Năm 2022 nên được xem như một năm định mệnh của thế kỷ 21.
Ngày 24/02/2022 cuộc chiến tranh hủy diệt của Nga xâm lược Ukraine bắt đầu – đây là cuộc chiến tranh theo đuổi mục tiêu phục hồi đế chế Nga của khát vọng sa hoàng Putin, đồng thời là "tác phẩm" đầu tiên [1] của hợp tác không giới hạn giữa liên minh Nga-Trung. Quá trình toàn cầu hóa nói chung và thị trường thế giới nói riêng trước đó vốn đã bị đại dịch Covid 19 làm tê liệt, nay bị những hệ luỵ của cuộc chiến tranh này làm vỡ tung thành nhiều mảng xung đột nhau. Chiến tranh lạnh II ngay tức khắc đi vào thời kỳ ác tính, trật tự quốc tế hiện hành bị đảo lộn và đi sâu vào cục diên 3 cực Mỹ, Trung, Nga với những tập hợp lực lượng mới rất phức tạp, nguy cơ chiến tranh lớn cận kề hơn bao giờ hết – Biden gọi đấy là nguy cơ một cuộc chiến của ngày tận thế (an Armageddon).
Về Trung Quốc
Cuối năm Đại hội 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc (10/2022) chính thức đẩy chiến lược toàn cầu của đế chế Trung Quốc trên đường phục hưng lên cấp độ mới, với "sáng kiến chiến lược phát triển toàn cầu" và "sáng kiến chiến lược an ninh toàn cầu" như hai tay của quyền lực rắn và mềm (tùy tình hình và sự việc sẽ là hai gọng kìm bạo lực) vươn ra sắp đặt lại trật tự quốc tế theo mô hình Trung Quốc, có phương tiện đắc lực là chiến lược "vành đai – con đường", có hậu thuẫn của đồng minh lý tưởng là nước Nga Putin. Đồng thời Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – 6 nước Ảrập (thành viên GCC, bao gồm Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) trung tuần tháng 12/2022 đã kiến lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mở ra một kỷ nguyên mới chưa từng có (Tập Cận Bình) cho ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này, nội dung có nhiều ký kết quan trọng (bao gồm hàng chục dự án khổng lồ [có nhiều dự án hàng trăm tỷ USD/dự án], với tầm nhìn 2030, 2035, 2040… và nhiều cam kết lớn khác – trong đó có cam kết về nguyên tắc "một Trung Quốc", dùng đồng Nhân dân tệ trong quan hệ thương mại song phương, Trung Quốc sẽ có nhiều ảnh hưởng lớn trên thị trường dầu của vùng này... Tiếp theo ngay sau đó là những hoạt động của Tập Cận Bình tranh thủ các nước khác trong vùng Vịnh. Báo chí thế giới bình luận : Trung Quốc đã lấp đầy khoảng trống tại đây do Mỹ để lại !
Mặt nào đó có thể nhận xét : Với những bước đi nêu trên, Trung Quốc thời Tập đã trục lợi được lớn nhất, và đã tự tạo ra được cho mình thế sẵn sàng tốt nhất từ trước đến nay trong đối kháng Trung - Mỹ, đồng thời tạo ra được sự lệ thuộc ngày càng gia tăng của Nga vào Trung Quốc như một lợi thế chiến lược hiếm có cho Trung Quốc.
Tuy nhiên cũng phải nói ngay tại đây rồi khi có điều kiện sẽ bàn kỹ hơn : Ngay trong và sau Đại hội 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc, mặc dù đã nắm được trong tay vai trò lãnh đạo suốt đời, Tập gặp những khó khăn mới vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng của ông ta, đó là :
i) Bùng phát mới covid 19 rất khó kiểm soát hầu như đã làm sập chiến lược "zero covid" vốn đã góp phần quan trọng tạo ra vị thế hôm nay của Tập, xã hội Trung Quốc có những xáo động mới, "biểu tình giấy trắng" phản đối zero covid lần đầu tiên đưa ra khẩu hiểu đòi Tập từ chức… Xin đừng quên : Nghi ngờ đại dịch covid phát sinh từ phòng thí nghiệm Vũ Hán cuối năm 2019 đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thuyết phục, hôm nay sự bùng phát trở lại ở quy mô lớn đại dịch covid 10 sau Đại hội 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc đang tiềm tàng mối nguy cho cả thế giới : Đại dịch này ở Trung Quốc với cách xử lý "zero covid" như đã thực hiện có thể tiếp tục tạo ra những biến chủng tiếp không lường trước được, và có thể phát tán bệnh trở lại đối với cả thế giới !
ii) Trong xã hội Trung Quốc và nội bộ đảng tiếng nói phản đối vị thế hoàng đế của Tập ngày càng gia tăng, tuy trước mắt không/chưa thể tác động gì lớn đối với vai trò và vị thế của Tập ;
iii) Do triển khai từ thập kỷ 2010s "chủ nghĩa tư bản – đảng – nhà nước" (Party-State capitalism – chính thức bắt đầu từ thời Tập, 2012, các thời trước đó chỉ là chủ nghĩa tư bản nhà nước) để tăng cường kiểm soát của quyền lực toàn trị của Đảng cộng sản Trung Quốc đối với những vấn đề mới của đất nước, và đồng thời giành thế mạnh mới trong nền kinh tế toàn cầu thời Cách mạng công nghiệp 4.0 & Thông minh nhân tạo (AI), tăng khả năng tranh giành ảnh hưởng và quyền lực mới trên chính trường quốc tế. Thực tế này khiến nội trị Trung Quốc phát sinh thêm những mâu thuẫn mới [2]. Trong khi đó khủng hoảng cơ cấu kinh tế Trung Quốc ngày càng có nhiều vấn đề mới khó kiểm soát (nhất là trên thị trường bất động sản và thị trường tài chính tiền tệ Trung Quốc). Toàn bộ diễn biến này khiến Trung Quốc đang tiếp tục đi sâu vào thời kỳ tụt tăng trưởng kinh tế, từ 2 con số xuống một con số, với nhiều thách thức nội trị mới (vấn đề thất nghiệp, sự bất mãn của giới trung lưu…) ;
(iv) Do những thất bại hiện nay của Putin trong chiến tranh xâm lược Ukraine, Trung Quốc buộc phải xem lại nhiều vấn đề chiến lược và có những điều chỉnh quan trọng (sửa đổi chiến lược kinh tế để tạo ra cân bằng mới giữa nội địa và kinh tế đối ngoại, thận trọng hơn trong đối kháng trực tiếp với Mỹ và trong vấn đề Đài Loan, song đẩy mạnh hơn tập hợp lực lượng mới và phân hóa nội bộ phương Tây)…
Về Nga
Như một bất ngờ từ trên trời rơi xuống, Nga vấp phải thảm bại trong chiến lược thôn tính Ukraine (kế hoạch đầu tiên với chiến tranh chớp nhoáng của chiến dịch hành quân đặc biệt) : Sau 10 tháng chiến tranh, khoảng quá nửa (ước đoán là 54%) lãnh thổ Ukraine mà Nga đã chiếm được lúc cao điểm, đã bị Ukraine giành lại – trong đó có những vùng quan trọng mang tính chiến lược như Kherson, Bakhmut, vùng duyên hải Azov… Nga bị kiệt quệ nghiêm trọng về khí tài và quân lực.., song Putin vẫn tiếp tục huy động lực lượng, chuẩn bị phản công lớn ngay trong mùa đông này (tuyên bố đây sẽ là cuộc chiến nhiều năm…). Hiện nay Nga đang đẩy mạnh tiến công từ trên không tàn phá toàn bộ hệ thống điện, giao thông và những công trình công cộng khác khiến cho hàng chục triệu dân Ukraine không có điện và nước trong mùa đông này – nhân loại sẽ không bao giờ tha thứ tội ác chiến tranh ghê tởm này. Iran là người cung cấp chủ yếu các loại vũ khí không người lái (drones) giúp Nga thực hiện nhiệm vụ hủy diệt. Về mặt nào đó trên thực tế đã hình thành ở mức độ nhất định một phe trục Nga – Trung Quốc – Iran và một số nước vệ tinh và lực lượng hồi giáo cực đoan khác trong đối kháng Trung – Mỹ. Trước việc Mỹ quyết định sẽ giúp tên lửa Patriot, Nga lại dọa chiến tranh hạt nhân và đưa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào bệ phóng tại một số nơi, tuyên bố hủy bỏ quan điểm "không tấn công trước bằng vũ khí A", v.v.
Putin luôn luôn dọa chiến tranh hạt nhân trói tay Mỹ, để tìm mọi cách huy động tổng lực của mình và tranh thủ sự hậu thuẫn của Iran và Trung Quốc kéo dài chiến tranh tới mức Mỹ và phương Tây phải bỏ cuộc trong việc giúp Ukraine. Ý đồ này dựa trên tính toán đến lúc nào đó Mỹ và EU sẽ không chịu đựng nổi những khó khăn đối nội - trước hết là tình trạng lạm phát cao chưa từng có ở tất cả những nước này kể từ khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1978, sự chia rẽ sâu sắc giữa Dân chủ và Cộng hòa trong nội bộ nước Mỹ (trong đó có v/đ Trump, do thua trong tranh cử ở thượng viện nên đảng Cộng Hòa đang tìm cách khóa sổ thời đại Trump), một số vấn đề lục đục trong nội bộ EU (trong đó có sự bất đồng của chính quyền Orban ở Hung thân Nga, chính quyền mới của Meloni ở Ý có xu hướng Musolini, những hệ quả của Brexit, và sự lệ thuộc của EU chưa có lời giải vào dầu và khí đốt của Nga…), xu hướng của chủ nghĩa dân tuý gia tăng tại một số nước EU – trong đó có Pháp... Tuy nhiên, có thể một lần nữa Putin lại tính sai, vì cho đến nay Mỹ và EU vẫn tiếp tục gia tăng giúp Ukraine.
Về Mỹ và phương Tây
Khi nổ ra chiến tranh Nga xâm lược Ukraine, NATO bừng tỉnh khỏi tình trạng chết não (Macron). Những diễn tiến của cuộc chiến tranh này, các bước đi song hành của Trung Quốc, và quá trình đang hình thành trên thực tế một dạng liên minh như một phe trục (như trong chiến tranh thế giới II) giữa Nga – Trung Quốc – Iran và các thế lực Hồi giáo cực đoan… đã thúc đẩy Mỹ coi Trung Quốc là mối nguy đối kháng chính, phải điều chỉnh lại quan hệ mọi mặt với Trung Quốc. Đồng thời Mỹ và EU hợp tác mạnh mẽ hơn trong giúp Ukraine kháng chiến chống Nga, kết nạp thêm Thuỵ Điển và Phần Lan vào NATO, tăng cường ngân sách quốc phòng và củng cố lại NATO, duy trì được sự gia tăng giúp Ukraine về vũ khí và kinh tế. Sự giúp đỡ của Mỹ là lớn nhất và có ý nghĩa quyết định (đến nay với tổng số lên tới 40 tỷ USD) và thường xuyên nâng cấp độ hiện đại của vũ khí giúp Ukraine đối phó với chiến tranh leo thang (sau khi giúp pháo Himars, sắp tới sẽ là tên lửa phòng không Patriot)…
Mỹ và EU hầu như chắc chắn không thể bỏ cuộc được, vì một thỏa thuận non tay với Nga trong vấn đề Ukraine có thể :
i) lúc nào đó sẽ đảo ngược mọi thất bại của Putin hiện nay với cái giá sẽ rất đắt trước hết cho EU,
ii) sẽ tiềm tàng nhiều mối nguy lớn uy hiếp trực tiếp an ninh và nhiều lợi ích chiến lược khác của Mỹ và EU ở phạm vi toàn cầu, và
iii) sẽ gián tiếp hay trực tiếp nuôi dưỡng hay tăng cường liên minh Nga-Trung, v.v. Riêng Mỹ còn rất muốn giải quyết v/đ Ukraine ở mức sao cho Nga phải quỵ, để sau đó Mỹ có thể đối phó dễ hơn với đối thủ chính của mình là Trung Quốc. Mỹ và EU (trước hết là Mỹ, Pháp, Đức) có những cố gắng tìm giải pháp sớm kết thúc chiến tranh, có lẽ ở mức : không dồn Putin đến bước đường cùng (được hiểu là không làm cho Putin mất mặt dẫn đến nguy cơ Putin làm liều gây chiến tranh A), và đồng thời cố gắng hạn chế tối đa khả năng Putin làm chiến tranh Ukraine 2, sau đó tính tiếp...
Nga tuyên bố chiến tranh sẽ còn kéo dài nhiều năm, chỉ kết thúc khi Ukraine công nhận chủ quyền của Nga đối với 4 vùng Nga đã tuyên bố sáp nhập ; còn Ukraine nói quyết chiến đầu giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình – kể cả Krym. Nghĩa là chiến tranh vẫn đang đi tiếp vào thời kỳ quyết liệt nhất phía trước !
Đến đây có thể thấy rõ
1) Cả Trung Quốc và Nga đã tính toán rất kỹ trong lựa chọn thời cơ và thời điểm cho Tuyên bố chung Trung-Nga ngày 04/02/2022 về hợp tác không gới hạn, về chiến tranh Ukraine 24/02/2022, về những bước đi của Tập trước và sau Đại hội 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc (10/2022). Nổi bật là : Tất cả những bước đi này đều xảy ra đồng thời và tập trung vào khai thác tối đa :
i) thời kỳ suy yếu nhất của Mỹ trong mối tương quan toàn cầu kể từ sau chiến tranh thế giới II đến nay, và
ii) sự rệu rã chưa từng có của EU và NATO kể từ ngày thành lập.
2) Song Putin đã sai :
i) trong đánh giá thấp tinh thần và khả năng kháng chiến vô song của Ukraine,
ii) không thấy được cuộc xâm lược Ukraine đã kéo NATO ra khỏi cơn chết não, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác chưa từng có giữa Mỹ và EU kể từ sau chiến tranh thế giới II để bảo vệ lẫn nhau trước những thách thức của đế chế Nga tái sinh thời sa hoàng Putin, và
iii) đánh giá quá cao khả năng liên minh Nga-Trung ở chỗ Trung Quốc không thể vì cứu Nga mà hy sinh những lợi ích chiến lược và chuốc thêm những trở ngại mới cho đế chế con rồng này đang trên con đường bước lên vũ đài toàn cầu thực hiện giấc mộng Trung Hoa – trong khi đó nước Nga Putin vô hình trung tự tạo ra cho mình sự lệ thuộc chưa từng có vào Trung Quốc, tiềm ẩn nhiều mối nguy chết người cho Nga trong tương lai !
3) Tuy rằng nhìn tổng thể Trung Quốc trục lợi được nhiều nhất trên nhiều phương diện qua chiến tranh Ukraine, song Tập Cận Bình cũng vấp phải nhiều cái sai nghiêm trọng :
i) Thất bại không thể ngờ được của chiến dịch hành quân đặc biệt của Putin kéo Trung Quốc vào những rắc rối mới với Mỹ và phương Tây,
ii)vị thế và bộ mặt (ảnh hưởng) của Trung Quốc chịu nhiều tác động bất lợi do thất bại của Nga và những tội ác của Nga trong chiến tranh Ukraine gây ra,
iii) mâu thuẫn trong đối kháng Trung-Mỹ tăng lên rõ rệt, chính quyền Biden đã khẳng định Trung Quốc là đối tượng đối kháng chính của Mỹ và tiếp tục các quyết sách cứng rắn đối với Trung Quốc có từ thời Trump,
iv) các bước đi của Trung Quốc vô hình trung thức tỉnh Đức và nhiều nước EU khác nhận ra không thể kéo dài việc làm ăn với Trung Quốc như hiện nay, những quốc gia này phải tính đến những biện pháp bảo hộ và bảo vệ lợi ích của họ,
v) Trung Quốc phải đối phó với thực tế mới là Đức, Pháp và một số EU khác chấp nhận ở các mức độ khác nhau chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc, đó là : Một mặt Mỹ coi Trung Quốc là đối kháng chính, mặt khác Mỹ sẵn sàng chấp nhận chay đua với Trung Quốc trong những lĩnh vực hợp tác ;
vi) những sai lầm của Trung Quốc (i - v) cùng với những sai lầm và những vấn đề mới trong nội tại Trung Quốc như đã nêu ở phần trên buộc Trung Quốc phải có nhiều điều chỉnh lớn ; trong khi đó những vũ khí chính trị như chủ nghĩa Mác Trung Quốc hoá, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc kỷ nguyên mới, sáng kiến chiến lược phát triển toàn cầu, sáng kiến chiến lược an ninh toàn cầu… của Trung Quốc đang bị cuộc sống bóc trần, nhiều nơi trên thế giới không khí mất tin tưởng hay chống Trung Quốc gia tăng… Song nhìn toàn cục, Tập vẫn chủ trương lấn tiếp – nhất là ở Biển Đông và trong vấn đề Đài Loan.
(4) Tuy rằng chiến tranh xâm lược Ukraine đã thức tỉnh Mỹ và thế giới phương tây nhiều điều mang tính sống còn, nhưng có lẽ còn phải có nhiều thời gian hơn nữa để Mỹ và phương Tây mới có thể tiêu hóa những điều mới học được – với nghĩa là có đối sách thích hợp cho những vấn đề đã ngộ ra. Cụ thể là :
i) cả Trump và Biden cho đến nay chủ yếu chỉ mới xúc tiến được ở một dạng nào đấy của chiến tranh thương mại để đối phó với Trung Quốc, với kết quả rất hạn chế, trong khi đó tiếp tục thụ động và bị động về mặt chiến lược trong đối phó với Trung Quốc và gần đây là với chiến tranh Nga xâm lược Ukraine – sự chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ Mỹ góp phần quan trọng vảo những yếu kém mới này của Mỹ ;
ii) Mỹ và phương Tây đã ngủ quá lâu trên vòng nguyệt quế của những thành quả và những ưu thế mình đã đạt được trong mối tương quan với Trung Quốc và Nga, do đó chủ quan và trở nên lạc hậu với thực tế khắc nghiệt, để cho Trung Quốc đã có được một số điểm quan trọng vượt Mỹ (chiến lược toàn cầu, số lượng hải quân, công nhệ 5G, mở rộng khu vực ảnh hưởng…), xử lý chậm và sai vấn đề Nga nên đã gián tiếp hay trực tiếp kích thích những bước đi của Putin bắt đầu từ Tuyên bố chung Nga-Trung 04/02/2022…
Trong khi Trung Quốc với chiến lược toàn cầu của mình giành bá chủ thế giới, phần nào đó ôm chân theo sau là Nga với khát vọng phục hồi đế chế Nga sa hoàng Putin, đã đưa ra được nhiều quyết sách và chiến lược mới rất thực dụng, với những khẩu hiệu nguỵ trang mới mỵ dân rất nguy hiểm (xem điểm 3. vi) bên trên). Cho đến nay Mỹ và phương Tây vẫn khư khư với những chuẩn mực cứng nhắc và xử dụng quá tải nên đã bị hao mòn đáng kể các giá trị như dân chủ, tự do, nhân quyền, v/đ biến đổi khí hậu.., và chậm hiểu rằng những chuẩn mực này không chỉ là vấn đề của bản chất chế độ chính trị của các nước chủ nhà, mà trước hết còn là những vấn đề của phát triển ở những quốc gia này. Toàn bộ thực tế này đã và đang diễn ra từ lâu, đòi hỏi Mỹ và phương Tây một cách tiếp cận khác. Hệ quả là Mỹ và phương Tây đã để cho Trung Quốc (và phần nào là Nga) có nhiều trận địa trống để lấn sân. Mặt khác Mỹ và phương Tây, nhưng trước hết là Mỹ, đang tiếp tục phải trả giá cho những sai lầm chiến lược chết người đã phạm phải trong quá khứ :
i) sa lầy quá lâu trong chiến tranh Iraq và chiến tranh Afghanistan, khiến cho Trung Quốc có gần 1/4 thế kỷ thời gian và thời cơ vàng để ngoi lên là siêu cường thứ hai chỉ sau Mỹ và đang trực tiếp thách thức Mỹ, và
ii) hai đời tổng thống Mỹ là Clinton và Obama (nghĩa là 4 nhiệm kỳ) ảo tưởng thông qua giúp Trung Quốc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu hóa để dân chủ hóa Trung Quốc, với hy vọng sẽ thiết lập được G2 Mỹ - Trung để qua đó hy vọng có thể xử lý trọn vẹn v/đ Frankenstein Trung Quốc... Vì những lý do này đang nổi lên ở Mỹ và phương Tây những tiếng nói ráo riết cảnh tỉnh Mỹ và phương Tây, đòi phải đổi mới tư duy trong tiếp cận vấn đề Trung Quốc và vấn đề Nga của sa hoàng Putin hôm nay.
(5) Ngoại trừ xẩy ra chiến tranh hạt nhân, kịch bản hiện thực nhất có thể là chiến tranh Ukraine sẽ kết thúc trong một thỏa hiệp còn nhiều dang dở cho tất cả các bên hữu quan – vì khả năng đánh đổ chế độ Putin từ bên ngoài cho đến lúc này là không thể, việc Nga tự sụp đổ do những yếu tố nội tại lại là một vấn đề hoàn toàn khác và chưa thấy có khả năng xuất hiện. Một giải pháp hòa bình còn nhiều dang dở như vậy cho Ukraine có nghĩa sẽ tồn tại nhiều vấn đề căng thẳng thời hậu chiến cho các bên hữu quan – nhất là các nước bên thứ ba. Mặt khác đối kháng Trung–Mỹ là mâu thuẫn trung tâm chi phối thế giới vẫn đang trong xu thế gia tăng vì chưa thấy xuất hiện khả năng hạ nhiệt : Tập đang cần những bước đi mới để củng cố vị thế của chính mình trước những vấn đề mới xảy ra sau Đại hội 20 ; phía Mỹ và phương Tây – song trước hết là Mỹ - sau chiến tranh Ukraine càng phải củng cố hàng ngũ của mình. Toàn bộ thực tế này có thể dẫn tới cục diện thế giới :
i) một mặt đối kháng Trung – Mỹ làm nguy cơ chiến tranh tiếp tục gia tăng,
ii) đồng thời sẽ diễn ra cuộc đua tranh quyết liệt giành giật lẫn nhau giữa hai bên trên mặt trận kinh tế và trong những lĩnh vực khác có liên quan, sẽ tác động đến cả thế giới – trước hết là các nước bên thứ ba. Thực tế này có thể kéo dài hàng thập kỷ với những diễn biến không thể lường trước, và sẽ có thể phức tạp hơn nữa nếu xẩy ra dịch bệnh hay thiên tai mới, hoặc sẽ đổ vỡ với những hệ quả không/chưa thể dự báo được nếu chiến tranh Ukraine kết thúc trong một Armageddon hay xảy ra chiến tranh Đài Loan.
Theo hiểu biết và sư trải nghiệm của mình, tôi dự đoán và có niềm tin : Sẽ khó hay không thể xảy ra kịch bản của một trật tự quốc tế mới theo mô hình Trung Hoa. Nghĩa là giấc mộng Trung Hoa lúc nào đó sẽ vỡ mộng dưới một dạng nào đó, vì lẽ sự phát triển của thế giới ngày nay đã đi quá xa cho một trật tự quốc tế kiểu Trung Hoa (with chinese model) có thể bao phủ lên hay là ôm gọn lấy. Về tầm nhìn dài hạn, sẽ khó hay không thể có một Trung Quốc dẫn đầu thế giới này với chế độ của Đảng cộng sản Trung Quốc như vai trò dẫn đầu của Mỹ đang làm – cho dù vai trò hay sứ mệnh này của Mỹ đang đi vào thời kỳ mai một ; một Trung Quốc bá chủ thế giới càng không thể. Song nguy cơ một Trung Quốc của nham hiểm, tàn bạo, và trong tình hình nào đó sẽ phân rã là thường trực hơn, và có thể cũng hiện thực hơn so với các triển vọng khác.
Tuy nhiên, giấc mộng Trung Hoa đang có giá trị quan trọng cho Trung Quốc như một ngọn cờ thiêng của chủ nghĩa dân túy Đại Trung Hoa ; trong hiện tại đối kháng Trung-Mỹ và vấn đề Đài Loan vẫn đang tiếp tục nóng lên, tiếp tục tác động toàn diện cục diện thế giới hiện nay.
(6) Đến đây, với quan điểm nêu trên, tôi thô thiển, và xin mạnh dạn dự báo hay dự đoán (nghĩa là với hiểu biết rất hạn chế của mình) : Trong thập kỷ 2020s này hay xa hơn nữa, nghĩa là kể từ khi một vài năm tới nếu sẽ chấm dứt được tạm thời hay lâu dài chiến tranh Ukraine và trong tình huống không/chưa xẩy ra chiến tranh Đài Loan cho đến khi định hình được một khung khổ trật tự mới nào đấy, cục diện thế giới trong thời gian quá độ này sẽ có thể mang những nét chính sau đây :
i) Sẽ là một thế giới thường trực sống trong tình trạng căng thẳng bên miệng hố chiến tranh (brinkmansnhip) tại các điểm nóng trên thế giới, trước hết là trên các chiến tuyến đối kháng Trung-Mỹ. Đồng thời cuộc chạy đua sát phạt nhau của đối kháng Trung-Mỹ trong mọi lĩnh vực của cuôc sống sẽ tác động sâu sắc đến mọi quốc gia – trước hết là các nước bên thứ ba.
ii) Những dư chấn của toàn cầu hóa đổ vỡ hiện nay, của sự tàn phá do đại dịch, của những hệ luỵ do chiến tranh xâm lược Ukraine, của những tác động ngày càng khó kiểm xoát của biến đổi khí hậu, những tác động 2 mặt (lợi và hại) của cách mạng công nghiệp 4.0 và Trí khôn nhân tạo hiện nay, sự tha hóa tự nhiên hay tất yếu của con người và của các thể chế quốc gia – khu vực – và quốc tế.., và trên hết cả là những dư chấn của đối kháng 3 siêu cường Trung-Nga / Mỹ giữa hai phe (autocracy vs democracy)... tất cả đang đẩy thế giới đi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện chưa từng có trong trong thế giới hiện tại, với những biến động không thể/khó lường trước được. Tất cả đang tích tụ những mâu thuẫn đối kháng hiện nay ở mức đã chín muồi cho một cuộc chiến tranh thế giới III phải nổ ra. Song nguy cơ cùng hủy diệt lẫn nhau trong chiến tranh hạt nhân (MAD) đang biến nguy cơ Chiến tranh thế giới III này nổ ra thành động lực phát động những cuộc chiến tranh cục bộ - ví dụ hiện nay là chiến tranh Ukraine – như một giải pháp thay thế để làm các nhiệm vụ một cuộc chiến tranh thế giới III phải làm hay cần làm ! Hỡi các quốc gia hãy cảnh giác !
iii) Những tác nhân nêu trong điểm i và ii bên trên, cùng với sự tha hóa tự nhiên hay tất yếu của con người và của thể chế hiện nay, tất cả đang gây ra cho mọi quốc gia trên thế giới không miễn trừ bất kể nước nào một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc về thể chế chưa từng có, và đồng thời đặt con người trước những thách thức hoàn toàn mới của những bất cập mới to be or not to be bắt buộc phải vượt qua – để sống sót, để tồn tại, và xa hơn nữa là để phát triển tiếp.
Thực ra cuộc khủng hoảng thể chế và sự bất cập của con người và những thách thức mới như đang nói tại đây đã xuất hiện từ lâu rồi, song đã trở nên kịch tính, đang ngày càng ác tính kể từ khi xẩy ra đại dịch covid 19 cuối năm 2019 ; và với chiến tranh Ukraine cuộc khủng hoảng này đang đi hẳn vào thời kỳ ác tính. Hoàn toàn có thể nhận định chắc chắn (nghĩa là gần như khẳng định) : Mối nguy lớn nhất đối với mọi quốc gia và con người của nó đang nằm trong sự thiếu vắng ở những cấp độ khác nhau khả năng, ý thức và ý chí nhận biết đầy đủ cuộc khủng hoảng đã trở nên hiện hữu này ngay trong quốc gia của mình, và những bất cập, những thách thức mới kèm theo. Có thể nói : Sự vô thức chết người này mới thật là kẻ thù lớn nhất của mọi quốc gia và con người của từng quốc gia, rồi mới đến những kẻ thù physic hiện hữu khác nhau của từng quốc gia trong thế giới này ! Phải nói quyết liệt như vậy, để mỗi quốc gia và con người của nó phải xây dựng ngay tức khắc cho mình tư duy thấu đáo về nhận biết kẻ thù lớn nhất này (sự vô thức, cái u minh), nhờ đó sẽ giác ngộ được sớm nhất và đầy đủ, với tất cả ý chí và nghị lực thực hiện những việc phải làm.
iv) Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Trí khôn nhân tạo đang tạo ra những bước tiến nhẩy vọt mới và những thách thức chưa từng có, đòi hỏi mọi quốc gia phải có thể chế mới để thích nghi, và có con người của mình đủ phẩm chất làm chủ cuộc cách mạng này. Bởi vì mọi ứng xử đối với cuộc cách mạng này như làm ngơ, tụt hậu, hoặc lạm dụng.., đều sẽ phải trả giá đắt, thậm chí có thể rất đắt. Thực tế này là một cú hích mới quyết liệt đối với toàn bộ cuộc sống, trước hết càng làm cho cải cách thể chế quốc gia và đổi mới giáo dục trở thành hai nhiệm vụ không thể/không được phép tránh né đối với bất kể quốc gia nào trong cộng đồng thế giới hôm nay. Những hệ luỵ của chiến tranh Ukraine, đối kháng Trung-Mỹ, và tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và Trí khôn nhân tạo còn thúc đẩy nhiều nước phải đồng thời thay đổi sâu sắc cấu trúc kinh tế và chiến lược phát triển hiện có của mình. Toàn bộ thực tế này là thách thức rất lớn đối với nhiểu nước đang phát triển – trong đó có Việt Nam, nước có nền kinh tế gia công với tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu năm 2022 bằng khoảng 1,8 lần GDP, nghĩa là gần như phần đầu vào cho nền kinh tế chủ yếu đến từ bên ngoài (nhập khẩu), và phần lớn đầu ra của nền kinh tế cũng giành cho bên ngoài (xuất khẩu) ; nghĩa là sự phụ thuộc của Việt Nam vào bên ngoài cực kỳ lớn. Nếu hình dung được những biến động và dao động kinh tế cũng như chính trị trên thế giới như đang diễn ra, sẽ thấy sự phụ thuộc này của Việt Nam nhậy cảm và nguy hiểm như thế nào nếu không sớm có cải cách thể chế quốc gia và đổi mới cấu trúc kinh tế, phát triển thỏa đáng nguồn lực con người !
v) Thực tế của cái thế giới không ít hỗn loạn, đổ vỡ, chết tróc, những thách thức mất còn hiện nay… cho thấy : Những giá trị cơ bản mang tính chất là những đòi hỏi sống còn đối với con người và mọi quốc gia là hòa bình, độc lập chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dân chủ, tự do, quyền con người, bảo vệ và tuân thủ luật pháp quốc tế, hợp tác, cùng phát triển… chẳng những không thay đổi và không được phép đánh mất đi, mà còn đặt ra đòi hỏi : Mọi quốc gia trong thế giới hôm nay – trước hết là các nước nhỏ và vừa – phải chủ động và tự giác dấn thân bảo vệ, duy trì, phấn đấu làm mọi việc, để những giá trị cơ bản này có thể :
i) giảm thiểu những đổ vỡ hay sự tàn phá đang xảy ra,
ii) sẽ tiếp tục trở thành nền tảng cho một khung khổ trật tự quốc tế mới nào đó sẽ hình thành mai sau. Sự dấn thân và phấn đấu như vậy của các nước nhỏ và vừa còn là phương thức, là con đường tất yếu, để các nước nhỏ và vừa hôm nay tự quyết định lấy vận mệnh của mình, và đồng thời đối phó có hiệu quả sự lũng đoạn thế giới của các siêu cường dù là ai.
Cuộc sống được xây dựng trên nền tảng những giá trị cơ bản này mọi quốc gia phải tự giành lấy mới có được, vì trên đời này không có gì cho không ! Thách thức đối kháng Trung-Mỹ của bộ ba Trung-Nga/Mỹ trong thế giới hôm nay cần được xem như một thúc giục quyết liệt cộng đồng thế giới phải chung tay xây dưng nên một phong trào dấn thân như thế của các nước nhỏ và vừa ở phạm vi toàn cầu (một mô hình tương tự đã từng có trong quá khứ là phong trào không kiên kết).
vi) Phải chăng mọi vấn đề và những tác nhân được nêu ra trong các điểm i - v trên đây cho phép đi đến kết luận : Mỗi quốc gia và con người của nó trong thế giới hôm nay đã đến lúc phải bằng mọi cách giải phóng sức mạnh của tư duy, để có thể nhận chân cái thế giới quyết liệt hôm nay như đã nêu trong các điểm i – v trên đây, nhận thức cho kỳ được những vấn đề và thách thức mới mỗi nước và nhân dân của nó phải đối mặt cụ thể ngay tại chỗ của mình và trong khung cảnh toàn thế giới hiện hữu này, và phải tạo ra cho mình hiểu biết, trí tuệ, ý chí, nghị lực và năng lực quyết sống và tìm ra con đường sống trong thế giới hiệu hữu này…
Không một quốc gia riêng lẻ nào trên thế giới này có thể tùy nghi thay đổi cái thế giới hôm nay nó đang sống cùng. Cũng không một quốc gia nào dù là siêu cường Nga, Trung Quốc hay Mỹ… có thể duy ý chí sống theo ý thức hệ hay chủ nghĩa nào nó tôn thờ, hoặc vô thức với thế giới chung quanh để chỉ sống theo ý của mình, và ngoan cố thoát ly, hay làm ngơ, hay vô thức đối với sự vận động của thế giới đang diễn ra. Làm như thế sớm muộn sẽ phải trả giá, sẽ chẳng khác tự sát bao nhiêu.
Nhưng nhận thức đúng được cái thế giới mình đang sống, để tùy nội cảnh và ngoại cảnh của quốc gia mình tìm ra được cách thích nghi tại chỗ với toàn cái thế giới mình đang sống để sống – nhất là để tạo ra phẩm chất và khả năng được sống cho xứng đáng với vị thế quốc gia của mình – đó chính là cuộc sống mỗi quốc gia trong thế giới quyết liệt hôm nay đều nhất thiết phải tự đi tìm và lựa chọn, và phải tự khai phá lấy con đường phải đi, để giành lấy.
Chỉ có lấy dân chủ giải phóng sức mạnh phi thường của tư duy, mỗi quốc gia và con người của nó mới có thể làm nổi mọi việc để ra khỏi cuộc khủng hoảng và những bất cập hiện hữu của nước mình trong bối cảnh thế giới hiện nay, để mở ra con đường sống cho bản thân quốc gia mình trong thế giới hôm nay như đang trình bầy tại đây. Có thể nói chưa bao giờ cải cách thể chế quốc gia và đổi mới giáo dục để giải phóng sức mạnh và nghị lực sáng tạo của nguồn lực con người trở thành hai nhiệm vụ trọng đại nhất của mỗi quốc gia trong thế giới hiện tại ; và dân chủ là chìa khóa để thành công.
Cục diện thế giới đầy rẫy những hỗn loạn, đổ vỡ và những thách thức, và những mối nguy mới hôm nay. Một cục diện thế giới như vậy hiển nhiên chỉ dành chỗ đứng xứng đáng cho quốc gia và nhân dân của nó ý thức được chính nó, và nhận chân được cái thế giới hôm nay nó đang sống.
Tới đây có thể nhận xét, năm 2022 thế giới trải qua những diễn biến và hội đủ những sự kiện cho phép rút ra 6 nhận định (i – vi) trình bầy trên đây, nhờ đó phán đoán hay làm rõ ở mức độ nào đấy định hướng và phần nào là định hình cái thế giới của chúng ta trong thế kỷ 21 này vận động như thế nào. Vì vậy, năm 2022 có thể được xem là một năm định mệnh của thế kỷ 21.
*
Là công dân của đất nước, tôi nghiêm khắc tự hỏi mình :
- Đất nước ta ứng xử như thế nào với 6 nhận định nêu trên về năm định mệnh 2022 ?
Suy nghĩ lao lung, câu trả lời của tôi là :
- Giới cầm quyền và đội ngũ trí thức hiện có của quốc gia có lẽ còn đứng rất xa bên ngoài, hay là thờ ơ với 6 điểm (i – vi) nêu trên. Nghĩa là đất nước từ nhiều thập kỷ nay vẫn đang đi tiếp trên đường mòn đã và đang đi !
Suy nghĩ trên đây của tôi đúng hay sai, xin cả nước và toàn Đảng phát huy dân chủ, cùng nhau mở lòng phán xét.
Thật ra không phải chờ đến năm 2022, mà từ gần 3 thập kỷ nay, chí ít là từ bức thư ngày 09/08/1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi đã đánh vật với câu trả lời trên đây ; khác chăng là keo vật tôi đang lâm trận này đến hôm nay chưa dứt, tôi vẫn không bỏ cuộc, nhưng cùng với thời gian keo vật này đang ngày càng khó hơn cho tôi !
Song tôi không ngã lòng, còn nước còn tát, đã viết rất nhiều [3] , trong những thập kỷ vừa qua đã kiến nghị đi kiến nghị lại với Bộ chính trị, và với các Đại hội Đảng XI, XII và XIII, trong đó trình bầy : Nêu rõ thực trạng đất nước, những thách thức và những mối nguy hiện hữu, những lý do đối nội đối ngoại bắt buộc phải tiến hành cải cách đổi đời đất nước – bắt đầu từ xây dựng lại Đảng về đường lối và về tổ chức để trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc lãnh đạo cải cách (thư 09/08/1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), trình bầy rõ kiến nghị dự án cuộc cải cách không thể tránh né này, được thiết kế sẽ kéo dài khoảng 10 năm, để đất nước chuyển hóa dần dần tới một thể chế pháp quyền dân chủ do nhân dân làm chủ đất nước, mở đường cho quốc gia vươn lên thành một nước phát triển... Kiến nghị như vậy không phải là câu chuyện của ảo tưởng hay là hiện thực, mà là : Giữa con đường sống và con đường chết, nhất thiết cả nước phải với tất cả ý chí và nghị lực của mình chọn con đường sống cho quốc gia !
Miệng đời từ mọi phía, hoặc nguyền rủa tôi là đồ ngu trung với Đảng cộng sản Việt Nam, hoặc kết án tôi là tội đồ của bọn xét lại…
Song tôi trước sau chỉ có một suy nghĩ nhất quán : Phải cứu Đảng này, phải xây dựng lại nó trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc để cứu nước trong thế giới đa cực hỗn loạn hôm nay ! Đây không phải là ảo tưởng, mà là kết luận và sự khẳng định tôi rút ra từ mọi kinh nghiệm và trải nghiệm cả cuộc đời mình lăn lộn trong cái thế giới này, và đã chứng kiến mọi thăng/trầm của những quốc gia khác nhau – kể cả nước ta, sự đổ vỡ của các hệ thống chính trị mọi loại, sự thành công của những quốc gia mới nổi… đã xảy ra trong thế kỳ XX ! Với niềm tin không suy xuyển qua thời gian : Cải cách đổi đời đất nước là con đường sống duy nhất của nước ta trong thế giới hiện tại, và sẽ, và phải thành công !
Nhân năm 2022 này còn kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một lần nữa tôi lại chính thức kiến nghị như nêu trên với lãnh đạo Đảng. Sáu nhận định trên đây về năm 2022 củng cố tư duy của tôi.
Hà Nội – Võng Thị, ngày 20/12/2022
Nguyễn Trung
Nguồn : Viet-studies, 23/12/2022
[1]Nguyễn Trung, "Cuộc xâm lăng Ukraina – Cuộc chiến tranh định hình liên minh Nga-Trung", 02/04/2022.
[2]Margaret M. Pearson, Meg Rithmire, and Kellee S. Tsai, "The New China Shock - How Beijing’s Party-State Capitalism Is Changing the Global Economy", Foreign Affairs, 6/12/2022
[3]Tìm xem những bài của Nguyễn Trung về chủ đề này đã đăng trên Viet-studíes.info của Giáo sư Trần Hữu Dũng trong khoảng 2 thâp kỷ vừa qua.
Những ký ức in sâu vào tâm trí
Xin bắt đầu bằng câu chuyện của cá nhân của tôi. Khi tôi gần 5 tuổi thì được bà dẫn vào trong Nam, lúc đó gia đình tôi đã di cư vào trước. Người ta thường nói một đứa trẻ sẽ quên hết mọi chuyện từng xảy ra với nó trước 5 tuổi. Nhưng dù mờ nhạt, rời rạc thì tôi vẫn nhớ rất rõ trải nghiệm cùng bà ngồi sau tay lái chiếc xe hao hao giống chiếc xe Minsk màu cam nhạt chạy ra ga tàu ngày hôm ấy. Có lẽ, những hình ảnh gắn liền với một sự kiện lớn trong đời hay một biến cố thường in đậm vào não bộ của chúng ta hơn chăng ?
Kỉ niệm với tôi về sự kiện khủng bố ngày 11 tháng 9 cũng như vậy. Khi ấy, tôi vẫn là một đứa trẻ và như nhiều gia đình thời ấy, mọi người vẫn giữ nếp ăn cơm sớm từ 5-6g chiều, đến 7g tối thì cái tivi sẽ mặc nhiên bắt đầu bằng bản tin thời sự trên VTV. Khi chứng kiến phát thanh viên đưa tin về hình ảnh tòa tháp World Trade Center đổ sụp xuống cùng cái chết của gần 3.000 người, khói bụi, gạch vỡ và đầy những khuôn mặt khóc nức nở của người dân... Trí óc non nớt của tôi cùng lúc nhìn vào ánh mắt sâu thẳm của mẹ và nghe mẹ nói : "Mỹ nó ác quá, nên bị trả thù đấy !".
Không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra !
Tôi không hiểu gì về những chuyện này và coi câu nói của mẹ cũng thường giống như những câu ca dao, hay những khi mẹ vừa mắng, vừa đánh đòn vào mông tôi để dạy dỗ mà thôi. Toàn bộ ấn tượng về biến cố 11/9 vẫn bằng cách nào đó lưu giữ trong bộ nhớ của tôi. Và có lẽ với toàn bộ người Mỹ ngày hôm đó.
Hình ảnh không thể nào quên về ngày 11/9/2001
Hậu 11 tháng 9
Khủng bố là gì ? Một cách khái quát, khủng bố là một phương pháp dùng bạo lực nhằm hy vọng thay đổi một trật tự chính trị sẵn có bằng việc gieo rắc nỗi sợ hãi hơn là gây thiệt hại vật chất lên kẻ thù. Chính vì nhắm đến việc khuếch tán tối đa nỗi sợ hãi với kẻ thù Hoa Kỳ - Một siêu cường trên mọi mặt, các lực lượng khủng bố Hồi giáo Al Qaeda - Vốn dĩ biết chúng ở tương quan hoàn toàn yếu thế, thường nhắm đến những nhóm người vô can.
Trong sự kiện 11/9, 19 tên không tặc trong lực lượng khủng bố Al Qaeda đã tiến hành cướp 4 chiếc máy dân sự để lao vào các mục tiêu đã định sẵn. Tổng cộng 2.977 người thiệt mạng. Nếu trong một cuộc chiến tranh qui ước đang diễn ra giữa các bên, toàn bộ người dân đã đổ dồn sự chú ý vào chiếc máy bay lao vào Lầu Năm Góc Pentagon gây thiệt hại nhiều nhân mạng và thương vong hôm đó. Nhưng vì nó là một cuộc khủng bố, hình ảnh đổ sụp của tòa nhà chọc trời World Trade Center có ý nghĩa hơn. Vì sao ? Vì Lầu Năm Góc phẳng còn tòa nhà World-Trade Center thì chọc trời. Hình ảnh đổ sụp của nó giống như một biểu tượng đã khắc sâu những kí ức kinh hoàng lên toàn bộ người dân Mỹ khi đó.
Hệ quả là họ tạo ra được một phản xạ tập thể đồng lòng, đoàn kết chưa từng có tiền lệ dù trước đó còn đang tranh cãi với nhau về việc kiểm phiếu giữa Al Gore - Ứng viên đảng Dân Chủ, với tổng thống đương nhiệm George Bush.
Tổng thống Mỹ George W. Bush được báo tin về vụ tấn công khủng bố khi ông đang tham dự sự kiện tại một trường học.
Cả nước Mỹ, dân biểu Dân chủ cũng như Cộng hòa cùng đồng thanh hát "God Bless America" (Thượng Đế phù hộ cho nước Mỹ) trước Quốc hội. Bin Laden đã giúp cho tỉ lệ tín nhiệm của ứng viên đảng Cộng hòa vọt lên đến 90%, một con số chưa từng thấy trong thời hiện đại. Một tháng trước khi khởi động cuộc chiến Afghanistan, hai phần ba người Mỹ ủng hộ việc can thiệp này.
Nước Mỹ lãnh đạo thế giới tiến hành chiến dịch chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Mặt trận đầu tiên là Afghanistan. Chính quyền Bush cùng lực lượng đồng minh đã giương cao chiến dịch "Tự do mãi mãi" (Enduring Freedom) khi cùng lúc với tham vọng xóa sạch khủng bố, còn thiết lập một quốc gia dân chủ thực sự tại vùng Trung Á cũng như Iraq tại Trung Đông. Mỹ hy vọng tạo ra được những mẫu mực như Nhật Bản tại Đông Á kéo theo sự lan tỏa trong toàn bộ khu vực sau đó.
Cần nhấn mạnh, chính quyền Bush khi đó đã thực sự có tham vọng thiết lập quốc gia dân chủ tại Afghanistan và Iraq. Ông Bush có thể không có chiều sâu của một nhà tư tưởng, nhưng tôi có cảm giác ông là một người giản dị và lương thiện. Những phẩm chất đó giúp ông hiểu rằng hành động khủng bố của lực lượng Al Qaeda và lá thư Osama bin Laden viết trong "Thư gửi nước Mỹ" năm 2002 có ý nghĩa sâu xa hơn một hành động bạo lực đơn thuần.
Osama Bin Laden, kẻ chủ mưu các cuộc tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9
Hành động khủng bố của lực lượng Al Qaeda chỉ là kết quả của một cuộc xung đột về văn hóa. Văn hóa nhất nguyên đối nghịch với văn hóa dân chủ đa nguyên. Những cuộc khủng bố sau đó tại nước Mỹ, Châu Âu cũng nói lên điều này. Trong bản chất của kinh Koran thì thượng đế chính là vua, nghĩa là tôn giáo và chính trị chỉ là một. Luật Hồi giáo Sharia trong tiếng Arab được dịch là "Con đường đúng". Tư tưởng của Hồi giáo, cũng như nhiều tôn giáo khác là một tư tưởng nhất nguyên, nên khi đồng hóa nó với chính trị hiển nhiên sẽ tạo ra một xã hội độc tài chuyên chế. Nó khác hoàn toàn với bản chất đa nguyên của những mô hình nhà nước "dân chủ đa nguyên" và "thế tục" thường nằm trong "các giá trị Tây Phương".
Sau khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan năm 1980 vì không thể gồng gánh nổi những phí tổn quân sự trước lực lượng kháng chiến Mujahideen được Mỹ và CIA huấn luyện và tài trợ vũ khí, thì các thành phần này đã trở thành lực lượng chính nắm quyền tại khu vực này. Nhưng đồng thời, họ cũng bừng tỉnh nhận ra chính người bạn Hoa Kỳ - Đại diện cho các nước dân chủ, mới chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của họ. Nếu nếp sống của người Mỹ và các nước dân chủ trở thành mẫu mực và là sức hấp dẫn cho toàn nhân loại thì kéo theo đó là sự suy thoái không thể tránh khỏi của mô hình Hồi giáo Toàn nguyên mà họ nhất định muốn duy trì.
Càng bi đát hơn, vì cuộc suy thoái này có thể diễn ra rất nhanh chóng, vì không giống như Công giáo có sự tách bạch giữa tôn giáo và chính trị. Giê-su Ki-tô đã nói "Những gì của Caesar, trả về Caesar ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". Nhưng kinh Koran chính là lời của Thượng đế nhập vào Muhammad để nói ra vì thế không thể thay đổi. Xét lại kinh Koran là mặc nhiên nhìn nhận hoặc Allah có thể sai (và như thế không thể là Allah Akbar), hoặc Allah đã không nhập vào Muhammad ; trong cả hai trường hợp đó chỉ là một sự hiểu lầm. Đoạn 69 của kinh Koran qui định những kẻ thêm bớt kinh Koran sẽ bị chặt tay.
Nước Mỹ 20 năm sau
Bộ phim Boyhood của đạo diễn Richard Linklater là một bộ phim hết sức đặc biệt. Nó được quay từ năm 2002 cho tới khi hoàn thành và công chiếu vào năm 2014 : 12 năm.
Nghĩa là đi cùng với một giai đoạn hết sức biến động của nước Mỹ sau biến cố ngày 11 tháng 9. Bộ phim kể về sự trưởng thành của mọi nhân vật qua cái nhìn của nhân vật chính, cậu bé Mason từ lúc học lớp Một cho đến khi rời trung học. Đây là một bộ phim hay và hết sức ý nghĩa khi thông điệp trong nó về tính cách con người Mỹ, về Giấc mơ Mỹ cũng như về những giá trị đã xây dựng lên quốc gia này. Tôi hết sức ấn tượng trong phim khi thấy cảnh bố của Mason do diễn viên gạo cội Ethan Hawke thủ vai. Ông là một người ủng hộ nhiệt tình cho đảng Dân chủ, đến mức tranh thủ thời gian đi chơi với Mason để cắm những tấm áp phích ủng hộ cho Obama. Không may cho ông là lại cắm vào nhà dân biểu ủng hộ đảng Cộng hòa. Nhưng rồi sau cuộc hôn nhân đầu đứt quãng với mẹ Mason là Olivia do Patricia Arquette thủ vai, chủ yếu do sự bồng bột của tuổi trẻ, ông lại tìm được ý trung nhân của mình là một người phụ nữ sinh ra trong một gia đình rất truyền thống (Conservative) thuộc đảng Cộng hòa. Nhưng tất cả họ, dù khác biệt quan điểm nhưng vẫn rất yêu thương nhau và đều cùng nhau chia sẻ những giá trị chung xây dựng lên nước Mỹ : Tình yêu, tình bạn, lòng chung thủy, tự do, khát vọng vươn lên.
Bộ phim Boyhood của đạo diễn Richard Linklater về chủ đề hậu khủng bố ngày 11/9
Có thể tóm gọn trong đoạn hội thoại của ông bố Olivia với cô con gái lém lỉnh Samatha, chị của Mason : "Con có bao giờ giận mẹ, giận em không ? Những lúc ấy con có la hét với họ không ? Nhưng điều ấy không có nghĩa là con không thương mẹ, thương em. Điều tương tự cũng xảy ra với người lớn".
Thật đẹp và tôi từng nghĩ rằng đây là một bộ phim ngợi ca về những giá trị Mỹ qua lăng kính của cậu bé Mason từ bé cho đến khi sắp trưởng thành. Cho đến khi thường nghe lại bài nhạc nền chủ đề của phim nhiều lần thì tôi lại có một suy nghĩ khác. Xin chép lại nguyên văn và tôi cố gắng dịch lại theo khả năng của mình :
Anh hùng - Gia đình của năm
Hãy để tôi trở về
Tôi không muốn là anh hùng của các ông nữa
Tôi không cần trở thành người đàn ông vĩ đại
Tôi chỉ muốn "so găng" với những anh em chiến hữu
Các ông chỉ đang giấu mình
Tôi không muốn trở thành một phần của cuộc diễu binh này nữa
Mọi người đều xứng đáng một cơ hội
Tản bộ cùng bao người khác
Trong thời suy thoái này
Một công việc để tôi giữ người thương bên mình
Hay chí ít cũng mua cho tôi dây đàn mới
Hẹn hò cùng cô ấy vào cuối tuần
Và chúng tôi sẽ thì thầm với nhau
Về giấc mơ Mỹ của riêng mình
Ừ thì trẻ thơ cần sự bảo vệ
Nhưng tôi cũng chỉ là một đứa trẻ như bao người khác mà thôi
Hãy để tôi trở về
Tôi không muốn là anh hùng của các ông nữa
Tôi không cần trở thành người đàn ông vĩ đại
Tôi chỉ muốn "so găng" với những anh em chiến hữu
Hero – Family of The Year
Let me go
I don't wanna be your hero
I don't wanna be a big man
I just wanna fight with everyone else
You're a masquerade
I don't wanna be a part of your parade
Everyone deserves a chance to
Walk with everyone else
While holding down
A job to keep my girl around
Maybe buy me some new strings
And her a night out on the weekend
And we can whisper things
Secrets from our American dreams
Baby needs some protection
But I'm a kid like everyone else
So let me go
I don't wanna be your hero
I don't wanna be a big man
I just wanna fight like everyone else
Đây là một bài hát thể hiện rõ tâm trạng của một người lính Mỹ đã mệt mỏi, và không còn muốn tiếp tục tham gia chiến trận nữa. Cũng như thời điểm bắt đầu của bộ phim vào năm 2002, bài hát được đưa đến công chúng vào năm 2014 là một giai đoạn biến chuyển tâm lý rất lớn của nước Mỹ. Hay để liên hệ đến các sự kiện lớn hơn, thì năm 2001 cũng rất khác năm 2016 – Ngày mà nước Mỹ đã bầu lên Donald Trump. Nước Mỹ trở lên chia rẽ và bộ phim chỉ là cảnh báo, hay có thể là nỗi lòng của vị đạo diễn tài ba Richard Linklater về nước Mỹ đã trượt xa khỏi những giá trị mà ông lưu giữ trong bộ phim này đến đâu.
Giấc mơ Mỹ nào ?
Michael Sandel – Nhà tư tưởng lớn của nước Mỹ, đã tóm lược về tình trạng phân hóa xã hội nghiêm trọng của nước Mỹ tiếp sau đà khủng tài chính 2008 như sau. Thử rút gọn thành một nền kinh tế GDP 100 đô-la, thì nhóm 20% người giàu nhất nước Mỹ nhận được 62 đô-la, trong khi 20% người nghèo nhất chỉ nhận được duy nhất 1,7 đô-la. Nếu bạn gộp toàn bộ thu nhập của một nửa bên dưới đáy xã hội, bạn cũng chỉ có tổng cộng 12,5 đô-la, ít hơn so với thiểu số 1% người giàu trên đỉnh chóp của xã hội 20,2 đô-la. Chủ nghĩa "trọng người thành đạt" (meritocracy) hiểu giản dị là chúng ta được trao cơ hội bình quyền như nhau bất kể màu da, giới tính, sắc tộc, tôn giáo… Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình, nếu không thành công thì đó là lỗi của bạn !... Sự thật có đơn giản như thế không ?
Trong các bài viết cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng chủ yếu được tạo ra bởi mô hình xã hội Tân phóng khoáng (neo-liberalism), ông Nguyễn Gia Kiểng đã dẫn chứng trong vòng 40 năm tài sản của nhóm 1% những người giầu nhất đã gia tăng 21.000 tỷ USD trong khi tài sản của khối 50% những người ở "nửa dưới" đã giảm 900 tỷ USD và chênh lệch giầu nghèo vẫn tiếp tục tăng lên. Donald Trump có thể nói đã là một dấu ngoặc đơn qua đi khỏi nước Mỹ nhưng vấn đề vẫn còn nguyên vẹn. Sự chia rẽ không có xu hướng giảm đi. Theo một khảo sát uy tín gần đây, 40% người Mỹ được hỏi muốn nước Mỹ này tan tành mặc dù họ đang là công dân Mỹ. Phải giải thích thế nào ? Họ cảm thấy nước Mỹ ngày hôm nay không còn là của họ nữa. Nghiêm trọng hơn, họ còn bị một mặc cảm bị bỏ lại trong xã hội mà không thể đổ lỗi cho ai ngoài việc bắt buộc tự trách bản thân họ.
Giấc mơ Mỹ có thể không còn là một lời thì thầm của đôi lứa yêu nhau mà dần dần chỉ còn là một huyền thoại !
Quyết định rút khỏi Afghanistan
Có lẽ hình ảnh chiếc trực thăng Chinook đậu trên nóc tòa nhà Lãnh sự quán Mỹ tại Afghanistan để chuẩn bị cho cuộc di tản sẽ còn gắn liền với hình ảnh của chính quyền Joe Biden rất lâu, có thể nói là toàn bộ ký ức mà sau này người ta có thể lưu giữ khi nghĩ về nhiệm kỳ tổng thống của ông. Chủ nghĩa khủng bố lại có cơ hội trỗi dậy nhưng lần này không phải vì nó đã reo rắc được một nỗi sợ hãi nào đó lên thế giới nữa. Nước Mỹ đã rút đi vì sự chia rẽ nội bộ hay nói như lời ông Joe Biden là "Nền dân chủ của chúng ta đang lâm nguy !" (Our Democracy is in peril).
Các học giả hay những nhà ngoại giao sau một giai đoạn lúng túng đã bao biện đây là hành động cần thiết trong chiến lược dồn mọi nguồn lực đối phó với một Trung Quốc toàn trị đang trỗi dậy ! Nhưng ngay cả với một tổn thất nhỏ nhằm duy trì và bảo vệ chính quyền dân chủ Afghanistan, nước Mỹ cũng không có đủ sự đồng thuận để làm thì ai có thể tin người Mỹ đủ đồng thuận đương đầu trước một thách thức Trung Quốc lớn hơn rất nhiều ?
20 năm là một khoảng thời gian đủ dài để một thế hệ mới hiện diện. Tại các nước Trung Đông, trước đây khoảng 80% người dân từng ủng hộ lực lượng Taliban nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 13% ủng hộ. Nghĩa là làn sóng dân chủ vẫn đang tiến đến. Mặc dù sự rút lui của Mỹ và mặc dù lực lượng Taliban đang trên ngưỡng cửa quyền lực, họ cũng không thể áp đặt Luật Hồi giáo Sharia được nữa. Họ sẽ khám phá ra rằng khi bắt đầu tiến vào giai đoạn quản trị Afghanistan, người dân sẽ không chấp nhận việc khước từ dân chủ - tự do, những quyền con người cơ bản… dù phải đứng trước nòng súng.
Súng ống không thể giết chết một ý tưởng, hay đúng hơn một tư tưởng đúng !
Bài học sau ngày 11 tháng 9
Chúng ta cần phải đồng ý với nhau và nói một cách đầy dõng dạc rằng, ngày hôm nay quyền con người là phổ quát. Không làm gì có những giá trị phương Tây, phương Đông, hay Hồi giáo được nhìn nhận như những truyện thuyết riêng biệt.
Những giá trị phổ quát trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập, những giá trị đúng muôn đời như gia đình, tình yêu, tự do, tình bạn, sự lương thiện, tinh thần liên đới, bao dung, lòng trắc ẩn, sự thủy chung… hiện hữu trong toàn bộ những nền văn minh và là sự đúc kết của toàn nhân loại. Một người Mỹ, một người Trung Quốc, một người Afghan, một người Việt Nam… đều xứng đáng được nhìn nhận như một con người phổ cập trước khi là công dân của một quốc gia nào đấy. Nếu hiểu đúng điều này thì khủng bố hay mọi hình thức bạo lực, toàn trị nào khác như Đảng cộng sản Việt Nam, Đảng cộng sản Trung Quốc đều là giai đoạn phải qua đi trong khi tự do, dân chủ đa nguyên là kỷ nguyên phải đến và sẽ đến rất nhanh. Tương lai dân chủ của Afghanistan ngày hôm nay vẫn có hy vọng sẽ đến, mặc dù bị Mỹ bỏ rơi.
Nước Mỹ cũng đang trong một giai đoạn xét lại cần thiết về tư tưởng chính trị và ý nghĩa của Giấc mơ Mỹ. Quốc gia là một tình cảm, một không gian liên đới và là một dự án tương lai chung. Nếu những giấc mơ Mỹ quá khác biệt nhau theo mức độ chênh lệch giàu nghèo thì hệ quả là nước Mỹ cũng sẽ mất đồng thuận và suy yếu dần. Nước Mỹ không còn là lãnh đạo duy nhất của thế giới nữa. Cuộc đụng độ giữa hai nước Mỹ - Trung được nhiều học giả, chuyên gia mô phỏng theo Chiến tranh Lạnh và cổ vũ nhiệt tình lúc ban đầu sẽ ngay lập tức lắng xuống, trước khi im bặt, khi những khó khăn của Trung Quốc lộ diện ngày càng rõ rệt.
Thế giới sẽ dần đi đến một đồng thuận "Hội đồng các Quốc gia dân chủ" như khối G7, mà trong đó Mỹ là một thành viên có vai trò quan trọng. Hội đồng này sẽ có tác dụng lấy những quyết định quan trọng nhằm đảm bảo trật tự dân chủ đa nguyên trên toàn thế giới.
Bài học nào cho Việt Nam
Đảng cộng sản Việt Nam đang đối diện với những tác động khủng khiếp do đại dịch Covid-19 gây ra. 20 năm đã trôi qua và tâm lý của họ cũng buộc phải thay đổi. Bây giờ họ cũng đã trở thành đối tác chiến lược của Hoa Kỳ và khối các nước dân chủ. Họ biết rằng đằng nào hạn kỳ dân chủ cũng đang đến gần. Việc chấp nhận trở thành tác nhân của một cuộc chuyển hóa dân chủ sớm trong tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc có lẽ sẽ là một trong những quyết định thông minh nhất mà họ có thể làm trong suốt hơn 70 năm độc quyền lãnh đạo và kìm hãm đà tiến của dân tộc Việt Nam.
Nhưng dù họ có muốn hay không thì có một điều rất chắc chắn đó là phong trào dân chủ Việt Nam không đợi họ. Một lực lượng trí thức mới ở Việt Nam đang hình thành cùng với sự kiên trì trong gần 40 năm qua của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Khi đội ngũ trí thức này tìm đến nhau và kết hợp lại để chuyên chở dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, như là một truyện thuyết mới để xây dựng lại đất nước... đến đông đảo người dân Việt Nam thì cuộc chuyển hóa về dân chủ đa nguyên cho mọi người dân Việt Nam chắc chắn sẽ thành công.
Việt Dân
(13/09/2021)
Một câu hỏi lớn, rất lớn, phải được đặt ra là tại sao Trung Quốc không chịu dân chủ hóa ? Như thế họ không gây lo ngại cho ai mà còn được khuyến khích và hoan nghênh để tiến lên, ngay cả để trở thành siêu cường số 1 của thế giới. Câu trả lời giản dị là Trung Quốc rất muốn nhưng không thể dân chủ hóa.
Tại hội nghị Alaska, khi ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trực diện tố giác những vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Dương Khiết Trì và Vương Nghị nổi giận nhưng cũng chỉ nói rằng Mỹ cũng chẳng hay ho gì.
Hội nghị cao cấp Mỹ - Trung tại Anchorage, Alaska, vừa qua đã chỉ là một cuộc ẩu đả ngôn ngữ. Bên này nói những điều mà bên kia không muốn nghe và cũng không muốn nghe những điều mà bên kia muốn nói. Mỹ nói một cách thẳng thừng, Trung Quốc đáp lại một cách gay gắt. Không còn vấn đề thảo luận, thuyết phục và thỏa hiệp. Chỉ còn tương quan lực lượng. Mỹ và Trung Quốc đã từ giã giai đoạn hợp tác để bắt đầu giai đoạn đọ sức, kéo theo các đồng minh. Từ nay những tiếp xúc giữa hai bên chỉ để tránh sự đối địch này trở thành chiến tranh toàn diện.
Một cuộc đối đầu tự nhiên và cần thiết
Không có gì đáng ngạc nhiên.
Một mặt, Tập Cận Bình trong Đại hội 19 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cuối năm 2017 đã dõng dạc tuyên bố mục tiêu của Bắc Kinh là vào năm 2049 Trung Quốc vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin và sẽ là cường quốc số 1 của thế giới về mọi mặt, với một đạo quân bách chiến bách thắng. Đây là một thách thức nghiêm trọng đối với thế giới dân chủ, nhất là Mỹ.
Mặt khác, Joe Biden ngay trong chương trình tranh cử của ông đã khẳng định chiến lược đoàn kết các nước dân chủ trong một mặt trận dân chủ thống nhất để thiết lập một trật tự dân chủ thay vì một trật tự độc tài do Trung Quốc áp đặt. Và đó đã là cố gắng đối ngoại đầu tiên của ông sau khi đắc cử. Hơn nữa, ngay trước hội nghị Anchorage này hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ Antony Blinken và Lloyd Austin đã đến Nhật và Hàn Quốc để hội ý với hai đồng minh về một chiến lược chung để đương đầu với Trung Quốc. Ngay trong khi hội nghị đang diễn ra thì bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đang hội đàm với bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ, đồng minh của Mỹ và đối thủ của Trung Quốc, để xiết chặt sự hợp tác trước đe dọa đến từ Trung Quốc. Biden không hề giấu giếm lập trường chống Trung Quốc, đáp lại Tập Cận Bình gia tăng các hành động khiêu khích của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan và trên Biển Đông. Hai bên đã rõ ràng ở trong thế đối địch.
Tập Cận Bình không chỉ kiên định chủ nghĩa Mác–Lênin mà còn chứng tỏ rất rõ, cả bằng lời nói lẫn hành động, tham vọng xây dựng một quân lực hiện đại bách chiến bách thắng.
Thế đối đầu này là tự nhiên. Lý do đầu tiên là điều mà các nhà sử học, như giáo sư Graham Allison, gọi là "cái bẫy Thucydides" theo tên của nhà sử học và chiến lược đầu tiên của thế giới, tác giả cuốn "Lịch sử cuộc chiến Peloponnese". Theo Thucydides, khi một cường quốc vươn lên đe dọa giành lấy vị trí số 1 của đế quốc đang giữ vai trò chế ngự thì chiến tranh không tránh khỏi. Ganh tỵ và lo âu sẽ khiến đôi bên bị lôi cuốn vào chiến tranh dù không ai muốn. Đó đã là lý do của cuộc chiến giữa Sparta và Athens vào thế kỷ 5 trước Công nguyên làm tan nát thế giới Cổ Hy Lạp. Lịch sử các cuộc chiến tranh lớn trên thế giới đã chứng tỏ Thucydides có lý. Đó chính là tình hình hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là khi Tập Cận Bình và Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã nói rõ tham vọng chiếm lấy ngôi vị siêu cường số 1 mà Mỹ đang giữ.
Lý do thứ hai, quan trọng hơn, là vì Trung Quốc mạnh lên nhưng vẫn giữ nguyên chế độ độc tài cộng sản. Thucydides đã không nói đến sự xung đột ý thức hệ như là nguyên nhân của chiến tranh bởi vì đó là điều đương nhiên và đã sẵn có vào thời đại của ông, khi mọi nhà nước – thị trấn (city-state) đều thờ những vị thần khác nhau và theo những tín ngưỡng khác nhau và do đó đã sẵn có xung đột ý thức hệ. Các tôn giáo lớn nói chung đều ra đời để đáp ứng nhu cầu chính trị của một xã hội trong một thời đại và đảm nhiệm vai trò một ý thức hệ. Graham Allison và nhóm nghiên cứu tại Đại học Havard của ông đã liệt kê 16 cuộc đối đầu tranh giành địa vị số 1 trong năm thế kỷ qua. Chỉ có bốn trường hợp tránh được chiến tranh đẫm máu. Trong ba trường hợp lý do là vì hai nước tranh hùng có cùng ý thức hệ. Trường hợp duy nhất mà hai đế quốc tranh hùng tránh được chiến tranh dù có xung đột ý thức hệ là cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô sau Thế Chiến II, nhưng đó là vì Liên Xô đã tự ý từ bỏ chủ nghĩa Mác–Lênin. Đó không phải là trường hợp của Trung Quốc. Căng thẳng và xung đột sẽ không có nếu Trung Quốc chấp nhận từ bỏ chủ nghĩa Mác–Lênin. Sau năm 1945, hai cường quốc thủ phạm của Thế Chiến II là Đức và Nhật đã vươn lên rất mạnh mẽ nhưng không hề gây lo ngại bởi vì cả hai đã trở thành những nước dân chủ. Nếu Trung Quốc cũng theo gương Đức và Nhật thì sự vươn lên của họ không những không gây lo ngại mà còn được hoan nghênh, ngay cả khi họ trở thành siêu cường số 1. Trung Quốc đã không hành xử như thế. Tập Cận Bình không chỉ kiên định chủ nghĩa Mác–Lênin mà còn chứng tỏ rất rõ, cả bằng lời nói lẫn hành động, tham vọng xây dựng một quân lực hiện đại bách chiến bách thắng. Để làm gì nếu không phải để có thể gây chiến ? Ai có ý định xâm lăng Trung Quốc ? Đó là một tuyên chiến đối với thế giới dân chủ.
Như vậy, thế đối đầu là đương nhiên. Nó cũng cần thiết vào lúc này để ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục mạnh lên cho đến khi đủ sức để hoặc áp đặt một trật tự chuyên chính nhân danh một chủ nghĩa đã được nhận diện như một tội ác, hoặc gây ra thế chiến thực sự, nhất là lần này các vũ khí nguyên tử có thể tiêu diệt cả nhân loại.
Đối đầu như thế nào ?
Nhiều người đang nói tới một cuộc "chiến tranh lạnh mới". Không sai nhưng cần nói rõ nội dung. Cuộc "chiến tranh lạnh mới" này không chỉ mới mà còn rất khác với cuộc chiến tranh lạnh sau Thế Chiến II.
Cuộc "chiến tranh lạnh mới" này sẽ rất khác với cuộc chiến tranh lạnh trước đây. Mỹ và các đồng minh không tấn công nhưng cũng không tiếp tay cho Trung Quốc và Nga.
Cuộc "chiến tranh lạnh cũ" gồm hai thành tố chính :
Thành tố thứ nhất là một cuộc chiến tranh ý thức hệ, hay chiến tranh tuyên truyền, trong đó mỗi bên đề cao lý tưởng chính trị của mình đồng thời tố giác những sai lầm và độc hại của lý tưởng chính trị của đối phương. Liên Xô và các đồng minh trong khối cộng sản ca tụng chủ nghĩa Mác-Lênin như là con đường dẫn tới một thế giới đại đồng trong đó mọi dân tộc đều là anh em, không còn giai cấp, không còn người bóc lột người, mỗi người hưởng theo nhu cầu và đóng góp theo khả năng. Mỹ và các đồng minh đề cao lý tưởng tự do, dân chủ và nhân quyền trong những chế độ mà con người được tôn trọng, được thông tin và học hỏi đầy đủ, được quyết định đời mình, được có tài sản và được có tiếng nói trong những quyết định chung.
Thành tố thứ hai là hàng loạt các cuộc nội chiến tại một số quốc gia, như tại Việt Nam, giữa hai phe cộng sản và chống cộng. Các cuộc nội chiến này có thể rất dữ dội nhưng hai trung tâm, Washington và Moscow, không trực tiếp giao chiến. Đó là những cuốc "chiến tranh ủy nhiệm".
Ngày nay cả hai yếu tố đó đều vắng mặt. Lý tưởng cộng sản đã dứt khoát và vĩnh viễn bị đào thải sau khi bị nhận diện như là một ảo tưởng dối trá, chỉ có vai trò làm chiêu bài và bánh vẽ cho những chế độ bạo ngược. Trung Quốc hoàn toàn không còn ý định xuất khẩu chủ nghĩa Mác-Lênin sang bất cứ nước nào mà chỉ nhắm tìm kiếm lợi nhuận, gia tăng ảnh hưởng và sự hiện diện, chủ yếu qua những hợp đồng xây dựng trong kế hoạch được gọi là "Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường". Cũng không còn những cuộc chiến tranh ủy nhiệm nhân danh một chủ nghĩa nào. Trong cả hai phe, không nước nào còn muốn vướng vào những cuộc chiến tranh.
Vậy thì cuộc "chiến tranh lạnh mới" này sẽ rất khác với cuộc chiến tranh lạnh trước đây. Gọi nó là một cuộc đối đầu có lẽ đúng hơn. Nó sẽ chủ yếu diễn ra trên các mặt trận kinh tế, tài chính, khoa học, kỹ thuật và thông tin. Mỹ và các đồng minh không tấn công nhưng cũng không tiếp tay cho Trung Quốc và Nga. Các trao đổi ngoại thương vẫn có nhưng chỉ giới hạn trong những trường hợp thực sự cần thiết và không liên quan tới quân sự, thí dụ như dự án đường dẫn khí đốt Nord Stream giữa Nga và Đức qua biển Baltic. Hai bên cũng vẫn hợp tác về khí hậu, chống khủng bố, giới hạn vũ khí nguyên tử. Về mặt quân sự, cuộc đối đầu này sẽ chủ yếu là các cuộc tập trận và tuần hành trong mục đích phô trương lực lượng. Mỹ và các đồng minh Liên Hiệp Châu Âu, Nhật, Ấn, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan v.v. dù có sức mạnh áp đảo cũng chỉ muốn phủ nhận các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc và phản ứng nếu Trung Quốc lộng hành chứ sẽ không khiêu khích. Thế giới sẽ phân cực nhưng sẽ không lâm vào chiến tranh.
Cuộc chiến tranh ý thức hệ không phải không có nhưng sẽ là một cuộc chiến một chiều bởi vì dân chủ đã trở thành một giá trị phổ cập. Các nước dân chủ một mặt đề cao các giá trị tự do dân chủ đồng thời cố gắng liên tục cải thiện chế độ chính trị của mình để ngày càng lành mạnh hơn, mặt khác không ngừng theo dõi và lên án những vi phạm nhân quyền, những hành động đàn áp, ám sát và thủ tiêu tại Nga và Trung Quốc. Ngược lại Trung Quốc và Nga sẽ chỉ chống trả bằng cách chối cãi rằng mình không hề sai phạm chứ không phản bác mô hình xã hội và các giá trị mà đối phương đề cao.
Tương quan lực lượng
Trước hội nghị Alaska, tổng thống Joe Biden đã tiếp xúc để hòa giải và thắt chặt quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Châu Âu. Cũng đã có cuộc họp Tứ Trụ (QUAD) giữa Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc. Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ đã tới Nhật và Hàn Quốc. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm viếng Ấn Độ trong ba ngày. Tất cả những tiếp xúc này đều có mục tiêu công khai là đạt tới một chiến lược chung đối với Trung Quốc. Một cách công khai và dứt khoát, Trung Quốc và Nga đã bị nhận diện như là những chế độ chà đạp nhân quyền và đe dọa hòa bình và luật pháp quốc tế. Joe Biden tỏ ra rất quyết liệt, ông tố cáo chế độ Tập Cận Bình là diệt chủng, gọi Putin là một tên sát nhân. Khối dân chủ dàn trận một cách có đoàn kết, kế hoạch và phân công. Tại Châu Á vai trò chủ động để ngăn chặn Trung Quốc thuộc về Ấn Độ và Nhật, tại Châu Âu vai trò đối đầu với nước Nga của Putin chủ yếu thuộc về Liên Hiệp Châu Âu và Anh. Trên cả hai mặt trận, Mỹ với sức mạnh quân sự và kinh tế áp đảo vừa trực tiếp yểm trợ vừa giữ vai trò trừ bị chiến lược. Cho tới nay Biden đã làm rất đúng cam kết lúc tranh cử. Ông cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên có hiểu biết sâu rộng về thế giới. Có nhiều triển vọng ông sẽ đủ sáng suốt để biết phải làm gì và làm như thế nào. Sự sáng suốt này rất cần thiết vì mặt trận dân chủ mà ông đang cố gắng thành lập không phải không có vấn đề.
Một thí dụ là Đài Loan. Đài Loan đang bị Trung Quốc đe dọa nhất nhưng lại rất vướng mắc với Trung Quốc vì đã đầu tư quá nhiều vào Hoa Lục, rút ra không dễ và cũng không thể nhanh. Vả lại Đài Loan cũng chỉ muốn được yên thân chứ không dám khiêu khích Trung Quốc vì không tin là Mỹ chắc chắn sẽ bảo vệ họ trong mọi trường hợp. Họ không thể quên bài học cay đắng năm 1972 trong đó chính quyền Nixon đã đột ngột và phũ phàng bỏ rơi họ, đem Trung Quốc vào Liên Hiệp Quốc thay thế họ và nhìn nhận Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Quốc.
Một thí dụ khác là Hàn Quốc. Hàn Quốc trước đây không chỉ là đồng minh mà còn là tiền đồn của Mỹ sát ngay Trung Quốc nhưng bây giờ không còn mặn mà với Mỹ nữa sau những cố gắng bắt chẹt và đòi tiền vô lý của Donald Trump. Mỹ đóng 28.500 quân tại đây trong một số căn cứ quân sự, kể cả những giàn hỏa tiễn THAAD. Theo hợp đồng đã ký giữa hai bên, Hàn Quốc trả cho Mỹ hàng năm 850 triệu USD, tương đương với 30.000 USD mỗi năm cho mỗi người lính Mỹ. Bất chấp thỏa hiệp này, Donald Trump đòi Hàn Quốc phải trả 5 tỷ USD mỗi năm, nghĩa là cao gấp 6 lần, nếu không sẽ rút quân. Sau nhiều tranh cãi gay go Trump rút xuống còn 1,3 tỷ USD nhưng Hàn Quốc vẫn không chịu. Ngay sau khi đắc cử Joe Biden đã chấm dứt cuộc tranh cãi ngu xuẩn này, nhưng tình cảm giữa đôi bên đã rạn nứt. Đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc bây giờ là Trung Quốc chứ không phải Mỹ.
Tại phía Tây, Liên Hiệp Châu Âu vừa đã mất lòng tin ở Mỹ vừa đang rất lúng túng với nhiều khó khăn lớn. Nước Anh vừa rút ra khỏi Liên Hiệp một cách không mấy thân thiện, dịch Covid-19 đang ở cao điểm và sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng, hai chế độ Ba Lan và Hung gần như là những chế độ dân túy tạo ra những vấn đề hơn là đem lại sức mạnh cho Liên Hiệp. Chính nước Pháp, một trong hai cột trụ của Liên Hiệp, cũng đang có nguy cơ dân túy, các thăm dò dư luận cho thấy Marine Le Pen chỉ còn thua Emmanuel Macron một vài điểm. Liên Hiệp Châu Âu rất kính trọng và tin tưởng ở Joe Biden nhưng có gì bảo đảm là trong tương lai nước Mỹ sẽ không có một tổng thống như Donald Trump ?
Riêng Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh rất thân thiết của Mỹ trước đây, bây giờ đã trở thành một chế độ dân túy. Không ai có thể dự đoán đến bao giờ dân chủ mới phục hồi được.
Nói chung, cho tới nay cố gắng hòa giải và động viên của Joe Biden rất được hoan nghênh nhưng những đổ vỡ do Donald Trump gây ra không thể hàn gắn, như một bát nước đã đổ xuống đất không thể nào hốt đầy lại được.
Sau cùng, trở ngại lớn nhất của Joe Biden là chính tình trạng hiện nay của nước Mỹ. Nước Mỹ quá chia rẽ để có thể đoàn kết lâu dài trong một cố gắng lớn. Nền dân chủ Mỹ cũng rất bệnh hoạn. Nhiệm kỳ quốc hội hai năm khiến các dân biểu phải lo tranh cử lần tới ngay khi vừa được bầu và không còn thời giờ để dành cho những vấn đề nền tảng, thượng viện có quá nhiều quyền dù chỉ có rất ít tính chính đáng dân chủ, chênh lệch giầu nghèo quá lớn đẻ ra vô số tật bệnh. Chế độ tổng thống ngày càng làm nghiêm trọng hơn nguy cơ dân túy đồng thời khiến mọi cải tổ thể chế cần thiết trở thành khó khăn.
Tuy vậy, như một phép lạ, mọi ngờ vực và băn khoăn tự nhiên hầu như tan biến trước mối nguy Trung Quốc. Tại Mỹ, cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa dù chống đối nhau trên mọi vấn đề cũng vẫn đoàn kết trong trước mối nguy Trung Quốc. Tại Châu Âu cũng như Châu Á, người ta sẵn sàng quên đi cả những khó khăn nội bộ lẫn những hờn giận với nước Mỹ để đoàn kết trong một mặt trận chống Trung Quốc. Tất cả nhờ Tập Cận Bình. Những đàn áp thô bạo tại Tân Cương và Hồng Kông, những hành động khiêu khích của hải quân và không quân và những lời tuyên bố thách thức hung hăng của những viên chức ngoại giao Bắc Kinh đã khiến mọi người đoàn kết chống lại Trung Quốc. Thêm vào đó, Joe Biden và các cộng sự viên của ông tỏ ra đã hiểu rằng thế giới đã thay đổi và nước Mỹ cũng đã thay đổi. Mặt trận dân chủ mới này phải được quan niệm như một liên kết, trong đó Mỹ sẽ đảm nhiệm vai trò thứ nhất trong số những đối tác ngang hàng chứ không còn đơn phương quyết định như trước nữa. Măt trận này vì vậy sẽ vận hành một cách hợp lý và sẽ mạnh hơn.
Kế hoạch Vành Đai và Con Đường đã khựng lại trong bế tắc, khối nợ khổng lồ trên 300% GDP không có giải pháp…
Để đáp lại, ngay sau hội nghị Alaska, hai ngoại trưởng Nga và Trung Quốc, Sergey Lavrov và Vương Nghị, đã gặp nhau tại Quế Lâm, thuộc tỉnh Quảng Đông, để bàn phương thức hợp tác để cùng đối phó với liên minh các nước dân chủ vừa được phục hưng. Nhưng liên minh Nga-Trung Quốc hoàn toàn tuyệt vọng. Nó vừa không có lẽ phải vừa không có sức mạnh. Trọng lượng kinh tế của nó chỉ xấp xỉ 15% GDP của thế giới. Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc quá lớn. Kế hoạch Vành Đai và Con Đường đã khựng lại trong bế tắc, khối nợ khổng lồ trên 300% GDP không có giải pháp, hơn 70 triệu căn hộ trống đang hư hỏng dần, lực lượng lao động đang nhỏ lại và già đi trong khi số người thất nghiệp hoặc không có công việc ổn định chiếm 1/3, ngành xây dựng cho đến nay vẫn là chiếc áo choàng lộng lẫy che giấu những khó khăn đã phải phải khựng lại. Trung Quốc có thể phá sản bất cứ lúc nào. Sức mạnh quân sự Nga-Trung cũng thua xa liên minh các nước dân chủ. Vũ khí kém phẩm chất và quân đội không có kinh nghiệm chiến trường. Lần cuối cùng mà quân Nga thực sự giao chiến, và thảm bại, là tại Afghanistan cách đây gần 40 năm. Trong gần 70 năm qua, kể từ sau chiến tranh Cao Ly, quân Trung Quốc chỉ ra trận ba lần, tất cả với Việt Nam, tại Hoàng Sa tháng 01/1974, tại biên giới phía Bắc tháng 02/1979 và tại Trường Sa tháng 03/1988. Cuộc chiến biên giới kéo dài một tháng, hai cuộc hải chiến chỉ chỉ diễn ra trong một ngày ở mức độ thấp. Dĩ nhiên Mỹ và các đồng minh sẽ không tấn công -vì không cần thiết- nhưng Nga và Trung Quốc cũng quá yếu để dám gây chiến.
Cái yếu thực sự của liên minh Nga-Trung Quốc là không có lẽ phải. Đừng bao giờ quên rằng lẽ phải có sức mạnh vô địch của nó. Trước đây hai ngàn năm, trên Núi Phúc gần biển Galilée, Giê Su Kitô đã nói trong Bài Giảng Trên Núi : "Ai đau khổ vì lẽ phải là có phúc vì sẽ được toại nguyện". Nói cách khác lẽ phải cuối cùng bao giờ cũng thắng.
Trong cuộc chiến tranh lạnh sau Thế Chiến II trước đây, so sánh lực lượng còn bất lợi cho khối cộng sản hơn hẳn bây giờ cả về kinh tế cũng như quân sự, nhưng họ đã có thể liên tục tấn công và chiến thắng tại nhiều nơi, như Viêt Nam, vì lúc đó chủ nghĩa cộng sản còn có sức quyến rũ của nó. Sức quyến rũ này ngày nay đã nhường chỗ cho thất vọng và thù ghét. Người ta có thể thấy sự đuối lý, hay thiếu lẽ phải, của cả Nga lẫn Trung Quốc. Sau khi bị Joe Biden gọi là một tên sát nhân, một điều hoàn toàn đúng, Putin chỉ biết cười nhạt và chúc Biden sức khỏe. Tại hội nghị Alaska, khi ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trực diện tố giác những vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Dương Khiết Trì (trưởng ban đối ngoại trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc) và Vương Nghị (bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc) nổi giận nhưng cũng chỉ biết phản công bằng cách nói rằng Mỹ cũng chẳng hay ho gì. Nói cách khác chúng tôi xấu nhưng các vị cũng không tốt. Quá yếu.
Chuẩn bị cho một khúc quanh lịch sử
Một câu hỏi lớn, rất lớn, phải được đặt ra là tại sao Trung Quốc không chịu dân chủ hóa ? Như thế họ không gây lo ngại cho ai mà còn được khuyến khích và hoan nghênh để tiến lên, ngay cả để trở thành siêu cường số 1 của thế giới. Câu trả lời giản dị là Trung Quốc rất muốn nhưng không thể dân chủ hóa.
Một sai lầm lớn của nhiều nhà nghiên cứu chính trị là lý luận về Trung Quốc như một quốc gia trong khi Trung Quốc không phải là một quốc gia mà là một đế quốc. Một đế quốc là một tập thể nhiều nước phục tùng một trung tâm, trung tâm đó giữ độc quyền quân lực và áp đặt một ý thức hệ chung. Mỗi đế quốc như vậy đều phải đặt nền tảng trên một ý thức hệ, khi ý thức hệ đó không còn, ngay cả để nhường chỗ cho một ý thức hệ đúng hơn, thì đế quốc không thể tiếp tục tồn tại. Trung Quốc là một đế quốc, mỗi tỉnh thực ra là một nước. Trung Quốc đã là đế quốc kéo dài nhất trong lịch sử thế giới, từ thế kỷ 3 trước Công nguyên, vì ý thức hệ nền tảng của nó, Khổng Giáo, vẫn còn được duy trì. Chủ nghĩa cộng sản xét cho cùng chỉ là một phiên bản cải tiến của Khổng Giáo. Nếu bỏ chủ nghĩa cộng sản thì đế quốc Trung Hoa cũng tan vỡ theo, thành nhiều liên bang và quốc gia dân chủ tùy theo những điều kiện địa lý, lịch sử và văn hóa. Thay đổi này sẽ tốt cho khối 1,4 tỷ người Trung Quốc nhưng lại là điều mà ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc không dám hình dung, vì nó đồng nghĩa với chấp nhận sự cáo chung của Trung Quốc với lãnh thổ và dân số hiện nay. Vì thế mà họ cứ phải cố bám lấy một chủ nghĩa mà chính họ cũng biết là sai và phải bị loại bỏ.
Kết quả chắc chắn của cuộc đối đầu này có thể biết trước. Liên minh Nga-Trung Quốc không có lý cũng không có lực lại cũng không thành thực trong khi mặt trận dân chủ thống nhất mà Joe Biden đang khởi động, dù không hoàn hảo, vừa có chính nghĩa hơn hẳn vừa có sức mạnh áp đảo, lại vừa có sự phối hợp thành thực.
Cuộc đối đầu này sẽ kết thúc dễ hơn và sớm hơn mọi dự đoán. Làn sóng dân chủ thứ tư, khởi đầu từ năm 2010 với những thắng lợi của dân chủ tại Đông Nam Á và Mùa Xuân Ả Rập tại Trung Đông đã khựng lại do sự trỗi dậy của phong trào dân túy, rõ rệt nhất là tại Mỹ với Donald Trump. Với Joe Biden và mặt trận dân chủ mà ông đang cố gắng thành lập, nó sẽ khởi sắc trở lại và sẽ quét đi các chế độ độc tài còn lại, cộng sản cũng như dân túy, trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Cuộc đối đầu mới này, mà nhiều người gọi là cuộc chiến tranh lạnh mới, thực ra là đợt hai của làn sóng dân chủ thứ tư.
Một lời sau cùng cho Việt Nam.
Khác với Trung Quốc, chúng ta không phải là một đế quốc mà là một quốc gia. Chúng ta có thể chuyển hóa về dân chủ mà vẫn còn nguyên vẹn về diện tích và dân số. Chỉ đẹp hơn, giầu mạnh hơn và đáng tự hào hơn. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bắt chước Trung Quốc một cách quá tăm tối đến nỗi từ chối làm một chuyển hóa vừa tốt đẹp vừa bắt buộc mà Trung Quốc cũng rất muốn nhưng không thể làm. Đã đến lúc sự u mê này phải chấm dứt. Đất nước cần chuẩn bị để mở đầu Kỷ Nguyên Thứ Hai.
Nguyễn Gia Kiểng
(08/04/2021)