Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nếu có một điều mà chúng ta cần biết nhất thì đó là một dân tộc không yêu nước chỉ có thể đi từ tai họa này tới thảm kịch khác. Đó là bài học của mọi dân tộc nhưng là bài học lịch sử cay đắng và đáng nhớ nhất của dân tộc ta trong non một thế kỷ qua.

yeunuoc1

Một dân tộc không yêu nước chỉ có thể đi từ tai họa này tới thảm kịch khác

Gần đây đã có thảo luận về bộ Lịch Sử Việt Nam 15 tập do Viện Sử Học Hà Nội tái phát hành với vài sửa chữa và bộ phim The Vietnam War. Tôi chưa đọc bộ sử này và cũng chưa xem bộ phim này nhưng đã có thể biết rằng không cần dành ưu tiên cho chúng trong thời dụng biểu của tôi. Có những trường hợp có thể kết luận chỉ qua một vài sự kiện. Thí dụ như khi một người nói nước Pháp ở Châu Á thì ta có thể kết luận người đó không có kiến thức về địa lý dù chưa quen.

Một số bạn tôi đã đọc qua bộ Lịch Sử Việt Nam và đều nói đó là bộ sử vừa kém vừa không trung thực. Họ đều là những người có trình độ cao và đáng tin, nhưng đánh giá của tôi cũng dựa vào chính những phát biểu của ông Trần Đức Cường, người chủ biên. Ông Cường nói rằng bộ sử đã không đề cập tới vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm và trận Gạc Ma năm 1988 vì không có tài liệu. Về chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông nói tuy dùng danh xưng chính thức "Việt Nam Cộng Hòa" thay vì "ngụy quyền Sài Gòn" như trong lần in trước nhưng lập trường của ban soạn thảo bộ sử không hề thay đổi, đối với họ đây vẫn là một chính quyền do Mỹ dựng lên và sống nhờ đô la Mỹ, quân đội Việt Nam Cộng Hòa vẫn chỉ là bọn lính đánh thuê. Những lời tuyên bố của ông Trần Đức Cường đủ để đánh giá bộ sách và những người biên soạn, trước hết là chính ông Trần Đức Cường.

Làm sao có thể không có tài liệu về vụ Nhân Văn - Giai Phẩm ? Các nhân chứng đã kể từng chi tiết hàng trăm hàng nghìn lần qua những hồi ký cũng như các cuộc phỏng vấn và những người người thân thuộc hoặc có quan hệ với họ cũng đã tường thuật rất đầy đủ. Tất cả những ai muốn biết đều đã biết và biết rất rõ, rất đúng những gì đã xảy ra. Chỉ có chính quyền cộng sản là im lặng vì đây là một tội ác của họ. Khi nói là "không viết vì không có tài liệu", ông Cường đã thú nhận chỉ viết sử theo chính quyền.

Cũng tương tự, trận Gạc Ma đã được tường thuật rất đầy đủ, những sự kiện khách quan và chính thức cũng không thiếu. Những ai theo dõi tình hình Việt Nam đều đã biết rõ. Theo những tài liệu của chính quyền Việt Nam thì từ đầu năm 1988 hải quân Trung Quốc đã đến vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam và từ ngày 31/01/1988 họ bắt đầu đánh chiếm các đá Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa. Trong suốt hơn một tháng kể ngày họ bắt đầu tấn công - và hơn ba tháng kể từ ngày họ đem quân đến - chính quyền Việt Nam hoàn toàn không có một phản ứng nào cũng không tăng cường lực lượng phòng thủ.

Ngày 14/03/1988 họ đánh chiếm Gạc Ma, bắn chìm ba tầu Việt Nam và tàn sát 64 chiến sĩ hải quân. Các ông Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh và Đỗ Mười đã đã cấm không quân Việt Nam can thiệp ; Bộ ngoại giao Việt Nam chỉ ra một tuyên ngôn phản đối chiếu lệ, rồi thôi. Tháng 5 Bộ chính trị Đảng cộng sản họp và ra nghị quyết 13 khẳng định phải phấn đấu bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Tháng 9 hiến pháp được tu chỉnh để bỏ đoạn trong lời nói đầu coi Trung Quốc là kẻ thù. Thế là Trung Quốc không còn là kẻ thù sau khi đã đánh chiếm Trường Sa và tàn sát quân ta. Đây chỉ là một vụ dàn cảnh để dâng đất cầu hòa. Ông Trần Đức Cường và đồng nghiệp không thiếu tài liệu nhưng đã không được phép hoặc không dám viết.

Sự hèn nhát trước kẻ có quyền thường đi đôi với sự thô lỗ trước những người sa cơ lỡ vận. Ông Cường đã gọi quân đội Việt Nam Công Hòa là bọn lính đánh thuê. Cuộc chiến đã qua từ hơn 42 năm rồi, không một người Việt Nam yêu nước nào muốn khơi lại vết thương, nhưng cũng không ai có quyền dung túng sự xuyên tạc, nhất là khi nó lại đi kèm với sự thóa mạ. Trong cả hai phe đã có hàng triệu người chết trong đó có những người rất đáng kính, ký ức của họ phải được trân trọng dù họ thuộc phe nào.

Tuy vậy cần nói một lần cho rõ là nếu trong cuộc nội chiến này có một phe đánh thuê thì đó không phải là Việt Nam Cộng Hòa. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã dựa vào Hoa Kỳ và đồng minh để tự vệ, có thể trước sau nó đã nhận viện trợ nhiều hơn chế độ cộng sản (trước khi bị bỏ rơi và vì thế thua trận), nhưng nó tuyệt đối không đánh cho ai cả ngoài cho chính mình.

Không phải như ông Lê Duẩn nói : "ta đánh là đánh cho cả Trung Quốc và Liên Xô". Ở miền Nam cũng không có những người làm những bài thơ như :

"ta là chiến binh

đấu tranh cho hòa bình

ta mơ Liên Xô thành trì cách mạng

ta yêu Trung Quốc vĩ đại đàn anh

ta nguyện hy sinh tất cả cho Mao Trạch Đông".

Về mặt tinh thần chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mặc dù những yếu kém của nó, độc lập với nước ngoài hơn hẳn chế độ cộng sản miền Bắc. Không có bất cứ một người lính Việt Nam Cộng Hòa nào ở bất cứ cấp bậc nào và vào bất cứ lúc nào nghĩ rằng họ đang đánh cho Mỹ cả. Chủ yếu do tuyên truyền xuyên tạc - như rêu rao rằng đồng bào miền Nam đang cực kỳ đói khổ và cần được giải cứu - và bưng bít sự thực, chính quyền cộng sản đã đánh lừa được một phần dư luận rằng họ là một lực lượng yêu nước nhưng sự thực không phải như thế. Họ không yêu nước và cũng không gây chiến vì quyền lợi dân tộc. Trái lại.

Ông Cường và các cộng sự viên của ông, ít nhất những người đã viết về giai đoạn cộng sản trong bộ sách này, đã sai phạm nghiêm trọng. Đối với mọi dân tộc những lúc viết, nghĩ, đọc và thảo luận về lịch sử bao giờ cũng là những lúc rất quan trọng. Đó là những lúc chúng ta gặp nhau - dù có thể ở rất xa nhau - để cùng nhìn lại dân tộc mình, để biết chúng ta là ai và tại sao chúng ta lại là chúng ta ngày nay ; nếu các biến cố lịch sử diễn ra một cách khác thì ngày nay chúng ta đã như thế nào ; và tại sao lịch sử lại đã diễn ra như thế. Đó là những lúc chúng ta nhận định căn cước chung, từ đó hiểu mình có thể và nên làm gì. Nhóm biên soạn bộ sách này đã không hiểu được như vậy. Họ không có nhân cách của những người viết sử.

Bộ phim The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) thì tôi chưa coi và sẽ không coi nếu không dư thời giờ vì hai lý do. Lý do thứ nhất là thực ra tôi đã coi phần chính rồi, vì theo các bạn tôi thì bộ phim này lấy lại khá nhiều của bộ phim Vietnam, a history (Việt Nam, một khúc lịch sử) mà tôi đã xem, phần còn lại cũng không khác về sử quan.

Tôi cũng đã hỏi ý kiến anh Lê Mạnh Hùng, tác giả bộ lịch sử Việt Nam mang tên Nhìn Lại Việt Sử, người mà tôi nghĩ xứng đáng được coi là một sử gia chân chính. Anh Hùng cũng cùng một quan điểm : bộ phim này không có giá trị lịch sử, nó được làm cho người Mỹ nên chỉ chủ yếu nói về Mỹ và chỉ lặp lại những thành kiến hời hợt của người Mỹ về Việt Nam, nhất là sự coi thường Việt Nam Cộng Hòa, đồng minh mà họ đã bỏ rơi.

Câu hỏi duy nhất đáng đặt ra với bộ phim này cũng như với phần lớn những gì mà các tác giả Mỹ đã viết về Việt Nam là : tại sao người Mỹ mới chỉ can thiệp vào Việt Nam bên cạnh chế độ Việt Nam Cộng Hòa từ sau năm 1954 mà lại có thể có ngay một thành kiến khinh thường đối với chế độ này trong khi bình thường thì người ta chỉ có thể có một thành kiến sau một thời gian dài ?

Thành kiến này chính tôi cũng nhận thấy rất rõ. Giải thích của tôi sau một thời gian tìm hiểu là người Mỹ đến Việt Nam với hy vọng tìm được những đồng minh ít nhiều có khả năng và ý chí ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản nhưng họ đã nhanh chóng thất vọng. Những người lãnh đạo các chính quyền kế tiếp nhau đối tác với họ chỉ là những cá nhân rời rạc với tham vọng cá nhân, không có đội ngũ, không có khả năng chính trị, không có ý chí, và cũng không yêu nước. Thất vọng đã quá lớn và đã có tác dụng của một cú sốc mạnh khiến sự khinh thường của họ đối với Việt Nam Cộng Hòa đã nhanh chóng trở thành một thành kiến.

yeunuoc2

Yêu nước là không im lặng thụ động trước những xúc phạm hoặc bất công - Ảnh Mai V. Pham

Cả bộ sử và bộ phim này đều chất vấn chúng ta về cùng một vấn đề : lòng yêu nước của người Việt Nam như thế nào ?

Trước hết phải hiểu lòng yêu nước là gì. Đó là một câu hỏi then chốt mà một cách kỳ lạ ít có người Việt Nam nào đặt ra và cố gắng trả lời một cách thành thật.

Như mọi tình cảm, lòng yêu nước không thể định nghĩa một cách chính xác bằng ngôn ngữ thông thường nhưng mọi người đều có thể cảm nhận những thể hiện cụ thể của nó. Đó là yêu đồng bào mình như những người anh em bình đẳng, là muốn chia sẻ cuộc sống và những nỗi vui buồn với họ, là không im lặng thụ động trước những xúc phạm hoặc bất công mà họ là nạn nhân, là phấn đấu để xã hội ngày càng tự do hơn, công bình hơn, liên đới hơn, lương thiện và thân thiện hơn, để đất nước ngày một giầu mạnh hơn, đẹp hơn, sạch hơn và được thế giới kính trọng hơn.

Cụ thể trong lúc này là tham gia cuộc vận động dân chủ, lên tiếng bênh vực dân oan, chống lại các vụ bắt người tùy tiện và các vụ xử án thô bạo, chống tham nhũng, chống sự lệ thuộc Trung Quốc, chống các nhà máy nhiệt điện than, chống lại điều 4 hiến pháp và các điều 79, 88, 158 của bộ luật hình sự dù phải trả giá cho lập trường của mình. Trước hết là phải từ chối mọi ân sủng của chế độ này. Như vậy có bao nhiêu người Việt Nam thực sự yêu nước ?

Trở lại quá khứ.

Lòng yêu nước hầu như vắng mặt trong giới cầm quyền của chế độ Việt Nam Cộng Hòa (và Quốc Gia Việt Nam trước đó). Yêu nước chưa bao giờ là một tiêu chuẩn để chọn lựa những người trách nhiệm. Tệ hơn nữa nó còn là một trở ngại, gây ngờ vực và dị ứng cho cấp trên, bởi vì như vậy là "làm chính trị" và mẫu người tốt của chế độ Việt Nam Cộng Hòa là những người không làm chính trị. Tiêu chuẩn thăng tiến trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, kể cả trong những chức vụ rất quan trọng, là bằng cấp, là sự quen biết và trong rất nhiều trường hợp địa phương.

Trong những phát biểu riêng nhiều quan chức quan trọng còn tỏ ra có cảm tình với các ông Nguyên Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát, chủ tịch và thủ tướng Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam - một hư cấu do Đảng cộng sản lập ra trong mục đích tuyên truyền - vì "dù sao họ cũng là người miền Nam".

Việt Nam Cộng Hòa chỉ là một bộ máy điều khiển bởi những con người không thành đội ngũ, không hiểu biết về chính trị, cũng không yêu nước và chỉ có những mục tiêu cá nhân. Một chế độ như vậy trách gì người Mỹ khinh thường ngay khi mới tiếp xúc và làm sao có thể chống trả được với cuộc tiến công của miền Bắc ?

Một điều cần được nói ra là dù sao chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũng đã là một không gian tự do hơn hẳn miền Bắc và không gian tự do này đã dần dần tạo ra một lớp người trẻ có khả năng và có ý thức quốc gia thực sự, nhưng họ chưa nắm được vai trò quyết định thì lịch sử đã sang trang.

Còn miền Bắc xã hội chủ nghĩa ?

Tôi đã có một cuộc thảo luân khá dài qua điện thoại với cố trung tướng Trần Độ. Ông Trần Độ không vui khi tôi viết trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn rằng những người cộng sản không yêu nước như họ mạo nhận. Tôi đã trả lời ông rằng yêu nước trước hết là yêu đồng bào mình. Khi người ta có thể tàn sát hoặc đầy đọa những người Việt chỉ vì thành phần xã hội của họ hay vì họ không chấp nhận Đảng cộng sản và chủ nghĩa cộng sản là người ta không yêu nước. Đối với tôi, Đảng cộng sản Việt Nam chắc chắn không phải là một đảng yêu nước, ông Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo cộng sản cũng không phải là những người yêu nước, bởi vì họ đã cố tình gây ra một cuộc nội chiến làm đất nước Việt Nam bị tàn phá và hàng triệu người Việt Nam thiệt mạng chỉ để mở rộng quyền lực của họ và ảnh hưởng của phong trào cộng sản quốc tế. Trần Độ quả quyết rằng nhiều người chiến đấu trong hàng ngũ cộng sản không hề biết gì về chủ nghĩa cộng sản, họ chỉ biết đất nước Việt Nam thôi. Tôi đã trả lời rằng một số nhỏ những người đó đã lầm lẫn, còn tuyệt đại đa số đã bị bắt buộc và sợ chứ không ai hành động vì lòng yêu nước cả, họ nói là đã hành động vì lòng yêu nước chỉ vì họ không có ngay cả can đảm để nhìn nhận sự hèn nhát của mình. Trần Độ không đồng ý nhưng chắc ông cũng phần nào chia sẻ quan điểm của tôi, bởi vì sau đó chính ông đã là người đầu tiên nhờ những người thân quen phổ biến cuốn Tổ Quốc Ăn Năn ở trong nước. Ít lâu sau ông nhờ người đem sang cho tôi một bài ông vừa viết với tựa đề "Tâm đắc Hồ Chí Minh" để hỏi ý kiến. Tôi gọi điện thoại cho ông và nói rằng ông đã sai lầm khi đề cao ông Hồ Chí Minh. Ông Hồ Chí Minh không có văn hóa, cũng chẳng có đạo đức và càng không phải là một người yêu nước. Chúng tôi nói chuyện khá lâu rồi Trần Độ kết luận "ừ, thế thì thôi !" và không phổ biến bài này mà ông đã bỏ cả tháng trời để viết.

Trong cả miền Nam cộng hòa lẫn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, lòng yêu nước đều rất mờ nhạt vì lòng yêu nước của người Việt Nam nói chung, cả miền Bắc lẫn miền Nam, rất yếu. Nếu người người Việt Nam thực sự yêu nước thì vào năm 1945 đảng được ủng hộ nhiều nhất đã không phải là Đảng cộng sản, một đảng theo đuổi một chủ nghĩa mà mục tiêu sau cùng là xóa bỏ các quốc gia. Cuộc nội chiến ba mươi năm 1945-1975 cũng đã chỉ xảy ra và kết thúc với thắng lợi của Đảng cộng sản vì sự thiếu vắng của lòng yêu nước. Những kẻ gây ra nội chiến giết đồng bào mình và tàn phá đất nước mình vì một ý thức hệ không bao giờ là những người yêu nước.

yeunuoc3

Yêu nước trong lúc này là tham gia cuộc vận động dân chủ, chống lại điều 4 hiến pháp và các điều 79, 88, 158 của bộ luật hình sự dù phải trả giá cho lập trường của mình.

Còn hiện nay ?

Chế độ cộng sản này dù đã thất bại trong tất cả mọi địa hạt và trên tất cả mọi phương diện vẫn còn đó mà không gặp một phản ứng đáng kể nào cũng vì chúng ta thiếu lòng yêu nước. Mỗi lần nói chuyện về đất nước với nhiều người trong nước cũng như ngoài nước, tôi có cảm tưởng như mình làm phiền lòng họ. Nhiều người thản nhiên nói rằng họ không quan tâm tới đất nước Việt Nam nữa. Đáng buồn nhưng không đáng ngạc nhiên.

Lòng yêu nước chỉ có thể mạnh khi người dân cảm thấy họ làm chủ vận mệnh đất nước, nghĩa là trong những quốc gia dân chủ, nhưng trong suốt dòng lịch sử dài của chúng ta dân chủ đã chỉ ló dạng một cách yếu ớt tại miền Nam rồi tắt lịm luôn. Nếu có một điều mà chúng ta cần biết nhất thì đó là một dân tộc không yêu nước chỉ có thể đi từ tai họa này tới thảm kịch khác. Đó là bài học của mọi dân tộc nhưng là bài học lịch sử cay đắng và đáng nhớ nhất của dân tộc ta trong non một thế kỷ qua.

Như đã nói ở phần trên, lòng yêu nước là một tình cảm và do đó không thể định nghĩa. Nhưng cũng chính vì nó là một tình cảm nên bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được nếu thành thực tự hỏi mình có thực sự yêu nước không.

Câu hỏi này nên và cần được đặt ra, vì dù trả lời thế nào người ta cũng sẽ nhìn rõ hơn và ứng xử đúng hơn sau đó. Trong cuộc vận động dân chủ hiện nay nếu thực sự yêu nước người ta tự nhiên sẽ hiểu mình phải làm gì và làm như thế nào. Và tìm đến với những ai.

Nguyễn Gia Kiểng

(06/11/2017)

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng
Published in Quan điểm