Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 20 mai 2020 10:37

Trung Quốc gây hấn để co cụm

Sự kiện gây chú ý trên thế giới thời gian qua là việc Trung Quốc đang "gây hấn" với cả thế giới. Đầu tiên là với Việt Nam. Hôm 17/04/2020, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc về Biển Đông, khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của họ và đang bị Việt Nam chiếm giữ bất hợp pháp. Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải rút toàn bộ khỏi hai quần đảo này. Trung Quốc đã sử dụng công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng (1958) như là một bằng chứng khẳng định chủ quyền của họ tại Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đe dọa sẽ dùng vũ lực nếu cần thiết.

Tướng Trung Quốc, Kiều Lương trong một bài trả lời phỏng vấn còn tuyên bố : "Trung Quốc muốn chiếm Đài Loan và khẳng định thế bá quyền của mình với thế giới".

Báo chí Trung Quốc cũng cho rằng hai nước Trung Á là Kyrgyzstan và Kazakhstan từng thuộc về Trung Quốc.

Trung Quốc bị Nepal phản đối khi cho rằng đỉnh Everest thuộc về Tây Tạng, Trung Quốc.

Mới đây (9/5/2020) đã xảy ra một cuộc đụng độ bằng súng tại biên giới Trung Quốc - Ấn Độ…

antrung1

Hôm 9/5/2020 đã xảy ra đụng độ quân sự tại biên giới Trung Quốc-Ấn Độ - Ảnh minh họa

Tại Châu Âu, các đại sứ Trung Quốc đã trở thành các "chiến binh sói" khi "gây hấn" công khai với nhiều nước. Trung Quốc vu khống và xúc phạm Pháp là để cho người già chết trong các trại dưỡng lão mà không được chăm sóc. Trung Quốc yêu cầu chính phủ Đức phải lên tiếng công khai cám ơn Trung Quốc trong đại dịch Covid-19 khiến tổng biên tập báo Bild, Julian Reichelt viết một bức thư chỉ trích đích danh Tập Cận Bình. Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển lên truyền hình đe dọa và cáo buộc các phóng viên Thụy Điển đã can thiệp vào nội bộ Trung Quốc qua các bài viết của họ…

Trung Quốc cũng đã khai thác triệt để những khó khăn và bối rối của các nước Châu Âu trong đại dịch Covid-19 để chia rẽ họ bằng chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" và viện trợ y tế dành cho các nước thân thiện với Trung Quốc.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Úc đang xấu đi nhanh chóng khi chính quyền Úc kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập tìm hiểu về nguyên nhân và nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Trung Quốc phản ứng dữ dội và cho rằng Úc lợi dụng để "tấn công chính trị" nhắm vào họ. Tuy thế đến nay đã có 120 quốc gia lên tiếng ủng hộ tiến hành điều tra độc lập về đại dịch này. Trung Quốc trả đũa Úc bằng cách tăng thuế 80% đối với lúa mạch của Úc và cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 công ty Úc.

antrung2

Quan hệ Trung Quốc và Úc đang xấu đi. Ảnh Nữ Bộ trưởng ngoại Úc Maryse Payne yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về căn nguyên xuất xứ siêu virus Covid-19

Quan hệ Trung Quốc - Mỹ ngày càng xấu đi thì ai cũng đã rõ. Một đòn giáng mạnh vào chính quyền Trump là việc Trung Quốc không thực thi những cam kết trong thỏa thuận "đình chiến thương mại" ký hồi đầu năm 2020, rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ trong hai năm, đặc biệt là 32 tỉ USD hàng nông sản Mỹ. Trump đe dọa trả đũa nếu Trung Quốc nuốt lời, thậm chí là có thể cắt quan hệ hoàn toàn với Trung Quốc.

Với chừng đấy sự kiện thì chúng ta đã có thể thấy được quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trên khắp năm châu đang xấu đi. Vậy câu hỏi đặt ra là Trung Quốc muốn gì ? Tại sao Trung Quốc lại hành động như vậy ? Phải chăng Trung Quốc muốn nhân đại dịch Covid-19 để xác lập vai trò bá chủ thế giới thay thế Mỹ ?...

Trước hết, vì sao phải phân tích tình hình thế giới ? Câu trả lời đó là để "dự báo tương lai". Trái với ý kiến của một số người là quan tâm đến thế giới làm gì, tập trung lo cho Việt Nam đi…Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cho rằng vì Việt Nam là một nước nhỏ, rất phụ thuộc vào thế giới vì vậy phải quan tâm, tìm hiểu và nghiên cứu về thế giới. Hơn ai hết, Việt Nam phải biết thế giới sẽ đi đâu về đâu, họ nghĩ gì và sẽ làm những gì, trong hiện tại lẫn tương lai. Chỉ khi hiểu rõ và dự đoán đúng hướng đi của thế giới thì Việt Nam mới có được những chính sách và hoạch định đúng đắn cho các kế hoạch phát triển đất nước.

Không có ai có thể đoán đúng được hoàn toàn tương lai nhưng nếu không có những dự đoán tương đối thì Việt Nam sẽ lẽo đẽo chạy theo thế giới và tụt hậu là điều đương nhiên. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đưa ra nhiều dự đoán đúng dựa trên những cơ sở rõ ràng và lý luận, phân tích dựa trên những cơ sở đó. Chúng tôi đã dự đoán về tình trạng nguy cấp của nền kinh tế Trung Quốc từ nhiều năm trước, đặc biệt là 3 bài viết về Trung Quốc của ông Nguyễn Gia Kiểng năm 2018 (*).

Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 thì chúng tôi đã nhận định rằng Trung Quốc sẽ rút lui và co cụm lại thay vì bành trướng ra thế giới. Dự án Vành đai và Con đường sẽ thất bại sau khi mang lại cho Trung Quốc một đống nợ không thể đòi. Sự thực đang diễn ra như vậy. Không ai còn nhắc gì đến dự án Vành đai và Con đường từ mấy năm nay.

Chúng tôi cũng nhận định là Trung Quốc chỉ khiêu khích và gây rối ở Biển Đông chứ không gây xung đột vũ trang như nhiều người Việt Nam lo lắng vì Trung Quốc là một đế quốc, họ chỉ bành trướng khi mạnh và thường co cụm lại khi yếu và có nhiều vấn đề nội bộ trong nước.

Chúng tôi cũng nhận định rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như giữa Trung Quốc và thế giới chỉ có thể xấu đi, và muốn hay không thì các công ty Mỹ và Châu Âu cũng phải rút khỏi thị trường Trung Quốc và Trung Quốc sẽ bị thế giới bao vây, cô lập. Lý do cũng dễ hiểu. Trung Quốc đang mạnh lên và có tham vọng trở thành cường quốc số 1 thế giới trong khi vẫn duy trì chế độ độc tài và từ chối mọi giá trị phổ cập về quyền con người. Đại hội 18 của Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2012 đã xác định một tham vọng, qua lời của Tập Cận Bình là đến năm 2049, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc mạnh nhất thế giới trong đó có quân đội. Đây là một đe dọa công khai đối với Mỹ. Theo qui luật Thucydides thì sự tranh hùng giữa hai cường quốc Mỹ-Trung là điều không thể tránh khỏi.

antrung3

Theo qui luật Thucydides thì sự tranh hùng giữa hai cường quốc Mỹ-Trung là điều không thể tránh khỏi.

Chính quyền Mỹ dưới thời Obama đã nhận ra điều đó. Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ra đời nhằm mục đích đó. Các cuộc thăm viếng giữa Mỹ và Việt Nam trở nên dồn dập và đỉnh điểm là cuộc viếng thăm Mỹ của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7/2015 và sau đó là của Obama đến Việt Nam tháng 5/2016. Tại Hà Nội, Obama đã tuyên bố rất rõ là Mỹ sẽ luôn ở bên cạnh Việt Nam.

Kế hoạch "bỏ Tàu theo Mỹ" đã manh nha từ đó và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhận định từ lâu là Đảng cộng sản Việt Nam không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc "đi theo Mỹ" và các nước dân chủ. Nếu trong những ngày sắp tới Việt Nam có kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc về Biển Đông thì cũng không có gì lạ. Sẽ có nhiều chuyển biến trong quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc và Mỹ trong thời tới.

Quay trở lại với câu hỏi vì sao Trung Quốc lại gây hấn với cả thế giới và để làm gì ? Nếu thực sự cần đến thế giới để giao thương như trước đây thì Trung Quốc có làm như vậy không ? Tất nhiên là không. Trung Quốc không còn cần đến thế giới nữa. Trung Quốc đã lấy quyết định rút lui và co cụm lại. Covid-19 khiến Trung Quốc có lý do để đẩy nhanh quá trình này. Với lãnh thổ rộng lớn và dân số 1,4 tỉ người như hiện nay, Trung Quốc có thể tự cô lập và sống khép kín như Bắc Triều Tiên. Đó là toan tính của Tập Cận Bình.

Theo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì sự co cụm đó chỉ kéo dài thời gian sụp đổ của Trung Quốc chứ không thể ngăn chặn. Liên Xô cũng rút lui và co cụm lại nhưng chỉ 3 năm sau thì tan rã. Trung Quốc đã hội nhập rất sâu rộng với thế giới và người dân Trung Quốc đi ra nước ngoài làm ăn, du lịch rất nhiều. Họ càng ngày càng hiểu biết và có sự so sánh giữa Trung Quốc và thế giới. Hơn nữa, có một văn bản bất thành văn là Đảng cộng sản Trung Quốc độc quyền lãnh đạo nhưng phải tăng trưởng kinh tế. Khi tăng trưởng kinh tế chấm dứt thì khủng hoảng xã hội sẽ nổ ra và sẽ lan sang chính trị.

Trung Quốc là một thùng thuốc súng sắp nổ. Điều đáng lo ngại nhất là Việt Nam đang sống cạnh thùng thuốc nổ đó. Nếu đất nước không được quản lý bởi một chính phủ có hiểu biết và có viễn kiến thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn từ đám cháy Trung Quốc. Đảng cộng sản Việt Nam không phải là một chính phủ như vậy. Họ không có bất cứ viễn kiến gì mà chỉ biết giữ quyền lãnh đạo đất nước đến đâu hay đến đấy, với mong muốn tồn tại được ngày nào hay ngày đấy. Công hàm của Phạm Văn Đồng là một ví dụ. Một ví dụ nữa là dù đã chọn "bỏ Tàu theo Mỹ" nhưng Đảng cộng sản Việt Nam vẫn khăng khăng giữ chế độ độc tài toàn trị. Thay vì mở rộng và dân chủ hóa đất nước dần dần thì họ chọn cách siết chặt lại. Chính quyền vẫn tiếp tục bắt bớ và đàn áp các tiếng nói bất đồng. Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, giáo viên trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An bị kết án 11 năm tù vì đã phổ biến những bài hát chống Trung Quốc và cổ vũ cho dân chủ. Với nội bộ thì ngay cả dân chủ tối thiểu trong đảng cũng không còn. Mọi nhân sự cho đại hội 13 đều được "cơ cấu" và lựa chọn từ trước bởi Tiểu ban nhân sự do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

antrung4

Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, giáo viên trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An bị kết án 11 năm tù vì đã phổ biến những bài hát chống Trung Quốc và cổ vũ cho dân chủ.

Thế giới thay đổi nhanh chóng, từng ngày, từng tháng trong khi đó lực lượng chính trị lãnh đạo đất nước là Đảng cộng sản vẫn mang nặng tư duy của thế kỷ 19, vẫn hô hào kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin, một chủ nghĩa bị cả thế giới lên án là tội ác chống lại loài người. Việt Nam không thể có tương lai dưới chế độ này. Câu hỏi là bao giờ thì trí thức Việt Nam mới dám nghĩ và dám tiếp tay ủng hộ cho một giải pháp mới, của một tổ chức chính khác, ngoài Đảng cộng sản ?

Việt Hoàng

(20/05/2020)

(*) Hồ sơ về sự sụp đổ của Trung Quốc (Nguyễn Gia Kiểng)

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm

Châu Âu : Mối đe dọa mang tên Donald Trump

Thời gian qua, Châu Âu đã phải "tập chịu đựng" tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Và giờ đây, Liên Hiệp Châu Âu lại phải đối đầu với nhân vật thứ ba tự xưng là "người thực thi công lý". Đó là tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ông Trump cũng là vị tổng thống Mỹ đầu tiên công khai ngờ vực lợi ích Liên Hiệp Châu Âu và sự bảo trợ của Mỹ đối với "Cựu lục địa".

chauau1

Hình nộm chế nhạo Trump tại hội giả trang Rosenmontag ở Düsseldorf, thành phố miền tây nước Đức, tháng 2/2016. Ảnh : Wikimedia

Trong bài viết có tiêu đề "Liên Hiệp Châu Âu cảm thấy bị đe dọa", nhật báo thiên hữu Le Figaro cho biết là 12 ngày sau khi Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng, việc tân tổng thống Mỹ "tính sổ" Châu Âu vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, 28 nước thành viên Liên Hiệp vẫn hết sức cảnh giác. Liệu Liên Hiệp sẽ phải "đáp trả" Donald Trump kiểu "ăn miếng trả miếng" theo như gợi ý của tổng thống Pháp François Hollande ? Hay Châu Âu sẽ giữ bình tĩnh theo lời khuyên của thủ tướng Đức Angela Merkel ?

Le Figaro nhận định là tại Châu Âu, sự lo ngại đang nối tiếp mối hoài nghi : Donald Trump có thể hành động bất ngờ, giống như việc ký sắc lệnh cấm công dân 7 nước Hồi Giáo nhập cảnh vào Mỹ. Nỗi lo sợ của các nước Châu Âu là có cơ sở, vì ngay cả chủ tịch Hội Đồng Châu Âu - ông Donald Tusk - cũng khẳng định là Châu Âu rất có thể là "nạn nhân" tiếp theo của Donald Trump.

Nhận định là thế giới đang trong vòng "nguy hiểm chưa từng có", chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đã đưa thêm tổng thống Mỹ Donald Trump vào danh sách các mối thách thức của Liên Hiệp Châu Âu. Mối đe dọa từ Donald Trump còn bị Châu Âu coi là nguy hiểm hơn mối đe dọa từ "một nước Nga hiếu chiến", "một Trung Quốc ngày càng tự tin vào sức mạnh bản thân" hay nguy cơ tấn công khủng bố.

Lý do ? Theo chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, đó là vì "có vẻ như Donald Trump đang xét lại 70 năm chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ". Nói cách khác, đó là vì sự ủng hộ của nước Mỹ dành cho Liên Hiệp Châu Âu qua 12 đời tổng thống, từ tổng thống Harry Truman tới tổng thống Barack Obama đang bị tân thổng thống Donald Trump đe dọa loại bỏ.

Le Figaro nhận xét là giống như tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump muốn chia rẽ Liên Hiệp để "dễ bề chèn ép" Châu Âu. Ông Trump đang lấy lòng thủ tướng Anh Therasa May, người bị Châu Âu coi là "ngang bướng", đồng thời lại "dè bỉu, chê bai" thủ tướng Đức Angela Merkel và tìm cách làm suy yếu đồng euro, con át chủ bài của Liên Hiệp Châu Âu. Ông Pierre Moscovici, ủy viên Châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế cũng đã nhấn mạnh là Châu Âu đang bị Donald Trump trực tiếp nhắm tới nhằm làm suy yếu sức mạnh của tổ chức chính trị, kinh tế và thương mại này.

Tuy nhiên, 28 nước thành viên Liên Hiệp chưa có thông tin cụ thể gì từ Nhà Trắng để có thể đưa ra ý kiến cứng rắn trong hội nghị thượng đỉnh dự kiến tổ chức ở La Valette (Malte) vào ngày thứ Sáu 03/02/2017. Hiện giờ, mới chỉ có thủ tướng Anh Theresa May là được đón tiếp trong phòng Bầu Dục. Ê kíp ngoại giao của Nhà Trắng cũng chưa đuợc Thượng Viện Mỹ thông qua.

Trong bài diễn văn nhậm chức, thường được coi là kim chỉ nam cho nhiệm kỳ của tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump không hướng tới tranh luận về đề tài Châu Âu. Tổng thống Trump cũng chưa đáp lại lời mời của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương để tổ chức cuộc họp thượng đỉnh không chính thức của NATO. Donald Trump chắc chắn cũng sẽ là khách mời của thủ tướng Đức Merkel trong thượng đỉnh G20, trừ khi tân tổng thống Mỹ coi hội nghị thượng đỉnh G20 là "việc làm mất thời gian" giống như có lần một phát ngôn viên Mỹ đã nói một cách ẩn ý. Đây sẽ là những bài trắc nghiệm về quan hệ Mỹ - Châu Âu. Le Figaro kết luận "Hãy cùng chờ đợi và đón xem".

Bầu cử tổng thống Pháp : ứng viên Fillon sẽ gặp nhiều khó khăn vì vụ tai tiếng của vợ.

Về thời sự nước Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết tuần báo trào phúng Le Canard enchaîné ra ngày hôm nay lại tiết lộ rằng bà Penelope Fillon, vợ của ứng cử viên cánh hữu François Fillon trên thực tế đã lĩnh tổng cộng hơn 900 ngàn euro, chứ không phải chỉ có 500 ngàn euro như đã nêu trước đó, trên cương vị trợ lý nghị sĩ và cộng tác viên một tạp chí văn học, và trong thời gian dài hơn rất nhiều so với trong lời khai của ông Fillon với các nhà điều tra. Còn hai người con của cựu thủ tướng Pháp, khi còn là sinh viên chứ chưa phải luật sư, cũng đã nhận lương tổng cộng hơn 84.000 euro với tư cách trợ lý nghị sĩ chứ không phải cho "những nhiệm vụ cụ thể" như lời khai của ông Fillon.

Cho tới nay, ông Fillon vẫn bác bỏ những lời cáo buộc của tờ Le Canard enchaîné và coi đó là "một chiến dịch vu khống rất chuyên nghiệp và có tầm sâu rộng". Ứng viên cánh hữu Fillon cũng khẳng định vẫn rất "bình tâm và tự tin trong khi chờ đợi cuộc điều tra khép lại".

Tuy nhiên, các tiết lộ theo kiểu "phim nhiều tập" liên quan tới bà Penelope Fillon đã làm cánh hữu hết sức lo lắng về thất bại của đảng Những Người Cộng Hòa trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp. Một lãnh đạo của đảng Những Người Cộng Hòa thốt lên : "Hoặc mọi việc sẽ ổn, hoặc tất cả sẽ hỏng bét !". Một nghị sĩ của đảng này thì chán nản nói : "Cứ thêm một tiết lộ mới, chúng ta lại phải chịu đựng thêm". Một nghị sĩ khác thuộc đảng Những Người Cộng Hòa lại cho biết tinh thần của đảng này đang xuống ở mức thấp nhất.

Cánh hữu đặc biệt lo ngại ứng viên Emmanuelle Macron, vị cựu bộ trưởng kinh tế trẻ tuổi nổi tiếng với phong trào "Tiến bước", sẽ tận dụng bối cảnh nhạy cảm này để ghi điểm với cử tri.

Một lãnh đạo của đảng Những Người Cộng Hòa khẳng định không "chơi" phương án dự phòng. Những người ủng hộ ông Alain Juppé, ứng viên về thứ hai trong vòng bầu cử sơ bộ của phe cánh hữu, đã hủy một cuộc họp để không làm ảnh hưởng hơn nữa đến tinh thần của ông Fillon và tránh gây cảm giác là đang chuẩn bị phương án B là ông Juppé sẽ thay ông Fillon ứng cử tổng thống. Tuy nhiên, tờ báo Les Echos khẳng định mọi thành viên cánh hữu đều nghĩ tới điều đó.

Pháp : Kinh tế khả quan hơn một chút

Tăng trưởng kinh tế của Pháp năm 2016 chỉ đạt 1,1%, so với tỷ lệ 1,2% đạt được năm 2015 và cách xa mục tiêu 1,4% mà chính phủ đề ra. Pháp và Ý nằm trong nhóm tăng trưởng kinh tế thấp nhất Liên Hiệp Châu Âu. So với mức tăng trưởng của các nước thành viên Châu Âu như Tây Ban Nha (3,2%), Anh Quốc (2%) và Đức (1,9%), thì đối với nhiều người, tỉ lệ tăng trưởng 1,1% của Pháp là đáng thất vọng và "không bình thường".

Tuy nhiên, trong bài viết "Kinh tế Pháp : khá hơn một chút", nhật báo Le Monde đã nêu lên một số điểm cộng cho kinh tế Pháp năm 2016. Người Pháp bắt đầu chi tiêu mạnh tay trở lại nhờ mức lương tăng, trong khi thuế thu nhập lại giảm và sức mua cũng được cải thiện. Thu nhập của người dân, sau khi trừ thuế thu nhập, đã tăng 1,9%.

Bên cạnh đó, số người thất nghiệp cũng giảm cho dù không thật mạnh. Không chỉ do nhiều người trẻ tuổi đăng ký học nghề mà còn nhờ kinh tế Pháp đã tạo ra nhiều việc làm mới, như 160.000 việc làm mới trong lĩnh vực khởi nghiệp về công nghệ hay buôn bán, dịch vụ theo kiểu Uber. Tuy nhiên, điểm yếu là các công việc này thường bấp bênh, không lâu bền.

Ngoài ra, số các doanh nghiệp phá sản cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình cũng đã bắt đầu đầu tư trở lại.

Brasil : "Thảm họa" tài chính

"Ở Brasil, bang nào cũng mắc nợ" là nhận định của tờ báo Le Monde. Lâm vào tình cảnh "thảm hoạ tài chính", các bang Rio và Minas Garais đã cam kết "cứng rắn" với chính quyền liên bang khi Brasilia yêu cầu phải thắt lưng buộc bụng.

Rio có lẽ là bang gặp khó khăn nhất, cần được tháo gỡ sớm nhất. Mỗi ngày trôi qua, bang Rio lại lún sâu hơn vào cảnh hỗn độn. Bước sang năm 2017, khoản nợ của bang Rio đã lên tới 19 tỉ rupi (5.6 tỉ euro).

Tại đại học Rio, 30.000 sinh viên không còn được đến lớp. Các sinh viên được học bổng không còn nhận được tiền sinh hoạt phí. Vệ sinh, trang thiết bị và cả an ninh đều không được đảm bảo. Đây cũng là tình cảnh chung ở nhiều bệnh viện, sở cảnh sát, nhà tù và các cơ quan hành chính ở bang Rio.

Bà Tania Costa, 51 tuổi, nhân viên hành chính ở đại học Rio, phàn nàn là chính quyền liên bang không giải quyết triệt để nạn tham nhũng và quản lý thiếu minh bạch, và đây là gốc rễ của vấn đề. Còn ông Vidal, nhà tư vấn của tổ chức cố vấn chiến lược Prospectiva thì đánh giá là chính quyền các bang đang chi tiêu quá nhiều và không hợp lý, chẳng hạn, số tiền chính quyền bang chi cho lương của nhân viên chiếm tới gần 74% tổng thu của bang, tỉ lệ này là quá cao so với mức 60% quy định.

Thùy Dương

Published in Quốc tế