Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dịch cúm Covid-19 đang làm lu mờ hết thảy thời sự trong nước và quốc tế. Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam đang đến gần nhưng không thấy báo chí nói gì về việc chuẩn bị. Một văn bản đáng chú ý nhất là Quy định 214 về "Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý".

Văn bản này thay vì gần 11.500 chữ thì có thể tóm gọn trong khoảng 2.000 chữ. Cách trình bày dài dòng, cẩu thả, lộn xộn, sáo rỗng, lặp đi lặp lại chứng tỏ kỹ thuật soạn thảo văn thư và tài liệu của đảng cộng sản rất kém. Các tiêu chuẩn mang tính tự sướng, áp đặt, mơ hồ, hoang tưởng mà không có bất cứ một đảng viên nào hiện nay hội đủ, dù chỉ là một phần nhỏ các tiêu chuẩn đó. Ví dụ :

Mục 1.2 : Về đạo đức, lối sống :

Mẫu mực về phẩm chất đạo đức, sống trung thực khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung, cần kiệm kiêm chính, chí công vô tư. Không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc. Là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi. Kiên quyết đấu tranh ngặn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, những dấu hiệu "tự chuyển biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tệ quan liêu tham nhũng, tiêu cực lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm. Tuyệt đối không trục lợi và không để người thân người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…

khung1

Quy định 214-QĐ/TW : Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ

Những người soạn văn bản này đang cố lên gân bằng cách tìm những từ ngữ tốt đẹp nhất và có vẻ cao quí nhất để gom hết vào tiêu chuẩn của những người lãnh đạo đảng. Tuy nhiên, mục đích chính của văn bản này là nhằm loại tất cả các ứng cử viên thuộc "phe củi" và khẳng định sự tiếp tục tại vị của ông Nguyễn Phú Trọng.

Về tiêu chuẩn của Tổng Bí thư, Quy định 214 viết :

Mục 2.3 : Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực : Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân ; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị… Tiêu biểu nhất về trí tuệ, đạo đức của toàn đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị. Có kiến thức sâu rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng đảng, quản lý nhà nước…

Với những tiêu chuẩn này thì ngoài ông Trọng ra ai có thể xứng đáng ?

Tuy nhiên, nếu Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục để ông Trọng làm thêm một nhiệm kỳ nữa thì đây quả là một lựa chọn quá nguy hiểm. Bất cứ một ông già nào tuổi trên 75 thì cơ hội giữa sống và chết chỉ là 50/50, huống hồ ông Trọng đã từng bị đột quị. Riêng việc này cũng chứng tỏ rằng Đảng cộng sản Việt Nam rất suy yếu và khủng hoảng. Đảng cộng sản Việt Nam đã cầm quyền tuyệt đối suốt hơn 75 năm qua và với gần 4,5 triệu đảng viên, già có trẻ có thế mà họ vẫn không thể tìm được người thay thế cho một ông già bệnh tật.

Nếu trong thời gian tại vị, ông Trọng đột ngột qua đời thì Đảng cộng sản Việt Nam lại tiếp tục rơi vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. Do cơ chế tuyển lựa nhân sự bệnh hoạn của Đảng cộng sản nên các đảng viên có bản lĩnh và trí tuệ đều bị loại từ vòng gửi xe. Tất cả những khuôn mặt lãnh đạo cao cấp của đảng đều mờ nhạt, già nua, mệt mỏi, thiếu trí tuệ lẫn nhân cách. Ông Trọng được lựa chọn làm lãnh tụ tối cao chỉ vì một tiêu chuẩn rất kỳ quái đó là "không tham nhũng" như những người khác. Ngoài lý do "trong sạch" ra ông Trọng không hề thể hiện một khả năng nào nổi trội trong bất cứ lãnh vực gì, kể cả "khả năng lý luận".

khung02

Tiêu chuẩn quan trọng nhất để làm Tổng bí thư là "có trình độ cao về lý luận chính trị" chứ không phải có thành tích trong chiến đấu hay "vào sinh ra tử".

Quy định 214 cũng bộc lộ sự bối rối của Đảng cộng sản Việt Nam. Trong hậu trường (như chúng tôi đã phân tích và nhiều người cũng đã nhận ra) ban lãnh đạo Đảng cộng sản đã lấy quyết định chuyển trục sang Mỹ và các nước dân chủ nhưng trong Quy định 214 này họ vẫn dùng ngôn ngữ lưỡi gỗ khi tiếp tục viết :

Mục 1.1 : Về chính trị tư tưởng

Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia – dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng…

Cụm từ "kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin" chỉ nhắc lại một lần và cụm từ "chống tự diễn biến, tự chuyển hóa" chỉ nhắc đến hai lần. Điều này cho thấy ban lãnh đạo đảng bối rối và gượng gạo vì chính họ mới là những người đang "tự diễn biến, tự chuyển hóa".

Sau dịch cúm Covid-19 thì Trung Quốc sẽ rút lui và co cụm lại, họ không cần Việt Nam nữa. Việt Nam còn có thể đi đâu, về đâu ngoài việc chuyển trục sang Mỹ và các nước dân chủ. Xã hội Việt Nam ngày càng lớn mạnh và cái áo độc tài ngày càng chật chội.  

Đảng cộng sản Việt Nam, qua lời ông Trọng, tự động viên nhau rằng họ vẫn sẽ tiếp tục lãnh đạo Việt Nam vì trước mặt họ không có lực lượng dân chủ nào có tầm vóc với một giải pháp khả thi cho đất nước. Điều này sai. Đảng cộng sản Liên Xô vẫn sụp đổ dù trước mặt họ không hề có đối lập dân chủ và bất cứ một giải pháp thay thế nào. Các nước cộng sản ở Đông Âu cũng vậy. Công đoàn Đoàn kết Ba Lan do Lech Walesa lãnh đạo đã giành chiến thắng ngoạn mục năm 1990 và ông trở thành tổng thống dân chủ đầu tiên của Ba Lan. Tuy nhiên Công đoàn Đoàn kết giống một phong trào phản kháng hơn là một tổ chức chính trị với một giải pháp thay thế khả thi. Chỉ sau một nhiệm kỳ thì Walesa đã bị thất cử trước Aleksander Kwaśniewski, lãnh đạo Liên minh Cánh tả Dân chủ (một cựu đảng viên cộng sản) năm 1995.

Năm 1945, Đảng cộng sản Việt Nam chỉ có 1.000-2.000 đảng viên nhưng họ vẫn giành được chiến thắng vì họ có một niềm tin mãnh liệt vào chủ nghĩa cộng sản. Nay họ có 4,5 triệu đảng viên nhưng vẫn lo sụp đổ vì lý tưởng đã chết khi chủ nghĩa cộng sản phơi bày sự hoang tưởng, nhảm nhí và độc ác. Bất cứ một tổ chức chính trị nào cũng đại diện cho một khuynh hướng và khuynh hướng nào hướng tới tương lai thì sẽ được người dân lựa chọn.

Đảng cộng sản Việt Nam hơn hẳn phong trào dân chủ Việt Nam khi họ hiểu và nhận thức được tầm quan trọng của tư tưởng chính trị và sức mạnh của nó. Việc ông giáo sư, phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Quang Thuấn đi nước ngoài bằng máy bay, ngồi ghế hạng nhất, ăn trưa ở khách sạn 5 sao, chiều chơi golf và buổi tối chiêu đãi khách phải có ca sĩ nổi tiếng hát... làm nhiều người bất ngờ và phẫn nộ nhưng với chúng tôi thì không có gì lạ. Một ông giáo sư khác cũng xuất thân từ Hội đồng này và đang là người nắm quyền lực cao nhất tại Việt Nam dù tuổi già sức yếu đó là ông Nguyễn Phú Trọng. Tiêu chuẩn quan trọng nhất để làm Tổng bí thư là "có trình độ cao về lý luận chính trị" chứ không phải có thành tích trong chiến đấu hay "vào sinh ra tử".

Nhiều người bi quan cho rằng phong trào dân chủ khó mà thành công vì Đảng cộng sản Việt Nam còn rất mạnh. Họ có quân đội, công an để kiểm soát từng người dân và một đội ngũ dư luận viên hùng hậu để nhiễu loạn, định hướng người dân… Chúng tôi không nghĩ như vậy. Một chính đảng có đời sống riêng của nó. Nó chỉ sống và gắn kết được các thành viên với nhau nếu còn đồng thuận và chia sẻ với nhau về tư tưởng chính trị hay một dự án chính trị nào đó. Đảng cộng sản Việt Nam không còn đồng thuận trên bất cứ lĩnh vực nào. Bộ máy đàn áp của chính quyền vẫn còn hoạt động nhưng chủ yếu là do quán tính. Bộ não của nó đã chết vì mất đồng thuận. Đảng cộng sản Việt Nam cũng như một cỗ máy khổng lồ nhưng trung tâm điều khiển đã có vấn đề nên cỗ máy có thể đột ngột dừng hoạt động bất cứ lúc nào. Vụ tấn công vào Đồng Tâm là một ví dụ. Nếu có đồng thuận và còn nghĩ đến tương lai của đảng thì không bao giờ xảy ra vụ đổ máu gây chấn động nhân tâm như thế.

Đảng cộng sản Việt Nam có còn giải pháp nào không ? Câu trả lời là không. Việc Trung Quốc rút lui và co cụm lại dẫn đến hậu quả là họ không cần và không chống lưng cho Đảng cộng sản Việt Nam nữa. Việc ông Trọng đánh bại được Nguyễn Tấn Dũng ở Đại hội 12 là vì Trung Quốc không còn làm áp lực quá mạnh. Nếu muốn Trung Quốc vẫn có thể giữ được Nguyễn Tấn Dũng. Rõ ràng là Trung Quốc không hài lòng nhưng cũng phải miễn cưỡng chấp nhận Nguyễn Phú Trọng. Đại hội 13 này cũng vậy, Trung Quốc sẽ không còn làm áp lực mạnh lên vấn đề nhân sự của Đảng cộng sản Việt Nam. Không còn chỗ chống lưng nên ban lãnh đạo đảng cộng sản phải lấy quyết định chuyển trục sang các nước dân chủ. Tuy nhiên điều này lại đồng nghĩa với việc "mất đảng" không sớm thì muộn. "Đi thì mắc núi, trở lại thì mắc sông", Đảng cộng sản Việt Nam như gà mắc tóc, không biết phải làm gì. Hơn nữa khi mất người bảo trợ Trung Quốc thì các phe nhóm trong đảng tha hồ đấu đá, mạnh được yếu thua, kẻ thắng làm lò, kẻ thua làm củi. Một tương lai kinh khủng đang chờ Đảng cộng sản Việt Nam ở phía trước.

Giả sử các phe nhóm trong đảng muốn tách ra và chuyển hóa thành các chính đảng để tiếp tục cai trị Việt Nam như Putin ở Nga thì điều này cũng không thể thành công vì di sản của Đảng cộng sản Việt Nam quá kinh khủng. Bất cứ đảng viên nào cũng không còn uy tín để làm việc đó, vì cho dù họ không gây ra tội ác thì cũng đã toa rập với đảng cộng sản đè nén cai trị dân tộc Việt Nam suốt bao năm qua.

Một nỗ lực khá hài hước nữa chứng tỏ sự bế tắc của Đảng cộng sản Việt Nam là việc Quốc hội đưa ra dự thảo cho phép 5% đại biểu sẽ là các nhà khoa học và nghiên cứu… Thật ra dưới chế độ độc tài thì không cần đến Quốc hội và Viện kiểm sát vì các định chế này chỉ là các cơ quan của đảng và chịu hoàn toàn sự chỉ đạo của đảng. Ngay cả tòa án cũng chỉ xét xử theo lệnh của đảng chứ không xét xử theo luật pháp và lương tâm. Qui định 214 nói trên cũng vậy. Các lãnh đạo của Nhà nước và Quốc hội chỉ cần một tiêu chuẩn duy nhất là được người dân bầu chọn chứ không cần bất cứ một "tiêu chuẩn" nào khác.

Các nhà nước độc tài chuyên chế dù hùng mạnh như Liên Xô trước đây rồi cũng phải sụp đổ. Đảng cộng sản Trung Quốc giỏi và tinh vi hơn Đảng cộng sản Việt Nam hàng trăm lần cũng sẽ chịu chung số phận với Liên Xô thì làm sao Đảng cộng sản Việt Nam có thể tồn tại. Tuy nhiên cũng vì quán tính độc tài quá mạnh nên Đảng cộng sản Việt Nam không thể nào chuyển hướng về dân chủ. Họ sẽ cố đấm ăn xôi cho đến lúc gục ngã bởi những mâu thuẫn chồng chất không thể giải quyết được.

Chỉ có một lối thoát duy nhất cho các đảng viên cộng sản có hiểu biết và có tấm lòng với đất nước, đó là nhanh chóng rời bỏ con tàu sắp đắm để tìm đến, kết hợp với một tổ chức chính trị đối lập dân chủ lương thiện, bao dung và đứng đắn để cùng bắt tay nhau xây dựng lại đất nước.

Việt Hoàng

(15/3/2020)

Published in Quan điểm