Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Champa là một vương quốc ở miền Trung Việt Nam, chạy dài từ Quảng Bình đến biên giới Biên Hòa. Vương quốc này được hình thành vào thế kỷ thứ 2, gồm 4 tiểu vương quốc :

- Amaravati (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi)

- Vijaya (Bình Định)

- Kauthara (Phú Yên, Khánh Hòa)

- Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận)

champa1

Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)

Chính sách Nam Tiến

Sau khi giành được độc lập vào thế kỷ thứ 10, Đại Việt bắt đầu áp dụng chính sách thống trị nhằm biến các vương quốc láng giềng thành chư hầu của mình mà Champa là nạn nhân đầu tiên của chính sách Nam Tiến này. Chính sách thống trị của Đại Việt với mục tiêu bành trướng đất đai của mình về phía Nam mà các sử gia thường gọi đó là chủ thuyết đế quốc của vua chúa Đại Việt. Bắt đầu là cuộc xung đột quân sự giữa Đại Việt và Champa.

Trong suốt thời điểm từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 15, có thể nói chính sách bành trướng lãnh thổ về phía Nam của Đại Việt tập trung trọng yếu vào vương quốc Champa. Tiếc rằng, chiến tranh do Đại Việt phát động không phải là để chinh phạt Champa, mà là chiếm hữu đất đai mở rộng lãnh thổ. Mỗi khi gặt hái được chiến thắng quân sự, Đại Việt liền sát nhập vùng lãnh thổ mới chiếm của Champa vào khu vực hành chánh của mình, rồi sau đó áp dụng chính sách Việt hóa bằng cách biến những cộng đồng dân cư sinh sống trong lãnh thổ Champa bị chiếm đóng thành thần dân Việt. Tất cả cộng đồng người Chăm sinh sống từ Quảng Bình đến Khánh Hòa hôm nay không còn biết nói tiếng mẹ đẻ và không còn vết tích về nguồn gốc dân tộc của họ nữa.

Qua hai chiến thắng quân sự quan trọng năm 1069 và 1471, Đại Việt chiếm trọn một phần lãnh thổ Champa chạy dài từ Quảng Bình đến Bình Định. Trong khi đó, dưới thời vua Chế Bồng Nga (1360-1390) Champa đã hơn 7 lần chiến thắng quân Việt và tiến vào Thăng Long nhưng liền rút về chứ không bao giờ nghĩ đến việc xâm chiếm đất đai của Đại Việt. Những sự kiện này chứng tỏ rằng chủ trương bành trướng lãnh thổ của Đại Việt là có thật vì đã không ngừng tấn công và xâm chiếm đất đai của các dân tộc khác yếu kém hơn.

1. Nội chiến Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn

Sau ngày thành Đồ Bàn (còn gọi là Phật Thành, Chà Bàn, Vijaya)  ở Bình Định thất thủ vào năm 1471, vương quốc Champa bị sụp đổ và thu hẹp ở hai tiểu vương quốc Kauthara (Phú Yên, Khánh Hòa) và Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận). Vì không đủ tiềm năng quân sự để chống các chúa Trịnh phương bắc, các chúa Nguyễn chỉ còn cách phát động phong trào Nam Tiến, tức là phía lãnh thổ Champa, để xây dựng và củng cố lực lượng. Cuộc Nam Tiến này ngày càng tăng tốc theo thời gian trước sức ép của các chúa Trịnh. Nhưng cuộc Nam Tiến này chỉ dọc theo các vùng duyên hải, vì dễ bài binh bố trận, để đánh chiếm Champa. Ngược lại quân của các chúa Nguyễn không dám phiêu lưu lên các vùng rừng núi phía Tây (Tây Nguyên), vì không nắm vững địa dư phong thổ nơi cộng đồng người Thượng sinh sống trên đó (1).

Năm 1611, chúa Nguyễn đem hơn 40 vạn quân chính quy, vượt đèo Cù Mông ở phía nam Bình Định để tấn công vương quốc Champa ở Phú Yên (Aryaru), sau đó biến khu vực vừa mới chiêm đóng thành phủ Phú Yên. Bốn mươi hai năm sau, chúa Nguyễn tiến chiếm Nha Trang (Aya Tră) vào năm 1653 và dời biên giới miền nam của mình đến Cam Ranh (Kamran). Kể từ đó, Nha Trang trở thành hai đơn vị hành chánh của người Việt, đó là Thái Khang và Diên Khánh.

Ba năm sau, tức là năm 1653, chúa Nguyễn xua quân xâm chiếm lãnh thổ Camphuchi ở Biên Hòa. Thế là kể từ năm 1653, Champa trở thành một lãnh thổ hoàn toàn bị bao vây, ở phía bắc giáp căn cứ quân sự nhà Nguyễn ở Cam Ranh và phía nam giáp căn cứ quân sự nhà Nguyễn ở Biên Hòa.

Sự cô lập Champa của nhà Nguyễn kể từ năm 1653 đã giải thích phần nào sự suy vong Champa trong những năm kế tiếp (2).

2. Nội chiến Tây Sơn và Nguyễn Ánh

Hết đương đầu với chiến tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, Champa bị lôi kéo vào cuộc nội chiến khác của người Việt, đó là sự bùng nổ chiến tranh vào năm 1771 giữa phong trào Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Cuộc nổi chiến này đã biến lãnh thổ Champa (khu vực Phan Rang và Phan Rí) thành bãi chiến trường đẫm máu trong vòng 30 năm giữa hai thế lực thù địch giữa người Việt, một bên trung thành với Nguyễn Ánh còn bên khác thì ủng hộ phong trào Tây Sơn. Năm 1773, Tây Sơn xua quân chiếm đóng Ninh Thuận và Bình Thuận, trong khi đó Nguyễn Ánh rời bỏ ngai vàng vào năm 1775 chạy về miền Nam lập mật khu ở Gia Định. Suốt 30 năm nội chiến, Tây Sơn biến Nha Trang thành khu vực quân sự địa đầu của mình, trong khi đó Nguyễn Ánh trấn thủ ở Gia Định. Hoàn cảnh địa dư này đã biến Champa thành một khu vực nằm giữa hai gọng kìm biên giới quân sự của Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Thế là vương quốc Champa phải đón nhận hàng năm sự hiện diện quân đội viễn chinh của Tây Sơn và Nguyễn Ánh trên lãnh thổ của mình. Lý do rất giản dị, muốn tấn công Nguyễn Ánh ở Gia Định, Tây Sơn phải làm chủ quân sự ở khu vực Phan Rang và Phan Rí trước. Về phía Nguyễn Ánh, muốn tấn công Tây Sơn ở Bình Định, Nguyễn Ánh phải xua quân chiếm đóng Phan Rang và Phan Rí, sau đó mới có thể tiến quân đến Nha Trang được.

Trong suốt cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, biên giới vương quốc Champa hoàn toàn bị xóa bỏ trên bản đồ vì thiếu quân lực để phòng thủ. Từ đó dân tộc Champa phải chấp nhận thần phục cả hai phe vừa Tây Sơn lẫn Nguyễn Ánh để bảo tồn tánh mạng. Các tầng lớp lãnh đạo Champa chia thành hai phe do hai thế lực thù địch người Việt tạo dựng ra. Vì một khi đã xâm chiếm Champa để làm cứ điểm quân sự, Nguyễn Ánh thành lập một chính quyền mới của vương quốc này tập trung thành phần lãnh đạo thân cận với mình. Tây Sơn cũng vậy một khi tiến quân vào Champa, lại ra lệnh thanh trừng gắt gao những phần tử người Champa theo Nguyễn Ánh để rồi thành lập một chính quyền khác mà cấp lãnh đạo chỉ là thành viên của Tây Sơn.

Sự thay đổi liên tục chính quyền trong thời điểm đó đã khiến mọi cơ cấu tổ chức vương quyền Champa đứng bên lề vực thẳm. Lợi dụng cơ hội này, hai phe thù địch Tây Sơn và Nguyễn Ánh tung hoành chiếm đoạt tài nguyên Champa để phục vụ cho nhu cầu chiến tranh của mình và động viên thanh niên Champa xung phong vào chiến trường đẫm máu. Trong khi đó, Champa lại đặt dưới quyền cai trị của tầng lớp lãnh đạo mang tính cách bù nhìn, vì chức quyền của họ hoàn toàn do Tây Sơn hoặc Nguyễn Ánh tấn phong. Đại Việt luôn tự cho mình là kẻ chiến thắng, thẳng tay hà hiếp nhân dân Champa mà họ cho là những kẻ man rợ không cùng nòi giống với mình. Nói tóm lại, Champa không còn tồn tại nữa với danh nghĩa là một vương quốc độc lập và tự chủ trong suốt cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh kể từ 1771 đến 1802.

3. Xung đột giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt

Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, lên ngôi với tôn hiệu là Gia Long. Để tri ân những chiến sĩ Champa đã từng đấu tranh bên cạnh mình, Gia Long tái lập lại vương triều Champa, sau đó phong cho Po Saong Nhung Ceng, một tướng lãnh gốc người Chăm rất thân cận với Gia Long được mang họ vua dưới tên gọi Nguyễn Văn Chấn, lên làm quốc vương Panduranga-Champa (khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai). Thế là từ năm 1802, Champa không còn là một vướng quốc độc lập nữa mà là một lãnh thổ tự trị đặt dưới quyền bảo hộ của triều đình Việt Nam và hưởng quyền che chở rất đặc biệt của hoàng đế Gia Long và tổng trấn Gia Định Thành là Lê Văn Duyệt. Sau ngày từ trần của Gia Long vào năm 1820, hoàng đế Minh Mạng đưa ra chính sách cai trị hoàn toàn ngược lại với chủ trương của Gia Long. Một khi lên ngôi, Minh Mạng xóa bỏ hoàn toàn chính sách ưu đãi dành riêng cho vương quốc Champa do phụ vương của ông ta để lại và tìm cách ngăn chặn mọi ảnh hưởng của Lê Văn Duyệt ở vương quốc này.

Nhân danh có công trạng lớn lao trong chiến tranh chống Tây Sơn và cũng là bạn thân của Gia Long, Lê Văn Duyệt vùng dậy phản đối chính sách của Minh Mạng và nhất quyết đứng ra bảo vệ vương quốc Champa cho tới cùng. Thế là xung đột giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt bắt đầu bùng nổ và vương quốc Champa lại trở thành nạn nhân của cuộc nội chiến lần thứ 3 giữa người Việt Nam thời đó.

Vì quá thân cận với Lên Văn Duyệt hay vì quá kiếp sợ trước uy quyền chính trị của ông ta, giai cấp lãnh đạo Champa thời đó không phục tùng hoàng đế Minh Mạng nữa. Năm 1832, Lê Văn Duyệt từ trần, Minh Mạng xua quân xâm chiếm Champa và trừng phạt vô cùng dã man giai cấp lãnh đạo Champa về tội phục tùng Lê Văn Duyệt để rồi xóa hẳn vương quốc này trên bản đồ Đông Dương. Thế là năm 1832 đánh dấu ngày sụp đổ hoàn toàn vương quốc Champa.

champa2

Tháp Po Romé (Ninh Thuận)

Chính sách mỹ nhân kế

Sống trong một chế độ phong kiến, quốc trưởng Champa cũng như quốc vương ở các nước Đông Phương, thường kết hôn với công chúa gốc người nước ngoài. Đối với Champa, sự hiện diện của công chúa nước ngoài trong cung đình không mang ý nghĩa như một món quà đổi chát mà là một sự liên kết tình thân hữu giữa hai quốc gia. Sợ kết hôn kết hôn giữa công chúa của nước Đa Đảo (Java) và vua Champa là Jaya Sinhavarman III (Chế Mân) thường biểu dương cho chính sách bang giao thân hữu giữa hai quốc gia hơn là một cuộc tình theo nghĩa rộng của nó.

Nói đến cuộc kết hôn giữa quốc vương Champa và công chúa xuất thân từ nước ngoài, thì người ta phải nói đến cuộc tình giữa vua Chế Mân và Huyền Trân công chúa. Năm 1301, trong một dịp viếng thăm Đại Việt, thượng hoàng Trần Nhân Tôn hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân để đổi lấy châu Ô và Lý (khu vực tỉnh Thừa Thiên). Năm 1306, Huyền Trân sang Champa. Một năm sau, tức 1307 Chế Mân từ trần mà tư liệu lịch sử không nói rõ nguyên nhân. Nhà Trần viện cớ là phải đến bờ biển để cầu nguyện trước khi lên dàn hỏa cùng với Chế Mân theo phong tục của Champa, Trần Khắc Chung chờ sẵn gần bờ biển để đưa Huyền Trân chạy trốn về Đại Việt (3).

Thái độ chạy trốn của Huyền Trân công chúa trong lúc người chồng của mình vừa từ trần đã đưa các nhà khoa học đặt ra bao nghi vấn : có chăng sự từ trần của Chế Mân không phải là vấn đề tuổi thọ quá cao mà là có sự nhúng tay của Đại Việt trong biến cố này mà Huyền Trân chỉ là người nhận lệnh để thực hành ám hại vua Chế Mân. Nhà Trần có lẽ sợ công chúa Huyền Trân sẽ bị hỏa thiêu theo Chế Mân nên mới sai Trần Khắc Chung dàn cảnh để tổ chức chạy trốn.

Sau cuộc tình Chế Mân và Huyền Trân, Champa còn là nạn nhân của một cặp vợ chồng khác đó là cuộc kết hôn giữa vua Champa là Po Romé (1627-1651) và công chúa Ngọc Khoa (con chúa Sãi tức Nguyễn Phúc Nguyên) mà sử liệu tiếng Chăm gọi là Bia Ut (công chúa miền Bắc). Sự hiện diện của công chúa Ngọc Khoa trong triều đình Champa thời đó có một vai trò khác hẳn với Huyền Trân công chúa. Theo truyền thuyết của Champa, Ngọc Khoa đến vương quốc này với một sứ mạng mà nhà Nguyễn đã giao phó, đó là làm thế nào để vua Po Romé chặt bỏ cây Kraik (cây Kraik : biểu tượng cho thần quyền trấn giữ vương quốc này). Nhưng sự thật, Ngọc Khoa đến Champa chỉ làm nhà trinh thám nhằm báo cáo cho nhà Nguyễn biết mọi chi tiết liên quan đến tổ chức chính trị và quân sự của quốc gia này. Sau khi nhận đủ tin tức, nhà Nguyễn xuất quân tấn công Po Romé. Trong cuộc chiến này, Po Romé bị quân nhà Nguyễn vây bắt đem nhốt trong rọ sắt khiêng về Thuận Hóa với sự chứng kiến của một số nhà truyền giáo Tây Phương ở Champa. Sau biến cố này, triều đình Champa kết tội tử hình công chúa Ngọc Khoa và tạc tượng bà ta với cái đầu nhủi xuống đất để hậu thế không quên lịch sử của công chúa người Việt đóng vai mỹ nhân kế này.

Dominique Nguyễn

(07/05/2024)

(1) Cũng nên biết những nhóm dân cư người Thượng sinh sống trên Tây Nguyên này đều là thân dân của vương quốc Champa. Người Kinh chỉ có mặt trên Cao nguyên miền Trung sau ngày Việt Nam bị chia đôi theo Hiệp định Genève tháng 7/1954, chính thức là năm 1955 khi Tổng thống Ngô Đình Diệm đưa người Bắc di cư lên lập nghiệp và sinh sống chung với người Thượng.

(2) Nguyễn Văn Huy, "Người Chăm 7 - Cố gắng tồn tại trong khó khăn", Thông Luận, 1/9/2017

(3) Nguyễn Văn Huy, "Người Chăm 6 - Bùng lên trước khi tàn lụi", Thông Luận, 1/9/2017

Published in Diễn đàn