Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tôi gặp một anh chàng thích ra vẻ thực tế. Anh chàng này cười cợt, nói những người thảo luận các vấn đề chính trị quốc tế cũng như thể chế ở Việt Nam là viển vông, theo anh ta thì nên tập trung suy nghĩ các giải pháp phát triển kinh tế, rồi đề xuất lên nhà nước. Anh ta còn khẳng định rằng mình đã có một kế hoạch phát triển kinh tế và khi nào gặp người đứng đầu nhà nước cộng sản Việt Nam thì sẽ đề xuất lên.

cachmang10

Chính trị còn là đem đạo đức vào ứng dụng trong xã hội, để xã hội ngày càng văn minh hơn.

Có lẽ mọi người đọc bài này sẽ cười thầm ngay sau khi đọc đoạn đầu (kể cả những người công an) vì chính anh chàng này mới viễn vông, thiếu thực tế.

Đã có biết bao nhiêu chuyên gia kinh tế đề xuất rất nhiều cải cách, nhưng chính quyền cộng sản hoặc không chịu làm theo, hoặc chỉ làm theo trong một chừng mực giới hạn, sau khi đã trì hoãn một thời gian rất dài.

Họ có những cái đầu vào loại cứng nhất.

Tuy nhiên, hãy đặt giả thuyết rằng ban lãnh đạo cộng sản đột nhiên trở nên dễ tính hơn, chấp nhận ngay lập tức các đề xuất kế hoạch phát triển kinh tế. Nếu vậy thì sao ?

Chắc chắn là một số độc giả am hiểu kinh tế sẽ nói ngay : đừng vội mừng !

Vâng, đừng vội mừng. Kinh nghiệm cho thấy, khi nhà nước áp dụng những kế hoạch kinh tế quốc gia, với những biện pháp can thiệp trực tiếp bằng hành chính, thì hầu hết sẽ thất bại, hoặc giải quyết được một vấn đề nhưng lại đẻ ra vấn đề khác. Lý do là nền kinh tế do rất nhiều những quan hệ chồng chéo, đan xen tạo nên. Một nhóm người trong chính phủ, dù rất giỏi, với bằng cấp và kinh nghiệm đầy mình, cũng không thể biết chính xác nền kinh tế cần gì.

Và các kế hoạch kinh tế ở Việt Nam thường theo kiểu nhà nước can thiệp trực tiếp vào lĩnh vực này hay lĩnh vực kia. Tồi tệ hơn, nhiều kế hoạch còn được áp dụng chung cho cả nước, trong khi nước ta, vì đặc thù trải dài, nên có nhiều vùng rất khác nhau, và vì thế nền kinh tế của riêng từng vùng cũng khác biệt.

Vậy, phải chăng sẽ là một điều tốt lành cho mọi người, nếu chính quyền đủ khôn ngoan để lấy tư tưởng chủ đạo trong chính sách kinh tế là lấy kinh tế thị trường làm nền tảng, và nếu có điều gì thực sự cần nhà nước can thiệp thì cũng chỉ can thiệp gián tiếp qua chính sách thuế thôi ?

Đọc tới đây, hẳn sẽ có một số người nói (và trên thực tế thì tôi cũng thấy có người nói rồi) "Thế cũng được, nhưng chế độ cộng sản sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện đó". Như thế nghĩa là nếu vì một phép mầu nào đó, chế độ chấp nhận những nền tảng tư tưởng trên, thì chúng ta nên xem là đất nước đã đi vào đúng quỹ đạo và vấn đề dân chủ hóa không cần đặt ra nữa ?

Những người nói như vậy, trong thâm tâm, nghĩ kinh tế chỉ là chính trị.

Nhưng nghĩ như thế là rất sai !

Kinh tế có mối liên hệ mật thiết với chính trị, nhưng chính trị không chỉ là kinh tế. Chính trị còn là quốc phòng, là ngoại giao, là sự điều hợp các vùng, là sự tiên liệu tương lai, và là đem đạo đức vào ứng dụng trong xã hội, để xã hội ngày càng văn minh hơn. Chính trị còn là nhiều thứ lắm chứ không phải chỉ là kinh tế.

Chấp nhận một chế độ độc tài chính trị nhưng tự do về mặt kinh tế nghĩa là chấp nhận chính sách đối ngoại tuyệt đối không liên minh dài lâu với các nước dân chủ, bởi cách suy nghĩ của hai chế độ chính trị khác nhau về căn bản thì người ta cùng lắm chỉ có thể làm đồng minh với nhau để chống lại một kẻ thù chung nào đó trong một thời gian ngắn. Anh và Mỹ từng liên minh với Liên Xô để chống lại các chế độ có thiên hướng phát xít ở Đức, Ý, Nhật. Nhưng ngay khi thấy phe Trục suy yếu rõ rệt, Anh, Mỹ và Liên Xô đã bắt đầu suy tính về việc mở rộng ảnh hưởng của mình và thu hẹp ảnh hưởng của bên kia để chuẩn bị chống lại nhau thực sự.

Thời chiến tranh lạnh, Mỹ cũng liên minh và hỗ trợ nhiều chế độ độc tài chống cộng như chế độ Salazar, Việt Nam Cộng Hòa, Tưởng Giới Thạch …Nhưng năm 1973, khi Liên Xô suy yếu và khi các nhà chính trị chuyên nghiệp nhận thấy điều đó, Mỹ đã ngay lập tức bỏ rơi các chế độ này.

Đài Loan đã là ngoại lệ duy nhất. Trung Hoa Quốc Dân Đảng ở Đài Loan vốn trung thành với đường lối mà Tôn Trung Sơn để lại. Nhà cách mạng họ Tôn thiếu tin tưởng vào dân chủ và cho rằng cần một chế độ độc tài trong giai đoạn đầu, với thiết quân luật, trước khi tiến tới dân chủ thực sự. (Ngược lại, người Tây Âu, trong lúc đối phó với phong trào ủng hộ cộng sản ở nước mình, đã không những không xiết chặt chế độ chính trị lại, mà còn táo bạo nâng mức độ đa nguyên lên, và họ đã thành công). Nhưng dẫu sao cứu cánh của Trung Hoa Quốc Dân Đảng vẫn là dân chủ, dù phương tiện nhuốm máu, họ đã may mắn không bị Mỹ nhìn như là một chế độ độc tài thực sự, do đó mà không bị bỏ rơi. Đài Loan dần cởi mở về chính trị theo một lộ trình của các lãnh đạo Quốc Dân Đảng, và thực sự dân chủ vào năm 1991.

Chế độ Việt Nam Cộng Hòa, một chế độ quân phiệt khác, đã không có một tư tưởng gì rõ ràng để chứng minh cho người Mỹ thấy rằng cứu cánh của giới cầm quyền miền Nam Việt Nam là dân chủ. Mà thực sự các tướng tá lãnh đạo chế độ này cũng không ưa dân chủ. Kết quả là Mỹ rút viện trợ, và chế độ nhanh chóng sụp đổ, mặc cho quân đội cộng sản đã tổn thất nặng sau sai lầm năm 1968.

Tương quan lực lượng trên thế giới hiện nay đã rõ rệt. Các nước dân chủ đã chiếm đa số áp đảo, các chế độ độc tài thì gặp khủng hoảng nghiêm trọng : quân sự thì lạc hậu còn kinh tế thì chỉ chiếm trọng lượng khoảng 15% nền kinh tế thế giới. Không có một thế lực nào có thể đe dọa các nước dân chủ tới mức họ phải chấp nhận liên minh, dù chỉ là liên minh giai đoạn, với một số chế độ độc tài để chống lại kẻ thù chung đó.

Gần đây, tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) đã trở thành kẻ thù của thế giới dân chủ. IS tấn công cả những chế độ độc tài trong vùng, lẫn các lực lượng ủng hộ dân chủ. Sau khi nhận ra sai lầm vì rút quân khỏi Iraq quá hấp tấp, tổng thống Mỹ Obama đã đem cả quân đội Mỹ lẫn nhiều nước dân chủ đồng minh trở lại vùng này để chống lại IS. Nga cũng ra tay giúp các chế độ độc tài là đồng minh, nhưng lần này đã không hề có sự hợp tác tạm thời nào giữa đôi bên. Các lực lượng đồng minh của các nước dân chủ tại đây còn tấn công quân Nga và quân của chế độ độc tài tại Syria, ngay trong lúc cả hai bên còn đang ở giữa những trận đánh quyết liệt với IS.

Như vậy, việc chấp nhận một chế độ độc tài, dù là độc tài về chính trị nhưng tự do về kinh tế, hiện nay phải hiểu rằng sẽ dẫn tới hệ lụy là bị cô lập và tuyệt đối không thể liên minh với các nước dân chủ.

Sau nữa, việc chấp nhận một chế độ như vậy chẳng khác nào chấp nhận một logic tự sát.

Nếu so sánh một nước với một cái nồi hơi, thì chính trị giống như nắp nồi và van an toàn, còn kinh tế thì như là thứ đang được nấu bên trong. Cái nồi phải được đem đi nấu một cái gì đó, thì nó mới không phải là một khối kim loại vô dụng, còn thứ được nấu thì cũng cần cái nắp nồi đậy kín, để khi nấu, hơi trong nồi không gây nổ. Kinh tế và chính trị gắn bó với nhau như thế.

Nếu kinh tế bị xiết chặt, thì cũng như những thứ trong nồi được nấu với áp suất rất nhỏ, không đủ để nấu được thứ gì ra hồn. Còn nếu kinh tế tự do, cởi mở thì nền kinh tế sẽ sôi động, cũng như thức ăn được nấu chín trong nồi bằng hơi nóng có áp suất cao. Trong khi đó, chính trị như nắp nồi và van an toàn. Nắp nồi đậy không kín sẽ dễ gây nổ trong lúc nấu, cũng tương tự như một chính quyền không quản lý nổi đất nước, vì bị tê liệt chẳng hạn, đẩy đất nước vào tình trạng gần như vô chính phủ, dân chúng mạnh ai làm theo ý người nấy, những bất mãn xã hội bùng phát thành các cuộc nổi loạn. Nếu chính trị độc tài thì cũng như một cái nắp nồi đóng chặt, van an toàn thì không chịu xả hoặc xả rất ít, và ngược lại, nếu van an toàn xả hơi một cách hợp lý, thì tương tự các chế độ chính trị dân chủ.

Nếu van an toàn không xả hơi hợp lý, mà cố đẩy áp suất lên cao để nấu một thứ gì đó, cuối cùng cái nồi sẽ nổ.

Như vậy, nếu muốn duy trì ổn định, và chỉ cần ổn định thôi, mặc kệ là ổn định trong khi giẫm chân tại chỗ hay ổn định mà vẫn phát triển, và phát triển nhanh hay chậm, thì chỉ cần tránh mô hình chính trị độc tài và kinh tế cởi mở. Mô hình đó mang một logic tự sát.

Tại sao lại như vậy ? Tâm lý học cho biết con người chỉ bắt đầu đòi hỏi một chỗ đứng xứng đáng cho mình khi họ có điều kiện vật chất tương đối ổn định. Maslow-cha đẻ của chủ nghĩa nhân văn trong Tâm lý học, đã đề xuất một tháp nhu cầu nhằm sắp xếp thứ tự nhu cầu của con người. Thứ tự đó như sau :

1. Nhu cầu trước hết là nhu cầu sinh lý, như thức ăn, nước uống…

2. Nhu cầu tiếp theo đó là an toàn, trong đó có an toàn lao động, an toàn kinh tế…

3. Theo sau đó là nhu cầu về tình cảm, như có được mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh, không bị coi rẻ mà được chấp nhận bằng sự hòa nhập với cộng đồng.

4. Tiếp sau nữa là nhu cầu được tôn trọng, nghĩa là muốn có một địa vị trong xã hội, hay chỉ đơn giản là được mọi người công nhận mình có một khả năng nào đó trong công việc.

5. Cuối cùng là nhu cầu tự khẳng định. Một cách giản dị thì đây là khi con người cảm thấy đầy đủ cả vật chất và tinh thần, nên người ta tự đặt ra những mục tiêu mới, như là làm công tác xã hội để thay đổi số phận của tất cả những ai bất hạnh, hay chỉ đơn giản là muốn lập một kỷ lục thể thao. Nhu cầu lúc này thường không đem lại một lợi ích cụ thể nào cho mình cả mà chỉ là thỏa mãn sở thích cá nhân.

Một nền kinh tế cởi mở sẽ giúp giải quyết các nhu cầu cơ bản như thực phẩm, chỗ ở…Sau đó nó sẽ giải quyết một phần nhu cầu an toàn, vì cơ chế kinh tế thị trường sẽ giúp nền kinh tế đi lên, người dân sẽ có an toàn kinh tế. Song song với đó cũng phải mở cửa đối với quốc tế, trong đó có các nước dân chủ. Mà đã làm ăn với các nước dân chủ thì phải có luật sư (chế độ cộng sản đã không cho nghề luật sư tồn tại, mãi cho tới khi mở cửa kinh tế), có luật an toàn lao động… giải quyết thêm một phần nữa nhu cầu an toàn.

Lúc này các nhu cầu về tình cảm, về sự tôn trọng sẽ xuất hiện. Nhu cầu tình cảm có thể dễ dàng giải quyết về cơ bản, nhưng nhu cầu tôn trọng là cả một vấn đề.
Làm sao người ta có thể cảm thấy được tôn trọng, khi người ta không có quyền nói những gì mình nghĩ, hội họp với những người cùng suy nghĩ với mình ? Làm sao người ta có thể thấy khả năng của một người trưởng thành như họ được công nhận, chỗ đứng của họ được xác quyết, khi hàng ngày nhìn những quan chức tham nhũng ăn trên đầu trên cổ mình, mà bầu cử chỉ là một trò hề (chưa kể nếu mình không đi bầu, không đóng vai quần chúng của trò hề đó, thì sẽ gặp phiền toái).

Các chế độ độc tài đều không tôn trọng quyền của con người, thì làm sao con người sống dưới sự cai trị của chúng cảm thấy được tôn trọng ?

Theo lý thuyết "các thiệt thòi tương đối" thì nguyên nhân chính của xung đột không phải do mâu thuẫn quyền lợi, có thành phần được ưu đãi và thành phần bị ngược đãi, có những người bóc lột và những người bị bóc lột, mà ở chỗ thực tại không phù hợp với mong đợi, những ước vọng chính đáng không được thỏa mãn.

Thực vậy. Có những dân tộc bị ức hiếp dã man trong hàng ngàn năm vẫn không nổi dậy đấu tranh để tự giải phóng. Người Ai Cập bị các Pharaon đày đọa từ mấy ngàn năm trước, bắt xây dựng những công trình khổng lồ, bắt liều mạng đi đánh các nước khác, nhưng họ không nổi dậy. Rất nhiều cuộc cách mạng lớn là do tầng lớp khá giả cho rằng đáng lẽ mình phải có một chỗ đứng cao hơn và vùng dậy lật đổ giai cấp thống trị. Trong sinh hoạt xã hội người ta cũng thấy là những thành phần tương đối được ưu đãi thường dễ cảm thấy bất mãn và tranh đấu tích cực hơn là những thành phần thực sự thiếu may mắn. Lý do là vì thành phần này tự so sánh với thành phần có khả năng và có đóng góp tương đương với mình nhưng được quyền lợi nhiều hơn và cảm thấy đó là một bất công không thể chấp nhận. Tóm lại lý thuyết này cho rằng mâu thuẫn quyền lợi tuy là là điều kiện cần nhưng không phải là động cơ thực sự của đấu tranh ; động cơ của đấu tranh là những mong đợi không được thỏa mãn. Những người không mong muốn một số phận khác không bao giờ nổi dậy.

Thời cổ, các chế độ quân chủ chuyên chế ở Trung Quốc, với sự độc tài hơn cả những chế độ cộng sản thời nay, rất thù ghét hoạt động buôn bán. Tần Thủy Hoàng sau đó đã áp dụng tư tưởng Pháp gia của Hàn Phi Tử, giữ chặt độc quyền chính trị vào tay mình và dòng dõi mình, nhưng cởi mở về kinh tế. Kết quả là nhà Tần chỉ tồn tại được một thời gian ngắn rồi bị lật đổ trong một cuộc chiến mà sẽ tiếp diễn một cách kinh khủng sau đó, và chỉ chấm dứt khi nhà Hán tiêu diệt được nhà Tây Sở một cách tàn bạo. Các chế độ quân chủ sau đó đã nhận ra rằng chính trị độc tài và kinh tế cởi mở là một logic tự sát. Điều đáng nói là thay vì thừa nhận rằng một khu vực rộng lớn như Trung Quốc thì cần một chính quyền cởi mở hơn, với trung ương nắm ít quyền lực hơn, họ đã chọn con đường xiết chặt mọi thứ, cả chính trị lẫn kinh tế lại, bằng việc biến Khổng giáo-một hệ tư tưởng vừa độc đoán về mặt chính trị, vừa căm ghét hoạt động thương mại-trở thành hệ tư tưởng chính thống. Họ đã thành công trong việc giữ ổn định. Nhiều triều đại quân chủ sau này tồn tại cả mấy trăm năm. Đổi lại là Trung Quốc giẫm chân tại chỗ, không phát triển bao nhiêu trong hơn 2000 năm.

Mô hình này cũng giống như cái nồi hơi đậy kín, van an toàn xả rất ít hơi, mà thứ nấu trong nồi không thể nóng lên được vì áp suất quá nhỏ. Nó đảm bảo không có tai nạn xảy ra nhưng đồng thời cũng chẳng nấu được gì.

Phát triển kinh tế thường đẻ ra và làm trầm trọng thêm những chênh lệch xã hội. Những chênh lệch xã hội này là mầm mống của bất ổn. Khác với các nước dân chủ, chế độ độc tài lại không xuất phát từ dân chúng nên không thể hiểu và đối phó với những bất ổn đó một cách hiệu quả được. Các chính sách liên đới xã hội vì vậy được tạo ra một cách duy ý chí, nên hiệu năng rất thấp, lại là miếng mồi ngon cho các quan chức tham nhũng vì không có cơ chế cạnh tranh để người dân dễ dàng phát hiện và loại bỏ họ trong bầu cử. Khi xảy ra thất thoát vì tham nhũng, các chế độ này có thể tính đến việc tăng thuế để bù đắp, nhưng một lần nữa sự kiện họ không xuất phát từ nhân dân khiến họ tạo ra những thứ thuế không phù hợp và mức thuế vô lý. Đây là lý do tại sao, khi cố gắng ngăn chênh lệch xã hội nới rộng thêm, các chế độ dân chủ có thể thành công, còn các chính quyền độc tài thường tạo thêm rắc rối, dù cả hai bên đều dùng các chính sách liên đới xã hội.

Trên lý thuyết thì một nước có thể vừa đảm bảo một nền kinh tế thị trường thực sự, lấy tư doanh làm nền tảng, vừa duy trì một chính sách liên đới xã hội bằng ngân sách dư ra của nhà nước, với điều kiện duy trì một mức thuế thấp và thủ tục giản dị cho doanh nghiệp. Nhưng mô hình này không thể có được khi người ta nợ ngập đầu. Hoặc bỏ qua vấn đề làm dịu bất ổn xã hội, chấp nhận sống chung với quả bom, hoặc lao đầu vào giải quyết nó, với hệ lụy là nhiều nợ hơn dẫn tới ít vốn đầu tư hơn, và nhiều thuế hơn để rồi chính quyền rơi vào vòng luẩn quẩn oan nghiệt.

Một chế độ dân chủ có thể loại bỏ phần lớn các quan chức tham nhũng hoặc bất tài, duy ý chí - nguồn gốc chính của những khoản nợ khổng lồ - nhờ cạnh tranh chính trị, nhưng các chế độ độc tài thì đẻ ra những người này. Tại sao tôi phải thanh liêm khi người dân không thể hạ bệ tôi qua bầu cử tự do ? Các chế độ độc tài cố thâu tóm quyền lực lại, và khiến những đứa con cưng của nó cũng cảm thấy bất an khi phải sống chung với một quyền lực không kiểm soát, nên người ta phải tham nhũng, vì tiền tự nó mang lại quyền lực, người ta tham nhũng như một phản ứng tự vệ tư nhiên.

Một chế độ dân chủ có thể bầu lên một chính quyền duy ý chí, chú trọng thái quá vào chính sách liên đới xã hội, làm tăng sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế và tạo nguy cơ trì trệ kinh tế. Một chế độ dân chủ cũng có thể có một chính quyền cực đoan, chỉ chú trọng nguyên tắc kinh tế thị trường một cách cứng nhắc, và cố xóa bỏ hoàn toàn các chính sách liên đới xã hội, đẩy toàn bộ trách nhiệm liên đới xã hội cho các tổ chức từ thiện tư nhân, để rồi nhận ra là lòng tốt của người giàu không nhiều như họ mong đợi và bất mãn xã hội tăng lên. Nhưng cả hai trường hợp này cũng có thể giải quyết được bằng việc bầu cử lại nghị viện, để người dân bầu cho những tổ chức khác thực tế hơn, hay thậm chí thay thế thủ tướng và nội các ngay lập tức bằng việc quốc hội bất tín nhiệm họ. Các chế độ độc tài thì không có điều đó để làm công cụ phản ánh độ hiệu quả các chính sách.

Một ví dụ là trường hợp Ấn Độ. Ấn Độ từ khi có dân chủ năm 1947 đã là một nước dân chủ, nhưng cho tới tận năm 1980, nền kinh tế Ấn vẫn còn mang nặng tính bao cấp, do Quốc Dân Đại Hội Ấn Độ cầm quyền lúc đó đã có quyết định sai lầm là học theo kinh tế Liên Xô. Nhưng xã hội Ấn đã không bùng nổ. Một nền chính trị dân chủ giúp xã hội xả bớt những bất mãn qua việc giao quyền quyết định cho dân chúng trong các cuộc tổng tuyển cử. Các lãnh đạo Ấn Độ cũng nhận được phản ánh tình trạng đất nước có độ chính xác cao, nhờ đó có những điều chỉnh phù hợp.

Chế độ độc tài không có chức năng tự động điều chỉnh như các thể chế dân chủ. Các chế độ dân chủ ở những mức đa nguyên khác nhau, mức đa nguyên càng cao thì sự tôn trọng xã hội dân sự càng lớn, một số chính quyền dân chủ không đa nguyên vẫn cố kiểm soát và định đoạt mọi thứ thay cho xã hội dân sự gây bất mãn, trì trệ. Nhưng nhờ chức năng tự điều chỉnh, thông qua tự do ngôn luận, tự do kết hợp, tự do bầu cử, ứng cử, xã hội xả bớt bất mãn trong nhiệm kỳ của các chính quyền này, và thay thế chúng khi chúng hết nhiệm kỳ, hay thậm chí ngay trong nhiệm kỳ đó (trường hợp này tạo ra các chính phủ thiểu số). Các chế độ độc tài thì mặc nhiên bóp nghẹt xã hội dân sự, và do đó, sinh ra, cũng như tích tụ các bất mãn xã hội.

Lưu ý là những trường hợp trên chỉ luôn đúng nếu không có tác động lớn từ bên ngoài.

Chế độ nào cũng tồn tại trên nền tảng của một chủ thuyết nào đó. Các chế độ quân chủ chuyên chế Trung Quốc tồn tại trên nền tảng Khổng giáo, khi Khổng giáo bị lố bịch hóa bởi các tư tưởng đến từ phương Tây, nó nhanh chóng sụp đổ trong cuộc cách mạng bạo động 1911.

Đó cũng đã là trường hợp của cuộc cách mạng Pháp đẫm máu năm 1789. Người ta thường nghĩ nguyên nhân của cuộc cách mạng này là do vua Louis XVI đã dại dột triệu tập Đại Hội Quốc Dân để yêu cầu tăng thuế sau khi ngân sách cạn kiệt vì yểm trợ cuộc chiến giành độc lập của Hoa Kỳ, và Đại Hội này đã biến thành Hội Đồng Cách Mạng, lật đổ chế độ quân chủ. Nhưng nguyên nhân sâu xa, và thực sự, là bởi chế độ quân chủ đã không biết nới lỏng dần chính trị trong khi các tiến bộ công nghiệp đã khiến kinh tế phát triển cực kỳ năng động, và các trào lưu tư tưởng nở rộ trong thế kỷ này-thế kỷ Ánh Sáng-đã liên tục đả phá chủ nghĩa thần quyền Thiên Chúa giáo, nền tảng tinh thần của chế độ quân chủ. Nếu Louis XVI không triệu tập Đại Hội Quốc Dân, thì cũng chỉ kéo dài được hơi tàn thêm một chút. Một, hai hay nhiều hơn nữa những đốm lửa nhỏ cũng không thể thiêu cháy cả căn nhà gạch, nhưng khi căn nhà đó đầy chất dễ cháy thì chỉ cần một đốm lửa nhỏ là đủ gây hỏa hoạn.

Pháp lúc đó không những nằm trong logic tự sát "kinh tế cởi mở, chính trị độc tài", mà nền tảng tư tưởng của chế độ chính trị cũng lung lay.

Các chế độ độc tài mở cửa về mặt kinh tế hiện nay, trong đó có chế độ cộng sản Việt Nam và chế độ cộng sản Trung Quốc cũng đang trong một hoàn cảnh tương tự : các tiến bộ về truyền thông, đã phơi bày những yếu kém của chúng, lên án tội ác của chúng và sự kiện chúng không còn một tư tưởng nào để biện hộ cho sự tồn tại của mình, hoặc cố ôm lấy một chủ nghĩa đã thất bại đang lố bịch hóa chúng.

"Các chế độ này không thể tồn tại lâu hơn ; chúng không dựa trên một tư tưởng chính trị nào cả, ngay cả nếu đôi khi những khẩu hiệu nhàm chán, như "xây dựng chủ nghĩa xã hội", được nhắc lại một cách gượng gạo. Chúng thuần túy là những chế độ cướp bóc không nhân danh một lý tưởng nào hay một dự án chính trị nào. Chúng không có ngay cả một ảo tưởng. Chúng hoàn toàn dựa trên đàn áp để tồn tại. Tất cả đều là những chính quyền què quặt. Trong hai vế cần thiết của quyền lực chính trị, sự chính đáng và bạo lực, chúng chỉ có bạo lực và vì thế phải tận dụng bạo lực. Và muốn đàn áp dễ dàng thì tập đoàn cầm quyền phải mạnh và ngược lại quần chúng phải yếu. Bóc lột và bất công phải gia tăng vì nằm ngay trong logic tồn tại của chế độ. Nhưng đây là một logic tự sát, vì nó càng khiến chế độ bị thù ghét hơn trong khi dù muốn hay không sự mở cửa kinh tế và những tiến bộ ngoạn mục của các phương tiện truyền thông và giao thông cũng đã thay đổi hẳn con người, xã hội và các tương quan lực lượng. Người dân vừa không còn hoàn toàn lệ thuộc vào chính quyền trong những nhu cầu vật chất hàng ngày vừa đủ thông tin để biết rõ sự tầm thường và gian trá của những người cầm quyền. Họ còn có những phương tiện hiện đại để trao đổi với nhau, động viên nhau và phối hợp với nhau…" (1).

Lời cuối cùng này, tôi hi vọng là các cơ quan an ninh đang theo dõi các tổ chức đối lập dân chủ sẽ chuyển lại với ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam. Dù họ cứng đầu thật, nhưng tôi vẫn hi vọng là họ không điên tới mức đùa với tính mạng của chính mình. Có lẽ trường hợp nhà Tần và chế độ quân chủ Pháp quá xa xôi với quý vị, nên tôi sẽ gửi đến quý vị một lời nhắc gần gũi hơn : chế độ cộng sản Nam Tư.

Kinh tế của chế độ cộng sản này đã mang mùi nước hoa tư bản rõ rệt từ thập niên 1950. Các tiến bộ về giao thông thời đó dĩ nhiên chưa bằng ngày nay, nhưng bù lại người Nam Tư có một mức độ tự do nhất định trong việc di cư, kể cả di cư sang các nước dân chủ.
Chế độ của quý vị bắt đầu mở cửa về kinh tế từ thập niên 1980. Từ đó đến nay, các tiến bộ về giao thông cộng thêm chính sách xuất khẩu nhân công giá rẻ của quý vị cũng đã khiến người Việt Nam, dù ở xa các nước dân chủ tiên tiến, nhưng vẫn được tiếp xúc với chúng ở một mức độ không kém người dân Nam Tư xưa.

Chế độ cộng sản Nam Tư thực sự chấm dứt vào năm 1990, sau khoảng 40 năm sống với cái logic tự sát "kinh tế cởi mở, chính trị độc tài", kèm theo tiếp xúc với thế giới. Tôi không biết là có một quy luật về con số ở đây không, nhưng số năm mà chế độ của quý vị bắt đầu logic tự sát này cũng gần bằng con số này rồi đó.

Nam Tư khác Việt Nam ? Đúng. Nam Tư trên thực tế không giống như một nước, mà là một khu vực nhỏ với nhiều cộng đồng bên trong, trong đó có một cộng đồng lớn nhất khống chế các cộng đồng còn lại : cộng đồng người Serbia. Tuy vậy, quý vị có để ý là có một chế độ cộng sản khác rất giống Nam Tư không ? Chính là Trung Quốc.

Oan nghiệt làm sao, sau sự kiện nhà Tần, chế độ cộng sản Trung Quốc cũng đang lâm vào đúng cái logic tự sát hơn 2000 năm về trước. Trung Quốc cũng là một khu vực với nhiều cộng đồng bên trong, trong đó có một cộng đồng lớn nhất khống chế các cộng đồng còn lại : cộng đồng người Hán

Quý vị có để ý là gần đây, bất mãn của các sắc tộc thiểu số Trung Quốc ngày càng dâng cao, đặc biệt là ở hai khu vực mà người Hán tương đối ít ảnh hưởng : Tân Cương và Tây Tạng ?

Khi các cuộc cách mạng bất bạo động làm sụp đổ hệ thống cộng sản Đông Âu, các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh đã giúp quý vị dựa vào cái gì để tồn tại đến ngày nay, các vị đều rõ. Chỗ dựa đó không những giống Nam Tư về cấu tạo, mà còn vướng vào cái logic tự sát oan nghiệt sớm hơn cả quý vị nữa. Chẳng phải quý vị đã mở cửa về mặt kinh tế chỉ vì học theo họ đó sao ?

Những người bình thường không rành chính trị thì không biết, nhưng chúng tôi và quý vị thì biết rõ tình trạng của Trung Quốc ra sao, và gần đây họ hỗ trợ cho quý vị được những gì...

Tôi cũng không rõ là quý vị hay chỗ dựa của quý vị sẽ tan tành trong một cuộc cách mạng bạo động đẫm máu trước, nhưng điều chắc chắn là cả chúng tôi lẫn quý vị đều rất không mong muốn điều đó xảy tới cho Việt Nam.

Cuộc cách mạng bạo động ở Romania đã phá hoại không những vật chất, mà còn cả tinh thần của người dân nước này. Kết quả là hôm nay, Romania nghèo nhất nhì Đông Âu.

Chúng tôi không muốn Việt Nam, dù có được dân chủ, phải chịu mãi mãi số phận nước nghèo. Chưa kể là trong số 4,5 triệu đảng viên cộng sản mà quý vị quản lý, đa phần là những người hiền lành, gia nhập với quý vị chỉ để tránh sách nhiễu.

Đòi hỏi quý vị học theo Alexander Dubcek có lẽ là hơi quá đối với phẩm cách của quý vị, nhưng ít nhất thì quý vị cũng nên học theo Adamec. Nhưng cho tới nay, tôi chỉ cảm thấy trong đầu quý vị câu nói của Milos Jakes : "Chúng ta sẽ ổn thôi. Chừng nào kinh tế còn trụ được, và dân chúng còn có cái để ăn".

Khi người ta nhắc tới Đông Âu, một số người nói là Đông Âu khác Việt Nam. Những người đó không tính tới phong trào toàn cầu hóa xảy ra sau này, đã khiến sự tiếp xúc với thế giới dân chủ càng thêm mãnh liệt. Chế độ cộng sản Việt Nam cũng đã vướng vào logic tự sát "kinh tế cởi mở, chính trị độc tài" mà chế độ cộng sản Nam Tư mắc phải.

Nếu có điểm gì đó khác biệt với Đông Âu thời đó, thì có lẽ là ở chỗ người Việt tôn sùng bạo lực hơn.

Milos Jakes đã không phải chứng kiến một cuộc cách mạng đẫm máu, nhưng với quý vị thì tôi không chắc nếu quý vị cứ nghĩ như ông Jakes.

Yến Vương

Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

(1) Phần 1, chương II, Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in Quan điểm