Nhìn lại phong trào dân chủ ở Việt Nam trong năm 2018 – nửa đầu năm 2019, các hoạt động biểu tình và những hoạt động trên không gian mạng của các nhóm, những nhân vật tranh đấu được nhiều người biết đến đều sút giảm so với khoảng thời gian trước đó. Điều này đưa đến một vài nhận định bi quan về khí thế tranh đấu giảm dần và tương lai bất định của cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam.
Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát.
Nhiều người không khỏi bâng khuâng vì năm 2018 cũng là năm mà Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục thể hiện sự bạo ngược và xấc xược của nó, khi đã tuyên bố những bản án rất nặng cho những người anh em tranh đấu cho dân chủ, tự do trong Hội Anh Em Dân Chủ như Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển và Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Túc… và nhiều người mắc nạn, những cuộc bắt bớ, cưỡng chế khác. Thế nhưng, sự xúc động trong phong trào dân chủ vẫn chưa thể lan tỏa nhiều như nó vốn dĩ phải nên có.
Có cần lo lắng về sự im lặng này không ?
Trái với nhận định có phần bi quan của nhiều người, tôi cho rằng đây là một giai đoạn tĩnh lặng cần thiết cho cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam. Nó cho chúng ta thời gian suy tư cần thiết để nhận diện ai là ai, phương pháp tranh đấu như thế nào là hiệu quả, ý nghĩa thực sự của cuộc vận động dân chủ là gì... Dần dần, những khuôn mặt quen thuộc trong phong trào và cả những thế hệ dấn thân mới sẽ tiến dần đến một sự đồng thuận về việc đấu tranh chính trị có tổ chức và nhằm thể hiện cho lẽ phải, công lý. Các hoạt động bề nổi, ồn ào sẽ được thay thế bằng những cố gắng xây dựng tổ chức dân chủ đứng đắn. Đi xa hơn là liên minh giữa các tổ chức dân chủ đối lập có tầm vóc để làm đối trọng, gây áp lực lên chính quyền Cộng sản Việt Nam cai trị hiện tại.
Nhưng khi bàn đến việc xây dựng tổ chức dân chủ, lộ trình và phương thức tranh đấu, điều khẩn cấp hiện nay là cần phải từ bỏ thái độ đấu tranh nhân sĩ và ngừng đổ lỗi cho sự thụ động của quần chúng Việt Nam.
Theo tôi, đây là một suy nghĩ luẩn quẩn và thiếu lương thiện của những vị nhân sĩ, hay một cách gọi khác là những trí thức khoa bảng ở Việt Nam. Trong giới hạn bài viết này, tôi mạn phép đưa ra một số nhận định và ý kiến đóng góp.
Bối cảnh thế giới và bối cảnh Việt Nam
Năm 2018 được bàn tán nhiều như là năm "đốt lò" của phe ông Trọng. Tiền thân của chiến dịch này là một sự học tập theo chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của phe ông Tập Cận Bình trong Đảng cộng sản Trung Quốc. Có thể phe đảng của ông Trọng, cũng như nhiều người ban đầu tin rằng đây là một cố gắng thanh lọc đội ngũ, chỉnh đốn lại đảng nhưng càng ngày nó càng bộc lộ rõ ràng đây chỉ là một sự thanh trừng giữa các phe phái trong Đảng với nhau. Phe đảng của ông Trọng chiếm ưu thế, nên ông ấy phải "mang củi tươi" đi đốt phe ông Dũng thất thế.
Chúng ta có thể rút ra kết luận rằng một đảng độc tài, để duy trì ách độc tài của nó lên xã hội và người dân, logic trước hết là phải duy trì độc tài trong chính nội bộ của nó. Qua từng thời kì, có thể nhãn quan của những người trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam tranh giành vì những lợi ích khác nhau, nhưng nó sẽ luôn là một nhóm nhỏ áp đặt sự thống trị, chuyên chế lên toàn bộ những người còn lại. Chính ông Nguyễn Sinh Hùng – một cựu quan chức cộng sản, cũng từng phát biểu : "Các đồng chí cứ bảo bắt, nhưng bắt hết thì lấy ai mà làm".
Đảng cộng sản không còn chất keo ý thức hệ để gắn kết hay khủng bố các thành viên trong Đảng với nhau nữa, nó chỉ còn tồn tại bằng sự chia chác lợi ích vật chất mà thôi. Điều này rất đúng với nhận định trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên về bốn điều kiện cần và đủ của một cuộc cách mạng Dân Chủ :
"Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể".
Thêm vào đó, tham nhũng hoành hành như "ghẻ ngứa" theo lời ông Trọng, cũng nằm trong logic tự nhiên của một chế độ độc tài mafia. Như trong bài viết "Một cách nhìn về tham nhũng" của ông Nguyễn Gia Kiểng :
"Nhưng trong một đất nước mà quyền lực chính trị chiếm ngự tất cả, và quyền lực chính trị nằm trong tay một đảng tuyên bố thẳng thừng rằng họ sẽ giữ độc quyền chính trị bằng bạo lực trong một thời gian vô hạn định thì người dân, kể cả cá nhân mỗi người trong bộ máy chính quyền, còn có cách nào để tìm kiếm được một chút vinh quang cho mình ? Họ chỉ còn lại một vũ khí là đồng tiền. Ðồng tiền là vũ khí hiệu lực nhất để mua, và lấy lại, một phần quyền lực đã bị tịch thu. Như vậy tham nhũng cũng là hậu quả tự nhiên của chế độ độc tài toàn trị vì nó là phản ứng đề kháng trước bạo quyền chính trị. Muốn chống tham nhũng thì phải trả lại cho xã hội dân sự những quyền lực mà đáng lẽ nó phải có, nghĩa là phải quyền lực hóa (empower) người dân. Nghĩa là phải có dân chủ".
Thêm vào đó, khi bàn đến chống tham nhũng và tham nhũng, là một vấn đề liên hệ đến đạo đức quốc gia, điều không thể có và còn bị cố gắng làm cho xấu đi dưới chế độ cộng sản hiện tại. Cuộc chiến chống tham nhũng hay "đốt lò" của ông Trọng, có thể bắt bớ rất nhiều người, kể cả những chức vụ cao như những ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, gần đây là các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… thì cũng chỉ thể hiện một sự phân rã phải đến, ngày một nhiều hơn của một nhóm người thỏa mãn với nhau trong lợi ích vật chất để rồi dẫn đến bất mãn vì sự chia chắc không đồng đều. Họ dùng chủ nghĩa Mác Lenin lỗi thời và nhân vật Hồ Chí Minh ra làm bình phong che chắn cho chế độ (Điều mà theo tôi, là rất thô bỉ mà các chế độ cộng sản đều đã áp dụng. Nhất là ở một nước như Việt Nam, người chết phải được quyền an táng mồ mả đàng hoàng).
Vì thế, chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng chỉ là một chuyển tiếp tự nhiên từ một chế độ độc tài ý thức hệ sang một chế độ độc quyền chia chác quyền lợi kiểu mafia. Nhưng lịch sử và kinh nghiệm trên nhiều quốc gia cũng đã chứng minh, không thể nào cải tổ được một chính quyền tham nhũng ngoài cách thay thế nó.
Có nhiều vị nhân sĩ cảm thấy hồ hởi về điều này, từ đó đưa ra những nhận định chủ quan, cho rằng có thể cải tổ được chế độ này hay chế độ cộng sản cũng có người này, người kia ! Họ làm cho người dân bối rối và những ai thực sự muốn dấn thân cho đất nước một cách lương thiện cảm thấy lúng túng, nhất là khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức hay chưa có đủ thời gian để suy tư về bản chất của chế độ độc tài. Thái độ "ngồi trong lều" rồi tùy vào tính thời sự và từng thời điểm để chọn phe là một thái độ rất sai, nếu không muốn nói là một sự từ nhiệm đối với bổn phận quốc gia. Trong lúc đất nước đang bị cai trị bởi một chế độ độc tài, bổn phận của mỗi người là phải đóng góp vào một thành công chung cho phong trào dân chủ. Tôi sẽ trở lại phân tích về kiến thức, nhận thức giữa quần chúng và nhân sĩ ở Việt Nam sau.
Bối cảnh thế giới
Năm 2018 cũng được biết đến như một năm chao đảo của các định chế dân chủ bởi một làn sóng "chủ nghĩa dân túy" quét qua.
Một cách vắn tắt về chủ nghĩa dân túy, nó lợi dụng một tình trạng phẫn nộ, có thể chính đáng và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng để đưa ra những giải pháp mỵ dân có vẻ rất giản dị và thực tiễn nhưng trong trung hạn vừa sai vừa nguy hiểm.
Từ Hoa Kì với tổng thống Donald Trump, với những phát ngôn, quyết định và những cái tweet gây ngỡ ngàng đối với cộng đồng thế giới cho đến những hành động, lời nói như những gã gangster của tổng thống Philipine Duterte, ông Jair Bolsonaro tại Brasil, Putin tại Nga, Stracher và đảng FPO tại Áo, Le Pen tại Pháp, Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ, Maduro tại Venezuela, phong trào Brexit tại Anh, các mollah tại Iran, v.v.
Những tổng thống hay lãnh đạo dân túy đều sử dụng một đặc tính ngôn ngữ chung : Giản dị nhiều lúc thiếu hẳn đi sự trang nhã và chuẩn mực cần có trong vai trò lãnh đạo quốc gia, những hành động ngắn hạn mà không dựa trên một dự án lớn hay một viễn kiến nào cả, khiêu khích và khơi dậy chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi… Hệ quả tự nhiên là họ bài bác toàn cầu hóa, nhập cư, sẵn sàng tuyên bố gây chiến một cách hung hăng nếu cần.
Tệ hơn, ở những xã hội dân chủ phương Tây, nhất là Hoa Kì, những tiến bộ về nhân quyền và sự hội nhập trong toàn cầu hóa thu hẹp dần khoảng cách về nghề nghiệp, cơ hội hay chỗ đứng của con người không phân biệt thuộc sắc tộc, màu da nào. Sự chuyển dịch này dẫn đến sự lo lắng có thật về một đa số người da trắng ở Mỹ cảm thấy họ đang dần dần bị bỏ lại, dần trở thành thiểu số trước những thành phần khác. Thay vì được giải thích một cách lương thiện, hỗ trợ họ vươn lên trong những lĩnh vực, ngành nghề mới thì làn sóng dân túy quét qua mũi họ, dấy lên lòng đố kị và khơi gợi lên nguyên do của sự thụt lùi ám chỉ vào những sắc dân khác, rõ nét nhất là những người nhập cư, những người di dân khốn khổ từ những vùng khác vượt mọi hiểm nguy tìm đến Hoa Kì với mong muốn tìm được một tương lai tốt đẹp hơn.
Liên hệ đến vụ xả súng vào nhà thờ Christchurch ở New Zealand của tên sát nhân Brenton Tarrant, nhuốm màu sắc thù hận người Hồi giáo cũng như cổ súy chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, dù ở mức độ nặng nhẹ khác nhau, thì nó cũng là tấm gương phản chiếu lên chủ nghĩa dân túy.
Đặc tính của những tổng thống, lãnh đạo dân túy hay những người ủng hộ họ là tất cả các ngôn ngữ thảo luận, dù ở hình thái chửi rủa hay dẫn chứng, đều không thể thảo luận vì họ đã kết luận luôn rồi chứ không cần lý luận. Người ta chỉ có thể lý luận khi có đủ sự trấn tĩnh và đặt nền tảng trên những giá trị chung như lương thiện, sự thật, lẽ phải, tình đồng bào, tình anh em, liên đới quốc gia… Nhưng ngôn ngữ thảo luận của những người dân túy là ngôn ngữ nội chiến. Nó phân biệt lằn ranh rõ ràng giữa ta và địch, giữa tầng lớp này và tầng lớp khác, giữa tả và hữu… chứ nó không muốn vượt lên trên lằn ranh đó để mưu tìm ra một giải pháp chung, đúng đắn cho bối cảnh xã hội. Những bài học từ thế chiến thứ 1, thế chiến 2, hay sự bùng lên của chủ nghĩa cộng sản… đều bắt nguồn tự những sự phẫn nộ có thật, đưa lên những lãnh đạo dân túy hay đảng dân túy dần dà biến thành độc tài, toàn trị đã dẫn đến cái chết của nhiều triệu nhân mạng và những thương tổn, tâm lý lên xã hội mãi không thể lành.
Rất may là ngày nay dân chủ và nhân quyền đã có nội dung vững chắc và cũng được khẳng định như là tiến bộ chung của nhân loại, chứ không phải chỉ là của riêng phương Tây hay Châu Á. Thời đại của chủ nghĩa ý thức hệ đã chấm dứt. Những biến động, trục trặc trong thời đại toàn cầu hóa đặt ra những câu hỏi lớn lên tính liên đới của chủ nghĩa tự do phóng khoáng, trách nhiệm của loài người đối với biển đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo… là có thực, và làn sóng dân túy quét qua dù làm chao đảo các định chế dân chủ, dù có thể ảnh hưởng lên đà tiến của làn sóng dân chủ trong một giai đoạn, nhưng cần thiết để cho nhân loại xét lại, làm mới, thảo luận lại những vấn đề lớn đang được đặt ra.
Từ những biến cố xảy ra ở thế giới và trong nước, phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam có cơ hội để thảo luận, suy tư, sắp đặt lại các vấn đề, nhìn rõ hơn những tai hại của chế độ tổng thống, của chủ nghĩa tự do phóng khoáng quá đề cao tự do theo đuổi đam mê cá nhân, mà lãng quên hay đặt nhẹ sự liên đới xã hội. Những người tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam cũng có cơ hội hiểu sâu sắc thêm ý nghĩa của việc làm chính trị. Làm chính trị không phải chỉ là để tranh giành quyền lực, tranh quyền đoạt lợi, lôi kéo được sự chú ý của đám đông mà là một cố gắng bền bỉ thăng tiến những giá trị đạo đức, lẽ phải trong xã hội.
Tôi xin trích dẫn lại một khái niệm giản dị của câu hỏi "chính trị là gì và làm chính trị để làm gì ?" :
Chính trị là cố gắng thể hiện những giá trị đạo đức trong sinh hoạt xã hội đồng thời nâng cao trình độ tinh thần và vật chất của xã hội. Chính trị là đạo đức ứng dụng (la politique est l'éthique appliquée, politics is applied ethic) vì thế không thể gian trá.
Làm chính trị là cố gắng giành lấy - hoặc giữ lấy - quyền lực để thực hiện một dự án chính trị. Sự tranh giành - hay cố giữ - quyền lực này chỉ có ý nghĩa nếu có một dự án chính trị đúng đắn. Nếu không hoạt động chính trị chỉ là vớ vẩn, nhảm nhí.
Ngay cả khi đã có một dự án chính trị đúng đắn, người làm chính trị cũng phải rất cảnh giác trước cám dỗ lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện, nghĩa là dùng thủ đoạn bất chính để giành chính quyền để thực hiện một lý tưởng đẹp.
Một lý tưởng cao đẹp phải được phục vụ bằng những phương tiện xứng đáng với nó. Phương tiện xấu làm bẩn lý tưởng.
Bình thường vẫn có thể thành công bằng những phương tiện trong sáng, kẻ sử dụng bá đạo trước hết là kẻ thiếu bản lĩnh. Tương tự như kẻ đánh lén vì võ nghệ kém.
Chữ "chính trị" không có trong ngôn ngữ Việt Nam và Trung Quốc trước khi tiếp xúc với phương Tây. Nó được đặt ra để dịch chữ "politics" đã có từ thời cổ Hy Lạp. Nhưng đó là cách dịch phiến diện, ẩu tả. Politics có nghĩa là việc của thành phố, hay "việc chung", bởi vì vào thời đó mỗi thành phố là một nhà nước. Nếu khi mới tiếp nhận khái niệm chính trị người ta dịch politics là "việc chung" hay "việc nước" thì các trí thức khoa bảng sẽ khó có thể nói "tôi không thích việc chung" hay "tôi không thích việc nước" mà không thấy ngượng, hoặc ít ra không dám nói một cách hãnh diện như thế.
Tại sao phải bàn về chủ nghĩa dân túy nhiều như vậy ? Xin trả lời điều này không thừa chút nào. Chế độ cộng sản, các chế độ độc tài, theo một cách gọi khác, là một thứ chủ nghĩa dân túy ở hình thái cao nhất. Tuy nhiên khi bàn về chủ nghĩa dân túy, nhiều gương mặt trí thức khoa bảng, nhân sĩ ở Việt Nam hay nhiều cuộc thảo luận đặt ra không khác gì một phiên tòa kết tội cho thể chế dân chủ. Họ viện dẫn những khó khăn của các thể chế dân chủ, so sánh với qui mô kinh tế và các chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc, Việt Nam…
Dần dà, họ tương đối hóa các giá trị đạo đức hay nhân quyền, chỉ còn xoay quanh vấn đề kinh tế, để đưa ra những ý kiến biện luận cho các chế độ độc tài sáng suốt hay thể chế dân chủ. "Mèo trắng hay mèo đen đều bắt được chuột", chế độ độc tài, hay độc tài sáng suốt, hay thể chế dân chủ đều có những điểm hay, điểm dở. Người dân nên chấp nhận nó và tìm những giải pháp cá nhân, dần dà xã hội sẽ tốt lên, của cải và sự giàu có sẽ tăng lên.
Đây là một ý kiến không lương thiện và thể hiện sự thiếu hụt kiến thức của những nhân sĩ, trí thức khoa bảng phò chế độ. Một mặt, họ đổ lỗi cho quần chúng và dân trí thấp nên không xứng đáng có dân chủ, mặt khác, họ vuốt ve chính quyền để cuối cùng tạo ra sự tiện lợi về mặt vật chất và an toàn trong tinh thần cho chính cá nhân họ. Họ vẫn nghĩ là họ quan trọng, kiến thức của họ đúng đắn và được đề cao, đằng nào thì họ cũng sẽ có chỗ đứng vinh quang trong bất kì chế độ nào. Đây là những biện luận và suy nghĩ rất sai về kiến thức và thể hiện dáng đứng nô lệ của nhóm người này.
Thứ nhất, họ bỏ qua những giá trị đạo đức và quyền con người. Độc tài hay dân chủ, trong một chế độ, cần nhìn vào chiều sâu trong nội dung của nó theo từng giai đoạn để phân tích đúng, sai. Dân chủ và sinh hoạt dân chủ đạt được và giữ được vừa dễ vừa khó. Nó dễ bởi vì nó thể hiện, và là biểu hiện rõ nét nhất cho quyền con người, lẽ phải và các giá trị đạo đức trong xã hội. Nhưng nó khó bởi vì đó là những giá trị nằm trong tâm hồn con người, còn những giá trị vật chất thể hiện đơn giản nhất qua kinh tế…
Nguyên do phát triển kinh tế là nhờ tự do và quyền con người càng ngày càng được đảm bảo. Nhưng nếu chỉ nhận xét hời hợt hoặc quan sát không đầy đủ, người ta sẽ dễ lẫn lộn giữa cái nào là nguyên nhân và kết quả. Việc gìn giữ dân chủ và sinh hoạt dân chủ ổn vững, và thăng tiến vừa là một cố gắng thay đổi văn hóa và tâm lý xã hội, vừa là một yếu tố kĩ thuật trong việc chọn lựa thể chế dân chủ đúng đắn nhất. Trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đưa ra đề nghị "Thế chế dân chủ đại nghị" kèm theo những giải thích cô đọng về tính ưu việt của nó trong việc đảm bảo dân chủ ổn vững.
Nói đến đây, càng chứng tỏ sự đáng trách lên những trí thức khoa bảng, nhân sĩ ở Việt Nam. Do một tật nguyền, một di sản nhọc nhằn của văn hóa Khổng giáo đè nặng lên tâm hồn và trí tuệ, nên nhiều người chỉ học để biết chứ không học để hiểu. Bằng cấp quan trọng hơn những giá trị họ đóng góp cho xã hội. Những tiêu chuẩn hình thức quan trọng hơn khi phán xét một nội dung, một cuộc thảo luận, một ý kiến chứ không hề dựa vào tính đúng, sai của nó. Họ chỉ là một cây gậy mà chế độ độc tài hay độc tài đảng trị sử dụng để roi vọt lên quần chúng, nhân dân. Cậy gậy không hề biết đau, nó chỉ hả hê với kiến thức hạn hẹp của mình, cho rằng quần chúng Việt Nam kém cỏi, dân trí thấp nên chưa thể xứng đáng có dân chủ.
Quần chúng Việt Nam chín muồi đến mức độ nào ?
Tuyệt đại quần chúng Việt Nam, kể cả đa số những đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, đều đồng tình rằng chế độ này là một tai hại cho Việt Nam và để có tương lai, Việt Nam cần phải tiến về một thể chế dân chủ đa nguyên càng sớm càng tốt.
Những anh xe ôm, bác tài xế, chị bán rau, anh nhân viên văn phòng, kỹ sư, công nhân hay những công chức làm việc trong chế độ… dù thể hiện ngôn ngữ dưới nhiều hình thức khác nhau, họ đều mong muốn một cuộc sống của họ ngày mai tốt hơn ngày hôm nay, tình trạng kẹt xe không còn nữa, y tế tốt hơn, con cái họ không phải ở trong những nhà trọ quá chật hẹp và gửi trong những nhà trẻ không được đảm bảo, cơ sở giáo dục xuống cấp cả về nội dung và vật chất như hiện tại. Họ đều cùng mong mỏi không khí, nước lành sạch hơn và không phải đọc những nhức nhối, suy đồi, tệ nạn xảy ra trong xã hội cập nhật theo những dòng tin thời sự hàng phút, hàng giờ như lúc này nữa… Họ có thể không dùng những ý niệm phức tạp để bộc lộ, diễn tả suy nghĩ của mình về xã hội nhưng chính họ lại là những người cảm nhận rõ nét những bất công xảy ra trong xã hội này.
Họ đồng ý rằng xã hội này phải tốt hơn, tình tự dân tộc và giềng mối xã hội phải được khôi phục chứ không thể suy yếu và rục muỗng như hiện nay. Họ nhìn gần và cảm nhận chính những bế tắc trong đời sống cá nhân của họ và người thân. Còn những nhân sĩ, trí thức khoa bảng cho rằng họ nhìn rất xa hơn quần chúng nhân dân Việt Nam. Nhưng một người tin rằng mình nhìn xa vô tận cũng như một người mù vì không nhìn thấy được người ngồi bên cạnh mình, những sự việc và diễn biến xảy ra trong chính xã hội mình.
Cần phải bình tĩnh nhận định, đây là bế tắc chung của xã hội, và không làm gì có một giải pháp cá nhân nào để giải quyết được vấn đề chung này cả. Mỗi người luồn lách theo cách của mình, một lớp váng nhỏ có thể vươn lên thành công hơn tuyệt đại đa số bất lực, nghèo khổ, những đó cũng chỉ là những thành công cá nhân ngắn hạn và đầy bất trắc. Điều này đúng với cả tầng lớp quyền thế và doanh nhân tư bản đỏ trong xã hội này. Chúng ta có thể thấy những vụ bắt bớ, thanh trừng đến cả những nhân vật được hưởng nhiều đặc lợi nhất trong chế độ, để rồi đến cuối cùng khi đứng trước một phiên tòa giả dối, họ cũng tuyệt vọng vì bị tước đi những quyền căn bản nhất của con người.
Cần phải có một giải pháp chung cho xã hội. Phải khẩn cấp khôi phục lại niềm tin, xây chắc những nội dung và giải pháp của một thể chế dân chủ trong tương lai để thuyết phục quần chúng Việt Nam. Muốn làm được điều này, điều trước hết và trên hết là cần phải phát triển tổ chức chính trị. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã luôn cố gắng vận động và đóng góp vào phong trào dân chủ Việt Nam theo cách này. Dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của chúng tôi cũng nằm trong cố gắng đó. Tranh đấu chính trị luôn luôn là tranh đấu giữa các tổ chức chính trị với nhau.
Bàn đến điều này, thiết nghĩ chúng ta cũng cần đặt một dấu giáng lên sức mạnh và vũ khí tranh đấu của phong trào dân chủ. Trước một chế độ cộng sản Việt Nam độc tài toàn trị, dù phân rã nghiêm trọng, họ vẫn nắm trong tay những phương tiện hàng trăm tỷ đô la, nhiều nhà tù và lực lượng công an, quân đội… Trong cuộc tranh đấu này, phe đối lập dân chủ yếu hơn trong mọi phương tiện khác nhưng chúng ta giành được một sức mạnh vô địch là lẽ phải và cái đúng. Thay vì tốn nhiều thời giờ vào những việc làm hình thức và những tranh cãi không đi đến một kết quả nào ngoài việc gây sứt mẻ niềm tin giữa những người anh em với nhau, giữa quần chúng nhân dân đang mệt mỏi và rã hàng vì những bất công thách đố hàng ngày thì mỗi chúng ta, nên tự đặt ra những câu hỏi căn bản về đạo đức cho chính mình. Chỉ cần mỗi người nhìn thấy sức mạnh của lẽ phải và đạo đức và thực tâm ứng dụng nó vào trong suy nghĩ và hành động, thì khí thế của phong trào dân chủ và việc xây dựng tổ chức dân chủ đối lập có tầm vóc sẽ được xoay chuyển, thúc đẩy đi lên rất nhanh.
Làn sóng dân chủ vẫn đang tràn tới, vì nó là ưu tư chung của loài người trong hành trình tìm đến tự do và sự tôn trọng cho chỗ đứng của cá nhân trong xã hội. Dù trải qua nhiều biến động, đầu năm 2019 đang xảy ra nhiều biến động có lợi cho phong trào dân chủ toàn cầu. Nhìn từ Venezuela, Algeria, Thái Lan, Sudan… người dân đều xuống đường trong khí thế thay đổi về một thể chế dân chủ, một chính quyền dân sự đứng đắn.
Nhiều người lại bàn về một khí thế của "Mùa xuân Ả Rập" hay cách mạng màu. Sự nóng vội này càng thể hiện sự chín muồi trong tâm lý quần chúng ở Việt Nam. Nhưng nếu có một bài học lớn phải rút ra và phải được suy tư thường trực, đó là "Một cơ hội chỉ thực sự là một cơ nếu nó được chuẩn bị một cách đầy đủ". Dân chủ chỉ là phương tiện, còn cứu cánh là xây dựng một Việt Nam tự do, hạnh phúc, liên đới, xinh đẹp hơn…
Chúng ta cần phải xây dựng tổ chức chính trị đúng nghĩa, qui tụ được những đội ngũ thành viên có bản lĩnh, quyết tâm và đạo đức dân chủ đúng nghĩa. Để khi cơ hội và biến chuyển xã hội thuận lợi xảy ra, chúng ta có thể lãnh đạo quần chúng, đối trọng với chế độ cộng sản, gây áp lực lên họ để cuộc chuyển hóa về dân chủ xảy ra trong tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, bất bạo động và ít gây những thiệt hại về người và vật chất nhiều nhất. Việt Nam đã chịu đựng quá nhiều bài học đau thương trong lịch sử mới đây thôi, chúng ta cần đoạn tuyệt với bạo lực để cố gắng hàn gắn với nhau, hòng tạo ra một tương lai mới đáng mong ước hơn.
Tôi xin phép đưa ra một kết luận cho bài viết này, những mong bạn đọc sẽ bỏ qua sự dài dòng trong nội dung. Ắt hẳn, mỗi người Việt Nam đều cảm nhận được sự sâu sắc khó lý giải khi định nghĩa hay hình dung về tổ quốc. Dù sự sâu sắc đó nhiều khi chỉ là cay đắng hay một sự uất nghẹn không chửi được ra thành tiếng, thì nó cũng thể hiện một tình cảm lớn nào đó trong quá khứ dẫn đến nỗi đau của ngày hôm nay. Nó giống như khi bạn yêu một điều gì đó nhưng bạn cảm thấy bị phản bội vậy.
Ông Nguyễn Gia Kiểng, trong một bài phỏng vấn, có bộc bạch khi được hỏi định nghĩa về tổ quốc như sau :
"Tôi không nghĩ như thế, tôi nghĩ Tổ Quốc là bạn với tôi, là con tôi, là cha tôi, là tổ tiên tôi, là những người thành công, cũng như những người thất bại - là tất cả chúng ta trong suốt dòng lịch sử. Đó là Tổ Quốc !
"Đáng lẽ chúng ta yêu nước trước hết là yêu đồng bào. Chúng ta phải thể hiện lòng yêu nước đó bằng cách yêu quý, khoan dung với người đồng bào của chúng ta. Trái lại trong dòng lịch sử, chúng ta nhân danh Tổ Quốc để "giết người" chống chúng ta, chúng ta nhân danh Tổ Quốc để "buộc tội", để "bỏ tù", có khi để xử tử tội phản quốc. Nhưng chúng ta không nhân danh Tổ Quốc để mà tha thứ, để mà hàn gắn với nhau, để quý trọng nhau.
"Theo tôi từ nay trở đi nếu có một điều chúng ta phải suy nghĩ lại, nhân tiện nói về Tổ Quốc, tôi nghĩ rằng chúng ta phải quan niệm Tổ Quốc là một tình yêu trước hết, chứ không phải là một sự thù hận".
Thảm kịch ngày hôm nay đang xảy ra với đất nước là sự cai trị như một lực lượng chiếm đóng của Đảng cộng sản Việt Nam. Chính nó, cũng góp phần vào việc thô bỉ hóa những khái niệm về mặt tình cảm như tổ quốc, quốc gia, đồng bào, tình anh em… đối với nhân dân Việt Nam, phá vỡ đi những giềng mối dân tộc.
Nhưng chúng ta có cần tuyệt vọng hay dứt khoát xem Việt Nam như một hoài niệm không ?
Không, chúng ta không nên làm như vậy và cũng không cần đặt mình vào tâm lý bi quan, trong một cuộc tranh đấu dứt khoát 100% sẽ giành thắng lợi bởi vì công lý và lẽ phải sẽ chiến thắng. Tôi có trò chuyện với một người bạn đồng hành thân thiết. Anh thường làm những dự án về sản phẩm, giải pháp phức tạp và đều đồng ý rằng, dù phương pháp có chuẩn bị đầy đủ đến đâu, thì vẫn có những rủi ro thất bại. Nhưng trong cuộc tranh đấu về dân chủ tự do này, thì anh tin chắc chắn rằng 100% sẽ không thể thất bại. Vấn đề chỉ giản dị là những người lương thiện, ưu tư dấn thân cho đất nước tìm đến nhau, gặp nhau, coi nhau như là anh em, những người cùng chí hướng cho một khát vọng đưa đất nước thoát ra khỏi bế tắc. Lúc đó, trước sức mạnh của lẽ phải và công lý, Đảng cộng sản Việt Nam sẽ phải nhượng bộ và trở thành một tác nhân trong tiến trình chuyển hóa về dân chủ trọn vẹn.
Một lời sau cùng. Xin trích lại đoạn kết trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai :
Chúng ta hãy nắm tay nhau cùng cất cao một lời nguyền :
Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn.
Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.
Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát.
Đó là lý tưởng của thời đại chúng ta. Đó là di sản mà chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ sau. Đó là giấc mơ Việt Nam mà các chí hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cùng theo đuổi và muốn chia sẻ với mọi người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, hôm nay và ngày mai.
Việt Dân
(15/04/2019)