Tôi đi Berlin không biết bao nhiêu lần rồi. Lần nào đi cũng đi thăm lại những điểm du lịch nóng bỏng. Nhưng mà lần nào đi cũng vội, không viết được mấy dòng cho chuyến đi. Tôi trốn được sang Pháp năm 1990, khi bức tường Berlin mới sụp đổ và Chiến tranh lạnh đã bắt đầu chấm dứt. Tôi viết cũng tương đối nhiều nhưng không viết về chiến tranh. Kể từ ngày Nga cho quân xâm lược Ukraine, tôi hầu như chỉ có viết về cuộc chiến tranh này. Lần này đi Berlin, tôi có một tâm trạng khác hẳn. Tôi có cảm giác Chiến tranh lạnh lại trở lại nơi đây như những năm nào.
Trên phần còn lại của bức tường, bức tranh nụ hôn chết người giữa tổng bí thư Liên Xô Brejnev và tổng bí thư Honecker vẫn là ấn tượng nhất và thu hút được nhiều khách du lịch nhất.
Được sự hướng dẫn tận tình của nhà báo Vũ Lương, chúng tôi đi thăm lại bức tường Berlin. Tất nhiên, trong số những bức tranh được vẽ trên phần còn lại của bức tường, bức tranh nụ hôn chết người giữa tổng bí thư Liên Xô Brejnev và tổng bí thư Honecker vẫn là ấn tượng nhất và thu hút được nhiều khách du lịch nhất.
Đây là một bức tranh vẽ lại từ một tấm ảnh đen trắng có thực 100%. Ngày 05/10/1979, kỷ niệm 30 năm ngày thành lập nước Cộng hòa dân chủ Đức, trong một buổi lễ, trước mặt các quan khách và các nhà báo, hai ông tổng bí thư đã ôm hôn nhau một cách thắm thiết như hai người tình. Nhà báo Pháp Regis Bossu đã là người nhanh tay chộp lại được khoảnh khắc vô cùng quý giá này. Ngay sau đó, bức ảnh này đã được đăng trên trang bìa của tuần báo Paris Match. Nó đã trở thành một hiện tượng kỳ lạ của thế giới và được đăng lại ở khắp nơi.
Nhà báo Pháp Regis Bossu đã là người nhanh tay chộp lại được khoảnh khắc vô cùng quý giá này.
Bức ảnh đã làm cho nhà báo Bossu trở thành nổi tiếng và đồng thời sau này cũng lại làm một người khác cũng nổi tiếng theo. Một họa sĩ Nga, lúc đó chưa nổi tiếng, Dimitri Vrubel, khi nhìn thấy bức ảnh này đã bị sốc và thề rằng sẽ vẽ lại nó trên bức tường Berlin. Giấc mơ đã trở thành hiện thực. 10 năm sau, ngay 09/11/1989, bức tường Berlin, hay còn được gọi là bức tường ô nhục đã sụp đổ. Một phần của bước tường đã được để lại, dành cho các họa sĩ thể hiện các tác phẩm của họ. Vrubel đã tái tạo lại bức ảnh nụ hôn chết người trên một diện tích 15m2 với hàng chữ : Господи! Помоги мне выжить среди этой смертной любви (Lạy chúa tôi, hãy giúp tôi sống sót với mối tình chết người này). Bức tranh trên tường là một bức tranh mầu. Họa sĩ Nga đã cố tình dùng mầu sắc để thể hiện thế bề trên của Nga đối với Cộng hòa dân chủ Đức, số phận của Cộng hòa dân chủ Đức mong manh trong mối tình này : Brejnev thì hồng hào, Honecker thì xanh xao…
Vrubel đã tái tạo lại bức ảnh nụ hôn chết người trên một diện tích 15m2 với hàng chữ : Господи! Помоги мне выжить среди этой смертной любви (Lạy chúa tôi, hãy giúp tôi sống sót với mối tình chết người này).
Về kiểu hôn nhau tởm lợm này, báo Die Welt của Đức có đăng một câu nói của tướng Ba Lan Jaruzenski "Tôi cũng đã ôm hôn nhiều lần với Honecker. Ông ta có cái kiểu hôn thật buồn nôn".
Nhân tiện đây, tôi cũng giới thiệu với các bạn một bức ảnh cũng về 1 nụ hôn nổi tiếng thế giới của nhiếp ảnh gia Robert Doisneau. Ống kính của ông đã chộp được một khoảnh khắc của hai người vừa đi bộ vừa hôn nhau trên đường phố Paris vào năm 1950.
Ống kính của Robert Doisneau đã chộp được một khoảnh khắc của hai người vừa đi bộ vừa hôn nhau trên đường phố Paris vào năm 1950. Le baiser de l'Hôtel de ville Pái 1950
Hai bức ảnh thực là tương phản. Cũng là một nụ hôn, nhưng một bên đem lại sự sống tươi đẹp, một bên đem lại cái chết.
Nếu các bạn không biết câu chuyện này, các bạn lại có thể nghĩ rằng đây là chuyện của tư bản giẫy chết nói xấu phe ta.
Xin chân thành cảm ơn nhà báo Vũ Lương đã đưa chúng tôi đi một vòng Berlin, khám phá thêm những cái mới trong những cái cũ. Cám ơn Huong Radeberg đã tổ chức cuộc du ngoạn và sau đó đã chiêu đãi chúng tôi trong một nhà hàng rất sang trọng của chị ở Berlin.
Hoàng Quốc Dũng
(24/05/2023)