Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đảng cộng sản Việt Nam sắp bước sang tuổi 88, đây là một tuổi thọ khá cao (chỉ sau mỗi Đảng cộng sản Trung Quốc). Đảng cộng sản Việt Nam đã độc quyền lãnh đạo đất nước suốt 63 năm trên miền Bắc và 43 năm trên cả nước, sau khi tiến chiếm miền Nam. Mặc dù gặp hết thất bại này đến thất bại khác và ngày càng lún sâu vào tham nhũng, đấu đá nội bộ… nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu nào rõ rệt chứng tỏ Đảng cộng sản Việt Nam sắp kết thúc vai trò lịch sử của mình.

tochuc1

Tham gia vào một tổ chức là để đấu tranh xây dựng một tương lai khác tốt đẹp hơn hiện tại

Có nhiều lý do, nhưng theo chúng tôi thì lý do quan trọng nhất đó là vì chưa có một tổ chức chính trị nào của phong trào đối lập dân chủ Việt Nam có đủ tầm vóc và nhân sự để thay thế Đảng cộng sản Việt Nam.

Có một điều giản dị mà giờ này có lẽ mọi người Việt Nam đều đã đồng ý với nhau đó là : Đấu tranh chính trị luôn luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Mỗi tổ chức chính trị (đảng phái) đại diện cho một khuynh hướng chính trị. Mỗi tổ chức theo đuổi và đề nghị một số giá trị và tư tưởng nền tảng cũng như phương pháp quản trị nhà nước thông qua một "dự án chính trị". Một tổ chức chính trị được thành lập và duy trì là để thể hiện một tư tưởng chính trị và tranh đấu để thực hiện một dự án chính trị.

Nếu không có tư tưởng chính trị được cụ thể hóa qua một dự án chính trị thì không thể có một tổ chức chính trị đúng nghĩa.

Vì sao người ta đấu tranh ? Tất nhiên là do người đó không hài lòng với thực tại đang diễn ra, họ mong muốn một tương lai khác, một luật chơi khác tốt đẹp hơn.

Quá trình (hay diễn tiến) để một người dấn thân tranh đấu như sau : Đầu tiên họ thấy hiện tại có nhiều bất công (mà bản thân họ hay người thân họ gặp phải) nên họ lên tiếng phản ứng. Khi lên tiếng phản kháng trước bất công thì họ nhận được nhiều sự chia sẻ của những người có cùng quan tâm và cảnh ngộ và dần dần họ nhận ra rằng cần phải thay đổi xã hội. Muốn thay đổi xã hội thì phải tranh đấu. Thái độ của họ ngày càng rõ rệt và mạnh mẽ hơn. Sau một thời gian, họ nhận ra rằng nếu chỉ đấu tranh một mình họ sẽ không đủ sức mạnh và ảnh hưởng cần thiết để gây sức mạnh hay sức ép, do đó cần phải tìm một kết hợp lớn hơn với những người khác. Các tổ chức đối lập có tầm vóc bắt đầu hình thành theo diễn tiến trên.

Giai đoạn kết hợp lại với nhau trong một tổ chức để cùng tranh đấu là giai đoạn quan trọng nhất của mỗi người. Nó đánh dấu việc kết thúc tranh đấu cá nhân và tiến lên một bậc cao hơn : đấu tranh có tổ chức. Từ một tiếng nói lương tâm chuyển lên đấu tranh chuyên nghiệp, quyết tâm thay đổi xã hội cùng với những người chung chí hướng là cả một quá trình phấn đấu với chính mình. Hầu hết những người Việt tranh đấu cho tự do và dân chủ Việt Nam đều dừng bước ở "kỳ thi" cuối cùng này.

Không ai nghi ngờ về quyết tâm, lòng dũng cảm và sự hy sinh của những người đã và đang tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ hiện nay. Niềm tin của họ về sự chính đáng của bản thân và sự suy vong tất yếu của chế độ độc tài là hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở. Tuy nhiên tư duy "bất chiến tự nhiên thành", "cùng tắc biến, biến tắc thông", hay ngồi trông chờ vào một thế lực ngoại bang hay một vị minh quân nào đó xuất hiện là điều không tưởng. Không có gì là tự nhiên đến hay tự nhiên đi.

Đấu tranh để chuyển hóa đất nước Việt Nam về dân chủ là một công cuộc vĩ đại của tất cả mọi người Việt Nam. Chỉ mỗi mong ước không thôi sẽ không đủ. Phải có đội ngũ và phương pháp của một tổ chức chính trị nghiêm túc.

Sỡ dĩ đại đa số người Việt đều chọn lối tranh đấu nhân sĩ, chỉ có mình đúng nên đã không tham gia vào một tổ chức nào đều có lý do sâu xa của nó. Nhiều người quả quyết rằng họ muốn "độc lập" để không bị ai chi phối và để khách quan… Thực ra không hẳn như vậy. Lý do khiến họ không tham gia vào các tổ chức chính trị là vì họ khám phá ra rằng, muốn tồn tại trong môi trường của một tổ chức thì họ phải học hỏi nhiều thứ và phải hy sinh ít nhiều cái tôi nhỏ bé của mình.

Vậy tham gia vào một tổ chức để học hỏi cái gì ? Ít nhất bạn phải học về "văn hóa tổ chức", tức là cách ứng xử khi làm việc chung với những người khác, khác về tuổi tác, khác về vai trò, khác về phong cách, khác về cách lý luận… Bạn phải tôn trọng ý kiến người khác và phải biết kiên nhẫn, biết lắng nghe, biết bao dung và chia sẻ.

Một đặc tính của tổ chức đó là "có sự phân công và cấp bậc không đồng đều", và như vậy, có thể bạn phải làm những điều mà tổ chức yêu cầu dựa trên năng lực của bạn, dù công việc đó buồn tẻ hay không thú vị như bạn muốn. Tổ chức có những lôgíc khác với cá nhân. Có những ý kiến mà bạn nghĩ rằng rất hay nhưng khi đưa ra tổ chức thì mọi người không chia sẻ vì chưa đúng lúc hoặc không thực tế thì bạn phải chấp nhận điều đó.

Một công việc khó nữa khi tham gia tổ chức là bạn phải nắm rõ và hiểu rõ tư tưởng, đường lối và lộ trình tranh đấu của tổ chức. Muốn thế bạn phải học tập bằng cách đọc các tài liệu căn bản của tổ chức.

Với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, chúng tôi có ba tài liệu cơ bản :

- Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai ;

- Qui Ước Sinh Hoạt (tức điều lệ của tổ chức) ;

- và tài liệu Văn Hóa Tổ Chức.

Cho dù các tài liệu này được viết với một văn phong rõ ràng, trong sáng và mạch lạc nhưng vì là tài liệu học tập nên không thể tránh khỏi sự nhàm chán (có tài liệu học tập nào mà không nhàm chán ?). Có thể có những điều bạn đã nghe, đã có kinh nghiệm, nhưng muốn tham gia vào tổ chức thì không thể không đọc và không hiểu các tài liệu này để sinh hoạt có tổ chức. Đây cũng là câu trả lời cho những ai muốn hoặc có ý định tham gia vào Tập Hợp.

Quả thực là không dễ và vì thế người ta thường dừng bước ở giai đoạn này. Làm một nhân sĩ rất dễ, chỉ cần nói theo những gì một mọi người đều biết hay những gì mà người dân cần nghe là bạn có thể nổi tiếng. Và mục đích của một nhân sĩ, có lẽ, cũng chỉ đến thế. Trong khi mục tiêu của một tổ chức chính trị là "cố gắng giành lấy - hoặc giữ lấy - quyền lực để thực hiện một dự án chính trị. Sự tranh giành - hay cố giữ - quyền lực này chỉ có ý nghĩa nếu có một dự án chính trị đúng đắn. Nếu không hoạt động chính trị chỉ là vớ vẩn, nhảm nhí…". Xin xem thêm bài tổng hợp các khái niệm chính trị của Hồng Việt (1).

Chính trị và đấu tranh chính trị cũng cần phải có kiến thức như bao nghề nghiệp khác. Muốn có kiến thức thì phải học hỏi và môi trường duy nhất để học hỏi về chính trị là các tổ chức chính trị. Đây cũng là lời giải thích cho những trường hợp bỏ cuộc và bế tắc sau một thời gian tranh đấu cho dân chủ. Người Việt Nam cho rằng chính trị không cần phải học hỏi vì ai cũng biết về chính trị. Tuy nhiên "chính trị quần chúng" khác với "chính trị lãnh đạo", nếu ai cũng biết rõ về chính trị thì ai cũng làm được lãnh đạo chăng? Không có chuyện đó.

Phong trào dân chủ Việt Nam sau một thời kỳ hưng phấn đã dừng bước và tan vỡ ra thành nhiều tổ chức "xã hội dân sự" khác nhau. Hiện tại Việt Nam có hơn 20 tổ chức xã hội dân sự và chưa có một tổ chức chính trị dân chủ đối lập nào đúng nghĩa và có tầm vóc.

Chúng tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần những ý kiến đại loại rằng "Tập Hợp không thuyết phục được tôi nên tôi không tham gia Tập Hợp"… Nhiều người thậm chí chưa từng tham gia vào một tổ chức nào nhưng lại luôn lớn giọng chê trách Tập Hợp và các tổ chức chính trị khác là kém cỏi, bất tài… Chúng tôi không bàn luận về những nhận định này, nhưng nếu ai đó tự cho mình là giỏi và có bản lĩnh thì hãy tự thành lập một tổ chức của riêng mình xem nó khó khăn đến thế nào ?

Muốn thay đổi được vận mệnh của đất nước thì những người dấn thân phải có niềm tin và muốn có niềm tin thì phải có kiến thức và sự hiểu biết. Hiểu biết còn làm cho chúng ta dũng cảm hơn. Hợp quần mới tạo được sức mạnh. Các cá nhân tranh đấu không có tư tưởng sớm muộn cũng bỏ cuộc vì chán nản và cô đơn. Không phải tự nhiên mà Đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố là "kiên quyết không để nhem nhóm các tổ chức chính trị đối lập". Họ không sợ người hùng, người giỏi mà họ chỉ sợ những người tranh đấu có tổ chức.

Ngoài kiến thức về chính trị ra thì người đấu tranh còn cần có đạo đức và lòng yêu nước. Lòng yêu nước của người Việt rất yếu. Nếu thực sự yêu nước và muốn cho đất nước thay đổi thì phải hy sinh ít nhiều cái tôi của mình để đứng vào trong một tổ chức chính trị. "Thà làm một người lính trong đoàn quân thắng trận còn hơn làm một viên tướng của phe bại trận", bao nhiêu người dấn thân hiểu và chấp nhận điều đó ? Tham gia vào một tổ chức còn là một môi trường tốt để rèn luyện đạo đức và củng cố lòng yêu nước.

Chừng nào những người tranh đấu chưa chịu hiểu và chưa chịu tham gia vào một tổ chức chính trị thì Việt Nam vẫn chưa thể có được các tổ chức chính trị hùng mạnh và có tầm vóc. Và rồi dân tộc Việt Nam còn phải tiếp tục sống chung dài dài với chế độ cộng sản.

Việt Hoàng

(19/1/2018)

(1). http://thongluan2016.blogspot.com/2016/12/cac-khai-niem-chinh-tri-hong-viet-thdcn.html

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm