Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 27 avril 2018 16:33

Trí nhớ của nước

Tôi tin rằng nước có linh hồn và trí nhớ của nước được thể hiện bằng bóng hình long lanh mà chúng ta nhìn thấy. Trí nhớ của nước bao giờ cũng trung thực. Mọi hình ảnh, hoàn cảnh, con người đều được nước chụp lấy và ghi vào trí nhớ bàng bạc mênh mông.

mytho1

Echo và Narcissus (1903) vẽ bởi J.W. Waterhouse © Walker Art Gallery, Liverpool - Narkissus lần đầu tiên nhìn thấy bóng mình trên mặt nước và đã say mê vẻ đẹp của chính mình

Thần thoại Hy Lạp có kể rằng ngày xưa có một chàng trai tên Narcissus lần đầu tiên nhìn thấy bóng mình trên mặt nước và đã say mê vẻ đẹp của chính mình, chàng không nhìn lên được nữa.

Nước tự ngàn xưa là một tấm gương để mọi người cùng soi. Bà Huyện Thanh Quan đã từng nhìn nước mà buồn cho cảnh phế hưng trong bài thơ thất ngôn bát cú 'Thăng Long Thành Hoài Cổ' :

Tạo Hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, 
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

Nữ sĩ cho rằng nước có thể đau lòng trước cảnh đổi thay quá nhanh chóng của thời cuộc.

Tiếng Việt Nam ta danh từ 'nước' còn được dùng để chỉ 'quốc gia'. Quốc gia vốn là một danh từ vay mượn từ tiếng Tàu. Chúng ta không có danh từ nào ngoài 'nước'. Điều này mang tính cách lịch sử vì những vì vua lập quốc của Văn Lang, Đại Việt đều là di dân Trung Hoa như là vua Hùng con cháu vua Thần Nông của Tàu, vua Triệu Đà, họ Khúc, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Mạc là những người Tàu qua khai phong lập 'Quốc'.

Trí nhớ của nước (quốc gia) là gì nếu không là lịch sử ? Một cá nhân có thể nhìn xuống nước (H2O) để thấy bóng mình. Một dân tộc nhìn vào lịch sử để tìm hiểu đất nước dân tộc mình. Nước (H2O) có thể đục và có thể trong. Vận nước (quốc gia) cũng có lúc suy lúc thịnh. 

Trí nhớ của nước (quốc gia) thể hiện qua lịch sử không thể không trung thực. Thế nhưng tôi đã xem qua nhiều cuốn sách sử xuất bản từ Việt Nam đã bóp méo lịch sử một cách thảm thương. Có nhiều cuốn viết để chửi rủa thật là tồi dở.

Những người viết sử Việt Nam cũng cố ý không nhắc đến cú cải cách ruộng đất ngoài Bắc năm 1955 và cú đánh tư sản tàn bạo trong Nam kéo dài từ năm 1975 đến mãi năm 1982 mới chấm dứt. Cả hai giai đoạn này có điểm giống nhau là đều do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và thi hành. Hàng trăm ngàn người lớn và trẻ em bị giết chết hoặc bỏ đói cho chết và nhiều triệu người chạy đi lánh nạn, một số không nhỏ đã chết vì hải tặc và làm mồi cho cá biển.

Hai biến cố quan trọng này đều đã xảy ra trong thời bình và đều do người Việt giết hại người Việt. Hai trường hợp xảy ra cách nhau 20 năm chứng tỏ là chính phủ cộng sản Việt Nam nghĩ rằng hành động cải cách ruộng đất năm 1955 là đúng cho nên họ lập lại tích cực hơn vào năm 1975 tại miền Nam. 

Sự việc không nhắc đến hai vụ bách hại người dân trong sách sử do chính phủ viết ra hôm nay đã không thể khẳng định chính thức là chính sách đó đúng hay sai ? Nếu đúng thì nó có được mang ra áp dụng trở lại trong tương lai hay không và nếu đúng thì tại sao chính phủ cộng sản Việt Nam không hãnh diện ghi thành tích diệt tư sản vào curriculum vita để xin gia nhập WTO ? Nếu chính sách này sai thì ai chịu trách nhiệm và những đất đai nhà cửa, tiền vàng cướp được có trả về cho thân nhân của nạn nhân còn sống sót hay không ?

mytho2

Nhiều cuốn sách sử xuất bản từ Việt Nam đã bóp méo lịch sử một cách thảm thương

Lịch sử là trí nhớ của nước (quốc gia) nhưng khi trí nhớ này lại hay quên thì con người ta mắc một tật bệnh gọi là đãng trí. Khi đãng trí người ta không biết mình là ai và đã làm những gì cho nên người bệnh có thể lập lại nhiều lần một câu chuyện và làm lại những hành động đã làm rồi dù hành động đó đúng hay sai.

Bóp méo lịch sử là một chuyện đã từng xảy ra nhiều trong quá khứ, không mới lạ gì. Triều đại này viết xấu về triều đại kia.

Có những triều đại lại quên luôn không viết sử như là nhà Hồng Bàng, nhà Lý và nhà Trần. Nhà Hồng Bàng có hai ngàn năm khuyết sử. Nhà Lý suốt hơn hai trăm năm đã làm những việc hiển hách như phạt Tống, bình Chiêm, dời đô về Thăng Long, dựng Văn miếu thế mà họ không viết cuốn sử nào cả.

Đầu triều Trần có ông Trần Tấn viết sử Việt Chí ghi chuyện nhà Lý trở về trước. Về sau có lẽ lu bu đánh giặc nhiều nên không có cuốn sử nào khác cho đời Trần. Dù đánh nhau với Mông Cổ oai hùng như vậy nhưng đến đời Lê mới có sử viết về giai đoạn này (Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu và Đại Việt Sử ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên). Một tôn thất nhà Trần là Chiêu Quốc Vương Ích Tắc theo giặc qua Tàu sống có viết cuốn gia phả gọi là 'Trần triều ngọc điệp' nhưng là sử gia đình mà thôi. Ông Trần Trọng Kim có liệt kê mấy cuốn sách bị nhà Minh tịch thu mang về Tàu. Họ không tịch thu sử ký. 

Một thói quen đặc biệt của người Việt Nam là không quan tâm đến lịch sử dù có bị ép buộc phải học, họ cũng quên ngay rất nhanh. Có một số bài đăng trên ‘Tuổi Trẻ’ cũng than phiền vấn đề kiến thức của thế hệ trẻ hôm nay về lịch sử rất giới hạn.

Người Việt Nam hẳn phải mặc cảm hình dạng của chính mình như thế nào nên mới không thích soi gương qua lịch sử. Có lẽ nhờ vậy nên lịch sử dù bị bóp méo, bỏ quên, nước và dân tộc vẫn còn hiện diện cho đến ngày hôm nay vì người ta xưa giờ chỉ biết yêu nước H2O mà thôi. Họ chiến đấu để bảo vệ nguồn nước hay khắc phục sức mạnh tàn phá của nước vì nhu cầu sinh tồn như một phản xạ tự nhiên, vô tư, không toan tính sâu xa.

Đi một vòng các phòng tranh tại Sài Gòn, không một bức tranh nào của Việt Nam có hình thanh niên con trai ! Tôi đã xem qua rất nhiều tác phẩm nghệ thuật tranh ảnh đủ loại của thế giới Đông và Tây. Các tay danh họa thế giới vẽ cảnh rất thực. Một xã hội bình thường có cả nam lẫn nữ, trẻ và già sống động. Những bức tranh vẽ Việt Nam bất kỳ cảnh thành thị hay nông thôn, chỉ có toàn hình đàn bà, mặc áo dài đời Nguyễn, đội nón lá, tóc dài và mặt cô nào cũng rất giống nhau. Chung quanh họ, trong tranh, kể cả người phu xích lô cũng là đàn bà.

Các họa sĩ Việt Nam vẽ cảnh Việt Nam và ngở rằng họ phản ánh và ghi lại hình ảnh thân thương của quê hương. Thật ra không hẳn là như vậy. Những cảnh họ vẽ nằm trong một tấm gương không trung thực. Tôi đã thấy xã hội Việt Nam có đàn ông, con trai, đàn bà và con gái. Người ta mặc quần jeans, đội nón vải, nón kết, áo đầm, áo tây, áo xẩm đủ cả và họ mặc áo dài xưa ngày một ít. 

Khi người ta soi gương, một tấm gương không trung thực, họ sẽ thấy hình dáng ai khác mà tưởng lầm là chính họ. Khi người Việt Nam nói yêu nước thật ra là người Việt Nam yêu một cái gì khác như căn nhà, dòng sông, gia đình, gia súc hoặc tài sản.

Nước mà họ yêu thật sự là nước (H2O) chớ không phải nước với nghĩa quốc gia theo tiếng Tàu. Như thế cũng phải thôi vì nước H2O rất quan trọng. Mọi sinh vật và con người đều cần nước để uống, để tắm gội, để trồng trọt, để chăn nuôi và để sống.

Quản lý nước là quản lý sự sống nói chung. Khi bị đãng trí người ta rất có thể đái vào chén nước rồi đưa lên mồm mà uống luôn. Một người không bị đãng trí thường cố gắng giữ nguồn nước cho trong sạch bằng cách không xả uế vào nguồn nước uống.

Việt Nam ngày nay đã hết rừng và không còn cây. Việt Nam có nguy cơ trở thành và có lẽ đã trở thành một nước không có trí nhớ.

Võ Thanh Liêm

(27/04/2018)

Additional Info

  • Author Võ Thanh Liêm
Published in Quan điểm