Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 29 mars 2017 09:20

Không phải chỉ vì lo xa

Bàn về thể chế tổng thống hay đại nghị lúc này có lạc lõng không, khi mà chế độ cộng sản vẫn còn đó và đang gia tăng đàn áp, trong khi không khí, biển, sông và thực phẩm nhiễm độc ?

loxa1 - Copie

Chế độ tổng thống dựa trên niềm tin rằng có những vĩ nhân vượt trội đáng được giao toàn quyền lãnh đạo quốc gia…

Nguy cơ nhỏ nhưng có thực. Không thể loại trừ khả năng thế giới sắp trải qua một cơn ác mộng. Donald Trump bỏ rơi Đài Loan cho Trung Quốc, Mỹ tự cô lập sau khi xung khắc với Châu Âu và Châu Mỹ La Tinh. Liên Hiệp Châu Âu tê liệt, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm của lực luợng Hồi Giáo chống dân chủ, v.v. Tất cả, rất may, chỉ có một triển vọng thấp sẽ xảy ra nhưng tất cả đều có thể xẩy ra. Và điều đáng giận là chúng có thể xẩy ra. Vì đâu ?

Nước Pháp đang trong giai đoạn sôi nổi của cuộc bầu cử tổng thống. Cả hai đảng Xã Hội và Cộng Hòa - đã thay nhau cầm quyền trong gần một trăm năm qua và dù sao cũng đã giữ được cho nước Pháp địa vị cường quốc thứ năm trên thế giới - gần như chắc chắn sẽ không chỉ thất bại mà còn bị xóa bỏ luôn. Pháp sẽ trải qua một giai đoạn bất ổn chính trị và khiến Liên Hiệp Châu Âu còn rệu rã hơn nữa trong khi đang chao đảo sau khi nước Anh rút ra. Thoạt nhìn, mỗi đảng khủng hoảng vì một lý do khác nhau.

Bên cánh tả, Đảng Xã Hội tan nát vì chia rẽ. Manuel Valls, cựu thủ tướng và được đánh giá cao, đã thất bại trước Benoit Hamon, một người không có tài cũng chẳng hùng biện, trong cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên tổng thống cho đảng và tuyên bố sẽ không ủng hộ Hamon. Một cuộc tranh luận nổ ra : Hamon cáo buộc Valls là bội ước vì đã không tôn trọng luật chơi theo đó mỗi ứng cử viên mặc nhiên chấp nhận ủng hộ người thắng cử, ngược lại Valls lý luận rằng ông không thể ủng hộ Hamon vì chương trình của Hamon quá cực đoan và trái ngược với những niềm tin nền tảng của ông.

loxa2

Đảng Xã Hội không còn là một chính đảng đúng nghĩa nữa, mỗi người đề nghị một chương trình chính trị riêng và các chương trình chính trị này có thể trái ngược hẳn với nhau như trong trường hợp Hamon (trái) và Valls (phải)

Trong một cuộc thảo luận của anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên Paris, một nửa bênh vực Valls nửa kia bênh vực Hamon nhưng tất cả đều cho rằng cả hai đều có lý. Tại sao hai lập trường hoàn toàn đối chọi nhau lại có thể đều đúng ?

Đó là vì Đảng Xã Hội không còn là một chính đảng đúng nghĩa nữa mà chỉ còn là một hư cấu. Các đảng viên không có đồng thuận trên một dự án chính trị chung, mỗi người đề nghị một chương trình chính trị riêng và các chương trình chính trị này có thể trái ngược hẳn với nhau như trong trường hợp Valls và Hamon. Ngoài Valls và Hamon còn năm ứng cử viên khác.

Đây là một hậu quả tự nhiên của chế độ tổng thống trong đó người dân bầu để trao quyền lãnh đạo quốc gia cho một người chứ không phải cho một chính đảng. Các chính đảng chỉ có thể chọn để phục tùng và ủng hộ một người chứ không thể quyết định các chính sách và do đó không cần có dự án chính trị, rồi dần dần trở thành vô nghĩa. Tình trạng này không thể xẩy ra trong một chế độ dân chủ đại nghị trong đó vị nguyên thủ hành pháp, thủ tướng, do quốc hội bầu ra, phải là lãnh tụ của đảng hoặc liên minh có đa số trong quốc hội với sứ mệnh thực hiện dự án chính trị của đảng hoặc liên minh. Mặt khác, trừ một vài ngoại lệ rất hiếm hoi, các dân biểu trong một chế độ đại nghị cũng chỉ có hy vọng được bầu nếu được đề cử bởi một chính đảng có uy tín.

Bên cánh hữu ôn hòa, vấn đề của Đảng Cộng Hòa lại chỉ giản dị là vấn đề của một cá nhân. Sau khi được chỉ định làm ứng cử viên tổng thống của đảng qua bầu cử sơ bộ, François Fillon coi như chắc chắn sẽ trở thành tổng thống tương lai của Pháp, nhưng sự chắc chắn này đã tiêu tan nhanh chóng khi Fillon bị tố giác là đã có những lạm dụng chức vụ để làm giầu. Hy vọng đắc cử của Fillon giờ này, không đầy một tháng trước ngày bầu cử, gần như là số không và Đảng Cộng Hòa sẽ tan rã sau đó. Đảng Cộng Hòa đã nhìn thấy khá sớm tai họa nhưng đã không thể thay đổi ứng cử viên, vì lý do giản dị là Fillon không chịu rút lui và Đảng Cộng Hòa không có quyền gì trên ông vì ông được chọn qua bầu cử sơ bộ chứ không do đảng chỉ định.

Làm sao một đảng mới cách đây vài tháng đã huy động được gần năm triệu cảm tình viên trong cuộc bầu cử sơ bộ và chắc chắn sẽ thắng lớn lại có thể thất bại, và hơn thế nữa sẽ tan rã chỉ vì một vài chuyện lặt vặt của một người mà mình không chọn lựa ? Sự vô lý đã vượt mọi giới hạn. Đó là sự vô lý của các cuộc bầu cử sơ bộ. Đó là những cuộc bầu cử trong đó một đảng nhờ người ngoài chọn giùm mình lãnh tụ tối cao và sau đó phải chịu đựng chứ không có quyền gì trên người lãnh tụ này. Cần lưu ý là tại Mỹ cũng như tại Pháp các cuộc bầu cử sơ bộ đã chỉ được sử dụng sau khi chế độ tổng thống đã khiến các chính đảng trở thành quá yếu để có thể chỉ định ứng cử viên tổng thống của mình, với hậu quả là chúng còn khiến các chính đảng trở thành vớ vẩn hơn nữa.

Trong một chế độ dân chủ đại nghị vấn đề của Đảng Cộng Hòa đã không thể có. Lãnh tụ do đảng chọn, nếu bị tai tiếng gì ban lãnh đạo đảng có thể thay thế, cuộc bầu cử vẫn tiếp tục bình thường, thiệt hại cho đảng không lớn bởi vì người lãnh tụ cũng chỉ là một trong hàng trăm ứng cử viên vào quốc hội.

Cả hai thảm kịch của hai đảng lớn nhất tại Pháp, cánh tả và cánh hữu, tuy có vẻ khác nhau ngoài mặt nhưng đều có một nguyên nhân sâu xa : chế độ tổng thống.

Thảm kịch có thể không phải chỉ là của hai đảng Cộng Hòa và Xã Hội mà cho cả nước Pháp. Hai người có nhiều khả năng sẽ gặp nhau trong vòng chung kết để trở thành tổng thống Pháp là Emmanuel Macron và Marine Le Pen. Macron là một thanh niên 39 tuổi hầu như chưa có kinh nghiệm gì về chính trị, ngoại trừ gần hai năm làm bộ trưởng kinh tế với thành tích mà chính ông cũng không muốn nhắc lại. Khả năng của Macron là một dấu hỏi lớn. Dấu hỏi lớn hơn nhiều là liệu ông có được một đa số trong quốc hội không ? Có mọi triển vọng là không và như thế Macron sẽ đưa nước Pháp vào một giai đoạn bất ổn. Bất ổn cho nước Pháp và nguy hiểm cho Liên Hiệp Châu Âu, vì Pháp là một trong hai cột trụ của Liên Hiệp. Còn nếu Le Pen đắc cử, một điều rất may khó xảy ra, thì sẽ là một thảm kịch chắc chắn cho cả nước Pháp lẫn Châu Âu. Marine Le Pen phủ nhận các giá trị dân chủ và nhân bản đang là nền tảng của Châu Âu, muốn Pháp rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu để liên kết với chế độ mafia của Putin.

Thắng lợi của Marine Le Pen sẽ là kịch bản đen tối nhất cho Châu Âu trong lúc này, vào giữa lúc mà Châu Âu đang bất ngờ có thêm một kẻ thù mới : chính quyền Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho tới nay vẫn là một đồng minh. Nguyên nhân ở đây cũng là vì chế độ tổng thống.

loxa3

Nếu Erdogan thắng trong cuộc trưng cầu dân ý này và Thổ có thể trở thành một trung tâm của khuynh hướng Hồi Giáo thần quyền trực tiếp đe dọa an ninh Châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ trước đây theo chế độ đại nghị và đã phát triển khá nhanh cả về kinh tế lẫn nhân quyền, với triển vọng trở thành một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Năm 2003 Erdogan, lãnh tụ Đảng Công Lý và Phát Triển (AKP), trở thành thủ tướng sau khi AKP giành được đa số trong quốc hội. Erdogan chuyển dần Thổ Nhĩ Kỳ sang chế độ tổng thống. Từ năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một chế độ bán tổng thống và sắp tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/04/2017 sắp tới để trở thành một chế độ tổng thống thực sự và Erdogan có thể cầm quyền cho tới năm 2034.

Các nước Châu Âu, nơi hơn 3 triệu cử tri Thổ sinh sống, nhìn cuộc trưng cầu dân ý này như một thủ tục để thiết lập một chế độ độc tài và không cho phép các bộ trưởng của Erdogan tới nước họ để vận động. Lập tức Erdogan thóa mạ Châu Âu là phát xít. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu chắc chắn sẽ còn xấu đi hơn nữa nếu Erdogan thắng trong cuộc trưng cầu dân ý này và Thổ có thể trở thành một trung tâm của khuynh hướng Hồi Giáo thần quyền trực tiếp đe dọa an ninh Châu Âu. Thái độ của các chính quyền Châu Âu - có vẻ như một can thiệp vào nội bộ của Thổ nhưng không trái thủ tục quốc tế - chứng tỏ rằng Châu Âu đã ý thức được sự nguy hiểm của chế độ tổng thống.

Có lẽ Châu Âu đã đạt tới ý thức này một cách rõ rệt sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Cho tới nay ít ai nghĩ Mỹ có thể có một tổng thống dở hơn Obama, nhưng Trump đã vượt mọi dự đoán. Chỉ sau hai tháng trong chức vụ, Trump đã thất bại trong hứa hẹn quan trọng nhất của ông là hủy bỏ luật bảo hiểm sức khỏe Obamacare, ông đã tự lố bịch hóa khi huênh hoang ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh công dân của bẩy nước Hồi Giáo để rồi bị các thẩm phán gạt bỏ. Tệ hơn nữa là Trump đã gây tổn thất nặng cho tình hữu nghị anh em giữa Mỹ và Châu Âu, nơi mà hàng chục thế hệ Âu Mỹ đã dày công xây dựng và hơn nửa triệu thanh niên Mỹ đã hy sinh tính mạng trong hai cuộc thế chiến để gìn giữ. Cách mà Trump tiếp thủ tướng Đức Angela Merkel đã rất khiếm nhã dù Đức vừa là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại Châu Âu vừa là quê hương gốc của gần 50% người Mỹ.

Ngay sau khi đắc cử Trump đã nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, tuyên bố không chấp nhận nguyên tắc "chỉ có một nước Trung Hoa" do Bắc Kinh áp đặt và tỏ ra chống Trung Quốc một cách quyết liệt nhưng ngay sau khi lên cầm quyền ông đã đổi ý. Vẫn chỉ có một nước Trung Hoa do Bắc Kinh đại diện, còn cuộc điện đàm thì đó chỉ là vì "bà ấy gọi cho tôi". Đài Loan đang rất lo âu, Trump có thể đánh đổi liên minh Mỹ-Đài Loan lấy một nhượng bộ thương mại.

loxa4

Donald Trump hô khẩu hiệu "Make America Great Again" nhưng đang làm nước Mỹ nhỏ lại

Điều mà Trump đã thực sự làm được là tạo ra hình ảnh một nước Mỹ kỳ thị chủng tộc và hỗ trợ cho quân khủng bố Hồi Giáo mà sức mạnh chính là sự thù hận đối với phương Tây. Trump đang xây bức tường ngăn cách với Mexico nhưng đồng thời cũng đang xây một bức tường vô hình khác cô lập nước Mỹ với thế giới. Ông hô khẩu hiệu Make America Great Again nhưng đang làm nước Mỹ nhỏ lại. Ông chủ trương đặt quyền lợi nước Mỹ lên trên hết nhưng quyền lợi của nước Mỹ trong đầu ông chỉ là quyền lợi kinh tế ngắn hạn. Trong nhất thời ông có thể khiến thị trường chứng khoán và kinh tế Mỹ khá hơn nhưng trong dài hạn hậu quả sẽ ngược lại nếu Trump tiếp tục chính sách mà ông cho là đúng. Trump và những người ủng hộ ông sẽ khám phá ra rằng Hoa Kỳ lệ thuộc thế giới hơn họ tưởng.

Nhìn dài hạn không phải là khả năng của Trump, ông suốt đời hoạt động trong ngành bất động sản và bị điều kiện hóa trong tâm lý thực dụng ngắn hạn. Trong một chế độ dân chủ đại nghị một người như Trump không có một hy vọng nào để lên cầm quyền. Ông là sản phẩm điển hình của chế độ tổng thống.

Nếu nhìn bốn tổng thống gần đây nhất của Hoa Kỳ người ta có thể nhận thấy là họ ngày càng dở đi. Bill Clinton không chỉ dở - chủ trương "chỉ làm kinh tế" economy, stupid của ông đã chặn đứng làn sóng dân chủ thứ ba ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ - mà còn thiếu nhân cách. George W.Bush tuy có nhân cách hơn nhưng còn vụng về hơn Clinton. Barack Obama đã là tổng thống kém nhất trong lịch sử nước Mỹ dưới mắt nhiều người, những sai lầm của ông tại Trung Đông đã góp phần quyết định làm thiệt mạng hơn một nửa triệu người và tạo ra làn sóng di tản đang làm Châu Âu khốn đốn.

Chế độ tổng thống dĩ nhiên là hơn hẳn các chế độ quân chủ, cộng sản và độc tài và đã giúp Hoa Kỳ vươn lên địa vị cường quốc số 1 của thế giới, nhưng nó đã làm yếu dần lý tưởng dân chủ của thời lập quốc, làm yếu dần các chính đảng, làm làm xuống cấp hoạt động chính trị, cuối cùng đồng hóa chính trị với tài chính và trình diễn. Cho tới nay Hoa Kỳ đã liên tục sửa chữa những khuyết điểm của chế độ tổng thống bằng cách giảm bớt vai trò của tổng thống – chỉ cho phép tổng thống tái cử một lần, chuyển nhiều quyền của tổng thống sang quốc hội - nghĩa là chuyển dần sang chế độ đại nghị. Thực tế đang chứng tỏ Hoa Kỳ cần thay đổi nhanh hơn.

Cũng đừng quên tình trạng bi đát của các quốc gia lấy Hoa Kỳ làm mẫu mực và theo chế độ tổng thống. Các nước Châu Mỹ La Tinh với tài nguyên phong phú đã quằn quại trong nghèo khổ và bạo lực dù đã độc lập từ hai thế kỷ nay. Các nước Châu Phi đã không giải quyết được bất cứ một vấn đề nào và đã tích lũy những thất bại trên tất cả mọi địa hạt, dù là nhân mãn, môi trường, kinh tế, y tế hay giáo dục, một số nước đã tan rã trong nội chiến và bạo loạn.

Sai lầm đầu tiên của chế độ tổng thống là đòi hỏi toàn dân bầu trực tiếp một người lãnh đạo và một chính sách. Cách đây 24 thế kỷ, Plato đã cảnh giác là không thể đòi hỏi quần chúng quyết định những vấn đề phức tạp. Nếu thế giới nghe lời Plato thì phong trào cộng sản đã không thể mỵ dân với các khẩu hiệu "chính quyền nhân nhân", "ủy ban nhân dân", "chuyên chính vô sản".

Tật nguyền cơ bản và nghiêm trọng hơn của chế độ tổng thống là nó không nhìn thấy vai trò cốt lõi của các kết hợp chính trị, hay chính đảng. Hợp quần không chỉ gây sức mạnh. Tổ chức chính trị còn tạo ra những khả năng chính trị mà các cá nhân không thể có chứ không phải chỉ làm tính cộng những gì các thành viên có thể làm. Chế độ tổng thống quan niệm quyền lực quốc gia như là sự gặp gỡ trực tiếp giữa một người và một dân tộc và bỏ qua vai trò của các chính đảng. Sai lầm nghiêm trọng vì các chính đảng là lò đào tạo nhân tài chính trị, là nơi các vấn đề quốc gia được suy nghĩ và thảo luận, là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến và cũng là xe chuyên chở các kiến thức chính trị tới quần chúng. Không có các chính đảng thì lòng yêu nước và tinh thần quốc gia không thể cao, trình độ của nhân sự chính trị sẽ thấp xuống cùng với tư tưởng và kiến thức chính trị trong xã hội. Và tới một lúc nào đó sẽ có những tổng thống như Barack Obama và Donald Trump.

Tại những nước chưa có kinh nghiệm dân chủ, như Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi và nhiều nước Châu Á, chế độ tổng thống được coi giải pháp cho sự thiếu vắng các chính đảng, nhưng chính nó lại ngăn cản sự hình thành của các chính đảng. Trong chiều sâu, chế độ tổng thống dựa trên niềm tin rằng có những vĩ nhân vượt trội đáng được giao toàn quyền lãnh đạo quốc gia, nhưng ngày nay khái niệm vĩ nhân đã lỗi thời một cách lố bịch.

loxa5

Chế độ tổng thống dựa trên niềm tin rằng có những vĩ nhân vượt trội đáng được giao toàn quyền lãnh đạo quốc gia, như Rodrigo Duterte của Philippines

Donald Trump, nước Pháp, Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Duterte tại Philippines từ gần một năm nay, sau Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi, đang phơi bày một tình trạng thế giới đầy bất trắc và đáng lo ngại, nhưng đồng thời cũng cho chúng ta một cơ hội quý báu để nhận diện sự nguy hại của chế độ tổng thống.

Do một sự tình cờ của lịch sử, hai nước dân chủ lớn mà chúng ta tiếp xúc nhiều nhất, Mỹ và Pháp, là hai nước theo chế độ tổng thống, vì thế đối với nhiều trí thức Việt Nam dân chủ gần như đồng nghĩa với chế độ tổng thống. Chúng ta còn nhớ bản dự thảo hiến pháp của 72 nhân sĩ trong dịp đóng góp ý kiến cho hiến pháp 2013. Đó là một ngộ nhận lớn và tai hại vì cả Mỹ lẫn Pháp đang chật vật tìm cách thay đổi chế độ. Mặt khác là chúng ta chưa có những chính đảng có tầm vóc và vì thế lại càng dễ bị cám dỗ coi chế độ tổng thống như một giải pháp tiện lợi nhất cho giai đoạn hậu cộng sản. Nhưng đó cũng sẽ là một sai lầm lớn. Chúng ta phải loại bỏ chế độ này một cách dứt khoát và ngay từ bây giờ.

Tại sao ngay bây giờ ?

loxa6

Trong một chế độ dân chủ đại nghị, như tại Đức, vị nguyên thủ hành pháp, thủ tướng, do quốc hội bầu ra, phải là lãnh tụ của đảng hoặc liên minh có đa số trong quốc hội, với sứ mệnh thực hiện dự án chính trị của đảng hoặc liên minh.

Một người bạn hỏi tôi : "Bàn về thể chế tổng thống hay đại nghị lúc này có lạc lõng không, khi mà chế độ cộng sản vẫn còn đó và đang gia tăng đàn áp, trong khi không khí, biển, sông và thực phẩm nhiễm độc" ?

Không phải chỉ vì chúng ta lo xa, sợ làm hỏng giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ một khi chế độ cộng sản cáo chung, dù đó là một quan tâm rất chính đáng, bởi vì cuộc hành trình về dân chủ đã và sẽ còn rất cam go, chúng ta không có quyền gây thất vọng sau đó.

Không phải chỉ có thế. Vấn đề trước mắt là nếu chúng ta không loại trừ được cái "phản xạ tổng thống" này ra khỏi trí óc chúng ta thì chúng ta cũng khó có cơ hội để chuyển tiếp về dân chủ. Phản xạ này khiến chúng ta không nỗ lực xây dựng tổ chức, trong khi chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi cho dân chủ nếu có được một hay một vài tổ chức dân chủ mạnh. Nó khiến người ta hoặc nuôi mộng làm lãnh tụ hoặc đi tìm một lãnh tụ để phò thay vì đóng góp xây dựng một tổ chức dân chủ. Hậu quả của nó là một phong trào dân chủ rời rạc và nhốn nháo với những người cố nhẩy lên cho cao hơn người khác nhưng cũng không cao hơn mặt đất bao nhiêu.

Bỏ được phản xạ đó chúng ta sẽ dễ nhìn thấy một giải pháp khác, bắt buộc, là xây dựng tổ chức dân chủ. Mỗi người sẽ không còn cố gắng nhẩy cao hơn người khác trong một môi trường dân chủ nhốn nháo. Chúng ta sẽ cùng nhau góp sức xây dựng một tháp dân chủ rồi cùng nhau lên cao. Để khám phá ra sự cao cả thực sự, và thành công.

Nguyễn Gia Kiểng

(28/03/2017)

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng
Published in Quan điểm