Trong lịch sử của mình, Đảng cộng sản Việt Nam đã có ba lần "xoay trục". Lần thứ nhất là vào thập niên 60 của thế kỷ 20. Khi đó ban lãnh đạo Đảng cộng sản Liên Xô lấy quyết định "hòa hoãn và chung sống hòa bình với Phương Tây", họ khuyên Việt Nam nên chấm dứt chiến tranh và chấp nhận sự chia cắt tạm thời. Trong khi Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục đường lối "chống đế quốc Mỹ" triệt để và sẵn sàng giúp đỡ toàn diện cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đảng cộng sản Việt Nam đã lấy quyết định "bỏ Liên Xô theo Trung Quốc". Hệ quả của nó là một loạt tướng lĩnh và quan chức cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam bị tranh trừng và kết tội "xét lại chống đảng" như Trung tướng Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh, Thiếu tướng Đặng Kim Giang (được cho là người cầm đầu) và các ông Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Kiến Giang…(1) (2).
Cho đến nay nhiều đảng viên cao cấp trong đảng bị bỏ tù trong vụ án "xét lại chống đảng" vẫn không biết mình mắc tội gì. (Người trong ảnh là tướng Đặng Kim Giang)
Sau khi tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, người chủ trương hòa hoãn với phương Tây là Khrushchev bị hạ bệ, ban lãnh đạo mới của Liên Xô do Breznhev đứng đầu, thay đổi thái độ, quyết định giúp Việt Nam "chống Mỹ" trong khi đó Mao Trạch Đông bắt đầu "xoay trục" sang Mỹ khi bật đèn xanh cho các cuộc thăm viếng lẫn nhau giữa hai nước Mỹ-Trung. Mở đầu bằng sự kiện "ngoại giao bóng bàn" năm 1970 và sau đó là cuộc thăm Trung Quốc chính thức của tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972. Mâu thuẫn giữa hai cường quốc cộng sản là Liên Xô và Trung Quốc ngày càng dâng cao khi cả hai đều muốn tranh giành quyền lãnh đạo phong trào cộng sản thế giới. Các đụng độ vũ trang đã xảy ra ở biên giới hai nước. Trước tình hình đó Lê Duẩn và Lê Đức Thọ vì sợ Trung Quốc bỏ rơi nên đã "xoay trục" lần thứ hai "bỏ Trung Quốc theo Liên Xô". Quan hệ Việt-Trung xấu đi và đỉnh điểm của nó là cuộc chiến biên giới năm 1979.
Đến năm 1985, mặc dù tiếng súng vẫn còn "vang nơi bầu trời biên giới" nhưng đứng trước tình hình tan rã không thể tránh khỏi của khối Xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô thì Đảng cộng sản Việt Nam đã lấy một quyết định "xoay trục" lần thứ ba mà không ai dám tin khi đó là "bỏ Liên Xô theo Trung Quốc". Lê Đức Anh và Đỗ Mười qui phục Trung Quốc với Hội nghị Thành Đô năm 1990 và trước đó đã dàn xếp để Trung Quốc chiếm một số đảo trên quần đảo Trường Sa như Gạc Ma, Vành Khăn, Xu Bi… dẫn tới vụ thảm sát 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam.
Đặc điểm nổi bật của ba lần "xoay trục" đều "chỉ là những thay đổi quan thầy trong nội bộ khối cộng sản và đều diễn ra một cách rất âm thầm cho đến khi tất cả đã xong, chỉ một nhóm chủ mưu nhỏ có thực quyền trong đảng được biết. Những thành phần bị coi là trở ngại cho "đường lối mới" bị thanh trừng mà cũng không biết tại sao. Họ bị buộc những tội chẳng liên quan gì tới lý do thực sự như "xét lại chống đảng", vi phạm kỷ luật, hoặc tham nhũng v.v. có khi chỉ vì quá tin tưởng và hăng say phục vụ đường lối chính thức của đảng mà không biết rằng nhóm chóp bu đang chuyển hướng" (3).
Theo nhà báo Huy Đức trong tác phẩm Bên thắng cuộc ghi lại thì ông Nguyễn Kiến Giang, giám đốc nhà xuất bản Sự Thật, bị bắt giam sáu năm và quản chế ba năm cho biết cho đến tận bây giờ ông cũng không biết là mình có tội gì. Ông than thở rằng người ta bảo ông phản động, tay sai nước ngoài nhưng trên thực tế ông bị giam ở xà lim mấy năm, thêm mấy năm quản chế, khoảng gần mười năm, cho đến khi trở về Hà Nội với tư cách là một người công dân, ông cũng không biết là mình có tội gì ! (4).
Lần "xoay trục" lần thứ tư "bỏ Tàu theo Mỹ" này hoàn toàn khác hẳn ba lần trước. "Sự đổi hướng không còn là một thay đổi trong "gia đình cộng sản" nữa mà là từ bỏ phe cộng sản. Hậu quả của nó là sau một thời gian cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chế độ cộng sản sẽ bị xóa bỏ và thời gian này, trái với hy vọng của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, có thể rất ngắn vì thế giới đang chuyển động rất nhanh chóng và Việt Nam đã chín muồi cho một thay đổi chế độ. Hơn nữa Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã quá phân hóa cho nên ngay khi các đảng viên biết chắc rằng đảng sắp tan, nghĩa là đã có quyết định "bỏ Tầu theo Mỹ", họ sẽ ồ ạt bỏ con tầu sắp chìm. Nó cũng không còn bí mật như những lần trước nữa, nhiều người đã biết và chẳng bao lâu nữa mọi người đều sẽ biết, vào ngay giữa lúc mà đảng đang chuẩn bị cho Đại hội 13 dự trù vào tháng 01/2021" (3).
Chia tay ý thức hệ cộng sản để đi vào quĩ đạo dân chủ là một thách thức vô cùng lớn đối với Đảng cộng sản Việt Nam. Mặc dù quyết định đó là đúng đắn và không thể đảo ngược nhưng lại vấp phải sự chống đối dữ dội của thành phần bảo thủ trong đảng. Họ có lý do để lo lắng một khi Đảng cộng sản bị xóa bỏ. Những việc làm và tội lỗi do họ gây ra cho dân tộc Việt Nam suốt 75 năm cầm quyền của đảng, nhân danh chủ nghĩa cộng sản là quá lớn và quá kinh khủng. Họ vẫn mong là "còn đảng" để "còn mình", nếu đảng không còn thì số phận họ sẽ ra sao ?
Đảng cộng sản Việt Nam đặt hy vọng mong manh vào tổng thống Mỹ Donald Trump vì ông ta không quan tâm gì đến nhân quyền nên sẽ để mặc Việt Nam muốn làm gì thì làm. Tuy nhiên họ sẽ nhanh chóng vỡ mộng vì vai trò độc tôn lãnh đạo thế giới dân chủ của Mỹ đã không còn nữa dù Trump có tái đắc cử tổng thống trong nhiệm kỳ hai hay không. Vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ sẽ do một tập thể các cường quốc dân chủ trong khối G7 và Liên Hiệp Châu Âu đảm nhận. Việt Nam phải đối mặt với sức ép rất lớn từ các nước dân chủ khi "chung đường" với họ.
Trong quá khứ, Đảng cộng sản Việt Nam đã từng có một cơ hội để xoay trục sang thế giới dân chủ đó là khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Chỉ cần có một chút hiểu biết thì họ cũng nhận ra rằng thời đại của chủ nghĩa cộng sản đã chấm dứt và nếu có một chút dũng cảm thì họ đã lấy quyết định chuyển hướng trong một điều kiện hết sức lý tưởng : Dân chủ hóa đất nước một mình. Họ hoàn toàn thoải mái và tự do hành động khi đối lập chưa hình thành, nhận thức về dân chủ của người dân chưa cao. Tuy nhiên sự tăm tối và kiêu ngạo của ban lãnh đạo chóp bu đã ngăn họ làm điều đúng đắn đó. Ông Trần Xuân Bách, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương đảng chỉ vì đưa ra ý kiến "đa nguyên, đa đảng" nên đã bị thanh trừng, xóa bỏ mọi chức vụ đang nắm giữ.
Trần Xuân Bách, một đảng viên cao cấp bị thanh trừng khi đề nghị Đảng cộng sản dân chủ hóa.
30 năm sau, dù không muốn nhưng Đảng cộng sản Việt Nam cũng phải chuyển hướng một lần nữa và đây sẽ lần cuối cùng trước khi bốc hơi khỏi chính trường Việt Nam. Mặc dù ban lãnh đạo Đảng cộng sản đã "qui hoạch" 250 ủy viên trung ương đảng cho nhiệm kỳ tới nhưng ông Trần Quốc Vượng, người có khả năng thay thế ông Nguyễn Phú Trọng đã phải kêu lên là nếu làm không tốt vấn đề nhân sự thì tự ta sẽ lật đổ ta chứ không có kẻ thù nào làm việc đó cả.
Tại sao lại như vậy ? Có thể đoán được là cương lĩnh chính trị của Đại hội 13 vẫn giữ nguyên ngôn ngữ "lưỡi gỗ" như trước đây thay vì dũng cảm xác nhận việc chuyển hướng. Rõ ràng là 250 người được qui hoạch này cũng đang phẫn nộ trước việc ban lãnh đạo lấy quyết định "xoay trục" sang Mỹ và các nước dân chủ mà không hề cho họ biết. Điều này cũng giống như trường hợp các thủy thủ nổi giận khi thuyền trưởng đã đổi hướng đi của con tàu nhưng không thông báo cho họ biết.
Cộng sản và dân chủ trái ngược nhau như nước với lửa nên không thể trông chờ sự thành tâm đổi ý của Đảng cộng sản Việt Nam về hướng dân chủ. Mong muốn và hy vọng của họ là Mỹ và các nước dân chủ sẽ để yên cho họ để họ dân chủ một mình. Có thể trong những ngày sắp tới, họ sẽ lập ra các tổ chức dân chủ cuội hoặc hậu thuẫn cho những nhân sĩ lập ra các tổ chức chỉ có vỏ chứ không có ruột để dễ bề thao túng. Tuy nhiên với dân trí hiện nay của người dân Việt Nam thì các chiêu trò đó sẽ sớm bị lật tẩy và thất bại.
Con đường thoát hiểm duy nhất cho đất nước đó là các thành phần dân chủ và tiến bộ trong Đảng cộng sản mạnh dạn rời bỏ con thuyền sắp đắm để tìm đến và kết hợp với một tổ chức đối lập dân chủ đứng đắn như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Đàng nào thì Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã lấy quyết định chia tay ý thức hệ cộng sản để đi vào quĩ đạo dân chủ. "Trong nước Việt Nam dân chủ tương lai chắc chắn sẽ phải có chỗ cho những người cộng sản nhưng không thể có chỗ cho Đảng cộng sản, không phải vì nó sẽ bị trừng trị hay đàn áp mà chỉ giản dị là nó sẽ tự nhanh chóng bốc hơi như các Đảng cộng sản Đông Âu trước đây. Nó không phù hợp với dân chủ và lẽ phải, như con đỉa không sống được trong vôi" (3). Giải pháp cho Việt Nam chỉ có thể đến từ bên ngoài đảng, tức là từ các tổ chức dân chủ đối lập.
Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đã trình bày rất rõ ràng lộ trình tranh đấu thiết lập dân chủ cho Việt Nam cũng như những kế hoạch cần làm trong tương lai để kiến thiết lại đất nước. Chúng tôi luôn rõ ràng và minh bạch trong mọi chuyện chứ không có gì bí mật hay giấu diếm bất cứ điều gì. Lập trường của chúng tôi trước sau như một và chúng tôi sẽ làm đúng như vậy. Một trong ba lập trường chủ đạo đó và cũng là triết lý điều hành quốc gia trong tương lai của chúng tôi là "Hòa giải và hòa hợp dân tộc". Trên tinh thần đó thì các đảng viên cộng sản cấp tiến lẫn phong trào dân chủ Việt Nam cần "khiêm tốn nghĩ lại mình để vươn lên".
Đất nước Việt Nam đã trải qua muôn vàn khổ đau và mất mát cũng chỉ vì chúng ta đã "thiếu những trí thức chính trị và do đó đã không có tư tưởng chính trị. Một dân tộc như thế không khác một con tầu đi biển không có la bàn, không đụng phải đá ngầm này cũng đâm vào băng đảo khác, tai họa là điều chắc chắn. Thảm kịch cộng sản và sự kéo của nó phải được nhìn như hậu quả của sự mê muội của dân tộc ta sau một lịch sử dài tôn thờ Khổng giáo, một sự mê muội mà chúng ta phải thoát ra bằng lòng quảng đại thay vì chìm sâu vào bằng sự hận thù" (3).
Sự đồng thuận với nhau về một dự án chính trị khả thi được đặt trên nền tảng một tư tưởng chính trị đứng đắn sẽ giúp dân tộc Việt Nam chúng ta rũ bỏ được tất cả những lỗi lầm trong quá khứ để đứng dậy một lần nữa và chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một nước lớn, được thế giới kính trọng và làm cho thế hệ người Việt mai sau có thể tự hào.
Việt Hoàng
(2/2/2020)
---------------
(1) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43361805
(2) https://phanba.wordpress.com/2017/12/19/50-nam-vu-an-xet-lai-chong-dang-het/
(3) https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/15845-2020-nam-c-a-m-t-khuc-quanh-r-t-l-n
(4) http://www.viet-studies.com/kinhte/VuAnChongDang_RFA.htm
Vì sao một Ủy viên Bộ Chính trị với mức lương trung bình, lại có hẳn 30 tỷ đồng Việt Nam để tặng cho Nhà nước Lào với tư cách cá nhân. Tại sao ông Nguyễn Phú Trọng đề cao tính "gương mẫu", nhưng lại im lặng hoàn toàn trước lá thư của tập thể các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam yêu cầu ông Tổng bí thư phải công khai tài sản của mình trước Hội nghị trung ương XII ?
Chỉ có những lãnh đạo không tham nhũng mới có khả năng xoay trục sang Mỹ ?
Dù kỳ vọng cho một sự đổi mới chính trị, ít nhất là khi đường hướng phát triển quốc gia thoát ly ra khỏi hiện trạng phủ bóng của chính trị Trung Quốc, nhưng đôi khi, người viết nhận thấy một sự ngây thơ trong mớ hỗn độn chính trị của người Việt.
Facebooker Trần Đình Thu, một lần nữa lại đề cao vượt mức tính cá nhân làm nên lịch sử đối với ông Nguyễn Phú Trọng trong một bài viết công khai trên Facebook của mình, rằng chỉ có những lãnh đạo không tham nhũng và có quyền lực mới có khả năng xoay trục sang Mỹ.
Về quyền lực, khi ông Trần Đình Thu khẳng định ông Nguyễn Phú Trọng là quyền lực, thì ông lại vô tình loại bỏ yếu tố tập thể lãnh đạo – yếu tố chủ chốt trong hệ chính trị Việt Nam. Chính Bộ Chính trị mới là nhóm người quyền lực, và họ thỏa hiệp theo số đông để tạo chỗ dựa cho ông Nguyễn Phú Trọng. Nhưng quyền lực hơn nữa trong tạo chỗ dựa cho một ủy viên Bộ Chính trị bất kỳ lại là 200 ủy viên Trung ương Đảng – những người được kế thừa quyền lực mang tên "biểu quyết kỷ luật", và chính nhóm 200 người này đã "đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị ; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm" tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2012. Một quyết định gây bất ngờ với chính ông Nguyễn Phú Trọng.
Tiếp đó, tại Hội nghị trung ương IX, trong cuộc bỏ phiếu thi hành kỷ luật Tất Thành Cang, dù quyết định cách chức ủy viên trung ương Đảng, nhưng cũng đã có 36% không tán thành. Trong khi đó, Cang là một nhân tố nổi bật liên quan đến lợi ích nhóm về chính sách nói chung và đất đai nói riêng, gây bức xúc dư luận và khiến cho uy tín thành phố Hồ Chí Minh xuống thấp.
Đề cập như vậy, để ông Trần Đình Thu nhận thấy rằng, "tập thể" là quan trọng, và ngay cả kiêm nhiệm hai chức vụ chỉ mang tính tạm thời, nó không phải là nhất thể hóa để đem lại một quyền lực lớn như cách ông Trần Đình Thu tưởng tượng ra. Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng trong lần được Ban Chấp hành trung ương giới thiệu làm Chủ tịch nước cũng đã tuyên bố rằng : Không phải nhất thể hoá, đây là tình huống.
Sự đi lên của quyền lực ông Trọng, một phần đến từ nội lực sắp xếp của chính ông, phần còn lại nằm ở chính bối cảnh khiến cho các vị Ủy viên trung ương Đảng phải chấp nhận "quyền lực ông Trọng", đó là nguy cơ đánh mất chế độ do tham nhũng, đặc biệt dưới thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng. Một nguy cơ, một nỗi lo có thật mà chính bản thân những cựu quan chức hoặc quan chức đương quyền thừa nhận. Điều ông Nguyễn Phú Trọng mang lại qua chiến dịch "đốt lò" chính là niềm tin, thứ niềm tin của người dân, niềm tin mà nếu không có thì dễ dàng dẫn đến "mất dân, mất chế độ" như cách mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận gần đây.
Quyền lực của ông Trọng vì thế, lại chính là quyền lực mà nhóm đảng viên trung và cao cấp đồng thuận được để giữ được lợi quyền cho chính mình trong hiện tại và tương lai, một lợi quyền chỉ có thể chế này mang lại.
Về tham nhũng, Facebooker Trần Đình Thu cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng có khả năng xoay trục sang Mỹ vì không tham nhũng. Tuy nhiên, tại sao ông Thu không đặt câu hỏi vì sao một Ủy viên Bộ Chính trị với mức lương trung bình, lại có hẳn 30 tỷ đồng Việt Nam để tặng cho Nhà nước Lào với tư cách cá nhân. Tại sao ông Nguyễn Phú Trọng đề cao tính "gương mẫu", nhưng lại im lặng hoàn toàn trước lá thư của tập thể các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam yêu cầu ông Tổng bí thư phải công khai tài sản của mình trước Hội nghị trung ương XII ?
Ông Trần Đình Thu có kỳ vọng về một Gorbachev ở trong tư duy ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng ngay cả Gorbachev cũng chỉ là một tác nhân làm tràn ly cho sự tan rã của Liên Xô. Trong cuốn sách Suy nghĩ về quá khứ và tương lai, ông Gorbachev đã ghi rằng : Nó [sự tan rã Liên Xô] đã được quyết định bởi giới tinh hoa chính trị và các nhà lãnh đạo của các nước cộng hòa. Những người này tham vọng và khát vọng lớn.
Nếu đối chiếu về bối cảnh Việt Nam, thì giới tinh hoa chính trị và những nhà lãnh đạo nhận thức và khát vọng được vai trò "xoay trục, chuyển đổi", đặt trong bối cảnh kinh tế và sự vận động xã hội (sự vận động chậm chạp của nền kinh tế, và sự bùng phát nhìn nhận quyền của người dân), và họ sẽ giao phó trách nhiệm đó cho một cá nhân - nói cách khác, những tinh hoa chính trị Việt Nam cần thức tỉnh như cách mà Triệu Tử Dương và Hồ Diệu Bang từng thức tỉnh. Khi mà các yếu tố nêu trên không có, thì một cá nhân có hơi hướng "xoay trục" sẽ lập tức trở thành đối tượng "tự diễn biến, tự chuyển hóa".
Thứ hai, bản thân Gorbachev cũng đặt mình là một nguyên thủ, mà vai trò của ông chính là đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân sau bức tường sắt, chứ không phải ĐCS, chủ nghĩa Mác – Lenin. Điều mà ông Nguyễn Phú Trọng đến nay vẫn chưa hiện hữu về phát ngôn và hành động. Mặc dù, về mặt hình thức, "lợi ích tốt nhất cho người dân" của ông Trọng được ông hiểu qua chiến dịch "đốt lò" – một cách "lẫy mỡ nó rán nó".
Cấm xã hội dân sự, hạn chế quyền con người của nhân dân, chặn đứng bàn về tam quyền phân lập trong đảng, không công khai tài sản…. Nhưng tại sao ông Trọng lại trở thành "vĩ nhân" trong mắt ông Trần Đình Thu ?
An Viên
Nguồn : VNTB, 20/05/2019
Chỉ có những lãnh đạo không tham nhũng mới có khả năng xoay trục sang Mỹ ?