Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Tôi nhớ quê hương tôi, nhiều khi trào nước mắt...". Những câu văn của Phan An nhiều khi cứ bật lên, văng vẳng trong đầu mỗi lúc ngồi suy nghĩ một mình.

khoc1

Một tổ chức muốn đại diện cho một tương lai phải đến của dân tộc phải có một tư tưởng chính trị để thuyết phục và động viên người dân

Lũ lại về, dồn dập. Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình đã có 15 người chết, 13 người mất tích. Đọc tin xong sao mà lòng cảm thấy buồn quá. Năm nào cũng vậy, rừng thì vẫn cứ chặt cho bằng hết, thủy điện vẫn cứ xả lũ vô tâm mà không có một cảnh báo hay tính toán an toàn nào đến sinh mạng của người dân. Không nhẽ mạng người Việt bị xem thường như vậy sao ?

Đọc những hoàn cảnh bi đát đang diễn ra hàng ngày trong xã hội, có đôi khi tôi tự hỏi làm người Việt để làm gì ? Yêu nước để làm gì khi mà đất nước với nhiều người Việt chỉ là những trạm BOT mọc lên như nấm sau mưa để tận thu thuế người dân ; đất nước chỉ là những tủi nhục, nước mắt của những người công nhân sau những ngày lao động kiệt sức trong công xưởng rồi sinh hoạt chung 4,5 người trong một không gian chật hẹt 15, 16m2 ; đất nước cũng là những lần người mẹ mặt lấm tấm mồ hôi vác vội cái đòn gánh bếp than còn đỏ lửa cùng nồi tàu hũ "chạy" trật tự đô thị dẹp vỉa hè ; hay đất nước khắc sâu trong hình ảnh những đứa bé chỉ hằn lên nét mặt gầy guộc của cha, vẻ lo âu của mẹ khi bồng bế tụi nhỏ trên chiếc xe máy cọc cạch đi trên đường lộ mà thôi...

Người Việt mình sao khổ quá ! " Tôi yêu quê hương tôi, nhiều khi trào nước mắt...".

Đất nước chúng ta đỗ vỡ nhiều hơn chúng ta tưởng. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề và ngày một bị hủy hoại vì những dự án nhà máy nhiệt điện, nhiệt than mà Trung Quốc đang muốn tống khứ sang Việt Nam càng nhanh càng tốt. Kinh tế bị méo mó vì núi nợ của những tập đoàn quốc doanh, tệ hối mại quyền thế và sự cấu kết trong lãnh vực đầu cơ bất động sản... Giáo dục, đào tạo và văn hóa xuống cấp trầm trọng. Dù là một người yêu nước bình tĩnh nhất chắc chắn cũng phải bất giác thốt lên rằng : "Người Việt còn phải chịu bao nhiêu tai ương nữa đây ?".

Nhưng cái làm tôi lo lắng nhất đó là sự chia rẽ trong lòng người. Ý thức quốc gia của mẫu số chung người Việt quá yếu. Sự quyến luyến, nhung nhớ với mảnh đất quê hương chưa thể gọi là ý thức quốc gia và nhiều khi phát tác quá mạnh làm cho khoảng cách về lòng người giữa các vùng, miền càng thêm xa cách. Chúng ta không lắng nghe nhau, không hiểu nhau và không muốn gọi nhau là anh em dù gần hết thảy nói cùng một ngôn ngữ. Tại sao vậy ?

Chỉ có thể lý giải rằng dân tộc ta đã chịu quá nhiều vết thương mà chưa có cơ hội để giãi bày, để hiểu nhau thật sự cho đến khi chữa lành vết thương. Lịch sử của đất nước ta là lịch sử của những cuộc nội chiến, của những cuộc bách hại người công giáo cho đến gần đây nhất là cuộc nội chiến Bắc- Nam. Trong bất cứ thời điểm quan trọng của dân tộc, chúng ta đã luôn chọn bạo lực làm cách giải quyết xung đột chỉ vì thiếu vắng một tư tưởng chính trị làm đồng thuận căn bản.

Đảng cộng sản đã chiến thắng nhưng họ đã không nhận thức rõ cơ hội để hàn gắn đất nước mà tiếp tục hăng say bảo vệ một chủ nghĩa mà nhân loại đã vứt bỏ vào sọt rác. Để rồi trong suy nghĩ của nhiều người Việt hôm nay vẫn là những đau đớn hằn lên cơ thể lẫn tâm hồn khi nghĩ về những thuyền nhân, những trại tù cải tạo hay cuộc sống bí bách, bế tắc đến cùng cực của thời bao cấp.

Ngày hôm nay, đất nước chúng ta đang đi đến một sự đổ vỡ trong lòng người, ý niệm quốc gia có thể sẽ bị tan rã hoàn toàn nếu như không còn ai cảm thấy gắn bó hay phấn đấu vì đất nước nữa. Chúng ta là một dân tộc có rất nhiều vấn đề khẩn thiết, nhưng khẩn thiết nhất là tìm một cơ hội để xây dựng lại đất nước, khôi phục lại lòng yêu nước còn sót lại. Quốc gia sẽ không phải là những tấm panel đỏ chót gắn những khẩu hiệu tuyên truyền lố bịch nữa, quốc gia sẽ không phải là những hạch sách của cơ quan công quyền hay điều 88, điều 79, công an và trại giam nữa.

Quốc gia phải được quan niệm như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung ở đó mỗi người Việt Nam đều được nhìn nhận chỗ đứng ngang nhau với đầy đủ các quyền con người trong bản tuyên ngôn phổ quát về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên là mệnh lệnh lương tâm với những người yêu nước.

Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chúng tôi xác định rằng bốn điều kiện cần và đủ của một cuộc cách mạng về dân chủ như sau :

- Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi.

- Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể.

- Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.

- Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.

Hai điều kiện đầu chúng ta đã có. Việc còn lại phải làm là hoàn tất điều kiện thứ ba, nghĩa là đạt tới đồng thuận trên một dự án chính trị, và xây dựng điều kiện thứ tư, nghĩa là hình thành một kết hợp dân chủ có tầm vóc.

Trong bài viết "Nhìn lại hai cuộc cách mạng", tác giả Nguyễn Gia Kiểng có chia sẻ như sau :

"Cách Mạng Tháng 8 đã là một thời điểm hừng hực khí thế. Chưa bao giờ mà dân tộc Việt Nam được động viên tới mức độ đó. Cuộc cách mạng dân chủ sắp tới sẽ là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng sẽ là cuộc cách mạng thông minh nhất và đáng có nhất, nhưng chắc chắn nó sẽ không sôi động như Cách Mạng Tháng 8 vì nó sẽ diễn ra dưới sự kiểm soát của lý trí. Nhưng muốn có cuộc cách mạng này thì trí thức Việt Nam phải đầu tư hơn nữa vào tư tưởng. Họ phải ý thức ít nhất hai điều. Một là trí thức bao giờ cũng phải là người phát ngôn của đất nước, tư tưởng của trí thức cũng là tư tưởng của quần chúng. Hai là không có dân tộc nào không có triết lý cả, dân tộc nào cũng có triết lý của mình và hành động theo triết lý đó. Khi không có một triết lý đúng và lành mạnh là người ta có một triết lý sai và bệnh hoạn, và bị dẫn dắt vào thảm kịch".

Chúng tôi hy vọng rằng trước một cơ hội lịch sử để đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên của dân chủ, dứt khoát từ bỏ văn hóa nô lệ, trí thức Việt Nam cần hiểu rằng tranh đấu chính trị luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức và là giữa các tổ chức chính trị với nhau.

Một tổ chức muốn đại diện cho một tương lai phải đến của dân tộc thì phải luôn có một tư tưởng chính trị để thuyết phục và động viên người dân cũng như phản ánh được hiện tình của đất nước trong hiện tại và trong cả tương lai.

Việt Dân

(12/10/2017)

Published in Quan điểm