Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nước Hà Nội nhiễm bẩn và trách nhiệm của chính quyền (BBC, 17/10/2019)

Hàng trăm ngàn người dân đang sinh sống tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đang lo lắng bởi nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn.

nuoc1

Nhiều người dân Hà Nội xách thùng đi lấy nước sạch trong nhiều ngày qua

Một nhà bình luận thời sự, Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội nhận định rằng, qua vụ việc này, vấn đề giao cho tư nhân kinh doanh những lĩnh vực có tính chất độc quyền, cho thấy 'lỗi hệ thống' trong tư duy quản trị đất nước.

Nguồn nước nói trên do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cung cấp. Công ty này quản lý Nhà máy Nước sạch Sông Đà.

Do công ty không báo ?

Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc tối 15/10 chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền Thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà khắc phục sự cố ; đồng thời, có giải pháp bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm.

Công văn cũng yêu cầu, Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm nói trên.

Trước đó cùng ngày, hơn 1 tuần sau khi nước sạch sinh hoạt có mùi lạ, UBND Thành phố Hà Nội mới chính thức lên tiếng, công bố các kết quả xét nghiệm nước.

Báo Lao động dẫn lời ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy, các mẫu đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần.

Sáng 15/10, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, phân trần trong cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 Thành phố Hà Nội rằng, "Nhà máy nước sông Đà phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền, không có hành động để ngăn chặn, do đó dầu chảy vào nhà máy", theo báo Người lao động.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, từ Hà Nội, nói với BBC News Tiếng Việt hôm 16/10 rằng, bên cạnh việc phải xử lý hình sự những người đổ dầu trộm vào đầu nguồn nước sông Đà, thì việc nhà nước thả cho một công ty hoạt động trong một lĩnh vực độc quyền mà thiếu giám sát, trước hết là lỗi của nhà nước.

nuoc2

Các cửa tiệm tạp hóa 'cháy hàng' nước lọc

Ông A nói :

"Tôi nghĩ, lỗi chính trong chuyện này là về mặt nhà nước, về mặt chính quyền. Một mặt là chính quyền không giám sát chặt chẽ. Nếu họ phân biệt rõ ràng, những công ty cung cấp nước sạch kinh doanh trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên và ảnh hưởng đến rất đông người, nhà nước phải kiểm soát rất chặt và đôi khi chính quyền có thể sở hữu luôn các công ty công ích này.

Việc giao chúng cho tư nhân làm là vô trách nhiệm và chắc chắn sẽ dẫn đến tai họa. Tôi cảnh báo rằng, những chuyện như ô nhiễm nước hay vỡ đường ống nước sẽ còn xảy ra nữa, bởi một công ty hoạt động chạy theo lợi nhuận, trong một lĩnh vực độc quyền, thì họ sẽ có những động lực lợi ích hoàn toàn khác với mục tiêu của công ty công ích".

Lỗi hệ thống ?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A phân tích rằng : "Điều rất đáng tiếc là ở Việt Nam, những công ty hoạt động công ích người "cổ phần hóa" mà thực chất là tư nhân hóa. Thực sự những gì có tính chất độc quyền thì người ta viện vào cớ là bây giờ nhà nước không còn tiền để đầu tư nữa, ngân sách đang khó, nên phải huy động nguồn vốn của dân, của doanh nghiệp để làm.

Theo ông, việc trao cho tư nhân kinh doanh trong những lĩnh vực độc quyền mà thiếu giám sát chặt chẽ cũng là một kiểu tham nhũng.

Ông nói rằng :

"Những vụ tham nhũng trong quá trình chuyển tài sản công thành tài sản tư, ví dụ như vụ 'bán' Cảng Quy Nhơn vừa rồi thì thực ra dễ nhìn thấy hơn. Của nhà nước trị giá tới 1000 mà họ bán cho tư nhân chỉ có 100 ; hay ngược lại, ở vụ AVG, của tư nhân chỉ đáng giá chẳng hạn có 100 thì mua tới 1000. Kiểu tham nhũng đó dễ phát hiện. Còn việc trao những hoạt động độc quyền cho một nhóm người thì tinh vi hơn, vì nó hoàn toàn hợp pháp".

"Điều quan trọng nhất là trong tư duy của lãnh đạo chính quyền cho đến tận những người chop bu của đất nước này là họ không phân biệt rõ, khu vực nào cơ chế thị trường hoạt động hiệu quả, nơi nào cơ chế thị trường không hoạt động tốt và nhà nước phải giám sát chặt chẽ. Nguyên nhân chính nằm ở đó". Tiến sĩ Nguyễn Quang A bình luận thêm.

Ông cũng nói rằng, đây là "lỗi hệ thống trong tư duy quản trị đất nước của cả Đảng Cộng sản Việt Nam và cả chính phủ này. Nếu người ta biết, cái nào nhà nước phải làm thì dứt khoát làm cho tốt ; cái nào có thể để tư nhân làm hiệu quả hơn thì để tư nhân làm, nhà nước chỉ giám sát thôi. Tiếc là [ở Việt Nam], nhà nước cứ lao vào làm những việc không phải của nhà nước, những việc mà giao cho tư nhân làm thì hiệu quả hơn, còn những việc đáng lẽ nhà nước phải làm thì lại giao cho tư nhân. Tư duy cứ lộn đầu lộn đuôi như thế".

Nước nguồn sông Đà cấp cho khu vực nào ?

Báo Lao động dẫn Kế hoạch đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè năm 2019 do UBND Thành phố Hà Nội ban hành từ tháng 7 vừa qua, thì Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 1 có tổng công suất là 300.000 m3/ngày đêm, có thể nâng công suất lên 330.000 m3/ngày đêm.

Với lưu lượng hiện nay, nhà máy này cấp nước cho Hà Nội trung bình khoảng 250.000 - 260.000 m3/ngày đêm.

Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà đang cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận : Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà từng dính rất nhiều sự cố vỡ đường ống nước.

Năm 2018, có chín bị cáo liên quan đến các vụ vỡ đường ống nước lãnh án  với tội danh"Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

*****************

Sự cố mùi lạ và câu hỏi nguồn gốc Công ty nước sạch Sông Đà (BBC, 16/10/2019)

Truyền thông Việt Nam đang đặt câu hỏi về công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà sau khi có sự cố nước có mùi lạ ở Hà Nội từ ngày 10/10.

nuoc3

Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà

Trong diễn biến mới nhất, công ty nước sạch sông Đà thông báo tạm dừng cấp nước để súc xả tuyến ống truyền tải.

Thời điểm cấp nước trở lại chưa được xác định.

Tờ VnEconomy ngày 16/10 đặt vấn đề về "Bí ẩn nhóm đại gia sở hữu công ty nước sạch Sông Đà".

Theo bài điều tra, tập đoàn Vinaconex đã bán toàn bộ cổ phần thoái vốn tại Nước sạch Sông Đà vào cuối năm 2017.

Khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sinh Thái và Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) cùng muốn mua.

Cuối cùng, Công ty đầu tư phát triển Sinh Thái thành công khi liên tục mua gom cổ phần thoái vốn từ Vinaconex gồm nhiều đợt và sở hữu 50,42% cổ phần tại đây.

Trong khi đó, REE được sở hữu 17,34 triệu cổ phần tương ứng 34,68% cổ phần của Nước sạch Sông Đà.

Đến ngày 4/1/2018, Sinh Thái sang tên 25,21 triệu cổ phiếu cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Năng lượng Gelex.

Tờ VnEconomy đặt giả thiết : "Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng Sinh Thái chỉ là cái tên đứng ra gom cổ phần cho nhà đầu tư giấu mặt là Gelex vì nhóm này không muốn lộ diện ngay từ ban đầu".

Ngày hôm nay, ba cổ đông lớn nhất của công ty là nhóm Gelex nắm giữ 60,46% cổ phần, REE nắm 35,95% cổ phần, Quỹ đầu tư MB nắm 2,22%.

Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) có Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1984 tại Hà Nam.

Tầm cỡ Gelex

Theo các tài liệu trước đây được công bố trên truyền thông Việt Nam, Gelex đã thành công trong nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập lớn ở Việt Nam.

Ví dụ, Gelex từng mua gom 54,78% cổ phần và trở thành công ty mẹ của Công ty cổ phần Kho vận miền Nam (Sotrans).

Năm 2017, Gelex đã thông qua Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Năng lượng Gelex để mua 65% cổ phần Công ty cổ phần Phú Thạnh Mỹ - chủ đầu tư dự án Thuỷ điện Sông Bung 4A.

Hiện nay, Gelex có ít nhất 11 công ty con.

Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà, đặt trụ sở ở tỉnh Hòa Bình, nguyên có tên là công ty cổ phần nước sạch Vinaconex, trước khi đổi tên tháng 2/2018.

Công ty này tiền thân là Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy nước trực thuộc Tổng Công ty cổ phần Vinaconex.

Theo báo Dân Trí, nhà máy nước sạch sông Đà do Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) quản lý với lưu lượng cấp cho Hà Nội trung bình khoảng 250.000-260.000 m3/ngày đêm trên tổng công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm.

Nguồn nước này được phân bổ cho cư dân Hà Nội thông qua Công ty cổ phần Viwaco, Công ty Nước sạch Hà Đông, Công ty Đồng Tiến Thành Hà Nam và Cổ phần Tây Hà Nội, Công ty Ngọc Hải.

*****************

Hà Nội ra khuyến cáo sau gần một tuần bị ô nhiễm nguồn nước (VOA, 15/10/2019)

UBND thành phố Hà Nội vừa ra thông báo vào chiều 15/10 khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước sông Đà cho việc ăn uống, sau khi các mẫu xét nghiệm từ nhiều khu vực khác nhau cho thấy hàm lượng chất Styren từ dầu thải cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 – 3,65 lần.

somdoc2

Chiều 14/10, bất ngờ dòng suối Bằng (phía cuối nguồn suối Trâm) nước dầu đen đổ ra khiến dòng nước bị đổi màu.

Khuyến cáo được đưa ra sau gần 6 ngày người dân ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông… phát hiện nguồn nước tiêu dùng có "mùi khét" bất thường, không thể sử dụng được.

Trước đó trong ngày, có mặt trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận rằng thành phố đã "nhận được tin nhắn của người dân và báo chí phản ánh" vào ngày 10/10 và đã lập đoàn kiểm tra.

"Có thể nói, nguồn ô nhiễm này do ở trên đầu nguồn nước có một số người dân đã đổ dầu phế thải vào đầu con suối sau đó chảy ra hồ và nhà máy không kiểm soát tốt dẫn đến chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy. Từ hệ thống lọc nước này đã chảy vào hệ thống nước ăn của người dân. Đây chính là nguyên nhân tạo ra mùi bất thường", Vietnamnet dẫn lời ông Chung giải thích.

Theo lời người đứng đầu thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng đã không báo cáo và cũng không ngăn chặn nguồn dầu thải này trôi vào nhà máy và vào nguồn nước.

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới chiều 15/10, Tổng giám đốc Viwasupco, ông Nguyễn Văn Tốn, nói rằng "công ty cũng gọi điện cho chính quyền địa phương xuống lập biên bản nhưng sáng hôm sau cơ quan chức năng mới xuống" và giải thích lý do chậm làm báo cáo cho đến ngày 10/10 là vì toàn bộ nhân viên công ty phải tập trung xử lý dầu tràn, theo Tuổi Trẻ.

Bình luận trên Facebook về trách nhiệm của Viwasupco, Luật sư Lê Văn Luân cho rằng "Nếu công ty nước sạch Sông Đà đã biết trước nguồn nước bị nhiễm độc mà vẫn bỏ qua mà cấp nước cho dân, thì có thể cấu thành tội phạm hình sự về môi trường (Điều 237)".

Vị luật sư thường xuyên lên tiếng về những vấn đề thời sự cũng cảnh báo về một "bầu không khi ô nhiễm nghiêm trọng" mà người dân Việt Nam đang chung sống, như vụ cháy nhà máy sản xuất bóng đèn Rạng Đông dẫn đến hàng chục kilogram thủy ngân xả ra không khí mới đây, hay vị trí "hàng đầu" về lượng rác thải nhựa của Việt Nam…

Bản thân thủ đô Hà Nội cũng thường xuyên bị xếp vào danh sách các thành phố bị ô nhiễm không khí trên thế giới.

Hôm 2/10, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường và các thành phố Hà Nội, TP HCM phải "có giải pháp căn cơ", đồng bộ, rõ ràng hơn để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, không để cho người dân bức xúc.

*****************

Hà Nội : Sau ô nhiễm không khí đến nạn nước 'mùi lạ' (BBC, 15/10/2019)

Sự cố nguồn nước máy ở Hà Nội "bị nhiễm dầu" khiến người dân một số quận phải xếp hàng như thời bao cấp để lấy nước sạch.

somdoc3

Học sinh Hà Nội rửa tay từ vòi nước - hình minh họa

Trang Tuổi Trẻ hôm 15/10/2019 đăng hình dân khu đô thị Linh Đàm, Quận Hoàng Mai xếp hàng chờ đến lượt lấy nước sạch từ xe bồn vì "nước sinh hoạt có mùi lạ".

Vụ việc hiện còn đang được điều tra nhưng nhà chức trách cho hay, thông tin ban đầu nói nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước là từ khu vực Nhà máy nước sạch Sông Đà, Hòa Bình.

Họ đã ghi nhận, kiểm tra hiện trường khu vực được cho có 2,5 tấn dầu thải đổ trộm.

Cũng các báo Việt Nam cho hay, gần Nhà máy nước sạch Sông Đà, đơn vị cung cấp nước sinh hoạt cho Hà Nội, "dù dầu thải đã được thu gom, nhưng những dấu vết ở hiện trường vẫn còn dầu thải ở một số nơi, chưa được thu dọn sạch", tính đến ngày 14/10.

Một quan chức, ông Hoàng Văn Thức từ Tổng cục Môi trường cho hay hôm 14/10 rằng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc đang phối hợp với tỉnh Hòa Bình làm rõ vụ việc một xe tải 2,5 tấn đổ trộm dầu ở gần nguồn nước dẫn vào Nhà máy nước sạch Sông Đà.

Mùi lạ trong nước máy

Từ vài hôm qua, cư dân mạng Việt Nam đã đăng tải tin tức về mùi lạ trong nước máy.

Hiện nay, hình ảnh người dân xếp hàng lấy nước được mô tả là "chủ nghĩa xã hội trở lại", hàm ý cảng xếp hàng cả ngày để mua nhu yếu phẩm, nước máy từ vòi chung cho cả khu phố thời trước Đổi Mới ở Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội gặp cảnh thiếu nước sạch dùng trong sinh hoạt.

Mới trong tháng 4 năm nay, báo chí Việt Nam đã đăng cảnh báo về nguy cơ "ba triệu cư dân" ở thủ đô thiếu nước sạch.

Ngoài việc thiếu nước do dân số tăng, nguồn cung ứng chưa đáp ứng được, nhất là trong vụ hè nóng nực, còn có vấn đề đường ống.

Theo báo Lao Động (04/2019), "đường ống nước sạch sông Đà thường xuyên xảy ra sự cố, nhất là dịp hè".

Dù việc này được lãnh đạo công ty cấp nước Hà Nội nêu ra, tuyến cung cấp nước này vẫn luôn "tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao vì xảy ra vỡ đường ống".

Cuối năm 2018, một vụ vỡ đường ống khiến khoảng 20.000 hộ dân ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm - Hà Nội, bị thiếu nước sạch.

Thủ đô liên tục có vấn đề

Là thủ đô của nước Việt Nam thống nhất từ 1976, Hà Nội là đô thị lớn thứ nhì ở quốc gia Đông Nam Á này, và đang phát triển nhanh.

Tuy nhiên, đây cũng là đô thị đang trải qua thời kỳ có nhiều vấn đề vốn không chỉ được dư luận nêu ra, mà đã lên cả diễn đàn Quốc hội Việt Nam.

Hồi năm 2018, những vấn đề nổi cộm tại Hà Nội như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập úng bị cho là "đều từ quy hoạch mà ra" đã được bàn đến ở Quốc hội.

Báo chí Việt Nam nêu thẳng nhiều vấn đề như "sông chết, phố xá ngập lụt", "mất nhiều đất công lại còn ngập trong nợ nần" của Hà Nội.

Sang năm 2019, đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng chưa từng có xảy đến với Hà Nội gần đây gây hoang mang cho dự luận Việt Nam và đặt câu hỏi về năng lực của chính quyền và lãnh đạo đô thị này.

Cùng lúc, lãnh đạo Việt Nam và Hà Nội vẫn đang muốn thành phố "có lộ trình phát triển công nghiệp 4.0 và phấn đấu trở thành thành phố thông minh".

******************

Hà Nội cảnh báo người dân tạm thời không dùng nguồn nước đang ô nhiễm nấu ăn (RFA, 15/10/2019)

Chính quyền Hà Nội sau 6 ngày nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, đã chính thức lên tiếng khuyến cáo người dân thành phố không nên sử dụng nguồn nước này để nấu ăn.

somdoc4

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội họp báo công bố kết quả ô nhiễm nguồn nước. Courtesy : soha/suckhoecongdong/RFA Edited

Tại cuộc họp báo về hiện tượng nước sạch có mùi lạ trên địa bàn thành phố, Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân nên nấu ăn bằng nước dùng đóng chai hoặc do các đơn vị khác cung cấp trong thời gian công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) thuộc công ty Viwaco, thay hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư…

Chính quyền Hà Nội cũng cho biết sẽ bố trí nhiều xe cung cấp nước sạch Hà Nội để sẵn sàng chở nước cung cấp cho người dân theo yêu cầu.

Theo kết quả xét nghiệm nguồn nước của trung tâm kiểm soát bệnh tật Sở Y tế thành phố xác nhận mùi "khét" có trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy Viwaco tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, hàm lượng Styren trong nước cao hơn giới hạn cho phép. Ngoài ra trong nước còn có mùi nồng nặc của hóa chất Clo.

Được biết, chất Styren là hợp chất hữu cơ không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị hơi ngọt. Tuy nhiên khi đậm đặc thì có mùi khó chịu và chất này thường được dùng để sản xuất polystyrene và nhiều polymer khác.

Trước đó, vào ngày 8/10 tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình bị phát hiện có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm và chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài là hồ chứa nước của nhà máy.

Tại cuộc họp báo ông Lê Văn Dục giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội xác nhận với báo chí, một số cán bộ của công ty đã phát hiện tình trạng này nhưng không có bất cứ báo cáo nào với cơ quan chức năng, không có bất kỳ hành vi ứng cứu, ngăn chặn ô nhiễm từ nguồn dầu này, dẫn đến việc Số váng dầu này chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy và qua hệ thống phân phối đến hồ chứa của các quận khiến nước có mùi lạ. Cho đến ngày 10/10 công ty nước sạch Sông Đà mới có báo cáo sự cố nêu trên.

Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đã yêu cầu tỉnh Hòa Bình cùng các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ việc xả trộm dầu thải và xác minh, xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi tội phạm.

Vào ngày 14/10, Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Sông Đà hôm 14/10/2019 giải thích việc nhiều người dân Hà Nội ngửi thấy mùi trong nước mấy ngày qua là do chất Clo trong nước cao.

"Thực ra mùi thì chỉ là cảm nhận. Công ty cho rằng đó là mùi clo hay còn mùi gì nữa thì nên đợi kết quả của cơ quan y tế.

Tôi khẳng định kết quả tự kiểm tra của công ty là nước đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Đây là số liệu chứng minh, không phải muốn nói thế nào cũng được. Còn nước có mùi do lượng clo cao, ngoài ra công ty chúng tôi khẳng định không có chất độc gì trong nước", ông Tốn nói với mạng báo VnExpress.

***************

Bộ Tài nguyên và môi trường giải thích nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (RFA, 14/10/2019)

Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là do mưa ít, hiện tượng nghịch nhiệt và chưa quản lý tốt các nguồn ô nhiễm.

somdoc5

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. RFA

Báo trong nước loan tin này ngày 14/10, trích nội dung họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và môi trường diễn ra trong cùng ngày.

Tại buổi họp báo, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết ngoài những nguyên nhân kể trên, tại Hà Nội, một phần nữa là do người dân đốt rơm rạ và vẫn không thể kiểm soát được những phác thải từ giao thông, xây dựng… cộng với thói quen sinh hoạt của người dân cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí.

Ngoài ra, lượng khí thải từ các phương tiện giao thông lạc hậu cũng xả ra khiến không khí kém chất lượng. Vấn đề này đang được đề nghị với các ngành và các địa phương để cùng giải quyết.

Số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn Hà Nội cho thấy nồng độ bụi PM2.5 từ ngày 12-29/9 có xu hướng tăng.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, do tháng 9 là thời điểm giao mùa nên chất lượng không khí cũng theo chiều hướng xấu. Theo kết quả tổng hợp từ Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh, nồng độ bụi PM2.5 trong không khí cũng đã gia tăng mạnh mẽ.

Trong kết quả so sánh của Bộ Tài nguyên và môi trường với một số thành phố trong khu vực Châu Á dựa theo số liệu của 15 trạm quan trắc tự động do Đại sứ quán Mỹ lắp đặt tại các thành phố một số nước Châu Á giai đoạn 2016-2018, Hà Nội đứng vị trí 10/15 thành phố vào 2 năm 2016-2017, còn năm 2018 đứng thứ 11/15 thành phố có chất lượng không khí kém.

Cũng trong buổi họp báo, ông Hoàng Văn Thức trả lời truyền thông trong nước về đánh giá tác động của dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II – Bến Tắm – Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo ở tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết Bộ Tài nguyên và môi trường đã thẩm định chặt chẽ và thận trọng. Trong đó hội đồng thẩm định gồm có Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Văn hóa thể thao và du lịch cùng Vườn Quốc gia Tam Đảo, sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc… đồng thời có phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước để đánh giá tính đa dạng sinh học của khu vực mà chủ đầu tư triển khai dự án.

Dựa theo kết quả đó, Bộ Tài nguyên và môi trường đã có văn bản đề nghị Chủ đầu tư phải có các công trình kiến trúc phù hợp với du lịch sinh thái, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tuân thủ pháp luật về bảo vệ rừng…

Tuy nhiên, khi trả lời về việc dự án có ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Tam Đảo hay không, ông Thức cho biết "Đây là câu hỏi khó. Chúng ta phải đứng trên quan điểm phát triển nhưng phải bảo tồn".

Published in Việt Nam
vendredi, 27 avril 2018 16:33

Trí nhớ của nước

Tôi tin rằng nước có linh hồn và trí nhớ của nước được thể hiện bằng bóng hình long lanh mà chúng ta nhìn thấy. Trí nhớ của nước bao giờ cũng trung thực. Mọi hình ảnh, hoàn cảnh, con người đều được nước chụp lấy và ghi vào trí nhớ bàng bạc mênh mông.

mytho1

Echo và Narcissus (1903) vẽ bởi J.W. Waterhouse © Walker Art Gallery, Liverpool - Narkissus lần đầu tiên nhìn thấy bóng mình trên mặt nước và đã say mê vẻ đẹp của chính mình

Thần thoại Hy Lạp có kể rằng ngày xưa có một chàng trai tên Narcissus lần đầu tiên nhìn thấy bóng mình trên mặt nước và đã say mê vẻ đẹp của chính mình, chàng không nhìn lên được nữa.

Nước tự ngàn xưa là một tấm gương để mọi người cùng soi. Bà Huyện Thanh Quan đã từng nhìn nước mà buồn cho cảnh phế hưng trong bài thơ thất ngôn bát cú 'Thăng Long Thành Hoài Cổ' :

Tạo Hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, 
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

Nữ sĩ cho rằng nước có thể đau lòng trước cảnh đổi thay quá nhanh chóng của thời cuộc.

Tiếng Việt Nam ta danh từ 'nước' còn được dùng để chỉ 'quốc gia'. Quốc gia vốn là một danh từ vay mượn từ tiếng Tàu. Chúng ta không có danh từ nào ngoài 'nước'. Điều này mang tính cách lịch sử vì những vì vua lập quốc của Văn Lang, Đại Việt đều là di dân Trung Hoa như là vua Hùng con cháu vua Thần Nông của Tàu, vua Triệu Đà, họ Khúc, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Mạc là những người Tàu qua khai phong lập 'Quốc'.

Trí nhớ của nước (quốc gia) là gì nếu không là lịch sử ? Một cá nhân có thể nhìn xuống nước (H2O) để thấy bóng mình. Một dân tộc nhìn vào lịch sử để tìm hiểu đất nước dân tộc mình. Nước (H2O) có thể đục và có thể trong. Vận nước (quốc gia) cũng có lúc suy lúc thịnh. 

Trí nhớ của nước (quốc gia) thể hiện qua lịch sử không thể không trung thực. Thế nhưng tôi đã xem qua nhiều cuốn sách sử xuất bản từ Việt Nam đã bóp méo lịch sử một cách thảm thương. Có nhiều cuốn viết để chửi rủa thật là tồi dở.

Những người viết sử Việt Nam cũng cố ý không nhắc đến cú cải cách ruộng đất ngoài Bắc năm 1955 và cú đánh tư sản tàn bạo trong Nam kéo dài từ năm 1975 đến mãi năm 1982 mới chấm dứt. Cả hai giai đoạn này có điểm giống nhau là đều do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và thi hành. Hàng trăm ngàn người lớn và trẻ em bị giết chết hoặc bỏ đói cho chết và nhiều triệu người chạy đi lánh nạn, một số không nhỏ đã chết vì hải tặc và làm mồi cho cá biển.

Hai biến cố quan trọng này đều đã xảy ra trong thời bình và đều do người Việt giết hại người Việt. Hai trường hợp xảy ra cách nhau 20 năm chứng tỏ là chính phủ cộng sản Việt Nam nghĩ rằng hành động cải cách ruộng đất năm 1955 là đúng cho nên họ lập lại tích cực hơn vào năm 1975 tại miền Nam. 

Sự việc không nhắc đến hai vụ bách hại người dân trong sách sử do chính phủ viết ra hôm nay đã không thể khẳng định chính thức là chính sách đó đúng hay sai ? Nếu đúng thì nó có được mang ra áp dụng trở lại trong tương lai hay không và nếu đúng thì tại sao chính phủ cộng sản Việt Nam không hãnh diện ghi thành tích diệt tư sản vào curriculum vita để xin gia nhập WTO ? Nếu chính sách này sai thì ai chịu trách nhiệm và những đất đai nhà cửa, tiền vàng cướp được có trả về cho thân nhân của nạn nhân còn sống sót hay không ?

mytho2

Nhiều cuốn sách sử xuất bản từ Việt Nam đã bóp méo lịch sử một cách thảm thương

Lịch sử là trí nhớ của nước (quốc gia) nhưng khi trí nhớ này lại hay quên thì con người ta mắc một tật bệnh gọi là đãng trí. Khi đãng trí người ta không biết mình là ai và đã làm những gì cho nên người bệnh có thể lập lại nhiều lần một câu chuyện và làm lại những hành động đã làm rồi dù hành động đó đúng hay sai.

Bóp méo lịch sử là một chuyện đã từng xảy ra nhiều trong quá khứ, không mới lạ gì. Triều đại này viết xấu về triều đại kia.

Có những triều đại lại quên luôn không viết sử như là nhà Hồng Bàng, nhà Lý và nhà Trần. Nhà Hồng Bàng có hai ngàn năm khuyết sử. Nhà Lý suốt hơn hai trăm năm đã làm những việc hiển hách như phạt Tống, bình Chiêm, dời đô về Thăng Long, dựng Văn miếu thế mà họ không viết cuốn sử nào cả.

Đầu triều Trần có ông Trần Tấn viết sử Việt Chí ghi chuyện nhà Lý trở về trước. Về sau có lẽ lu bu đánh giặc nhiều nên không có cuốn sử nào khác cho đời Trần. Dù đánh nhau với Mông Cổ oai hùng như vậy nhưng đến đời Lê mới có sử viết về giai đoạn này (Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu và Đại Việt Sử ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên). Một tôn thất nhà Trần là Chiêu Quốc Vương Ích Tắc theo giặc qua Tàu sống có viết cuốn gia phả gọi là 'Trần triều ngọc điệp' nhưng là sử gia đình mà thôi. Ông Trần Trọng Kim có liệt kê mấy cuốn sách bị nhà Minh tịch thu mang về Tàu. Họ không tịch thu sử ký. 

Một thói quen đặc biệt của người Việt Nam là không quan tâm đến lịch sử dù có bị ép buộc phải học, họ cũng quên ngay rất nhanh. Có một số bài đăng trên ‘Tuổi Trẻ’ cũng than phiền vấn đề kiến thức của thế hệ trẻ hôm nay về lịch sử rất giới hạn.

Người Việt Nam hẳn phải mặc cảm hình dạng của chính mình như thế nào nên mới không thích soi gương qua lịch sử. Có lẽ nhờ vậy nên lịch sử dù bị bóp méo, bỏ quên, nước và dân tộc vẫn còn hiện diện cho đến ngày hôm nay vì người ta xưa giờ chỉ biết yêu nước H2O mà thôi. Họ chiến đấu để bảo vệ nguồn nước hay khắc phục sức mạnh tàn phá của nước vì nhu cầu sinh tồn như một phản xạ tự nhiên, vô tư, không toan tính sâu xa.

Đi một vòng các phòng tranh tại Sài Gòn, không một bức tranh nào của Việt Nam có hình thanh niên con trai ! Tôi đã xem qua rất nhiều tác phẩm nghệ thuật tranh ảnh đủ loại của thế giới Đông và Tây. Các tay danh họa thế giới vẽ cảnh rất thực. Một xã hội bình thường có cả nam lẫn nữ, trẻ và già sống động. Những bức tranh vẽ Việt Nam bất kỳ cảnh thành thị hay nông thôn, chỉ có toàn hình đàn bà, mặc áo dài đời Nguyễn, đội nón lá, tóc dài và mặt cô nào cũng rất giống nhau. Chung quanh họ, trong tranh, kể cả người phu xích lô cũng là đàn bà.

Các họa sĩ Việt Nam vẽ cảnh Việt Nam và ngở rằng họ phản ánh và ghi lại hình ảnh thân thương của quê hương. Thật ra không hẳn là như vậy. Những cảnh họ vẽ nằm trong một tấm gương không trung thực. Tôi đã thấy xã hội Việt Nam có đàn ông, con trai, đàn bà và con gái. Người ta mặc quần jeans, đội nón vải, nón kết, áo đầm, áo tây, áo xẩm đủ cả và họ mặc áo dài xưa ngày một ít. 

Khi người ta soi gương, một tấm gương không trung thực, họ sẽ thấy hình dáng ai khác mà tưởng lầm là chính họ. Khi người Việt Nam nói yêu nước thật ra là người Việt Nam yêu một cái gì khác như căn nhà, dòng sông, gia đình, gia súc hoặc tài sản.

Nước mà họ yêu thật sự là nước (H2O) chớ không phải nước với nghĩa quốc gia theo tiếng Tàu. Như thế cũng phải thôi vì nước H2O rất quan trọng. Mọi sinh vật và con người đều cần nước để uống, để tắm gội, để trồng trọt, để chăn nuôi và để sống.

Quản lý nước là quản lý sự sống nói chung. Khi bị đãng trí người ta rất có thể đái vào chén nước rồi đưa lên mồm mà uống luôn. Một người không bị đãng trí thường cố gắng giữ nguồn nước cho trong sạch bằng cách không xả uế vào nguồn nước uống.

Việt Nam ngày nay đã hết rừng và không còn cây. Việt Nam có nguy cơ trở thành và có lẽ đã trở thành một nước không có trí nhớ.

Võ Thanh Liêm

(27/04/2018)

Published in Quan điểm