Sự hình thành của các khối khu vực cùng với phong trào toàn cầu hóa một bên, sự sụp đổ của Liên Xô và sự tan rã - êm thắm hay đẫm máu - của một số nhà nước bên kia, đã khiến cho một số nhà tư tưởng dự đoán sự cáo chung của các quốc gia vào cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên, đầu thế kỷ XXI lại chứng kiến sự tái xuất của chủ nghĩa dân tộc trong những khuynh hướng tồi tệ nhứt của nó : hận thù người khác thay vì yêu thương đồng bào, xâm lược nước láng giềng thay vì phát triển dân chúng của mình. Dù hậu quả tốt hay xấu, quốc gia vẫn xuất hiện như một chân trời không thể vượt qua trong một tương lai gần, khiến cho việc hiểu rõ khái niệm này trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Tượng đài Le Triomphe de la République – Quảng trường Paris Nation
Bản chất của quốc gia là một trong những chủ đề được tranh luận nhiều nhứt trong lãnh vực khoa học chánh trị và xã hội. Nhiều nhà tư tưởng khác nhau đã cố gắng trả lời câu hỏi phức tạp này bằng cách nhấn mạnh các yếu tố đa dạng, từ sắc tộc, văn hóa và ngôn ngữ đến các khái niệm trừu tượng về ý chí tập thể và công cuộc xây dựng xã hội. Ernest Renan, Johann Gottlieb Fichte, Ernest Gellner, Jürgen Habermas hoặc Brigitte Krulic là những nhân vật đã đóng góp nhiều trong cuộc nghiên cứu này, mỗi người mang đến một tầm nhìn độc đáo về cái gì định nghĩa bản sắc quốc gia.
Ernest Renan, một trí thức Pháp, đã để lại dấu ấn trong cuộc tranh luận về quốc gia với bài diễn văn năm 1882, Qu’est-ce qu’une nation ? (Quốc gia là gì ?). Renan bác bỏ các tiêu chuẩn "khách quan" như chủng tộc, ngôn ngữ hoặc tôn giáo, thường được dùng để định nghĩa quốc gia. Thay vào đó, ông đề xuất một quan điểm chủ quan hơn, nhấn mạnh tầm quan trọng của ý chí sống chung và chia sẻ cùng một ký ức. Theo ông, "sự tồn tại của một quốc gia là một cuộc trưng cầu dân ý hằng ngày", nghĩa là quốc gia trước hết, là một dự án tự nguyện liên tục. Đối với Renan, quốc gia là một "nguyên tắc tinh thần" đặt cương quyết xây dựng một tương lai chung lên trên những khác biệt sắc tộc, văn hóa hay lịch sử.
Khái niệm về quốc gia của Renan dựa trên lịch sử của Pháp, một nước được hình thành xung quanh một truyện thuyết quốc gia thống nhứt mặc dầu những khác biệt địa phương. Một ví dụ nổi bật khác mà Raymond Aron gọi là "quốc gia - ý tưởng" (nation-idée) trong cuốn Démocratie et totalitarisme (Dân chủ và toàn nguyên, 1965) để nhấn mạnh việc Huê Kỳ không được xây dựng trên một bản sắc dân tộc hay lịch sử duy nhứt, mà trên những giá trị phổ cập tự do, dân chủ và bình quyền. Ở Á châu, Ấn-độ phù hợp với khái niệm này vì nó được xây dựng trên liên minh của các cộng đồng sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa khác nhau, đoàn kết bởi ý chí sống chung và giành lại chủ quyền. Sự gắn kết của quốc gia Ấn-độ dựa trên cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ Anh và các nguyên tắc dân chủ coi trọng tánh đa nguyên của Ấn-độ. Xê-nê-gan là một đại diện xứng đáng của quốc gia Phi châu theo quan điểm của Renan. Xây dựng trên sự đa dạng về sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, quốc gia này đã tìm cách củng cố một bản sắc quốc gia xây dựng trên niềm hãnh diện làm người da đen (négritude), cuộc đấu tranh giành độc lập và một dự án chung lấy trên dân chủ và tiến bộ xã hội làm nền tảng.
Ngược lại, nhà triết học Đức, Johann Gottlieb Fichte, đã đưa ra một cách tiếp cận dân tộc đặt nặng văn hóa và ngôn ngữ. Trong các bài diễn văn Reden an die deutsche Nation (Diễn thuyết trước dân tộc Đức, 1807), Fichte bảo vệ quan điểm cho rằng dân tộc dựa trên một ngôn ngữ chung, qua đó ý thức và bản sắc dân tộc được tạo nên. Theo ông, ngôn ngữ phản ánh tâm hồn dân tộc và qua nó mà một văn hóa dân tộc nhứt quán được phát triển. Quan điểm hữu cơ về dân tộc này đã ảnh hưởng đến chủ nghĩa dân tộc Đức và củng cố ý tưởng rằng căn cước dân tộc do các tiêu chuẩn "khách quan" như chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa hay lịch sử định nghĩa, dẫn đến những lạc hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan mà chúng ta biết.
Không phải ngẫu nhiên mà cuộc tranh luận về khái niệm quốc gia giữa Ernest Renan và Johann Gottlieb Fichte đã bộc phát vào lúc mà Đức và Pháp tranh giành vùng Alsace-Lorraine, với phía Đức đặt tánh chánh đáng trên ngôn ngữ, trong khi phía Pháp dựa vào sự gắn bó của người dân Alsace và Lorraine với nước Pháp xung quanh các giá trị cộng hòa.
Một ví dụ khác về một quốc gia Âu châu tương ứng với khái niệm của Fichte là Hung-gia-lợi mà tiếng nói độc nhứt (không thuộc đại gia đình ngôn ngữ Ấn-Âu) đã là nguồn gốc của một nền văn hóa và lịch sử chung có từ thời Vương quốc Hung-gia-lợi trung cổ.
Ở Á châu, Nhựt Bổn và Cao-ly phù hợp với khái niệm dân tộc của Fichte vì cả hai dân tộc này đều được đặc tánh bởi một ngôn ngữ chung, một nền văn hóa đồng nhứt và một lịch sử phong phú và liên tục mặc dầu sự chia đôi hiện tại của Cao Ly.
Ityoppya là một ví dụ Phi châu điển hình của mô hình dân tộc của Fichte với một lịch sử lâu dài của một quốc gia độc lập, một ngôn ngữ và chữ viết độc đáo và một nền văn hóa chung gắn liền với đạo Chánh thống. Những yếu tố này đã giúp hình thành ý thức dân tộc, đặc biệt là chống lại những nỗ lực thực dân.
Madagasikara cũng là một ví dụ điển hình khác của một dân tộc Phi châu tương ứng với các tiêu chuẩn của Fichte. Nếu định dân đầu tiên và quan trọng nhứt của Madagasikara là người Merina đến từ Nam Dương, quốc đảo đã tiếp nhận sau đó những trào lưu nhập cư đến từ Phi lục và Á Đông. Tuy rằng người Madagasikara do nhiều sắc tộc khác nhau cấu thành, "Đảo Lớn" đã liên kết được người dân xung quanh một ngôn ngữ và một lịch sử chung.
Giao thoa của các khái niệm lý thuyết về quốc gia – dân tộc
Nhà nhân chủng học và xã hội học Anh Ernest Gellner đã đưa ra một góc nhìn tập trung vào tánh hiện đại. Trong cuốn Nations and Nationalism (Quốc gia và chủ nghĩa quốc gia, 1983), Gellner phân tách mối quan hệ giữa sự phát triển của xã hội hiện đại và sự ra đời của các quốc gia, cho rằng chủ nghĩa quốc gia là sản phẩm của những thay đổi kinh tế xã hội do các cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa mang lại. Ông cho rằng quốc gia là kết quả của sự hội tụ giữa văn hóa và quyền lực chánh trị với sự hỗ trợ của nhà nước trung ương thúc đẩy một nền văn hóa đồng nhứt thông qua các thể chế giáo dục và truyền thông. Theo Gellner, chủ nghĩa quốc gia có trước các quốc gia : chính những tư tưởng quốc gia đã định hình và phát minh các quốc gia để đáp ứng nhu cầu của thời đại công nghiệp.
Ý-đại-lợi là một ví dụ về quốc gia được xây dựng qua quá trình hiện đại hóa và thống nhứt. Trước khi được thống nhứt vào năm 1861, Ý là một tranh khảm của các vương quốc, công quốc và dân quốc độc lập. Sau đó, nhà nước Ý mới được thống nhứt đã tạo ra một căn cước quốc gia thông qua việc áp đặt tiếng Ý tiêu chuẩn, một hệ thống giáo dục quốc gia và một truyện thuyết chung liên quan đến quá khứ La-mã. Tanzania là một ví dụ Phi châu về việc xây dựng quốc gia thời kỳ hậu thuộc địa nằm trong khuôn khổ lý thuyết của Gellner. Quốc gia này đã thành công ở điều mà "nền dân chủ lớn nhứt trên thế giới", Ấn-độ, đã không làm được, thúc đẩy một ngôn ngữ - tiếng Swahili - như một ngôn ngữ quốc gia.
Nam Dương là một ví dụ Á châu về một quốc gia hiện đại được xây dựng bằng cách hợp nhứt các sắc tộc và văn hóa khác nhau trên chủ thuyết căn bản Pancasila (năm căn nguyên) : Tin vào một đấng tối cao duy nhứt ; Nhân đạo công bằng và văn minh : Nam Dương thống nhứt ; Dân chủ được các đại diện nhân dân dìu dắt ; Công bằng xã hội cho tất cả.
Nhà triết gia Đức Jürgen Habermas đã góp phần phát triển luận điểm về quốc gia của Renan với lý thuyết về "lòng yêu nước hiến định" của ông. Trong quyển Die Einbeziehung des Anderen – Studien zur politischen Theorie (Hòa nhập người khác – Nghiên cứu trong học thuyết chánh trị, 1996), Habermas đề xuất một khái niệm quốc gia mang tánh mở rộng và công dân dựa trên các nguyên tắc dân chủ và hiến pháp. Theo ông, trong các xã hội đa nguyên và hiện đại, sự gắn bó của công dân không nên hướng vào những đặc tánh sắc tộc hay văn hóa mà tới các giá trị phổ quát được ghi trong hiến pháp của một nhà nước dân chủ, như nhân quyền, công lý và sự tham gia của công dân. Khái niệm này nhằm tránh những tha hóa của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi vì nó cung cấp một khuôn khổ trong đó các nhóm đa dạng của xã hội có thể chung sống hòa bình. Habermas coi quốc gia như một dự án chánh trị trong quá trình hình thành liên tục dựa trên đối thoại và đồng thuận xung quanh những giá trị và nguyên tắc dân chủ.
Tư tưởng của Habermas được Brigitte Krulic bổ túc. Công trình nghiên cứu của bà cho thấy rằng các khái niệm về quốc gia và chủ nghĩa quốc gia đã tiến hóa qua thời gian dưới ảnh hưởng của những thay đổi địa chánh và các chuyển biến xã hội do cuộc toàn cầu hóa tạo ra. Trong cuốn La Nation, une idée moderne (Quốc gia, một ý niệm hiện đại, 1999), Krulic cho thấy là các quan điểm của Fichte và Renan, thay vì đối lập với nhau, lại bổ sung cho nhau trong hầu hết các trường hợp, nếu không phải là tất cả.
Chia sẻ một tôn giáo, một chữ viết và một ngôn ngữ - ngay cả khi chúng chỉ còn có chức năng nghi lễ - và một nguồn gốc chung - dù được chứng minh hay được tưởng tượng - đã giúp người Do-thái duy trì ý chí sống chung trong gần hai ngàn năm lưu vong trước khi họ khôi phục nước Israel vào giữa thế kỷ XX. Bà phân tách quốc gia như một cấu trúc hiện đại xuất hiện cùng với các cuộc cách mạng thế kỷ XVIII và XIX. Krulic đưa ra một quan điểm tản quyền và linh hoạt về quốc gia, những đặc tánh không có không được trong bối cảnh toàn cầu hóa và trào lưu đa dạng hóa. Bà nhấn mạnh rằng quốc gia đã chuyển từ một thực thể sắc tộc - văn hóa sang một cộng đồng chánh trị dựa trên ý chí sống chung, "một không gian liên đới" nói theo Tập hợp Dân chủ nguyên (Khai sáng Kỷ nguyên Thứ hai, 2015) mà các điều kiện cần thiết để xây dựng và duy trì quốc gia là dân chủ và đa nguyên trên mọi khía cạnh.
Quốc gia không phải là một thực thể cố định hay vĩnh cửu, mà là một khái niệm được liên tục tái định nghĩa. Nó là một công cuộc xây dựng tự nguyện dựa trên quyết tâm sống chung, trong đó sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa hay tôn giáo có thể đóng vai trò quan trọng, nếu không là cần hay đủ. Đồng thời, đó là một nhu cầu hiện đại do nhà nước đặt ra khi những thách thức do toàn cầu hóa và sự trở lại của các chủ nghĩa dân tộc mà chúng ta đã từng nghĩ là thuộc dĩ vãng, làm cho cần thiết việc phát minh những hình thức liên kết mới phù hợp với các "thử thách và hy vọng" đương đại. Những tầm nhìn khác nhau này cho thấy rằng quốc gia là một ý tưởng sống động, được hình thành từ những cuộc đấu tranh, nhu cầu và ước mơ của mỗi thời đại. Trong một bài viết sắp tới, chúng ta sẽ cố gắng xem xét mức độ mà các khái niệm khác nhau này có thể áp dụng cho Việt Nam hay không.
Diệp Tuờng Bảo
Tham khảo