nhũng (3).

Một câu nói mà ai cũng biết đó là quyền lực phải được kiểm soát nếu không nó sẽ bị tha hóa. Đảng cộng sản Việt Nam có đủ các cơ quan chức năng để phòng chống tham nhũng, thậm chí vừa bên chính quyền lại vừa cả bên đảng nhưng tham nhũng lại ngày càng gia tăng thay vì giảm bớt. Đảng vẫn cố tình và hy vọng là sẽ có một "phương pháp" mới nào đó để, vừa bảo vệ sự độc quyền lãnh đạo của đảng vừa có thể chế ngự được sự tha hóa và tham lam của các đảng viên và các nhóm lợi ích… Nhưng đó là điều không tưởng. Nếu làm được thì khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô đã không tan rã và sụp đổ.

Tóm lại, chủ trương "nhất thể hóa" và "tinh giản biên chế" của Đảng cộng sản Việt Nam rất nan giải và vô vọng, không làm cũng chết (vì hết tiền) mà làm cũng chết vì sẽ gây ra một cuộc nội chiến sống còn trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Chỉ có một cách duy nhất đó là Đảng cộng sản Việt Nam phải chấp nhận dân chủ hóa đất nước. Chấp nhận sự xuất hiện của các đảng đối lập và tự do báo chí để làm áp lực lên các đảng viên nhằm loại bỏ những kẻ thiếu phẩm chất và bất tài (hay còn gọi là "thay máu" cơ thể của đảng). Nếu Đảng cộng sản Việt Nam có thể làm được điều đó (chấp nhận luật chơi dân chủ) và vẫn chiến thắng trong các cuộc bầu cử công khai và minh bạch thì Đảng cộng sản Việt Nam lại tiếp tục lãnh đạo đất nước. Khi chấp nhận luật chơi dân chủ thì Đảng cộng sản Việt Nam không còn đau đầu và khó xử trong việc loại bỏ các đảng viên tham nhũng và cơ hội.

Chúng tôi nhắc lại là chỉ có áp lực của các đảng đối lập thì Đảng cộng sản Việt Nam (hay bất cứ một đảng cầm quyền nào trong tương lai) mới có thể thay đổi và kiện toàn được đội ngũ của mình.

Trí thức Việt Nam trong như cũng ngoài đảng muốn "giúp" Đảng cộng sản Việt Nam hạ cánh an toàn và thậm chí là giúp đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước thì chỉ có một cách duy nhất đó là tham gia hoặc ủng hộ cho các tổ chức đối lập dân chủ để các tổ chức chính trị này lớn mạnh và cùng cạnh tranh lành mạnh với Đảng cộng sản Việt Nam trong môi trường dân chủ. Ai thắng thì cầm quyền, ai thua thì làm đối lập. Sẽ không có chuyện đảng này tiêu diệt đảng kia như Đảng cộng sản Việt Nam đang làm. Quản trị quốc gia là một công việc vô cùng khó khăn và phức tạp trong đó không thể không có sự có mặt và đóng góp của các đảng đối lập.

Đảng cộng sản Việt Nam có vẻ không muốn thay đổi nhưng trí thức Việt Nam thì có thể thay đổi, nếu muốn. Nếu chúng ta đứng cùng nhau trong một tổ chức có tầm vóc và uy tín thì nhất định sẽ tạo ra được sự thay đổi.

Việt Hoàng

(12/11/2017)

(1) http://thongluan2016.blogspot.com/2017/10/chay-nhat-hoa-va-can-canh-noi-chien.html

(2) https://www.baomoi.com/sap-xep-tinh-gon-bo-may-se-giam-duoc-50-bien-che/c/23469700.epi

(3) https://news.zing.vn/tong-bi-thu-ai-da-trot-nhung-cham-thi-som-tu-got-rua-post768467.html

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm