Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tháng 8/1945 Đảng Cộng sản Việt Nam đã cướp được chính quyền từ thực dân Pháp (chính xác hơn là từ "Đế quốc Việt Nam" của thủ tướng Trần Trọng Kim) và tuyên bố độc lập.

cohoi1

Nội các Trần Trọng Kim, từ trái sang phải: Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trịnh Đình Thảo, Trần Trọng Kim, Vũ Ngọc Anh, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Vũ Văn Hiền, Phan Anh, Nguyễn Hữu Thi (ảnh chụp 20/5/1945).

Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng non trẻ mới 15 tuổi (được thành lập năm 1930) nhưng đã thành công vì hội đủ hai yếu tố : khách quan và chủ quan.

Về chủ quan, Đảng Cộng sản Việt Nam được ra đời như là một phân bộ của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản do Liên Xô đứng đầu. Vì là "đứa con" của chủ nghĩa cộng sản nên Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn về tinh thần lẫn vật chất từ Moscow. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã được Liên Xô giúp đào tạo về nhân sự chủ yếu là kỹ thuật tuyên truyền và khủng bố. Vào thời điểm đó (1945) Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức duy nhất có nhân sự, có tư tưởng và có tổ chức chặt chẽ.

Về mặt khách quan, năm 1945 chiến tranh Thế giới lần thứ 2 kết thúc với sự thất bại của phe phát xít. Nhật đầu hàng đồng minh, Pháp trước đó đã bị Nhật giải giáp. Chính phủ non trẻ và chắp vá vội vã của sử gia Trần Trọng Kim có tiếng nhưng không có thực lực nên bị Việt Minh (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) cướp mất chính quyền.

Như vậy, một tổ chức cách mạng muốn thành công thì phải có hai yếu tố, đó là có thực lực và có cơ hội.

cohoi2

Một tổ chức cách mạng muốn thành công thì phải có hai yếu tố, đó là có thực lực và có cơ hội.

Lịch sử có lẽ đang tái hiện sau hơn 70 năm mà khởi đầu là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Điều gì đang xảy ra ? Cuộc chiến này sẽ đi về đâu ? Dự án Chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhận định về quá trình tất yếu này như sau :

"Làn sóng dân chủ thứ ba đã khựng lại từ giữa thập niên 1990. Nguyên nhân của sự suy thoái này trước hết là tâm lý lạc quan sau khi bức tường Berlin sụp đổ và chiến tranh lạnh chấm dứt. Người ta nghĩ rằng như thế là dân chủ đã thắng và các chế độ độc tài còn sót lại sẽ đủ khôn ngoan để tự chuyển hóa về dân chủ. Tâm lý này đã làm mất cảnh giác. Sau đó là chủ nghĩa thực tiễn được đẩy mạnh bởi các chính quyền Clinton tại Mỹ và Chirac tại Pháp.

Về mặt quan hệ quốc tế chủ nghĩa này đặt quyền lợi, đặc biệt là quyền lợi kinh tế, lên trên hết và mỗi khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và đạo đức thì quyền lợi phải được dành ưu tiên. Thăng tiến dân chủ và nhân quyền không còn là quan tâm hàng đầu nữa và mọi chính quyền, dù độc tài và vi phạm nhân quyền, vẫn có thể là đối tác của Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước dân chủ phát triển nói chung.

Sang đầu thế kỷ 21 thế giới bị cuốn hút vào cuộc chiến chống khủng bố, tâm lý lạc quan tuy không còn nhưng chính sách đối ngoại thực tiễn vẫn tiếp tục và còn được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ đầu của Obama. Thêm vào đó, thể hiện kinh tế của chủ nghĩa thực tiễn là chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách khuyến khích tiêu thụ, ngay cả với cái giá phải trả là cán cân thương mại thâm thủng nặng, song song với đầu cơ bất động sản và chứng khoán.

Chính sách này trong một thời gian dài đã hỗ trợ các chế độ độc tài bạo ngược tại Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác. Các chế độ này đã có thể thực hiện chính sách mở cửa kinh tế để khai thác sự nghèo khổ mà chính chúng là nguyên nhân : bóc lột tối đa công nhân để xuất khẩu thật nhiều với giá thật rẻ, lôi kéo du khách nhờ dịch vụ du lịch rẻ. Chủ nghĩa thực tiễn đã cho phép các chế độ độc tài còn lại, kể cả các tàn dư của chủ nghĩa cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, tiếp tục tồn tại thậm chí mạnh lên về kinh tế".

"Sau cùng chủ nghĩa thực tiễn đã dẫn tới khủng hoảng và buộc thế giới phải xét lại một cách triệt để cả chính sách đối ngoại lẫn mô thức kinh tế, nghĩa là một mặt cảnh giác bảo vệ các giá trị dân chủ và nhân quyền trong quan hệ quốc tế và mặt khác dành ưu tiên cho kinh tế sản xuất thay vì đầu cơ và thận trọng giữ thăng bằng cả ngân sách quốc gia lẫn cán cân mậu dịch. Các chế độ độc tài không còn được dung túng trong những vi phạm nhân quyền nữa và cũng không thể sống nhờ xuất khẩu như trước nữa. Chính sự xét lại này đã dẫn đến làn sóng dân chủ thứ tư mà chúng ta đang chứng kiến. Chủ nghĩa thực tiễn đã là một ngoặc đơn trong lịch sử nhân loại. Ngoặc đơn đó đang khép lại, thời gian ân huệ của các chế độ độc tài đã chấm dứt".

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)

Tóm lại là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ leo thang thành một cuộc chiến ý thức hệ giữa khối dân chủ (do Mỹ đứng đầu) và khối độc tài gồm Trung Quốc, Nga và Việt Nam. Khi cuộc xung đột lên đến đỉnh điểm thì có thể dẫn đến một cuộc chiến ngắn ngủi để mọi việc ngã ngũ và đó sẽ một cuộc hải chiến trên Biển Đông. Tất nhiên là trong cuộc chiến này Mỹ và đồng minh sẽ chiến thắng.

cohoi3

Chính sách đu dây của Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không còn ăn khách nữa

Việt Nam đứng đâu trong cuộc khủng hoảng giữa hai cường quốc và cần phải làm gì ?

Một cơ hội lớn lao đang mở ra cho dân tộc Việt Nam giống như ngày xưa, khi Việt Minh kêu gọi "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta".

Bề ngoài sự hùng mạnh mà chính quyền Trung Quốc luôn tỏ ra là sự nguy ngập và khủng hoảng ở bên trong. Hành động rõ nét nhất đó là quyết định buông bỏ Bắc Triều Tiên. Nếu Trung Quốc còn "khỏe" thì không bao giờ có chuyện đó. Bắc Triều Tiên là "vũ khí sống" để Trung Quốc "đối thoại" với phương Tây mỗi khi cần.

Mỹ và khối dân chủ đã nhận ra sai lầm của mình khi bắt tay làm ăn với Trung Quốc, Nga và Việt Nam mà bỏ qua vấn đề nhân quyền. Họ đang sửa sai. Khi Mỹ "tấn công" Trung Quốc và khối độc tài thì họ cũng sẽ "tấn công" Việt Nam nếu Việt Nam đứng về phía Trung Quốc.

Từ trước tới giờ Việt Nam vẫn chơi trò "đu đây" giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng giờ thì phương pháp đó đã hết thời gian và hết tác dụng. Sau cuộc thư hùng giữa Mỹ và Trung Quốc, với sự thất bại và qui phục của Trung Quốc thì vai trò của Việt Nam cũng sẽ hết. Khi đó Việt Nam hoặc là tham gia vào khối dân chủ hoặc là bị cô lập tẩy chay đến cùng như Cuba trước đây.

Chúng ta đứng trước một cơ hội rất thuận lợi để dân chủ hóa đất nước.

cohoi4

Chúng tôi đã tiên đoán cơ hội Mỹ và khối dân chủ "tuyên chiến" với các nước độc tài trong đó đứng đầu là Trung Quốc từ rất lâu và chúng tôi đã nhận định là nó sẽ phải đến

Với Đảng Cộng sản Việt Nam thì hoặc là thay đổi hoặc là sụp đổ. Muốn thay đổi thì thành phần tiến bộ trong đảng phải kết hợp thành một lực lượng mạnh mới áp đảo được phe bảo thủ và phải làm một cuộc cách mạng thật sự, nó gần như là một cuộc "đảo chính" trong nội bộ. Không nhất thiết phải dùng tới bạo lực mà chỉ cần ôn hòa và dứt khoát. Nếu tập hợp được lực lượng thì điều đó không khó. Mọi "cải tổ" hay "thay đổi" vặt vãnh như từ trước đến giờ sẽ không giải quyết được vấn đề gì vì quán tính bảo thủ và bảo vệ đặc quyền đặc lợi của các nhóm lợi ích trong đảng rất lớn. Để nhận được sự ủng hộ của dân chúng và tạo áp lực lên phe bảo thủ thì phe "cách mạng" trong đảng phải bắt tay với một tổ chức chính trị dân chủ đối lập đứng đắn. Để có được sự kết hợp đó thì họ phải chấp nhận một cách quả quyết và thật lòng việc dân chủ hóa đất nước.

Với phong trào dân chủ Việt Nam thì việc làm cấp thiết nhất bây giờ là ủng hộ và tham gia vào việc xây dựng một vài tổ chức dân chủ đối lập có tầm vóc. Nếu không có lực lượng và tầm vóc thì sẽ không nhận được sự hưởng ứng của quần chúng và vì thế sẽ không có hậu thuẫn để đàm phán với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cơ hội khách quan đang đến, bây giờ là lúc cần tạo dựng yếu tố chủ quan đó là xây dựng lực lượng cho phong trào dân chủ Việt Nam.

Sỡ dĩ Việt Nam chưa có dân chủ là vì chúng ta chưa có được tầng lớp "trí thức chính trị" thực sự. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nhận định lý do khiến chế độ cộng sản kéo dài tại Việt Nam là vì :

"...trí thức Việt Nam đã không đảm nhiệm chức năng và trách nhiệm của mình là hướng dẫn quần chúng. Do di sản văn hóa và lịch sử họ đã thiếu trái tim để đau, thiếu trí tuệ để biết, và thiếu sự dũng cảm để dám tranh đấu, hoặc đã quá coi trọng những địa vị và quyền lợi được ban phát. Nhưng lớp trí thức cũ đã qua đi và một lớp trí thức mới ngày càng đông đảo đã nhập cuộc, trong đó có một thành phần trí thức mà trong suốt dòng lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có : những trí thức chính trị. Những người trẻ này hiểu biết hơn hẳn các thế hệ đàn anh và không còn một ảo tưởng nào về chủ nghĩa và chế độ cộng sản. Họ không còn loay hoay tìm cách cải tiến chế độ mà đã hiểu dứt khoát là phải chấm dứt nó. Họ dám làm, quyết làm và biết làm và đang khám phá ra rằng phải kết hợp với nhau trong một đội ngũ để làm; họ đã hiểu rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức. Đất nước sắp thay đổi vì đã thay da đổi thịt".

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)

Có một lấn cấn mà chúng tôi muốn nói lại cho rõ đó là chúng tôi đã tiên đoán cơ hội Mỹ và khối dân chủ "tuyên chiến" với các nước độc tài trong đó đứng đầu là Trung Quốc từ rất lâu và chúng tôi đã nhận định là nó sẽ phải đến. Chúng tôi không phản đối Trump chuyện "đánh" Trung Quốc mà ngược lại đó là phản ứng dĩ nhiên của khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết". Chúng tôi không ủng hộ chủ trương dân túy của Trump vì ông ta chà đạp lên các giá trị đạo đức. Chúng tôi khác Trump. Trump là tổng thống của một siêu cường nên ông nói sai, nói dối hay lỗ mãng... thì cử tri Mỹ sẽ không bầu cho ông trong nhiệm kỳ thứ 2, nhưng với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì lẽ phải, sự lương thiện, bao dung và các giá trị đạo đức là tất cả những gì chúng tôi trân trọng và theo đuổi.

Hơn nữa việc Trump đánh Trung Quốc mới chỉ là yếu tố khách quan, nếu không có yếu tố chủ quan, đó là nội lực và quyết tâm của chính người Việt thì cơ hội cũng chỉ là cơ hội. Trump không thể làm thay, làm hộ người Việt chúng ta được.

Agriculture and Sow Seed growing step concept

Chúng ta phải ươm mầm nhân sự chính trị ngày hôm nay để gặt hái thắng lợi dân chủ cho ngày mai

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nhận định rằng cơ hội dân chủ hóa đất nước đang đến rất gần và hiện hữu. Chúng tôi đã và đang làm tất cả những gì có thể, trong khả năng cao nhất của mình để chuẩn bị cho quá trình chuyển hóa đó. Chúng tôi đã chuẩn bị cho Phong trào dân chủ Việt Nam một giải pháp mới khá hoàn thiện và đầy đủ, bao gồm mọi lĩnh vực của đời sống và xã hội để thay thế cho giải pháp cộng sản. Đó là dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.

Chúng tôi đã kiên trì giới thiệu "giải pháp thay thế’ đó với tất cả mọi người Việt Nam suốt 30 năm qua.

Chúng tôi cũng đã bền bỉ xây dựng cho mình một đội ngũ nhân sự chính trị nòng cốt, những người nắm rõ tư tưởng và lập trường chủ đạo của tổ chức thông qua những dự án chính trị dân chủ đa nguyên, hiện nay là tài liệu Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.

Đội ngũ nhân sự của chúng tôi tuy chưa hùng mạnh như mong muốn và chúng tôi vẫn tiếp tục mở cửa chào đón những người mới, những người có nhiệt tâm muốn dấn thân và cống hiến cho đất nước.

Chúng tôi hy vọng và tin tưởng vào sự ủng hộ của các thân hữu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đó là những người mong muốn cho đất nước thay đổi về dân chủ và chia sẻ với những đề nghị của chúng tôi về lộ trình tranh đấu cũng như cách thức xây dựng lại đất nước Việt Nam trong tương lai.

Chúng tôi còn rất nhiều việc để làm và rất mong được đón nhận sự tiếp sức, chia sẻ và ủng hộ của mọi người dân Việt Nam.

Nếu được người dân Việt Nam hậu thuẫn thì chúng ta chắc chắn sẽ thành công trong việc dẫn đưa đất nước vào quỹ đạo dân chủ và phát triển.

Việt Hoàng

(03/10/2018)

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm