Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Các anh phải hành động đi chứ ! Đây là câu nói chất vấn Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà tôi đã được nghe rất nhiều lần. "Hành động" ở đây được nhiều người hiểu, và coi trọng nhất là "biểu tình", là vận động quần chúng xuống đường "lật đổ chế độ". Vậy chúng ta sẽ cùng phân tích một chút về những cuộc biểu tình.

tutuong0

Tại sao tư tưởng phải luôn đi trước hành động ?

Năm 2010 chỉ một thanh niên bán rong tự thiêu tại Tunisia đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình lên tới hàng triệu người lật đổ hàng loạt các chế độ độc tài lâu năm tại Trung Đông và Bắc Phi, trong khi đó tại Việt Nam, thảm họa Formosa ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khoẻ của cả triệu đồng bào miền Trung nhưng chỉ có thể kéo được vài nghìn người xuống đường và nhanh chóng bị chế độ đàn áp sau đó. Tại sao ? Có gì khác biệt ở đây ? Tại sao có một số cuộc biểu tình chống chế độ ở một số nước có tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu người tham gia trong khi đó những cuộc biểu tình ở Việt Nam lại chỉ có vài ngàn người ? Cái gì đã đứng sau quyết định những cuộc biểu tình này, quyết định một chế độ độc tài phải chấm dứt hay được phép tồn tại tiếp ?

Chúng ta muốn hành động và kêu gọi hành động, nhưng cái gì quyết định cách chúng ta hành động ? Đó chính là cách chúng ta suy nghĩ. Với một dân tộc, những biến cố sẽ liên tục xuất hiện trong suốt dòng lịch sử, cách một dân tộc "suy nghĩ" sẽ quyết định cách mà dân tộc đó hành động, phản ứng với những biến cố đó, từ đó dẫn tới thực tại. Thực tại đó lại xuất hiện những biến cố, những vấn đề mới, và cách dân tộc đó "suy nghĩ" sẽ lại quyết định hướng đi cho dân tộc đó tiến tới tương lai. Đó là cách mà một dân tộc tiến hóa, và cũng là cách mà lịch sử hình thành, thực tại của giai đoạn trước trở thành lịch sử đối với giai đoạn sau. Cách một dân tộc "suy nghĩ" ở đây chính là văn hóa của dân tộc đó, có thể hiểu là toàn bộ những giá trị được coi là đúng và tạo ra cách suy nghĩ và hành động cho một dân tộc. Như vậy văn hóa của một dân tộc là yếu tố chính viết nên lịch sử của dân tộc đó cũng như quyết định hướng đi của dân tộc đó trong tương lai.

Cùng một sự kiện là đấu tranh giành lại chủ quyền dân tộc nhưng với văn hóa của Việt Nam đã đưa tới cách đấu tranh bằng bạo lực và một bạo quyền được thiết lập sau đó, trong khi đó ở Ấn Độ với văn hóa của họ, cách đấu tranh bất bạo động đã được lựa chọn và cho ra đời một chế độ dân chủ sau đó. Cùng một hiện trạng là sự bất mãn của người dân với người cầm quyền nhưng với văn hóa của các dân tộc Ai Cập hay Tunisia thì họ đã phản ứng bằng những cuộc biểu tình lên tới hàng triệu người rồi kết liễu các chế độ độc tài ở đây trong khi đó ở Việt Nam chỉ đưa tới phản ứng của vài ngàn người, khiến chế độ có thể tiếp tục tồn tại.

Văn hóa là yếu tố chính quyết định hướng đi của lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà trong lịch sử chúng ta chỉ có các chế độ bạo quyền tồn tại trên nền tảng bạo lực. Cách mà dân tộc ta "suy nghĩ" vẫn chưa thay đổi bao nhiêu thì cách chúng ta hành động rồi sau đó là số phận của dân tộc ta làm sao mà thay đổi được. Thể chế chính trị cũng chỉ là một sản phẩm của văn hóa. Cùng một văn hóa thì chế độ độc tài này sụp đổ sẽ chỉ nhường chỗ cho một chế độ độc tài khác mà thôi… đây là điều đã xảy ra hàng nghìn năm tại đất nước ta. Muốn thoát ra khỏi vòng lặp đi lặp lại của các chế độ độc tài, muốn thay đổi được hướng đi của lịch sử thì phải thay đổi được văn hóa truyền thống của dân tộc.

Như vậy trong cuộc vận động dân chủ hiện nay, hành động quan trọng hơn mọi hành động, cố gắng quan trọng hơn mọi cố gắng là phải thay đổi được văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Cuộc cách mạng dân chủ mà chúng ta đang làm về bản chất là một cuộc cách mạng văn hóa.

Đến đây chúng ta đã có thể rút ra một kết luận là những hành động nóng vội, gây tiếng vang nhất thời hay sử dụng bạo lực sẽ không mang lại bất cứ sự thay đổi nào vì đó chỉ là những biến cố nhỏ và không có một tác động nào lên văn hóa. Nó chỉ là sự tiếp nối của một nền văn hóa chính trị cũ kỹ cần phải vứt bỏ, nếu muốn đất nước có một tương lai khác. Những hành động như vậy đã thất bại, sẽ thất bại và chỉ có thể thất bại mà thôi. Chúng ta phải chấm dứt những hành động này để tập trung vào những cố gắng nghiêm túc hơn.

Trước khi tìm hiểu cách để thay đổi được văn hóa truyền thống của dân tộc thì hãy cùng điểm lại những nét chính của văn hóa truyền thống Việt Nam. Trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn ở bài Việt Nho, ông Nguyễn Gia Kiểng đã nêu ra ba nét đậm của văn hóa Việt Nam mà tôi xin tóm tắt lại dưới đây (1). Những đặt tính văn hóa này hiện diện trong mỗi chúng ta vì chúng ta đều là người Việt Nam, chia sẻ với nhau cùng một di sản về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, nên chúng ta đều sẽ dễ dàng thấy được nó nếu trung thực tự xét chính mình.

Dân tộc ta đã "suy nghĩ" như thế nào ?

Nét chính thứ nhất của nền văn hóa Việt Nam đó là tật nguyền của nền văn minh phù sa. Đây là tật nguyền văn hóa không chỉ của riêng Việt Nam mà của mọi nền văn minh nông nghiệp hình thành bên các dòng sông lớn với lưu lượng thường xuyên thay đổi. Những dòng sông này mang lại mùa màng và lương thực tạo điều kiện cho sự hình thành của một nền văn minh, và cũng chính những dòng sông này tạo ra vấn đề lớn nhất mà các nền văn minh sơ khai này phải đối mặt : lũ lụt. Để giải quyền vấn đề này các nền văn minh phù sa đều tồn tại dựa trên các chế độ bạo quyền áp đặt những hi sinh tàn bạo lên xã hội, có khi là hi sinh một phần cộng đồng để đắp và tu sửa đê điều, chính "khế ước bạo quyền" này giúp cộng đồng có thể tiếp tục tồn tại. Cần hàng ngàn năm để đắp nên một con đê ven các dòng sông lớn cũng có nghĩa là nền chính trị bạo quyền này kéo dài cả ngàn năm, tâm lý phục tùng vô điều kiện cho bạo quyền ăn sâu bám rễ vào xã hội. Người dân đã quen với nền chính trị chuyên chính đặt trên nền tảng của bạo lực và đã chấp nhận nó như là một định mệnh.

Di sản của nền văn minh phù sa này là nền chính trị chuyên chính cùng với sự thủ cựu, thiếu sáng kiến và thiếu óc mạo hiểm. Chính sự thủ cựu, thiếu sáng kiến và thiếu óc mạo hiểm làm cho những thành phần gan dạ và bản lĩnh nhất khi lật đổ một nền chế độ chuyên chính cũng chỉ để thiết lập nên một chế độ chuyên chính mới. Vòng tuần hoàn này kéo dài hàng ngàn năm và ngay cả hiện nay chúng ta cũng đang chỉ ở trong "một nhịp" của nó. Chế độ cộng sản vẫn chống đối lại mọi cải tổ trong khi sự thủ cựu, thiếu sáng kiến và thiếu óc mạo hiểm vẫn là những tâm lý ngự trị trong giới lãnh đạo lẫn xã hội Việt Nam, thậm chí là cả giới đấu tranh cho dân chủ. Như vậy nguy cơ một chế độ chuyên chính mới hình thành sau khi chế độ cộng sản sụp đổ cũng không phải là nhỏ khi mà chúng ta vẫn chưa dỡ bỏ được di sản này, dù xã hội ta đã được giải thoát khỏi những con đê chống lũ từ lâu.

Đặc tính tiếp theo của nền văn hóa Việt Nam là Khổng giáo. Khổng giáo có thể xem là một chương trình đào tạo công chức (kẻ sĩ) phục vụ cho vua chúa để cai trị quần chúng. Kẻ sĩ ở đây chỉ là một nghề (nghề làm quan), và muốn làm tốt nghề này thì phải giúp bạo quyền hành hạ dân chúng, có khi là tàn sát dân chúng nếu dân có ý định chống lại bạo quyền kể cả khi người dân có lý do chính đáng để làm vậy, và hơn thế kẻ sĩ cũng phải phục tùng bạo quyền một cách tuyệt đối, vua muốn đánh, muốn thiến, muốn giết cũng phải chấp nhận, muốn giết ba họ cũng phải cam chịu, dù đó là hôn quân cũng phải phục tùng suốt đời vì "tôi trung không thờ hai vua". Một giai cấp sẵn sàng tàn sát cả dân chúng nếu cần, sẵn sàng vứt bỏ nhân cách của mình để được làm nô lệ cho bạo quyền như vậy thì không thể nào có một trách nhiệm gì với dân chúng, với đất nước.

Giới trí thức ngày này chính là "truyền nhân" của những kẻ sĩ ngày trước, không thiếu những trí thức vẫn tự hào về tính "sĩ" của mình. Di sản nặng nề nhất của Khổng giáo chính là thái độ phục tùng bạo quyền cùng với sự vô trách nhiệm với đất nước của giới trí thức, và vì người dân lại hành động theo giới trí thức nên tâm lý này trở thành tâm lý ngự trị trong xã hội Việt Nam.

Di sản này vẫn còn rất nặng tới ngày nay, với những bất công đầy rẫy trong xã hội Việt Nam thì chắc là ai cũng thấy được vấn đề, nhất là giới trí thức. Tuy nhiên khi muốn thay đổi thì phần lớn nếu không muốn nói là tuyệt đại đa số đều lựa chọn cách phục vụ chế độ để cải tiến từ bên trong, hay là hi vọng chế độ tự thay đổi, thay vì đối đầu trực tiếp. Đương nhiên phải có một logic nào đó mà phần lớn trí thức đều đi đến lựa chọn như vậy. Họ hành động theo quán tính, theo những gì cha ông của họ - những kẻ sĩ đã từng làm. (Tôi không có ý xúc phạm họ vì chính tôi, kẻ viết bài này cũng từng suy nghĩ như vậy trước khi có đủ kiến thức để tự xét mình.) Và đương nhiên những hành động theo quán tính thường góp phần củng cố thực tại chứ không phải là thay đổi nó. Lý do thì rất đơn giản. Muốn đánh bại chế độ cộng sản thì trước tiên là phải dám chống lại, sau đó là phải học cách để chống lại nó hiệu quả nhất. Nhưng những trí thức với cái đầu đầy trí tuệ như vậy mà cũng đã cúi xuống để phục tùng bạo quyền thì chỉ làm gương cho quần chúng cúi xuống theo thôi. Làm sao mà người dân dám đứng lên chống lại khi ngay cả những trí thức có trình độ nhất cũng đã lựa chọn thái độ phục tùng ? Chưa nói tới biết cách chống lại.

Ở đây chúng ta thấy rất rõ sự khác biệt giữa kiến thức và văn hóa. Nhiều trí thức hiện nay vẫn cho rằng chưa có dân chủ là do dân trí kém. Điều này sai. Nếu xem dân trí là kiến thức thì trong thời đại này người ta có thể tìm kiếm và học hỏi bất cứ kiến thức gì trên internet, chẳng có sự khác biệt nhiều giữa trí thức và quần chúng. Cái "dân trí" đưa tới dân chủ chính là thái độ, là văn hóa, là cách ứng xử với bạo quyền, là tinh thần dám đấu tranh và là kiến thức chính trị để biết cách phải đấu tranh như thế nào cho đất nước có dân chủ. Về cái "dân trí" này thì trí thức Việt Nam có khi còn thấp hơn quần chúng. Một ví dụ là trong phong trào bỏ đảng trong thời gian gần đây, chỉ có xấp xỉ 20 người dám lấy quyết định phản kháng.

Một đặc tính khác của "hồn tính" Việt Nam là chúng ta đã phải chịu đựng ách nô lệ quá lâu. Chúng ta bị Trung Quốc đô hộ tới cả ngàn năm, và chịu ách nô lệ lâu hơn nữa về văn hóa, tâm lý, về cách tổ chức xã hội. Di sản của đặt tính này có lẽ là sự thiếu tin tưởng vào bản thân mình mà chỉ luôn cố gắng sao chép hay trông chờ kẻ khác. Giới lãnh đạo Việt Nam thì luôn cố bắt chước theo mô hình Trung Quốc, hay mô hình của Nga mà chẳng bao giờ nghĩ tới việc tự tạo ra một mô hình riêng cho mình. Trong khi đó, những người chống cộng hiện nay thì phần lớn đấu tranh với tâm lý tuyệt vọng nhiều hơn hy vọng, họ chẳng có và cũng chẳng muốn tìm cho mình một kịch bản nào mang lại thắng lợi cho dân chủ. Số khác thì chẳng làm gì ngoài việc trông chờ chế độ tự cải tiến, dù trong lịch sử thế giới chưa từng có một chế độ cộng sản nào có thể tự chuyển hóa về dân chủ. Và cũng có một lượng người rất lớn trông chờ vào việc Trump đánh cho Trung Quốc sụp đổ rồi dân chủ sẽ đến với Việt Nam, dù chẳng có cơ sở nào cho niềm tin này. Chúng ta cần vượt lên trên niềm tin mơ hồ và vô căn cứ đó, vì nếu chúng ta không có niềm tin vào chính mình thì chúng ta sẽ chẳng làm được gì cả.

Một di sản khác của truyền thống nô lệ này là chúng ta rất thiếu văn hóa tổ chức, tức là văn hóa để tham gia, xây dựng và phát triển tổ chức. Vì nếu có văn hóa này, những người nô lệ có thể kết hợp lại với với nhau và bẻ gãy ách nô lệ, điều mà những kẻ thống trị không bao giờ cho phép. Hàng ngàn năm sống trong nô lệ đã khiến chúng ta mất luôn phản xạ tổ chức, thế nên kể cả khi muốn chống lại bạo quyền chúng ta cũng không thể vì không có sức mạnh của tổ chức. Khổng giáo lại làm trầm trọng hóa thêm tật nguyền này khi mà đồng hóa làm chính trị với làm quan, có nghĩa là tìm kiếm quyền lực và bổng lộc cho bản thân mình thay vì phục vụ đất nước. Với tâm lý này thì rất khó tham gia và sinh hoạt lâu dài trong các tổ chức, nhất là các tổ chức chính trị vốn là môi trường để đóng góp và hi sinh. Kết quả như chúng ta đã thấy, các tổ chức chính trị cứ thành lập rồi lại tan rã, trong khi các tổ chức đứng đắn thì rất khó mạnh lên được.

Một đặc trưng nữa của nền văn hóa Việt Nam mà tôi muốn nhấn mạnh thêm là chúng ta trải qua chiến tranh quá nhiều, hệ quả là sự hận thù và tinh thần bất dung trở thành tâm lý ngự trị trong tâm hồn dân tộc. Tinh thần bao dung chưa bao giờ là một giá trị được đề cao trong xã hội Việt Nam, mà đã bất dung, thù hận nhau thì làm gì có liên đới dân tộc, tình thần và trách nhiệm với cộng đồng, với dân tộc ? Không có liên đới thì không thể có tinh thần dân tộc, lòng yêu nước. Hiện nay thì chúng ta cũng chỉ mới bớt thù hận nhau, chứ còn lâu mới yêu mến nhau. Chúng ta chỉ dám lên án những hành động bất công, ngược đãi đồng bào của mình, nhưng vẫn có quá ít những người dám dấn thân, dám hành động để giúp đỡ đồng bào của mình.

Tinh thần bất dung cũng có thể thấy rất rõ ngay cả trong phong trào dân chủ. Chúng tôi (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) đã bị mạt sát không ít từ chính những người được xem là "chống cộng", dù chúng tôi chỉ nói lên một cách thành thực quan điểm của mình và lắng nghe trên tinh thần sẵn sàng xét lại các ý kiến. Còn với đảng cộng sản thì khỏi nói, trong quá khứ họ sẵn sàng bắt cóc, thủ tiêu, ám sát những người khác quan điểm. Gần đây những hình thức như đấu tố, bỏ tù, khủng bố những người đối lập vẫn diễn ra bình thường, tinh thần bất dung và óc tôn thờ bạo lực vẫn ngự trị trong đảng cộng sản. Những hành động thách thức cả dân tộc, cướp đất dân thường vẫn xảy ra thường xuyên, dù vậy vẫn có hàng ngàn, hàng vạn người khác kể cả giới trí thức vẫn cúi đầu phục vụ cho chế độ cộng sản, dường như họ chỉ xem những người dân là nạn nhân của Formosa hay những người dân bị cướp đất ở Thủ Thiêm hay Lộc Hưng là "đồng loại" chứ không phải là "đồng bào" của mình. Tinh thần bao dung và liên đới dân tộc vẫn không mạnh ngay cả trong đầu óc của tầng lớp tinh hoa nhất. Tất nhiên thì họ cũng không khác nhiều người Việt Nam khác, họ vẫn là một người Việt Nam đúng nghĩa, thừa kế các tật nguyền của văn hóa truyền thống. Di sản của lịch sử vẫn đè nặng lên tâm hồn dân tộc chúng ta.

Một hệ quả khác của cái truyền thống này là phần lớn những người đấu tranh hiện nay đấu tranh với động cơ chính là sự thù hận chế độ cộng sản có khi là cả sự thù ghét Trung Quốc nhiều hơn là vì yêu nước, yêu đồng bào mình. Tất nhiên với những động cơ như vậy họ không thể thành công được vì họ không thể là hiện thân cho tương lai của đất nước. May mắn là vậy, vì họ thành công thì đúng là thảm họa, họ sẽ chỉ kéo dài thêm cái văn hóa truyền thống bất dung và hận thù của dân tộc, những người cộng sản, phục vụ chế độ sẽ bị trả thù, dân tộc lại tiếp tục chia rẽ và thù hận nhau. Trong khi đó, với tâm lý thù hận Trung Quốc một cách mù quáng nếu nắm quyền lãnh đạo đất nước, họ sẽ là thảm họa cho cộng đồng người Hoa tại Việt Nam (như những gì đang xảy ra tại Myanmar với người Rohingya), một cộng đồng đã đóng góp rất nhiều cho quá trình mở rộng lãnh thổ của đất nước, cũng như sự đóng góp nền kinh tế của quốc gia. Họ xứng đáng được tôn vinh vì những đóng góp của mình hơn là bị nghi kỵ. Một chính quyền khôn ngoan phải tìm cách để hoà giải và hòa hợp họ với dân tộc chứ không phải là thù ghét họ. Không thể đồng nhất người Hoa tại Việt Nam với chính quyền cộng sản ở Trung Quốc, tâm lý thù hận Trung Quốc một cách mù quáng như vậy cần phải bị lên án và loại bỏ.

Nhận diện và vượt lên trên di sản của lịch sử để lại

Với bốn tầng văn hóa như vậy thì chế độ cộng sản đến với dân tộc ta chỉ là một điều hiển nhiên, phần nào chúng ta đã xứng đáng với nó. Và cũng với bốn tầng văn hóa như vậy thì có thể khẳng định lại chắc chắn một lần nữa là chúng ta sẽ không thể có một cuộc cách mạng dân chủ nếu không nhận diện được và vượt lên trên di sản của lịch sử để lại, nếu vẫn cứ hành động theo quán tính. Nó cũng giải thích tại sao những dân tộc cũng thuộc nền văn minh phù sa như Ai Cập đã đứng dậy còn chúng ta thì chưa, họ bị ảnh hướng bởi Hồi giáo - một tôn giáo có tinh thần chiến đấu chứ không phải là Khổng giáo - một nền văn hóa đào tạo ra nô lệ, nên mặc dù có tật nguyền của nền văn minh phù sa nhưng tầng lớp trí thức của họ không bị nô lệ hóa như chúng ta, kết quả là họ đã tiến về dân chủ trước chúng ta. Văn hóa cũ đã đưa tới độc tài và chậm tiến, cần một văn hóa mới để nhìn ra một hướng đi mới, đưa đất nước ra khỏi độc tài và vươn lên. Nhưng làm thế nào để thay đổi cách "suy nghĩ" của dân tộc ta, làm thế nào để có một văn hóa mới - văn hóa dân chủ ?

Trước hết hãy cùng nhìn lại bốn tầng văn hóa mà chúng ta phải chịu đựng. Tất cả đều đã xảy đến rất ngẫu nhiên. Vì lịch sử lập quốc của chúng ta hình thành cạnh con sông Hồng, nên chúng ta buộc phải chịu đựng "khế ước bạo quyền" để xã hội có thể tồn tại được. Và rồi Khổng giáo đã được hấp thụ rất tự nhiên khi nó phù hợp với cái di sản mà những con đê để lại cho chúng ta. Chúng ta cũng chịu ách đô hộ của Trung Quốc phần nhiều vì nền văn minh của họ đã đi trước chúng ta khá xa, rồi vì Khổng giáo và truyền thống bạo quyền, bạo lực đã dẫn tới việc chúng ta chịu đựng quá nhiều chiến tranh, tâm lý bất dung, thù hận ngự trị trong xã hội. Và đó chính là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cộng sản có thể bám rễ và phát triển… Tất cả đều đã xảy đến rất ngẫu nhiên.

Chúng ta thấy gì từ sự ngẫu nhiên đó ? Đó chính là việc chúng ta không chịu đầu tư suy nghĩ về những vấn đề của đất nước, nên đã không làm chủ được cách mình suy nghĩ, mà chỉ để cho những "sự ngẫu nhiên" đó nhào nặn ra bản tính của mình. Vậy làm thế nào để có thể làm chủ được cách dân tộc ta suy nghĩ, làm chủ được văn hóa rồi làm chủ được tương lai của mình ?

Rất đơn giản, trước tiên chúng ta cần suy nghĩ về những về những vấn đề của đất nước, suy nghĩ để hành động một cách đúng đắn chứ không phải là chỉ hành động theo quán tính, theo bản năng, theo cái di sản mà lịch sử để lại. Chúng ta cần suy nghĩ một cách đúng đắn và muốn suy nghĩ một cách đúng đắn thì chúng ta cần thảo luận với nhau một cách lương thiện về mọi vấn đề của đất nước. Chúng ta cần suy nghĩ và thảo luận về hướng đi của dân tộc ta trong tương lai, làm thế nào để đánh bại chế độ cộng sản, kịch bản chiến thắng là như thế nào ? Cách thức tổ chức xã hội mới trong tương lai là gì ? Nhà nước trong tương lai sẽ như thế nào và làm những gì ? Đâu là nền tảng của xã hội dân chủ ? Những vấn đề nào đang đặt ra cho đất nước và đâu là giải đáp ? Cứu cánh của chính trị là gì ? Quốc gia là gì ?... Những câu trả lời cho những câu hỏi này, những suy nghĩ nghiêm chỉnh về đất nước, về cách tổ chức xã hội được gọi là tư tưởng chính trị.

Tư tưởng chính trị là thứ chúng ta chưa bao giờ tự tạo ra được cho mình, và thế là chúng ta đi như người mù trong quá khứ, không làm chủ được cách mình suy nghĩ và rồi bị những tư tưởng sai lầm dẫn vào thua kém và thảm kịch. Tạo ra được một hệ thống tư tưởng chính trị riêng đúng đắn cho dân tộc chính là lời giải để vượt lên trên bốn tầng văn hóa mà chúng ta nêu ra để tiến tới dân chủ, để vượt lên trên số phận mà chúng ta đã chịu đựng. Tư tưởng chính trị sẽ tác động lên cách mà dân tộc chúng ta suy nghĩ, từ đó thay đổi văn hóa, làm thay đổi cách mà dân tộc ta suy nghĩ và hành động, từ đó dẫn tới một tương lai khác. Văn hóa nô lệ và cúi đầu trước bạo quyền đương nhiên dẫn tới độc tài và tụt hậu, văn hóa tự do, phản kháng trước bất công và bạo ngược sẽ dẫn chúng ta tới dân chủ và tự do.

Như vậy trong cuộc vận động dân chủ hiện nay hành động quan trọng nhất chính là suy nghĩ và thảo luận lương thiện với nhau về mọi vấn đề của đất nước để hình thành nên một hệ thống tư tưởng chính trị mới cho đất nước, rồi mang hệ thống tư tưởng này truyền bá cho giới trí thức, người dân và xã hội, từ đó tạo một đồng thuận dân tộc mới về hướng đi mà xã hội phải tiến đến trong tương lai. Khi chúng ta đã đạt được đồng thuận này thì những cuộc biểu tình lên đến vài triệu người chỉ là hệ quả, đảng cộng sản dù muốn cũng không thể nào chặn được bánh xe của lịch sử, văn hóa đã thay đổi thì cách thức tổ chức xã hội cũng sẽ buộc phải thay đổi theo.

Tạo một đồng thuận dân tộc mới về hướng đi mà xã hội phải tiến đến trong tương lai

Hiện nay Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã xây dựng cho đất nước một hệ thống tư tưởng chính trị được trình bày trong Dự án Chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (2), chúng tôi hi vọng mọi người Việt Nam sẽ suy nghĩ và thảo luận về những ý kiến mà chúng tôi đã đề xuất trong đó. Cũng như lên tiếng phê phán để chúng tôi hoàn thiện hơn nữa hệ thống tư tưởng này, còn nếu đồng ý thì hãy giúp chúng tôi truyền bá hệ thống tư tưởng chính trị này tới nhiều người hơn nữa. Chúng tôi tin rằng có một triệu người Việt Nam đọc và hiểu dự án chính trị này cũng là đủ để chúng ta tác động lên văn hóa dân tộc, tác động lên dòng chảy của lịch sử và thay đổi vĩnh viễn số phận của dân tộc ta.

Đến đây thì chúng ta lại phải đặt ra một câu hỏi khác : Tại sao phải xây dựng ra một tổ chức chính trị mạnh ? Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn cổ xuý cho đấu tranh có tổ chức và coi xây dựng tổ chức là vấn đề quan trọng nhất sau khi đã xây dựng được một hệ thống tư tưởng. Nhưng như chúng ta vừa thảo luận ở trên, chỉ cần một hệ thống tư tưởng chính trị dân chủ, cùng với một cuộc vận động tư tưởng rộng khắp là đủ để tạo ra một cuộc cách mạng dân chủ, vậy thì cần gì có tổ chức ? Có gì sai lầm ở đây ? Tại sao phải đấu tranh có tổ chức ?

Để giải đáp câu hỏi này thì chúng ta phải trả lời câu hỏi nền tảng : chúng ta muốn làm gì cho đất nước ? hay cứu cánh (đích đến) của phong trào dân chủ là gì ? Rất nhiều người sẽ cho rằng cứu cánh của phong trào dân chủ là mang lại dân chủ cho đất nước. Câu trả lời này quá thiếu sót, thậm chí là sai lầm nữa, nói chỉ nói lên sự thiếu tham vọng cho đất nước của nhiều người đấu tranh.

Theo tôi cứu cánh của phong trào dân chủ là mang lại dân chủ cho đất nước trong thời gian nhanh nhất, trong những điều kiện tốt đẹp nhất và đặt nền tảng vững chắc cho đất nước có thể vươn lên nhanh chóng và bền vững nhất. Phải nhấn mạnh từ "NHANH NHẤT", "TỐT ĐẸP NHẤT" và "VỮNG CHẮC".

Chúng ta đang làm là một cuộc cách mạng dân chủ

Nếu xem cứu cánh của phong trào dân chủ chỉ là mang lại dân chủ cho đất nước thì có thể không cần đấu tranh, vì dân chủ là xu thế của thời đại, sớm muốn đất nước cũng có dân chủ, nhưng nếu 50, 70 năm nữa đất nước mới có dân chủ thì chúng ta chẳng có gì để nói với nhau cả, khi đó đất nước đã rơi vào tình trạng tụt hậu vĩnh viễn. Vậy trước hết cứu cánh của phong trào dân chủ phải là mang lại dân chủ cho đất nước nhanh nhất. Muốn nhanh nhất thì bắt buộc phải có tổ chức, tổ chức giúp truyền bá tư tưởng chính trị một cách nhanh chóng hơn, và hơn thế một hệ thống tư tưởng chính trị cũng chỉ có thể hình thành nhanh chóng trong một tổ chức, vì trong các tổ chức các cuộc thảo luận mới có thể diễn ra có chiều sâu được.

Chúng ta chỉ có thể tạo ra các cuộc thảo luận chính trị có chiều sâu với những người có trình độ, có sự lương thiện và tôn trọng sự thật, các cuộc thảo luận công khai thường đi tới bế tắc khi mà những người không biết gì cũng nói, không có văn hoá thảo luận cũng tham gia… và cuối cùng không ai đồng ý với ai trên bất cứ một điều gì cả. Chỉ có tổ chức mới cho phép rút ngắn thời gian để hình thành một hệ thống tư tưởng chính trị và giúp truyền bá hệ thống tư tưởng đó một cách nhanh chóng nhất có thể, đến với quần chúng.

Cái chúng ta đang làm là một cuộc cách mạng dân chủ. Và một đặc tính của các cuộc cách mạng là nó rất dễ gây ra những đổ vỡ, bạo loạn, và chết chóc do những mâu thuẫn và thù hận với chính quyền cũ sẽ có cơ hội bùng phát sau khi nó sụp đổ. Vậy một mục tiêu khác của phong trào dân chủ là phải mang lại dân chủ cho đất nước trong những điều kiện tốt đẹp nhất. Muốn làm được thế thì phải kiểm soát được cuộc cách mạng. Muốn kiểm soát được cuộc cách mạng thì buộc phải có tổ chức mạnh để lãnh đạo được quần chúng, lãnh đạo cuộc cách mạng. Quần chúng khi bị kích thích đứng dậy có thể thực hiện những hành động rất liều lĩnh theo lời những người lãnh đạo, cách mạng Pháp 1789 hay cách mạng tháng Tám 1945 là những thí dụ. Chúng ta phải xây dựng một tổ chức mạnh với tinh thần bất bạo động và hòa giải dân tộc để kiểm soát và lãnh đạo cuộc cách mạng sắp tới. Phải ngăn chặn những hành vi thù hận, kích động bạo lực, phải đoạn tuyệt với di sản của lịch sử vốn chỉ toàn là chiến tranh và thù hận của chúng ta. Trong xã hội mới mà chúng ta sẽ xây dựng nên, sự bao dung và hòa giải phải là những giá trị được đặt lên cao nhất.

Ngoài ra thì tình trạng bi đát của nhiều nước sau cách mạng như tại Trung Đông và Bắc Phi cũng như tại Myanmar buộc chúng ta phải luôn ghi nhớ là cuộc cách mạng dân chủ tại Việt Nam phải đặt nền tảng vững chắc cho đất nước để có thể vươn lên nhanh chóng và bền vững nhất, điều này còn cấp thiết hơn nữa khi mà chúng ta đã quá tụt hậu, chúng ta không có thời giờ để lãng phí với những nhà lãnh đạo như Aung San Suu Kyi hay Duterte. Muốn thế thì phải chuẩn bị trước cho đất nước một dự án tương lai, về cách thức tổ chức xã hội, những hướng đi cho đất nước trong quá trình chuyển tiếp về dân chủ và trong tương lai (cái này là một phần của hệ thống tư tưởng chính trị của tổ chức) ; cùng với đó là một đội ngũ nhân sự chính trị gắn bó có đạo đức, khả năng, bản lĩnh, tầm nhìn và hơn cả là lòng yêu nước - nghĩa là đặt đất nước lên trước hết và trên hết. Chỉ có các tổ chức chính trị mới cho phép đào tạo ra một đội ngũ như vậy. Chẳng có trường đại học nào dạy các kiến thức như làm thế nào để lật đổ một chế độ độc tài hay thay thế một chính quyền tham nhũng, chỉ có các tổ chức chính trị mới có thể đi xa trong các cuộc thảo luận và cung cấp cho các thành viên những kiến thức cần thiết về những vấn đề của đất nước trong tương lai và các giải đáp.

Một dự án tương lai hoàn thiện cùng với một đội ngũ nhân sự chính trị có khả năng sẽ giúp chúng ta "đánh chặn" được những nguy cơ có thể xảy đến với đất nước trên con đường đi lên và sẽ giúp đất nước vươn lên một cách nhanh chóng. Một ví dụ là chủ nghĩa dân tuý đang bùng lên khắp thế giới hiện nay, hay chủ nghĩa cộng sản trước đây, nó sẽ không có cơ hội phát triển tại đất nước ta nếu chúng ta đã tiên liệu được nó và những hậu quả mà nó mang đến cũng như việc có một đội ngũ nhân sự chính trị có khả năng để chống lại nó. Cách nhanh nhất, và ít thiệt hại nhất để sửa chữa những sai lầm như Aung San Suu Kyi là đừng để sai lầm đó xảy ra.

Xây dựng tổ chức chính trị chứ không phải tổ chức xã hội dân sự

Cũng phải nhấn mạnh thêm là tổ chức ở đây là tổ chức chính trị chứ không phải tổ chức xã hội dân sự. Các tổ chức xã hội dân sự chỉ tập trung vào một hoặc một vài vấn đề, trong khi đó một hệ thống tư tưởng chính trị là tổng hợp gần như mọi vấn đề của đất nước, nó không thể hình thành và phát triển được trong một tổ chức xã hội dân sự. Tất nhiên các tổ chức xã hội dân sự là nền tảng cho mọi xã hội văn minh và họ cũng sẽ giúp ích cho các tổ chức chính trị về nhân sự, phương tiện cũng như truyền bá tư tưởng chính trị tới quần chúng, trí thức và xã hội. Nhưng chúng ta không được nhầm lẫn vai trò, các tổ chức chính trị sẽ giữ vai trò là nhân tố chính cho cuộc cách mạng dân chủ, chúng ta cần biết điều này để tập trung vào cố gắng xây dựng tổ chức chính trị. Trước khi đấu tranh cho luật biểu tình hay luật lập hội thì chúng ta phải đấu tranh cho một nhà nước pháp trị đã, nghĩa là phải đấu tranh chính trị trước đã, vì chỉ trong một nhà nước pháp trị thì luật pháp mới có ý nghĩ, còn trong nhà nước cộng sản dù có luật biểu tình hay luật lập hội thì đó cũng chỉ là đống giấy lộn.

Sự quan trọng của một hệ thống tư tưởng chính trị cũng như một tổ chức chính trị mạnh như chúng ta vừa phân tích đưa tới ba hệ luận. Thứ nhất, cái mà phong trào dân chủ cần nhất hiện nay là phải xây dựng nên một tổ chức chính trị mạnh bằng mọi cách, như vậy những người đấu tranh cần phải tham gia hoặc lên tiếng ủng hộ các tổ chức đứng đắn và giúp đỡ các tổ chức này truyền bá tư tưởng chính trị. Với những người đấu tranh nổi tiếng ở trong nước việc tham gia vào một tổ chức chính trị có thể gặp nhiều vấn đề nhưng việc lên tiếng ủng hộ các tổ chức, giúp đỡ các tổ chức đứng đắn truyền bá tư tưởng, theo tôi không phải là vấn đề nghiêm trọng. Mang lại dân chủ cho đất nước là trách nhiệm của mọi người Việt Nam chứ không riêng gì một cá nhân, hay tổ chức nào.

Hệ luận thứ hai là các tổ chức đấu tranh bắt buộc phải có một hệ thống tư tưởng chính trị, nếu không có và cứ đấu tranh theo quán tính, theo văn hóa chính trị truyền thống chỉ là góp phần củng cố thực tại chứ không phải là làm cách mạng, cách đấu tranh theo quán tính như vậy cản trở nhiều hơn đóng góp cho tương lai của đất nước.

Một hệ luận khác là cuộc cách mạng mà chúng ta đang làm là một cuộc cách mạng về văn hóa, một cuộc đấu tranh có tầm vóc lớn hơn nhiều mọi cuộc đấu tranh khác trong lịch sử dân tộc ta - những cuộc đấu tranh chỉ thay thế ách nô lệ này bằng một ách nô lệ khác, hay một ách nô lệ ngoại xâm bằng một ác nô lệ bản xứ. Cuộc cách mạng dân chủ sắp tới sẽ đưa dân tộc ta vào kỷ nguyên của tự do, chấm dứt vĩnh viễn vòng lặp lại của các chế độ nô lệ mà chúng ta đã phải chịu đựng hàng ngàn năm qua. Chính tầm vóc và sự vĩ đại của nó đòi hỏi ở chúng ta nhiều hơn những gì mà ông cha ta đã từng làm.

Nó đòi hỏi thời gian, sự kiên trì và sự cố gắng, cố gắng để vượt lên trên bản năng của hàng ngàn năm nô lệ - nô lệ những con đê, nô lệ Khổng giáo, và cả nô lệ Trung Quốc - để sống như những con người tự do, biết sinh hoạt có tổ chức, biết thu nhỏ cái tôi của mình để hòa mình vào tổ chức, thay sự ghen ghét và thù hận bằng sự bao dung và hòa giải, và nó cũng đòi hỏi sự dũng cảm để dám chống lại sự gian trá và bạo ngược đúng phương pháp, để đất nước này thoát khỏi số phận nhược tiểu và có một chỗ đứng xứng đáng hơn trong tương lai, để dân tộc này vĩnh viễn có tự do. Và nếu chúng ta thực sự yêu đất nước, yêu dân tộc này thì chẳng có lý do gì để lưỡng lự với chọn lựa dấn thân cả.

Trần Hùng

(11/01/2019)

(1) Việt Nho

(2) Dự án chính trị 

Additional Info

  • Author Trần Hùng
Published in Quan điểm