Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đọc một status trên facebook của blogger Nguyễn Thị Bích Ngà nói về tranh luận và hệ quy chiếu, người viết thấy đa số người Việt vẫn thường lầm lẫn giữa hai khái niệm Tranh Luận và Thảo Luận.

Giải thích về nghĩa chữ Tranh Luận, Bích Ngà dẫn tự điển Hán-Việt của Thiều Chửu và quan niệm rằng tranh luận là để học hỏi, mở rộng kiến thức...

thaoluan1

Thảo luận không có nghĩa là Ban lãnh đạo Đảng nói, cấp thừa hành nghe - Ảnh minh họa.

Trong status của mình, Bích Ngà nói về hệ Quy Chiếu trong tranh luận như sau.

Trích : "Nghĩa là hai người cùng nói về một vấn đề nhưng với hai góc nhìn về sự việc hoàn toàn khác nhau. Người ta làm một ví dụ : Đặt một quả bóng hai màu đen trắng lên bàn. Nửa phải màu đen, nửa trái màu trắng. Gọi hai người đến đứng bên phải và trái quả bóng và bảo họ nhận xét quả bóng màu gì. Người đứng bên phải quả bóng bảo quả bóng màu đen, người đứng bên trái bảo quả bóng màu trắng. Họ có thể cãi nhau đến sáng, bên nào cũng có lý đúng và lý sai. Là bởi họ không cùng một hệ quy chiếu".

Một blogger khác, bạn Quang Phan cũng đặt câu hỏi : Tranh Luận là gì ? Bạn Quang lý luận không sai nhưng lạc đề. Trong tranh luận, vấn đề đầu tiên được đặt ra là mục đích cuộc tranh luận là gì, sau đó là hệ quy chiếu. Thí dụ : Cuộc tranh luận của hai ứng cử viên tổng thống giữa 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ về vấn đề "Làm thế nào để tăng trưởng kinh tế, giảm thất nghiệp". Tất nhiên mọi chuyện, trên nguyên tắc, sẽ chỉ bàn đến những số liệu, dữ kiện trong quá khứ, thành quả hay thất bại của các đời tổng thống trước, sau đó nói đến chính sách, kế hoạch mà hai đảng đưa ra.

Mục đích của cuộc tranh luận này, tất nhiên để giành phiếu cử tri và hai ứng viên có quyền khích bác, chê bai, chế nhạo, diễu cợt... đối phương. Hệ quy chiếu sẽ là các chính sách, kế hoạch như giảm thuế cho tầng lớp nào để đẩy mạnh sản xuất, tăng đầu tư, tăng lương cho công nhân hay giảm tiền lời nhà băng, điều nào có lợi hơn… ?

Cuộc tranh luận sẽ không đi đến đâu khi một ứng viên chỉ tấn công cá nhân, nói xấu, bới móc nhắm vào đời tư, vào chuyện trai gái, ăn chơi hay bằng cấp... của đối phương thay vì nói đến các trì trệ kinh tế mà đất nước đang gặp cùng những biện pháp, chính sách mà chính phủ trong tương lai (hứa) sẽ thực hiện khi trở thành tổng thống.

Nhưng vì mục đích chính là để giành phiếu cử tri nên mọi chiến thuật, dù bẩn thỉu, đê tiện đều được sử dụng tối đa nhằm đánh bại đối phương, việc giữ đúng hệ quy chiếu là chỉ nói đến vấn đề kinh tế không còn giá trị. Cử tri là quần chúng, đa số sẽ dễ tin vào những vấn đề giật gân, gây sốc hơn là quan tâm đến vấn đề chính sách thuế nào sẽ được áp dụng, làm sao để kềm hãm lạm phát...

Nếu kém bản lãnh, ứng viên còn lại sẽ bị khích động, mất bình tĩnh, sa đà vào những chuyện ruồi bu, tìm cách chứng minh những điều đối phương tiết lộ chỉ là vu khống mà quên đi mục đích chính là trình bày những sách lược về kinh tế khi đắc cử tổng thống sẽ được thực hiện.

Thảo luận khác với tranh luận vì thảo luận là bàn bạc, tìm sự đồng thuận giữa những ý kiến khác nhau, tức là mổ xẻ những ý kiến khác biệt để lấy quyết định chung. Thảo luận một biện pháp tốt nhất để giải quyết các vấn đề đang bị tồn đọng.

Hai bạn Bích Ngà và Quang Phan đều đúng vì mỗi người đặt cho mình một hệ quy chiếu riêng, ngay từ khi định nghĩa thế nào là Tranh Luận. Khi quan niệm khác nhau về nghĩa của tranh luận thì có cãi tới tết ma-rốc cũng chẳng đi đến đâu.

Theo thiển ý của tôi, trước khi tranh luận cần đặt mục đích cho rõ rệt, tranh luận để làm gì ?

Nếu để học hỏi lẫn nhau, nâng tầm hiểu biết, tập lý luận, mở mang kiến thức thì định nghĩa của Bích Ngà chẳng có gì sai và việc đặt hệ quy chiếu cho thống nhất là hợp lý.

Còn định nghĩa như bạn Quang Phan dù hơi khác (chút đỉnh) cũng đúng. Mục đích các cuộc tranh luận theo Quang Phan là giành phần thắng, cần đè bẹp đối thủ bằng tiểu xảo hay thủ đoạn như gài độ, khích bác, tấn công cá nhân, khiến đối phương mất bình tĩnh, phẫn nộ, không kiểm soát được bản thân, lý luận sẽ rối loạn... Khi địch thủ bình tĩnh, né được các ngón đòn phủ đầu thì lúc đó mới cần đến kiến thức để (bắt đầu) tranh luận.

Nếu đã từng xem những cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống Mỹ (nhất là cặp Donald Trump-Hillary Clinton) thì quan niệm của Quang Phan về Tranh Luận đúng hết sẩy con cào cào. Mục đích của các cuộc tranh luận này là giành phiếu cử tri nên tất cả các đòn tung ra dù có bẩn thỉu, tệ hại đi nữa thì cứu cánh sẽ biện minh cho phương tiện.

Tuy nhiên, bạn Quang Phan sai khi nói đến thí dụ đi Sứ để biện luận ý nghĩa chữ Tranh Luận. Đi Sứ cho đất nước là đi điều đình (negotiate), không phải đi tranh luận (debate). Khi đi Sứ, người đi Sứ cần sự khôn ngoan, kiến thức, sự mềm dẻo, kinh nghiệm, khả năng đàm phán, hiểu biết đối phương, hiểu biết mình, biết tiến, lùi đúng lúc... Hoàn toàn không thể áp dụng biện pháp dùng tiểu xảo, khích bác hay sắc bén về lý luận để đạt phần thắng.

Còn thảo luận hoàn toàn có nghĩa khác với tranh luận. Thảo luận là trình bày ý kiến, nhận định khác nhau để tìm giải pháp tốt nhất cho một vấn đề, vì thế không cần phải nói đến hệ quy chiếu hay tranh giành hơn thua ở đây. Sau các cuộc thảo luận cần phải có được kết quả, một sự đồng thuận cho vấn đề được đặt ra, đôi khi cần sự biểu quyết.

Bây giờ trước những vấn đề của đất nước, dân tộc, chúng ta cần thảo luận hay tranh luận ?

Thạch Đạt Lang

(7/5/2018)

Additional Info

  • Author Thạch Đạt Lang
Published in Quan điểm