Khi những dòng này được viết thì một trong những người anh em, chí hữu của chúng tôi, của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Trần Khắc Đức đang ở trong tù. Cậu ấy sẵn sàng trả giá cho lý tưởng mà cậu ấy tin tưởng.
Trần Khắc Đức - Ảnh minh họa
Trần Khắc Đức là một thành viên của chúng tôi nhưng cũng là một người con của đất nước Việt Nam. Mỗi người dù ít hay nhiều đều có lòng yêu nước của riêng mình. Nhưng giữa việc chỉ có tình cảm ở trong tim và dám dấn thân cho những lý tưởng cao đẹp và bất chấp hiểm nguy cho bản thân thì không có nhiều người có thể làm.
Trần Khắc Đức dấn thân cho lý tưởng nào ?
Cậu ấy và những anh em trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mong một nước Việt Nam trong tương lai có dân chủ và tự do, nhân quyền và phẩm giá của mọi người được tôn trọng, mọi người đều có quyền nói lên ý kiến của mình, mọi khuynh hướng chính trị đều có chỗ đứng trong sinh hoạt chính trị của quốc gia. Nhưng Trần Khắc Đức đã bị chế độ cộng sản Việt Nam tống giam vì mục đích của họ là duy trì sự độc tôn quyền lực và không chấp nhận những tư tưởng đối lập.
Trước khi đi sâu hơn vào câu chuyện của Đức. Chúng ta hãy làm rõ những tư tưởng nền tảng của Đức và cũng là của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
Bất bạo động
Trong suốt lịch sử nhân loại, bạo lực luôn là cách giải quyết mọi vấn đề. Từ những cuộc chinh phạt mở rộng lãnh thổ và những cuộc chiến chống ngoại xâm, cho đến những cuộc cách mạng để đổi đời đều là những trang sử thấm đẫm máu và nước mắt.
Bạo lực mà hình thức thể hiện cao nhất của nó là chiến tranh đã là một hằng số của lịch sử nhân loại. Đã có bao nhiêu cuộc chiến, các cuộc chiến đó đã ngốn bao nhiêu sinh mạng ? Không ai, không một nhà sử học nào có thể thống kê được. Nhưng có một điều chắc chắn, thế kỷ 20 vừa qua đã là thế kỷ đẫm máu và đau thương nhất của lịch sử nhân loại. Hàng trăm triệu người đã chết bởi hai cuộc đại thế chiến, bởi những cuộc đàn áp chính trị, bởi những nạn đói. Nhân loại đã phải trả giá quá nhiều cho sự bất dung, tham vọng quyền lực và lãnh thổ. Bước sang thế kỷ 21, gần như toàn bộ nhân loại đã có một đồng thuận chung là những giá trị phổ quát và quan trọng nhất là : hòa bình, dân chủ, tự do và nhân quyền phải được tôn trọng. Mọi tranh chấp giữa các quốc gia phải được giải quyết bằng đối thoại và không sử dụng vũ lực. Nhưng có một khoảng cách giữa nhận thức và thực tế, giữa những mong ước chung của nhân loại và những tham vọng của các chế độ độc tài.
Hiện nay trên thế giới rất nhiều nước đã dân chủ, tự do và nhân quyền được tôn trọng. Nhưng vẫn còn những chế độ độc tài với tham vọng giữ chế độ, chiếm đất nước làm của riêng họ. Đáng buồn, Việt Nam của chúng ta là một số những chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới.
Để có được quyền lực như ngày hôm nay, chế độ cộng sản Việt Nam dùng học thuyết Marx-Lenin, một chủ thuyết đã bị bác bỏ ngay từ cuối thế kỷ 19 tại chính quê hương của nó là nước Đức, kêu gọi nội chiến dưới những khẩu hiệu "đấu tranh giai cấp", giải phóng dân tộc".
Trong suốt thế kỷ 20, Việt Nam là một trong số ít những nước trên thế giới xảy ra chiến tranh liên miên, cả nội chiến lẫn ngoại xâm. Để rồi sau hàng chục năm chiến tranh với biết bao xương máu là sự lên ngôi của một chế độ độc tài lấy chủ thuyết cộng sản làm căn bản, tiếp tục giam hãm dân tộc Việt Nam trong nghèo nàn và lạc hậu.
Từ những kinh nghiệm đau thương của nhân loại và của chính Việt Nam, anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nhận thấy bạo lực phải dứt khoát bị từ chối. Trong sinh hoạt chính trị của một quốc gia, bất bạo động phải là kim chỉ nam hướng dẫn mọi hành động để không gây ra những thù hằn và đổ vỡ cho đất nước, cho mọi người, cho tất cả những bên có chính kiến khác biệt.
Bất bạo động để các bên còn có cơ hội nói chuyện với nhau bằng lời nói chứ không phải bằng vũ khí. Bất bạo động đã trở thành công thức chung trong sinh hoạt chính trị của thế giới.
Hòa giải và hòa hợp
Tại sao cần hòa giải và hòa hợp ? Vì sau những cuộc xung đột là sự hận thù giữa các cá nhân, giữa các quốc gia và những người trong cùng một quốc gia.
Hận thù cản trở con người sống chung với nhau và tiềm ẩn những xung đột trong tương lai. Chúng ta cần phải hòa giải để hàn gắn lại những đổ vỡ để còn có thể tiếp tục chung sống với nhau và còn để có được hòa bình trong tương lai. Chỉ có hòa giải một cách thành thật mới có thể hóa giải được hận thù. Sau khi hòa giải thì mới có thể có hòa hợp, nhưng hòa hợp sẽ cần nhiều thời gian và thử thách.
Hòa giải để không còn thù ghét nhau là một chuyện, nhưng để quý mến nhau và tiến tới hòa hợp còn khó khăn hơn bội phần vì nó đòi hỏi sự tương hợp ở nhiều khía cạnh. Từ đó chúng ta mới thể thấy được việc duy trì những giá trị tốt đẹp luôn khó hơn bội phần so với việc phá hủy chúng bằng bạo lực.
Tại sao Việt Nam chúng ta cần hòa giải và hòa hợp ? Trong suốt dòng lịch sử của mình. Đất nước và con người Việt Nam đã trải qua rất nhiều cuộc chiến. Trái với sự tuyên truyền của chế độ cộng sản và suy nghĩ của nhiều người Việt. Trong suốt dòng lịch sử của Việt Nam, đất nước chúng ta đã xảy ra rất nhiều cuộc nội chiến, trả thù báo oán, tận diệt đối phương là những cách thức thường xuyên được sử dụng để các triều đại sau chiếm lấy quyền lực từ triều đại trước.
Thử lấy một ví dụ : hiện nay còn lại bao nhiêu mộ phần của vua chúa các triều đại đã mở nước và dựng nước ? Trừ những lăng tẫm của triều Nguyễn do thực dân Pháp cố tình bảo vệ, vì đó là truyền thống của các quốc gia phương Tây, có nhà khảo cổ nào tìm được lăng mộ các vị vua quan dưới thời các triều Đinh Lê Lý Trần ? Đó là chưa nói đến mộ bia của những vua quan thời Quang Trung Nguyễn Huệ. Gần đây hơn, sau khi tiến chiếm miền Nam, chính chế độ cộng sản Hà Nội đã cho đập phá Nghĩa Trang Mạc Dỉnh Chi, nơi chôn cất những quan chức Việt Nam Cộng Hòa. Và gần nhất là hiện nay đang có phong trào chất vấn công trạng của những quan lại cũ miền Nam như Phan Thanh Giãn hay Petrus Ký. Để làm gì nêu không phải là do thù hận, muốn xóa bỏ ký ức của những người không xuất thân từ ý thứ hệ cộng sản ?
Hòa giải và đối thoại chưa bao giờ là tinh thần chủ đạo của người Việt để giải quyết bất đồng chứ chưa nói đến hòa hợp. Kể cả một người bình thường ngày nay cũng có thể dễ dàng nhận ra sự chia rẽ của người Việt dưới đủ mọi hình thức: mâu thuẫn Nam-Bắc, mâu thuẫn giàu nghèo, dân tỉnh này ghét dân tỉnh khác, giữa người Việt trong nước và người Việt nước ngoài. Sự hiềm khích thậm chí đã đi vào cả ngôn từ của người Việt. Không thiếu những câu thơ hay những từ ngữ để phân biệt và xúc phạm nhau có thể dễ dàng tìm thấy trong những cuộc nói chuyện thường ngày.
Với một nền tảng lịch sử nhiều chia rẽ như vậy, nhiệm vụ của mọi chính quyền lên cầm quyền ở Việt Nam phải là thực thi hòa giải - hòa hợp một cách kiên quyết và thành thực. Nhưng Đảng cộng sản Việt Nam lấy tư tưởng Marx-Lenin với học thuyết đấu tranh giai cấp, hướng tới tiêu diệt tầng lớp giàu có hơn của xã hội, đã tạo một cuộc nội chiến ý thức hệ tàn khốc làm hàng triệu người Việt Nam chết trong thế kỷ 20, hàng trăm ngàn người Việt bỏ nước ra đi, để lại một đất nước hoang tàn và kiệt quệ trong khi cùng thời điểm đó thì nhiều nước Châu Á khác đã vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Ngày nay, với vị trí một địa lý thuận lợi trong khu vực cả với thế giới, với một dân số 100 triệu người, chúng ta vẫn chỉ là một đất nước không đáng kể trên thế giới. Tốn bao nhiêu xương máu, thời gian để đổi lại được gì ? Một đất nước nghèo nàn và tụt hậu, không xứng đáng với những gì nó đáng phải có. Việt Nam là một trong những đất nước cần hòa giải và hòa hợp nhất trên thế giới.
Đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra biết bao nhiêu thù hận và tàn phá cho đất nước, họ là hiện thân của một quá khứ đáng buồn phải quên đi. Di sản mà chế độ cộng sản Việt Nam có thể để lại là sự bất dung, hiềm khích, chia rẽ giữa người Việt Nam với nhau. Mọi người dân Việt Nam phải quyết tâm thay đổi và khướt từ chế độ bất bao dung và chủ trương cai trị bằng thù hận nếu còn muốn Việt Nam vẫn là một quốc gia thống nhất và còn có cơ hội để vươn lên.
Đối mặt với hiểm nguy, Đức vẫn chấp nhận vì muốn xây dựng chung một giấc mơ Việt Nam.
Trần Khắc Đức, một trí thức mới
Tại sao tôi lại gọi Đức là một trí thức mới ? Trong suốt dòng lịch sử của Việt Nam chúng ta, khái niệm trí thức thực ra là rất mới.
Trước đây, do ảnh hưởng từ truyền thống Khổng giáo, xã hội Việt Nam chỉ trọng vọng giới sĩ phu khoa bảng, những biết độc và biết viết để tham gia các kỳ thi do triều đình tổ chức để mong được đỗ đạt làm quan phục vụ triều đình và đem lại vinh hoa phú quý cho bản thân và gia đình. Chỉ từ khi người Pháp cai trị Việt Nam, với nền tây học được mang vào xứ sở này thì mới có khái niệm trí thức ở Việt Nam. Nhưng các trí thức tây học mới vẫn chỉ giống như giới khoa bảng cha ông họ ngày trước. Ngày xưa giới khoa bảng học để ra làm quan thì nay các trí thức tây học mới học để ra để tìm việc có lương bỗng khấm khá hơn hay để làm công chức. Ưu tư về đất nước chưa bao giờ là chủ đạo trong những mong ước của họ.
Vậy thì như thế nào mới thật sự là một trí thức ? Thực ra khái niệm trí thức mới được khai sinh ở Pháp với ý nghĩa là những người có hiểu biết và phải có quan tâm đến chính trị. Ngay trong từ trí thức cũng thể hiện điều đó : trí là trí tuệ, thức là nhận thức.
Quay về Trần Khắc Đức. Đức là một người con hiếm có của đất nước Việt Nam. Chắc chắn Đức là một trí thức, một trí thức thực sự. Một người trẻ tuổi, có kiến thức, có ưu tư lớn với đất nước. Hơn thế nữa, Đức còn có sự dũng cảm.
Vì kiên định với lập trường dân chủ, hòa giải và hòa hợp mà Đức đã bị chế độ cộng sản Việt Nam bắt giam. Đối mặt với hiểm nguy, Đức vẫn chấp nhận vì muốn xây dựng chung một giấc mơ Việt Nam.
Đất nước Việt Nam rất cần những người như Trần Khắc Đức, kiên trì với lập trường bất bạo động, hòa giải và hòa giải để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, đa nguyên trong tương lai nơi mọi người, bất chấp xuất thân, xu hướng chính trị được sống, được tôn trọng, được hưởng những quyền mà con người phải có.
Bắt giam một con người như vậy là hủy diệt trí tuệ và lương tâm của một dân tộc. Những con người như Đức và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà Đức tham gia là đại diện cho những trí thức mới của Việt Nam, những người đã và đang cố gắng hết sức để mở ra một chương mới : kỷ nguyên dân chủ, tự do và đa nguyên cho Việt Nam.
Đó chắc chắn là một kỷ nguyên, một tương lai tốt đẹp cho mọi người Việt Nam, và có lẽ cũng chính là mong muốn của những đảng viên cộng sản.
Việt Thịnh
(01/12/2024)